Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

"Ngựa người và người ngựa"


"Ngựa người và người ngựa"

Blog GIÓ


Cái độ cấp 2, thuở đó Olympia những năm đầu tiên, tôi nhớ vòng thi Tăng Tốc còn là chiếu một đoạn phim rồi đặt câu hỏi quan sát. Gì chứ tôi thích vòng đó nhất, bởi lẽ mấy vòng khác nghe có hiểu gì đâu. Còn nhớ thêm là hâm mộ Nguyễn Thành Vinh, mà ảnh lại còn dân thành phố Thanh Hóa nữa chứ, đòi mấy thằng em ở quê dẫn qua ngó nhà hoài. Độ đó có Gặp Nhau Cuối Tuần hay lắm mà chả coi được mấy. Phát vào trưa thứ bảy, mà dân học sinh đi học thứ bảy.

Sau đó thì chuyển sang chiếu Gala Cười. Xem hài Việt vài cái được, vài cái xem mãi cũng chán. Vài cái cười nhạt, vài cái thì mang tính triết lý quá, thành ra hết cả cười (ấy thế mà được giải vở hài ý nghĩa…) Nhưng thích nhất, là vở hài vào đêm trao giải. Vở hài Người Ngựa, Ngựa Người của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền.

Một người – Xuân Hinh – là dân đất chèo, người còn lại – Thanh Thanh Hiền – là giọng ca cải lương đất Bắc. Hai người nghe đâu cũng là bạn diễn từ lâu. Thanh Thanh Hiền nhìn rất sang trọng quý phái trong vai gái làng chơi. Một phần vì tướng mạo của chị thuộc loại phụ nữ đẹp. Còn Xuân Hinh thì toát cái chất quê mùa của anh phu xe. Người ta nói trong Nam, dân “quê mùa” nhất là Hoài Linh, thì ngoài Bắc là Xuân Hinh vậy. Vở kịch vừa hài mà vừa ý nghĩa, cái nào cũng đồng đều, thế nên mà xem không bị khập khiễng. Đoạn hài, đoạn cảm xúc tiếp nối nhau, không hòa vào nhau mà tách biệt tương đối, do vậy khi hài thì cười cao độ, mà khi cảm xúc thì cũng bùi ngùi hết mực. Hai diễn viên đều xuất phát từ những sân khấu, do vậy, ngoài phát âm chuẩn và cảm xúc, có nhấn nhá, tự nhiên, thì diễn xuất hình thể của họ cũng rất hay. Do vậy, bối cảnh vở kịch không cần gì nhiều ngoài một chiếc xe kéo. Tuy là dân cải lương, nhưng cũng đã nhiều lần diễn hài, thế nên có những đoạn Thanh Thanh Hiền diễn xuất hình thể rất hài. Còn Xuân Hinh, tuy nổi với nhiều vai hài, nhưng vẫn từ dân chèo đào tạo bài bản, cho nên những đoạn tự thoại cũng rất ngọt và đượm tình.

Tôi vốn hay chú ý vài cái tiểu tiết, như đôi mắt của cô gái làng chơi liếc xuôi ngược tìm khách, hay cái dáng người của hai diễn viên giả làm dáng xe chạy, hay giọng thoại của cả hai đều thốt ra tự nhiên, nghe không “kịch” chút nào. Tiểu tiết vậy, nhưng những lớp trẻ phải làm được như vậy thì mới hay cho được.

Cái kết của vở kịch, khi hai người cùng gục mặt vào nhau, khác với truyện gốc, vừa thể hiện cảnh tình của hai người không cách gì ngước đầu lên nổi, nhưng cũng vừa thấy sự nương náu vào nhau.

Còn về truyện “Ngựa người và người ngựa” của Nguyễn Công Hoan. Lần đầu tôi đọc nó hoàn chỉnh là trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, hình như cũng là một số dịp Tết. Tôi thấy, nếu đưa nó vào chương trình học thì hay đấy.

Câu chuyện của Nguyễn Công Hoan viết không phải để hài, lẽ dĩ nhiên đã thế. Thế nên nhân vật khác nhiều so với kịch bản chuyển thể của Xuân Hinh. Nhân vật phu xe thể hiện ra là một người biết rõ về thân phận hèn kém của mình, nên lời nói, cung cách lúc nào cũng khép nép để vừa lòng khách, nhưng cũng là dân nghèo, thế nên khi biết cô gái không có tiền mà lại còn lỡ cho vay mất hai hào trong túi thì thể hiện rõ sự bực tức của mình. Còn so với trong kịch, thì cô gái làng chơi không đáng yêu đến vậy, mà rõ tính một quý cô bất cần đời, cũng chẳng bận tâm gì về thân thế của mình, và lừa chàng phu xe trốn mất.

Truyện mô tả thân phận của những người nghèo khổ xưa. Cái bối cảnh Tết lại càng làm câu chuyện thảm hại. Tuy tôi chẳng biết gì mấy về thời xưa con người ta thế nào, chỉ biết cái đẹp, cái tốt qua môn lịch sử mà thôi. Nhưng tôi thích đọc những câu chuyện như vậy. Nó có cốt truyện, ngắn, không dài dòng, mà có vẻ tự nhiên. Nhiều truyện hay tạo kết thúc có hậu, nhưng mà nhiều phần đời nó cũng không được vậy…





Hài kịch Người Ngựa, Ngựa Người – Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền (trích trong lễ trao giải Gala Cười 2005)

Truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” (1931) – Nguyễn Công Hoan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉