Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Người ngựa ngựa người - Khi cái nghèo đẩy con người ta đến đường cùng


SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Người ngựa ngựa người -
Khi cái nghèo đẩy con người ta đến đường cùng

Dương Hạnh


Người ngựa ngựa người một trong những sáng tác hay nhất của Nguyễn Công Hoan, ông không ngần ngại chỉ ra mặt xấu xí của xã hội cũ lúc bấy giờ. Bằng tình huống rất đơn giản tác giả đã mang đến cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau về con người.

Người ngựa ngựa người được chuyển thể thành tiểu phẩm hài do Nghệ sĩ Xuân Hinh và Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền thủ vai chính. Khi được ra mắt tiểu phẩm nhanh chóng được nhiều khán giả ủng hộ.

Đôi nét về Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903 tại tỉnh Bắc Ninh trong nhà Nho học thất thế. Từ nhỏ, ông được tiếp xúc với rất nhiều thể loại văn thơ mang tính chất châm biếm, đả kích tầng lớp cầm quyền chó má, luôn tìm cách đẩy dân vào khó khăn. Chính vì thế đây là cảm hứng chính trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan sau này.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Công Hoan: Bước đường cùng, Hai thằng khốn nạn, Kiếp hồng nhan, Răng con chó của nhà tư sản, Cô làm công, Kép Tư Bền,...

Cảm nhận về sách
Thông thường vào đêm 30 Tết hầu hết tất cả chúng ta dù bận rộn như thế nào cũng đều tranh thủ thời gian ở cạnh gia đình, để cùng nhau đón thời khắc ý nghĩa nhất trong năm đó là giao thừa thế nhưng anh phu xe trong Người ngựa ngựa người thì không được may mắn như vậy. Mở đầu truyện Nguyễn Công Hoan đã miêu tả hình ảnh anh phu xe rất kham khổ khi 30 Tết rồi vẫn phải vất vả đi tìm khách.
“Đố ai biết anh phu xe lững thững dắt cái xe không ở đàng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy? Trông anh ấy có vẻ “đói” khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi Tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra ngoài đường làm gì, mà còn hòng một ‘cuốc’ tất niên?”

Sự lam lũ của người dân lao động được Nguyễn Công Hoan thể hiện rõ qua tác phẩm Người ngựa ngựa người. Anh phu xe cố thuê xe để kéo trong ngày ba mươi Tết vậy mà cả một ngày trời mời khách chẳng ai đi khiến anh buồn bã vô cùng. Lúc tuyệt vọng nhất tưởng chừng may mắn không mỉm cười với mình thì anh bất ngờ có khách. Vị khách mặc đồ sang trọng nhìn là biết người có tiền thế nhưng chưa kịp vui vẻ được bao lâu vị khách này lại mặc cả giá với anh phu xe.
“ – Này bà giả bao nhiêu?
- Hai hào là đắt rồi, ngày dưng chỉ có hài rưỡi một giờ thôi.
- Thôi, năm hào rưỡi, bà có đi, không thì thôi.
- Thôi.
Bà khách quay lưng đi, lần này thì đi thẳng.”

Cuối cùng anh phu xe cắn răng chở bà đi với giá hai hào sau một lần mặc cả tiếp theo của bà khách. Dù cuốc xe ấy với anh phu xe giá không cao thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh anh vẫn phải chở khách, thôi thì có còn hơn không.

Nào ngờ vị khách kia lại là cô gái bán hoa cũng đang miệt mài tìm khách trong đêm giao thừa và tất nhiên cô không có nổi một xu dính túi. Kết quả khiến anh phu xe thất vọng vô cùng, tưởng chừng đã mang tiền về cho vợ con...
“Thôi này, đừng cáu làm gì. Tôi bảo, cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?
Thế sao cô không bảo thực tôi từ trước, để tôi kéo cô qua các nhà săm hỏi, cô còn sĩ diện mãi.”

Sau cùng, cô gái nói về anh phu xe đã lỡ rồi, bây giờ cô cũng không có xu nào dính túi vậy thì anh phu xe chở cô đi tìm khách, nếu tìm được khách cô lập tức sẽ trả tiền cho anh ngay. Lúc này anh phu xe nghĩ thôi dù sao cũng lỡ rồi thì mình tiếp tục xem, biết đâu có khách thật.

Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch... một cái kết đau buồn khiến người đọc thương cho số phận của anh phu xe. Cái nghèo khiến con người ta rơi vào những hoàn cảnh khổ sở đau thương nhất. Cái nghèo đẩy con người ta vào hoàn cảnh tội nghiệp.

Lối kể chuyện của Nguyễn Công Hoan luôn vô cùng chân thật, không cầu kỳ hoa mỹ thế nhưng mang lại cho độc giả nhiều góc nhìn khác nhau. Sự chân thật và tái hiện lại hiện thực chính là sở trưởng của Nguyễn Công Hoan, trong Người ngựa ngựa người tác giả phê phán xã hội xưa với những hạch sách khiến cho người dân nghèo đã khổ nay còn khổ trăm bề.

Nguyễn Công Hoan không chỉ mang đến cho người đọc tiếng cười mà thông qua tiếng cười ấy ông còn đả kích xã hội phong kiến lỗi thời, lạc hậu đã khiến cho người dân rơi vào cảnh không biết nên làm gì để có được cuộc sống tốt hơn. Cái nghèo cứ đeo bám lấy họ không ngưng ngày nào. Thương thay số phận người dân bị đối xử bất công ở xã hội lúc bấy giờ.

Văn học không chỉ mang đến cho độc giả những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống mà nó còn làm cho cuộc sống của chúng ta sống động hơn. Đặc biệt khi chúng ta được sống ở thời bình không còn tiếng súng của khói đạn thế nhưng những tác phẩm Văn học Việt Nam có thể giúp bạn tái hiện lại xã hội phong kiến xưa qua các nhân vật, tình huống được xây dựng rất khéo léo trong truyện ngắn.

Chúng ta thật may mắn vì được sinh ra ở thời đại xã hội phát triển hiện đại, nhiều người không cần phải lo lắng về vấn đề cơm áo gạo tiền. Mặc dù vậy mỗi thời đại, mỗi câu chuyện đều đáng để chúng ta đáng suy ngẫm, có thể nói đến đồng tiền. Nếu giàu có chúng ta sẽ có cuộc sống tốt hơn, ít nhất là bạn sẽ không cần phải đau đầu nghĩ về cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Có những người mỗi sáng mai thức dậy họ đều không biết bản thân hôm nay sẽ phải ăn gì nếu không kiếm được đồng nào. Đọc Người ngựa ngựa người chúng ta lại đồng cảm với số phận của những người nghèo, các ngày lễ tết ai cũng mong muốn được ở gần người thân của mình vậy mà anh phu xe trong chuyện phải hy sinh cả ngày giao thừa của mình để đi kiếm thêm tiền về lo cho vợ con ở nhà. Khi tiếng pháo hoa nổ đùng đoàng trên bầu trời, người người nhà nhà đang vui vẻ khi được đón giao thừa cạnh gia đình thì anh phu xe lủi thủi một mình, cái nghèo khiến anh không thể thực hiện được những mong muốn tưởng chừng như rất đơn giản.

Đoạn trích trong sách
Hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết. Quái, không hiểu ngày nay là ngày gì, mà từ chiều đến bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ! Ban chiều, khách áo gấm, áo nhung, đi nhan nhản ở đường, mà mời mỏi miệng, cũng không có một ai lên xe, nữa là bây giờ! Bực nhất là thỉnh thoảng lại lẹt đẹt tràng pháo nổ, làm cho anh ấy nóng cả ruột gan. Nghĩ đến cái cảnh tết nhà giàu mà thèm rỏ dãi. Họ quăng tiền đi về dịp tết, thi nhau tiền trăm bạc nghìn để xa phí vô ích, mà mình thì lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong.

Thỉnh thoảng, anh ta dỏng tai quay cổ, xem có ai gọi đằng xa không. Thì chỉ thấy đánh đẹt, lòe một cái ở giữa đường, làm cho anh ta giật mình đánh thót. Giật mình, rồi lại thở dài, ngán cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng phăng cái xe đi, làm nghề khác. Nhưng bỏ nghề này thì xoay ra nghề gì?

Lời kết
Người ngựa ngựa người – tác phẩm nổi bật của Nguyễn Công Hoan khiến độc giả phải suy ngẫm về cuộc đời, về đồng tiền và cả sự quyền lực. Chúng ta được đồng cảm với số phận người nghèo thông qua tác phẩm ấy.



Review bởi Dương Hạnh