Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Những người khai sinh tờ công an mới


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Bùi Quang Hào


Nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng Nguyễn Tài:
Những người khai sinh tờ công an mới


Bùi Quang Hào

Theo các tài liệu để lại thì hồi đó Chủ nhiệm Báo Công an mới là đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, chủ bút là Phan Mạnh Hân, ủy viên trị sự là Phùng Duy Tiếu. Báo in tipô, số 1 dày 16 trang, số 2 và 3 đều dày 20 trang, khổ 20x25cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Mỗi tháng báo ra hai kỳ vào ngày 1 và 15.

"Cây cao cả ôm là do mầm non nhỏ bé tạo ra. Lâu đài chín tầng là do từng viên gạch nhỏ xây lại.  Chuyến đi nghìn dặm là do bước chân đầu tiên"

Tôi nhớ mãi triết lý ấy - triết lý khẳng định cội nguồn, muốn có hiện tại, có tương lai thì trước hết phải có cái khởi đầu trong quá khứ.

Cũng theo triết lý ấy, từ "bước chân đầu tiên" là tờ Báo Công an mới - tiền thân của Báo CAND, dù bước đi còn chập chững thuở ban đầu, qua 60 năm phát triển, ngày nay Báo CAND đã khẳng định vị thế trong làng báo Việt Nam. Đó là một trong những tờ báo hàng đầu, sớm có mặt ở nước ta.

Trong những ngày kỷ niệm tròn 60 năm đầy ý nghĩa này, những người làm Báo CAND muốn nhắc tới những người có công khai sinh ra tờ báo. Một trong những con người ấy là ông Nguyễn Tài, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, người mà cách đây 60 năm đã đi xin giấy phép - giấy khai sinh tờ Công an mới. Điều đặc biệt là chính thân sinh của ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ đã ký giấy phép đó.


Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...

Sau giây phút trầm tĩnh để hình dung lại quá khứ, ông Nguyễn Tài kể rằng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã lập ra Đoàn Cảnh sát cứu quốc. Năm 1946, với Sắc lệnh sáp nhập Liêm phóng và Cảnh sát thành Công an, lập Nha Công an Trung ương thì Đoàn Cảnh sát cứu quốc được mở rộng thành Đoàn Công an cứu quốc. Lúc đó, ông Nguyễn Tài là Bí thư Chi bộ Đảng. Tại Đại hội Đoàn Công an cứu quốc đã bầu ông làm Bí thư Đoàn. Thời điểm này, sau khi có Sắc lệnh về báo chí, ông cùng mọi người bàn nhau xin ra một tờ báo của Đoàn, định lấy tên là Công an mới.


Các đồng chí Trần Quyết, Trần Đông, Lê Thế Tiệm và đồng chí Nguyễn Tài (thứ 2 từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Báo CAND (năm 2001).Các đồng chí Trần Quyết, Trần Đông, Lê Thế Tiệm và đồng chí Nguyễn Tài (thứ 2 từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Báo CAND (năm 2001).


Dự định ban đầu coi đó là việc của Đoàn và là tờ báo của Đoàn, chứ không phải là lực lượng Công an. Hồi đó, vì Đảng rút vào hoạt động bí mật nên Trung ương chỉ thị những người lãnh đạo cơ quan tuy là đảng viên nhưng không sinh hoạt chi bộ, mà sinh hoạt Đảng Đoàn, và Bí thư Chi bộ được tham gia sinh hoạt Đảng Đoàn. Cụ thân sinh của ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan đã cấp giấy phép ra tờ báo Công an mới.

Ông Nguyễn Tài nhớ lại: "Một lần họp Đảng Đoàn, tôi báo cáo việc ra báo của Đoàn Công an cứu quốc. Giấy phép cho ra Báo Công an mới đã được cấp, do tôi đứng tên với danh nghĩa Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Nghe tôi nói như vậy, anh Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương - hỏi tôi về nội dung, về người viết, việc quản lý... định ra sao? Thú thật hồi đó tôi chưa có kinh nghiệm gì nhiều ngoài việc có tham gia làm báo Nước Nam Mới ở chiến khu Tân Trào trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự chỉ đạo của anh Võ Nguyên Giáp.

Cuối cùng, anh Lê Giản kết luận rằng với giấy phép đã được cấp, vì Đoàn không đủ sức làm, vậy nên để Nha Công an lo việc này. Do đó, Báo Công an mới vẫn ra đời nhưng do Nha Công an phụ trách và chính thức là tờ báo của ngành, được bán rộng rãi trong nhân dân. Ngày 1/11/1946, Báo Công an mới, tờ báo đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam được xuất bản, có trụ sở tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội".

Theo các tài liệu để lại thì hồi đó Chủ nhiệm Báo Công an mới là đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, chủ bút là Phan Mạnh Hân, ủy viên trị sự là Phùng Duy Tiếu. Báo in tipô, số 1 dày 16 trang, số 2 và 3 đều dày 20 trang, khổ 20x25cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Mỗi tháng báo ra hai kỳ vào ngày 1 và 15.

Trong lời "trình làng" dưới đầu đề "Mới", tờ báo viết: "... Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của Công an, để thắt chặt tình liên lạc giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Việt Nam Công an vụ cho xuất bản tờ Công an mới.

Đứng về phương diện Báo, Công an mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của Công an mà chỉ Công an mới có.

Gây một tinh thần vui vẻ, gợi khiếu tò mò, nhận xét của độc giả, phổ cập những thường thức về những vấn đề xã hội, luật pháp, chuyên nghiệp của Công an v.v... Đó cũng là một phần chính của tờ Công an mới".

Tiêu chí "Mới" đã được thể hiện trên từng trang báo. Ngay từ số 1, Báo Công an mới đã dành 2 trang cho cuộc phỏng vấn cấp tốc. Mười lăm người được phỏng vấn, từ anh Vệ quốc, Công an viên, nhà văn đến ông làm bếp... đã trả lời mỗi người một vẻ để góp phần xây dựng Công an cách mạng.

Cũng từ số 1, Công an mới đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành bởi một tinh thần và nội dung mới. Công an mới ra đến số 3 thì bầu không khí chiến tranh bao trùm khắp đất nước. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vì vậy, số 4 Báo Công an mới tuy đã in 5.000 bản nhưng phải dừng phát hành. Tờ Công an mới đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc gần xa. Ban lãnh đạo Báo sau đó đã lên chiến khu, chuẩn bị cho việc xuất bản nội san Rèn luyện.

Tôi hỏi ông Nguyễn Tài: "Hồi làm Báo Nước Nam mới đã cho ông kinh nghiệm gì để làm Báo Công an mới?". Ông cho biết, đó là sự nhạy bén nắm bắt cái mới để phản ánh kịp thời; phải khiêm tốn học hỏi để nhanh tiến bộ viết phải đa dạng, chính xác; viết và biên tập phải thận trọng không được ẩu đoảng.

Ông kể: "Hồi ở chiến khu Tân Trào, sau khi học Trường Quân chính kháng Nhật, tôi được phân công làm Báo Nước Nam mới. Có một chuyện nhớ đời: Dạo đó in báo bằng đá nên việc lên trang rất khó khăn. Một lần có một bài mà khi viết lên đá, không còn đủ chỗ. Tôi đã quyết định cắt bỏ đoạn cuối cho vừa khuôn. Sau đó, tôi nhận được một bài báo, nội dung châm biếm cán bộ tuyên truyền thì nói những điều mà người nghe không hiểu được, còn bài báo thì cắt đầu cắt đuôi mất hết ý nghĩa. Anh Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải đăng nguyên văn bài này. Tôi cảm thấy không vui, nhưng vẫn chấp hành. Sau có dịp hỏi lại thì anh cho biết đó là bài của "ông Ké" (Bác Hồ). Tôi nghĩ bụng, mình thật là "điếc không sợ súng". Sau đó, tôi rất cẩn thận trong việc tính toán lên trang".

Lần giở lại lịch sử Báo CAND, tôi được biết, hồi năm 1962, lần đầu tiên Báo mở lớp bồi dưỡng cách viết một số thể tài cho thông tin viên, cộng tác viên. Báo đã mời nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhiều nhà báo giỏi tới giảng bài.


Giờ đây đâu dễ đã ai quên

Chính sự góp công của hai cha con nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan và Anh hùng Nguyễn Tài đối với Báo CAND đã nói lên nhiều điều đặc biệt.

Có một sự kiện đáng chú ý là mới đây, ngày 6/6/2006, tại trụ sở Báo CAND (66 Thợ Nhuộm, Hà Nội), đã tổ chức lễ gắn bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hôm đó, vợ chồng ông Nguyễn Tài; nhà văn Lê Minh (con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan); nhiều con, cháu, chắt của nhà văn; cùng các văn nghệ sĩ, nhà báo đã tới dự. Đó là sự tri ân chẳng những với nhà văn Nguyễn Công Hoan - một nhà văn tài năng có tầm nhìn xa trông rộng, đã duyệt cấp giấy phép khai sinh tờ báo - mà còn đối với đại gia đình ông đã có những đóng góp vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển của Báo CAND từ thuở sơ khai cho đến ngày nay.

Theo nhà văn Lê Minh, chính tại ngôi nhà này, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết quyển sách "Hỏi chuyện các nhà văn" và quyển "Nhớ gì ghi nấy". Những trang văn của nhà văn trào phúng bậc thầy đã để lại cho những người đương thời và hậu thế nhiều điều suy ngẫm.

Cũng tại ngôi nhà này trong hơn 10 năm đó, những người con của ông Nguyễn Tài đã trải qua tuổi thơ dưới sự nuôi nấng, dìu dắt của ông bà nội, vì thời đó vợ ông phải đi công tác xa, ông Nguyễn Tài là cán bộ cấp cao được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn biệt phái vào Nam hoạt động suốt hơn 10 năm trong lòng địch. Chính tại ngôi nhà ấy đã in dấu biết bao kỷ niệm trong mỗi cuộc đời... Chính vì vậy, khi tới dự lễ gắn biển kỷ niệm người cha thân yêu của mình, ông Nguyễn Tài rất xúc động, không cầm được nước mắt...

Giờ đây, tấm biển lớn tại trụ sở Báo CAND còn khắc ghi dòng chữ: "Nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/6/1977), Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (1996), người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học và báo chí cách mạng Việt Nam, đã sống và sáng tác tại căn phòng tầng 1 toà nhà này từ năm 1964 đến 1976".

Đó là sự tri ân, cũng là một cử chỉ nhân văn hiếm thấy đối với những ân nhân của Báo CAND khi tờ báo vừa tròn 60 tuổi


Bùi Quang Hào


Tác giả "Kép Tư Bền" thời là bộ đội


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:KIẾN VĂN

Tác giả "Kép Tư Bền" thời là bộ đội


KIẾN VĂN

Phong trào “Văn nghệ sĩ đầu quân” những ngày đầu kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược là một sự kiện lớn của văn học cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Cho đến nay, hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) vẫn chưa có một người làm văn học sử nào thống kê được một cách chính xác phong trào ấy có bao nhiêu văn nghệ sĩ tham gia, nhưng một điều đã rõ là con số ấy khá đông, kể tới hàng trăm người và lan rộng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước.

Nguyễn Công Hoan – một tên tuổi lớn của văn học trước cách mạng tháng Tám (1945), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên (1999), tác giả của những Ngựa người, người ngựa (1934), Kép Tư Bền (1931), Bước đường cùng (1938)… là một trong những nhà văn tham gia phong trào này ngay từ đầu.

Về quãng thời gian tòng quân (1946-1954) của mình, nhà văn rất ít khi nói tới. Trong cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) dày tới hơn 400 trang, ông cũng chỉ dành đâu có 2, 3 trang viết về nó. Ông kể:
“Trong tám năm kháng chiến, vì bận công tác khác, tôi ít nghĩ tới việc viết truyện” (tr.230).
Vậy “công tác khác” của ông là công tác gì?

Qua những tài liệu được xuất bản tại chiến khu Việt Bắc còn lưu giữ được và qua lời kể của những người cùng thời được biết:

Nhà văn đã từng công tác tại tòa soạn báo Sao Vàng – cơ quan tuyên truyền và huấn luyện do Chính trị cục thuộc Quân sự ủy viên hội xuất bản đặt tại số 28 Triệu Quang Phục – Hà Nội (phố Hàng Bài ngày nay). Báo ra số đầu tiên vào ngày 30-5-1946 và ngày 17-12 cùng năm ra số cuối cùng (vì chỉ 2 ngày sau là toàn quốc kháng chiến). Tờ báo này do nhà sử học tài năng Trần Huy Liệu làm chủ bút. Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể:
“Báo Sao Vàng của Chính trị cục mở ra. Anh Trần Huy Liệu là Cục trưởng nhờ tôi giúp mục tiểu thuyết, làm tôi ngạc nhiên quá: “Sao lại tiểu thuyết?” (Đời viết văn của tôi, tr.228). Và sau đó ông viết Truyện đồng chí Tơ, viết tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng (1946). Từ ấy, nhà văn mới hay rằng vào bộ đội, ở bộ đội văn chương vẫn sống được và “quyết định làm sống lại ngành nghề của mình”.
Sau khi báo Sao Vàng ngừng xuất bản, nhà văn Nguyễn Công Hoan lên chiến khu tiếp tục làm nghề báo. Trong số đầu tiên của tờ Vệ quốc quân (tờ báo của Quân đội Việt Nam, tiếp nối các tờ Tiếng súng reo, Quân giải phóng, Sao Vàng và là tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) ra ngày 10 tháng 3 năm 1947 đã thấy ghi tên tuổi ông trong Bộ biên tập cùng với những Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến…



Đồng thời với việc tham gia Bộ biên tập báo Vệ quốc quân và sau đó (từ 20-10-1950) là báo Quân đội nhân dân, Nguyễn Công Hoan còn được phân làm chủ bút báo Quân nhân học báo, Giám đốc Trường Văn hóa quân nhân Lý Thường Kiệt. Nhà văn Lê Minh – con gái ông cho biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, lúc bấy giờ dù bận rất nhiều công tác vẫn dành những mối quan tâm đặc biệt tới công tác mới của nhà văn lão thành. Trong một bức thư gửi nhà văn Nguyễn Công Hoan, Đại tướng viết: “Anh phụ trách công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ quân đội, những người đã từng sống những giờ phút oanh liệt, đã từng đem tấm thân cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vinh dự anh quả thật là vinh dự lớn. Anh cố gắng giúp sức vào sự giải quyết một vấn đề lớn của phong trào của thời đại: Vấn đề phối hợp những tri thức văn hóa với tri thức sống. Anh cố gắng. Thành công của anh sẽ là thành công của phong trào, của dân tộc” (Nhà văn Quân đội, kỷ yếu tác phẩm, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, tr.785,786).

Kể về những ngày “đi bộ đội”, những ngày đầu trong quân ngũ của tác giả Bước đường cùng, nhà văn Tô Hoài viết: Có một chuyện buồn cười – buồn cười khi anh nói lại chứ thật ra, đây là chuyện gay go, suýt chết. Hôm ấy, anh Nguyễn Công Hoan cùng anh Thôi Hữu lên Sơn Tây. Không nhớ đi việc gì, anh mang súng cũng như là các anh đi chơi thôi. Anh Nguyễn Công Hoan mặc quân phục, mũ ca lô sĩ quan dạ tím có đính sao vành tròn. Lưng anh giắt gồ gồ bao súng của anh Lê Tất Đắc cho mượn – mà tôi chắc anh cũng không biết bắn. Người anh cao lớn, mặc đồ bộ đội, trông oai vệ lắm… Chẳng may đúng hôm ấy, Tây ở Hà Nội tấn công nống lên tận huyện Phúc Thọ. Một đằng thì bọn Tây đã lố nhố trên mặt đê, bắn loạn xạ vào trong làng. Một đằng thì người ta chạy giặc đương gồng gánh xô xuống bãi. Anh chạy với mọi người. Anh bị dân quân hỏi giấy, khám rồi giữ lại. Người ta nghi anh là Việt gian, trói anh lại. Ở ngay mặt trận, địch đang đuổi sau lưng mà bị dân quân bắt, nghi là Việt gian thì chết như không rồi còn gì. Nửa đêm, anh mới mò được đến Đồng Lư. Bùn lấm lem mặt, mất cả mũ ca lô, cả súng lục. Vết thương còn lằn đỏ hai cổ tay…

Chúng tôi được lệnh chuyển cơ quan lên Lâm Thao. Lúc chiều, Tây đã tấn công ra đến chùa Trầm. Anh đi theo luôn. Dọc đường đi lúc ngồi nghỉ, anh Nguyễn Công Hoan vui vẻ kể lại câu chuyện chết người ấy, rồi anh cười: Từ giờ thì không dám đeo súng! (Tô Hoài – Những gương mặt, NXB Tác phẩm mới, 1998, tr.70,71).

Không dám đeo súng, ít khi sử dụng súng nhưng bằng ngòi bút tài hoa, từng trải và lão luyện của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có những đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của báo chí quân đội nói riêng và sự phát triển của quân đội ta nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, khoa học quân sự những ngày đầu gian khổ của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.




Các Nhà văn – Nhà giáo tài năng trên văn đàn Việt Nam - Bùi Việt Thắng

Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nhà văn Bùi Việt Thắng


Trong lịch sử văn chương Việt Nam thời hiện đại có không ít nhà văn tài năng vốn là nhà giáo. Sự kết hợp “hai trong một” này là một hiện tượng thú vị xét về nhiều phương diện, nó tiêu biểu cho một đất nước vốn có truyền thống coi trọng văn chương và đề cao sự học. Trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945, đã có nhiều nhà văn nổi tiếng từng là nhà giáo, tiêu biểu như: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Vũ Đình Liên, Nam Cao​, Chế Lan Viên...

... Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903- 1977) quê ở Bắc Ninh, từng là học sinh trường Bưởi (Hà NỘI); năm 1922 vào học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (1926), dạy học cho đến năm 1945. Trong gần 20 năm dạy học trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn đã bị chính quyền thực dân để ý, theo dõi và tìm cách buộc phải thuyên chuyển nơi dạy từ Hải Dương về Nam Định, từ Nam Định ra Quảng Ninh, từ Quảng Ninh lên Lào Cai...Sự luân chuyển gian khổ đó, với người viết văn lại là một sự may mắn nghề nghiệp - vì thế mà được đi nhiều, biết nhiều, hay nói cách khác là được sống nhiều. Nguyễn Công Hoan bắt đầu cầm bút viết văn từ năm 1920; tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan in năm 1923 lập tức khẳng định vị trí vững chắc của ông trên văn đàn đương thời. Tiếp theo, tập truyện ngắn Kép Tư Bền xuất bản năm 1935 đã gây một tiếng vang lớn lúc bấy giờ (tác phẩm này cũng chính là nguyên cớ nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh). Trước năm 1945, nhà văn Nguyễn Công Hoan được ví như một “lực sĩ văn chương”, cần mẫn lao động nghệ thuật: ông đã viêt hơn 200 truyện ngắn, hơn 20 truyện dài. Trong tác phẩm của mình, nhà văn thẳng tay đả kích bọn quan lại tàn ác, tham lam và bỉ ổi; bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt; bọn “ông chủ” vô lương tâm chỉ biết chạy theo và tôn thờ đồng tiền...Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng được ví như một “bách khoa thư” về xã hội Việt Nam thời kim tiền, nhố nhăng mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã gọi là một “xã hội chó đẻ”.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công hoan thực sự là một bức tranh chân thực về đời sống xã hội với những cảnh sống khốn cùng của những con người nhỏ bé bị tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Người đọc nhiều thế hệ vẫn luôn luôn xúc động và không cầm được nước mắt khi đọc những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn như: Hai thằng khốn nạn, Ngựa người và người ngựa, Kép Tư Bền, Thằng ăn cắp. Có thể nói đó là những tấn bi - hài kịch nhân gian mà nhà văn đã dựng nên bằng một nghệ thuật truyện ngắn tài tình.

Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn chương hiện đại Việt Nam. Đọc Nguyễn Công Hoan, nhiều người có sự liên tưởng và so sánh ông với nhà văn Ý thế kỉ XIV Giovanni Bôcaxiô (1313- 1375), người đã tạo nên kiệt tác Chuyện mười ngày (Decameron, xuất bản năm 1471). Người ta nói, không phải ai khác mà chính là Bôcaxiô là người đã đem tiếng cười vang dội vào văn chương nước Ý thời đại Phục hưng. Tương tự, chúng ta cũng có quyền tự hào mà nói: không phải ai khác mà chính là Nguyễn Công Hoan là người đã đem tiếng cười trào phúng vang dội vào văn chương hiện đại Việt nam. Ngay từ năm 1942, trong sách Nhà văn hiện đại, nhà văn Vũ Ngọc phan đã tinh tường nhận xét về đặc trưng văn chương Nguyễn Công Hoan “tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi”. Người ta vẫn nói tiếng cười là vũ khí của người mạnh, tiếng cười là “phép vệ sinh tinh thần”- điều đó ứng nghiệm trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan một cách thật rõ ràng.

Hơn năm mươi năm lao động nghệ thuật bền bỉ, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại một di sản văn chương đồ sộ. Ông vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Hiện nay ở thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên nhà văn Nguyễn Công Hoan.
...


Nguồn: Báo điện tử VTC News

Cuộc gặp đáng nhớ ở quán sách Hương Giang

Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Xuân Sanh

Hồi ký



Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

Gần hết giờ học bài đêm, có thể ngồi lặng lẽ làm thơ mà không ai biết. Lên buồng ngủ, khuya thắp ngọn nến trắng góc giường, đủ ánh sáng để trầm tư và viết. Đọc sách liên miên, cũng dưới ngọn đèn leo lét trong màn.

Tìm sách báo thì có thư viện thầy Trịnh Xuân Dương. Nhưng hay nhất, thích nhất vẫn là quán sách Hương Giang của anh chị Hải Triều.

Nó ở bên kia sông Hương, qua cầu Tràng Tiền, ngoặt một tý bên tay trái là đến. Đi ra dạo chơi dưới gốc mấy cây thùy liễu gần bến đò Thừa Phủ cũng nghĩ đến sách, báo Hương Giang. Gần gà gáy sáng, nằm trằn trọc nghe đò chở cát ngoài sông hò mái nhì mái đẩy, cũng nhớ sách, báo Hương Giang...

...Đối với tôi và Huy Cận, yêu quán sách Hương Giang là một tình cảm sâu sắc đến nỗi cho mãi đến bây giờ vẫn không quên được. Một chủ nhật rảnh lang thang vào hồ Tịnh Tâm ngắm sen, hai chúng tôi tạt vào thăm quán sách. Anh Hai Triều vỗ vai bảo : Thứ sáu tuần này, tập truyện Kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan vào Huế. Đến thứ tư tuần sau, nhà văn Nguyễn Công Hoan sẽ vào thăm sông Hương núi Ngự và chiều thứ năm sẽ ký tên vào Kép Tư Bền cho độc giả.

Huy Cận và tôi mừng lắm. Sách sẽ vào Huế với chúng ta. Nhà văn tác giả sẽ vào Huế gặp chúng ta là bạn đọc. Vào Tịnh Tâm, không nói chuyện hoa sen nở nữa, chỉ ngồi trên cầu và trên lan can nhà lục giác nói chuyện Kép Tư Bền, nói chuyện làm sao để được gặp nhà văn tên tuổi Nguyễn Công Hoan ngay trên đất Huế của chúng mình, được nhìn mặt nhà văn, xin một chữ ký. Nhà văn tiếng tăm như vậy, tên ký hẳn là những nét mực vạm vỡ, phóng lên.

Chiều thứ sáu ngay sau đó...

Tàu hỏa xình xịch qua cầu Bạch Hổ. Tiếng còi dài rít lên. Tàu sắp vào ga. Sao bụng chúng tôi rạo rực, tâm hồn chúng tôi thao thức đến thế khi nghe những tiếng còi chiều vọng vào hiên trường lớp. Mắt chúng tôi quay nhẹ nhìn ra màu xanh trời đất. Tìm gì trong đó, suy nghĩ những gì trong đó, tự mình im lặng đến nỗi tưởng như một tý sóng gạn trên mặt sông Hương phẳng lặng cũng nghe được tận trong ngôi trường sở trang nghiêm này.

Ấy là chuyến tàu mà chúng tôi biết trong một góc toa nào đó, nhiều bó sách Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan đã được chất chồng, đưa vào cho bạn đọc sông Hương. Trong bạn đọc ấy có Huy Cận và tôi và bao nhiêu bạn chúng tôi ở trường Quốc Học này nữa. Thế rồi là một đêm vui khó ngủ với Kép Tư Bền.

Dăm ngày sau, một buổi chiều giờ địa lý, lại tiếng tàu rung vang cầu sắt và một tiếng còi tàu xem chừng như có ý huýt dài hơn.

Nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan mà chúng ta chưa biết mặt lại đến với chúng ta trên đất Huế. Chúng tôi muốn ngủ chậm lại hơn những đêm trước. Ngồi trên bục cửa sổ nhìn trời mây xứ Huế lấp lánh một vành mỏng trăng non, nói chuyện văn thơ đất nước.

Suốt ngày hôm sau cứ ở hai lớp khác nhau ra giờ chơi gặp nhau, Huy Cận và tôi đều mách với nhau việc trên bàn học của mình chúng tôi trông ngóng những giờ phút cuối chiều. Cả hai anh em ai cũng nhớ lời anh Hải Triều : nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan sẽ ký tên vào tác phẩm Kép Tư Bền cho độc giả ngay ở hiệu sách Hương Giang. Nhớ lại trước đây đã bao ngày đêm nghĩ ngợi về Ngựa người , người ngựa, về bộ Xã hội ba đào ký của Nguyễn Công Hoan đọc nhiều kỳ trong phụ trương một tờ báo Hà Nội.

Ăn cơm chiều xong, Huy Cận và tôi và một bạn thân nữa của chúng tôi rủ nhau lặng lẽ vượt cổng ra đường. Trời đang con nắng nhỏ. Hơi mát của lòng sông Hương tỏa rộng lên đường, trùm cả dãy cây long não xanh um lá. Chúng tôi đi nhanh, không ai nghe bước ai. Qua cầu Tràng Tiền, thường thế nào cũng đứng lại ngắm đò chiều lên khói nấu cơm và nhìn bóng mờ Cồn Hến, hôm nay ba anh em đi thẳng như có một tiếng gọi thắm thiết lạ lùng đâu từ bên kia sông, chứ không ôm lưng nhau tâm sự hay cao giọng đồng thanh hát những bài hát như học sinh thường hát chơi lúc bấy giờ.

Hiệu sách Hương Giang còn đông người xếp hàng mua sách và xin chữ ký nhà văn Nguyễn Công Hoan. Gió dịu hình như thổi từ bến Phu Văn Lâu vào. Tác phẩm Kép Tư Bền xếp thẳng hàng trên hai ngăn tủ kính trước. Bìa màu nhạt, kín đáo mà ấm.

Chúng tôi hưởng cái vui của những người độc giả bạn mình. Hẳn đều là những người muốn đến với văn học bằng cuộc sống và lòng tin. Huy Cận và tôi chen chân đứng với nhiều bạn trẻ khác ở ngay ngưỡng cửa. Tay có lúc nắm tay nhau, có lúc một tay để lên ngực. Xem chừng muốn tự nghe lòng mình và tự do lòng mình cả đây.

Anh Hải Triều bước ra. Cái cười của anh bao giờ cũng cởi mở, nhanh, để chan hòa. Tôi nghĩ : cả chan chứa lòng tin. Anh vẫn thường truyền thẳng lòng tin cho những người trai như chúng tôi bằng một cái bắt tay chắc và cái nhìn sáng. Anh bảo: các cậu cứ vào mua sách và đứng chờ ở cuối bàn.

Huy Cận và tôi thường làm gì cũng muốn có nhau, muốn không mất nhau, lúc ấy kéo nhau vào đứng ở cuối bàn và lấy sách.



Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh khi còn trẻ - Ảnh: 60s.com.vn


Hai ba chúng tôi hay mua sách chung nên chỉ mua một cuốn Kép Tư Bền. Anh Hải Triều mở mấy trang đầu trao sách cho chúng tôi. Chữ in sắc nét, thẫm màu. Giấy dày như có những đường gân thẳng, nhưng bốc thoảng lên một mùi thơm rất thương. Bỗng nhớ câu anh Hải Triều nhắc nhở hai chúng tôi: tác phẩm hiện thực Kép Tư Bền của nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan ra bây giờ là đúng lúc.

Mua chỉ một cuốn sách, nhưng đứng thì cùng đứng với nhau hai người. Trong lòng phấp phỏng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan tóc đen lắm, húi hơi ngắn. Tay cầm bút, mắt nhìn ngòi bút, nhưng ký xong lại quay nhìn người đưa sách ký. Đọc văn nhiều trang thấy đậm đà lối văn hài hước, nhưng gặp người không thấy nét dáng hài hước chút nào. Nhà văn có vẻ như cười với Huy Cận, vì Huy Cận là người đã cầm cuốn Kép Tư Bền xin chữ ký của anh. Tâm trạng tôi là cũng phải góp vào phút nghiêm nghị mà thân tình này cái cười rất con trẻ của mình. Vì yêu Nguyễn Công Hoan là cái yêu chung từ ngày được đọc các truyện ngắn khỏe và thực của nhà văn nổi tiếng và vì chúng tôi hẹn nhau cùng mua chung một cuốn Kép Tư Bền để đọc ở đời và học văn học.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan bắt tay tạm biệt hai chúng tôi khi ngọn đèn điện trong quán sách anh Hải Triều vừa bật sáng. Tôi nhìn kỹ chữ ký anh : từng chữ cái một đứng chệch nhau hàng dọc tỏa xuống. Tôi cứ ngẫm nghĩ: vì sao? Sau này đã gần anh Nguyễn Công Hoan, tôi thấy đó là cái rắn đậm của con người, cái thực của sự sống. Tôi bắt tay anh, kính mến nhìn mắt anh và nhìn nét môi anh cười.

Chúng tôi đi đò ngang về, mừng trẻ nhỏ như mình mà được đến với nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan. Cũng mừng nữa, là học trò nhỏ mà được làm bạn với quán sách anh Hải Triều: thấy chúng tôi có ít tiền lại ham đọc, hàng tuần anh vui vẻ bán chịu cho khá nhiều sách, báo, còn hứa cho Huy Cận và tôi mượn đọc cuốn sách bàn về Hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng tiếng Pháp.

Năm năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong kháng chiến chống Pháp trụ sở Hội văn nghệ Việt Nam Trung ương lúc bấy giờ dọn sang ở Thượng Yên bên sông Lô Việt Bắc. Nguyễn Huy Tưởng và tôi hai anh em mang ba-lô đi họp phía Tân Trào, chân bước xăm xăm trên đường trèo đèo leo dốc từ bến Bình Ca sang Sơn Dương. Trên một ngọn cao chót vót nhìn xa vẫn thấy mênh mông chằng chịt rừng lim, mưa lúc sáng còn đọng ứ nước ở mặt đường lầy, chúng tôi gặp anh Nguyễn Công Hoan cùng hai đồng sự của anh trong cơ quan tờ Quân nhân học báo của quân đội nhân dân đi sang Tuyên Quang đang ngồi ghé chân lại nơi đây.

Lần đầu tiên gặp lại anh trong kháng chiến. Quân phục anh gọn gàng, quần xắn lên đầu gối để tránh mưa lầy, nhưng dáng mặt anh và nét cười anh vẫn mang thấm thía sự đúng đắn của nhà văn hiện thực cách mạng và nhà giáo đi thẳng vào đời sống và sứ mạng chiến đấu vì độc lập, tự do dân tộc.

Gặp anh Nguyễn Công Hoan trên đường, Nguyễn Huy Tưởng và tôi trong một tiếng đồng hồ buổi trưa đèo núi lại kể những hồi tưởng về anh. Mưa nhỏ đang lay chuyển lá lim trên đầu chúng tôi. Tôi kể anh Hoan nghe những kỷ niệm ngày Huy Cận và tôi xin anh chữ ký vào tập truyện Kép Tư Bền ở hiệu sách Hương Giang. Anh lặng nghe, chắc là cảm động, ít cười. Khi chia tay nhau, anh lên đường sang phía tây. Tưởng và tôi lên đường sang phía đông, anh lay mạnh vai hai chúng tôi nói: Thơ văn cách mạng gặp nhau trên núi rừng kháng chiến, rồi bọn mình sẽ còn gặp nhau trong chiến thắng.

Có nhiều nỗi cảm động sâu xa, mà thấy nó sâu xa hơn nếu có đôi lần mình chịu khó giữ kín khoan nhắc lại.

Trước đây trong cuộc gặp gỡ thân tình kỷ niệm anh Nguyễn Công Hoan bảy mươi tuổi ở Hội nhà văn Việt Nam, tôi rất vui nhưng không nói gì, vì lẽ đó. Tôi chỉ thích ngồi lắng nghe tâm tình của các bạn tôi.

Hai hôm sau, anh Hoan đến nhà tôi chơi vào buổi sáng. Anh đem tới biếu tôi mấy gốc cây hoa leo ăng-ti-gôn bụ rễ của nhà anh để tôi trồng dặm cho đẹp trong cái bồn bé tý của tôi giữa cầu thang ngoài trời dẫn xuống đường cái. Chúng tôi lại chân thành tâm sự với nhau câu chuyện gặp gỡ cũ bên sông Hương ở quán sách anh chị Hải Triều. Anh Hoan bảo: Tiếc hôm kia tôi không ghi âm được mẫu hồi tưởng của anh.

Tôi chỉ trả lời anh: chúng tôi mến yêu các anh trong mọi lúc, anh cho tôi ghi lại mãi mãi trong đời tôi mẫu kỷ niệm đậm đà này của anh và anh Hải Triều.

Thế mà đến nay bốn mươi năm, năm mươi năm đã qua...


N.X.S
(18/4-86)