Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2025

Tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” và soạn phẩm “Lan và Điệp” - Ngành Mai


Loạt bài của Ngành Mai:
1. Tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” và soạn phẩm “Lan và Điệp”
2. Tuồng ‘Lan và Điệp’ và dĩa hát ‘Hoa Rơi Cửa Phật’
3. Tuồng ‘Lan và Điệp’ hát cùng khắp, nhưng tiền bản quyền chẳng được bao nhiêu
4. Tân nhạc thân tình chào đón ‘Lan và Điệp’
5. Kỳ nữ Kim Cương đưa ‘Lan và Điệp’ vào thoại kịch
6. Cuốn phim ‘Lan và Điệp’ với đạo diễn Lê Dân
7. Tuồng ‘Lan và Điệp’ phóng tác theo tiểu thuyết ‘Tắt Lửa Lòng’
8. Dĩa hát ‘Hoa Rơi Cửa Phật’



Tác phẩm “Tắt Lửa Lòng”
và soạn phẩm “Lan và Điệp

Ngành Mai,
thông tín viên RFA




Soạn giả Trần Hữu Trang.
Thập niên 1940, soạn giả Tư Trang, tức Trần Hữu Trang đã dựa theo cuốn “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan để soạn thành vở ca kịch “Lan và Điệp”, đưa lên sân khấu, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp. Đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho 2 nhân vật chính “Lan – Điệp” trở thành bất tử với thời gian.

Vậy sau khi được đưa lên sân khấu rồi, Lan và Điệp còn bước sang bao nhiêu lãnh vực nghệ thuật khác nữa? Tôi xin trình bày sau đây, mời quí vị theo dõi...

Ăn khách
Nhận thấy tuồng “Lan và Điệp” quá ăn khách với nhiều đêm hát đông nghẹt khán giả, do đó đã làm động lực cho hãng dĩa hát Asia tìm đến soạn giả Tư Trang để thương lượng thu thanh dĩa hát. Đồng thời hãng cũng yêu cầu soạn giả viết ngắn lại, làm sao cho tuồng thu ít dĩa càng tốt. Bởi trước đó các bộ dĩa “San Hậu” và “Quan Âm Thị Kính”, bộ nào cũng trên 10 dĩa nên tiêu thụ chậm, khó bán.

Để đáp ứng yêu cầu của hãng dĩa, Tư Trang đã rút gọn tình tiết vở tuồng, bỏ bớt phần đầu nên Lan và Điệp chỉ thu thanh gọn trong 4 dĩa và đặt tên tựa là “Hoa Rơi Cửa Phật”.
Với bộ dĩa nầy soạn giả chỉ lấy đoạn sau, từ cảnh Lan vào chùa tu – Điệp tìm đến chùa giựt chuông – Lan ra mở cổng thấy Điệp, nàng không mở cổng.
Điệp kêu:
Lan mở cổng cho anh vào.

Không được! Anh về đi, đã hết rồi!
Nói dứt câu, Lan đi ngược trở vô chùa – Điệp tiếp tục giựt chuông liên hồi và Lan cắt đứt dây chuông.
Điệp thẩn thờ đành quay gót trở về.
Cảnh này Tư Trang đã xử dụng bản ca “Chuồn Chuồn” cho Năm Nghĩa ca với lối vô đầu giống như vọng cổ (Năm Nghĩa là dưỡng phụ của nữ nghệ sĩ Thanh Nga).

Lan cắt dứt dây chuông, nàng ngất xỉu và phát bệnh luôn. Bệnh mỗi ngày một nặng thêm, thuốc thang đều vô phương cứu chữa. Cho đến một ngày kia Lan biết mình không còn sống được bao lâu nữa, nên nàng mới xin vị hòa thượng trụ trì chứng minh cho nàng trao gởi nỗi niềm tâm sự, có nghĩa là nói hết sự thật do đâu mà nàng đi tu. Đồng thời cũng nói cho vị hòa thượng biết rằng mình là gái tên thật là Nguyễn Thị Lan, đã giả trai và mượn tên Điệp để được nhận vào chùa.

Về phần vị hòa thượng thì nghĩ rằng, ông đã đi tu hơn 30 năm rồi, không còn muốn vương vấn, dính dáng gì đến chuyện thế gian, nên buộc lòng ông từ chối.

Nhưng đến lúc thấy bịnh tình của Lan trầm trọng, và lúc mê sảng thường kêu gọi ba tiếng Vũ Khắc Điệp luôn. Nhớ lại sự việc trước đây Điệp đến chùa và Lan cắt dứt dây chuông, thì vị hòa thượng đã tìm ra giải pháp: Cho người đi mời Điệp đến thay thế ông đóng vai sư cụ, bằng cách cho Điệp mượn chiếc áo cà sa, giả làm hòa thượng vào hậu liêu chứng minh cho chú tiểu Huệ Minh trao gởi nỗi niềm tâm sự (Huệ Minh là pháp danh của Lan).

Khi chú tiểu Huệ Thông đưa hòa thượng, do Điệp giả dạng với chiếc áo cà sa mượn mặc vào. Huệ Thông nói:
Sư cụ đã nhận lời cầu xin của huynh Huệ Minh rồi. Vậy muốn trao gởi gì thì cứ nói.

Thế là Lan nói sự thật như trên đã nói, và cảnh nầy soạn giả Tư Trang đã xử dụng bản Nam Ai, nổi tiếng là bản ca diễn tả lúc buồn. Qua bản Nam Ai với lời ca, Lan kể sự thật xong thì hấp hối. Điệp vội vàng cởi chiếc áo cà sa ra rồi chạy tới ôm Lan:
Em Lan! Anh là Điệp đây!

Lan mệt nhọc nói tiếng còn tiếng mất:

Anh... Điệp. Kiếp nầy không hiệp... hẹn cùng anh theo kịp... em chờ!

Em Lan! Lan!
Lan thở hơi cuối cùng trên tay Điệp.

Đây là cảnh chót, cảnh xúc động nhứt, hàng vạn các bà, các cô đã rơi lệ ở cảnh nầy.

Kịch bản Lan và Điệp, soạn giả Tư Trang trao cho nghệ sĩ Năm Châu lúc gánh Việt Kịch Năm Châu còn hoạt động.
Đầu thập niên 1960 Tư Trang vào mật khu, người ta không biết kịch bản này nằm ở đâu, và cũng không thấy Năm Châu dàn dựng trở lại vở hát này, bởi lúc ấy Ban Năm Châu chỉ lo việc chuyển âm phim.



Thêm thắt
Lúc bấy giờ hầu hết các gánh hát bầu tèo, tức các gánh hát nhỏ ở miền quê, do không có kịch bản chính nên đã lấy bài ca và lời đối thoại trong dĩa Hoa Rơi Cửa Phật làm nền chính, và thêm thắt vào để hát tuồng Lan và Điệp. Tuy vậy tuồng vẫn hay, khán giả vẫn đi coi.
Có điều là đoạn đầu thì mấy gánh hát bầu tèo tùy tiện, viết sao cũng được, miễn là có cảnh Lan tiễn Điệp đi học – Điệp thi đỗ đạt bị gọi đến nhà quan Huyện, bị phục rượu say mèm và đem bỏ vô phòng Thúy Liễu – Cảnh Thúy Liễu hành tội mẹ chồng.

Các cảnh nầy, mấy gánh hát bầu tèo muốn xử dụng bản ca nào, câu đối thoại nào thì tự viết vào rồi cho nghệ sĩ tập tuồng. Xong cho hát, bởi có ai khiếu nại gì đâu.

Lại có cả bầu gánh ngang nhiên sửa đổi tình tiết câu chuyện mới thiệt là đáng trách hơn hết!

Vào khoảng 1962 có gánh hát bầu tèo (không nhớ gánh tên gì) hát ở Suối Cụt, Trảng Bàng, Tây Ninh. Thay vì đoạn cuối Lan chết, thì gánh này lại cho cô Lan sống, và được vị hòa thương cho rời chùa trở lại thế gian, về sống với Điệp và vãn hát.

Do thấy tuồng đã không đúng với sự hiểu biết của mình, nên sau khi vãn hát, một số khán giả đi ra hậu trường chất vấn ông bầu:
- Ai cũng biết tuồng Lan và Điệp kết cuộc cô Lan chết, sao bữa nay cô Lan không chết mà lại về sống với Điệp, nghĩa là sao chớ?
Ông bầu đang ăn cháo lòng, nhậu rượu ba xi đế, đã trả lời:

- Bộ mấy ông bà muốn cô Lan chết phải hôn?

- Nhưng mà tuồng nó như vậy, tôi coi tuồng Lan và Điệp cả chục lần rồi, chỉ có lần nầy cô Lan sống mà thôi.

- Được rồi! Ngày mai đi coi, tôi cho cô Lan chết...

Tóm lại có những vấn đề trên là do soạn giả đã không có mặt, bầu gánh muốn hát sao thì hát. Cải lương mà!

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành được bán khắp cùng từ Nam chí Bắc, bán cả bên Miên, trên Lèo và cả bên Pháp.

Vài tháng sau khi dĩa hát được phát hành phổ biến khắp nơi rồi, thì cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được ra đời đem bán các chợ lớn, nhỏ từ thành thị đến thôn quê. Chính nhờ những cuốn bài ca này mà ca sĩ tài tử đâu đâu cũng thấy, tạo thành một sinh hoạt đờn ca tài tử độc đáo ở miền Nam Việt Nam.

Chương trình hôm nay đến đây xin tạm ngưng, hẹn với quý vị kỳ tới. Tôi là Ngành Mai xin kính chào tất cả quý thính giả Đài Á Châu Tự Do.



Ngành Mai










Tuồng ‘Lan và Điệp’ và dĩa hát ‘Hoa Rơi Cửa Phật’

Ngành Mai




Kỳ 1:

Tuồng ‘Lan và Điệp’ và
dĩa hát ‘Hoa Rơi Cửa Phật’

Ngành Mai

Đầu thập niên 1940, kể từ ngày vở hát “Lan và Điệp” của soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang được trình diễn trên sân khấu Năm Phỉ thì phần lớn khán giả cải lương sành điệu, đã biết qua tình tiết lớp lang câu chuyện diễn tiến từ đầu tới cuối.

Buổi trình diễn khi vở hát mới ra đời ấy, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp, đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho hai nhân vật chính Lan-Điệp trở thành bất tử với thời gian (nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ từng được huy chương của chính phủ Pháp, của Vua Miên, Quốc Vương Lào, và Hoàng Đế Bảo Đại).

Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu chưa có vở hát nào được giới mộ điệu ưa thích, đến đỗi càng về sau câu chuyện càng mở rộng xâm lấn sang các lãnh vực văn nghệ khác.

Trước tiên, “Lan và Điệp” được hãng dĩa hát Asia thâu thanh với tên tựa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành cùng khắp từ Nam chí Bắc.
Dĩa hát cũng được bán qua Miên, và theo theo như nhà phát hành lúc ấy cho biết, thì kiều bào xứ Chùa Tháp tiêu thụ dĩa hát này nhiều gấp 3, 4 lần đại lý dĩa hát ở Cần Thơ. Do ở đất Miên dễ làm ăn, người ta dám mua sắm, vả lại số người sang đây lập nghiệp đại đa số là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà cổ nhạc cải lương đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ.

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được đưa sang Lào và cả ở bên trời Tây, do vậy mà kiều ở Pháp vẫn còn những người lưu giữ các dĩa hát xưa ấy. Song song đó cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được ra đời bán ở các chợ miền quê, chợ nhỏ, lớn nào cũng có người bán.

Rồi cũng từ đó các gánh hát bầu tèo (gánh hát nhỏ) ở thôn quê đã sao chép lời ca, lời đối thoại, rồi thêm thắt vào dựng lên tuồng cải lương “Lan và Điệp” phục vụ bà con ở thôn quê và cũng được hoan nghinh.

Sau đó khi Tư Út rời gánh Năm Phỉ thì kép Thanh Tao nhảy vào đóng vai Điệp, cho đến khi cô Năm Phỉ qua đời thì kỳ nữ Kim Cương mới thay dì mình mà đóng vai Lan cùng với kép Sơn Minh thủ vai Điệp.

Vợ chồng nghệ sĩ Văn Chung, Thanh Hương cũng đã có lần hát. Thành Được và Thanh Nga hát hai vai chánh này được mấy lần trong các buổi tổng hợp tài danh.

Riêng bộ dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành năm 1947, và cuốn bài ca cũng đến tay người mộ điệu cùng thời điểm này.

Dưới đây là đoạn đầu bộ dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật,” lúc Lan giả trai lấy tên Điệp vào chùa tu, được hòa thượng trụ trì đặt tên là Huệ Minh. (Xem tiếp bên dưới)

Ngành Mai





Kỳ 2:

Tuồng ‘Lan và Điệp’ hát cùng khắp,
nhưng tiền bản quyền chẳng được bao nhiêu

Ngành Mai

Sân khấu cải lương miền Nam từ thập niên 1940 trở về sau, tuồng “Lan và Điệp” của soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang được trình diễn trên nhiều sân khấu, và hầu như thời bấy giờ gánh hát lớn, nhỏ nào cũng đều có hát qua vở tuồng này.

Kịch bản chánh hát trên những đoàn lớn như Mộng Vân, Năm Châu, Phụng Hảo và nghe nói soạn giả Tư Trang cũng được trả cho một ít tiền sau mỗi xuất hát, nếu như hôm đó bầu gánh có lời hoặc có người mua giàn. Còn như không lời thì kể như huề, tiền cà phê cũng không có (có lẽ căn cứ vào số khán giả chớ làm sao biết được lời hay không).

Riêng các gánh nhỏ ở xa vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định thì họ chẳng hề trả cho Tư Trang đồng nào, bởi các gánh bầu tèo này không có kịch bản chánh, mà chỉ rút lời văn đối thoại và bài ca từ dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” rồi thêm thắt cho thành tuồng để hát.

Biết vậy, nhưng Tư Trang chẳng đòi hỏi, thưa gởi gì cả, bởi vì nếu đi thưa kiện thì chỉ tốn tiền giấy tờ, tiền mướn trạng sư mà thôi, vì phần lớn gánh hát bầu tèo vừa nghèo vừa mắc nợ, thành thử ra lúc bấy giờ người trong giới thấy Tư Trang quá hiền và đã gọi ông là “Đường Tăng Tam Tạng.”

Đến đầu thập niên 1960 soạn giả Trần Hữu Trang vào mật khu theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thì tuồng “Lan và Điệp” hầu như tự do hát, chẳng một ai thắc mắc, đâu có ai dám lên tiếng đòi bản quyền, dù rằng con cái của Tư Trang vẫn còn sống trong vùng Quốc Gia.

Khoảng thời gian 1956-1957 và dài cho đến 1962 ở miền Nam Việt Nam có rất nhiều gánh hát dạo đi bán thuốc, giống như các gánh hát Sơn Đông mãi võ của người Tàu.
Nói là gánh hát chớ thật sự chỉ một nhóm sáu, bảy người là nhiều, có gánh chừng năm người tính luôn người nhạc sĩ đờn.

Họ lãnh thuốc thành phẩm, loại cao đơn hoàn tán vô chai, vô hộp của mấy nhà sản xuất thuốc Tàu ở Chợ Lớn, rồi chia nhau đi về nông thôn, cứ trời vừa tối là bắt đầu dọn thuốc, đồ hát ra đánh trống để quy tụ thiên hạ, rồi bán thuốc trước.

Người coi đứng bao quanh thành vòng tròn, và họ vừa đi bán thuốc vừa ca bài bản cổ nhạc, nội dung bài ca nói về sự hữu hiệu của loại thuốc mà họ đang rao bán. Khi xong phần bán thuốc rồi, thì bắt đầu hát cải lương, mà thông thường thì hát tuồng “Lan và Điệp”, lấy bài ca và đối thoại trong dĩa hát “Hoa Rơi cửa Phật.”

Mấy gánh hát bán thuốc này đi đến tận xã ấp xa xôi hẻo lánh ở nông thôn, và lại hát miễn phí, chỉ nhờ bán thuốc (có nhiều bữa chẳng bán được chai thuốc nào nên cả nhóm than trời). Do đó thiên hạ ở nông thôn rất dễ dàng đi coi, dĩ nhiên là rất đông đảo khán giả. Chính những gánh hát dạo bán thuốc này lại là “cơ sở” truyền bá “Lan và Điệp” nhiều nhất.

Đến khoảng 1962 thì không ai thấy các gánh hát này nữa, do chiến tranh nổi lên ở nông thôn. Tóm lại các gánh hát bỏ túi này, chỉ hoạt động trong thời gian năm, sáu năm gì đó trong thời bình, rồi âm thầm biến mất khi có chiến tranh.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 2). (Xem tiếp bên dưới)



Ngành Mai





Kỳ 3:

Tân nhạc thân tình chào đón ‘Lan và Điệp

Ngành Mai


Từ khi vở hát “Lan và Điệp” ra đời, hiện diện trên sân khấu suốt hai thập niên, hầu như không ai nghĩ đến chuyện sẽ có ngày “Lan và Điệp” lại có thể chen chân vào lãnh vực tân nhạc.

Bởi vì tân nhạc có một lối sinh hoạt khác xa với cải lương, có người còn nói tân nhạc và cổ nhạc hình như không thích nhau, thậm chí còn chê bai nhạo báng lẫn nhau.

Thế mà đến giữa thập niên 1960 tân nhạc đã mở rộng cánh cửa thân tình, chào đón “Lan và Điệp,” đó là năm 1965 người ta bất ngờ nghe xướng ngôn viên Đài Phát Thanh Sài Gòn giới thiệu nhạc bản “Chuyện Tình Lan và Điệp” của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh.

Bản nhạc có lời ca điệu nhạc truyền cảm ấy được thính giả lúc bấy giờ ưa thích, gởi thư yêu cầu nhiều nên Đài Phát Thanh Sài Gòn và Đài Ba Xuyên đã cho phát đi phát lại bản nhạc này nhiều lần, đến đỗi có người nghe riết rồi thuộc lòng và hát luôn.

Có điều lạ là đa số thính giả yêu cầu đài phát bản “Chuyện Tình Lan và Điệp” lại là thính giả thường nghe chương trình cổ nhạc cải lương, và họ cũng nói phải chi bản nhạc này mà có Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được ca thêm vài câu vọng cổ thì hay biết mấy.

Thế là hãng dĩa hát Hồng Hoa đã “bắt mạch” được,
họ thương lượng với tác giả bản nhạc mua bản quyền và “đặt hàng” cho soạn giả Viễn Châu viết thêm lời ca vào, gọi là vọng cổ pha tân nhạc. Đồng thời chọn các ca sĩ tân cổ nhạc đang nổi tiếng lúc bấy giờ là Thanh Tuyền, Hồng Phúc, Thanh Nga, Thành Được, Tấn Tài.

Còn đệm tân nhạc thì hãng chọn ban nhạc Huỳnh Anh, về cổ nhạc thì nhạc sĩ Năm Cơ đờn kìm, Bảy Bá đờn tranh và lục huyền cầm, Tư Huyện đờn vĩ cầm. Với thanh phần ca nhạc sĩ khá hùng hậu này mà hãng chỉ thu thanh có một dĩa nhựa 45 tua, thì phải nói rằng hãng dĩa Hồng Hoa đã chịu bỏ tiền đầu tư một số vốn khá lớn, và dĩ nhiên hãng thu lại gấp bội khi dĩa vọng cổ pha tân nhạc này có mặt cùng khắp miền Tây miền Đông.

Thật ra nếu như nói đây là bài vọng cổ có pha tân nhạc thì không đúng lắm, vì nguồn gốc của bài ca là bản tân nhạc được soạn giả cải lương dựa theo tình tiết nội dung lời nhạc để viết thêm phần cổ nhạc vào. Như vậy cổ nhạc chỉ là phụ thôi, mà căn bản của nó là bản tân nhạc đã có sẵn. Thế mà thiên hạ, người nghe vẫn luôn cho rằng là bài vọng cổ pha tân nhạc, cái trái ngược mâu thuẫn trong vấn đề là vậy.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 3). (Xem tiếp bên dưới)


(Ngành Mai)







Kỳ 4:

Kỳ nữ Kim Cương đưa ‘Lan và Điệp
vào thoại kịch

Ngành Mai


Sau khi chen chân vào làng tân nhạc được đón nhận nồng nhiệt, “Lan và Điệp” không dừng lại tại đây mà lấn sang địa hạt thoại kịch, và cũng được khán giả hoan nghinh không kém gì “Lan và Điệp” sân khấu cải lương.

Năm 1970, kỳ nữ Kim Cương viết thành thoại kịch do chính kỳ nữ đóng vai Lan đưa lên truyền hình. Và do câu chuyện khá dài nên đài truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ phải chia ra phát làm hai kỳ mới hết vở kịch. Đây là vở kịch được khán giả chờ đón xem chẳng khác chi những buổi chờ coi cải lương vậy.

Vở kịch hay là do bởi tình tiết câu chuyện đã ăn sâu vào lòng khán giả, mà người đóng vai Lan lại là kỳ nữ Kim Cương, thành thử ra được khán giả đi xem đông đảo. Nói về diễn kịch thì hầu như đại đa số khán giả đều có nhận định rằng, khó có nữ kịch sĩ nào sánh được với kỳ nữ Kim Cương.

Nếu như ngược thời gian trở về đầu thập niên 1950 thì người ta biết rằng, Kim Cương xuất thân từ cải lương, rồi về sau mới chuyển sang đóng kịch. Khoảng 1952, chính nghệ sĩ tiền phong Bảy Nam (mẹ của Kim Cương) đã soạn vở tuồng “Phấn Hậu Cung” để Kim Cương hát trên sân khấu Phụng Hảo. Và kế đó thì kịch sĩ Duy Lân (cha nuôi của Kim Cương) cũng soạn vở cải lương “Giai Nhân và Ác Quỷ” cho Kim Cương đóng vai giai nhân.

Thế nhưng, dù sinh ra trong gia đình cải lương, nhưng Kim Cương không thể sáng chói trong lãnh vực này, bởi vì kỳ nữ không ca được vọng cổ,

mà cải lương thì phải có làn hơi ca vọng cổ thu hút người nghe thì mới đảm trách vai trò quan trọng của tuồng.

Khoảng 1972, một hãng dĩa nọ đã thu thanh Kim Cương trong vở hát “Đắc Kỷ Thọ Hình.” Ai cũng nhìn nhận cái giọng nhõng nhẽo của kỳ nữ thì tuyệt diệu. Nhưng tới hồi mà Kim Cương phải ca vọng cổ: Rằng là… nó làm cho thiếp thần phải đau khổ ờ ơ… hờ hơ… thì nghe sao mà giống giọng hát ru em của mấy chị nhà quê vừa biết hát quá chừng!

Người ta nói hình như tổ nghiệp sân khấu chỉ cho Kim Cương thành công ở địa hạt thoại kịch mà thôi, còn cải lương thì để cho người khác chớ, chiếm hết một mình hay sao? Do đó mới khiến cho kỳ nữ nhà ta không ca được vọng cổ.

Tuy nhiên về thoại kịch thì khó có ai đóng vai Lan bằng Kim Cương, bởi vì vai Lan trong vở kịch này đã cho người ta thấy lúc đầu thì cô Lan quê mùa hết cỡ, chỉ nội cái mở gói lấy tiền ra cho Điệp với nhiều lớp giấy gói lại cũng khiến khán giả cười rần lên. Cũng như câu dặn dò Điệp rằng: “Đi xa nhớ gởi chứng chỉ về cho em (thay vì gởi địa chỉ).”

Đó là đoạn đầu, còn đoạn cuối từ lúc Lan vào chùa cho đến khi chết, thì không một khán giả nào mà không cảm thương Lan. Kim Cương quả đúng là đào thương số một của ngành kịch vậy.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 4). (Xem tiếp bên dưới)

(Ngành Mai)





Kỳ 5:

Cuốn phim ‘Lan và Điệp’ với đạo diễn Lê Dân

Ngành Mai


Đến năm 1972 thì “Lan và Điệp” lại bước thêm một bước thật dài, được đưa lên màn bạc, tức được quay thành phim. Năm ấy ông Bầu Xuân, giám đốc đoàn Dạ Lý Hương, quyết định quay cuốn phim “Lan và Điệp”, giao cho đạo diễn Lê Dân đảm trách.

Thời điểm này cải lương ế ẩm, khán giả thưa thớt, đại đa số gánh hát rã gánh, số còn lại mỗi tuần mở màn 1, 2 xuất hát vẫn không bao nhiêu người đi coi. Một phần do một số lớn đào kép tên tuổi đã nhảy sang điện ảnh đóng phim, mà phim có nghệ sĩ cải lương thì lại ăn khách lúc đó, chẳng hạn như phim “Loan Mắt Nhung” với Thanh Nga đóng vai chánh và phim “Chiều Kỷ Niệm” với kép Thanh Tú vai chánh, các phim này nghe nói lời cả chục triệu.

Trước tình hình cải lương sống dở chết dở đó, mà làm phim lại lời nhiều, nên ông Bầu Xuân đã cho đoàn Dạ Lý Hương đình chỉ hoạt động, để tập trung vào thực hiện cuốn phim “Lan và Điệp”.

Tuy là làm phim, nhưng về khai thác thương mại thì ông Bầu Xuân lại không nhắm vào khán giả xi nê, mà đặt nặng vào số khán giả cải lương.
Do đó mà ông có kế hoạch chọn toàn đào kép cải lương đảm nhận các vai trò nòng cốt như Thanh Nga vai Lan, Thanh Tú vai Điệp, Bạch Tuyết vai Thúy Liễu. Và về phần nhạc đệm cho phim thì ông dùng cổ nhạc, thay vì tân nhạc như hầu hết những phim đã có từ trước.

Một điểm đặc biệt khác là theo đề nghị của đạo diễn Lê Dân, ông Bầu Xuân đã thuê mướn trực thăng quay toàn cảnh một ngôi chùa ở Biên Hòa (ngôi chùa Lan đi tu).

Lúc bấy giờ có người hỏi rằng đoàn Dạ Lý Hương đang hoạt động, rồi bỗng dưng đình lại thì đào kép công nhân sống làm sao đây? Ông Bầu Xuân rất điệu nghệ và có tình có nghĩa, hằng ngày ông cho xe đưa tất cả đào kép nhân viên đến địa điểm quay phim, có việc gì làm việc nấy, phụ giúp công cuộc quay phim, và trả cho mỗi người một ngàn đồng một ngày, so với đồng lương công chức công nhựt thì gấp đôi. Khó có bầu gánh nào mà có hành động tốt đẹp như ông Bầu Xuân trong vấn đề này vậy.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 5). (Xem tiếp bên dưới)


(Ngành Mai)





Kỳ 6:

Tuồng ‘Lan và Điệp’ phóng tác theo tiểu thuyết
‘Tắt Lửa Lòng’

Ngành Mai


Soạn giả Trần Hữu Trang cùng hai người con: Soạn giả Việt Thường và bà Thanh Đạm. (Hình: Ngành Mai sưu tập)


Cuốn tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan xuất bản ở Hà Nội thời tiền chiến, và theo như bố cục câu chuyện thì cô Lan là người miền Bắc, cô buồn vì tình duyên trắc trở nên đi tu ở một ngôi ngôi chùa gần đường xe lửa đi Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái; và cậu Điệp, một nam sinh từ tỉnh ra Hà Nội học. Câu chuyện diễn tiến với những tình tiết gay cấn, cảm động.

Ngày nọ, khoảng đầu thập niên 1940, tác phẩm vô tình đến tay soạn giả Trần Hữu Trang (Tư Trang). Nhận thấy tác phẩm mang nhiều kịch tính, nếu được phóng tác thành vở ca kịch thì sẽ thu hút mạnh mẽ người đi coi hát cải lương. Và Tư Trang quyết định viết thơ ra Bắc xin phép nhà văn Nguyễn Công Hoan cho ông được phóng tác theo tiểu thuyết “Tắt lửa lòng”.

Họ Nguyễn bằng lòng với điều kiện là khi nào vở hát ấy được mang ra Bắc trình diễn thì ông phải được xem trước khi ra mắt quần chúng đông đảo. Dĩ nhiên là họ Trần tuân ý. Cho nên khi đoàn Năm Phỉ ra Bắc, Trần Hữu Trang căn dặn kỹ cô Năm Phỉ rằng, đến Hà Nội hát vở gì trước thì hát, còn vở “Lan và Điệp” thì phải đợi sự có mặt của ông cái đã.

Vì một lời hứa với tác giả “Tắt lửa lòng”, ông phải giữ đúng! Và khi đoàn Năm Phỉ dọn ra hát ở Hà Nội thì Trần Hữu Trang khăn gói đi xe lửa ra Bắc, ăn vận áo dài khăn đóng chỉnh chạc đi mời cho được Nguyễn Công Hoan tới nhà hát lớn coi diễn phúc khảo một buổi. Dĩ nhiên là họ Nguyễn có mời nhiều văn nhân, ký giả Hà Nội tới xem với ông. Xem xong, tất cả đều lấy làm hài lòng và hết tình ca ngợi cô Lan Năm Phỉ và cậu Điệp Tư Út.

Tối hôm đó Tư Trang đã phải vay nợ cô Năm Phỉ 10 đồng bạc tiền Đông Dương để đưa Nguyễn Công Hoan cùng với anh em văn nhân ký giả Hà Nội đi chè chén và hát cô đầu. Vui vẻ cả làng với nhau và chẳng có việc đòi hỏi chia chác tiền bản quyền gì ráo.

Có lẽ cũng do người sáng tác câu chuyện “Tắt lửa lòng” đã không nói đến vấn đề bản quyền, thành ra sau này các gánh hát trong Nam diễn tuồng Lan và Điệp, soạn giả Trần Hữu Trang cũng không đòi hỏi gì tiền bản quyền, ai muốn trả bao nhiêu thì trả, mà không trả cũng chẳng sao.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 6, cuối). (Xem tiếp bên dưới)

(Ngành Mai)





D ĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật”
[...]
Năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang đã viết chuyển thể từ nguyên tác (tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan) thành kịch bản cho vở cải lương "Lan và Điệp".
[...]
Năm 1948, Trung tâm ASIA đã cho thu âm vở cải lương này (Lan và Điệp) vào 4 đĩa nhựa với tựa đề "Hoa rơi cửa Phật", với sự tham gia của các danh ca Tư Sạng (Lan), Năm Nghĩa (Điệp), Tám Thưa (Hòa thượng), Hồng Châu (Tiểu Huệ Thông). [...]
Thanh Hương xin giới thiệu một vở cải lương cổ, nằm trong danh sách ba tuồng cải lương để đời của soạn giả Trần Hữu Trang, đó là: Đời Cô Lựu, Hoa rơi Cửa Phật và Tô Ánh Nguyệt.
Thành phần phân vai của các bật tiền bối:
Cô Tư Sạng vai Nguyễn Thị Lan
Tám Thưa vai Khắc Điệp
Năm Nghĩa vai Bạch Thầy
Hồng Châu vai Chú Tiểu
Vở tuồng mang nhiều nổi xúc động, đem đến những nổi cảm xúc. Quả thật vở này rất hay, được hãng ASIA thu âm năm 1936, trước cả hai vở kia. Vở này Sáu Tửng đờn kiềm - mùi. Sau này, ekip Thanh Kim Huệ - Chí Tâm có dàn dựng lại một cách hoàn chĩnh hơn, đặc sắc và rõ ràng hơn. Nhưng vở này vẫn là cái ra đời đầu tiên để lại ấn tượng khó quên hơn. Nhưng vở này không để lại nhiều nét đẹp của cô Tư Sạng bằng Cô Năm Phỉ. Khi nhắc đến:
Lan là ta nhớ đến cô Năm Phỉ
Lựu là ta nhớ đến cô Phùng Há
Nguyệt thì ta mới nhắc đến cô Tư Sạng

Vở này Hương sẽ đăng phần đầu sau, do cô Tư Bé vào vai Thúy Liểu rất ấn tượng. Những thể điệu Nam Ai, Tứ Đại Oán, Chuồn Chuồn, Văn Thiên Tường nghe rất não lòng. Các điệu vui như Khóc Hoàng Thiên, Kim Tiền Bản, Xàng Xê nghe làm lòng bớt sầu hơn. Chúc các bạn nghe vui vẻ nhé.
Soạn giả: Trần Hữu Trang, tức Tư Trang.
Các nghệ sĩ:
1 - Cô Tư Sạng: Lan (Huệ Minh), Năm Nghĩa, Tám Thưa, Hồng Châu.
2 - Tư Tao, Tư Bé...

Lan và Điệp - Cải lương (Hoa Rơi Cửa Phật - Tư Sạng, Năm Nghĩa)


... Đoạn đầu bộ dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật,” lúc Lan giả trai lấy tên Điệp vào chùa tu, được hòa thượng trụ trì đặt tên là Huệ Minh.

Huệ Minh nói:
Than ôi, cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập,
xác bướm khô ôm ấp bởi tình yêu.
Như tôi đây nhìn hoa lan mà ruột quặn thắt trăm chiều,
trông hồ điệp lệ sầu tuông mấy lượt.
Kìa những kẻ không cầu sao lại được,
tủi phận mình mong mỏi vậy mà sai,
kể từ đây chốn am mây chôn lấp mạch cảm hoài,
nghe kinh kệ phôi pha cơn khổ não.

      (Ca Nam Ai:)
Hoa lan xác bướm mảnh tơ lòng,
Đành vùi chôn,
Kiếp bướm hoa lỡ làng rồi, Nhưng còn một vật đổi trao nhau,
Càng thấy càng thêm nỗi khổ đau,
Phải chăng con dao này,
Nó đã dứt tình cùng ta,
Bấy lâu đeo giữ mãi bên mình,
Nay đành chôn giữa mả bướm hoa,
Ngăn đôi gian hà,
Cho nhẹ nhàng lòng ta.
Có lẽ khi trời xui phải chịu vậy,
Trần ai còn chi đâu mơ màng,
Trót đã ăn mặc nâu sòng,
Vui kinh kệ là xong.

Huệ Thông nói:
Đó thấy không, huynh Huệ Minh phạm giới sát sanh, để tôi vào bạch tôn sư, cho huynh coi nghé.

Huệ Minh nói:
Không, không phải đâu huynh Huệ Thông, vừa rồi tôi thấy con bướm nó chết khô cho nên tôi tội nghiệp bỏ vào hộp đem chôn vậy mà huynh.

Huệ Thông nói:
Huynh nói dối, hôm trước tôi thấy con bướm ấy nó đậu trên chậu hoa lan đẹp lắm, huynh rình bắt rồi ép khô ở trong cuốn kinh, bây giờ huynh đem chôn, tại huynh bắt nó mới chết, tôi phải vào bạch lại với thầy.

Huệ Minh nói:
Huynh, huynh Huệ Thông.

Huệ Thông nói:
Thế nào tôi cũng vô tôi bạch.

Huệ Thường nói:
Ôi, tu là cội phúc, tình là dây oan, nhưng tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành. Đã đem thân nương chốn thiền môn, trót ba mươi năm có lẻ, một khoảng thời gian đăng đẳng, tấm lòng ta tưởng đâu đã nguội lạnh như mớ tro tàn, sự đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không hệ lụy.
Bất ngờ vừa rồi nghe mấy lời của tiểu Huệ Minh than thở, mà xúc động mối từ tâm, trông cử chỉ hành vi khiến cho ta phải bàng hoàng ngơ ngẩn.
Đây, đây là nơi chôn chặt nỗi niềm tâm sự, nhưng vết thương lòng e khó nổi phôi pha. Như ta ba mươi năm mà hận cũ vẫn chưa nguôi, thì tiểu Điệp ngày nay dẫu không tròn luật pháp nhà tu, ta cũng rộng lượng thứ tha mà tìm phương an ủi.


Kỳ 2:

Huệ Thông nói:
Bạch hóa tôn sư, huynh Huệ Minh phạm giới sát sanh.

Huệ Thượng nói:
Sao đệ tử biết được?

Huệ Thông nói:
Mô Phật, vừa rồi huynh Huệ Minh bắt được con bướm ép khô rồi bỏ vào hộp đem chôn, lại còn khóc lóc khấn vái than thở làm nhiều chuyện lạ lùng lắm, con theo ghẹo phá hoài là huynh Huệ Minh cũng không chịu bỏ, nên con phải vào bạch với thầy.

Huệ Thượng nói:
Thế là đệ tử có tội.

Huệ Thông nói:
Bạch tôn sư Huệ Minh sát sanh chớ nào phải con phạm giới.

Huệ Thượng nói:
Đệ tử nên biết, khấn vái khóc than đó là giờ phút thiêng liêng người ta tưởng niệm những điều đau khổ, trước cảnh thương tâm ấy, đáng lẽ đệ tử phải lặng lẽ cúi đầu sao lại dám theo ghẹo phá, Huệ Minh phạm giới sát sanh, để rồi thầy sẽ nghiêm trị. Còn đệ tử từ nay nếu còn khuấy rối Huệ Minh, thầy sẽ phạt quỳ hương một tháng.

Huệ Thông nói:
Mô Phật.

Huệ Thượng nói:
Đệ tử vào gọi Huệ Minh ra đây cho thầy dạy việc.

Huệ Thông nói:
Mô Phật.


Huệ Minh nói:
Bạch hóa tôn sư cho gọi con, có điều chi dạy bảo.

Huệ Thượng nói:
Vừa rồi tiểu Huệ Thông thấy con bắt một con bướm bỏ vào hộp và đem chôn. Tại sao lại có những hành vi lạ lùng như thế?
Đã đem thân nương dựa cửa thiền mà lòng trần chưa đoạn tuyệt, thất tình còn vướng, nghiệp chướng còn mang, thầy xem đệ tử sắc diện võ vàng tiều tụy lắm, vậy thầy xin khuyên đệ tử.

      (Ca Xàng Xê:)
Công phu hai buổi sớm chiều, phải tự mình tìm phương giải thoát.
Từ nay chuyện thế gian tua dẹp lại,
Chốn Phật đài tưởng niệm sắc không,
Cái tâm nếu chẳng tạo ra nguyên nhơn,
Thì kết quả phải khỏi trở về với không,
Cõi hư vô có ngày được thảnh thơi.

Huệ Minh ca:
Con cúi xin vàng lời ân sư chỉ dạy,
Bao nhiêu nỗi niềm thắc mắc,
Bao nhiêu khổ sầu ôm ấp bấy lâu,
Kể từ đây con quyết tâm đoạn tuyệt,
Vùi chôn vết thương trong tâm hồn,
Mùi tục lụy chẳng còn vương mang,
Tiếng khóc than đổi thay câu tụng niệm,
Nhờ thời gian sẽ phôi pha sẽ nhạt phai dần.

Huệ Thượng nói:
Nếu được vậy thì tốt lắm, thôi đệ tử hãy theo thầy vào trước Phật đài, thầy sẽ cầu nguyện giúp cho.

      Khai kinh:
Nam mô Như Lai ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh phúc, thiên thê thế gian giải vô thượng sĩ điều ngự thượng phu, thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.

Huệ Thượng:
Nam mô, phổ quan Phật.

Huệ Minh:
Nam mô, phổ quan Phật.

Huệ Thượng:
Nam mô, phổ minh Phật.

Huệ Minh:
Nam mô, phổ minh Phật.

Huệ Thượng:
Nam mô, phổ tịnh Phật.

Huệ Minh:
Nam mô, phổ tịnh Phật.


Kỳ 3:

Điệp nói:
Dạ xin chào ông đạo.

Huệ Thông nói:
Mô Phật, nơi đây là chùa Phật, thầy tới đây có chuyện chi?

Điệp nói:
Ông đạo làm ơn cho tôi hỏi thăm.

Huệ Thông nói:
Thầy muốn hỏi thăm điều chi?

Điệp nói:
Chẳng biết trong chùa nầy có ni cô nào tên Lan không?

Huệ Thông nói:
Chùa này không có ni cô.

Điệp nói:
Vậy từ Tháng Hai năm ngoái tới nay, có người nào đến quy y không?

Huệ Thông nói:
Có nhưng không phải tên Lan.

Điệp nói:
Người ấy ra làm sao?

Huệ Thông nói:
Người ấy tướng tá không cao không thấp, hình vóc không ốm không mập, gương mặt không tròn không dài, tiếng nói thiệt trong như chuông ngân, mà cặp mắt lúc nào cũng như đầy nước mắt.

Điệp nói:
Vậy ông làm ơn vào nói với người ấy, có tôi, tên là Điệp tới thăm.

Huệ Thông nói:
Không được đâu thầy, chú ấy không tiếp ai hết, trước kia có một vài lần người ta đến hỏi thăm, nhưng chú không chịu ra bảo nói dối rằng không có chú ở đây.

Điệp nói:
Nhưng ông cứ vào nói có một người tên Điệp thì chú ấy ra lập tức mà.

Huệ Thông nói:
Sao lạ vậy, chú ấy tên là Điệp mà thầy cũng là Điệp nữa.

Điệp nói:
Phải rồi, chú ấy giận cha mẹ họ hàng, nên mới mượn tên tôi mà đi tu, bây giờ chú ấy chỉ biết có một mình tôi thôi.

Huệ Thông nói:
Vừa rồi chú ấy và tôi mới bị hòa thượng quở phạt, chú đang buồn chẳng tiếp ai đâu.

Điệp nói:
Chú ấy làm gì mà bị quở phạt.

Huệ Thông nói:
Kìa thầy không không trông thấy à.

      (Ca Khóc Hoàng Thiên:)
Chính giữa một cái mả cao hai mả thấp,
Chú ấy đem chôn lấp, xác bướm với cành lan,
Bướm khô lan đã tàn,
Con dao tây chận ngăn đôi đàng,
Thật rõ ràng nào sai,
Khóc than lâm râm khấn lạy,
Vì thấy chú ấy sát sanh,
Sợ lây tội tình,
Luật ở chùa giới nghiêm,
Thế nên tôi lên bạch thầy,
Mới bị rầy cả hai.


Kỳ 4:

Điệp nói:
Ông đạo ôi!

Huệ Thông nói:
Mô Phật.

Điệp nói:
Tôi từ xa tìm tới đây là mong mỏi cùng người quen được gặp xin ông niệm chút từ tâm.

Huệ Thông nói:
Không phải tôi muốn làm khó thầy, song vừa rồi tôn sư mới ra lịnh nghiêm nhặt, nếu tôi còn nói chuyện gì lôi thôi với chú ấy, lỡ tôn sư gặp tôi phải quỳ hương tới một tháng lận thầy.

Điệp nói:
Vậy bây giờ ông không còn cách nào giúp tôi được sao? Thế là tôi phải về.

Huệ Thông nói:
Thiệt thấy tình cảnh của thầy, tôi muốn giúp giùm nhưng biết làm thế nào? À, hay là chỉ có cách này.

Điệp nói:
Cách nào ông?

Huệ Thông nói:
Thầy bước tới lại đây tôi chỉ cho thầy xem, đây sợi dây này là để cho khách thập phương, mỗi khi tới chùa, giựt chuông cho chúng tăng ra mở cổng, bây giờ tới chiều, phiên chú ấy gác chuông để tôi đi tránh vào trong rồi thầy cứ giựt chuông cho chú ấy ra mở cổng, chừng gặp nhau thì thầy muốn nói gì thì nói.

Điệp nói:
Tôi hết sức cám ơn ông.

Huệ Thông nói:
Mô Phật, thôi tôi vào. Kìa chú ấy đương ngồi tưởng niệm và lần chuỗi bồ đề dưới gốc cổ thụ, kia đó, đây, phía bên này đây.

Điệp nói:
Ôi! Chưa đầy hai năm, mà một vẻ đẹp thùy mị kín đáo trước kia, bây giờ đã hóa ra hình dạng một nạn nhơn khốn khổ.

      (Ca Chuồn Chuồn:)
Em Lan ôi! Tội tình chi mà em phải đọa đày,
Cho khổ sở kiếp hồng nhan,
Hỡi này em Lan,
Nay anh đã dứt rồi nghiệp oan,
Anh tìm đến đây cùng em tạ tội, đặng rước em trở về.
Mối duyên xưa cùng nhau ta nối lại,
Để đền bù những lúc khổ đau,
Ôi tiếng chuông rung chắc trái tim em phập phồng,
Em không ngờ anh đã tới đây,
Nỗi mừng vui nào hơn được lúc này.



Kỳ 5:

Huệ Minh nói:
Anh Điệp!

Điệp nói:
Em Lan, anh đã ly dị với Thúy Liễu, anh lên đây để rước em về.

Huệ Minh nói:
Không thể được, hết rồi.

Điệp nói:
Mở cổng cho anh vào.

Huệ Minh nói:
Không thể được, anh phải đi về đi, đã hết rồi.

Điệp nói:
Lan đành cắt đứt dây chuông.

Khai Chuông:
U minh vỉ mãng vô thượng tấn tốc,
Ngưỡng lao đại chúng an tọa tịnh chung.
Văn chung thinh nhứt tâm thế niệm A Di Đà Phật.

Huệ Thông nói:
Bạch thầy có Vũ Khắc Điệp đến.

Hòa Thượng nói:
Mời người vào.

Huệ Thông nói:
Mô Phật.

Điệp nói:
Mô Phật bạch hòa thượng.

Hòa Thượng nói:
Mô Phật, bần tăng xin chào ngài. Ngài có phải là Vũ Khắc Điệp mà cách đây mấy tháng, ngài có đến chùa này một lần.

Điệp nói:
Bạch hòa thượng phải.

Hòa Thượng nói:
Ngài vừa tới cổng giựt chuông để gọi chúng tăng ra mở cửa, thì có một chú tiểu vội cắt đứt dây chuông, rồi ngất xỉu, lúc ấy ngài đi luôn không vào chùa, và từ đó tới nay cũng không khi nào ngài trở lại.

Điệp nói:
Bạch hòa thượng, trong lúc cắt đứt dây chuông tôi vì cảm xúc quá nên cũng té gục trên cổng, chừng tỉnh lại nhìn vào chùa thấy bốn bề vắng ngắt nên ngậm ngùi lặng lẽ ra về.

Hòa Thượng nói:
Ngài có biết đâu, sau khi ngài đi rồi, chú tiểu ấy phát bịnh nặng, những lúc mê sảng thường kêu gọi ba tiếng Vũ Khắc Điệp luôn, đến nay thuốc thang đà vô phương cứu chữa, nên bần tăng mới cho người đi tầm ngài tới đây, bần tăng cũng vẫn biết sống chết là một lẽ đương nhiên, song có điều làm cho bần tăng không yên lòng, là chú ấy cứ nài nỉ khẩn cầu xin bần tăng chứng minh cho chú ấy trao gởi nỗi niềm tâm sự, điều ấy bần tăng khó thể nhận lời, ngài cũng đủ biết giùm cho bần tăng ngày nay.

      (Ca Vọng Cổ:)
1- Đã ngơ lấp chuyện hồng trần, lòng thanh thản hồn nhiên trước cửa từ bi, bao nỗi thị phi, tai chẳng buồn nghe, mắt cũng không buồn trông thấy nữa.

2- Không sắc đã thay cho danh lợi tự giác nhi giác tha, Lục tự di đà vô biệt niệm trót ba mươi năm mà công quả vẫn chưa tròn.

3- Ngày nay cũng bởi tiểu Huệ Minh, trần lụy đa mang, nghiệp oan chưa dứt, kiếp duyên còn nặng nợ, lòng bận bịu nơi sóng mê bể khổ, nên bịnh căn trầm trọng mỏi mòn.

4- Đã ba hôm rồi yêu cầu bần đạo chứng minh cho người, gởi chút niềm riêng nhưng bần đạo đã xả thân khổ hạnh, thì luật tu hành không thể nhận, chớ có phải đâu sắt đá là loại vô tri, cỏ cây là loài vô cảm mà chẳng thương tâm trước cảnh mất còn.



Kỳ 6, cuối:

Huệ ca:
5- Hòa thượng ôi, người đương hoằn hoại là một nạn nhơn, còn chính tôi đây là một tội nhơn, ấy cũng vì nghịch cảnh xui nên xin hòa thượng hãy rộng lượng xót thương cho kẻ đã bao lâu nay cùng chung đau khổ một tâm hồn.

6- Mới đem thân nương chốn thiền môn đặng tìm phương giải thoát, những tưởng nước cành dương rưới tan niềm oan khổ, nào ngờ đâu không hàn gắn vết thương lòng, hạnh phúc con người ta là quên, nhưng bởi không thể quên nên thành ra khổ thân.

Hòa thượng ca:
7- Hiện thời bịnh thế rất ngặt nghèo, thần sắc xem đã biến thiên, hình thể đã tiêu hao, e không qua khỏi đêm nay, trước cảnh nguy vong bần tăng cũng muốn chứng cho xong, để cho yên lòng người trong cơn hấp hối.

8- Bởi vậy bao nhiêu phép tắc ở chùa, bao nhiêu luật trai giới nghiêm minh, chấp kinh có khi cũng phải tùng quyền, giờ phút này mở rộng lòng bác ái, bao nhiêu trách nhiệm dầu ai có khép tội lỗi gì đều để hết cho bần tăng.

9- Vậy đây mảnh áo ca sa, ngài choàng vào đi, Huệ Thông (mô Phật) Huệ Trí (mô Phật), đệ tử hãy đốt đèn lên rồi đưa ngài giả dạng bần tăng để cho tiểu Huệ Minh trao gởi nỗi niềm tâm sự.

Huệ ca:
10- Ân sư ôi, ơn của ân sư dám sánh tợ biển trời, đức của ân sư đã gội nhuần vạn vật, đạo của ân sư đã độ khắp chúng sanh, ân sư ôi một lạy này đệ tử gọi là chút lòng thành để đền đáp dạ từ bi.

Hòa thượng ca:
11- Ngài ôi, ngài chớ quá nhọc tâm, mà bần tăng thêm tổn đức, ngài hãy bình tâm đi, để lạy này, ngài lạy Phật thì phải hơn, tâm sự đôi bên bần tăng chưa hiểu hết, nhưng chẳng may đạo Huệ Minh tánh mạng khó bảo toàn.
12- Thì bấy lâu nay tiếng kệ câu kinh, tiểu Huệ Minh đã dày công sám hối, dòng hệ lụy dầu chưa có rũ sạch, nhưng căn đã khiến cho gần chốn Phật đài, mà duyên đã tạo nhiều công quả, có lẽ rồi đây cõi Tây phương người sẽ được hưởng phước thanh nhàn.


Nói: Ngài cứ yên lòng, Huệ Thông (mô Phật) Huệ Trí (mô Phật) hãy y lời thầy dặn.

Huệ Thông nói:
Huynh Huệ Minh, hòa thượng đã y lời cầu xin của huynh, nên vào đây, huynh muốn tỏ điều gì thì cứ bạch với tôn sư đi.

Huệ Minh nói:
Huynh Huệ Thông.

Huệ Thông nói:
Mô Phật.

Huệ Minh nói:
Bây giờ là chừng nào rồi.

Huệ Thông nói:
Hết canh tư bước sang canh năm.

Huệ Minh nói:
Ôi tai lắng mõ chuông chớ tấm thân đã nhẹ nhàng tục lụy,
nhưng mắt nhìn cảnh vật, cõi lòng chưa có giải thoát hồng trần,
trong khói hương mà chạnh chốn tử phần,
nỗi đau khổ lạy cha già xin lượng thứ,
tủi duyên phận tôi mới tìm nơi Phật tự,
thân bọt bèo nhờ sư phụ rộng dung tình,
ân sư ôi, đáp ơn dày đành đợi kiếp lai sinh,
số mạng bạc tới đây cam liểu kết,
nghiệp oan dầu hết, mà phúc quả chưa tròn,
như tôi đây dám vì tình lỗi đạo làm con,
thì tội bất hiếu kiếp nào chuộc được.

      (Ca Nam Ai:) (lớp mái)
Ân sư ôi, cúi xin thương tha thứ tội tình,
Thật tôi là họ Nguyễn tên Lan,
Trắc trở cuộc tình duyên,
Bởi quá thống khổ,
Mượn tên Điệp này,
Đặng có nhập thiền môn,
Tôi dẫu chết đã yên phận rồi,
Tội nghiệp cho người kiếp sống không nguôi,
Thương nhau đã lỡ rồi, ôi hỡi đất trời,
Tại vì đâu xui ly biệt đôi nơi,
Từ ngày đành cắt đứt dây chuông,
Ôi anh Điệp anh có rõ cho chăng,
Em chỉ sợ vì em, mà anh phải khổ,
Thôi để một mình thân em chịu là xong,
Nay cái chết không dung em rồi,
Anh hãy yên lòng, vui cảnh vợ con,
Kiếp này không hiệp, hẹn cùng anh theo kịp em chờ.

Huệ nói:
Em Lan.

Lan nói:
Anh Điệp ôi em đã mệt lắm rồi.

Huệ nói:
Trời ôi! Lan, em Lan đã tắt nghỉ rồi.


Tham khảo Soạn giả Trần Hữu Trang: Sân khấu và dĩa hát - Báo Bạc Liêu, 15/06/2012
ĐIỂM DANH NHỮNG GIỌNG CA VÀNG TỪ NĂM 1940 ĐẾN NĂM 2000 - Soạn giả Nguyễn Phương, Cải Lương Việt Nam, 22/04/2016
Đêm hè nhớ lại Những giọng ca vàng ngày xưa - Nguyễn Phương, Cải lương Số, 2012
Tiểu Sử Cô Tư Sạng - Kho tàng Vọng cổ Việt Nam, 07/08/2021