Rating: | ★ |
Category: | Books |
Genre: | Biographies & Memoirs |
Author: | Nguyễn Văn Học |
Tôi nhớ cha tôi...
- Đó là lời tâm sự của nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan khi nói về cha mình.
Hơn 30 năm qua, nữ nhà văn đã day dứt mãi điều đó, kể cả đến nay khi bà đã ở tuổi 81.
1. Trong ba người con của nhà văn Nguyễn Công Hoan, chỉ có người con gái út của ông, theo cha chọn viết văn là công việc của đời mình, tên là Nguyễn Thị Tài Hồng, lấy bút danh Lê Minh. Cũng trong ba anh em, nữ nhà văn Lê Minh là người sống với cha - Nguyễn Công Hoan nhiều nhất.
Không phải vì sau này hai cha con cùng nghề, mà ngay từ khi Lê Minh còn bé, bà đã cùng đi với cha sau mỗi lần phải đổi nơi dạy học. Gia đình bà nay đây mai đó, không được ở yên một chỗ chỉ vì Nguyễn Công Hoan viết văn, không vừa lòng các quan cai trị thời ấy.
Trong con mắt của Lê Minh, khi ấy còn là Tài Hồng thì lúc nào người cha cũng chỉ như bao người cha khác ở trên đời. Những chuyện mà nhà văn Nguyễn Công Hoan viết là những chuyện thật ông gặp hàng ngày mà ông vẫn kể trong bữa cơm gia đình sau khi đi dạy học về.
Lê Minh tâm sự: "Lúc đó tôi chưa kịp nghĩ cha mình là nhà văn. Trước mắt tôi, ông là một thầy giáo trường tiểu học thì đúng hơn. Vì khi sinh ra, tôi đã nghe mọi người gọi cha tôi là ông giáo. Cha tôi thường cầm điếu thuốc lá, xa xăm nhìn vào vô định. Hình ảnh đó tôi bắt gặp nhiều lần. Những buổi chiều ăn cơm xong, tôi đứng nép bên chân cha nhìn phố xá kẻ đi người lại. Sau này đọc truyện "Đào kép mới" tôi biết cha đã viết từ hình ảnh chợt nảy đến trong một buổi chiều hai cha con đứng chơi như vậy".
Buổi sớm nào, Lê Minh cũng đi làm cái việc là đổ tàn thuốc cho cha, vì ông thức đêm viết và hút. Nguyễn Công Hoan chỉ hút một loại thuốc Bastô. Khi con gái dọn bàn làm việc thì ông còn đang ngủ. Cô con gái có ý thức đi rón rén nhẹ nhàng để cha ngủ thêm trước khi thức dậy đến trường dạy học.
Ngày hai buổi, Nguyễn Công Hoan đến trường, đêm mới ngồi viết, chiếc bàn kê ở góc nhà là một thế giới riêng mà những người trong gia đình không ai dám động vào. Cũng có những ngày nghỉ dạy học, sau hàng giờ ngồi bàn viết, Nguyễn Công Hoan đi thong thả trong vườn với điếu thuốc lá trên môi, xem ngắm từng gốc cây, từng cái lá, bắt sâu, xáo gốc.
Những giây phút im lặng một mình, và sau đó là những trang giấy được phủ kín bằng những hàng chữ viết tay đều đặn, rõ ràng. Lê Minh kể rằng, những trang bản thảo của Nguyễn Công Hoan thường rất ít bị gạch xóa lằng nhằng khó đọc, cách làm việc mà không ít người theo được.
Trong một chuyến đi xa Hà Nội đến nhà máy Liên hợp gang thép, nơi mà từ lâu Lê Minh đã chọn làm quê hương sáng tác của mình, cha bà đột ngột lâm bệnh. Gia đình chẳng ai ngờ, vì hôm trước ông còn đạp xe đến Hội Nhà văn họp. Không ai nghĩ cần phải báo tin cho Lê Minh. Sau một tuần lâm bệnh, Nguyễn Công Hoan khắc khoải nhắc đến cô con gái. Lúc ông hôn mê, ông cũng nhắc tên con.
Lê Minh được báo tin và trở về gặp cha. Ngồi bên giường bệnh cầm tay cha im lặng trong nỗi thổn thức bàng hoàng, ngắm kỹ những ngón tay thô ráp của cha, một câu hỏi nghẹn ngào trong tâm Lê Minh: Những ngón tay này là của thợ cầm cưa, cầm búa, cầm kéo xén cây, hay là tay cầm bút của một nhà văn? Cô con gái ve vuốt những ngón tay cha, suốt một ngày cuối cùng cô cứ nắm chặt hai bàn tay xù xì đó không rời. Lê Minh không trả lời được câu hỏi, nhưng bàn tay cha đã theo nữ nhà văn suốt cuộc đời.
Sau khi cha mất, nhà văn Lê Minh tưởng như mình không thể gượng dậy được. Sau đó bà nghĩ cuộc đời của cha chính là sách. Bà liền cất công đi tìm lại những bản thảo đã thất lạc của cha, những tác phẩm đã từng bị kiểm duyệt, cấm in trước đó, tập hợp lại và in thành sách. Cuốn sách về cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng cha bà đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa kịp viết, thì bà đã hoàn thành và cho in như một sự báo hiếu.
2. Ngày nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Tài Hồng không có ý định viết văn. Vì là gia đình cách mạng, Tài Hồng đi hoạt động cách mạng từ khi mới 14 tuổi. Bài học đầu tiên cô được dạy là khi bị bắt, dù có bị tra tấn đến chết cũng không khai.
Lúc đó, Tài Hồng thấy rằng những người đi làm cách mạng thật vĩ đại, thật anh hùng, thật đẹp. Họ quên mình vì cách mạng. Thêm nữa, Tài Hồng cũng tiếp xúc với những người công nhân phải lao động vất vả, cùng cực. Biết bao hình ảnh ấy ngấm vào tâm thức, Tài Hồng thấy mình không thể không viết.
Có một chuyện ngắn ký tên Nguyễn Thị Tài Hồng đã làm Tản Đà sửng sốt. Là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu văn hóa thời bấy giờ, ông đã đi tìm nữ tác giả. Sở dĩ bà lấy bút danh Lê Minh là ngày còn hoạt động cách mạng, đó là bí danh của bà. Sau này quen, bà dùng luôn bí danh là bút danh ký dưới mỗi truyện ngắn, bài viết.
Cũng như cha mình, những tác phẩm của Lê Minh bật ra từ những cơn đau nhức nhối của số phận con người. Cho đến nay, bà đã có hơn 40 đầu sách, thành quả của cả đời sống và viết trong những hồi ức, những đau đớn và hy vọng. Tác phẩm đầu tay của bà là tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi, in năm 1959 có tên "Cu Dũng". Bài đầu tiên của Lê Minh được in báo, bà đưa cha đọc.
Ông cụ nói một chữ "được" làm bà rất sung sướng. Cả cuộc đời viết, Lê Minh học được ở cha mình sự trung thực trên trang viết. Bà tâm sự, đã là người viết thì phải trung thực với chính mình, trung thực với độc giả. Mỗi ai đọc văn của Lê Minh, đều thấy trong đó sự kỹ càng, ở từng con chữ, từng chi tiết.
Từ năm 2005, khi đã có tuổi, nhà văn Lê Minh cảm thấy cần phải viết tự truyện và sưu tầm những tài liệu liên quan đến cha mình để in thành sách. Cuốn "Nguyễn Công Hoan - Nhà văn chiến sĩ" biên soạn lại những tài liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng và viết văn của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn này, để làm được, Lê Minh đã phải mất mấy năm trời sưu tầm tài liệu.
Những bức ảnh quý, những bức thư của các nhà văn gửi cho Nguyễn Công Hoan, các bản chụp lại trang đầu từng chương tiểu thuyết viết tay "Tranh tối tranh sáng" mà ông đã viết ngay sau khi ở nhà tù Nhật được trả tự do... Điều đó cho thấy sự kỳ công và niềm kính trọng đối với người cha đã khuất của nữ văn sĩ. Cuốn tự truyện "Cánh buồm nhỏ" viết về những kỷ niệm, những hồi ức của cả cuộc đời mình.
Cả hai cuốn đều in năm 2008. Lê Minh đã tâm sự trong những trang đầu của cuốn tự truyện: "Trong đời sống tâm linh, không có dấu ấn của thời gian, không có sự cách biệt âm dương. Và tình yêu gắn kết gia đình có những bí ẩn thiêng liêng đầy sức mạnh, không thể tìm cách lý giải. Chỉ biết nó ngọt ngào, nó chở che, an ủi, luôn đánh thức trong ta sự sáng suốt tinh tường. Còn ta, dù bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ là cái Bống…".
Vâng, ngày nhỏ Lê Minh quen được cha gọi là "Bống". Đến bây giờ bà vẫn nghĩ mình là một đứa con gái bé bỏng đứng trước cha mình. Đợt kỷ niệm 60 năm ngày sinh Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài viết mừng với bài "Người bạn đọc ấy", có đoạn miêu tả Nguyễn Công Hoan trên bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh), tay dắt cô con gái nhỏ. Cô gái nhỏ ấy bây giờ vẫn sống, vẫn là một… cái Bống.
Nhắc lại kỷ niệm này, Lê Minh nói: "Hình ảnh mà Tô Hoài bắt gặp một lần và ghi lại ấy đến hôm nay vẫn nguyên vẹn trong tôi. Bởi hôm nay và cho đến suốt đời, tôi vẫn được trong bàn tay ấm nóng của cha dắt dìu như ngày nào trên bãi biển Trà Cổ. Tôi vẫn được nép vào bên cha, lòng đầy thơ dại… Tôi vẫn được nhìn thấy cha tôi đứng trước mặt mình, nói với tôi bằng ánh mắt nhân hậu".
Sau bao nhiêu năm dồn tâm huyết để viết những cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn của mình, Lê Minh cũng hạnh phúc được làm nhiệm vụ là sưu tầm, biên soạn những bộ sách cha bà để lại. 81 đầu sách của nhà văn cùng với bộ toàn tập gồm 9 tập tại NXB Văn học và bộ toàn tập gồm 14 tập tại NXB Thanh niên.
Với tự truyện "Cánh buồm nhỏ", dường như có một sức mạnh tâm linh mách bảo, nên có những sự việc qua đi đã quá lâu rồi mà Lê Minh vẫn nhớ và ghi rõ tất cả. Sự nghiệp của Nguyễn Công Hoan lớn và chân thực, đến nỗi khi đọc văn ông người đọc hình dung ra một xã hội với những sự bề bộn đến khắc nghiệt của nó. Khi nhắc đến ông, người ta đánh giá những tác phẩm của ông là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam.
Và, Lê Minh đã tỏ lòng kính phục người cha của mình: "Một cuộc đời đi cạnh đời thường mà nhà văn đã dốc sức, đã chắt lọc, đã chăm chút và xả thân vì nó. Ở cuộc đời ấy, nhà văn sống vẫy vùng bằng nhịp đập của chính quả tim mình, bằng cái đầu của chính mình".
3. Cuộc đời sáng tác và công tác văn học của Lê Minh không hề suôn sẻ. Nhưng bà đã cố gắng vượt qua trắc trở và gặt hái thành công. Là người được thừa hưởng tinh hoa của người cha là một nhà văn giàu lòng nhân ái và lòng yêu nước, Lê Minh lại được rèn luyện trong phong trào công nhân từ thời kỳ trước cách mạng, nên khi viết về công nhân bà rất có thành tựu.
Một tác phẩm của bà đã được một nhà nghiên cứu người Đức dùng như một tư liệu chính để làm luận văn tiến sĩ. Bây giờ, tuổi đã cao, con cháu đầy đàn. Nhà văn Lê Minh gọi đó là nơi yêu dấu. Bà sinh hạ được bốn con. Các con đã cho bà niềm vui, động lực, kiến thức và lòng quả cảm. Xưa kia, phải làm việc xa các con, cha và mẹ bà đã hướng dẫn các cháu viết thư cho mẹ. Những bức thư sai chính tả, nguệch ngoạc nhưng là niềm hạnh phúc của Lê Minh đến tận giờ. Bà đã giữ được trọn vẹn và in vào tự truyện.
Lê Minh đặt tên cuốn tự truyện là "Cánh buồm nhỏ" với tất cả lòng kính trọng, trìu mến, biết ơn và tự hào. Vì cánh buồm nhỏ đã được gió đưa, sóng vỗ. Nhà văn Lê Minh được các bậc đàn anh dìu dắt, dẫn đường cho đến bây giờ. Ngay đầu cuốn tự truyện, bà đã đề mấy câu thơ:
Con thuyền mang cánh buồm nhỏ
Có sức vượt mọi thác ghềnh
Gió đưa sóng vỗ
Mặt trời ánh trăng…
Ta mang ơn tất cả.
Bống của nhà văn Nguyễn Công Hoan không bao giờ nghĩ rằng cha mình đã mất. Với bà, cha vẫn còn sống, luôn ở bên, chỉ dạy cho con gái. Bà tin cha mình cũng vẫn sống trong lòng người đọc, bằng chứng là người đọc vẫn đọc tác phẩm của ông, với một lòng nể phục, kính trọng không ngừng
Nguyễn Văn Học
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉