Sưu tầm các tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Công Hoan và các bài viết về Ông có trên mạng.
cuộc bộc bạch của Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi
Một người ưa hoạt động coi việc viết ngang với cơm ăn nước uống hàng ngày như Nguyễn Công Hoan trước hoàn cảnh ấy không chịu bó tay. Ông xoay ra làm một số việc khác như đi phỏng vấn các đồng nghiệp (Hỏi chuyện các nhà văn) hoặc đính chính thơ văn của Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Dẫu sao có thể dự đoán, càng ngày ông càng cảm thấy vốn liếng mình là ở như những hiểu biết về xã hội cũ và chỉ trong khi viết về xã hội cũ mình mới trở nên có ích hơn cho con người đương thời.
Còn Đời viết văn của tôi thì sao?
Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, cuốn sách nhằm tới cái đích chung là phác hoạ sự hình thành tính cách của tác giả và con đường tác giả đến với văn học. Ông không chủ ý kể về đời mình một cách chi tiết, theo kiểu bám sát từng năm hoặc từng thời kỳ một. Mà ông khái quát lại thành các phần ảnh hưởng Hoạt động Sáng tác… Trong khi hàng ngày, nhà văn thường vẫn tuyên bố là mình viết một cách hồn nhiên không đắn đo cân nhắc gì nhiều thì lúc bắt tay vào viết hồi ký, trên đại thể ông lại sử dụng một bút pháp mang ý nghĩa tổng kết tức là đi từ xa tới gần từ tổng thể đến trường hợp riêng từ nguyên nhân tới kết quả lớp lang đâu vào đấy. Cái việc mang mình ra mà phân tích được làm một cách khá bài bản. Ông hiểu ông là sản phẩm của một hoàn cảnh, cũng giống như tờ giấy thấm, con người ông đã thấm đẫm những ảnh hưởng của môi trường chung quanh.
Khi bàn về thể tài của Bước đường cùng, nhiều người thích xác định đấy là tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tố cáo, song Nguyễn Công Hoan nói đơn giản hơn đấy là tiểu thuyết phong tục, chẳng qua thạo nhiều chuyện ở nông thôn từ chuyện đẻ đái cãi nhau vì mất gà tới cảnh vay nợ, cảnh ăn khao rồi bỏ ruợu lậu vào ruộng của nhau nên ông đưa cả vào trong sách.
Cách hiểu về chi tiết phong tục như thế này cũng chi phối tác giả khi viết hồi ký Đời viết văn của tôi. Sinh năm 1903, Nguyễn Công Hoan có thể tự nhận là người cùng tuổi với thế kỷ XX. Mà đặt trong lịch sử dân tộc thì thế kỷ này cũng là một bước rẽ ngoặt: từ đây xã hội rời bỏ mẫu hình phát triển trung đại của phương đông để sải bước trên con đường Âu hoá. Bởi vậy những kỷ niệm của tác giả trong tuổi niên thiếu có thể coi như những chứng tích về sự xâm nhập của văn hoá phương tây thông qua mọi yếu tố của môi trường xã hội cũng như con đường các gia đình nền nếp giáo dục các thành viên của mình để đứng vững trước mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đó. Những trang kể lại thời đi học ở trường Bưởi không hề mang tính cách thơ mộng như thường thấy mà cũng vẫn là những trang tự bộc lộ chân thành đến mưc có phần như là thách thức sự đời, và pha một chút trắng trợn bất cần. Nào là học trò làm giấy khai sinh với ít nhiều man trá. Nào là chia phe phái trọc ghẹo nhau và đánh nhau với bọn trẻ con Tây. Nào là vào hùa chạy theo phong trào “đế chế bắc hoá “, tẩy chay hàng Tàu … Còn có hàng loạt những chi tiết có liên quan đến mọi mặt đời sống được Nguyễn Công Hoan nhân tiện ghi lại làm nên da thịt của cuốn hồi ký văn học.
Mấy chục năm đầu thế kỷ là thời đặt nền móng của nền quốc văn mới mà cũng là thời của báo chí văn học. Đây cũng là môi trường tốt để ngòi bút Nguyễn Công Hoan tập dượt. Với tờ báo này, ông là bạn của người sáng lập, nhân nể bạn thì viết giúp. Với tờ tạp chí kia, ông là một trong những cây bút chủ trò, người ta bàn với ông cả từ thể tài đến cách bán hàng. Những năm hai mươi khi mở mục Việt Nam nhị thập thế kỷ ba đào ký trên An Nam tạp chí , Tản Đà chỉ viết những bài đầu còn thực chất về sau là do Nguyễn Công Hoan gánh vác. Những quyển sách đầu tiên của ông được in ra khi các nhà xuất bản còn chưa thành hình và chỉ có các nhà in hoặc các hiệu sách đứng tên sau các xuất bản phẩm. Đến khi Tiểu thuyết thứ bảy và Phổ thông bán nguyệt san ra đời thì ông lai trở thành một trong những tác giả góp truyện đều đặn. Dường như có thể soi vào đời viết của ông để thấy bước đi của một mùa màng văn học từ lúc thịnh trị tới lúc lụi tàn: Nếu như Vũ Trọng Phụng trẻ hơn ông viết sau ông nhưng lại qua đời trước ông (1939) thì Nguyễn Công Hoan còn lải rải viết thêm mãi về sau, cả khi những ngày đẹp nhất của văn học đã qua.
Như trên đã nói, mặc dù viết đều viết khỏe bậc nhất trong giới, song suốt trong thời tiền chiến, Nguyễn Công Hoan vẫn không bỏ nghề dạy học. Không bao giờ người ta thấy ông kêu than là phải làm gấp bản thảo để mang bán trong khi vợ đau con yếu kiểu như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Mà ông cũng không ham chơi đến mức luôn luôn cần tiền như Nguyễn Tuân hoặc Lưu Trọng Lư. Như vậy là đối với nghề văn, ông không bị ràng buộc đến bị động. Luôn luôn ông đứng cách nó một khoảng cách. Điều này chẳng những mang lại cho nhà văn một cuộc sống độc lập mà còn giúp ông thế đứng bên ngoài vốn rất cần thiết cho việc đưa ra một cái nhìn bao quát về nghề nghiệp. Chúng ta biết rằng suốt thời trung đại, văn học VN không có hồi ký mà ngay trong thế kỷ XX, cả các nhà chính trị nhà hoạt động xã hội lẫn các nhà văn các hoạ sĩ nhạc sĩ và nói chung là những người lẽ ra nên viết hồi ký cũng không mấy ai tính chuyện động bút trong thể tài này. Tại sao như vậy? Hình như ở đây có vấn đề của tư duy: người Việt tuy luôn luôn lưu luyến quá khứ song lại không thích chuyện tính sổ quá khứ một cách rành mạch. Xu thế tâm lý nói chung là tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Thậm chí nhiều người trong thâm tâm thừa biết rằng mình sống dở, sống chẳng ra sao, song khi kể chuyện cũ lại tìm cách tô điểm cho cái quá khứ ấy một vẻ dễ coi. Với những bộ sử những tài liệu nghiên cứu có liên quan đến mình, họ thường săn đón và tìm mọi cách chăm sóc sao cho khuôn mặt mình được tô vẽ cho dễ coi một chút. Còn hồi ký ấy ư — họ ngại! Thế Nguyễn Công Hoan thì sao? Những người thích đọc ông đều biết nhà văn này có một cách nghĩ riêng về đời.
Được cái trong khi giữ một cách nhìn bi quan về xã hội, đồng thời ông không biệt đãi bản thân mà cũng biết nhìn ra trong bản thân mình đủ thứ thói hư tật xấu. Nhìn quá rõ những mặt xấu trong con người, hoài nghi đối với nhân tâm thế đạo, rồi khinh thế ngạo vật rồi lười biếng ẩu không coi việc gì là quan trọng … xưa nay thật khó có ai tự nói về mình như vậy.
Và cũng vì thế nên trong Đời viết văn của tôi có những nhận xét về nghề cầm bút rất khắc nghiệt đại loại: - Làng văn từ xưa đến giờ, quả là cái chợ - Một dạo người ta sợ những người cầm bút như sợ hủi - Rất nhiều người viết chỉ láng tráng đến với nghề một chốc rồi chuồn thẳng đến mức phải gọi cái cách tồn tại của họ là nửa đời nửa đoạn. Trong những trường hợp có thể, Nguyễn Công Hoan đã sòng phẳng. Có thể nói đây là tinh thần chính chi phối tác giả khi nhìn lại đời viết văn của mình.
Nguồn cảm hứng nào đã thúc đẩy Nguyễn Công Hoan kể chuyện mình theo kiểu như vậy? Chúng tôi có cảm tưởng điều đầu tiên ông muốn truyền đạt tới mọi người, ấy là viết văn phải có năng khiếu và sự thành công không thể do ý chí hay day tay mắm miệng mà có được. Vốn thích đề cao những gì gọi là tự nhiên ông chúa ghét những nhà văn nào quan trọng hoá nghề nghiệp của mình và lấy sự viết lách ra để lừa bịp. Sự dông dài tuỳ tiện mà ông hay nói, đúng hơn sự đùa bỡn mà ông cố ý phô ra, là một cái gì quán xuyến trong ông, nó buộc người ta sau đó phải hiểu dần ra những điều đơn giản mà ông muốn nói việc viết văn cũng là một việc thường như mọi việc khác trên đời hoặc gán cho văn chương có lắm ý nghĩa đâu đâu tức là chẳng hiểu gì về nó cả.
[im]your image url..[/im][youtube]your video url..[/youtube][si="10"]your text[/si][co="red"]your text[/co]〈div style=""〉 TEXT〈/div〉
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉