Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

Tôi mới thấy bà



Minh họa: Kênh Truyện Xưa

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Thái Hoàng Phi


Mời đọc Bản đánh máy

Tôi mới thấy bà

Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan


Cái ngày mà ông ấy bắt được quả tang bà ấy “nói chuyện” với trai ngay ở trong buồng đến nỗi hai người đánh nhau một trận ra tuồng mà bà con ta xúm đông xúm đỏ ở trước cửa để xem, thì ai tưởng đâu có ngày nay, ông bà ấy lại hòa hợp vui vẻ được nhỉ!

Hẳn cũng chửa ai quên được cái câu đau đớn mà bà ấy mỉa chồng. Phải bà ấy gọi lũ con nhỏ ra đứng trước mặt, rồi trợn mắt, nghiến răng ken két, chỉ tay và nói:

- Đừng hợm! Tưởng cái mặt ấy mà đẻ nổi những con như thế này phải không?

Ấy mới nguy! Thế ra thằng Lê, con Lý, thằng Đào là con ai kia đấy! Trong khi quá giận, bà ấy đã vô tình công khai cái lý lịch hay ho!

Khốn nạn, lũ trẻ con chẳng hiểu chuyện gì, chúng nó thấy ba và má cãi nhau, thì sợ hãi, rồi dần dần, lần ra sau nhà đánh đáo.

Mà khốn nạn hơn nữa là lúc ông ấy được nghe câu nói ấy. Thật chẳng khác gì là bị tiếng sét đánh ngang tai. Ông ấy rú lên một tiếng, rồi gục đầu xuống bàn hu hu khóc.

Thật là một sự ông ấy chẳng ngờ. Mà bà con ta cũng chẳng ai dám ngờ là lũ con ấy chẳng phải ông có công đúc cốt. Phải, đèn nhà ai nhà nấy rạng, chứ ai rỗi hơi mà xem xét đến những cái không quan hệ đến mình. Ta có biết gia đình ấy, thì họa chăng từ khi ông ấy bổ về tỉnh nhà, ta chỉ biết ông ấy khinh người bằng nửa con mắt, bà ấy hợm hợm chảy ra mà thôi. Chứ còn cái thằng Lê, con Lý, thằng Đào, với cái hạnh kiểm đáng phục của bà ấy, thì không mồm bà ấy phun ra, có họa thiên lôi biết!

Mà thật, những đứa bé con nhà ông ấy đứa nào cũng phốp pháp, mũm mĩm, tươi tỉnh, thật trái với ông ấy, đã gầy như cái que, mà mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, nhăn nhó như cái thằng đau bụng. Nhưng ta có thể tưởng là những đứa trẻ ấy giống máu mẹ, vì bà ấy là một “con bò cái chắc chắn” béo nùng nục, nhất là đôi môi, vừa ướt vừa dầy. Gia dĩ bà ấy đẹp, và thích trẻ. Năm ấy đến bốn mươi tuổi đầu rồi chứ còn ít gì, thế mà vẫn còn làm đỏm như cô con gái thèm chồng. Thấy người ta quần trắng, bà cũng quần trắng, thấy người ta rẽ bên, bà cũng rẽ bên. Nhưng, lạy thánh […] chứ khi bà ấy ăn mặc, đánh phấn […] thì ngay ngoan ngoãn như tôi đây, cũng phải trố mắt, ngây người mà nhìn và nuốt nước dãi. Đẹp thật!

Nhưng mà ông ấy có kém vẻ tân thời chút nào đâu? Bà rẽ lệch thì ông cũng rẽ lệch. Bà áo xa-tanh xúp dài gần tới mắt cá, thì ông cũng áo xa-tanh xúp dài xuống đến bắp chân. Bà quần trắng thì ông cũng quần trắng. Thua gì? Mà ông lại còn tiến hơn bà một bậc, là ông để răng trắng và có cả áo ba-đờ-xuy nữa. Thế thì bà không cảm ông, thì cảm ai?

Nhưng than ôi! Ông ấy cũng tân thời lắm đấy, nhưng không phải! Những hàm răng trắng, những đầu rẽ lệch, những quần trắng, những áo thướt tha dài, mà ở đàn bà, thì nó thành ưa nhìn, chứ mà đàn ông chúng ta, nhất là hạng thiếu niên ta, sống trong thể kỷ thứ hai mươi này, mà còn giữ mãi bộ áo quần quốc túy, thì ăm thưa gì? Có khi mặc thế mà đi hỏi vợ, thì Cẩm tha phạt cho đã là tốt phúc đấy!

Đối với những bà vợ ấy, thì ông chồng phải béo, tốt, khỏe, đẹp, vui vẻ, trung thành, vân vân, vân vân, mà bề ngoài phải mặc quần áo tây đầu chải thật bóng, râu ria cạo cho nhẵn thín, lúc nào cũng phải có cặp kính đồi mồi nó nhong ếp trên sống mũi. Nghĩa là vừa có vẻ hung hồn, vừa ra nhà học giả. Chứ mà lủn củn lùn cùn như ông ấy thế kia thì “về”!

Bởi vậy chẳng được chồng béo, tốt, khỏe, đẹp, vui vẻ, trung thành, mà đến cả cái vân vân vân vân, cũng chẳng có, nên chắc rằng bà phải sưu tập một vài người chồng dự khuyết, để khi ông có việc đi vắng nhà là bà cho mời đến đánh tổ tôm, hút trứng la-coóc, rồi vô phép ông Tơ!

Ờ! Thế mà tài thật! Những cuộc ái tình vụng trộm ấy có phải nó đi không để lại dấu vết đâu mà anh chồng không biết nhỉ! Kìa! Thằng Lê, con Lý, thằng Đào, là ba cái chứng cớ; trước kia, chúng nó chửa ra đời, thì bà ấy còn giấu giếm ở tận đáy lòng, nhưng một ngày bụng dạ bà ấy một rõ rệt ra, rồi mà có lẽ vì ông vẫn không ngờ vực vợ, nên tức mình, chúng nó mới dần dần rủ nhau chui tọt cả ra ngoài cho ông xem để ông hiểu!

Nhưng vì ông không hiểu: cái nghĩa bóng của sự đẻ con, nên ông yêu chúng nó hết sức, và khi thấy vợ diếc móc mình không đẻ nổi lũ con như thế, ông mới như nghe tiếng sét đánh ngang tai!

Rồi cũng vì câu nói đó, mà ông làm đơn xin ly dị vợ, và trong khi đợi tòa xử, ông còn ốm, ốm đến mấy tháng, tưởng chẳng còn sống được đến ngày nay.

Thương hại quá! Ngày ấy ông ốm có mỗi một mình, chẳng có ai trông nôm săn sóc cho cả, vì vợ ông, chẳng đợi gì pháp luật, ngay sau khi mắng chồng câu ấy, bà quát con Sen xếp va ly quần áo để ra ga, về Hà Nội. Trước khi lên xe, bà vẫn còn giận lắm, bà nhìn ông thổn thức, bà cười gằn, rồi nguýt một cái đến dài và nói:

- Để bà xem đứa nào cần đứa nào!

*

Rồi chẳng biết tòa không chiều ý ông, hay đứa nào cần đứa nào, mà sau ta lại thấy bà xách va ly cùng về với ông, hai người vui vẻ hòa hợp ở với nhau, thân mật như đôi tình nhân còn đương kỳ thề sống thề chết về danh dự.

Trông về ngoài gia đình ấy, đố ai không biết mà đoán được rằng nó đã có lần xuýt nữa thì tan nát, vợ một nơi, chồng một nẻo, mấy đứa con thì đầu đường xó chợ bơ vơ.


*

Nhưng trời già thật độc địa! Giữa cái lúc vợ chồng người ta đương hưởng cái lạc thú, đêm đềm của cảnh gia đình, thì ông Xanh đem ngay một cái tai vạ tầy đình đến. Ông ấy bị bắt quả tang làm một việc phi pháp.

Thôi hỏng! Phen này không tù cũng mất chức. Mất chức thì túng! Túng thì đói! Đói thì khổ to! Ấy thế mà còn tù thì, trời ơi! Mất vợ, mất con, mất cả cái để khói hương sau lúc chết!

Nghĩ đến tương lai, ông lo, ông hối hận, ông khóc lóc, rồi phát sốt phát rét, rên khừ khừ!

Suốt mấy ngày đêm, ông không ăn, không ngủ, ông nằm dí trên giường, như người ốm đợi chết đến nỗi bà phải gắt:

- Thì ông cũng phải dậy mà bàn tính công việc,, chứ chịu chết à?

Ông gượng ngồi, nhưng không đủ sức để dựng nổi cái lưng còm rỏm, ông bèn mặc kệ nó rơi lả xuống giường, rồi nhắm mắt, nói như mê sảng:

- Thôi, tội sờ sờ ra đó, còn làm gì được nữa.

Bà đập tay xuống bàn, cau mặt:

- Đàn ông mà hèn thế! Mới có thế đã hết vía lên rồi!

Rưng rưng nước mắt, ông run rẩy, đưa tay ra để nắm tay vợ và nói:

- Bà có nghĩ hội tôi cách nào không!

Bà ngắm chồng mà thở dài. Bà lắc đầu chép miệng, rồi tiến lại gần hơn, dịu dàng nói:

- Nếu ông cứ mặc tôi để tôi lo lắng, thì mười phần có thể chắc được chín rưỡi.

Mở choàng mắt ra, ông ngồi nhổm dậy ngơ ngác nhìn như tìm vị phúc tinh, rồi ngạc nhiên, hỏi vợ:

- Bà vừa nói gì?

- Nếu ông cứ mặc tôi để tôi lo lắng, thì mười phần có thể chắc được chín rưỡi.

Ông mừng rỡ, trợn mắt rõ to để chòng chọc nhìn vợ:

- Bà nói thật?

Bà quả quyết, gật đầu:

- Tôi chắc thế.

Ông nắm chặt tay bà, năn nỉ:

- Thế thì phúc nhà ta còn vượng. Sao bà không bảo ngay từ hôm nọ?

- Nhưng biết ông có bằng lòng giao cho tôi việc này không?

Gật lấy gật để, ông run run đáp:

- Sao không bằng lòng? Không bằng lòng để mà chết à?


*

Cuối năm ấy, một hôm, người ta thấy ông ngồi bên cạnh vợ bế đứa con mới đẻ.

Nhưng các ngài đừng tưởng gia đình nhà ông đã trải qua cuộc tang thương đâu nhé. Này vẫn hoành phi, câu đối, này vẫn sập gụ, tủ gương, bao nhiêu vẻ choáng lộn, bao nhiêu vẻ đài các ngày trước hiện nay vẫn còn, mà thằng Lê, con Lý, thằng Đào bây giờ chiều chiều lại nhảy lên ô tô cho anh Tài vận đi về vùng nhà quê đổi không khí. Nghĩa là không có cái gì mất mát cả, mà ông bà ấy nhờ trời còn thêm được mụn con trai.

Ông ấy bế con, âu yếm, hôn hít bộ tóc vàng như tơ của nó, rồi nhìn vợ. Bà mỉm cười, khép lại cái ấp cho kín bụng thằng bé.

Bỗng ra vẻ nghĩ ngợi điều chi, ông ngậm ngùi thởi dài, rồi trông trộm vợ. Ngạc nhiên, bà hỏi một cách âu yếm:

- Ông có điều gì nghĩ ngợi?

Vẫn chưa thấy chồng trả lời, bà véo von ngâm:

- Đẻ ra, con thiếp, con chàng, con ai?

Ông mỉm cười, lắc đầu:

- Không phải, tại tôi nghĩ hối hận cái ngày dại dột làm giấy ra tòa độ trước!

Bà lườm yêu ông rồi mỉm cười.

Ông cũng mìm cười, hôn tóc, rồi nắm chặt tay vợ, gật gù đáp:

- Thoát được cái nạn năm ngoái, tôi mới thấy bà là có giá trị thật!




NGUYỄN CÔNG HOAN
(Tác phẩm đăng trên báo Ích Hữu)
No 1 (25 Février 1936 - 5 xu)

© 2012 Blog NXB Tân Dân





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000


Tham khảo: Các bài viết liên quan