Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Tìm hiểu “Nông dân” (Balzac) và “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan) dưới góc nhìn đối sánh


Tìm hiểu “Nông dân” (Balzac) và “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan) dưới góc nhìn đối sánh

Đoàn Thị Huệ
Trường Đại học Đồng Nai
Email: doanhuedhdn@yahoo.com


TÓM TẮT
Nếu Honore de Balzac là nhà văn hiện thực lớn của nước Pháp thế kỷ XIX thì Nguyễn Công Hoan cũng là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực Việt Nam những năm trước cách mạng tháng Tám. Sự nghiệp văn học phong phú, đồ sộ của hai nhà văn bậc thầy chủ nghĩa hiện thực, luôn nhận được sự yêu thích, ngưỡng mộ của bao thế hệ độc giả. Bài viết này là một hướng nghiên cứu của tác giả trong việc tìm hiểu hai tác phẩm “Nông dân” (Balzac) và “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan) dưới góc nhìn đối sánh, qua đó xác lập điểm gặp gỡ thú vị giữa hai nhà văn lớn cũng như chỉ ra những đặc sắc làm nên giá trị riêng của từng tác phẩm.
Từ khóa: Balzac, Nguyễn Công Hoan, Nông dân, Bước đường cùng, chủ nghĩa hiện thực, đối sánh



1. Mở đầu
Quan tâm đến Honore de Balzac và những đóng góp của nhà văn cho nền văn học nhân loại, Đỗ Đức Dục trong Hônôrê Đơ Banzăc – một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực đã viết: “Có thể nói Banzăc là người cách tân lớn nhất về thể loại tiểu thuyết của thời đại ông và chung cho cả châu Âu. (…) Không phải ngẫu nhiên mà Engel đã lấy Banzăc làm mẫu mực để đưa ra một công thức về chủ nghĩa hiện thực, làm kim chỉ nam cho chúng ta đánh giá một tác phẩm văn học hiện thực chân chính của quá khứ và cũng còn có giá trị cho cả ngày nay nữa” [1, tr. 122]. Cùng với đó thì trong hơn 50 năm cầm bút, Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ. Ông là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực Việt Nam.

Không chỉ là nhà văn lớn của Pháp, Balzac còn là bậc thầy về chủ nghĩa hiện thực ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930 - 1945, do lệ thuộc Pháp về mặt chính trị, sớm tiếp thu và chịu ảnh hưởng văn chương Pháp nên một bộ phận lớn các nhà văn Việt Nam đã sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp. Nhờ thế, họ đã tiếp xúc với nguyên tác các tác phẩm văn học nước ngoài, lắng đọng tiếng vọng của trái tim nhân loại, để đồng điệu và sáng tạo.
Trong đó, sự ảnh hưởng của các sáng tác theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa của Balzac đối với một bộ phận nhà văn Việt Nam lúc bấy giờ, trong đó có Nguyễn Công Hoan là điều khó tránh khỏi.

Hơn nữa, con người dù thuộc bất kỳ dân tộc nào nhưng khi đạt tới một trình độ văn minh nhất định, khi được trời phú cho một tâm hồn nhạy cảm, với khả năng phát hiện, phản ánh hiện thực theo cái nhìn, suy nghĩ, tưởng tượng, tình cảm riêng thì đều có thể tạo nên những tác phẩm văn học đặc sắc. Nếu cả hai nhà văn ngẫu nhiên có cùng một cơ cấu tâm hồn, một khả năng nghệ thuật tiêu biểu thì trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể gần giống, họ có thể có những tác phẩm tương đồng ở mức độ nhất định. Đây cũng là hiện tượng có thật, thường thấy, không phải là không lý giải được.

Với cách hiểu đó, có thể thấy sự gặp gỡ của hai tác phẩm Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) là một trong nhiều trường hợp cụ thể như vậy. Bài viết này là một hướng tiếp cận của tác giả đối với hai phẩm trên dưới góc nhìn đối sánh, hy vọng qua đó, có thể chỉ ra được điểm gặp gỡ thú vị giữa hai nhà văn lớn cũng như những đặc sắc làm nên giá trị riêng của từng tác phẩm.



2. Nội dung
2.1. Cơ sở của sự so sánh
Chọn Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) làm đối tượng so sánh vì chúng tôi tìm thấy ở đây có nhiều điểm tương đồng cơ bản giữa hai tác giả và hai tác phẩm.
Một là về nguyên tắc sáng tác, Balzac và Nguyễn Công Hoan thuộc hai dân tộc, ở vào hai giai đoạn văn học khác nhau, nhưng cả hai đều là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực, có những nguyên tắc sáng tác cơ bản giống nhau.
Một trong những nguyên tắc cơ bản đó, theo cách nói của Engel, là: “Theo ý tôi, chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi, ngoài những chi tiết chân thực là sự thể hiện chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình” [1, tr. 122].
Với bộ Tấn trò đời (nguyên văn tiếng Pháp là La Comédie humaine), Balzac đã trở thành một trong những đại diện xuất sắc nhất cho dòng văn học hiện thực chủ nghĩa Pháp thế kỷ XIX. Ngòi bút tả chân sắc sảo của ông đã đi sâu lật giở và phơi bày tất cả những gì là sự thật về đời sống xã hội. Đó là sự bóc lột của giai cấp tư sản đang lên, cuộc sống đói khổ của người dân lao động và cùng với đó là cuộc đấu tranh giai cấp làm nên những biến cố mang tính quy luật của xã hội đương thời. “Về nhân vật tiểu thuyết, Bandăc đã đạt tới tính cách hiển hình trong những hoàn cảnh điển hình” [1, tr. 133]. Tiểu thuyết Nông dân là một trong 137 tác phẩm trong bộ Tấn trò đời đồ sộ của Balzac. Tác phẩm này được viết vào giai đoạn cuối đời của Balzac, đánh dấu sự phát triển lên tầm cao mới về nhãn quan chính trị của nhà văn trước hiện thực xã hội tư sản Pháp, đồng thời góp phần xác tín một loại hình chủ nghĩa hiện thực Balzac vững chắc trong lòng bạn đọc.
Trong khi đó, trên diễn đàn văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, Nguyễn Công Hoan đã được đông đảo bạn đọc biết đến là một nhà tiểu thuyết tả chân bậc thầy. Với tập truyện Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan là một trong những người khởi xướng, đồng thời cũng là người dựng cờ chiến thắng cho khuynh hướng văn học hiện thực trong khu vực văn học hợp pháp đương thời.
Ở tác phẩm Nguyễn Công Hoan, tính chất khảo sát phong tục có trong một bộ phận các tác phẩm của Balzac, cũng được thể hiện. Đó là những tác phẩm làm nổi bật sự bất công có tính chất giai cấp trong xã hội, sự xung đột giữa giàu và nghèo, sự đụng chạm giữa xấu và ác, sự giằng co lựa chọn giữa vinh và nhục trên mỗi nẻo đường đời. Đó là những Tấm lòng vàng, Cô giáo Minh, Lá ngọc cành vàng, Thằng ăn cắp, Bữa no đòn, Răng con chó của nhà tư bản…
Hai là về hoàn cảnh sống cũng như bức tranh hiện thực được phản ánh trong sáng tác của hai nhà văn, người viết nhận thấy ở đây có nhiều điểm tương đồng.
Trong sáng tác của Balzac, người đọc dễ hình dung sắc nét bức tranh xã hội Pháp những năm tiền cách mạng tư sản Pháp, năm 1789. Tiểu thuyết Nông dân (Balzac) là khúc bi ca cuối cùng cho bản trường hận ca Tấn trò đời của nhà văn. Tác phẩm đã vạch trần hiện thực xã hội Pháp với khối mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp bóc lột (tư sản, địa chủ) và giai cấp bị bóc lột (nông dân), đồng thời chỉ ra bước đường cùng cho những sụp đổ, tan rã không tránh khỏi của xã hội thượng lưu Pháp giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Tương tự, sáng tác của Nguyễn Công Hoan là sự phản ánh chân thực của nhà văn về đời sống xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng tháng Tám, 1945. Tiểu thuyết Bước đường cùng đánh dấu sự phát triển đỉnh cao về tư tưởng của Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam những năm trước Cách mạng. Nhìn chung, đó là hiện thực về một xã hội đang bước vào cuộc biến động dữ dội với sự trở mình mạnh mẽ của giai cấp tư sản đang lên và sự tích lũy năng lượng chuẩn bị cho một cuộc đại cách mạng sau này của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Không hẹn mà cùng, cả hai nhà văn đã sớm dự cảm được những biến động cách mạng rung chuyển thời đại tại xứ sở mình.
Ba là về đề tài mà cả hai tác phẩm cùng hướng đến. Đó là đề tài về người nông dân cùng khổ. Nhân vật trung tâm ở cả hai tác phẩm đều có thành phần xuất thân từ giai cấp nông dân lao động. Họ đều đã trải qua những năm tháng cơ hàn, chịu đủ mọi thiệt thòi từ giai cấp thống trị đương thời – quý tộc địa chủ và giai cấp tư sản đang lên. Đó là người nông dân sáng suốt như Fuốc-sông trong Nông dân của Balzac, là anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Thông qua câu chuyện về cuộc đời cũng như con đường số phận của các nhân vật trung tâm ấy, Balzac và Nguyễn Công Hoan đã phản ánh chân thực số phận người nông dân cùng khổ, thấp cổ bé họng, chịu nhiều áp bức, thiệt thòi trước sự bóc lột, đè nén của giai cấp thống trị (quan lại, tay sai, tư sản, địa chủ…), bị đẩy vào “bước đường cùng”, không lối thoát.
Từ những cơ sở trên, người viết bước đầu tìm hiểu Nông dân của Balzac và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan dưới góc nhìn đối sánh, nhằm tìm ra phần giao thoa thú vị giữa hai tác phẩm cũng nét đặc sắc riêng của từng bậc thầy chủ nghĩa hiện thực.



2.2. “Nông dân” (Balzac) và “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan) dưới góc nhìn đối sánh
2.2.1. Về hoàn cảnh sáng tác
Nông dân (Balzac) được xuất bản năm 1845, trước Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), năm 1938, gần một thế kỷ. Nhưng ứng với điều kiện cụ thể của từng quốc gia, từng môi trường xã hội mà nhà văn đang sống thì môi trường xã hội tổng thể mà cả hai tác phẩm đề cập đến có nhiều nét cơ bản giống nhau. Đó là xã hội nông thôn bắt đầu có sự phân hóa giai cấp, tiền đề cho những khối mâu thuẫn giai cấp phức tạp sau này. Giai cấp tư sản đang lên, bộc lộ dần những mánh khóe gian ngoa đối lập với lợi ích chính đáng của đại bộ phận nông dân nghèo khổ lúc bấy giờ.
Balzac đã vô cùng bức xúc trước hiện trạng trên. Nguyễn Công Hoan cũng đã không ngoại lệ.
Giới thiệu tác phẩm của mình, Balzac viết: “Tôi nghiên cứu bước đi của thời đại mình và cho xuất bản cuốn sách này”. Khi ấy, tác giả viết lời đề từ cho tác phẩm là “Ai có đất người đó có chiến tranh” [2, tr. 3].
Còn Nguyễn Công Hoan, ông có 16 ngày để hoàn thành Bước đường cùng.
Khi dạy học ở Nam Định, Nguyễn Công Hoan đã viết nhiều truyện ngắn hiện thực xuất sắc thể hiện quan điểm tiến bộ, đứng về phía người nghèo khổ và đã được các nhà phê bình Mác xít khen ngợi.
Khi ấy chính quyền thực dân nghi ngờ ông là phần tử cộng sản nguy hiểm. Nguyễn Công Hoan đã nghĩ: “Ừ, ông cộng sản đấy” và lao vào viết Bước đường cùng trước là để “trang trải món nợ lòng đối với anh em cộng sản ở Nam Định” và sau là để giải tỏa một tâm trạng phẫn uất, một tinh thần chiến đấu bằng ngòi bút của tác giả với chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ.
Có thể nói, hai tác phẩm Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) ra đời trong hai thời điểm khác nhau, ở hai đất nước khác nhau nhưng lại có sự tương đồng ở bối cảnh không - thời gian tác phẩm ra đời, cũng như ở mảng hiện thực mà cả hai tác phẩm cùng phản ánh. Đó là hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến, đầy bất công cám dỗ. Ở đó, thế lực kim tiền lên ngôi, đạo lý sống giữa người với người bị đánh mất, người nông dân chật vật với miếng ăn, thuế khóa, dịch bệnh hoành hành cùng âm mưu cướp đất ngày càng tinh vi của giai cấp tư sản, địa chủ tham lam, gian xảo.



2.2.2. Về phương diện ý nghĩa của tác phẩm
Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) thể hiện cái nhìn thấu đáo của nhà văn về sự thật hiện thực cuộc sống nông thôn trong tổng thể chung của xã hội đương thời. Lịch sử xã hội được nhà văn tái hiện trong tác phẩm không khác gì với những gì đã diễn ra trong bối cảnh xã hội Pháp và Việt Nam lúc đó. Ở đó, đang hiện tồn khối mâu thuẫn đối kháng về lợi ích kinh tế giữa các tập đoàn giai cấp: quý tộc địa chủ, tư sản, nông dân.
Nông dân (Balzac) bắt đầu bởi sự kiện bá tước Đờ Mông-cor-nê, nguyên là tướng của Na-pô-lê-ôn, mua được tòa lâu đài và ấp lớn ở vùng E-gơ. Sự việc này đã gây nên sự bất mãn, cừu địch trong bọn tư sản địa phương (vốn muốn mua ấp để chia nhau) và nông dân trong vùng. Sau đó, nhóm tư sản này, do nắm phần lớn quyền hành tại địa phương, đã câu kết cùng Xibile (quản lý của trại ấp) bày mưu xúi giục nông dân phá hoại trại ấp bằng mọi cách. Frăng-xoa Tông-xa, người đứng đầu một nhóm nông dân, đã nghe theo lời bọn tư sản. Chúng lên kế hoạch giết chết Mi-sô, người thân tín nhất của bá tước Đờ Mông-cor-nê, buộc bá tước phải từ bỏ trại ấp và ra đi. Sau sự việc đó, cuộc sống của người nông dân ở trại ấp chẳng những không được cải thiện mà còn trở nên thảm hại hơn bởi sự bóc lột, thao túng của bọn tư sản, thị trưởng, sen đầm.
Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) là bức tranh rộng lớn về đời sống nông thôn Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Tác giả trực tiếp phản ánh chế độ thối nát chốn hương thôn và đời sống cực khổ của nông dân bị đẩy đến bước đường cùng. Bao tai nạn chồng chất đè nặng lên vai người nông dân ở một xứ thuộc địa. Đó là nạn Tây đoan bắt rượu lậu, nạn quan lại tham nhũng, nạn sưu cao thuế nặng, nạn cường hào ác bá, nạn phu phen tạp dịch, nạn lụt lội đói kém, tình trạng dốt nát, ăn ở mất vệ sinh cùng bao vấn đề phát sinh khác trong giai đoạn giao thời. Nổi bật hơn hết chính là mâu thuẫn không để điều hòa giữa hai giai cấp: địa chủ và nông dân.
Cốt truyện Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) xoay quanh việc địa chủ Nghị Lại dùng mọi thủ đoạn cướp kỳ được tám sào ruộng của anh Pha. Cùng với anh Pha, mà đúng ra là trước anh Pha, nhiều nông dân khác như Trương Thi, Sam, bác Ích, thị Ánh đều đã bị Nghị Lại lần hồi cướp hết ruộng đất.
Dưới ngòi bút Nguyễn Công Hoan, hình ảnh Nghị Lại hiện lên thật xấu xí và đáng khinh. Dục vọng làm giàu bất chính bộc lộ ra hết ở ngoại hình của hắn. Với “nước da xanh mét, môi thâm xịt, thêm hai nếp nhíu soạc hai bên mép” [3, tr. 25], hắn như muốn hù dọa mọi người. Còn về tính cách, hắn đúng thật là một địa chủ phong kiến già đời, khôn lõi và cực kỳ phản động. Hắn luôn thèm khát nhiều ruộng đất và mong muốn làm giàu bằng cách bóc lột địa tô. Sự thật là hắn đã giàu lên trên mồ hôi nước mắt của dân lành lương thiện.
Hắn thật ma quái với người nông dân nhưng lại tỏ ra ngoan ngoãn và trung thành rất mực với bọn chủ thực dân. Hắn có vẻ thành thạo trong việc xun xoe vồ vập Tây đoan, mời rượu sâm banh và bàn việc đổ tội cho người nông dân nghèo.
Bản chất chính trị phản động của hắn còn bộc lộ ở việc hắn vui vẻ dự một phần vào bộ máy chính quyền do bọn thực dân nặn ra. Hắn là Nghị viên của Viện dân biểu, từng được chính phủ thực dân cho hưởng nhiều phẩm tước, quyền lợi. Chính hắn đã vạch ra kế hoạch kết hợp với Tây đoan khám xét bắt rượu lậu, bắt người, lại bày trò dắt mối, đút lót quan xử án, dựa vào thế lực quan trên chi phối bọn hào lý địa phương. Tóm lại, hắn không từ một thủ đoạn nào để bóc lột nông dân.
Muốn cướp tám sào ruộng nhà anh Pha, Nghị Lại đã đe dọa: “Mày không nên ngu dại, nghe hoặc bắt chước những đứa vô luân thường đạo lý, những đứa ngông cuồng, những đứa cộng sản, làm sách viết báo để chúng nói xấu quan này, nói xấu quan kia. Người ta xấu, người ta cũng là ông quan cai trị mình” [3, tr. 117].
Gần như như vậy, trong Nông dân (Balzac), thay cho bọn Tây đoan và Nghị Lại là hình ảnh của hệ thống nhân vật như bá tước Đờ Mông-cor-nê, Gô-bec-tanh (nguyên là quản lý của trại ấp thời chủ trước, về sau trở thành thị trưởng kiêm tổng đại lý bán gỗ), Rigu (nguyên là thị trưởng bị cắt chức, sau trở thành tay cho vay nặng lãi có uy quyền ở địa phương, keo kiệt, thích đồ ăn ngon và gái đẹp), Xudry (đội trưởng sen đầm, lạnh lùng, tàn ác), Frăng-xoa Tông-xa (một tay sừng sỏ, quen nghề săn trộm, đốn rừng trái phép),…
Ứng với hoàn cảnh cụ thể của nước Pháp lúc bấy giờ thì Nông dân của Balzac được hiểu như một tấm gương soi, lần hồi soi tỏ sự xung đột ngấm ngầm và gay gắt giữa ba thế lực: quý tộc, tư sản và nông dân. Ở đó có tướng Đờ Mông-cor-nê, là bá tước đại diện cho quý tộc thời Đế chế Na-pô-lê-ôn, cùng vợ cũng thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời và bạn là Emile Blondet. Họ đã không ngừng tích lũy tư bản thông qua việc mua thêm đất và lâu đài ở nông thôn. Tất cả bọn họ vừa gầm ghè nhau lại cấu kết với nhau, sử dụng cả những thủ đoạn hèn hạ và tàn nhẫn, để khai thác, bóc lột và chiếm đoạt dần ruộng đất ở nông thôn. Đến cuối tác phẩm, trước sự bất lực của chính quyền địa phương, bá tước Đờ Mông-cor-nê đành phải bán ấp lớn ở vùng E-gơ (xứ Buốc-gô-nhơ) và đất đai. Phần lớn đất ấy về sau đã thuộc về bộ ba bọn tư sản đểu cáng (Gô-bec-tanh, Rigu, Xudry), một số ít đất còn lại bị chia nhỏ ra và thuộc về nông dân.
Không bao lâu sau, xung quanh ngôi nhà cao lớn như tòa lâu đài của tên tư sản Gô-bec-tanh, những ngôi nhà tranh thảm hại, tồi tàn của nông dân đồng loạt mọc lên. Thế ra, thời của bá tước Đờ Mông-cor-nê hay thời của tư sản Gô-bec-tanh thì số phận của người nông dân giai đoạn tiền Cách mạng tư sản Pháp 1789 vẫn không có gì thay đổi. Đó vẫn là sự nghèo khổ, đói khát, quẩn quanh.
Có thể nói, trên trang viết của mình, qua những chi tiết chân thực, Balzac đã làm rõ được sự mâu thuẫn gay gắt giữa nông dân nghèo lương thiện với một bộ phận quý tộc, tư sản giàu có và bất lương. Một bộ phận người nông dân đã bị đối xử như lớp người dưới đáy. Họ luôn sống trong tình trạng nghèo khổ, tối tăm thậm chí còn bị đày đọa, chèn ép một cách hung hãn. Vì một cành củi bị mất trộm trong rừng, gã gác rừng cho chủ đất có thể dồn đuổi một bà già như săn một con thú. Hơn nữa, thông qua kết cấu của truyện, kịch tính của Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) cũng được thể hiện rõ. Đó là sự xung đột ngấm ngầm mà gay gắt, khối mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa ba thế lực địa chủ, nông dân và giai cấp tư sản đang lên. Ở đó người nông dân luôn phải nhận hết mọi phần thiệt thòi.
Rõ ràng, khi chỉ rõ mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa trong lòng xã hội tư bản, cả hai tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan và Nông dân của Balzac đều có được những ý nghĩa thực tiễn tiến bộ.
Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan chỉ ra một hướng đi tất yếu của người nông dân là đấu tranh, làm cách mạng. Người nông dân gần như bị bọn cường hào ác bá tìm mọi cách để dồn đuổi đến tận chân tường. Họ khổ cực đến mức không thể nhẫn nhịn, chịu nhục như trước được nữa mà đã manh nha hình thành ý thức phản kháng, đấu tranh đòi quyền sống cơ bản.
Tính cách nhân vật anh Pha, trong Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), là kết quả của quá trình phát triển về sự giác ngộ quyền lợi giai cấp và ý thức đấu tranh của người nông dân. Đến cuối tác phẩm, anh Pha từ chỗ khúm núm trước Nghị Lại giờ đã mạnh mẽ khi dùng chiếc đòn gánh phang ngay vào đầu hắn với tiếng hét: “Đồ ăn cướp!”. Đến khi bị trói khiêng đi, anh Pha tỏ ra thật căm hờn với suy nghĩ sẽ bỏ làng ra đi, sẽ ra mỏ với Hòa để thực hiện một dự định gì đó: “Trong đôi môi mím chặt thì biết rằng không phải là đau mà anh không nói, mà chính là anh muốn nuôi trong lòng một mối hận nghìn năm”, “Tôi không ở làng nữa. Tôi không còn gì ở làng nữa. Ngày này sang năm, các anh sẽ biết chuyện tôi” [3, tr. 239].
Như vậy, có thể nói Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) là cái nhìn dự báo của tác giả về hướng chuyển biến tích cực trong nét tính cách của người nông dân những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đây là hình tượng nhân vật duy nhất có ý thức đấu tranh trước kẻ thù giai cấp để đòi quyền sống. Ở nhân vật anh Pha có cái gì đó mới mẻ, tiến bộ tuy còn mang tính bộc phát, chưa được chuẩn bị trước. Điều này có thể được giải thích bằng ảnh hưởng của phong trào cách mạng thời kỳ Mặt trận dân chủ đối với tác giả Nguyễn Công Hoan.
Cùng với đó, đồng hành cùng Nông dân (Balzac), người đọc cũng dần hiểu được sự dự báo của tác giả về một kết thúc có tính chất tất yếu. Đó là tấn thảm kịch về quyền lợi sở hữu của giai cấp quý tộc, sự thắng thế không gì cưỡng nổi của giai cấp nông dân cũng như sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Người nông dân trong tác phẩm của Balzac có nhãn quan tiến bộ, có ý thức về giai cấp bóc lột và khả năng dự báo về tương lai. Lão nông dân sáng suốt Fuốc-sông đã nói: “Tôi đã thấy thời cũ và thời mới, kính thưa quý ông rất thông thái, cái biển hàng đã có đổi, nhưng cũng là một thứ rượu mà thôi (…). Các vị muốn làm ông chủ, chúng tôi chẳng có gì, các vị chẳng thể nào được chúng tôi quý mến (…). Sự nguyền rủa của người nghèo, thưa đức ông, cái đó sẽ lớn lên và nó sẽ lớn lên hơn tất cả những cây sồi cao to của quý vị và cây sồi này sẽ trở thành giá treo cổ… Chả một ai tại đây nói lên sự thật với các vị, ấy chính là sự thật đó!” [2, tr. 58]. Balzac ca ngợi vẻ đẹp tinh thần của người nông dân già Ni-zo-wrông, người đã từng tham gia cách mạng trước đây, từng là chủ tịch câu lạc bộ những người Jacobanh, thẩm phán tòa án cách mạng địa phương. Balzac tả cái nghèo của Ni-zo-wrông như là một phẩm hạnh chứ không phải “bước đường cùng”. Với cách mạng, Ni-zo-wrông là một người “cao quý, rắn như thép, tinh khiết như vàng”, “Ni-zo-wrông cho đứa con trai duy nhất của mình ra mặt trận… hiến dâng cả những tài sản riêng, xóa bỏ chút còn lại của chủ nghĩa cá nhân” [2, tr. 93].
Mặt khác, ở cả hai tác phẩm, Balzac và Nguyễn Công Hoan đều chỉ ra được một sự phân hóa khác ngay trong lòng giai cấp nông dân giai đoạn tiền cách mạng. Không phải hễ nông dân là hiền lành, lương thiện và khốn khổ. Như Nicola, con trai của chủ quán rượu Frăng-xoa lại là một tên nông dân hết sức lưu manh. Khi mùa gặt đến, hắn đấm bàn thét lên: “Mùa gặt đến rồi đây, đã vậy chưa nhóm lửa hút thuốc vào đống rơm của bọn chúng thì tao chưa đi khỏi nơi đây” [2, tr. 187]. Về điểm này, người đọc dễ hình dung đến nhân vật Trương Thi trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan.



2.2.3. Về phương diện hình thức nghệ thuật
Viết về đề tài người nông dân, cả Balzac và Nguyễn Công Hoan đều đã đạt được những thành công nhất định về phương diện ngôn ngữ diễn đạt. Đọc Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), người đọc dễ nhận ra chuỗi lời ăn tiếng nói vô cùng phong phú của người nông dân Việt Nam xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm. Còn Balzac, khi viết quyển tiểu thuyết Nông dân, ông cũng đã dùng rất nhiều từ ngữ của nông dân, đặc biệt là tiếng lóng của nông dân địa phương, để tạo nên cảm giác về sự thủ cựu, hoang dại của một bộ phận nông dân đương thời. Với hệ thống ngôn ngữ người nông dân được sử dụng phong phú, đa dạng trong Nông dân, Balzac đã “khiến cho kẻ đang câm lặng và đang lặng lẽ chiến đấu cất nên lời” [4, tr. 348].
Cùng với đó, cả hai nhà văn đều đã xây dựng câu chuyện theo trình tự thời gian hợp lý. Ở đó, cả Balzac và Nguyễn Công Hoan đều rất thành công khi xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Đó là những nét tính cách điển hình, diễn biến trong cả một quá trình, hoàn cảnh dựa trên những sự kiện chính của lịch sử xã hội. Đó là sự giải quyết mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh trên cơ sở tính đến một khối lượng lớn những chi tiết cụ thể của nông thôn Pháp và Việt Nam đương thời.
Nhìn chung thì Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) đều là hai quyển tiểu thuyết hiện thực tiêu biểu có những nét tương đồng về phương diện nội dung ý nghĩa và hình thức nghệ thuật. Cả hai tác phẩm đều thể hiện một cái nhìn sâu sắc của nhà văn về cuộc sống nông thôn trong bức tranh tổng thể là hiện thực xã hội Pháp trong thế kỷ XIX và hiện thực xã hội Việt Nam vào thế kỷ XX.
Tuy mức độ về sự phong phú và phức tạp ở mỗi tác phẩm có khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều có chung một điểm đến. Đó là làm nổi bật cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn, chỉ ra nguyên nhân xã hội khách quan đã tạo nên diễn biến và sự hình thành tính cách nhân vật hiện thực. Nguyên nhân xã hội được thể hiện qua các tình huống, hoàn cảnh cụ thể, chân thực. Từ đó, nhà văn lý giải được những dục vọng và đam mê của các nhân vật. Đó là sự ham muốn, đam mê tranh chấp của cải, giành giật ruộng đất và bóc lột nông dân ở nông thôn của giai cấp tư sản đang lên và một bộ phận của giai cấp địa chủ phong kiến thủ cựu. Vì thế mà nội dung truyện cũng có sự bứt phá khác hẳn so với những truyện đậm tính lãng mạn, thi vị hóa như các tác phẩm của George Sand ở Pháp và truyện ngắn của nhóm Tự lực văn đoàn ở Việt Nam. Đó chính là thành công của tác phẩm cũng như sự đóng góp đáng ghi nhận của hai nhà văn lớn đối với nền văn học dân tộc trong một giai đoạn văn học có tính lịch sử cụ thể.



3. Kết luận
Trong hoàn cảnh Việt Nam là thuộc địa của Pháp, Balzac lại là nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn học Pháp đã xuất hiện và thành công trước Nguyễn Công Hoan gần một thế kỷ, rất có thể Nguyễn Công Hoan đã đọc và chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm hiện thực của Balzac. Nếu có thì đây cũng là một lẽ bình thường, một biểu hiện cụ thể về sự ảnh hưởng của văn học Pháp đến một bộ phận nhà văn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Nên hiểu sự học tập và chịu ảnh hưởng này như thế nào để người nghiên cứu không mơ hồ giữa sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa các nhà văn lớn khi cùng quan tâm đến các vấn đề muôn thuở của nhân loại với những tác phẩm có tính chất phóng tác đơn thuần. Như hiện tượng tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh là kết quả được phóng tác từ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo.
Văn học so sánh đã, đang và sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thật của những chân giá trị đó.
Trong quá trình hội nhập, trong sự so sánh đối chiếu các thành tựu tiêu biểu của các nền văn học khác nhau,
văn học so sánh giúp mỗi dân tộc hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình, hiểu được những gì mà dân tộc mình cần học hỏi và phát huy. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của tiến trình hiện đại hóa xã hội Việt Nam, như cách nói của Huỳnh Như Phúc trong Tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: “Nhìn từ góc độ văn hóa, tiến trình hiện đại hóa xã hội Việt Nam chính là quá trình Việt Nam nỗ lực vượt thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa để tiếp cận với văn minh phương Tây” [5, tr. 606].
Chính nghĩa đi từ nước này sang nước khác không cần giấy thông hành, nghệ thuật chân chính thì không biên giới. Với thủ pháp so sánh khi tìm đọc Nông dân (Balzac) và Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), bài viết đã tìm được một minh chứng cụ thể cho chân lý trên, góp phần xác lập điểm gặp gỡ thú vị giữa hai nhà văn lớn cũng như chỉ ra được những đặc sắc làm nên giá trị riêng của từng tác phẩm.




TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Đức Dục (2002), Hônôrê Đơ Banzăc – một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, Nxb Hải Phòng, Hải phòng
2. Honere de Balzac (1981), Nông dân, (dịch giả Trọng Đức), Nxb Văn học, Hà Nội
3. Nguyễn Công Hoan (2014), Bước đường cùng, Nxb Văn học, Hà Nội
4. Nhiều tác giả (2001), Văn học phương Tây, Nxb Giáo dục, Hà Nội
5. Đoàn Lê Giang (chủ biên), (2011), Văn học cận đại Đông Á –từ góc nhìn so sánh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh




THE FARMERS BY HONORE DE BALZAC AND THE DEAD END BY NGUYEN CONG HOAN: A COMPARATIVE ANALYSIS ABSTRACT
While Honore de Balzac was a great realist writer of France in the nineteenth century, Nguyen Cong Hoan was also one of the typical writers of the trend of Vietnamese realist literature in the years before the August revolution. The huge and voluminous literary career of the two masters of realism writers has always received the interest and admiration of many generations of readers. The following article is an author's research in analyzing the two works of “The Farmers” by Balzac and “The Dead End” by Nguyen Cong Hoan under a comparative perspective. Thereby establishing an interesting meeting point between two great writers as well as pointing out the characteristics that create the unique value of each work.
Keywords: Balzac, Nguyen Cong Hoan, The Farmers, The Dead End, Realism, Comparative
(Received: 14/9/2021, Revised: 27/11/2021, Accepted for publication: 17/12/2021)