Mời bạn đọc theo dõi việc lễ tết quan qua các truyện ngắn:
1. Xuất giá tòng phu - 1936
2. Gánh khoai lang - 1938
3. Ngượng mồm - 1938
2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Diễn đọc: 1. Minh Nguyệt | 2. Chiến Hữu | 3. Hồng Ngọc | 4. TV DKD | 5. Cô Vân | 6. Mắm Tôm
Mời đọc Bản đánh máy
Ngượng mồm
Ông chánh hội đỏ mặt tía tai, trợn mắt nhìn ông lý và ông phó hội, rồi đập nắm tay xuống chiếu, nghiến răng nói:
- Từ ngày lão ấy về huyện ta, chính sách hay chưa thấy đâu, mà nay đục đám này, mai khoét đám khác, bịa ra những việc không có nghĩa lý gì để sách nhiễu dân, ăn cắp từ hai hào của con mẹ Nuôi ăn cắp đi, thì phỏng các ông thử nghĩ xem, quan gì lại quan thế?
Ông lý cũng đầy vẻ uất ức, thở dài và lắc đầu:
- Phải, mà lệ đâu lại có cái lệ khoán cho người ta món tiền để lễ tết mình bao giờ. Hôm ấy bực quá, tôi cãi phăng ngay rằng làng ta nghèo, lý trưởng xin tết một đồng, chánh hội một đồng, phó hội năm hào, còn thì xin miễn ráo.
Ông phó hội nói:
- Ông nói có thế mà lão ấy gắt, còn bảo ông là bướng?
- Phải, ông ấy lại đe tôi nữa kia. Không hiểu những người được địa vị hơn kẻ khác, họ cho bướng là thế nào. Đối với họ, hình như khi người dưới cố ý không để họ đè nén được thì họ cho là bướng.
Ông chánh hội nói:
- Thì cái tết tháng mười vừa rồi, tôi ỳ ra nó, đã làm gì nổi tôi. Tôi biết rằng lão ấy căm tôi lắm, nhưng tôi giữ gìn công việc không để lão ấy cự được thì thôi chứ gì?
Ông phó hội cười:
- Thì vì ông không tết, nên lão ấy chả kiếm chuyện sức ông lên mấy lần là gì? Mà có lần nào ông được vào hầu ngay đâu. Lão ấy bắt ông phải cơm hàng cháo chợ, chầu chực chán chê, cho ông tốn kém hơn cái đồng bạc đáng lẽ ông phải bỏ ra tết lão ấy.
Ông chánh hội quả quyết gật đầu:
- Thà thế còn có ích hơn là cho ông quan ăn một cách vô lý. Ông tính ra mà xem, huyện ta có tám mươi làng. Cứ như số tiền lão ấy khoán cho chức sự phải lễ tết, thì làng nhiều bù làng ít, mỗi làng là mười đồng, cộng cả với tiền lễ tết của cánh chánh phó tổng, nghị viên, thì cái tết này lão ấy thu đến nghìn bạc. Ấy thế mà còn tết tháng năm, tết tháng mười, tiền lãi những ngày kỵ lạp, thì ra một năm chỉ mới thế, lão ấy đã bỏ túi ít ra là hai nghìn bạc mồ hôi nước mắt của chúng ta rồi.
- Tôi tưởng nếu bọn ta ai cũng biết làm việc trong vòng bổn phận cả, cái gì ngoài bổn phận thì ta không theo...
Ông lý cười, nói tiếp:
- Nếu thế được, có lẽ không ai ra làm quan nữa. Nghĩa là khi dân khôn thì quan hết nhằn!
Ông phó hội kéo các bạn trở lại với đầu đề:
- Này, về phần tôi năm nay, tôi cũng xin như năm ngoái.
Ông chánh hội gật đầu:
- Tôi cũng chỉ có thế thôi. Vậy thỉ tôi một đồng, ông phó năm hào. Còn ông lý, ông định đi bao nhiêu?
- Tôi cũng theo các ông. Nhất là cách, tôi không cần. Làng người ta giầu, nhiều đinh,
chứ làng ta nghèo, quanh năm chẳng có việc gì, lấy đâu ra mà tết với nhất.
Bỗng ông chánh hội nghĩ ra được một ý, cười sằng sặc vỗ đùi nói:
- Ta làm thế này thì hơn. Ba ta cùng vào tết một lúc. Ta cứ đặt cả hai đồng rưỡi vào đĩa và nói rằng: "Ba chúng con vi thiềng". Chẳng lẽ lão ấy lại không nhận? Nếu chê ít thì ta mang về. Vả lại chê ít thì ngượng mồm lắm, các ông ạ.
Ông lý cũng rũ ra cười, khen ông chánh:
- Riêu kế! Làng bầu ông làm chánh hội thực đáng.
Ông phó hội cũng khen:
- Phải, ông chánh thông thực. Chúng mình vào lẻ từng người một, lỡ ra, ông ấy có thể mắng được. Đằng này, giá có muốn mắng rằng ít, ông ấy cũng còn sợ mất sĩ diện với người nọ người kia.
Ông chánh hội đắc chí:
- Chứ theo món tiền khoán thì ông lý phải hai đồng, tôi phải hai đồng, ông phó phải một đồng. Còn ông phó lý, thư ký, thủ quỹ cả đến trương tuần cũng phải năm hào, thì giết ai ra tiền được?
Sáng hai mươi tám tết, ông lý và hai ông chánh, phó hương hội đánh liều lên huyện với hai đồng rưỡi tết quan. Ba người đều thấy mình đắc thắng rõ rệt trong cuộc phấn đấu này.
Ông phó hội vốn vui tính, kể chuyện:
- Ngày xưa, có một thầy đồ đi dậy học ở một làng kia. Đến gần tết, học trò bàn góp tiền mua một vài thứ đến lễ tết thầy. Chẳng biết ai xui lũ nhãi con hà tiện, hay chúng có ý xỏ thầy, nên chúng mới chung nhau như thế.
Ông chánh mỉm cười:
- Thì cũng như chúng ta lên tết quan hôm nay chứ gì.
- Chính thế. Nếu chúng ta đi riêng có phải hai ông mỗi ông mất hai đồng, tôi mất một đồng không? Ta chung nhau, thì món tiền hai đồng rưỡi để vào đĩa, trông nó đã có vẻ chững chạc lắm.
Ông lý nói:
- Thì chắc lũ học trò cũng nghĩ thế. Chung nhau vừa đỡ tốn, vừa không rõ chỗ cỏ rả.
Chỉ thầy là thiệt thôi.
Ông phó hội cười:
- Phải, chỉ thầy là thiệt thôi. Nhưng được cái ông đồ này nhanh trí khôn. Khi trông thấy gần hai chục đứa học trò đứng lố nhố tối cả nhà lại, mà trước mặt chúng chỉ có hai thúng gạo và một bu gà thì thầy có ý không bằng lòng. Song, dù không bằng lòng, thầy phải để bụng, chẳng lẽ nói ra. Thầy nhìn học trò và lễ vật hồi lâu rồi mỉm cười, rung đùi, gật gù, nói vài câu cảm ơn. Đoạn thầy tán đến chuyện làm câu đối. Thầy hỏi trò:
- Chữ Thần đối với chữ gì, anh Lập?
- Bẩm Thánh ạ.
Thầy gật gù khen hay quá. Rồi tiếp:
- Thế chữ Nông, anh Dần?
- Bẩm đối với chữ Sâu ạ.
Thầy lại tặc lưỡi khen hay.
- Chữ Giáo, anh Sủng?
- Bẩm Gươm ạ.
- Chữ Dân, anh Chương?
- Bẩm Quan ạ.
- Chữ Nghệ, anh Tạo?
- Gừng ạ.
- Chữ Ngũ, anh Thâu?
- Tam ạ.
- Chữ Cốc, anh Liệu?
- Cò ạ.
Chữ nào trò cũng đối chọi chan chát. Thầy cười hà hà, hết lời khen ngợi. Lũ trẻ ngây thơ mỉm cười nhìn nhau, vui sướng. Nhưng biết đâu, đấy là cái lối nhà nho thâm hiểm, đưa cả lũ chúng nó vào tròng. Thầy chỉ còn việc giật một cái là chúng nó ngã bổ chửng. Thầy mỉm cười hỏi:
- Thế những chữ thầy vừa ra cho các anh đối là ở câu Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc, nghĩa là Vua Thần Nông dậy dân nghề trồng ngũ cốc, thì các anh đã đối với những gì nhỉ?
Lũ học trò ngơ ngác một lúc, rồi anh Lập ấp úng thưa:
- Bẩm Thánh sâu gươm quan gừng tam cò ạ.
Thầy vờ thở dài nhìn xuống đất, chỗ đặt gà gạo, và trầm ngâm, mỉm cười một cách sâu sắc, nói:
- Các anh xem ở đời việc gì cũng vậy, nó cũng như câu đối vừa rồi, từng anh làm riêng thì nghe nó hay hay, chứ mà tất cả các anh chung nhau lại thì nghe thế nào được.
Ông lý phá lên cười:
- Vậy chốc nữa, nếu quan có chê ít, tất ta lại được ngài cho nghe câu chuyện cổ tích này! Thì ông ấy đến bảo ta một cách xa xôi như lối thầy đồ ra câu đối cho học trò là cùng chứ gì.
Ba người qua cổng huyện, tiến thẳng vào mé công đường mạnh bạo lắm. Mấy anh lính lệ và nho chạy ra, đon trả mời vào trại hút thuốc, vì họ cũng thừa hiểu bọn này đến tết quan, thì sao họ chẳng được sơ múi chút ít.
Nho Quý lôi áo ông lý ra một chỗ riêng, mách:
- Quan hỏi mỗi các ông. Quan cứ tưởng các ông quịt tết, nên vừa bảo tôi thảo tờ sức đòi các ông đấy.
Ông lý cau mặt hỏi:
- Đòi lên tết à?
- Không, đòi lên khuyên bảo về việc tuần phòng, nhưng ý là để nhắc nhở các ông.
Ông chánh hội chạy lại nhìn nho Quý một cách khinh bỉ.
- Thôi xin bác đừng tán. Để chúng tôi vào cho xong việc, hết ngày rồi.
Nói đoạn, ông kéo ông lý và ông phó hội đi.
Ông phó hội lấy vạt áo lau cái đĩa mượn ở hàng nước ngoài phố, khẽ đặt hai tờ giấy bạc và năm đồng hào lên trên, rồi hất hàm cho hai bạn đi trước.
Ông chánh vội ghé vào tai ông lý, nói đùa:
- Thánh sâu gươm quan gừng tam cò nhé. Mình không thắng trận phen này thì không nghe.
Ông lý mỉm cười, gật đầu:
- Nhận hai đồng rưỡi, đắng cay chết đi được đấy. Nhưng hễ gắt thì ta cứ ỳ ra, mà chê ít thì ta mang về nhé.
Rồi ba người tiến vào, vái chào quan phụ mẫu.
Ông huyện ngấc cổ lên, và chẳng cần thông minh lắm ông mới biết mục đích của ba người này vào làm gì ông rút ngăn kéo, lấy quyển sổ tay, và hỏi ngay:
- Làng Ngũ Thịnh phải không?
Ông lý đặt đĩa tiền vào cạnh bàn giấy, khoanh tay lẽ phép đáp:
- Dạ, lạy quan lớn chúng con chánh, phó hội, lý trưởng làng Ngũ Thịnh đem đầu lên vi thiềng tết quan lớn.
Ông huyện nhìn đĩa tiền, rồi muốn chừng sợ mình trông chưa rõ, ông nghển đứng lên, vươn cổ, tròng trọc ghé vào hai tờ giấy bạc, rồi hất hàm hỏi:
- Hai đồng rưỡi phải không?
Ba người hồi hộp, đồng thanh nói:
- Dạ.
Ông huyện mở sổ ra, lấy bút gạch chéo một cái. Ba người đứng không nhúc nhích, cùng có vẻ lo sợ. Bỗng quan đặt bút xuống, và ôn tồn, ngẩng đầu lên. Tự nhiên ai nấy thấy nhẹ bâng hẳn. Rồi một lát ông huyện rung đùi, cặp hai ngón tay vào râu, vuốt nhẹ một cái, rồi lại ôn tồn nói:
- Cảm ơn nhé. Nhưng đây ta mới nhận của thầy phó hội, còn thầy chánh hội và thầy lý thì tao cho chịu đến ba mươi phải có, nghe chưa.
Nói đoạn ông giơ tay, gión hai tờ giấy bạc bỏ vào túi.
Cả ba cái mặt cùng tím lại. Nhưng không để họ tần ngần lâu, quan vẫn ngọt ngào nói tiếp:
- Còn chỗ lẻ ta cho mang về. Thôi, đi ra. Ngày kia hãy hay.
Ba người nghẹn ngào như tắc họng, tức run lên, nhưng còn đứng ăn vạ ai? Nên họ phải vái chào quan để lui ra. Đến cạnh bức bình phong, ông chánh hội lắc đầu rỉ vào tai hai bạn:
- Họ nói thế được, chứ mình thì mình ngượng mồm đến chết. Không trách, mình không làm được quan cũng phải.
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan - Truyện Ngắn Chọn Lọc - (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)
Tham khảo: Các bài viết liên quan
1. Xuất giá tòng phu - 1936
2. Gánh khoai lang - 1938
3. Ngượng mồm - 1938
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉