Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Tính kịch trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan


Tính kịch trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan

360 Độ Sách
Có thứ hạng trong văn đàn ở Việt Nam, Nhà văn Nguyễn Công Hoan có một phong cách riêng biệt khi các tác phẩm của ông phản ánh hiện thực chua cay thông qua cách nhìn rất "kịch" để làm nổi bật lên giá trị nhân văn muốn đề cập.



Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

"Bước Đường Cùng" Của Nguyễn Công Hoan - Xuân Vũ Hồi ức


"Bước Đường Cùng" Của Nguyễn Công Hoan

Xuân Vũ Hồi ức

Nguyễn Công Hoan trào phúng hình như bẩm sinh. Ông nhìn vật gì cũng với cặp mắt trào phúng. Không vật gì nghiêm túc cả. Đó là nét đặc biệt của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Nét đặc biệt thứ hai là (theo ông nói) ông không hề đọc sách, trừ sách giáo khoa, nhất là truyện. Hỏi tại sao? Ông bảo sợ viết trùng với người khác. Hay hơn hoặc dở hơn cũng đều bị chê là cầm nhầm.

Nét thứ ba: Nguyễn Công Hoan không bao giờ đi thực tế nông thôn hay nhà máy.
Nét thứ tư: Ông chữa trong khi viết. Viết xong là xong, đưa in chớ không có viết lại bản thảo thứ hai thứ ba.

Ông được hỏi trong trường hợp nào ông cho ra đời kiệt tác Bước Đường Cùng. Ông nói ông có nghe tí chuyện ở đâu đó rồi phát hứng lên, bỏ nhà đi đến một nơi im lặng, đóng cửa viết luôn mười lăm ngày xong đem về in. Ông viết trên giấy rời. Tờ nào không ưng ý thì rút ra viết tờ khác. Tôi có thấy bản thảo của ông. Chữ rất đẹp, trang nào cũng sạch nguyên, không dập xóa mù mịt như bản thảo của Tô Hoài.

Dường như trời phú cho ông cây bút, hễ viết là ra văn, không phải chữa. Nên nhớ, địa vị của ông đã tột đỉnh trước 1945 chớ không phải do đảng đào tạo.

Ông có nụ cười rất hóm. Ánh mắt tươi tỉnh sau mục kỉnh. Nhưng ít nói chuyện. Cơ quan cần họp đem xe đến rước ông đến, họp xong ông về, không mấy khi ở lại cơ quan lâu lắc. Dù là chủ tịch Hội Nhà Văn, ông cũng không giải quyết vấn đề gì cả. Nhưng tôi thấy hình như vào thời kỳ sau 54 thì ông cũng không thiết sáng tác.

Nguyễn Công Hoan tụt thang sau 1954. Ông viết rất thưa thớt, không có lửa. Ở Việt Bắc cũng thế. Độc giả tự hỏi: “Sao ông không có tiểu thuyết kháng chiến? Trong lúc đó thì trước 45, tác phẩm của ông chồng cao đến đầu?”.

Lúc ra Hà Nội tôi cố ý tìm những tác phẩm mới của những bậc tài danh cũ để đọc, một bữa đang ngồi trên ghế thợ cạo, tôi vớ nhằm tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới ra, thấy truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, viết theo hình thức những lá thư, nhân vật tên là Huyền. Đọc xong tôi thấy buồn. Không phải Nguyễn Công Hoan.

Trong lần đấu tranh đè bẹp Nhân Văn Giai Phẩm ở nhà hát lớn Hà Nội, đáng lẽ ông phải ngồi trên chủ tịch đoàn, nhưng không hiểu tại sao ông lại trốn xuống tận hàng ghế chót của hội trường mà ngồi?

Tôi nhớ chắc chắn không lầm, trong suốt mười năm ở Hà Nội, tôi chỉ đọc có một truyện ngắn của ông. Truyện Cây Mít dài chừng nửa trang đầu báo Văn Nghệ. Độc giả, nhất là đám mới tập tễnh vào nghề như tôi, mừng rơn: Lão Tướng lại ra quân. Nhưng không, sau Cây Mít, không có cây ổi, cây xoài gì nữa cả. Mảnh vườn văn học Hà Nội chỉ loe hoe vài ngọn cỏ...

Cây Mít lấy đề tài trong Cải Cách Ruộng Đất – Nội dung là một anh bần cố bị cướp đất trên đó có cây mít. Nhờ Cải Cách Ruộng Đất anh bần cố kia lấy lại được đất và hái quả chín chia cho gia đình vừa ăn vừa ơn bác ơn đảng. Chỉ có thế thôi. Tôi không thể kể hơn được vì Nguyễn Công Hoan chỉ ơn bác ơn đảng có thế. Tất cả nhà văn đều bị lưỡi dao xã hội chủ nghĩa thiến cụt, không riêng gì cụ Hoan.

Nói cho ngay hồi đó cũng không thấy ai in tác phẩm nào, trừ Tô Hoài. Xã hội chủ nghĩa đến đâu, hư hại đến đó. Xin công bình mà nói. Hồi còn kháng chiến thì xã hội chủ nghĩa còn sương mờ rơi chưa hiện rõ hình con quái vật. Về Hà Nội, nó hiện lên trên tường, trên ngã ba ngã tư, trong loa, trên báo với những chữ: yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước. “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Như vậy đó! Nhà văn không viết được. Nhà văn không được phép chế diễu xã hội chủ nghĩa. Đòn bút này chỉ dành cho kẻ thù. Mặc dù đảng có lắm cái đáng đem ra cho nhân dân cười cho vui đời. Nếu Nguyễn Công Hoan còn sống thì ắt cái vụ Cụ Hồ nhà ta có vợ có con sẽ được ông dựng thành một cái Oẳn tà Roằng xã nghĩa chớ không phải chơi. Còn cái lăng Bác kia có khác nào cái nhà mồ của Trần Văn Thừa trong Đống Rác Cũ của ông? Xã hội chủ nghĩa có biết bao Xuân Tóc Đỏ, biết bao Phó Doan, biết bao nhiêu cô Tuyết và ông Phán bị cắm sừng nhưng văn học bị cấm thể hiện. Phải ca ngợi những đảng viên Cần Kiệm Liêm Chính, những đồng chí bí thư toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, những anh hùng phân xanh phân chuồng chăn bò chăn vịt. Phải làm sao cho nhân dân thấy xã hội chủ nghĩa không có lãnh tụ ăn cơm gạo tám không hết đổ đi trong lúc nhân dân ăn củ chuối cầm hơi.

Nguyễn Công Hoan chẳng khác nào một cái cây đang mọc trên đồng bị bứng đem đi trồng trên núi đá.

Nguyễn Công Hoan chỉ còn cách tự trào cho qua ngày đoạn tháng!

Vào những năm cuối đời, ông có cố gắng làm ngọn đèn trước khi tắt. Ông đã viết luôn hai quyến: Hỗn Canh Hỗn Cu, Tranh Tối Tranh Sáng để mô tả Cải Cách Ruộng Đất và nông thôn sau Cải Cách Ruộng Đất, nhưng cả hai đều không phải Nguyễn Công Hoan của Bước Đường Cùng trước 1945 là tác phẩm đã đưa ông lên đỉnh cao nhất của văn chương tả chân Việt Nam. Điều đó làm người ta tự hỏi:
– Tại sao Nguyễn Công Hoan chưa vô đảng lại mô tả nông dân thành công hơn Nguyễn Công Hoan đảng viên Cộng Sản? Hóa ra cái lập trường vô sản không phải do nhồi nặn mà nên hay sao?

Nếu dịch Bước Đường Cùng ra tiếng Pháp hay tiếng Nga mà không để ngày tháng thì người ngoại quốc sẽ ngộ nhận rằng đó là tác phẩm do đảng viên Cộng Sản Nguyễn Công Hoan tậu nên chớ không phải Nguyễn Công Hoan nhà văn của thời kỳ đế quốc thống trị Việt Nam.
Lúc bấy giờ Cộng Sản Hà Nội có hai thái độ rất hèn hạ: không hề nhắc tới tác phẩm Bước Đường Cùng, hoặc nếu bắt buộc phải nhắc thì chỉ nhắc lấy lệ, không coi đó là niềm tự hào của văn học Việt Nam. Tôi hết sức lấy làm lạ rằng ngay ở các nước Cộng Sản Đông Âu Liên Xô, người ta vẫn đề cao tác phẩm của các nhà văn tiền bối không có hơi hám vô sản gì cả như thơ và truyện của Pouchkine, Tourguériev, Sadoreana, Gogol. Còn ở Việt Nam thì làm ngược lại nhất là đối với Tự Lực Văn Đoàn thì Tố Hữu không hết lời mạt sát, còn coi đó là văn học phản động. Chính Nguyễn Đình Thi đã cho Vũ Trọng Phụng là Troskít. Để rồi sau đó ca ngợi Vũ Trọng Phụng. Chính Viện Văn Học lại kỷ niệm Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam, làm phim Lá Ngọc Cành Vàng, Số Đỏ, Bỉ Vỏ,... nhưng tuyệt đối không nhắc tới Nhất Linh và Khái Hưng là chủ tướng của Tự Lực Văn Đoàn.
Bây giờ xin trở lại Nguyễn Công Hoan.

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã không tiếc lời ca ngợi Nguyễn Công Hoan về nghệ thuật lẫn về tư tưởng: Ông xếp Nguyễn Công Hoan bậc nhất trong các cây bút tả chân.

Tất cả tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đều là những tiểu thuyết tả thực về phong tục Việt Nam về hạng trung lưu và hạng người nghèo. Ông quan sát hết sức kỹ lưỡng và rất đúng, sự nhận xét của tác giả thật tinh vi. Đọc ông người ta không bao giờ phải phàn nàn rằng nhà văn cứ quanh quẩn trong mấy đầu đề như nhiều nhà văn khác... Ông viết truyện nhi đồng rất tài tình...

Nhưng đối với xã hội chủ nghĩa thì Nguyễn Công Hoan hết đất sống. Ngòi bút của ông bị Tố Hữu bẻ gãy và dìm xuống đất đen, để cho hắn ngoi lên làm thần tượng giả của nông dân và công nhân Việt Nam trong mấy chục năm trời với Từ Ấy, Việt Bắc và Gió Lộng.

Nguyễn Công Hoan cố gắng làm Tần Thúc Bảo trong Thuyết Đường cử đảnh trước triều đình. Nhưng đã thổ huyết và chết. Nguyễn Công Hoan đã viết quyển Đống Rác Cũ năm trăm trang tung ra giữa cánh đồng văn học xã nghĩa chỉ còn trơ gốc rạ. Nhưng vì nó vượt hẳn bàn tay lãnh đạo của đảng nên đảng tìm cớ để triệt hạ nó. Đảng bảo là Nguyễn Công Hoan chơi trò biểu tượng hai mặt, lấy đống rác cũ để ám chỉ đống rác mới của chế độ: Chính là đảng đó chớ không gì khác.

Và các cơ quan tuyên huấn tha hồ phát động quần chúng chống đối tác giả. Việc tịch thu sách đã xảy ra. Nguyễn Công Hoan đành bó tay xếp bút đến chết.

Cái Bước Đường Cùng của anh Pha (*) năm 1938 lại trở thành đường cùng của Nguyễn Công Hoan năm 1958. Cũng như Vang Bóng Một Thời trở thành cái bóng không may của Nguyễn Tuân trong chế độ xã hội chủ nghĩa vậy.

Hai ông khổng lồ của văn học Việt Nam đã tìm thấy cái chết dưới ánh sao vàng. Tố Hữu ơi! Mi là tên sát nhân văn học. Danh vọng hão Nhà thơ số hai của mi xây trên xác chết của biết bao nhà văn nhà thơ cùng thời với mi, trước mi và cả sau mi nữa.

Nguyễn Công Hoan đã qua đời hơn hai mươi năm nay, để khỏi phải nhìn thấy các cuộc nổi loạn văn chương sau này.

Tôi đọc những truyện ngắn của ông trên nửa thế kỷ.

Tôi được ông tiếp chuyện riêng một cách bất ngờ ở bên bờ Hồ Tây (phía bên chợ Bưởi) cũng đã bốn mươi năm. Thật là một thời gian quá dài.

Khi nói chuyện trong đại hội nhà văn lần 1 ở câu lạc bộ Đoàn Kết, ông có nói một câu làm cả hội trường kinh ngạc:

- Tôi không bao giờ đọc truyện của ai. Vì sợ viết trùng với người khác!

Tôi nhớ rõ lắm. Không thể sai được. Từ đó đến nay tôi vẫn không quên, nhưng tôi không tin hoàn toàn, chớ không phải hoàn toàn không tin. Nhưng hôm nay thì tôi tin hoàn toàn.

Chuyện có vẻ ngớ ngẩn, lạ lùng nhưng tôi cho rằng ông nói thật. Số là như sau:
Tôi đọc truyện Oẳn tà roằn của ông lâu lắm. Không nhớ là bao lâu nhưng vẫn còn nhớ cốt chuyện.

Một cặp vợ chồng nọ rất đẹp đôi. Lần đó bà vợ có thai. Ông chồng hi vọng sẽ đẻ ra một thiên thần con, khi nghe tiếng khóc oe oe, ông được phép vào xem mặt con, thì than ôi, đứa bé đen như than hầm. Ông chồng thất vọng ôm mặt chạy ra.
Ông không nghi ngờ vợ ngoại tình với ai, nhất là với một anh Tây đen nào đó. Đúng ra ở trong chung cư có một anh Tây đen. Hai vợ chồng ông ở tầng lầu còn anh Tây đen thì tầng trệt. Vì thế những người láng giềng nhìn thấy mặt nhau luôn. Đặc biệt người đàn bà thì rất sợ bộ mặt kinh hoàng của anh Tây đen.
Một bác sĩ tâm lý nhận định rằng sự sợ hãi đó đã gây một ấn tượng càng ngày càng sâu sắc cho người đàn bà và vì thế mà bà ta sinh ra một Oẳn tà roằn. Anh chồng tin như vậy, để tìm lấy một sự an ủi, nhưng vẫn đau khổ mỗi khi trông thấy Oẳn tà roằn.

Năm nay 1998, tôi được nghe thi sĩ Đỗ Quí Bái kể cho nghe trên phôn một câu chuyện. Một anh chàng lén vợ yêu một cô nàng khá đẹp. Sau một thời gian, cô bé có bầu. Chàng ta định bụng khi cô nàng sanh nở xong sẽ ly dị vợ để xây tổ uyên ương với nàng. Nhưng khi cô nàng sanh ra thì lại là một baby mắt đục như nước cơm và tóc vàng tươi, thơ mộng... như lúa chín. Anh chàng thất vọng tràn trề, đành câm lặng không biết nói sao..

Thi sĩ Đỗ Quí Bái kể cho tôi nghe xong, hai đứa cười vang trên phôn. Tôi nói ngay:
– Đúng là một Oẳn tà roằn!

Nhà thơ bảo tôi viết thành truyện ngắn. Tôi thấy truyện có chất trào phúng chua cay nên đề nghị bạn mình hãy làm thơ trước rồi tôi sẽ viết truyện và để bài thơ đó làm một cái sa-pô cho truyện.

Nhưng nhà thơ đã làm bài thơ xong, đọc cho tôi nghe và gởi cho tôi lâu rồi. Bao nhiêu lần tôi cầm bút định viết cái truyện nhưng rồi lại buông bút, không viết được.

Tôi cảm thấy viết ra nó sẽ không hay bằng nghe kể.

Và bây giờ tôi mới tin rằng Nguyễn Công Hoan nói ông không đọc ai, vì sợ viết trùng - là thật!

Đã có cái Oẳn tà roằn của Nguyễn Công Hoan ra đời trước đây năm mươi năm rồi.
Bây giờ mình đẻ ra một cái oẳn tà roằn khác, dù không phải copy thì cũng bị coi là copy.

Vì thế mà Nguyễn Công Hoan không đọc của ai. Và vì tôi đã đọc Oẳn tà roằn của Nguyễn Công Hoan nên tôi không viết cái Oẳn tà roằn của Đỗ Quí Bái kể cho tôi nghe được.

(*) Nhân vật chính của Bước Đường Cùng.

Xuân Vũ
Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết, Tập III
Nxb Xuân Thu, 1998



Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Nguyễn Công Hoan – Một đời văn viết vì con người


Nguyễn Công Hoan – Một đời văn viết vì con người

Thúy Trân
Sở hữu một phong cách sáng tác vô cùng đặc biệt với hàng loạt tác phẩm gây chấn động trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Công Hoan trở thành một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp văn học nước nhà.

Ông để lại một di sản lớn cho văn đàn Việt Nam với hơn hai trăm truyện ngắn, gần ba mươi truyện dài và nhiều bài tiểu luận văn học. Những bài phê bình, nghiên cứu lý luận được đánh giá rất cao vì có cái nhìn và cách tiếp cận sắc sảo về các tác giả.


Mục lục
  1. Nguyễn Công Hoan sinh ra đã định cho văn chương vì con người
  2. Nguyễn Công Hoan chiếm một vị trí quan trọng không thể thay thế trong văn đàn dân tộc
  3. Những tác phẩm để lại cho đời nhiều giá trị sâu sắc
  4. Bậc thầy của truyện ngắn châm biếm Việt Nam luôn sống mãi trong trái tim người đọc

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Khai bút đầu năm


Khai bút đầu năm

TẠ VĂN SỸ


Có trích truyện dài Thanh đạm.

Khai bút là một nét văn hóa đẹp của các nước Á Đông. Không rõ mỹ tục khai bút đã có từ bao giờ. Chỉ biết các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa thường khai bút đầu năm. Ngày nay một số ít nhà thơ, nhà văn, nhà báo cũng còn giữ lệ khai bút ấy mỗi khi tết đến xuân về.

Ngày xưa các cụ khai bút rất cầu kỳ, trang trọng. Tôi còn nhớ thuở bé đọc tiểu thuyết Thanh Đạm của nhà văn Nguyễn Công Hoan có đoạn tả cảnh khai bút đầu xuân ở một huyện đường (trụ sở huyện) thấy chuyện khai bút thật sự như một buổi hành lễ nơi thánh đường của một tôn giáo nào đó:
“Giữa công đường bày một cái sập, trên trải chiếu cạp điều, phủ thêm khăn gấm. Mé ngoài bày một đỉnh trầm và đôi đèn sáp ong thắp sáng; mé trong bộ tam sự, lọ sứ cắm cây chuối có gài vài bông giấy đỏ. Đối diện với lộc bình là tấm gương mờ đặt trên giá gỗ. Quan huyện mặc áo thụng, bước vào giữa chiếu trải dưới đất, cúi lạy lễ vọng Hoàng thượng (vua) 5 lạy rồi lui ra cho các thầy đề, thầy thông vào lễ. Xong, quan huyện ra ngồi ở ghế ngựa kê ở gian bên sau chiếc án thư trùm nhiễu đỏ, có để sẵn giấy hồng điều. Quan khai bút bốn chữ “Vạn niên an lạc”, rồi đóng ấn son niên hiệu nhà vua ở phía trên. Thầy đề bắc thang leo lên bóc tờ hoa niên năm ngoái đã bạc màu, dán tờ tân xuân khai bút mới, màu đỏ tươi lên giữa xà nhà công đường…”.
Thế đấy! Lễ khai bút ngày xưa rất cầu kỳ, trang trọng như là một… “tín ngưỡng” vậy đấy! Nó được duy trì liên tục suốt một thời gian dài Hán học, và có lẽ thưa dần vào thời tân học, tức thời thuộc Pháp, học chữ quốc ngữ?

Vào cái thuở giao thời giữa cựu học và tân học ấy, các cụ nhà ta vẫn còn giữ nếp khai bút, như ông Tú Thành Nam Trần Tế Xương viết về việc mình khai bút đầu xuân rồi khoe với vợ:
“Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt”!
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng: dốt hay hay?
Thưa rằng: hay thực là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!...
Nhà thơ trào phúng trứ danh thời Thơ Mới là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu cũng “luận” về cái sự khai bút:
Là văn sĩ lẽ nào không khai bút
Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài
Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời
Thì tết đến cũng phải có bài thơ rắc rối
Rót thêm mực, thay ngòi bút mới
Thảo mấy dòng cảm khái sau đây…
Thú chơi tao nhã này sánh ngang hàng với thư pháp, bởi những câu chữ khai bút thường được viết rất cẩn trọng, dầu là nắn nót hay bay bướm. Các kiểu chơi chữ, cho chữ, xin chữ, rước chữ cũng từ đấy mà ra.

Khai bút có thể là một chữ, một câu, một đoạn, hoặc cả bài thơ.

Những chữ thường viết nhất vào ngày tết là: Phúc, Đức, Tài, Lộc, Ân, Nghĩa, Thần, Thọ, Tâm, Nhân, Nhẫn, Đại cát, An khang, Thịnh vượng, v.v…

Ngày xưa viết bằng chữ Hán, các cụ thường dùng các kiểu viết để thể hiện biệt tài “phượng múa rồng bay” của mình, như: cổ lệ, đại triện, chân phương, chân thảo, khải thư…

Ngày nay dùng chữ quốc ngữ theo ký tự la-tinh, các nhà thư pháp cũng vung bút tùy thích theo ngẫu hứng của mình, thậm chí có chữ… không tài nào đọc ra! Có người còn tách, ngắt chữ quốc ngữ, khuôn theo kiểu chữ vuông như Hán tự cho có vẻ… cổ điển!

Chữ và nghĩa của những câu từ khai bút thường thể hiện tâm trạng và tư duy của người viết. Nét chữ thường thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, tự tin, hoặc bay bướm, tài hoa, khí phách - Nghĩa thì thường hướng tới cái đẹp, cái đạt, cái hay cho những ngày kế tiếp trong năm. Là cũng bởi các cụ quan niệm nếu nói cái xấu, cái dở, cái xúi quẩy thì có khi nó “vận” vào mình, khó thoát!

Tuy nhiên, tùy tâm trạng và tình cảnh hiện tại của người viết, cũng lắm khi khai bút là nhằm thể hiện cái sầu, cái hận, cái khổ, cái bất bình, cái chí khí riêng. Ví dụ tương truyền những ngày “lăn lóc” đất phương Nam, vào một tết nọ, “nhà thơ đồng quê” Nguyễn Bính có khai bút bài thơ tứ tuyệt rồi đem dán trước cổng ngõ căn nhà đang ở trọ:
Từ độ về đây sống kiếp nghèo
Bạn bè còn có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu!
Nếu chỉ hiểu thoáng qua, có thể cho rằng Nguyễn Bính “khoe” cái nghèo cái khó của mình, nhưng thật ra là nhằm “hạ bệ” bọn bất nghĩa bất nghì, để tụng ca cái đẹp, cái tốt đấy! Tết nhất mà lị, ai lại nói cái dở, cái xấu ra làm gì!

Nhân ngày xuân, một tí tản mạn và nhàn đàm, vừa chơi vui, vừa cũng là để hoài niệm lại một nét “đẹp xưa” nay đã hao mòn!

TẠ VĂN SỸ



Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Chặng đường nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan


Chặng đường nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan

Lê Thị Hằng (ghi)
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Được đồng nghiệp đánh giá là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan*, PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh** đã dành nhiều thời gian trong 40 năm cuộc đời, nỗ lực, kỳ công nghiên cứu và cho ra đời nhiều công trình về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn hiện thực trào phúng nổi tiếng này.
PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh



Tôi xuất thân từ một gia đình gia giáo ở xã Khương Đình (nay là phường Hạ Đình), quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cha làm nghề dạy học, mẹ buôn bán nhỏ. Từ nhỏ, tôi đã có năng khiếu về toán nên sau đấy ước mơ trở thành sinh viên khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng đến ngày thi đại học thì tôi bị ốm, đành phải bỏ thi. Để có thu nhập phụ thêm cho gia đình, tôi đã nhận đan len thuê và dạy môn toán cấp 2 ở trường Đoàn (do Đoàn Thanh niên mở). Tôi còn tham gia các hoạt động xã hội như đi dạy học để xóa mạn mù chữ, điều tra dân số...

Đến năm 1960, có người nói ở Viện Văn học đang cần người làm tư liệu cho cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945. Tôi lên Viện Văn học và gặp ông Phan Nhân. Ông hỏi tôi biết gì về văn học. Tôi bèn đọc thuộc lòng một đoạn văn của Vũ Trọng Phụng. Thế là tôi được nhận và trở thành nhân viên làm tư liệu của Viện.

Năm 1961, theo gợi ý của ông Nguyễn Đức Đàn (Cán bộ trong tổ Văn học hiện đại), tôi đã tập viết bài nghiên cứu về tiểu thuyết “Hỗn canh hỗn cư” của Nguyễn Công Hoan. Tôi quyết tâm cao lắm, ba ngày tết đóng cửa ngồi viết. Sau đó phải có sự sửa chữa của ông Thành Duy1 bài viết mới đăng báo Văn nghệ được, chúng tôi là đồng tác giả. Sau đó, tôi đọc nhiều bài nghiên cứu học tập cách viết và viết một bài về nhà văn Thép Mới là “Bút ký của Thép Mới”. Khi ấy công việc chính của tôi vẫn là làm tư liệu cho cuốn “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945” của tổ Văn học hiện đại, nhưng bước đầu đã làm quen với việc nghiên cứu. Do thường xuyên đi thư viện nên tôi tìm được những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan mà trên các sách báo chưa nói đến, như cuốn “Ông chủ”, “Bà chủ” (hai truyện vừa in vào một cuốn). Tôi thấy hay, thế là về báo cáo với ông Hoài Thanh (khi ấy là Phó Viện trưởng Viện Văn học, đồng thời phụ trách Tạp chí Nghiên cứu văn học) và bảo tôi muốn viết về “Ông chủ”. Rồi tôi lại đến gặp ông Nguyễn Công Hoan, kể lại nội dung truyện cho ông nghe, ông cười và nói “tôi giống như người đẻ nhiều rồi quên cả mặt con”. Thế rồi tôi tiếp tục đọc, nghiền ngẫm, suy nghĩ để viết bài “Ông chủ, một tác phẩm hay về vấn đề nông dân trước cách mạng”. Đó là bài đầu tiên tôi viết về Nguyễn Công Hoan đăng trên Tạp chí nghiên cứu Văn học năm 1969. Bài viết rất công phu nên được mọi người chú ý và nhà văn Nguyễn Công Hoan thích thú. Nhờ vậy, tôi tạo được ấn tượng tốt, bởi nhà văn rất quý những người làm việc nghiêm chỉnh. Đó cũng là khi tôi chính thức đi vào nghiên cứu Nguyễn Công Hoan.

Sau đó, tôi viết bài “Ảnh hưởng của Đảng đối với sáng tác của Nguyễn Công Hoan thời kì Mặt trận Dân chủ”. Tôi tiếp tục viết một số bài tạp chí. Sau nhiều lần gặp gỡ, trò truyện để hỏi về quá trình viết từng truyện ngắn, truyện dài, tìm hiểu tư tưởng, tình cảm nhà văn,... Những bài viết của tôi đăng tạp chí được đánh giá tốt, vì thế tôi quyết định chọn đề tài luận án phó tiến sĩ về truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Quá trình ấy, tôi viết dần các bài. Đương nhiên, tôi phải đọc rộng ra các tác giả khác, đọc lý luận về truyện ngắn, về nghệ thuật trào phúng, về tiểu thuyết... thế nên dần dần cái phông hiểu biết của tôi cũng mở rộng ra. Coi như đó là quá trình vừa làm vừa học. Do vậy, tôi vẫn có thể viết bài về các nhà văn khác, như viết về nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Phan Tứ, rồi “Phụ nữ ba đảm đang”, Vũ Trọng Phụng... nhưng tập trung nhất vẫn là Nguyễn Công Hoan. Cũng thời gian ấy, tôi phải đi học thêm lớp đại học buổi tối ở câu lạc bộ Đoàn Kết, gần Nhà hát lớn, do Đảng xã hội mở để có được tấm bằng đại học văn sử hệ ba năm.

Về lý do tôi chọn nghiên cứu Nguyễn Công Hoan, có thể tóm lược như sau: Nguyễn Công Hoan là một nhà văn hiện thực tài năng, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Có thể coi ông là người mở đường cho chủ nghĩa hiện thực, có khối lượng sáng tác phong phú, với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài, một số bài ký và nhiều bài tiểu luận. Tên tuổi ông gắn liền với truyện ngắn trào phúng, truyện dài Bước đường cùng, các tác phẩm Ông chủ, Cái thủ lợn, Lá ngọc cành vàng,... và cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi. Đương nhiên, không phải không có những mặt hạn chế, bị phê phán, nhưng tóm lại, Nguyễn Công Hoan vẫn được giới phê bình đánh giá cao và rất được độc giả hâm mộ. Nhiều độc giả gửi thư hoặc đến gặp ông để chia sẻ tâm sự; họ xếp hàng mua báo có in truyện ngắn của ông; có lần, tưởng ông mất, họ làm lễ truy điệu... Và ngày càng có sự đánh giá thỏa đáng về ông, đặc biệt là các truyện ngắn trào phúng viết trước cách mạng, được coi là một kho tàng quý báu. Không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, Nguyễn Công Hoan cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, thậm chí rất cao với một số truyện ngắn trào phúng. Nhiều nước dịch truyện của ông. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996). Tuy vậy, trước kia tôi thấy chỉ có một ít chương sách, giáo trình, bài báo, chưa được nghiên cứu sâu, kỹ, nhiều mặt và nhất là chưa có công trình nghiên cứu về truyện ngắn cũng như toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Do đó, tôi đã đi sâu nghiên cứu về nhà văn nhằm lấp đầy những khoảng trống đấy.

Tôi thường đến nhà ông Nguyễn Công Hoan để trao đổi mỗi khi viết bài, như thế mới thấu tình đạt lý. Ông cũng rất hay đến nhà tôi. Ông nói chuyện thân tình với cả chồng tôi, và ông rất yêu các cháu bé, con tôi. Có lần, ông bế con trai thứ hai của tôi trên lòng. Tôi khoe: “Cháu đã biết đọc rồi đấy ạ!”. Ông hỏi cháu: “Cháu có đọc được truyện của ông không?”. Cháu nói: “Thưa ông, cháu có đọc được một đoạn ạ!”. Ông hỏi: “Cháu có nhớ được gì? Nói ông nghe”. Cháu nói: “Cháu nhớ là ông viết: “khoai ăn cả vỏ càng đỡ tốn” ạ! Thì ra, đó là câu trong truyện ngắn “Bữa no đòn”.

Khi tái bản tập 2 “Truyện ngắn chọn lọc” của ông, tôi rủ ông đi thư viện để chép (hồi đó chưa nhờ thư viện photocopy được, ông đọc, tôi chép). Ông lưỡng lự vì không có thẻ đọc nên đến cổng thư viện thì dừng lại. Tôi vội đi lên trước và nói với người gác cổng: “Đây là nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan”. Ông gác cổng cúi đầu chào và nói “Xin mời bác vào”. Ông Nguyễn Công Hoan quay sang phía tôi, cười hóm hỉnh: “Hóa ra nhà văn thiếu vốn sống thật”.

Một lần khác, có nhà nghiên cứu người Tiệp Khắc đến gặp ông để nghiên cứu thì ông bảo “đến tìm cô Hạnh, chứ tôi không tự nghiên cứu về tôi”. Khi bị ốm, ông nhờ người báo tin ngay cho tôi. Tôi đến thăm, ông kể về bệnh tật, rồi chuyện văn, chuyện đời... Khi ông qua đời, cô Ngọc Tú2 đến báo, tôi và cô ấy đều khóc! Thương nhớ ông lắm! Bao nhiêu lần ông đến nhà, tình cảm ông dành cho tôi rất đáng trân quý. Mấy lần ra sách ông đều tặng tôi đầu tiên, cuốn “Đời viết văn của tôi” ông mang đến tận nhà tôi tặng. Còn nhớ, năm 1971, khi mới sinh con trai út, tôi đến dự lễ mừng thọ ông ở Hội nhà văn. Lúc vào phòng, ông lặng lẽ đi xuống bắt tay tôi và nói: “thôi, bây giờ tạm thời nghỉ nghiên cứu trông con cho cẩn thận nhé”. Ông mất rồi, mỗi lần tôi đến nhà, vợ ông đều pha nước đặt lên bàn thờ, thắp hương và khấn “ông về đi, cô Hạnh đến đấy”! Bà mắt kém, còn bắt cháu đưa đến nhà tôi chơi. Tôi cảm động lắm!
Tôi có nhiều thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, đó là được nhà văn nhiệt tình tâm sự khi có thể, ông còn mượn tài liệu giúp. Tôi được một số người quen cho mượn những bài báo cũ để đọc; lại được cán bộ thư viện Trung ương rất ưu tiên cho đọc và mượn sách bị hạn chế. Phải nói thật là gần như không ai có nhiều tài liệu bằng tôi. Và đặc biệt khi làm luận án tôi được GS Vũ Đức Phúc hướng dẫn rất tận tình.

Nhưng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất là chính nhà văn không giữ được các tác phẩm của mình nên tôi phải đi thư viện đọc và tìm gặp bạn bè, người thân của ông để mượn tài liệu và tìm hiểu thêm về nhà văn. Tôi phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi. Đặc biệt là nhiều truyện hay phải vào thư viện chép vì ngày ấy không có máy photocopy. Rồi đi tìm mua sách ở các hiệu sách cũ. Nhờ vậy tôi đã tập hợp được số lượng lớn các tác phẩm (trong đó nhiều tác phẩm ông đã quên)... Không chỉ vậy, tôi còn phải hỏi ông về bối cảnh chính trị, xã hội, tình hình văn học thời trước mà những người thời sau khó nắm được.

Với tôi, trong nghiên cứu khi đưa ra một nhận định nào cần dựa trên cơ sở tư liệu phong phú, chính xác rồi đào sâu suy nghĩ đến tận bờ, sát góc thì luận điểm của mình mới có sức thuyết phục, có giá trị khoa học thật sự. Đến khi việc sưu tầm tài liệu khá đầy đủ, tôi đi sâu vào từ nội dung, tư tưởng, phong cách, ngôn ngữ, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật trào phúng đặc sắc. Tôi nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp của nhà văn (200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài, nhiều bài tiểu luận, ký) và đặc biệt cuốn Đời viết văn của tôi, và chia ra từng thời kỳ sáng tác (5 thời kỳ). Cách phân kỳ này chưa ai làm. Mỗi thời kỳ tôi lại đi sâu, nghiên cứu kỹ về những chuyển biến tư tưởng thể hiện trong sáng tác (cả truyện ngắn và truyện dài), những ưu điểm nổi bật và phần nào những hạn chế, chú ý những truyện tiêu biểu. Đồng thời, từ quá trình tiếp xúc, tôi đã tìm hiểu con người, cuộc đời của nhà văn, hiểu được tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, suy tư của nhà văn trong từng thời kỳ, bởi “văn là người”. Tôi so sánh đối chiếu với các nhà văn đương thời, trên cơ sở khoa học, có sức thuyết phục để khẳng định: Nguyễn Công Hoan thực sự là một tài năng lớn, độc đáo, khẳng định vai trò vị thế của nhà văn trong văn học hiện thực Việt Nam.

Bằng tư liệu cụ thể, chính xác, nghiên cứu sâu, kỹ, tôi đã có kết luận vững chắc là Nguyễn Công Hoan xuất hiện sớm trên văn đàn, viết nhiều, viết khỏe, viết đặc sắc, độc đáo... Nhà văn đã góp phần đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực phê phán trong Văn học Việt Nam. Ông chính là người khai mở và phát triển một thể loại truyện ngắn hiện đại, đặc biệt là truyện ngắn trào phúng, đến nay chưa ai theo kịp. Ông cũng viết nhiều truyện dài, truyện vừa đặc sắc: Bước đường cùng, Cái thủ lợn, Ông chủ, Bà chủ,... Kết quả nghiên cứu của tôi góp phần làm sáng tỏ một tài năng và một nhân cách đẹp. Nguyễn Công Hoan xứng đáng có một vị trí trang trọng trong văn học sử nước nhà và có uy tín đáng kể trên thế giới.

Năm 1976, tôi đã hoàn thành luận án phó tiến sĩ với đề tài “Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”. Nhưng do tôi chỉ có bằng đại học hệ 3 năm, không hợp lệ để bảo vệ luận án. Tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà Phan Thị An, phụ trách phụ nữ trí thức thủ đô và được Bộ trưởng Bộ đại học Nguyễn Đình Tứ tác động để tôi được bảo vệ đặc cách hệ đại học 4 năm. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lập một hội đồng nhỏ, kiểm tra kiến thức lý luận văn học và văn học sử của tôi. Trong thời gian ấy, PGS Vũ Đức Phúc gợi ý tôi chuyển luận án thành sách để xuất bản. Vì vậy, năm 1979, tôi đã xuất bản cuốn “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”.

Do từ nhỏ, tôi đã có vấn đề về tim mạch, từng phải gác lại ước mơ học hành do sức khỏe yếu. Thời điểm bấy giờ, cùng phải lo cho luận án, cho bản thảo sách rồi việc ôn chương trình đại học khiến sức khỏe của tôi suy kiệt. Gia đình lo lắng, chăm sóc cho tôi nhưng kinh tế thời đó khó khăn, không có điều kiện bồi bổ. Lần nào tôi đi khám, bác sĩ cũng ghi “suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể”. Khi có quyết định bảo vệ luận án, tôi không đi nổi phải nhờ cô Trần Thị Băng Thanh3 đến nhận quyết định giúp. Đến năm 1982 thì tôi đã hoàn thành việc bảo vệ luận án.

Sau bảo vệ luận án, tôi đã cơ bản hoàn thiện việc nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ngoài các bài nghiên cứu đăng trên báo, tạp chí, các sách chung, tôi in thêm cuốn nghiên cứu: “Nguyễn Công Hoan, 1903-1977” (1991), hai cuốn sưu tầm tuyển chọn “Nguyễn Công Hoan: Về tác giả và tác phẩm” (2000), “Nguyễn Công Hoan, những tác phẩm tiêu biểu trước năm 1945” (2000). Những công bố ấy của tôi đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (Tiệp Khắc, Nga, Đức, Nhật), nghiên cứu sinh, sinh viên đại học… tham khảo và trích dẫn. Tôi cũng đã đi nói chuyện, giảng về Nguyễn Công Hoan ở các lớp học cho nghiên cứu sinh, cho Trường Viết văn Nguyễn Du...; báo cáo cho các chuyên gia Nga, Tiệp Khắc, Nhật nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan. Với tư liệu phong phú, trong sách của tôi còn có một bản danh mục có xuất xứ cụ thể, tỉ mỉ về sáng tác của Nguyễn Công Hoan trong suốt cuộc đời ông, cùng một niên biểu để thấy rõ: lịch sử cuộc đời của nhà văn, từ nhỏ cho đến khi qua đời.

Nhìn lại những gì đã làm được trong nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan, tôi thấy mình đã thực sự say mê, tâm huyết, và nỗ lực thật đáng kể... Tôi có phần tự hào về kết quả đó. Đôi lúc thấy “thật không ngờ mình đã làm được như vậy”. Chẳng những thế, tôi còn rất vui khi trong “Đời viết văn của tôi” nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dành gần một trang viết về tôi, trong đó có câu: “Tôi rất cảm ơn chị bạn trẻ”.



Lê Thị Hằng (ghi)
Trung tâm Di sản
các nhà khoa học Việt Nam


-------------------

* Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là một nhà văn hiện thực lớn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (từng giữ chức Chủ tịch Hội, thành viên Ban chấp hành).

** PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh sinh ngày 22-2-1934 tại Hà Nội, chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, nguyên Nghiên cứu viên chính Viện Văn học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).

[1] Tức Nguyễn Văn Truy, sau này làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là nhà khoa học Trung tâm Di sản các nhà khoa học đang nghiên cứu.

[2] Nguyễn Thị Ngọc Tú (1942-2013) là một nữ nhà văn Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tập tạp chí Tác phẩm mới - Hội Nhà văn.

[3] PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, chuyên ngành Văn học, từng là Phó trưởng phòng Văn học cổ - cận đại, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.




Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN VIẾT SÁCH.


THÁI ĐOÀNH

Nhà Văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là một cây bút sáng tác dồi dào. Chính ông cũng không nhớ mình đã viết bao nhiêu cuốn sách và viết những cái gì.

Sau này có nhà sưu tầm công phu công bố: Ông để lại trên 200 truyện ngắn, 33 truyện dài, chưa kể hàng ngàn bài báo và ghi chép khác.

Nhưng có điều ít ai biết đó là trước Cách mạng Tháng 8/1945, ông làm nghề dạy học. Ông đã kể lại trong cuốn “Đời viết văn của tôi”:

Khi viết truyện Tấm lòng vàng cho tạp chí Cậu Ấm, ông đồng thời viết Lá ngọc cành vàng cho Tiểu thuyết thứ Bảy và truyện ngắn cho báo Nhật Tân. Vì còn bận dạy học nên mỗi tuần ông chỉ ngồi bàn viết ba tối.

Ông cho biết những chuyện đăng trên các báo hàng tuần, ông phải viết từng hồi cho kịp báo ra. Có khi quên cả tên nhân vật, nhiều khi phải bỏ trống nhờ tòa soạn điền hộ khi đưa vào nhà in.

Viết truyện dài Bước đường cùng ông cho hay: “Cuốn ấy tôi viết ngày, viết đêm; viết cho chóng xong để còn đi chơi nhiều nơi, trước khi phải ra “an trí” tại Trà Cổ. Vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa; tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm, từ 1 đến 16/7/1938.

Cuốn ấy ông viết ở Nam Định, vì ngồi nhờ cái bàn quá cao so với tầm tay và phải dùng quá nhiều gân sức nên bị sái bả vai bên phải đến ba năm. Sau này do tuổi cao, khi trái gió trở trời bệnh đau ấy trở lại thành tật.

Sau hòa bình 1954, về Hà Nội ông viết cuốn tiểu thuyết “Tranh tối tranh sáng” dày hơn 300 trang in cũng hoàn thành sau 29 ngày lao động cật lực.

Nguyễn Công Hoan nói thêm: Về số lượng sách, nếu tôi có thua thì chỉ thua Lê Văn Trương mà thôi. Nhưng tác phẩm của Lê Văn Trương khó biết cuốn nào là chính hiệu, cuốn nào là giả hiệu; vì ông ta có “nuôi bao” một số đàn em viết hộ.

T.Đ