Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Xuất giá tòng phu


Mời bạn đọc theo dõi việc lễ tết quan qua các truyện ngắn:
1. Xuất giá tòng phu - 1936
2. Gánh khoai lang - 1938
3. Ngượng mồm - 1938


Minh họa: QUYNH HOA RADIO

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Cô Trinh | 3. Hiệu Sách Nói | 4. Góc của AQN | 5. TV DKD | 6. Quỳnh Hoa | 7. Dung | 8. Anh Khôi | 9. Nui H Noi



Mời đọc Bản đánh máy

Xuất giá tòng phu

Nguyễn Công Hoan


Trả tiền xe xong, ngài ôm cái gói bọc giấy xanh, chằng dây hồng, thoăn thoắt đến buồng khách, qua buồng ăn, ngó vào nhà tắm, rồi xuống bếp: Su hào, bắp cải, bong bóng, nấm mực, còn bừa bãi, ngổn ngang cả trên phản làm cơm. Ngài ngơ ngác hỏi:

- Bếp! Bà đâu?

Anh bếp ngơ ngác, thưa:

- Bẩm, bà ở nhà ngoài.

Ngài càng ngơ ngác:

- Không mà!

Rồi ngài tìm lượt nữa: nhà tắm, buồng ăn, buồng khách. Ngài gọi to:

- Mợ đâu nhỉ?

Chẳng thấy vợ đâu, ngài sực nghĩ ra. Ngài chạy lên gác, bật đèn lên. Thì quả nhiên bà nằm trên giường, đắp chăn kín mít.

Mừng rỡ, ngài đặt cái gói lên bàn, lại gần, ngồi cạnh vợ, lật chăn ra, tỏ ý ngạc nhiên:

- Kìa, tôi tưởng mợ sắm sửa xong rồi. Dậy đi, mau!

Bà mở mắt lim dim, kéo chăn đắp lại, uể oải nói:

- Tôi nhức đầu quá, mà cơm cúng ở nhà cũng chưa sắp sửa được gì cả.

- Không cần. Dậy mặc quần áo, kẻo không kịp.

Nói đoạn, ngài lật cả tấm chăn ra. Bà vợ thì cố co lại:

- Thôi, tôi nhức đầu như bị búa bổ, và chóng mặt lắm.

Ngài cười khanh khách, kéo vợ ngồi dậy: 

- Ồ, vờ mãi! Mặt mũi thế này mà bảo rằng nhức đầu. Mau đi, kẻo lỡ.

Rồi chẳng hay cảm vì sắc đẹp hay muốn giở khoa nịnh đầm, ngài ôm lưng vợ, hít vào cổ. Nhưng bà hất ra, và lại cố nằm xuống, dằn dỗi:

- Tôi chịu thôi.

Ngài trợn mắt, kinh ngạc:

- Chết, việc cần, không nói thế được. Thu xếp xong đâu vào đấy rồi. Mợ đừng phụ công tôi.

Rồi ngọt ngào, ngài đập vào vai vợ, trỏ cái gói:

- Này, tân thời, đẹp đáo để. Dậy mà xem.

Bà vừa kéo chăn toan trùm đầu, vừa nói:

- Điều khác thì tôi xin chiều ý cậu ngay.

Ngài co phắt chăn, cuộn lại, ôm quẳng sang giường bên kia, hềnh hệch cái mồm, cười:

- Mợ chỉ ngại rét chứ gì? Có rét quái đâu! Ở ngoài đường cũng ấm áp lắm.

Bà ôm đầu:

- Ở nhà công việc còn bề bề ra, cậu không biết à? Cơm cúng đã làm được tí nào đâu.

Ngài dỗ dành:

- Không cần! Chả cúng bây giờ thì tám giờ, chín giờ, mười giờ đêm, lúc nào mợ về hãy hay. Mà chẳng có thì tôi cứ trầu nước mời các cụ về cũng được, chứ đã làm sao? Mai năm mới, hãy cỗ bàn bày vẽ.

Nói đoạn, ngài dựng vợ dậy, cầm hai cánh tay, kéo ra cạnh giường, rồi ngoèo chân, xếp lại hai chiếc guốc cho ngay ngắn. Bà oằn oại, ngả người để co lại, nhăn nhó, giằng tay ra. Nhưng thấy sức yếu quá, nên tự nhiên, bà bật ra tiếng khóc.

Đó là lúc chẳng nên đùa.

Cho nên ngài trợn mắt, nghiêm chỉnh hỏi:

- Ô hay, mợ không đi thực à?

Bà vẫn ôm mặt, nức nở:

- Cậu còn phải hỏi hay sao?

- Nhưng tôi đã hứa với người ta rồi kia mà!

- Mặc kệ cậu. Ai bảo?

- À, mợ khó bảo nhỉ! Nào có nhọc nhằn gì việc ấy. Tôi quanh năm làm lụng vất vả, mỗi ngày vùi đầu vào công việc hàng bảy tám giờ đồng hồ. Nếu tôi quản công, thì liệu cả gia đình này có được ấm no không? Mợ không biết nghĩ.

- Tôi hiểu cả. Cậu không cần nói nhiều. Nhưng cậu đừng bắt tôi thế.

Buông phứt vợ ra, ngài ngầu ngầu nhìn thật nghiêm chỉnh:

- Thế mợ muốn để cho người ta cho tôi là đồ gì?

Bà chắp hai tay, vái lấy vái để:

- Tôi lạy cậu, tôi van cậu, cậu đừng ép tôi. Tôi là vợ cậu...

- À, tôi là vợ cậu! Là vợ mà chồng bảo không nghe. Luân lý để đâu? Giáo dục để đâu?

Bà lại ôm mặt, thổn thức. Ngài móc túi, coi đồng hồ.

- Thôi, dậy sắm sửa mà đi, còn có ngót một giờ nữa thôi.

- Ngót một phút tôi cũng chịu.

Nghiêm nét mặt, ngài dẽ dàng, giảng:

- Mợ phải hiểu, tôi không muốn tôi phải ép mợ. Tôi muốn mợ vui vẻ mà đi. Tôi giảng nghĩa trong từng ấy ngày, tôi tưởng mợ đã nghe hiểu. Thế này thì cáu thật!

Bà nằm lả xuống giường, ôm đầu. Ngài nhìn một lát, bỗng hất hàm, hỏi:

- Mợ có đi hay không thì mợ bảo?

- Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy cậu, cậu tha cho tôi. Cậu đừng làm tôi nhục.

Ngài nhăn mặt, rồi to tiếng:

- Có đi hay không?

Bà cũng nhăn mặt:

- Khổ quá, tôi lạy cậu.

Ngài gắt:

- Có đi hay không. Mợ trả lời một tiếng. Không lạy van gì cả! Có hay không?

Bà không đáp, nức nở khóc. Ngài nắm chặt bàn tay, đấm mạnh xuống phản:

- Nói!

Nhưng chẳng được nghe ý kiến vợ, ngài xung tiết, chạy đến mắc áo, vớ cái ba toong, khuỳnh tay đứng trước giường, rồi giơ ngọn gậy vào mặt vợ, hỏi:

- Có hay không? Một tiếng!

Vừa sụt sùi, bà vừa đáp:

- Không!

Cần quyết liệt hơn, ngài giơ gậy:

- Thật mợ không đi à?

- Không!

- À, bướng! Tao không dọa đâu nhé. Để rồi mồng bốn Tết, nó nhổ vào mặt tao ấy à! Cứng cổ này! Khó bảo này!

Thế là chiếc gậy hăng hái, cứ từ trên cao giáng xuống. Bà rú lên, rồi giơ tay ra đỡ, sấn lại chồng, cố níu lấy cánh tay rắn như sắt. Nhưng loáng một cái, ngọn gậy giơ lên thật cao, quật mạnh xuống, chạm phải thành giường, gẫy cắc ra làm đôi. Một mẩu quay lông lốc như chong chóng, bắn lên gần trần, rồi rơi xuống ván gác.

Đó là một cảnh dữ dội.

- Tôi van cậu, để nội trong ba ngày Tết hôm nào tôi đi cũng được.

Biết là sự làm già bao giờ cũng hay hơn, ngài lắc đầu, co giật phắt vợ xuống. Bà ngã ngồi trên hai chiếc guốc lúc ấy ngổn ngang.

- Phải đi ngay! Tao không hoãn một phút! Đồ thân lừa chỉ ưa nặng.

Bà nhăn nhó, khóc:

- Để đến mai, mồng một Tết, tôi đi vậy, bây giờ tôi còn phải làm cơm cúng.

- Đã bảo không cần mà. Người ta đi trước Tết, chứ ai để đến tết rồi mới đi! Đứng ngay dậy!

Ngài giật phắt cái cột màn. Thì thình lình:

- Ối hàng phố ơi!

Bà vừa kêu, vừa túm lấy chồng, thở ỳ ạch.

Nhưng khỏe như con vâm, đưa khuỷu ra, ngài gạt vợ ngã lăn, và nắm chặt lấy hai cổ tay. Bà oằn oại, song yếu quá. Bà dùng hai cẳng để cưỡng. Nhưng cả cái sức nặng của tấm thân vạm vỡ đè trên ngực bà, bà phải cố cựa cạy để thở. Vậy mà ngài tát. Ngài tát dồn năm sáu cái, và hỏi tội:

- Mày có đi hay không?

Bà tối tăm mặt mũi, hổn hển thách:

- Đây, cậu cứ đánh chết tôi đi.

Tức thì, những quả thụi kinh hồn vào mặt, vào ngực và vào sườn, làm bà kêu thất thanh. Nhưng mặc kệ, ngài vẫn hỏi có một tội:

- Mày có đi hay không?

Bà kêu cha, kêu mẹ, kêu cả Trời nữa. Nhưng ai thưa? Ví thử cha mẹ hay cả Trời nữa có đứng đấy thực, cũng đố dám vào mà gỡ.

*
*     *

Việc gì cũng vậy, đánh đau thì phải chừa. Cho nên chẳng mấy chốc, bà kêu cuống quýt:

- Vâng! Vâng! Tôi lạy cậu! Tôi xin đi.

Ngài hung hăng, lôi phắt vợ dậy, hầm hầm nhìn.

Bà ngồi lả, chống tay đằng sau, đầu tóc rũ rượi, thở.

- Nếu mày định đi thật, thì đi mà lau mặt.

Sợ quá, bà chắp hai tay vái cuống queo:

- Vâng, vâng, tôi xin đi.

- Đi ngay!

- Vâng, vâng! Tôi lạy cậu.

Nói xong, bà lê đến ngồi ở ghế.

Ngài nhìn ra hiên, chạy lấy chiếc khăn mặt, đưa vợ:

- Đây, lau mặt đi! áo quần, phấn sáp có sẵn cả rồi, còn khó khăn gì nữa.

Đoạn ngài vớ cái bọc, cởi dây, mở giấy ra trước mặt bà và nói: 

- Không biết tao hết hơi nói người ta mới cho mượn những thứ này à? Mau, chậm rồi.

Bà khóc sướt mướt, cầm cái lược, giũ mái tóc ra và vừa suýt xoa, vừa chải. Ngài vẫn còn hung hăng:

- Rẽ như lối chị Tham ấy.

Giật nảy mình, bà vội chải, vội rẽ, vội uốn éo cho làn tóc lật lên, cong xuống cho thật nền, rồi vừa lau nước mắt, bà vừa lấy các thứ ở bọc để xoa phấn trắng, đánh phấn hồng, và kẻ môi son cho thắm.

Trong khi ấy, ngài đứng coi, mỗi chốc lại giở đồng hồ ra xem và giục.

Trang điểm xong, bà thở dài, cố gượng đau để đứng dậy, lấy cái quần xa tanh trắng và cái áo nhung màu may kiểu mới vẫn còn gấp gọn ghẽ trên bàn. Bà vận những thứ ấy vào, rồi bôi đẫm nước hoa.

Đến bây giờ, dưới ánh đèn điện sáng trắng, bà thành ra một bông hồng nõn nà, thơm tho, khêu gợi.

Nhưng vẫn trừng trừng nhìn vợ, ngài gắt:

- Tươi tỉnh lên thì người ta mới cảm, chứ khó đăm đăm thế kia, thì nó tống cổ về!

Rồi ngài xuống gác. Bà đi theo. Ngài gói ít nhật trình cũ, buộc dây cẩn thận, rồi đưa bà.

- Cầm cái này mà đi cho người ta khỏi ngờ.

Và vẫn nghiêm chỉnh, ngài đe:

- Hễ nói dối tao mà trốn vào đâu thì đừng ăn cái Tết này thôi!

Bà nghiến răng, thở dài, không đáp.

Ngài nhiếc:

- Cái giống đàn bà xưa nay vẫn thế kia! Lúc đến thì đừng có lù lù đằng cổng trước, nghe chưa? Mà khi nào ông ấy cho về mới được về. Tao mà thấy ông ấy tỏ ý không bằng lòng thì chớ chết!

Nước mắt chạy quanh, bà bước chân ra gần đến cửa, quay lại, rít lên, nói:

- Thiếu gì cách lễ Tết mà cậu phải làm tôi nhục nhã như thế này!

Ngài trợn mắt:

- Câm ngay! Làm gì mà bô bô cái mồm lên thế. Đồ ngu như lợn. Cái gì thì mua được, chứ cái này mua được à?

Rồi ngài đứng nhìn chiếc xe kéo vợ đi khuất, mới quay lại, ra dáng yên lòng. Ngài yên lòng vì không phải thẹn với lương tâm mà chắc chắn rằng sẽ được ông ấy khen là biết ơn và tử tế.


1936

PTBNS số 61; 16-6-1940.


Tiểu thuyết thứ bảy, số 87 (ra ngày 25/11/1936)
In trong tập truyện Ông chủ báo (Phổ thông bán nguyệt san số 61, năm 1940).




Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000


Tham khảo: Các bài viết liên quan


1 comments:

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉