Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Đảng Rổ Bẫy





Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi | 2. Cô Vân | 3. Mắm Tôm | 3-19. Thái Hoàng Phi (Chương 1-16) | 20-36. Mắm Tôm (Chương 1-16) | 37-52. Cô Vân (Chương 1-16)



Mời đọc Bản đánh máy

Đảng Rổ Bẫy

Nguyễn Công Hoan


Để đọc, xin nhấp chuột vào chương muốn xem.
Diễn đọc: Thái Hoàng Phi

Đồng trinh Gia Long



Minh họa: Tô Tử

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi | 2. Chiến Hữu | 3. MamTom | 4. Phạm Hằng


Mời đọc Bản đánh máy

Đồng trinh Gia Long

Nguyễn Công Hoan

Ngày trước, độ tôi còn bé, có một lần tôi mua một thức gì mà tôi quên đi mất, người ta trả lầm lại tôi một đồng trinh Gia long.

Đồng trinh Gia Long cũng to vừa bằng đồng trinh Khải Định, nên vì vô ý hoặc vội vàng, ngay lúc ấy, tôi cứ bỏ tọt vào túi.

Nhưng mà, về đến nhà, thấy bị thiệt mất nửa xu, tôi bực mình quá.

Không thể làm cách gì tiêu được đồng ấy, tôi đành cất nó vào hộp. Mà luôn trong nửa tháng trời, hễ lúc nào tôi nhìn đến nó đã lên dỉ, là lòng tiếc của lại cắn rứt tôi, có khi đêm nằm chỉ thở dài, trằn- trọc mãi không ngủ được.

Sốt ruột không chịu được, tôi phải nghĩ kế tống nó đi.

° ° °

Lần ấy tôi được nghỉ lễ ba ngày.

Hôm tôi sắp về nhà quê, tôi nghĩ đến sáng hôm sau phải đi xe lửa sớm mà chợt tôi được thấy ngay một ý rất hay.

Tôi định rẽ ra ga ngay từ lúc năm giờ. Lúc ấy hẳn là trời còn tối, chưa rõ mặt người. Như thế, nhân dịp tốt, tôi sẽ vào một hàng quà ở trước cửa ga, để mua một thứ gì cần trả tiền bằng xu lẻ. Rồi khi trả tiền, tôi đếm cả đồng trinh Gia Long lẫn vào những trinh Khải định. Thế thì có trời biết.

Suốt đêm tôi thấp thỏm mừng thầm, đắc chí lắm.

° ° °

Sáng hôm sau, tôi đến ga rất sớm.

Đứng ở hiên, tôi móc túi, lấy đồng trinh Gia long, ghé vào tận dưới ngọn đèn để xem cho kỹ, rồi cho riêng vào một túi. Tôi đi sang dãy hàng cơm bên kia đường, chọn một nhà có người xem chừng còn ngái ngủ mới vào. Tôi mặc cả một phong bánh khảo để đem về làm quà cho em bé tôi:

- Mấy xu một phong bánh khảo thế bà?

- Bảy xu!

- Bốn xu có được không?

- Không!

- Thế bốn xu rưỡi vậy.

- Gớm! Cậu này mua bán chặt chẽ quá! Sáu xu, thực giá đấy!

- Thôi, năm xu, bà bán cho tôi.

- Không được, sáu xu kia!

Chẳng được giá, tôi bỏ đi. Nhưng vừa bước khỏi nhà, bà hàng đã gọi giật lại:

- Này, cậu mua bánh khảo! Năm xu rưỡi đấy.

- Không, tôi chỉ có năm xu thôi.

Rồi tôi lại đi.

- Này, lại đây. Cậu lấy hai phong, tôi bán rẻ cho một hào.

- Không, tôi chỉ mua một phong thôi.

Tôi không bằng lòng mua hai phong, chẳng phải tôi không đủ tiền. Nhưng nếu tôi trả một hào, thì đồng trinh chết rấp ấy, tôi đẩy nó đi sao được.

Mặc cả hàng bên cạnh, tôi cũng bị người ta nói thách, tôi bèn bụng bảo dạ:

“Thôi, năm xu rưỡi cũng được, cốt mình trả được bằng tiền trinh là khá rồi.”

Nghĩ vậy, tay tôi thọc vào túi, đếm mười đồng trinh, và nhét đồng Gia long vào giữa là mười một. Tôi đến hàng ban nãy, nói:

- Nào, năm xu rưỡi, bà bán cho tôi một phong.

Bà hàng uể oải mở tủ. Tôi vẫn nắm trong tay mười một đồng trinh. Rồi sự khôn ngoan lại xui thêm tôi nên đứng chân trong chân ngoài, để lúc trả tiền xong, tôi cần cắm cổ đi cho chóng, kẻo người ta gọi lại.

Bà hàng lấy phong bánh, nói:

- Bánh này ngon lắm, đáng sáu đồng xu của tôi.

Tôi mỉm cười. Vì tôi lấy làm khoái trí rằng sẽ được lợi hẳn một xu!

Bà hàng đẩy gói bánh lên mặt quầy. Tay tôi vẫn thọc sẵn vào trong túi.

- Nào, trả tiền đi.

Tôi rút nắm trinh ra. Nhưng vì vội quá, tôi đụng tay đánh rơi mất hai đồng.

Lúng túng, tôi cúi xuống tìm. Khi nhặt được đủ, tôi lại có ý để đồng trinh Gia long len vào giữa, rồi nhanh như cái cắt, tôi đặt cả cọc tiền lên mặt tủ và giao hẹn:

- Tiền đây, bà nhé!

Nói xong, trống ngực thình thình, tôi quay gót bước một mạch cho mau, vừa đi vừa thỉnh thoảng quay lại nhìn, yên trí sao cũng được nghe tiếng:

- Này! đổi cho tôi đồng khác!

Nhưng may quá! Bà hàng đã đếm tiền xong, mà cũng chẳng thấy gọi tôi lại. Đến hiên ga, tôi vừa thở vừa nhìn lại: trong hàng, tôi không thấy bà ấy nữa. Một người khác đã ra coi thay từ bao giờ.

Mừng quá! Thật là may mắn! Từ nay đỡ nỗi bực mình. Thành ra tôi khôn một tý hóa được một xu lợi.

° ° °

Ngồi trên xe lửa, vơ vẩn, tôi nghĩ tới em bé tôi. Chắc thoạt thấy tôi về, nó mừng rỡ. Khi đòi quà mà được phong bánh khảo, thì hẳn nó reo ầm, mừng quýnh, ôm chặt lấy tôi mà hôn. Nghĩ đến cảnh tượng ấy, tôi sung sướng, đắc chí lạ thường.

Rồi hai tay vùng vẫy, tôi tung tăng đi lên đầu toa, lại xuống cuối toa.

Lúc chợt muốn biết bánh khảo ấy hiệu gì, tôi sực nhớ ra... Khổ quá! Quái! Lạ thật...

Tôi ngẩn người, cau mặt để nghĩ. Tôi nghĩ lại từng lúc một, thì dần dần mới nhớ đích là tôi đã bỏ quên phong bánh ngay ở hàng cơm.

Bởi vì được tiêu thoát đồng trinh Gia long, tôi vừa mừng, vừa lo, nên cứ cắm cổ chạy, quên bặt mất không cầm gói bánh. Thảo nào tôi không thấy nhà hàng gọi tôi!

Chán quá!...

Năm 1935






Mời đọc Bản chụp dạng ảnh




Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời đọc:
1. Tấm lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan dành cho trẻ em - LÊ MINH QUỐC

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Nhà văn học văn: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt


Nhà văn học văn: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt

Lê Minh Quốc
Báo Phụ nữ
Về kinh nghiệm học văn để rồi sáng tác, đeo đuổi nghiệp văn, bài học mà ông thấm thía, tâm đắc nhất vẫn là phải nghiêm chỉnh học tiếng Việt: 'Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới'
Năm 1993, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Ban biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM phân công tôi hỏi chuyện về ông, qua con gái ông - nhà văn Lê Minh. Tôi hỏi: “Bút pháp của nhà văn Nguyễn Công Hoan có nét riêng biệt rất hiện đại mà sau này, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin cũng viết theo bút pháp ấy. Chị nghĩ sao về nhận xét này?”. Chị Lê Minh trả lời: “Tác phẩm của cha tôi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Giới nghiên cứu nước ngoài đánh giá rất cao tài năng của ông. Tôi thấy họ so sánh Nguyễn Công Hoan với A.P. Chekhov”.

Một nhà văn được đánh giá ở tầm vóc như thế, thuở còn “mài đũng quần” ở Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu văn An - TP.Hà Nội), học chung với nhà thơ Tú Mỡ, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan… đã học văn thế nào?

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.


Quả thật, cha đẻ của nhân vật Kép Tư Bền hồi nhỏ cực kỳ… láu cá, tinh nghịch, hay tìm những trò tinh quái để lỡm bạn bè. Ông có một niềm say mê không cưỡng lại được là đọc sách, đọc báo, dù các ấn phẩm ấy dành cho người lớn.

Ngày nọ, thầy giáo ra đề bài luận - Tả một đêm trăng trên Hồ Tây, ông bèn mở Đông Dương tạp chí, chép lại nguyên si bài Đêm trăng thú chơi Hồ Tây của Phan Kế Bính. Đến câu: “… mấy đóa hoa nở muộm mà vẫn xanh tốt”, dù không hiểu “nở muộm” là gì, Nguyễn Công Hoan vẫn chép y chang. Lúc chấm bài xong, thầy giáo nhẹ nhàng bảo: “Đây là chữ muộn chứ không phải muộm, nhà in chép sai đấy, anh không nhận ra à?" Nhà văn tương lai của chúng ta tái mét mặt mày.

Tình yêu văn chương ở một đứa trẻ không hình thành ngẫu nhiên mà từ nếp nhà. Với Nguyễn Công Hoan, do bố là huấn đạo (dạy học), bác đỗ đại khoa, vì thế trong nhà ông có rất nhiều sách. Bà nội thuộc dòng dõi nhà nho nên ngay từ bé, từ lời ru, lời ăn tiếng nói của bà, Nguyễn Công Hoan đã thuộc nhiều câu trong Truyện Kiều, Nhị độ mai… dù không hiểu nghĩa.

“Cố nhiên là tôi đọc lại như vẹt, ngâm ngọng. Song do đó, niêm luật của thơ ca, nhạc điệu của ngôn ngữ được luyện vào óc tôi, được nhuần vào óc tôi từ ngày ấy” - ông cho biết.

Bút tích nhà văn Nguyễn Công Hoan.


Lúc ông học Trường Bưởi, Đông Dương tạp chí xuất bản thành khổ nhỏ, có phần văn chương, Trung Bắc tân văn có phần Từ phú thi caĐoản thiên tiểu thuyết thì trong thời gian nghỉ hè, không ngày nào ông không đọc những bài đã in trong báo đó.

Không riêng gì thơ ca, những đoạn văn có vần điệu du dương, nhịp nhàng, ông cũng đọc đến thuộc lòng. Khi Nam phong tạp chí ra đời, phần Văn uyển là chuyên mục ông thích nhất. Từ chỗ thích đọc, khiếu văn chương còn thúc giục Nguyễn Công Hoan phải viết. Tương tự Nam Cao, Tô Hoài… ban đầu, Nguyễn Công Hoan cũng làm thơ, tất nhiên chịu ảnh hưởng sâu đậm của lớp người đi trước đã thành danh.

Lúc được làm quen với thi sĩ Tản Đà, đọc “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không”, cái mộng dan díu với “nàng thơ” ở ông tắt ngúm vì thừa biết mình không thể sánh được với bậc đàn anh.

Năm 1920, vì chuyện xích mích trong gia đình, Nguyễn Công Hoan “phiêu lưu” lên Hải Phòng. Lúc này, Tản Đà vừa xuất bản Còn chơi và ra tạp chí Hữu Thanh. Đọc tập thơ này, ông nảy ra ý viết lại chuyến đi của chính mình. Quyết chí phiêu lưu ra đời, nhưng… không báo nào in.
Sau khi đi chán chê, trở về quê, tình cờ ông đọc được bản dịch Ba chàng ngự lâm pháo thủ của A. Dumas. Thấy truyện hay, văn vui, tình tiết sắp xếp rất “nhà nghề” nên ông lại có hứng sáng tác. Không viết như truyện Quyết chí phiêu lưu, lần này ông viết ngắn hơn.

May mắn, chúng được chọn in trong tập Truyện thế gian của Tản Đà tu thư cục. Còn lại một số truyện ngắn, ông tự in thành tập, mang tên Kiếp hồng nhan. Tác phẩm này, về sau được các nhà phê bình xem như một trong những viên gạch đầu tiên đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam.

Tác phẩm đưa tên tuổi của Nguyễn Công Hoan lên hàng đầu trên văn đàn.


Qua năm 1922, ông thi vào Trường Nam Sư phạm. Năm thứ nhất ở nội trú, kỷ luật rất nghiêm, đến giờ phải lên giường ngủ, nhưng đèn vẫn không tắt. Nhờ vậy, ông bắt đầu viết truyện dài Phải gió. Bạn bè đọc thử, thích thú cười rúc rích, giám thị xộc tới tịch thu tác phẩm, đem mách hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng Pujarnisele vốn là nhà thơ nên thông cảm với “nhà tiểu thuyết”, dù không phạt nhưng giữ riệt bản thảo, thế là Phải gió mất tích.

Những sáng tác này, Nguyễn Công Hoan còn viết bằng thứ văn biền ngẫu, chịu ảnh hưởng lớn từ Tản Đà. Nhưng do lòng yêu mến Tản Đà, ông rút ra bài học: không nên viết lối văn du dương như thơ kiểu Tản Đà nữa, vì không còn hợp thời.

Tình cờ đọc truyện ngắn Sống chết mặc bay và nhất là Tiếu lâm An Nam của Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy), ông ngạc nhiên vì thấy “từ cách dùng chữ cho đến lối đặt câu, sao mà nó lọt lỗ tai và vẫn còn mới thế. Lọt lỗ tai và mới, tức là văn ấy vẫn còn như văn chúng ta nói, nó không cũ tí nào”.

Ông “nghiệm ra rằng, văn chương mà viết đúng như tiếng nói và lối nói của dân tộc thì nó hay, nó đứng vững mãi. Bởi vì ngôn ngữ của dân tộc là một thứ trường cửu, ít thay đổi vì thời thế”.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan.


Không chỉ học từ câu văn, Nguyễn Công Hoan còn học cả cách viết. Ngày kia, người bạn thân là Tương Huyền (anh ruột nhà văn Tam Lang) cho ông mượn tập truyện ngắn của Guy de Maupassant, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo… để ông tham khảo về cách bố cục, dựng truyện… Với cách học và thực hành qua các truyện ngắn hiện thực phê phán lần lượt đăng trên báo chí thời ấy, Nguyễn Công Hoan ngày một tiến bộ.

Đến năm 1932, với tập truyện dài Những cảnh khốn nạn, tên tuổi của ông đã được bạn đọc tìm đọc. Năm 1935, tập truyện ngắn Kép Từ Bền đã đưa Nguyễn Công Hoan thành cây bút sáng giá, tầm cỡ cùng các đồng nghiệp đương thời như Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh, Ngô Tất Tố…

Về kinh nghiệm học văn để rồi sáng tác, đeo đuổi nghiệp văn, bài học mà ông thấm thía, tâm đắc nhất vẫn là phải nghiêm chỉnh học tiếng Việt:
“Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới. Đọc bài nào mà người viết không “hay chữ”, tôi cứ thấy như “ăn phở không người lái”. Học ở ngôn ngữ dân tộc, học ở văn học dân gian… Nghề của ta là nghề dùng tiếng để viết. Anh không giàu tiếng, thì đố ngòi bút của anh tung hoành được”.

Lê Minh Quốc



Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Ngồi với người học trò nhà văn Nguyễn Công Hoan


Ngồi với người học trò nhà văn Nguyễn Công Hoan

Xuân Ba
Tôi đang duỗi cặp chân mỏi nhừ trên bãi tắm Trà Cổ. Tiết Thanh minh hẵng còn lành lạnh mà đám khách du lịch lẫn phượt đã ào xuống biển.
Phần thân già không dám dầm bể lạnh, phần đang áy náy vì trót thất hứa với đám bạn có nghề kiến trúc đi cùng từ Hà Nội rằng nhà thờ Trà Cổ là một điểm nhấn về du lịch lẫn kiến trúc của vùng Đông Bắc và cả xứ Bắc nữa.

Cuối năm 1977, tôi may mắn được một anh cán bộ Đoàn cũng là một chiên lành của giáo dân xứ Trà Cổ dẫn vào nhà thờ dắt đi cho coi đến nửa ngày. Đậm trong tâm trí những cảnh quan và lối xây cất cực kỳ bắt mắt từ đầu thế kỷ XX.

Nhưng ra đây mới đánh đùng cái nỗi, ngôi nhà thờ ngoạn mục ấy do dột nát hư hỏng lâu ngày, giáo hội Công giáo đã cho phá và việc xây cất lại đang được khẩn trương tiến hành.

Tôi đang miên man nghĩ đến cuộc di dân nhiêu khê xứ Trà Cổ này. Năm 1954, hơn bốn trăm giáo dân Trà Cổ đã xuống Hải Phòng. Rồi sau đó tàu há mồm chở họ đến Bến Cát, Bình Dương thuộc tổng giáo phận Sài Gòn.

Những ngày yên hàn quá ngắn, lại đụng độ, lại chiến tranh họ lại phải dạt đến xứ Đồng Hiệp - Định Quán cũng thuộc giáo phận Sài Gòn. Lại vẫn không yên do chiến cuộc. Khoảng năm 1965, 1966 lại dạt tiếp về Bình Minh - Trảng Bom nay là Đồng Nai thuộc giáo phận Xuân Lộc.

Năm 2015, đến California, tôi có một cuộc ngồi với mấy cụ già người Việt non một phần đêm. Năm 1978, họ ra đi từ giáo phận Trảng Bom Xuân Lộc. Và 60 năm trước họ là ba chàng trai giáo dân xứ Trà Cổ!

Nhà văn Phạm Hoa thúc vào sườn tôi rằng lão có đọc đâu đó nói nhà văn Nguyễn Công Hoan thời gian dạy học ở Trà Cổ và có cả một cậu học trò nay hẵng còn?

Tôi bừng tỉnh rồi sờ ngay đến những thứ tiện dụng của cái Ipad. Gọi cho Sở giáo dục Quảng Ninh cho Phòng GD Móng Cái. Và may mắn tôi đã có số điện thoại cần tìm… Điện thoại của người con trai của cậu học trò nhà văn Nguyễn Công Hoan!

Mà sao lại là con trai? Hay cậu học trò nói dại miệng nhỡ có mệnh hệ nào rồi? May mắn, qua điện thoại được biết liền nhà ông con trai ấy ngay sau Đình Trà Cổ. Và ông cụ thân sinh vẫn khỏe.

Khỏe là cách gọi tương đối. Cụ Đoàn Trấn - cậu học trò của nhà văn Nguyễn Công Hoan thuở ấy nay tròn 96 tuổi. Ông Đoàn Như Vĩnh con trai duy nhất của cụ tuổi Quý Tỵ (sinh năm 1953) học Khoa Sinh, Trường Tổng hợp khóa 16, công tác ở Hạ Long đã hưu và bà vợ giáo viên cũng vừa hưu tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang. Ông Vĩnh cười cho biết nhà mới làm đúng năm Tỵ 2013.

Rồi ông chỉ cây nhãn đầu ngõ đã u mấu lụ khụ rằng cụ ông trồng cây nhãn này đấy, tự khi tôi còn bé. Như ông Vĩnh cho hay, năm ngoái cụ ông còn thong dong đi lại, trí nhớ hẳn mẫn tiệp mà năm nay đã xuống nhiều.

Xuống, nghĩa là cụ Trấn chống can sải những bước lệt sệt. Cái bắt tay chắc vững nhưng ánh mắt nhìn khách có lúc như vào một khoảng vô định? Chất giọng cứ ríu vào nhau. Và vợ chồng ông Vĩnh đành phải phiên dịch…

Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Cụ bà mất đã lâu. Việc chăm cha già ông bà Vĩnh nay gánh… Nhưng càng chuyện càng thấm người con trai của cậu học trò quá xứng tư cách hầu cha!

Không chỉ theo nghĩa đen cơm cháo thuốc thang, vệ sinh này khác mà cha con còn bổ sung cho nhau giá trị tinh thần. Ông Vĩnh cứ vanh vách về sự kiện, về niên biểu, về người, về vùng đất Trà Cổ quê hương.

Như về nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng nối nghiệp dạy học của ông thân là cụ Nguyễn Đạo Khang. Năm 1926 bắt đầu dạy học ở Hải Dương. Năm 1931 được bổ lên Lào Cai. Năm 1935 được đổi về Kinh Môn rồi Nam Định. Năm 1936, anh giáo Nguyễn Công Hoan đổi về Trà Cổ dạy. Đó là thời điểm vừa xuất bản cuốn Bước đường cùng.

Anh giáo kiêm nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ dạy ở Trà Cổ hơn một năm. Sau đó ông giáo Hoan đổi về Thái Bình.

Cứ như lời phiên dịch của ông con, khi đó cụ Trấn đã 24 tuổi. Lớp học của cụ nhà tranh vách đất nay là Trường Cấp 2 Trà Cổ khang trang. Lớp chỉ có 10 học sinh, đứa lớn đứa bé, đứa học trước đứa học sau gọi là lộ cộ rất khó truyền dạy này khác.

Nhưng thầy Hoan vẫn nhiệt tình miệt mài bảo ban. Thầy giáo Hoan khi ấy mới 33 tuổi. Hơn tuổi trò không nhiều. Lứa học trò ấy nay hầu hết đã về cõi. Cụ Trấn là cao niên nhất trong giới giáo chức Trà Cổ.

Chỉ có hơn một năm thọ giáo thầy Hoan mà cậu học trò Đoàn Trấn đã tiếp nhận được nhiều cú hích từ thầy để định cho mình hướng đi lẫn tính cách cùng nghị lực sống. Ấy là cái nghề, nghiệp dạy học.

Cụ dạy tiểu học liên tục ở Trà Cổ cho đến khi về hưu. Thầy Hoan còn khuyến khích trò Trấn nếu có điều kiện thì dành thời gian đầu tiên là hỏi han sau đó tìm hiểu rồi nghiên cứu tình hình lịch sử phong tục của vùng đất Trà Cổ và Móng Cái nói chung.

Việc ấy rất ích vì ngoài bồi bổ cho mình kiến thức còn truyền dạy cho học trò lòng yêu quê hương đất nước.

Ngôi Miếu mà dân làng Trà Cổ vẫn hương khói xưa nay, dân làng chỉ quen gọi là miếu Ông, nhưng khi thầy Nguyễn Công Hoan tới đây dạy học, thầy Hoan có dịch đôi câu đối trong miếu Ông, mọi người mới biết đó là miếu thờ Nguyễn Hữu Cầu!
Trà loan hải đảo cam tuyền hữu/ Cổ độ cơ tâm võng nguyệt cầu (Tạm hiểu là: Hòn đảo xinh đẹp này có một tâm hồn lớn trong sáng đến cư ngụ là Nguyễn Hữu Cầu).

Vâng lời thầy, anh giáo rồi ông giáo, cụ giáo Đoàn Trấn đã dần dà trở thành người nhiều chữ, nghĩa là biết nhiều nhất và có uy tín khắp vùng Trà Cổ.

Năm xa ấy Bác Hồ về thăm Trà Cổ bằng trực thăng. Dân làng ùa ra đón mừng đến mức huyên náo mất trật tự. Bác cười, ở đây ai là người có thể cầm chịch nói mọi người nghe? Dân làng thưa là có ông giáo Trấn ạ. Bác cười vui vẻ mời ông giáo Trấn ra phụ trách việc giữ trật tự.

Cụ giáo Trấn cũng đã chia sẻ với ông con những điều mình tìm hiểu, tâm đắc. Như về lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Nguyễn Hữu Cầu. Sau cuộc dấy binh khởi nghĩa (1772-1782) bị thất bại, Nguyễn Hữu Cầu đã phiêu dạt lên bán đảo Trà Cổ!

Dấu tích ngoài đôi câu đối còn có chiếc chiêng cổ có tiếng kêu rất đặc biệt, dân làng Trà Cổ cũng giữ gìn rất chu đáo. Rồi cái tên Trà Cổ có phải do đám tàn quân nhà Mạc đặt?

Quê gốc của nhà Mạc là Trà Hương và Cổ Trai. Phải chăng họ muốn cố gắng lưu giữ hình ảnh quê nhà mà lấy hai chữ đầu của quê gốc thành hai tiếng Trà Cổ? Rồi anh hùng LLVT Đào Phúc Lộc nhà tình báo tài ba từng ra Trà Cổ dạy học cùng thời với nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Tôi ngạc nhiên khi ông Vĩnh cho biết thêm cùng thời gian thầy Hoan ra dạy học ở Trà Cổ còn có người em ruột ông giáo Hoan là Nguyễn Công Bổng (sau này là Phó Tổng GĐ Nha Công an TƯ) cùng từng ra đây dạy học.

Một sự kiện nữa mà cụ Trấn từng miệt mài tìm hiểu nghiên cứu nhưng do tuổi tác nên đành để lỡ. Đó là việc nhà chí sĩ Phan Bội Châu trên bước đường Đông Du sang Nhật đã dừng chân một thời gian ở Trà Cổ!

Sự kiện ấy chắc phải gợi mở nhiều điều cho giới nghiên cứu sử vì trước nay các tài liệu đều chép cụ Phan sang Nhật qua cửa khẩu Việt Trung?

Ông Vĩnh cho biết về sau này nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn giữ liên lạc với các trò ở Trà Cổ. Năm 1958, thầy Hoan đã đánh thơ mời ông Trấn lên chơi ở Hà Nội. Sau 1975, ông Trấn cũng đã lên Hà Nội ghé thăm thầy Hoan. Và đây là lá thư cũng là bút tích cuối cùng của thầy giáo Hoan mà ông Vĩnh giữ được.

"Hà Nội ngày 17-3-1974. Thân gửi anh Đoàn Trấn. Hôm 14 vừa rồi, tôi ra Bãi Cháy, có gặp một anh nhà thơ trẻ (tôi quên tên), anh ta nhắc tôi là ở Trà Cổ, anh em mong tôi ra chơi, vào dịp hè năm nay. Việc tôi định ra, tôi đã viết thư cho anh từ lâu rồi.

Vậy thì hè này, thế nào tôi cũng ra. Cả nhà tôi với em Hồng, cùng vài cháu nội, cháu ngoại nữa. Anh còn nhớ Hồng không? Nay Hồng đã có 4 con, con lớn là kỹ sư, còn ba con nhỏ học ở đại học cả rồi. Chồng là Thứ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim. Nay Hồng cũng viết văn, lấy tên là Lê Minh.

Tôi có ra Trà Cổ thì cả gia đình cùng ra, ước độ mươi người, đi bằng xe ô tô riêng. Và đến độ tháng 8 mới ra. Vậy tôi xin anh cho tôi biết vài điều như sau: Anh sẽ tổ chức cho gia đình tôi ở đâu?

Chắc là sẽ ở nhà của Công đoàn. Vậy phải thuê buồng thế nào? Mỗi buồng bao nhiêu tiền trong thời gian bao nhiêu ngày. Còn ăn thì bao nhiêu tiền một ngày.

Vì tôi chưa ra nghỉ ở Trà Cổ bao giờ, nên chưa biết thể lệ thế nào. Tôi cần biết, để chuẩn bị về vật chất. Vậy tôi xin anh cho tôi biết, và nếu có thể, thì anh cho biết ngoài nhà của Công đoàn, còn có những nhà nào có thể ở được.

Cũng còn từ nay đến tháng 7, vì tháng 8, gia đình tôi mới ra, vậy xin anh cứ thong thả trả lời cũng được. Nhận được thư anh, tôi sẽ định ngày rồi sẽ báo trước cho anh ngày tôi ra và số người trong gia đình, để anh có thời gian sắp xếp. Chúc anh và gia đình bình yên. Hoan".
(Trời đất, tôi thầm nghĩ, thời điểm nhà văn viết thư này, em trai nhà văn là Nguyễn Công Miều tức Lê Văn Lương là Trưởng Ban tổ chức TƯ Đảng. Con rể là Thứ trưởng Bộ Cơ Khí Luyện kim. Gia đình có em trai, con trai là Liệt sĩ. Gia đình thuộc diện cán bộ cao cấp.

Thế mà nhà văn của chúng ta không hề có ý định nhờ vả chính quyền địa phương kể cả học trò cũ của mình mà cứ khư khư. Vậy phải thuê buồng thế nào? Mỗi buồng bao nhiêu tiền trong thời gian bao nhiêu ngày. Còn ăn thì bao nhiêu tiền một ngày. Tôi cần biết, để chuẩn bị về vật chất)

Còn một lá thư nữa, bức cuối cùng nhà văn ghi ngày 31-5-1974 gửi cậu học trò Đoàn Trấn báo tin chuyến đi nghỉ mát ở Trà Cổ không thực hiện được do bận việc gia đình. Xin trích.

“Tôi rất mong đến được nơi cũ để gặp những người cũ. Ba mươi năm rồi… Nhưng rất tiếc. Vậy tôi xin cảm ơn tấm lòng anh yêu mến tôi. Lại nhờ anh chuyển lời thăm hỏi của tôi đến anh em cũ…”.

Rồi những năm sau nữa nhà văn đã để lỡ. Ba năm sau, ngày 6-6-1977, nhà văn từ trần.

Những lá thư nhuốm màu thời gian của ông giáo nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn còn đây.

Xuân Ba

Cụ Đoàn Trấn và vợ chồng người con trai.

Bút tích bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi cụ Đoàn Trấn.


Xem: Trường cũ của nhà văn Nguyễn Công Hoan - Lê Toán

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Nguyễn Khắc Phê kể chuyện được Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài dạy viết văn


Nguyễn Khắc Phê kể chuyện được Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài dạy viết văn

Lê Tiên Long
zing.vn Nguyễn Khắc Phê bị nhà văn Nguyễn Công Hoan “trách” là “phung phí” vốn sống, còn Tô Hoài bảo “với đề tài như thế này, cậu chưa thành công thì ba mươi năm sau cũng phải viết lại”.
Đó là lời nhận xét của các nhà văn tiền bối với cuốn Đường qua làng Hạ, theo Nguyễn Khắc Phê, là tiểu thuyết, nhưng trong bản in đầu tiên năm 1968, NXB Thanh Niên ghi là “truyện” - cách gọi khiêm tốn của tác giả mới vào làng văn.

Cuốn sách viết về cuộc chiến đảm bảo giao thông để đưa đoàn tên lửa SAM đầu tiên qua sông Gianh năm 1966, với những chiến công bi tráng của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội bến phà Gianh, cùng biết bao người dân làng Hạ đã hy sinh tính mạng, xương máu cho con đường ra mặt trận.

Trong cuốn hồi ký Số phận không định trước (NXB Hội Nhà văn), Nguyễn Khắc Phê kể lại, cuốn tiểu thuyết đầu tay Đường qua làng Hạ được ông viết sau khi dự lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 3 và được Hội nhà văn cho về Trại viết văn Quảng Bá, Hà Nội để hoàn thiện.

Lúc đó, ông đang là cán bộ Ty Giao thông tỉnh Quảng Bình. Trước đó, ông đã ra mắt tập ký sự đầu tiên mang tên Vì sự sống con đường, cuốn sách được ra đời nhờ sự động viên của vị Trưởng ty Giao thông Lại Văn Ly và sự hỗ trợ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà viết kịch Học Phi.

Sau khi hoàn thành bản thảo Đường qua làng Hạ, Hội nhà văn thể hiện sự quan tâm đến một cây bút ở “tuyến lửa” với đề tài có tính thời sự, đã mời các nhà văn nổi tiếng là Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Bùi Huy Phồn đến nghe ông đọc bản thảo tại trụ sở Hội nhà văn ở 65 Nguyễn Du suốt mấy buổi liền.

“Nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ dẫn cho tôi đến cả cách đặt dấu phẩy sao cho đúng “đắc địa”, ví dụ như đoạn đầu, tôi viết "Xa nữa là Trường Sơn", nhà văn chữa lại: "Xa nữa, Trường Sơn" - như thế, câu văn vừa nhẹ nhàng, vừa gợi một khoảng cách cho người đọc tưởng tượng”, Nguyễn Khắc Phê kể lại.

Và nghe theo lời khuyên của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khắc Phê đã chữa lại bản thảo ba lần trước khi đem in.

Sau này, Nguyễn Khắc Phê có bộ đôi tiểu thuyết Đường giáp mặt trận và Chỗ đứng của người kỹ sư, vẫn bám theo chủ đề quen thuộc của ông là ngành giao thông trong chiến tranh chống Mỹ. Đường giáp mặt trận nói về câu chuyện mở tuyến đường hiểm trở vùng Bãi Dinh dưới chân đèo Mụ Giạ và cuộc chiến đấu trên đường số 12A, còn Chỗ đứng người kỹ sư nói về mối quan hệ giữa lãnh đạo và trí thức cũng như phẩm chất của người trí thức trong thời đại mới.

Đường giáp mặt trận được Nguyễn Khắc Phê viết tại Trại sáng tác do Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn tổ chức 6 tháng liền tại Yên Sở. Khi giúp đọc bản thảo, nhà văn Kim Lân đã nói: “Cậu viết trúng vấn đề rồi đó, nhưng viết thế dễ bị “đánh” lắm!”.


Tuy nhiên Nguyễn Khắc Phê nhìn nhận nguyên nhân tác phẩm không bị “đánh” như sau: “Là người trong cuộc thì con mắt dễ nhìn trúng và tấm lòng phải là thiện ý. Có ai dại khờ mà tự nói xấu mình, làm hại mình?”

Đọc bản thảo, nhà văn Nguyên Hồng chỉ khuyên: “Mình nghĩ Phê nên khoanh câu chuyện quanh cái đáy móng”.

Khi Đường giáp mặt trận được in ra, nghe Nguyễn Khắc Phê hé lộ trong tập 2 sẽ cho nhân vật Loan hy sinh ngay trong những ngày đầu Mỹ dội bom xuống đường, nhà văn Nguyễn Khải đã khuyên: “Nhà văn không dễ dựng được một nhân vật có góc cạnh thế đâu, đừng để cô ấy “chết” sớm quá!”. Nghe lời khuyên, Nguyễn Khắc Phê đã cho Loan trở thành nhân vật sinh động cho đến cuối chuyện.

Cuốn sách ra đời năm 1976 và đã được đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam suốt nửa tháng liền. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi khen ngợi: “Cuốn sách viết được lắm! Tôi khen không phải vì nhân vật hát bài Người Hà Nội đâu…”.

Nhà thơ Chế Lan Viên thì khuyên: “Viết đơn xin vào Hội Nhà văn đi! Chỉ cuốn Đường giáp mặt trận là thừa tiêu chuẩn rồi!”. Và chỉ sau khi cuốn sách xuất bản một năm, Nguyễn Khắc Phê đã được kết nạp vào hội Nhà văn Việt Nam.

Cùng với Đường giáp mặt trận, tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở sau đó đã giúp Nguyễn Khắc Phê nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Nguyễn Khắc Phê sinh năm 1939, quê tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, là con trai của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ông có những người anh trai nổi tiếng như Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia xây dựng một số cây cầu đầu tiên trên miền Bắc như cầu Ba Thá, cầu Tế Tiêu, rồi được điều vào xây dựng cầu, đường ở miền Tây Nghệ An, sau đó là Quảng Bình.

Sau 15 năm công tác trong ngành giao thông, ông chuyển ngành sang Hội Văn nghệ Quảng Bình, rồi Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ông từng giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương nhưng bị cho thôi chức chỉ sau 9 tháng.

Ông có nhiều tác phẩm được công chúng ghi nhớ như Biết đâu địa ngục thiên đường, Những ngọn lửa xanh, Mười ngày và cả mười năm, Thập giá giữa rừng sâu…

Trong cuốn hồi ký Số phận không định trước, ông kể lại nhiều câu chuyện thú vị về gia đình, tuổi thơ, quá trình trưởng thành, viết văn cũng như nhiều quan niệm của ông về cuộc sống, thời cuộc.

Lê Tiên Long


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê.


Nguyễn Khắc Phê kể chuyện được các nhà văn tên tuổi dạy cách viết trong cuốn Số phận không định trước. Ảnh: Hữu Khoa.



Lớp vỡ lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Lớp vỡ lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Bình

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thời kỳ 1951 - 1954 thế kỷ XX; Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã ở xóm Rạng Bàng, đất canh nông, nay là tổ 10, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Tác giả Nguyễn Chí Hiệp, hội viên CLB thơ Việt Nam là người ở mảnh đất trước đây là vườn và nhà của nhà văn Nguyễn Công Hoan, kể: Lúc đó chúng tôi từ 10 - 14 tuổi đều mù chữ không biết nhà văn Nguyễn Công Hoan mà dân làng chỉ gọi là ông giáo Hoan. Ông mở một lớp vỡ lòng dạy 13 - 14 học sinh miễn phí. Nhà ông có một vườn gồm các cây cam, chanh, bưởi, nhãn. Những học sinh lớn thường giúp ông làm cỏ vào ngày chủ nhật. Sau khi hòa bình lập lại ông chuyển về Hà Nội. Đất và nhà của ông chuyển cho cụ giáo Trinh. Khi cụ giáo Trinh chuyển về Hà Nội giao vườn và nhà cho ông Vũ Quốc Tuyên là con cụ.

Trên mảnh đất đó các con của 3 thế hệ gia đình có một đặc điểm là đều học giỏi và thành đạt.

Lớp học sinh vỡ lòng của ông giáo Hoan năm ấy đến nay đã trên dưới 80 tuổi nhưng vẫn luôn luôn nhớ đến ông giáo Hoan - nhà văn Nguyễn Công Hoan một thời đã thắp sáng tâm hồn họ, giúp họ biết chữ và vươn lên trong cuộc sống.

Ông giáo Hoan sống rất thân thiện với nhân dân. Ông thường đến thăm hỏi mọi người trong xóm và chia hoa quả của vườn nhà cho trẻ con trong xóm.

Mãi đến khi đi học cấp 1, cấp 2, cấp 3 chúng tôi mới biết ông giáo Hoan chính là nhà văn Nguyễn Công Hoan người có một kho tàng văn xuôi đồ sộ. Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 06/3/1903 mất ngày 06/6/1977 hưởng thọ 74 tuổi. Ông nổi tiếng về viết truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết bước đường cùng tố cáo sự bóc lột dã man của bọn phong kiến cấu kết với thực dân Pháp trong thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

N.B