Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng Tám 1945
Lớp CLC - K61
Trong lịch sử văn học Việt Nam, giai đoạn 1930 – 1945 chiếm một vị trí quan trọng. Nó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc cả về chất và về lượng của văn học trên con đường hiện đại hóa văn học dân tộc. Nếu như trào lưu văn học lãng mạn đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng thì trào lưu văn học hiện thực phê phán cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào cuộc cách mạng hiện đại hóa văn học đó, để lại nhiều giá trị và góp phần hoàn thiện nghệ thuật văn xuôi tự sự của văn học Việt Nam.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong lịch sử văn học Việt Nam, giai đoạn 1930 – 1945 chiếm một vị trí quan trọng. Nó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc cả về chất và về lượng của văn học trên con đường hiện đại hóa văn học dân tộc. Nếu như trào lưu văn học lãng mạn đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng thì trào lưu văn học hiện thực phê phán cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào cuộc cách mạng hiện đại hóa văn học đó, để lại nhiều giá trị và góp phần hoàn thiện nghệ thuật văn xuôi tự sự của văn học Việt Nam.
Dòng văn học hiện thực phê phán mà Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) là một trong những cây bút tiêu biểu đã được khơi nguồn từ một số sáng tác của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh…; sau đó được định hình hoàn chỉnh và phát triển mạnh mẽ với sáng tác của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… Trong dòng chảy chung đó, Nguyễn Công Hoan đã tạo được cho mình một mạch riêng với những nét đặc sắc, độc đáo trong sáng tác.
Nguyễn Công Hoan là một cây bút khá tài năng, ông sáng tác cả truyện ngắn và truyện dài, song tài năng và bút lực của ông nở rộ nhất và kết tinh nhất trong lĩnh vực truyện ngắn. Nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nhuần nhuyễn, sinh động và hấp dẫn đã đóng góp to lớn vào quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt nửa đầu thế kỉ XX. Tác giả Lê Thị Đức Hạnh trong cuốn “Nguyễn Công Hoan về tác gia và tác phẩm” đã đánh giá: “Nguyễn Công Hoan không chỉ đơn thuần với tư cách một sáng tạo cá nhân mà còn có tư cách đại biểu của một khuynh hướng, một thể loại, một phong cách có ý nghĩa về phương diện mỹ học.”[3]
Người viết tiến hành nghiên cứu đề tài này không dám mong có nhiều đóng góp mới mẻ cho lĩnh vực nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan bởi đây là mảng nghiên cứu đã có nhiều thành tựu, người viết thực hiện đề tài nhằm mục đích góp phần cho thấy những đặc điểm trong thế giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8/ 1945; qua đó thấy được tài năng viết truyện ngắn của ông và vị trí danh dự mà Nguyễn Công Hoan có được trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc.
1. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8/ 1945
1.1. Về vấn đề thế giới nhân vật trong văn học
Văn học là tấm gương phản ảnh hiện thực cuộc sống với đối tượng trung tâm là con người qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Bởi vậy nhân vật trong tác phẩm văn học không phải là những con người bằng xương bằng thịt của cuộc sống “mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả.” [1]
Cách nhìn hiện thực sẽ chi phối đến quan điểm sáng tạo và cách xây dựng nhân vật của nhà văn. Nguyễn Công Hoan nhìn cuộc đời như một sân khấu hài kịch, đầy rẫy sự bịp bợm, nhố nhăng và đồi bại. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất đông đảo, thuộc đủ các tầng lớp trong xã hội. Từ công nhân, nông dân đến tiểu tư sản, các tầng lớp thượng lưu, hạ lưu, các tầng lớp quan lại, lính tráng, cường hào, địa chủ thôn quê… Thế giới nhân vật đa dạng này phần lớn thuộc về hai môi trường sống quen thuộc của Nguyễn Công Hoan: một là chốn quan trường, hai là chốn thành thị.
Có thể thấy Nguyễn Công Hoan vẫn phần nào chịu ảnh hưởng của lối xây dựng nhân vật theo kiểu truyền thống khi thế giới nhân vật trong tác phẩm của ông phân làm hai tuyến đối lập: chính diện và phản diện.
Những nhân vật chính diện trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan phần lớn là những con người thuộc hạng nghèo của xã hội. Người nghèo trong xã hội cũ, dưới ngòi bút của Nguyễn Công Hoan, là những kiếp người khổ trăm đường. Họ khổ vì miếng cơm manh áo, đói rách đến thê thảm. Nhân vật trong truyện ngắn “Hai cái bụng” mà nhà văn gọi là nó: “Nó nằm vật ở lề đường. Miệng há hốc ra vì đói. Nó chỉ thèm được ăn”. Cũng vì đói khát khiến cho nó trở nên “như một con ma dại”, “đáng sợ, đáng tởm”. Cái đói khổ, miếng cơm manh áo đã làm biến dạng những con người lương thiện, họ trở nên thảm thương hơn bao giờ hết trước cái ma lực khủng khiếp của cái đói. Nhân vật đói khát như một thứ ma đói đó xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: Thằng ăn cắp, Cái vốn để sinh nhai, Bữa no… đòn, Giá ai cho cháu một hào…
Nhìn chung, khi miêu tả nhân vật chính diện, Nguyễn Công Hoan luôn hướng ngòi bút của mình đến những người nghèo, ông thường đứng về phía họ để bênh vực, bào chữa, thanh minh cho họ. Trong không khí của thời kì Mặt trận Dân chủ 1936 – 1939, tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Công Hoan dành cho những người nghèo khổ cũng có sự trân trọng và tri âm hơn.
* Hạn chế: Khi xây dựng các nhân vật chính diện, Nguyễn Công Hoan cũng vẫn có những hạn chế, chưa thật sự sắc sảo. Nhà văn nhiều khi chưa đứng hẳn về phía nhân vật chính diện, tiếng cười đối với các nhân vật chính diện đôi lúc còn là tiếng cười hả hê, có phần khinh thường. Có thể lý giải điều này như sau:
Một là, cảm quan hiện thực của Nguyễn Công Hoan đặc biệt nhạy bén trong việc phát hiện những “mặt trái đời, mặt trái người”, ông tỏ ra sắc sảo và có sự quan tâm nhiều hơn đến những cảnh, những việc xảy ra chốn quan trường.
Hai là, phần lớn các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan là truyện ngắn trào phúng nên đối tượng chính để nhà văn miêu tả phải là những nhân vật phản diện.
Ba là, do hạn chế trong quan điểm, lập trường của Nguyễn Công Hoan. Do điều kiện cá nhân mà Nguyễn Công Hoan chưa có được cái nhìn thật sự sâu sắc về nhân dân, chưa có niềm tin vào nhân dân, bởi vậy khi xây dựng những nhân vật chính diện đôi chỗ Nguyễn Công Hoan còn hoài nghi, bi quan và có phần dửng dưng, cười vào cái ít học, thiếu hiểu biết của quần chúng.
Đây là vùng đất màu mỡ cho ngòi bút xây dựng nhân vật của Nguyễn Công Hoan phát huy cao độ những sở trường của mình. Nhân vật phản diện trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là những bọn nhà giàu cậy quyền cậy thế áp bức bóc lột người nghèo. Họ là quan lại, là địa chủ, là tư sản, là tiểu tư sản lớp trên. Bên cạnh đó có cả đám gái mới, phụ nữ đua đòi, hư hỏng.
Về nạn tham nhũng của bọn quan lại, số lượng truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan khá đáng kể. Mỗi truyện lại vạch trần một thủ đoạn ăn tiền vừa xảo quyệt, vừa trắng trợn của những tên quan phụ mẫu: Đồng hào có ma, Thịt người chết, Cái nạn ô tô, Gánh khoai lang, Chính sách nhân dân, Ngượng mồm, Thằng ăn cướp, Lập gioòng…
Bên cạnh những tham quan, lính tráng, các ông chủ, bà chủ cũng trở thành đối tượng đả kích của Nguyễn Công Hoan. Loại người giàu có về tiền bạc này lại bất nghĩa, bất hiếu tận độ: Báo hiếu: trả nghĩa cha, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ, Mất cái ví, Bà chủ mất trộm…
Tầng lớp tiểu tư sản lớp trên tưởng chừng là những con người có học thức nhưng cuối cùng cũng lại là một lũ tham lam, mất hết nhân cách, trộm cắp như ranh, đầu cơ xảo quyệt: Cái ví ấy của ai, Nhân tài, Ông chủ báo chẳng bằng lòng…
Các cô gái mới, những phụ nữ tân thời với đủ sự xa hoa, đĩ bợm, ăn diện đua đòi và nhất là thói dâm đãng bị Nguyễn Công Hoan lên án, tố cáo gay gắt trong Cô Kếu, Gái tân thời, Oẳn tà roằn, Thế là mợ nó đi Tây, Ái tình tiểu thuyết, Cho tròn bổn phận, Nỗi lòng ai tỏ…
Nhân vật phản diện của Nguyễn Công Hoan trở thành một phương tiện hữu hiệu để nhà văn khái quát hiện thực, vạch trần bộ mặt thối nát của xã hội đương thời. Ở một vài truyện, do bị quan điểm luân lý đạo đức chi phối nên đôi chỗ Nguyễn Công Hoan còn bảo thủ, hiệu quả phê phán còn chưa thật sự mạnh mẽ. Tuy nhiên nhiều nhân vật phản diện được Nguyễn Công Hoan đưa lên đến điển hình sắc sảo.
Từ thế giới nhân vật phản diện toát lên quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan về con người: con người tha hóa – vật hóa. Nhà văn thường gọi nhân vật là nó – đại từ dùng để gọi cả người và động vật. Nhân vật phản diện của Nguyễn Công Hoan thường có ngoại hình thô kệch, xấu xí, bất thành nhân dạng. Nó khiến người ta ghê sợ nó hoặc căm ghét nó. Những nhân vật này còn tha hóa ở khía cạnh đánh mất nhân tính. Chúng gần như chỉ là những con người rỗng, những cây thịt di động, bởi vậy chúng không có khả năng tự ý thức về sự tha hóa của bản thân.
2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8/ 1945
2.1. Về vấn đề nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn học
Ý đồ sáng tạo của nhà văn chi phối rất lớn đến bút pháp, nghệ thuật xây dựng nhân vật. Với mỗi kiểu nhân vật khác nhau, nhà văn lại có một bút pháp xây dựng riêng, tạo cho nhân vật của mình ngoại hình, tính cách, số phận theo đúng ý đồ của nhà văn.
Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng đây không phải là điểm mạnh của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Ông thường chỉ sử dụng một vài thủ pháp để xây dựng nhân vật, đó là miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động và ngôn ngữ đối thoại. Ở đây thể hiện rõ một sự ảnh hưởng từ kiểu xây dựng nhân vật truyền thống, đó là không đi sâu mô tả tâm lý nhân vật mà chỉ khắc họa nhân vật thông qua ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ.
2.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Pôspêlôv trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học đã kết luận: “Các nhà văn hài hước và các nhà văn châm biếm thường thường hầu như không thể hiện thế giới nội tâm nhân vật (hoặc chỉ thể hiện ở một mức ít ỏi), nhưng trong tác phẩm của mình họ lại nêu bật và tô đậm chất hài của những chi tiết tạo hình bên ngoài”. [1]
Ngoại hình nhân vật của Nguyễn Công Hoan được khắc họa một cách đầy đủ và ấn tượng bằng thủ pháp kệch hóa, lố bịch hóa và vật hóa. Thủ pháp này được Nguyễn Công Hoan sử dụng chủ yếu khi miêu tả nhân vật phản diện. Với nhân vật chính diện, nhà văn ít khi miêu tả ngoại hình mà chỉ điểm qua lời nói và cử chỉ.
Một điều có thể thấy rõ ràng là các nhân vật phản diện trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan đều rất béo. Nhà văn thường phóng đại hết cỡ nét ngoại hình đó của nhân vật, làm cho nhân vật không còn giống con người, trở nên biến dạng, xấu xí đến ghê tởm. Trong “Đồng hào có ma”, tên huyện Hinh được miêu tả như sau: “Chà! Chà! Béo ơi là béo!… Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá đến nỗi râu không còn chỗ nào lách ra ngoài được”. Cách tả tỉ mỉ, chi tiết như tả một con vật ấy đã lột phắt cái mặt nạ của tên quan phụ mẫu chi dân. Vừa miêu tả ngoại hình nhân vật ông vừa tạt ngang tạt dọc sang nói về tính cách và phẩm chất của nhân vật. Sự tương phản gay gắt giữa ngoại hình, phẩm chất với cái danh hão làm nên gương mặt đầy châm biếm của nhân vật. Cách tạt ngang tạt dọc ấy của Nguyễn Công Hoan có khi còn bất chấp cả logic từ ngữ: “Ở người ngài cái gì cũng cong, từ cái sống mũi đến cái lương tâm, từ cái lưng đến cái xử kiện.” (Đàn bà giống yếu). Đó là cách miêu tả có tính chất thủ tiêu đối tượng.
Qua cách miêu tả nhân vật ta thấy Nguyễn Công Hoan thường miêu tả nhân vật theo một định kiến chủ quan. Cứ nhân vật xấu thì tìm đủ các nét nhơ bẩn mà tả về cả vật chất và tinh thần. Chính Nguyễn Công Hoan đã đưa cho mình “công thức”: “Tả một tên tri huyện tân học, thì phải là béo phì.”[4]. Miêu tả ngoại hình những nhân vật phản diện, Nguyễn Công Hoan gửi gắm vào đó thái độ phê phán và lên án gay gắt. Ngoại hình đó là sản phẩm của sự bóc lột tàn độc đối với nhân dân lao động, đó là thứ mỡ làm bằng máu, bằng nước mắt của người dân.
Ngược lại với các chân dung trên là hình hài của những người nghèo khổ - nạn nhân của xã hội. Điển hình là bà cụ trong “Báo hiếu: trả nghĩa cha”: “Người đàn bà ấy trạc 60 tuổi, trông rõ quê mùa, đần ngốc. Mặt mũi đen đủi, dăn deo, xấu như con khỉ. Hai mắt thì toèn nhoèn những nhử. Cái hàm trên chìa ra như mái hiên”. Ở những nhân vật này mang tiếng nói phê phán, tố cáo xã hội bất công, làm hao mòn những con người nghèo khổ khiến họ cũng trở nên biến dạng. Song ở điểm này, Nguyễn Công Hoan đã có phần lạc điệu, tạo cho người đọc cảm giác nhà văn đang tỏ thái độ khinh bỉ, ghê sợ đối với nhân vật chính diện. Phải chăng Nguyễn Công Hoan đã có “ít nhiều viên đạn lạc sang phía những nạn nhân đau khổ?” [3]
Có thể nói miêu tả ngoại hình nhân vật là một trong những thành công của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Dù là nhân vật chính diện hay phản diện thì cách miêu tả ngoại hình của nhà văn cũng là thô kệch hóa, lố bịch hóa. Ở đó im đậm quan niệm về cuộc đời và con người của ông, đặc biệt là góp phần thể hiện tư tưởng phê phán, trào phúng của nhà văn.
2.3. Nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật
2.3.1. Miêu tả hành động để phản ánh tính cách, tô đậm ấn tượng về nhân vật
Đối với văn học truyền thống, các nhà văn thường xây dựng kiểu nhân vật tính cách, nhân vật mặt nạ nên thủ pháp này được coi là đặc trưng của thi pháp văn học truyền thống. Nguyễn Công Hoan trong xây dựng nhân vật ngoài việc tập trung miêu tả ngoại hình nhân vật, ông cũng rất quan tâm đến việc miêu tả hành động nhân vật. Đây là một điểm ảnh hưởng từ truyền thống trong sáng tác Nguyễn Công Hoan.
Trong “Đồng hào có ma”, hành động giẫm chân lên đồng hào đôi của quan huyện Hinh chính là hành động ăn cắp. Hắn không chỉ là một tên quan tham mà còn là một tên ăn cắp chính tông, lõi đời và trơ tráo. Việc ăn cắp này lại diễn ra ngay ở công đường, nơi đáng ra công lý phải được thực thi và bảo vệ. Kẻ bị ăn cắp vừa mới là nạn nhân của những tên lưu manh xã hội, giờ lại là nạn nhân của chính tên lưu manh đội lốt quan lớn – người mà kẻ khốn cùng kia nghĩ rằng sẽ đòi lại công lý cho mình. Trong toàn bộ câu truyện, chi tiết này, hành động này là đắt giá nhất. Chỉ bằng một hành động rất nhỏ nhưng bản chất xấu xa, đê tiện của tên quan tham đã được bộc lộ rõ nét, có sức tố cáo mạnh mẽ.
Hành động nhân vật thường được Nguyễn Công Hoan miêu tả theo hai cách: Hoặc là rất chậm rãi, kĩ lưỡng, tường tận như hành động của tên huyện Hinh, của cụ Chánh Bá; hoặc chỉ phác họa sơ qua nhưng vẫn lột tả một cách thần tình bản chất của nhân vật. Hành động “Ông huyện mở sổ ra, lấy bút gạch chéo một cái” (Ngượng mồm) dù chỉ là phác qua nhưng cũng đủ khiến người đọc giật mình bởi cái thái độ thản nhiên ăn đút của tên quan huyện.
Miêu tả hành động nhân vật vừa sống động, vừa chân thực như thế cho thấy khả năng quan sát tinh tế, sắc sảo có pha đôi chút tinh quái của Nguyễn Công Hoan. Ông nắm được cái thần, bắt trúng vào huyệt của nhân vật để tóm sống hắn, tiêu diệt hắn.
Đây là điểm cách tân của Nguyễn Công Hoan so với nghệ thuật xây dựng nhân vật truyền thống.
Hành động bắt người dân đi xem bóng đá trong “Tinh thần thể dục” là một minh chứng điển hình. Cứ ngỡ rằng thể dục thể thao là làm lành mạnh tinh thần cho đời sống nhân dân ấy thế mà chủ trương rởm hợm ấy của chính quyền thực dân dù ráo riết đến đâu cũng không thể ép cho đủ một trăm người đi xem đá bóng. “Chín mươi tư kẻ xấu số buộc phải đi đã bị ông đe dọa, lo lắng, coi giữ cẩn thận như tù binh”. Người đọc sao không buồn cười khi thấy mâu thuẫn chan chát giữa hình thức và nội dung ấy của bọn thực dân. Giữa không khí khó khăn của những ngày kinh tế tiêu điều thì việc đi xem bóng đá thật là một thứ xa xỉ, kệch cỡm đến khôn cùng.
Tiếng cười bật ra không chỉ từ ngoại hình nhân vật mà còn bật ra từ những hành động quái gở, mâu thuẫn. Song đôi chỗ Nguyễn Công Hoan lại sa đà vào việc miêu tả quá chi tiết, tỉ mỉ một số hành động của nhân vật, gây phản cảm bởi các chi tiết đó ít mang tính tư tưởng và thẩm mĩ. Cảnh thằng ăn cắp trong “Bữa no… đòn” cố sống cố chết trợn mắt nuốt cho trôi củ khoai lang trong trận mưa đòn được kéo dài và miêu tả một cách quá tỉ mỉ, sa đà mang lại cảm giác phản cảm, ghê sợ, khó đạt được hiệu quả nghệ thuật như Nguyễn Công Hoan muốn.
2.4. Nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ nhân vật
Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Đối với mỗi kiểu nhân vật, Nguyễn Công Hoan lại miêu tả ngôn ngữ theo một sắc thái riêng, từ quan lại, lính tráng, tư sản, tiểu tư sản đến những me Tây, những cô gái mới lãng mạn…
Ông huyện trong “Gánh khoai lang” có một giọng trắng trợn, vô liêm sỉ và bẩn thỉu đến quái gở:
“Ông ngắm áo quần vào người ngợm ông lý bằng đôi mắt đều mỉa mai, rồi trỏ tay vào đống lễ vật, dõng dạc nói:
- Thầy đem tết tôi? Thầy thử ngắm xem cái mả khoai lang của nhà thầy bày giữa buồng giấy này, trông nó có đẹp không đã?”
“Rồi như tiếng sét, ông huyện gắt:
- Đồ xỏ lá, đem về để vợ chồng con cái ăn với nhau! Nhà tao không có lợn!”
Lời lẽ đe dọa ngang nhiên, trắng trợn mỗi lúc một tăng cấp trong ngôn ngữ nhân vật. Những tên quan lại tỏ ra là những kẻ giỏi nghề bóp nặn của dân, qua lời nói và giọng điệu, bản chất hợm hĩnh, tham lam của chúng được bộc lộ nõ nét. Nhân vật thuộc cùng một tầng lớp trong xã hội thường có một ngôn ngữ giống nhau, dù truyện này hay truyện khác. Điều đó góp phần bộc lộ tính cách nhân vật, qua đó thể hiện thái độ của nhà văn đối với những kiểu nhân vật ấy.
Ngôn ngữ nhân vật của Nguyễn Công Hoan còn đặc sắc ở ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. Các đoạn đối thoại đều rất hay, rất tự nhiên, pha chút hóm hỉnh với nụ cười tinh quái. Những truyện ngắn Ngựa người và người ngựa, Mất cái ví, Thằng ăn cắp, Cái ví ấy của ai, Xuất giá tòng phu… là những truyện có ngôn ngữ đối thoại rất đạt. GS Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Nhiều đoạn đối thoại của Nguyễn Công Hoan có thể chuyển thành kịch bản sân khấu. Đặc điểm này khiến cho đối thoại nói riêng và truyện ngắn nói chung rất sinh động, hấp dẫn; người đọc cũng bị cuốn hút bởi tiết tấu nhanh, mạnh của nó.” [5]
Nếu những đoạn đối thoại của Nam Cao chân thực đến gai góc như ghi âm cuộc đối thoại hiện thực của nhân vật thì Nguyễn Công Hoan cũng trên nền hiện thực ấy mà cường điệu, phóng đại thành những đoạn đối thoại như một phần của bức tranh biếm họa, lật phăng cái mặt nạ của hiện thực xấu xa, tàn nhẫn.
Tiêu biểu là đoạn đối thoại của Nguyệt trong “Oẳn tà roằn” với những nhân tình của cô đã vạch mặt bản chất lẳng lơ, trăng hoa, diễn trò trâm anh, nghi lễ :
“- Anh Phong, thế anh định bỏ tôi chết đấy à? Không trách người ta bảo đàn ông bạc tình, có oan tý nào đâu! Tôi vì nghe anh dỗ ngon dỗ ngọt, nào những là lấy nhau, nào những là ăn đời ở kiếp cùng nhau… Từ đó đến nay, tôi dốc một lòng chờ đợi, ai đến dạm hỏi tôi cũng kiếm cớ thoái thác. Vì tôi đã hứa cùng anh. Ấy thế mà anh quyết tình giở mặt. Hẳn là anh cũng biết tôi chỉ là quá dại dột mà nghe anh, nên mới mang vạ vào mình. Anh nghĩ sao cho vuông tròn thì nghĩ…
- Cái bụng Nguyệt chỉ vài tháng nữa là tròn bằng cái thúng. Nguyệt còn phải cần gì đến tôi nghĩ nữa!”
“- Thế có chắc Nguyệt chửa với tôi không?
- Tôi năm nay mới có mười tám tuối đầu, sao anh đã đổ bậy đổ bạ cho tôi cái tiếng khỉ gió ấy! anh hỏi tôi chửa với ai? Rồi nó giống ai, nó máu mủ ai, thì anh biết. Tôi con nhà trâm anh…”
Nguyệt hết lời chứng minh với Phong rồi lại với Bắc rằng cô là cô gái chung thủy, sắt son, không hề hai lòng, nói rằng đứa con trong bụng cô là của họ. Chỉ hai đoạn đối thoại nhưng đã bộc lộ được bản chất nhân vật. Sự thật được bóc trần qua lời đối thoại cuối cùng:
“- Thưa bà, bà đẻ con so hay con dạ?
- Thưa bà, con so.
- Bà nên nói thực, thì tôi mới liệu được. Tôi xem bụng bà, hình như đẻ con dạ thì phải hơn.
- Thưa bà, thực tôi đẻ con so.”
Nguyệt nhất mực chối cãi để chứng minh cho cái ngoan ngoãn trâm anh của mình. Đến thi tính mạng bị đe dọa, cô không thể che giấu sự thật được nữa:
“- Thưa bà, xin bà kín cho, tôi đẻ con dạ!”
Sau đó là một loạt đoạn đối thoại giữa những nhân tình của Nguyệt khi họ thở phào biết rằng đứa trẻ không phải con trai mình, nó là giống oẳn tà roằn không ra hình dạng. Những đoạn đối thoại đó vừa chân thực nhưng cũng vừa sinh động, gần với lời ăn tiếng nói. Đôi khi có sự phóng đại thấm đẫm tính trào phúng, cá tính sáng tạo của nhà văn.
Nguyễn Công Hoan là một nhà văn có vị trí danh dự trên văn đàn Việt Nam. Ông đặc biệt có tài trong việc nắm bắt hiện thực khi đã khái quát được gần như toàn bộ những tầng lớp trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám/ 1945. Thế giới nhân vật phong phú, đa dạng; được nhà văn xây dựng bằng những phương tiện nghệ thuật đắc hiệu như miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động và miêu tả ngôn ngữ, ở lĩnh vực nào Nguyễn Công Hoan cũng đạt những thành tựu nhất định.
Những ảnh hưởng từ thi pháp văn học truyền thống kết hợp với những cách tân, sáng tạo của Nguyễn Công Hoan tạo cho truyện ngắn của ông sức hấp dẫn, lôi cuốn. Mặc dù còn vài hạn chế trong tư tưởng khi xây dựng nhân vật chính diện nhưng về cơ bản và trên hết, Nguyễn Công Hoan đã vẽ lại một bức tranh toàn cảnh về xã hội thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam trước 1945 với cảm hứng phê phán, tố cáo gay gắt. Cùng với cảm hứng hiện thực, Nguyễn Công Hoan cũng thổi vào những trang viết của mình hơi thở trào phúng của một nhà văn trào phúng xuất sắc từ nhân vật đến ngôn ngữ. Chính sự kết hợp ấy giúp cho Nguyễn Công Hoan và những sáng tác của ông vượt qua thời gian, sống mãi trong lịch sử văn học dân tộc.
1. G.N.Pôspêlôv: Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXBGD, HN, 1998.
2. Lê Thị Đức Hạnh: Nghệ thuật viết truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Tạp chí văn học số 4/ 1977.
3. Lê Thị Đức Hạnh: Nguyễn Công Hoan, về tác gia và tác phẩm, NXBGD, HN, 2001.
4. Nguyễn Công Hoan: Đời viết văn của tôi, NXB Hội NV, 1994.
5. Nguyễn Đăng Mạnh: Trào phúng Nguyễn Công Hoan – in trong Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách, NXBVH, HN, 2003.
6. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu…: Văn học Việt Nam (1900 – 1945), NXBGD, 2010.
7. Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú: Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, NXBĐHQG, 2001.
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉