Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Khai bút đầu năm


Khai bút đầu năm

TẠ VĂN SỸ


Có trích truyện dài Thanh đạm.

Khai bút là một nét văn hóa đẹp của các nước Á Đông. Không rõ mỹ tục khai bút đã có từ bao giờ. Chỉ biết các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa thường khai bút đầu năm. Ngày nay một số ít nhà thơ, nhà văn, nhà báo cũng còn giữ lệ khai bút ấy mỗi khi tết đến xuân về.

Ngày xưa các cụ khai bút rất cầu kỳ, trang trọng. Tôi còn nhớ thuở bé đọc tiểu thuyết Thanh Đạm của nhà văn Nguyễn Công Hoan có đoạn tả cảnh khai bút đầu xuân ở một huyện đường (trụ sở huyện) thấy chuyện khai bút thật sự như một buổi hành lễ nơi thánh đường của một tôn giáo nào đó:
“Giữa công đường bày một cái sập, trên trải chiếu cạp điều, phủ thêm khăn gấm. Mé ngoài bày một đỉnh trầm và đôi đèn sáp ong thắp sáng; mé trong bộ tam sự, lọ sứ cắm cây chuối có gài vài bông giấy đỏ. Đối diện với lộc bình là tấm gương mờ đặt trên giá gỗ. Quan huyện mặc áo thụng, bước vào giữa chiếu trải dưới đất, cúi lạy lễ vọng Hoàng thượng (vua) 5 lạy rồi lui ra cho các thầy đề, thầy thông vào lễ. Xong, quan huyện ra ngồi ở ghế ngựa kê ở gian bên sau chiếc án thư trùm nhiễu đỏ, có để sẵn giấy hồng điều. Quan khai bút bốn chữ “Vạn niên an lạc”, rồi đóng ấn son niên hiệu nhà vua ở phía trên. Thầy đề bắc thang leo lên bóc tờ hoa niên năm ngoái đã bạc màu, dán tờ tân xuân khai bút mới, màu đỏ tươi lên giữa xà nhà công đường…”.
Thế đấy! Lễ khai bút ngày xưa rất cầu kỳ, trang trọng như là một… “tín ngưỡng” vậy đấy! Nó được duy trì liên tục suốt một thời gian dài Hán học, và có lẽ thưa dần vào thời tân học, tức thời thuộc Pháp, học chữ quốc ngữ?

Vào cái thuở giao thời giữa cựu học và tân học ấy, các cụ nhà ta vẫn còn giữ nếp khai bút, như ông Tú Thành Nam Trần Tế Xương viết về việc mình khai bút đầu xuân rồi khoe với vợ:
“Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt”!
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng: dốt hay hay?
Thưa rằng: hay thực là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!...
Nhà thơ trào phúng trứ danh thời Thơ Mới là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu cũng “luận” về cái sự khai bút:
Là văn sĩ lẽ nào không khai bút
Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài
Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời
Thì tết đến cũng phải có bài thơ rắc rối
Rót thêm mực, thay ngòi bút mới
Thảo mấy dòng cảm khái sau đây…
Thú chơi tao nhã này sánh ngang hàng với thư pháp, bởi những câu chữ khai bút thường được viết rất cẩn trọng, dầu là nắn nót hay bay bướm. Các kiểu chơi chữ, cho chữ, xin chữ, rước chữ cũng từ đấy mà ra.

Khai bút có thể là một chữ, một câu, một đoạn, hoặc cả bài thơ.

Những chữ thường viết nhất vào ngày tết là: Phúc, Đức, Tài, Lộc, Ân, Nghĩa, Thần, Thọ, Tâm, Nhân, Nhẫn, Đại cát, An khang, Thịnh vượng, v.v…

Ngày xưa viết bằng chữ Hán, các cụ thường dùng các kiểu viết để thể hiện biệt tài “phượng múa rồng bay” của mình, như: cổ lệ, đại triện, chân phương, chân thảo, khải thư…

Ngày nay dùng chữ quốc ngữ theo ký tự la-tinh, các nhà thư pháp cũng vung bút tùy thích theo ngẫu hứng của mình, thậm chí có chữ… không tài nào đọc ra! Có người còn tách, ngắt chữ quốc ngữ, khuôn theo kiểu chữ vuông như Hán tự cho có vẻ… cổ điển!

Chữ và nghĩa của những câu từ khai bút thường thể hiện tâm trạng và tư duy của người viết. Nét chữ thường thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, tự tin, hoặc bay bướm, tài hoa, khí phách - Nghĩa thì thường hướng tới cái đẹp, cái đạt, cái hay cho những ngày kế tiếp trong năm. Là cũng bởi các cụ quan niệm nếu nói cái xấu, cái dở, cái xúi quẩy thì có khi nó “vận” vào mình, khó thoát!

Tuy nhiên, tùy tâm trạng và tình cảnh hiện tại của người viết, cũng lắm khi khai bút là nhằm thể hiện cái sầu, cái hận, cái khổ, cái bất bình, cái chí khí riêng. Ví dụ tương truyền những ngày “lăn lóc” đất phương Nam, vào một tết nọ, “nhà thơ đồng quê” Nguyễn Bính có khai bút bài thơ tứ tuyệt rồi đem dán trước cổng ngõ căn nhà đang ở trọ:
Từ độ về đây sống kiếp nghèo
Bạn bè còn có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu!
Nếu chỉ hiểu thoáng qua, có thể cho rằng Nguyễn Bính “khoe” cái nghèo cái khó của mình, nhưng thật ra là nhằm “hạ bệ” bọn bất nghĩa bất nghì, để tụng ca cái đẹp, cái tốt đấy! Tết nhất mà lị, ai lại nói cái dở, cái xấu ra làm gì!

Nhân ngày xuân, một tí tản mạn và nhàn đàm, vừa chơi vui, vừa cũng là để hoài niệm lại một nét “đẹp xưa” nay đã hao mòn!

TẠ VĂN SỸ