Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

NGUYỄN CÔNG HOAN


NGUYỄN CÔNG HOAN

Mãn Đường Hồng

Tơ vương lá ngọc cành vàng
Cái thủ lợn, kiếp hồng nhan nợ nần
Tôi quyết sống bước đường cùng
Tình khuyển mã tắt lửa lòng bơ vơ.



Khuynh hướng hiện thực và lãng mạn trong văn học Việt Nam


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC VÀ CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TRONG PHƯƠNG THỨC PHẢN ÁNH

Sơ lược về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn
  1. Khái niệm

1.Chủ nghĩa hiện thực là thuật ngữ dùng để chỉ một phương pháp nghệ thuật, một trào lưu văn học, đó là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Chủ nghĩa hiện thực phê phán là phản ánh hiện thực với cảm hứng phân tích phê phán hiện thực (thuật ngữ này được Macxim Gorki sử dụng đầu tiên). Đây là trào lưu văn học lớn xuất hiện vào những năm 30- 40 của thế kỷ XIX. Những đại biểu xuất sắc của trào lưu này là Banzăc, Xtăngđan, Gôgôn, LépTônxtôi, Đôtxtôiepxki…

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Công Hoan


Tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Công Hoan

Vũ Hải Yến SP VănD2019
Bài thuyết trình "Tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Công Hoan" được thực hiện bởi nhóm 9 - Lớp Sư phạm Ngữ văn D2019 - Khoa Sư Phạm - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.



Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Tên tuổi, sự nghiệp và những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Tên tuổi, sự nghiệp và những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Phương Chinh

Mời nghe đọc tại YouTube


Thủa bé, tôi đã đọc truyện ngắn "Kép Tư Bền" và cảm nhận được nỗi đau đớn của nghiệp đào hát...Lớn lên chút nữa, 'Thế là mợ nó đi Tây" đọc lại buồn đến xót xa...và cười mà rưng rưng nước mắt cảm thông với nỗi khốn khó của kiếp người trong "Người ngựa Ngựa người"... Và từ đó say mê đọc những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đọc không bỏ sót một truyện ngắn nào của ông.
Cảm ơn ông đã cho tôi hiểu thêm về những số phận của một giai đoạn cách tôi hàng thế hệ.
Hãy đọc và cảm nhận sâu sắc những gì ông gửi gắm qua ngòi bút tài hoa của mình, các bạn nhé!


Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Thảo Nguyên


Nguyễn Công Hoan được coi là bậc thầy truyện ngắn châm biếm. Nhà văn Tô Hoài khi đánh giá về sự nghiệp văn chương, về vị trí của Nguyễn Công Hoan trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc đã viết:
"Nếu ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi đến thời kì văn chương sạch sẽ kiểu Tự Lực thì lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan đến nay, truyện ngắn, truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một cái thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ, vượt qua hai thời kì tiến vào Cách mạng tháng 8..."
(Người bạn đọc ấy).
Các sáng tác của Nguyễn Công Hoan không chỉ chiếm được cảm tình, sự quan tâm, yêu mến của bạn đọc lúc bấy giờ mà còn cho đến tận ngày nay nó vẫn còn nguyên sự lôi cuốn đó.


Nhà văn chuyên dùng tiếng cười trào phúng trong các tác phẩm của mình
Nguyễn Công Hoan thành công nhất với thể loại truyện ngắn, mang một âm hưởng riêng không thể trộn lẫn. Khác với Thạch Lam đầy chất thơ, Nam Cao đầy tính bi kịch nghiệt ngã, truyện Nguyễn Công Hoan mang tính trào phúng đặc sắc với những tiếng cười giòn giã, sảng khoái ném thẳng vào mặt kẻ thù. Ông chủ yếu viết về đề tài phản ánh hiện thực xã hội với sở trường là bút pháp hiện thực trào phúng. Bàn tay tài năng Nguyễn Công Hoan đã hình thành nên một bức tranh sinh động về xã hội nửa thực dân nửa phong kiến tàn ác, đầy rẫy bất công và giả dối.

Ông đả kích mạnh mẽ bọn quan lại tham lam, bỉ ổi, ỷ vào quyền thế mà bóc lột tàn bạo người dân trong khi chúng chỉ là những tên tài sơ học thiển, địa chủ cường hào bẩn thỉu, ngu dốt lố lăng, đồi bại thông qua tiếng cười trào phúng đặc sắc. Đối với Nguyễn Công Hoan, đời là một vở hài kịch. Vào thời kì tác giả sinh sống, xã hội lố lăng hổ lốn với sự giao thoa của các nền văn hóa, con người chỉ sống vật vờ như những kiếp đời thừa, một cảnh tượng hết sức hài hước theo quan niệm của Nguyễn Công Hoan. Con gái Nguyễn Công Hoan đã chia sẻ:
“Thời của ông, trong lúc một số nhà văn đang say sưa với chủ nghĩa lãng mạn, với những hư hư thực thực kiểu “Hồn bướm mơ tiên” thì ông lại dứt khoát lựa chọn một đường đi khác cho riêng mình”.
Chán nản với chính xã hội ông đang sống, nhà văn đã không ngần ngại bóc trần hiện thực bằng chính tiếng cười suy ngẫm, điều này khiến tác phẩm viết về hiện thực phê phán nhưng lại rất đỗi tự nhiên và nhẹ nhàng, mang tính đả kích sâu cay. Không quá khi nói rằng Nguyễn Công Hoan là bậc thầy của truyện ngắn châm biếm.

Nhà văn có biệt tài xây dựng những mâu thuẫn
Đặc điểm lớn nhất của nghệ thuật trào phúng chính là những tình huống mâu thuẫn, nhân vật mâu thuẫn. Sự đối nghịch giữa các sự việc trong tác phẩm tạo ra tiếng cười trào phúng, buộc người đọc phải nghĩ và ngẫm. Đối với nhà văn, đời vừa là hài kịch, vừa là bi kịch. Nhìn đâu ông cũng thấy cái đáng để cười.
Thế giới nhân vật trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan vô cùng đông đúc. Đó là những phu phen, thợ thuyền, dân quê, những địa chủ, lý dịch, cường hào; những nghị viên, dân biểu, quan lại; những con buôn, tư sản, chủ thầu nằm ở hai thái cực khác nhau. Sự mâu thuẫn thể hiện rất rõ trong Bước đường cùng, tác phẩm hiếm hoi phân tích được mâu thuẫn cơ bản trong xã hội, mâu thuẫn giữa người nông dân và địa chủ, cường hào phong kiến. Hay trong “tinh thần thể dục”, sự đối nghịch giữa lối sống xa hoa giả tạo, điệu bộ hào nhoáng nửa mùa của thực dân Pháp với cuộc sống nghèo khổ, làm việc từng ngày của nông dân được đặt trong tình huống trớ trêu: quan lại bắt dân đi xem bóng đá đã tạo nên tiếng cười vô cùng sảng khoái, ném thẳng vào mặt của bọn thực dân, phong kiến. Truyện của Nguyễn Công Hoan đã vạch trần cái phi logic trong cái bình thường, sự phi lí trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.


Ông là nhà văn hiểu rất rõ những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội, ám ảnh với hiện thực và không ngần ngại thể hiện thái độ căm ghét với bọn cường hào, địa chủ thực dân, những người góp phần không nhỏ vào cuộc sống nghèo khổ của nhân dân ta.

Bậc thầy trong xây dựng cốt truyện
Tác giả Nguyễn Đức Đàn đã đưa ra nhận định về các khía cạnh như là độ dài của truyện, lời văn, cốt truyện, kết cục của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan:
"Về nghệ thuật viết truyện ngắn phải nói rằng Nguyễn Công Hoan là người có nhiềukhả năng và kinh nghiệm. Truyện của ông thường rất ngắn. Lời văn khúc chiết, giảndị. Cốt truyện được dẫn dắt một cách có nghệ thuật để hấp dẫn người đọc. Thường kết cục bao giờ cũng đột ngột...”

Cốt truyện trong các các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, có thể nói không bình thường. Ông khai thác những khía cạnh cực kì mới của cuộc sống thường nhật, cùng viết về chủ đề hiện thực phê phán, song lại không trùng lặp với bất cứ tác giả cùng thời nào. Ông viết về đời sống nông thôn rất xuất sắc, với những bước ngoặt không thể ngờ tới. Đến với truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, độc giả tìm thấy được một thời cơ cực của nước ta ngày trước, từng câu chữ trong tác phẩm của ông là những gam màu tối tái hiện lại bức tranh đau buồn trong quá khứ dân tộc vào những năm đói nghèo, khốn khổ.

Tình huống truyện của Nguyễn Công Hoan đơn giản nhưng bất ngờ do tác giả khéo che đậy. Tình huống truyện làm bật lên cảm hứng phê phán xã hội ở phương diện đạo đức. Cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan là ở đấy. Cốt truyện trào phúng đặc sắc, được xây dựng trên những mâu thuẫn cơ bản của xã hội, những tình huống giở khóc giở cười đầy bất ngờ, đã tạo nên những tác phẩm xuất sắc.

Nguyễn Công Hoan có một phong cách nghệ thuật rất riêng, ấy là tính hài hước. Tiếng cười như lưỡi dao xé nát đi cái hiện thực hổ lốn, không có tình người. Giọng văn đậm tính triết lý, nhưng cũng rất mạnh mẽ, ngang nhiên tuyên chiến với những địa chủ, thực dân đã làm tan hoang đi một mảnh đất vốn dĩ từng bình yên.

Thảo Nguyên



Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

NGUYỄN CÔNG HOAN – CẤT TIẾNG THAY NHỮNG PHẬN NGƯỜI BÉ NHỎ


NGUYỄN CÔNG HOAN – CẤT TIẾNG THAY NHỮNG PHẬN NGƯỜI BÉ NHỎ

Hikaru



Nếu được hỏi, ai là lá cờ đầu trong dòng văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ XX, thì đó chính là Nguyễn Công Hoan – nhà văn, nhà báo tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, người đã sống hết mình cho dân cho nước, cho những con chữ thấu tình trên trên trang văn. Hai nhân vật nổi tiếng Lan và Điệp trong vở cải lương cùng tên được chuyển thể từ truyện dài Tắt lửa lòng gây nức lòng khán giả cũng chính là “con đẻ” của ông.

Sinh ra ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống làm quan lại[1]. Trong cảnh nước mất nhà tan, Nho giáo dần dần đánh mất địa vị của mình. Mặc dù vậy, ngay từ khi còn bé, ông đã thuộc rất nhiều câu ca dao, tục ngữ châm biếm, đả kích sâu cay các tầng lớp xã hội đương thời – một trong những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách văn chương sau này của ông.

Ông theo học trường cao đẳng sư phạm, đi dạy học ở nhiều nơi và bắt đầu nghiệp viết của mình với tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan, xuất bản năm 1923. Cuộc đời ông gắn liền với Đảng, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng như chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa 1, Ủy viên ban thường vụ trong Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó… cũng như làm việc cho nhiều tờ báo (Biên tập viên báo Vệ quốc quân, Chủ nhiệm tuần báo Văn- tiền thân của báo Văn nghệ sau này[2]. Đây cũng là một lý do mà khối lượng tác phẩm của ông lại đồ sộ đến thế.. Đáng chú ý, ông còn là người biên soạn bộ sách giáo khoa lớp 7 trong hệ thống giáo dục 9 năm ngày trước.

Cùng đứng trong hàng ngũ với Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,…Nguyễn Công Hoan là một đại diện tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ông bóc trần hiện thực xã hội nhơ nhớp bằng bút pháp trào lộng. Với việc để lại cho hậu thế hơn 200 truyện ngắn, 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học. Đây thực sự là một kho tàng quý giá cho văn học hiện đại Việt Nam nói chung và những người đam mê tìm hiểu về dòng văn học trào phúng nói riêng.

Nguyễn Công Hoan luôn đứng về phía nhân dân, ông thẩu hiểu nỗi cực khổ của phận dân đen bần hàn, bóc mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy cái xấu xa, giả tạo của tầng lớp thượng lưu, sự đáng sợ của bọn quan lại thối nát luôn ức hiếp dân lành vì danh vì lợi, những cường hào, ác bá nhan nhản trong các làng quê khốn khổ. Đó là hai thế lực đối lập thường xuyên trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông.

Cũng giống như Lỗ Tấn lấy các tác phẩm văn chương của mình cốt để chữa căn bệnh tinh thần của người dân, thì các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan viết văn nhằm an ủi những người dân thấp cổ bé họng không có tiếng nói, đồng thời cổ vũ tinh thần của họ, không những phải tiếp tục sống mà còn dám đứng lên phản kháng, chống lại giới cầm quyền, mà suy rộng ra sau này, là đóng góp một phần công sức cùng Đảng đánh đuổi bọn ngoại xâm trong cuộc Cách mạng chấn động lịch sử. Giữa bối cảnh nền văn học Việt trước Cách mạng còn đang mải đi tìm lại những cái đẹp đã trôi vào quá vãng hay những tiểu thuyết lãng mạn về tình yêu của các tiểu thư lá ngọc cành vàng…thì có thể nói, Nguyễn Công Hoan là người mở đường cho hiện thực, đem sự thật vào những trang viết.

Đừng ngần ngại khi đọc những tác phẩm của ông. Chúng không hề khó đọc. Bởi vì được cấu tứ từ ngôn từ dung dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống. Sự thân quen ấy hiện hữu trong cả bối cảnh, dù là vùng quê hay thành thị, lẫn đối tượng nhân vật được khai thác mà như đã nói ở trên, là tầng lớp dân đen nghèo khổ và giới thượng lưu, quan lại, cường hào. Ông châm biếm ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất, một giọng văn giễu cợt và có phần khôi hài, để lại đằng sau những con chữ là nụ cười không lấy làm sảng khoái lắm, nó đắng cay, căm phẫn đối với giới cầm quyền, và xót thương cho những người đồng bào bị đày đọa, bóc lột. Thổi bùng lên một bức tranh sống động về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945 là cột mốc đánh dấu sự chuyển giao của hai giai đoạn, cũng đồng thời xoay chuyển mạnh mẽ đời sống và nhiều lĩnh vực. Rất nhiều văn nhân đã có những đề tài mới, những hơi thở mới thổi vào tác phẩm của mình. Nếu Nguyễn Tuân khi xưa còn bất mãn với thời cuộc và đi tìm cái đẹp thuở xưa cũ thì Nguyễn Tuân của những năm 60 đã hòa mình vào đời sống chung của xã hội, đã đi tìm chất “vàng mười” trong tâm hồn người lao động. Nguyễn Công Hoan cũng tương tự. Trước Cách mạng, ông thiên nhiều về thể loại truyện ngắn, chủ trương phơi bày xã hội cũ mục nát. Sau Cách mạng, ngược lại, ông viết nhiều hơn các truyện dài, truyện vừa, thậm chí những năm về sau còn bỏ hẳn truyện ngắn, dù sức viết của ông ở giai đoạn sau này không còn dồi dào như trước. Các tác phẩm thuộc giai đoạn sau khai thác hình tượng người chiến sĩ cách mạng, cuộc cải cách ruộng đất – điển hình trong giai đoạn kháng Pháp, kháng Mĩ, hoặc khai thác lại chủ đề về xã hội cũ, nhưng lúc này đã thấm nhuần tư tưởng Cách mạng, người dân đã có sự giác ngộ lý tưởng của Đảng. Các tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này là Hỗn canh hỗn cư, Nông dân và địa chủ, tranh tối tranh sáng,…

Nhưng để mà nói về Nguyễn Công Hoan, thì người ta đánh giá cao ông ở giai đoạn trước Cách mạng hơn cả, bởi sự quan sát hết sức tinh tế và trần trụi của ông về cuộc sống bị đày đọa đầy bất công mà trong đó phải kể đến tập truyện ngắn rất thành công Kép Tư bền, xuất bản năm 1935. Tác phẩm này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của văn đàn lúc bấy giờ, làm cho cái tên Nguyễn Công Hoan được nhiều người biết đến. Đây cũng có thể coi là tác phẩm điển hình cho văn chương hiện thực phê phán của ông.

Kép Tư Bền là tập hợp những câu chuyện xoay quanh những con người lao động khổ cực kiếm miếng cơm manh áo, Có anh Kép Tư Bền đến khi cha sắp chết cũng không có cơ hội ở bên. Anh nghệ sĩ hài canh cánh trong lòng bao lo âu, trăn trở ấy cũng phải làm trò cười cho khán giả. Đọc xong mà thấy nghẹn nghẹn trong cổ họng. Để lại cho độc giả cả ngày ấy lẫn bây giờ dấu chấm hỏi: Nghệ thuật vị nhân sinh hay Nghệ thuật vị nghệ thuật.

Hay truyện Mất cái ví đã đặt tình cảm của con người lên chính bàn cân với tiền bạc. Những tờ giấy ấy giá trị tới mức phải tự tạo ra một màn kịch lố lăng với chính người thân trong nhà.

Tập truyện ngắn nhìn chung là hay, tuy có những truyện không thực sự đặc sắc, nhưng những chuyện như Kép Tư Bền hay Mất cái ví thì thực sự là những áng văn đả kích sâu cay rất mực đặc sắc.

Nguyễn Công Hoan không còn nữa, nhưng ông sẽ mãi bất tử trong thế giới văn chương. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Tên ông cũng đã được đặt cho một con phố ở thủ đô Hà Nội. Chừng đó đã là đủ để thấy được tài năng và sự yêu mến của người Việt dành cho ông.

Hôm nay là 6/3/2020, 117 năm kể từ ngày sinh thần của Nguyễn Công Hoan. Chúng ta hãy cùng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông, bằng tất cả tấm lòng.

#Hikaru

*Bài viết nhân dịp sinh nhật tác gia Nguyễn Công Hoan – 06 tháng 03, 1903*

————————-

Tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Công_Hoan
[2] https://vndoc.com/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep-sang-tac-cua-nha-van-nguyen-cong-hoan/download
Hikaru



Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Vĩnh biệt nhà văn Lê Minh - con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan


Vĩnh biệt nhà văn Lê Minh - con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan

Lê Thị Bích Hồng
Nhà văn Lê Minh – con gái út của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã vĩnh biệt cõi trần lúc 17h15 chiều 11.6.2021 (tức mùng 2.5 năm Tân Sửu), hưởng thọ 94 tuổi.
1 - Nhà văn Lê Minh tên khai sinh Nguyễn Thị Tài Hồng, sinh ngày 29.10.1928, quê quán Xuân Cầu, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

Nhà văn Lê Minh tham gia hoạt động cách mạng bí mật tại Thái Bình (1942). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, bà vận động công nhân ở Hà Nội, làm Phó ban Công vận tỉnh Nam Định. Ngày 19.12.1946, bà tham gia chiến đấu tại khu ga Hàng Cỏ, phụ trách tờ báo hàng ngày của Quận VI (Mê Linh Kháng Chiến). Bà tham gia công tác tại Thường vụ huyện ủy Thanh Trì, Đảng đoàn Sở Văn hóa Thông tin Liên khu I sau là khu Việt Bắc, Ủy viên Ban Phụ vận Trung ương Đảng. Sau 1954, bà hoạt động văn học biên tập văn xuôi các báo Văn Học, Văn, Văn Nghệ, Tạp chí Tác Phẩm Mới, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Viết văn Nguyễn Du, Ủy viên Hội đồng Văn học công nhân, Trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ Báo Nhân Dân, Giám đốc Quỹ Văn hóa Việt Nam của Bộ Văn hóa.

2 - Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Lê Minh phong phú, với nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, tạp văn.

- Các tập truyện ngắn: Cu Dũng (1959); Anh công dân mới (1962); Lớp học (1964); Ngày mai sắp đến (1969); Con mèo rét (1974); Ô cửa sổ (1974); Má (1976); Ngôi sao đỏ (1976); Đốm hoa tím (1980); Lẵng hạt ngọc (1984); Cái tát (1990); Săn đuổi một tia chớp (1993); Nắng (1998); Trăng lên (2004).

- Tiểu thuyết, truyện dài: Chị Tư Già (1966); Cô giáo trường Pa Nù (1969); Người chị – Nguyễn Thị Minh Khai (1976); Tiếng gió (1976); Hạt chò chỉ (1978); Người thợ máy Tôn Đức Thắng (1981); Khúc hát vườn trầu (1982); Rừng đước (1992); Hòn đảo một mình (1984); Hồi (1995);

- Ký, tạp văn: Mẻ gang đầu (1965); Mà sao đó là cuộc đời mình (1996); Ngọn lửa ấm (2003); Người đàn bà cầm bút (2004); Cánh buồm nhỏ (2007).

- Nghiên cứu: Chân dung văn học (chủ biên, 1992); Nguyễn Công Hoan, nhà văn hiện thực lớn (1993); Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam (chủ biên, 1995); Văn hóa nghệ thuật và phụ nữ Việt Nam (1989); Văn hóa gia đình Việt Nam (1992); Hai mươi năm một chặng đường phát triển của phụ nữ Việt Nam (1996); Gia đình và người phụ nữ (2000); Gia đình của cả hai người (2003); Tuyển truyện ngắn (2011); Chép được ở ngoài đời (truyện ngắn, 2012).

3 - Nhà văn Lê Minh từng đạt Giải nhất Cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam 1962 với tác phẩm Kỷ niệm về Khu Đông, Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1969 với truyện Nắng, Giải A Giải thưởng 5 năm Văn học đề tài công nhân (1980-1984) với tiểu thuyết Hòn đảo một mình, Giải A 5 năm Văn học đề tài công nhân (1991-1995) với tiểu thuyết Hồi, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

(Tư liệu: Hội Nhà văn Việt Nam)

Lê Thị Bích Hồng



Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Nhà văn, nhà thơ Việt đặt bút danh như thế nào?


Nhà văn, nhà thơ Việt đặt bút danh như thế nào?

Minh Châu
Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng lấy bút danh là Ngọc Oanh
Nguyễn Công Hoan là bậc thầy về truyện ngắn châm biếm và là một trong những ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Trước cách mạng, do bị kiểm duyệt gắt gao nên ông đã sắp xếp ngược lại các chữ cái trong tên mình (Công Hoan) thành bút danh Ngọc Oanh.




Nguyễn Công Hoan trong vai trò nhà lý luận phê bình


VOV6.VOV.VN

BAN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam
Chương trình “Tìm trong kho báu”

Nguyễn Công Hoan trong vai trò nhà lý luận phê bình

Đài Tiếng nói Việt Nam
VOV6 - Bên cạnh hàng loạt sáng tác văn chương hư cấu nổi tiếng, nhà văn Nguyễn Công Hoan còn thể hiện khả năng lý luận phê bình văn học qua một số tác phẩm bàn về quan niệm văn chương, kinh nghiệm viết văn và chân dung nhà văn. Trên nền tảng sáng tác và tác phẩm, những lý luận về văn chương của ông quả thực hấp dẫn và giàu sức thuyết phục...(Tìm trong kho báu phát 08/08/2019)​.
Mời nghe mp3

VOV6 - Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam


Văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Công Hoan


VOV6.VOV.VN

BAN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam
Chương trình “Tìm trong kho báu”

Văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Công Hoan

Đài Tiếng nói Việt Nam
VOV6 - Không những có công khai phá, mở đường cho văn chương hiện thực phê phán ở nước ta mà nhà văn Nguyễn Công Hoan còn là người góp phần đặt nền móng cho văn xuôi hiện thực hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nhiều tác phẩm Nguyễn Công Hoan viết sau Cách mạng tháng Tám ngược về quá khứ, nhìn vào hiện thực với một cảm quan mới, sâu sắc và khách quan hơn...(Tìm trong kho báu phát 01/08/2019)
Mời nghe mp3
VOV6 - Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam


Tiểu thuyết hiện thực phê phán của nhà văn Nguyễn Công Hoan


VOV6.VOV.VN

BAN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam
Chương trình “Tìm trong kho báu”

Tiểu thuyết hiện thực phê phán của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Đài Tiếng nói Việt Nam
VOV6 - Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết tiểu thuyết viết trước Cách mạng tháng Tám của Nguyễn Công Hoan đều được sân khấu hóa. Các thói tục nông thôn, chuyện quan lại chốn đình trung, những chuyện tình yêu bị chia cắt do lễ giáo phong kiến đã được nhà văn phục dựng một cách sinh động. Tiểu thuyết viết trước Cách mạng tháng Tám của nhà văn Nguyễn Công Hoan thực sự trải trước mắt người hôm nay một bức tranh xã hội cũ thu nhỏ...(Tìm trong kho báu phát 25/7/2019)


Mời nghe đọc tại YouTube

Mời nghe mp3
VOV6 - Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam


Kép Tư Bền - Truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan


VOV6.VOV.VN

BAN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam
Chương trình “Tìm trong kho báu”

Kép Tư Bền - Truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan

Đài Tiếng nói Việt Nam
VOV6 - Có tài dẫn dắt cốt truyện đến một kết cục không ai ngờ đến, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan có dáng dấp như một màn kịch ngắn đầy cảm xúc và cuốn hút. Truyện ngắn “Kép Tư Bền” in trong tập truyện ngắn cùng tên năm 1935 tiêu biểu cho đặc điểm ấy của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan...(Tìm trong kho báu phát 18/07/2019)


Mời nghe mp3
VOV6 - Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mời nghe đọc tại YouTube


Nhà văn Nguyễn Công Hoan - "Kiến trúc sư" tài hoa của dòng văn học hiện thực phê phán


VOV6.VOV.VN

BAN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam
Chương trình “Tìm trong kho báu”

Nhà văn Nguyễn Công Hoan - "Kiến trúc sư" tài hoa của dòng văn học hiện thực phê phán

Đài Tiếng nói Việt Nam
Giữa muôn ngả rẽ của tư tưởng văn chương buổi giao thời, ngay từ đầu nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dứt khoát hướng ngòi bút của mình đứng về phía người dân lao động bị áp bức. Ông là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán. Theo Giáo sư Phan Cự Đệ, tác phẩm Nguyễn Công Hoan là bức tranh sống động về những cảnh ngộ, con người trong chế độ cũ...


Mời nghe đọc tại YouTube Mời nghe mp3
VOV6 - Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam


Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Nguyễn Công Hoan - Phải gió cái trò đời


Nguyễn Công Hoan - Phải gió cái trò đời

Trạm Radio số 56
"Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời" mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một "vũ khí của người mạnh" để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng...

Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là "cổ điển" trong nền văn học hiện đại." - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.


Có thể nhiều người đã nghe đến tên tuổi của Nguyễn Công Hoan nhưng lại ít được tiếp cận với các tác phẩm của ông. Nguyễn Công Hoan để lại một di sản vô cùng đồ sộ với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học, có thể nhắc đến các tác phẩm tiêu biểu như "Kép Tư Bền", ''Người ngựa, ngựa người'', ''Bước đường cùng'', hoặc truyện dài ''Tắt lửa lòng'' của ông đã được Trần Hữu Trang chuyển thể thành vở cải lương nổi tiếng Lan và Điệp.

Đặc trưng tiêu biểu nhất trong truyện của Nguyễn Công Hoan chính là chất trào phúng châm biếm. Ông biết cách đặt ra những tình huống oái oăm, để rồi độc giả ngã ngửa vì cái kết. Các tác phẩm của ông không chỉ mang lại tiếng cười thông thường mà là cười giễu nhại thật sảng khoái.

Trong số Trạm Radio lần này, hãy cùng với tác giả Hiền Trang bàn luận sâu thêm về chất trào phúng trong các tác phẩm truyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Mời nghe đọc tại YouTube