Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

Không có bước đường cùng


Không có bước đường cùng

Nguyễn Vũ Tiềm
Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)

Vừa bổ xuống miệt biển
trát lại đẩy lên ngàn
cây bút chấm bài phê điểm
nhà giáo buộc lòng làm nhà văn.
 
Giờ phê điểm trang đời, trang số phận
trang bơ vơ, trang lá ngọc, cành vàng
kiếp khốn nạn, nợ nần bao nghịch cảnh
chiếc quan tài khóc khản tiếng trên trang.
 
Mực tâm huyết dẫu trong bình oan nghiệt
bút nhân sinh không có bước đường cùng



“Chuyện tình Lan và Điệp” qua 80 năm - Soạn giả Nguyễn Phương


“Chuyện tình Lan và Điệp” qua 80 năm

Soạn giả Nguyễn Phương




Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu Cải lương, tuồng hát được sáng tác cách nay hơn 80 năm, đến nay vẫn còn được tái diễn và khán giả ái mộ cải lương vẫn ưa thích: đó là tuồng Chuyện tình Lan và Điệp.
Năm 1933, nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) sáng tác và phát hành quyển tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng. Sau đó tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng được dựng thành kịch, trình diễn ở Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc.
Năm 1936, đoàn hát Phước Cương lưu diễn ở Hà Nội, soạn giả Tư Trang chuyển thể tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng thành vở tuồng cải lương Chuyện tình Lan và Điệp, với thanh phần diễn viên: Năm Phỉ vai Lan, nghệ sĩ Thanh Tao vai Điệp, Bảy Nhiêu vai Quan Án, Ba Thâu vai ông Tú, Thanh Loan vai Thúy Liễu, Văn Lâu vai Hòa Thượng.
Cô Năm Phỉ nổi danh là nghệ sĩ xuất sắc tầm vóc quốc tế qua vai Bàng Quí Phi trong tuồng Xử Án Bàng Quí Phi trong cuộc đấu xảo các nước thuộc địa của Pháp tổ chức tại Paris năm 1931. Năm 1936, cô Năm Phỉ một lần nữa khẳng định tài nghệ ca diễn và duyên dáng của cô qua vai Lan, làm cho vở tuồng Chuyện tình Lan và Điệp vang danh từ Hà Nội đến các tỉnh miền Trung và cả miền Nam.


Tóm lược tuồng Chuyện tình Lan và Điệp

Gia đình ông Hương Cử và gia đình ông Tú là chỗ thâm giao. Họ hẹn sau nầy sẽ kết nghĩa thông gia: Lan con gái ông Tú và Điệp, con trai ông Cử rất xứng đôi vừa lứa.
Ông Cử qua đời, gia đình thiếu trước hụt sau nhưng bà Cử chịu thương chịu khó tảo tần, lo cho Điệp ăn học mong Điệp thi đậu tốt nghiệp bằng Thành Chung. Gia đình ông bà Tú và cô Lan cũng tận tình giúp đở cho Điệp để Điệp an tâm học tập vì ông bà Tú đã xem Điệp là con rể tương lai. Hai gia đình chờ cho Điệp thi cử xong là sẽ tổ chức hôn lễ cho đôi trẻ.

Việc không may xảy ra, Điệp thi rớt bằng Thành Chung, nhưng tại họa đến làm cho cuộc hôn nhơn Lan và Điệp không thành do sự can thiệp của gia đình Quan Án Sát.
Quan Án Sát là bạn học cũ của ông Cử và ôngTú, có cô con gái tên Thúy Liễu, tánh nết lẳng lơ, chưa chồng mà đã có mang. Để che giấu tiếng xấu cho gia đình, ông Án gọi Điệp đến nhà, vờ hỏi chuyện thi cử và dự định tương lai, rồi phục rượu cho Điệp say, đem Điệp vào ngủ chung phòng với Thúy Liễu. Tình ngay lý gian, Điệp trở thành con rể của Quan Án Sát.

Trước mối tình tan vỡ, Lan cải trang nam giới, đến chùa tu để diệt khổ dưới bóng từ bi.
Cuộc hôn nhân cưỡng bách giữa Điệp và Thúy Liễu không thể bền lâu. Sau khi sanh nở, Thúy Liễu ly dị với Điệp.
Điệp tìm đến chùa thăm Lan để mong tạ tội nhưng Lan cắt đứt dây chuông, dứt duyên trần thế.
Lan bị bịnh thập tử nhất sinh, nhờ lòng từ bi của Hoà Thượng trụ trì, Điệp phải giả là một hòa thượng, khoác áo nâu sồng đến thăm Lan. Giây phút trùng phùng ngắn ngủi, nỗi oan của Điệp được giải tỏa, Lan kể nỗi niềm tâm sự và nhắm mắt xuôi tay trong vòng tay ấm áp của người yêu.

Chuyện tình Lan và Điệp tuy được phóng tác từ tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan nhưng người thích đọc tiểu thuyết và thích xem hát chỉ nhớ đến Chuyện tình Lan và Điệp của soạn giả Trần Hữu Trang và hầu như không ai biết đến chuyện đó từ tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng. Nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ diễn vai Lan hay đến nỗi người xem tưởng cô Lan có thật, chuyện tình Lan và Điệp là một chuyện tình có thật.

Tháng 8 năm 1945, hãng dĩa Asia phát hành bộ dĩa Hoa Rơi Cửa Phật (tức Chuyện tình Lan và Điệp) với thành phần diễn viên cô Tư Sạng vai Lan, Nghệ sĩ Năm Nghĩa vai Điệp, Tám Thưa vai Hòa Thượng, Hồng Châu vai Tiểu Huệ Thông.
Năm 1959, tuồng Chuyện tình Lan và Điệp diễn trên sân khấu Thanh Minh với Thanh Nga trong vai Lan, Thành Được trong vai Điệp. Thanh Nga với vóc người mảnh mai, nét mặt đẹp một cách ngây thơ thánh thiện, làm sống lại nhân vật Lan và mối tình bi thảm, khiến cho khán giả nhớ lại diễn viên kỳ tài Năm Phỉ và khán giả để lòng thương cảm cho mối tình đẹp nhưng trắc trở giữa Lan và Điệp. Vở hát hát luôn ba tuần liên tục tại rạp Nguyễn Văn Hảo, tạo ra một kỷ lục diễn suốt 3 tuần lễ tại một rạp hát ở giữa đô thành Saigòn.


Năm 1972, hãng phim Dạ Lý Hương thực hiện cuốn phim Lan và Điệp (đạo diễn Lê Dân, Thanh Nga trong vai Lan, Thanh Tú (Điệp), Bạch Tuyết (Thúy Liễu), Ba Vân (Quan Án), Ngọc Giàu (Bà Án), Năm Châu (ông Tú), Kim Cúc (Bà Tú).
Bộ dĩa Hoa Rơi Cửa Phật của tác giả Trần Hữu Trang ăn khách trong nhiều thập niên. Phim Lan và Điệp cũng được khán giả ưa thích, đến xem đông đảo. Nhiều đoàn hát khác cũng sáng tác tác tuồng Lan và Điệp và nhiều đào kép diễn vai Lan và Điệp nhưng giới ký giả kịch trường và khán giả ái mộ cải lương chỉ nhắc đến Năm Phỉ và Thanh Nga trong vai Lan, khó có nghệ sĩ nào diễn hay hơn hai diễn viên kỳ tài đó.
Năm 1970, soạn giả Viễn Châu sang tác bài vọng cổ Lan và Điệp cho hãng dĩa Hồng Hoa (thối thân của hãng dĩa Asia) được thính giả ưa thích.

Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc muốn lưu lại tài liệu về Chuyện tình Lan và Điệp, tôi giới thiệu bài vọng cổ Lan và Điệp của soạn giả Viễn Châu và bộ hình tuồng Chuyện tình Lan và Điệp hát trên sân khấu Thanh Minh trong thời gian tôi cộng tác với đoàn hát nầy.

Vọng cổ Lan và Điệp (soạn giả Viễn Châu)

Nói lối: Lan xơ xác sầu ai Lan rũ cánh
Bướm lỡ làng duyên phận bướm cô đơn,
Mộng lòng tan theo năm tháng tủi hờn,
Nơi phật tự còn vương mùi tục lụy.
Vọng cổ:
1/- Điệp ơi! Cánh bướm năm xưa hãy bay đi đừng trở lại, vì em hiện nay chỉ là một đoá Lan tàn… Em biết anh chẳng dạ phũ phàng…Nhưng kiếp nầy đã lỡ xin Điệp đừng lưu luyến chi Lan. (-) Hãy để cho em yên tâm rảnh dạ tu hành, mượn kinh kệ chốn thiền môn để phôi pha mối sầu vạn cổ…
2/- Khi tiếng mõ công phu nện đều trên chánh điện thì suối lệ đầy vơi cũng thắm đượm áo nâu sồng… Tiếng hẹn năm xưa còn nhớ mãi bên lòng… Nếu chẳng cùng anh xây tổ ấm, than nầy nguyện gởi chốn thiền môn (- ) Trời ơi! Lời đoan thệ năm xưa đã thành sự thật, bởi từ khi Điệp đi cưới vợ thì Lan cũng gởi kiếp xuân tàn nơi cửa từ bi…
3/ – Điệp ôi! Đời Lan đến ngày nầy còn kể đến làm chi, Lan đã xây đắp một hy vọng tương lai để được cùng ai nên nghĩa gối chăn trong vòng lễ giáo, thế mà ông Tơ cắc cớ đem sợi chỉ hồng se lộn mối duyên.
Thôi rồi một kiếp xuân xanh
Điệp đi cưới vợ, Lan đành xuất gia!
Lệ tràn theo giọt mưa sa
Hỏi trăng, trăng lặn, hỏi hoa, hoa tàn.
Nói lối:
Kéo vạt áo lau đôi dòng nước mắt,
Lạy mẹ cha con thí phát quy y
Con dao kia với xác bướm khô nầy
Lan chôn lấp dưới cội cây ngoài cửa Phật!
4/ – Điệp ơi! Mái tóc xuân xanh Lan đã cắt đi với lời khấn nguyện, trong khi giữa thiền môn vọng lại tiếng chuông…buồn… Suối lệ tuôn rơi theo lá rụng quanh tường…Tiếng côn trùng nỉ non họa lại bản nhạc sầu với tiếng mõ, hồi chuông, (-) Nam mô cứu khổ chí tôn, Cầu xin phổ độ linh hồn thế gian, Con tên là Nguyễn Thị Lan, Xác thân còn đó mà hồn tan lâu rồi!
5/ – Điệp ôi! Sau khi Điệp trở về chốn cũ thì mái nhà xưa đã vắng bóng Lan rồi…Lan cất bước ra đi mà tất dạ tơi bời…Lan biết Điệp cưới vợ chẳng qua vì nghịch cảnh, chớ nào phải phụ bạc chi Lan!
Nhưng mối tuyệt tình Lan phải đeo mang, bao thất vọng đọa đày thể xác. Lan mới mượn lời kinh kệ để mong dập tắt lửa ưu phiền.
6/ – Điệp ôi! Hôm Điệp đến thăm Lan là một buổi chiều sương lam mờ cảnh vật, Điệp ngập ngừng trước cổng nhìn thân bạn héo mòn mà lã chã lệ sầu tuôn. Điệp ôi, Lan đã cắt đứt dây chuông để Điệp quay về cùng bổn phận, có biết đâu vì không dằn được cơn cảm xúc cho nên Lan ngã gục trước sân chùa. ( – ) Khi Lan tỉnh dậy thì chỉ nghe tiếng chuông mõ công phu vang rền trên chánh điện.
Gia trung Điệp đã về rồi! Đêm đêm quỳ trước Phật đài mình Lan.


Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan đã lấy nước mắt hàng ngàn thính giả qua bài vọng cổ Lan và Điệp nầy, tiếp nối giọng ca áo nảo của danh ca Tư Sạng làm rơi lệ hàng ngàn thính giả qua các bản cổ nhạc trong bộ dĩa Hoa Rơi Cửa Phật của trong thập niên 40 của thế kỷ trước.

Tây Phương có chuyện tình để đời: Roméo và Juliette. Á Đông Trung Quốc có chuyện Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Việt Nam có chuyện tình Lan và Điệp.

Soạn giả Nguyễn Phương



Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Thời Tết Trung thu dành cho… người lớn vì đâu bị cấm?


Thời Tết Trung thu dành cho… người lớn vì đâu bị cấm?

Lê Tiên Long

Trong ‘Nhớ và ghi về Hà Nội’, Nguyễn Công Hoan kể, thời trước Tết Trung thu người lớn múa sư tử rồi đánh nhau nên Tây cấm, Tết Trung thu mới dành cho trẻ con.

Trẻ em múa sư tử chơi Tết Trung thu ở Hà Nội, năm 1928.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) tuy quê ở Văn Giang, Hưng Yên, nhưng thuở bé từng học trọ ở phố Hàng Hài (Hàng Bông ngày nay), Hà Nội, rồi theo học tại Cao đẳng sư phạm, nên rất thông thuộc những sự kiện diễn ra ở thủ đô những năm đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh những tiểu thuyết hiện thực, những truyện ngắn trào phúng, ông cũng để lại những ghi chép có giá trị lịch sử trong tập Nhớ và ghi về Hà Nội (NXB Trẻ tái bản năm 2004). Đây là cuốn sách sưu tầm những trang ông viết dành riêng để nhớ về Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, với một lượng thông tin sống động bằng những câu chữ đằm thắm và giản dị.

Qua những trang viết của ông, người đọc hậu thế mới biết không khí Tết Trung thu ở Hà Nội thời xưa với những món đồ chơi truyền thống:

“Tết Trung thu vốn không phải là tết trẻ con. Tối 14 và 15 tháng Tám, có rước rồng, rước sư tử. Các nhà chăng đèn ở ngoài cửa. Thường thì có đèn trống quân, hoặc đèn cù, là một cái khung hình vuông, phất giấy bản. Người ta thắp đèn dầu ta ở dưới, hơi nóng thành gió, làm cho cái tán ở trên quay được. Tán ấy được xếp bằng những mảnh giấy ở cái thế hứng được gió. Tán quay, làm quay cả cái vòng treo ở dưới, có dán hình người, ngựa... để ở ngoài nhìn vào, thấy những bóng ấy chạy”.
Nhà văn cũng giải nghĩa câu thành ngữ “chạy như đèn cù”, nghĩa là chạy quanh không có mục đích gì.

Nguyễn Công Hoan mô tả sự khéo léo của những người thợ thủ công Hà Nội xưa, khi làm những chiếc đèn cù (đèn kéo quân) rất sinh động:
“Rồi nhiều người (bác Cả Thạch, nhà ở số 19 phố Hàng Gai) có sáng kiến, không làm cái vòng quay, mà buộc bằng tóc vào những mảnh hình người, làm cho tán quay, thì người cử động được.
Ví dụ cô tiên hái hoa, hai vợ chồng hái dừa, chồng hái dừa vợ hứng bằng váy, hai ông tướng đánh nhau... Cái cán tán phải chấp bằng từng đoạn theo đường gấp, chứ không thẳng. Phải tính toán rất tỉ mỉ”.
Đặc biệt, ông cho độc giả biết về chuyện khá bất ngờ với lớp trẻ ngày nay, về việc thời xưa, Tết Trung thu vốn dành cho người lớn, cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp cấm:
“Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo. Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. Rồi tụi du côn ở ngõ Sầm Công (phố Đào Duy Từ ngày nay) thù nhau với tụi du côn ở ngõ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến Tết Trung thu, đi múa sư tử, thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẵn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành Tết trẻ con”.

Do sống ở phố Hàng Bông, nên nhà văn rất thông thuộc những gì diễn ra ở xung quanh, khắp khu vực phố cổ. Qua ghi chép của ông, ta mới biết thời những năm 20 của thế kỷ trước, phố Hàng Gai là nơi tập trung bán đồ chơi Trung thu.

“Phố Hàng Gai, cứ sắp Tết Trung thu, thì biến thành phố bán đầu sư tử, đèn, và các đồ giấy chơi Tết”,
ông miêu tả và cũng đưa ra một thắc mắc chưa có lời giải đáp:
“Nhưng cũng chỉ bán ở bên số lẻ, và vào quãng từ giữa phố đến cuối phố. Bên số chẵn thì không. Không rõ vì lí do gì”.

Lê Tiên Long


Các hàng bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội xưa.



Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Nguyễn Công Hoan: Chân dung một bậc thầy châm biếm, đả kích


Nguyễn Công Hoan: Chân dung một bậc thầy châm biếm, đả kích

Theo VĂN HỌC QUÊ NHÀ

Khi nói về Nguyễn Công Hoan là người ta nghĩ ngay đến một bậc thầy chuyên viết truyện ngắn châm biếm, đả kích bọn thực dân cuớp nước và bè lũ quan lại phong kiến tay sai, cùng những thói hư tật xấu của những kẻ thích đua đòi, “trưởng giả học làm sang”, nhưng thực chất thiếu hiểu biết về nguồn cội văn hóa Việt. Thế nhưng, khi nhà chức trách hỏi về học vấn để bổ sung vào hồ sơ, lý lịch, ông nhận mình là người chỉ đọc thông, viết thạo (!?)


Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

CẢ CUỘC ĐỜI, NGUYỄN CÔNG HOAN CHỦ TRƯƠNG 'GIỮ MÌNH' CHO 'THUẦN VIỆT'


CẢ CUỘC ĐỜI, NGUYỄN CÔNG HOAN CHỦ TRƯƠNG 'GIỮ MÌNH' CHO 'THUẦN VIỆT'

Sách Văn học Đinh Tị

Có lần Nguyễn Công Hoan đã tự nhận rằng mình không biết làm văn tả cảnh. Lý do thì thật đơn giản, ấy là ông không thấy ở thiên nhiên có gì đẹp. Đối với con người, ông càng khó tìm thấy vẻ đẹp ở họ hơn. Trong văn của Nguyễn Công Hoan, hầu như người ta chẳng tìm được một nhân vật đẹp mà chỉ cần nhắc đến tên là có thể nằm lòng tác phẩm nhân vật ấy xuất hiện. Giống như Chí Phèo của Nam Cao, hay Xuân Tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, chị Dậu của Ngô Tất Tố.

Nguyễn Công Hoan cầm bút từ rất sớm, khi chỉ mới 17 tuổi. Sự nghiệp văn chương trước năm 1945 có phần thành đạt hơn, tươi sáng hơn so với sau năm 1945, khi mà lớp nhà văn trẻ khi ấy như Nguyễn Tuân, Tô Hoài đang nở rực rỡ. Dù không đọc được hết các tác phẩm mới ấy, nhưng Nguyễn Công Hoan vẫn mạnh bạo nhận xét rằng “Truyện ngắn sau Cách mạng tháng Tám hay hơn truyện ngắn thời trước rất nhiều”.

Văn chương Nguyễn Công Hoan là thứ văn bám chặt với đời sống và nhìn thẳng vào các vấn đề của xã hội đương thời. Ông có biệt tài quan sát và đưa vào tác phẩm của mình đời sống của dân nghèo thành thị. Ông che chở, bênh vực, rồi nói hộ tiếng lòng và khát vọng cuộc đời của họ. Vậy nên người ta mới ca ngợi Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán, một nhà văn bậc thầy về truyện ngắn và nghệ thuật trào phúng.

Nguyễn Công Hoan đã sớm tính chuyện viết hồi ký. Cần phải biết rằng suốt thời trung đại, văn học Việt Nam không có hồi ký. Mà ngay trong thế kỷ 20, cả nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ cũng không mấy ai tính chuyện động bút trọng thể loại này. Nhưng Nguyễn Công Hoan thì khác, có lần ông đã tâm sự với Tô Hoài rằng, có một loại truyện dài mà khi viết ra sẽ dài vô tận, ấy là truyện nhớ gì ghi nấy.


Có thể coi Nguyễn Công Hoan là một người ghi chép phong tục. Ông muốn ghi lại cho lớp sau biết những gì mình đã từng trải, những mắt thấy tai nghe từ lúc mất nước đến lúc độc lập có bao nhiêu chuyện phong phú. Nhà văn đã tự gọi “Bước đường cùng” đơn giản chỉ là một tiểu thuyết phong tục, chẳng qua thao nhiều chuyện sinh hoạt ở nông thôn như chuyện sinh đẻ, chuyện cãi nhau vì mất gà đến cảnh vay nợ, ăn khao,... mà đưa vào trong sách. Chính vì ghi chép lại phong tục nên văn của ông mới không có một nhân vật nào được coi là đẹp, là tiêu biểu.

Cả đời, Nguyễn Công Hoan chủ trương “giữ mình” cho “thuần Việt”. Ông không bị ảnh hưởng nhiều bởi trường học của Pháp hay sách báo nước ngoài. Ông phê phán những người viết truyện nhưng chẳng phải truyện Việt Nam, từ tâm lý đến ngôn ngữ nhân vật đều giống truyện nước ngoài, xa rời độc giả, xa rời thực tế Việt Nam.

Có thể hiện thời, quan điểm đọc sách và cách chọn sách đọc của Nguyễn Công Hoan chỉ đúng với riêng ông, và không phù hợp với xu thế chung, nhưng có một điều chắc chắn là, suốt một đời vất vả sáng tạo, Nguyễn Công Hoan đã dâng hiến cho bạn đọc những tác phẩm thấm đẫm phong vị và cốt cách con người Việt Nam.



Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

"Nhà văn hiện đại - Quyển 5": Nguyễn Công Hoan (Vũ Ngọc Phan)


Nhà văn hiện đại- Quyển 5

Nguyễn Công Hoan

Tác giả: Vũ Ngọc Phan
NXB: Thăng Long
Năm: 1960
Ngôn Ngữ: Tiếng Việt
Định dạng: pdf
Quyển 5
Tiểu thuyết tả chân
Nguyễn Công Hoan

Trang 22-48/236 (1051-1077)


Quyển 1

Quyển 2

Quyển 3

Quyển 4




Một cuộc gặp gỡ


Một cuộc gặp gỡ

Nhà văn Lê Minh

Phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ cùng gia đình cụ Đạo (Chu Lễ - Hà Tĩnh) trên đường từ chiến khu Việt Bắc vào Nam Bộ (đồng chí Lê Đức Thọ - người đứng thứ hai từ trái sang)



- Số mình chỉ được ở nhà hướng Tây.

Cha tôi[1][1] Nhà văn Nguyễn Công Hoan. thường nói như một lời vỗ về, mỗi khi nửa đêm nóng quá tôi giẫy đạp lục xục trong giường và cuối cùng cha tôi phải buông bút bế tôi ra vại nước. Cơn nóng dịu xuống lúc về sáng.

Căn nhà gác nhỏ số 7, có cầu thang đi riêng xuống cửa mở thẳng ra hè đường, rất giống một loạt nhà trong cùng dãy, đều thuê của Cha xứ đạo. Nhà trông thẳng hướng mặt trời chiều, gay gắt nắng lửa.

Chợ Rồng về chiều càng lao xao tấp nập người và hàng, đồ biển từ các huyện đánh bắt được theo xe khách lúc này mới gồng gánh đổ vào chợ tỉnh... Mùi tôm tép, cá, rạm tanh mặn ươn nồng vì một ngày chịu nắng. Đến nỗi buổi chiều tối nhìn vào nhà chợ, trong ánh đèn mờ ảo chỉ còn thấy trỏng trơ những bàn sạp, những cọc lều, những lá rác nhưng cái mùi chợ kia thì vẫn dai dẳng bốc lên nồng nặc thấm ướp suốt một dãy nhà trông xuống chợ Rồng. Bên kia nhà chợ cách một con đường lớn là nhà chợ vải và hoa quả, ngược lại, sáng sủa, khô ráo, bước vào đã thơm ngát như đâu đây có hoa ngâu, hoa huệ. Hương chuối ngự chỉ riêng chợ Rồng mới có, sao mà ngọt ngào, sao mà thanh khiết. Nhà phía bên ấy thuê đắt tiền hơn.

Một người khách lạ đến thăm cha tôi. Ông không phải là thầy giáo, vì không thấy nói gì chuyện lớp học. Cũng không phải là người trong họ Xuân Cầu ra, vì nếu thế mẹ tôi đã biết. Nhưng thân thiết mức nào mà khi người khách ra về rồi, cha mẹ tôi không hết thầm thì vui vẻ. Trong câu chuyện của hai người thường nhắc một tên họ rất lạ. Cũng cái tên họ ấy, tôi nghe mẹ đọc trên chiếc phong bì thư cha tôi sắp đem gửi. Cũng cái tên họ ấy, mỗi lần ông khách tới thăm, trong câu chuyện của hai người thường nhắc đến. Rồi một hôm, bà nội tôi từ quê xuống. Trong những toan tính của người lớn tôi chắp nhặt được, cộng với trí tưởng tượng của trẻ thơ, tôi hiểu rằng người chú ruột của tôi đi biệt tích từ khi tôi chưa có mặt trên đời này, mà cả nhà ai cũng nhắc trong những ngày đoàn tụ để xót thương, sắp trở về đến nhà. Người khách đã cho tôi tưởng tượng ra như vậy. Người khách đã bày cách cho cha tôi làm đơn và bà nội tôi điểm chỉ. Đơn gửi Mặt trận Bình dân Pháp đề nghị can thiệp cho chú được phóng thích. Chú đã mang một tên họ khác để không ai đoán nhận được tông tích: Phạm Văn Khương[2][2] Tức Lê Văn Lương. , số tù 6214, đảo Côn Lôn. Người khách cũng mới từ đảo Côn Lôn trở về. Cha tôi gọi ông theo cách xưng hô thân mật: Anh Khải[3][3] Tức Lê Đức Thọ. . "Anh Khải" người dong dỏng cao, cao hơn cha tôi, nhưng trẻ hơn cha tôi nhiều. Té ra "anh Khải" cũng người tỉnh này, nhà ở bên kia Đò Quan, lại là anh ruột anh Đống[4][4] Tức Mai Chí Thọ. , học trò của cha tôi và học cùng lớp với chú Bông tôi. Đều đã là người thân trong nhà cả.

"Anh Khải" vẫn đến với cha tôi và bao giờ cha cũng sai tôi những việc lấy thuốc lá, lấy trà, mặc dù tôi còn rất bé. Đó chứng tỏ một niềm vui của cha tôi, điều cha tôi quý khách. Câu chuyện giữa hai người nghiêm trang, đôi lúc xúc động, và lần nào cũng vậy, sau khi tiễn khách ra về, cha tôi ngồi vào bàn, điếu thuốc lá trên tay, cha tôi nhìn đi đâu, đang nghĩ gì? Chắc là người chú ruột biệt tích của tôi đã lên tàu thủy và sắp về đến nhà rồi. Bao nhiêu tưởng tượng hân hoan nảy nở trong óc tôi về giây phút đầu tiên chú hiện ra trước ô cửa kia, với cái đầu húi trọc, với cái áo trắng đính số tù trước ngực. Chắc chắn bà nội tôi sẽ bật khóc òa nức nở.

Cha tôi cặm cụi trước bàn. Gần như không đứng dậy. Gần như không biết gì xảy ra xung quanh. Khói thuốc lá mù mịt trong phòng đến nỗi mẹ tôi kêu lên vì ngạt. Chỉ có tôi được mon men đến gần, gọi cha đi ăn cơm, giục cha đứng dậy nghỉ. Nhưng cha chỉ thả tay xuống xoa đầu tôi:

- Con ngoan, đi chơi đã,

Tiếng ngòi bút loạt xoạt ngày đêm trên trang giấy. Liền trong nửa tháng, một cánh tay cha tôi bại đi nhức nhối.

- Sao thế, cha đau lắm ư?

Cha tôi cười:

- Con đấm đúng chỗ này này. Thế, thế. Hết đau rồi.

Cái quả đấm nhỏ xíu chỉ bằng quả ổi của tôi làm cho cha tôi buồn buồn và bật lên tiếng cười.

- Cha ơi, có khách.

Tiếng chuông đồng rung leng keng. Cha tôi xuống gác. Và người khách vụt bước vào.

Một thất vọng lớn cho tuổi thơ của tôi, không có chuyện ân xá nữa. Người lớn nói với nhau như thế sau khi khách ra về. Tất cả đổ vỡ. Những người cộng sản bị bắt trở lại rồi, hoặc sẽ bị đày đi căng. Cuốn tiểu thuyết cha tôi mới cho ra đời liền bị cấm. Cha tôi phải thi hành lệnh rời khỏi Nam Định tức khắc.

Chẳng thể bao giờ ngờ được, ít lâu sau, chính bà nội tôi đã tay nải lên đường lặn lội đến tận căng Bá Vân để thăm những người bạn con mình đã bị bắt trở lại. Lúc về, bà cầm thư đi phân phát đến từng gia đình cho anh em, mà suốt thời gian ở quây quần trên căng, anh em đã gọi bà bằng cái tên thiêng liêng, đầm ấm: Mẹ.

Ngày nay nghĩ lại tôi vẫn sửng sốt. Ngay từ những ngày xa xưa ấy trong xã hội Việt Nam đã ngấm ngầm nảy sinh một quan hệ ruột thịt giữa người với người, mối quan hệ không bắt đầu từ một dòng máu, hoặc từ đồng tiền và địa vị như mô hình xã hội đương thời. Đã là tù thì còn có địa vị gì nữa. Nhưng một sự thức dậy đột ngột đã làm cho bà tôi nhận biết, có mối hòa hợp tự đáy lòng mình với lý tưởng của con, bà tôn trọng và từ đó kính phục cuộc đời hy sinh của tất cả các bạn con. Bất chấp bọn mật thám đương theo dõi và triệt hạ gia đình mình, bà đã làm một việc mà xã hội ngày ấy người ta cho là dại dột. Những người tiếp tục đến tụ hội ở nhà với chú Bông tôi, bà che chở. Bà thường nhắc hỏi về "anh Khải". Như xưa kia "anh Khải" đã mang bóng dáng người con trai mất tích của bà đương ở tù chung thân ngoài đảo Côn Lôn, bóng dáng người cháu kêu bà bằng dì ruột là anh Tô Hiệu, mà "anh Khải" cũng rất thân ngoài Côn Đảo, sau này đã chết trong Nhà ngục Sơn La.

Sự kiện Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền và ở Đông Dương, nhiều chính trị phạm được ra khỏi các nhà lao về địa phương gây phong trào, "anh Khải" được trở về Nam Định, đã tạo nên những vang động sâu xa trong lòng mỗi người thuộc gia đình chúng tôi như thế.

Một đoạn trong Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan): "Từ khi tôi được theo dõi các cuộc đình công của công nhân đòi quyền lợi kinh tế và chính trị, các cuộc điều tra của Chính phủ bình dân, phái đoàn Gôđa, Vian sang Đông Dương, từ khi tôi thích đọc các sách báo của Mặt trận dân chủ thì tôi bắt đầu yêu công nhân. Tôi tìm hiểu anh em thợ thuyền Nhà máy sợi và Nhà máy tơ. Tôi xin gia nhập chi nhánh Pháp của Đảng công nhân quốc tế SFIO tức Đảng Xã hội Pháp và dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động năm 1938, tôi được cử vào ban trật tự trong cuộc biểu tình lớn ngày 1-5 tại khu Đấu Xảo Hà Nội".
"Càng gần gũi anh em chính trị phạm cũ, nhất là anh Phan Đình Khải hay đến chơi với tôi, tôi càng hiểu chủ nghĩa cộng sản là nhân đạo, và đấu tranh giai cấp chính là đấu tranh giải phóng cho đất nước, cho quảng đại nhân dân".

"Nhưng mặt khác, tôi càng hiểu cộng sản, càng yêu cộng sản, thì bọn cầm quyền ở Nam Định cũng càng hiểu tôi và càng không yêu tôi. Chúng cho tôi là người cộng sản trá hình, là đảng viên Đảng Xã hội để hoạt động công khai.

"Tôi là "một tay cộng sản nguy hiểm, cần tống ra khỏi nơi tập trung thợ thuyền này" (nguyên văn hồ sơ bí mật ở Sở Mật thám). Cho nên Nha học chính Bắc Kỳ, theo lệnh của thống sứ, đuổi tôi ra một hòn đảo xa xôi, hẻo lánh là đảo Trà Cổ. Nghị định thuyên chuyển ký trước ngày nghỉ hè mấy hôm, bắt tôi rời khỏi Nam Định lập tức".

"Thì ừ, ông cộng sản cho mày xem". Suốt nghỉ hè, tôi ngồi lỳ tại Nam Định. Tôi viết cuốn Bước đường cùng, một truyện dài về nông dân, để trang trải món nợ lòng đối với anh em cộng sản ở Nam Định. Cái "sự kiện vùng dậy" của anh Pha chưa đúng với thực tế hồi bấy giờ, nhưng cuối cùng tôi cứ cho anh nông dân vùng dậy. Đó là vì tôi đã chịu ảnh hưởng trong các sách báo cộng sản hồi bấy giờ".

*
* *

Anh Khải thật hồ hởi khi nhắc một kỷ niệm sâu sắc trong đời anh khi tôi hỏi chuyện anh. "Làm sao mà tôi quen biết anh Hoan ư? Chính là vì có Khương. Tôi ra Côn Đảo trước Khương".

Anh kể tiếp: "Đoàn 89 tù cộng sản vừa dự phiên tòa đại hình đặc biệt mở tại Sài Gòn, ngày 14-5-1939 ra đến đảo, đã gây một chấn động lớn trong anh em. Đoàn tù có mấy anh án chém được Quốc tế đỏ can thiệp hạ xuống chung thân. Tôi ở cùng banh với Khương, một trong những người tù án chém ngày đó, nhưng ở khác khám. Phải nói rằng, anh em ai cũng quý Khương. Riêng tôi, rất phục tinh thần dũng cảm của anh. Khương là một tấm gương về sự hy sinh. Con người của anh công tâm, giản dị, ăn ở với ai cũng có tình, con người tốt lắm. Sống với ai cũng được người ta thương. Hai đứa tôi thân nhau. Năm 1936 Mặt trận Bình dân lên, tôi được phóng thích. Tôi hỏi Khương: Gia đình mày còn ai không? Lần này về tao sẽ đi tìm. Từ khi bỏ nhà vào Sài Gòn hoạt động, Khương giấu biệt tông tích để khỏi lụy đến gia đình. Anh ruột của Khương là anh Nguyễn Công Hoan đang dạy học ở Nam Định. Nam Định lại chính quê tôi.

Được Đảng phân công hoạt động công khai và trực tiếp ở tỉnh nhà, tôi liên lạc với anh Hoạt tức Trần Bảo, lúc ấy là Xứ uỷ viên phụ trách Nam Định, Thái Bình. Rồi qua Đống, em trai tôi, bạn học với Nguyễn Công Bông là em út của Khương; hai cậu này cũng rất thân nhau. Thế là tôi bắt liên lạc với Bông và đến anh Hoan. Tôi kể với anh những chuyện về Khương. Tôi nhận xét anh Hoan là người điềm đạm, nói năng chắc chắn, anh là người đã được giác ngộ cách mạng.

Tôi đến anh Hoan luôn, ở căn gác số 7 phố chợ Rồng. Anh hỏi tôi nhiều về phong trào công nhân, về tình hình các nhà tù Côn Đảo, Sơn La, về tình hình công nhân máy sợi, máy tơ, công nhân ngoài mỏ. Tôi đã chuyển nhiều báo chí đến cho anh đọc. Tôi bàn với anh Hoạt tìm mọi cách giúp anh Hoan tiếp xúc được rộng rãi với công nhân. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, anh đã giác ngộ, cần để anh hiểu về chủ nghĩa cộng sản. Hoàn cảnh anh không đi hoạt động thoát ly được thì tham gia phong trào công khai. Còn tôi giới thiệu Bông để anh Hoạt tổ chức hoạt động bí mật và đưa vào Đảng.

- Có phải vì anh là người thích thơ phú nên ngày ấy đã gắn bó với anh Hoan?

- Hoàn toàn không phải thế. Hoạt động bí mật nên phải dựa vào gia đình các đồng chí, đó là nơi tin cậy. Tôi không hề nghĩ rằng gặp anh Hoan để ảnh hưởng gì đến bước đường viết văn của anh Hoan.

- Vậy anh có đọc Bước đường cùng chứ?.

- Có. Tôi đọc ngay từ ngày ấy. Các tư liệu giúp anh Hoan hiểu về đời sống công nhân, một phần là do tôi đưa đến. Sau này trong kháng chiến chống Pháp, đôi lần tôi cũng gặp anh Hoan, vẫn như xưa, vui vẻ, tin cậy và thân tình. Song chỉ một thời gian ngắn tôi đã chuyển công tác vào mặt trận miền Nam, rồi sau này khi anh Hoan mất, tôi ở mặt trận Tây Nam. Rất tiếc là không được gặp anh lần cuối cùng. Nhưng trước sau như một, tôi rất quý trọng anh. Chính vì hồi ấy mật thám theo dõi tôi, biết tôi thường đến anh Hoan, nên tên anh đã vào sổ đen của Sở Mật thám. Anh Hoan có nói đến một bước chuyển quan trọng trong đời viết văn của anh thời kỳ Mặt trận Bình dân, và nhắc đến tên tôi. Nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là một phần, còn là do ảnh hưởng của cao trào cách mạng và do anh Hoan đã tự hào về nhân cách người em ruột, người ấy là bạn tù rất thân của tôi...

Quả thật tôi đã bàng hoàng trước câu chuyện giản dị trên đây khi được nghe kể lại: Một cao trào cách mạng. Những nhân cách cộng sản. Thôi thúc một tấm lòng yêu nước. Cuộc gặp gỡ giữa cao trào chính trị với nhà văn trong tình huống cách mạng hết sức đặc biệt ấy, đã tạo nên những rung động ngân vang trên những trang viết.

Hành động "vùng dậy" của nông dân Pha trong Bước đường cùng; hành động phản kháng đến cùng của Sáng, chị phu mỏ; nhân vật Pha trở thành công nhân hầm lò, đứng trong tổ chức của giai cấp, đấu tranh quyết liệt chống bọn bóc lột cường quyền, đề cương chi tiết đã hoàn thành của cuốn tiểu thuyết tiếp theo: Bước đường ngoặt. Tất cả đã chứng minh một sự kiện vượt mình, một biến động lớn trong chọn lựa nhân vật, trong quyết định số phận nhân vật, trong khuynh hướng phát triển tiểu thuyết: Nhà văn dám dấn thân và sức sáng tạo bật dậy.

Lịch sử văn học Việt Nam cho đến hôm nay có lẽ cũng mới chỉ có một cuộc gặp gỡ này, một nhà văn với cao trào cách mạng, trong một tình huống đặc biệt của cách mạng. Cuộc gặp tự nhiên như con sông nhỏ hòa vào trong con sông lớn tan trong nhau ở khúc chảy xiết.

Cái đẹp đến, chẳng bao giờ cần sự sắp đặt.

Cái đẹp xuất hiện, không bao giờ tuân theo ý định có trước chủ quan...

Cái đẹp bình dị chỉ nảy sinh trong sự chân thành của tấm lòng. Chính vì lẽ đó, mối tình đã long lanh tồn tại. Căn nhà nhỏ số 7 nhìn xuống chợ Rồng, trở thành nơi chứng kiến.



-------------------------------
[1]. Nhà văn Nguyễn Công Hoan.
[2]. Tức Lê Văn Lương.
[3]. Tức Lê Đức Thọ.
[4]. Tức Mai Chí Thọ.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011



Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

Tôi mới thấy bà



Minh họa: Kênh Truyện Xưa

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Thái Hoàng Phi


Mời đọc Bản đánh máy

Tôi mới thấy bà

Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan


Cái ngày mà ông ấy bắt được quả tang bà ấy “nói chuyện” với trai ngay ở trong buồng đến nỗi hai người đánh nhau một trận ra tuồng mà bà con ta xúm đông xúm đỏ ở trước cửa để xem, thì ai tưởng đâu có ngày nay, ông bà ấy lại hòa hợp vui vẻ được nhỉ!

Hẳn cũng chửa ai quên được cái câu đau đớn mà bà ấy mỉa chồng. Phải bà ấy gọi lũ con nhỏ ra đứng trước mặt, rồi trợn mắt, nghiến răng ken két, chỉ tay và nói:

- Đừng hợm! Tưởng cái mặt ấy mà đẻ nổi những con như thế này phải không?

Ấy mới nguy! Thế ra thằng Lê, con Lý, thằng Đào là con ai kia đấy! Trong khi quá giận, bà ấy đã vô tình công khai cái lý lịch hay ho!

Khốn nạn, lũ trẻ con chẳng hiểu chuyện gì, chúng nó thấy ba và má cãi nhau, thì sợ hãi, rồi dần dần, lần ra sau nhà đánh đáo.

Mà khốn nạn hơn nữa là lúc ông ấy được nghe câu nói ấy. Thật chẳng khác gì là bị tiếng sét đánh ngang tai. Ông ấy rú lên một tiếng, rồi gục đầu xuống bàn hu hu khóc.

Thật là một sự ông ấy chẳng ngờ. Mà bà con ta cũng chẳng ai dám ngờ là lũ con ấy chẳng phải ông có công đúc cốt. Phải, đèn nhà ai nhà nấy rạng, chứ ai rỗi hơi mà xem xét đến những cái không quan hệ đến mình. Ta có biết gia đình ấy, thì họa chăng từ khi ông ấy bổ về tỉnh nhà, ta chỉ biết ông ấy khinh người bằng nửa con mắt, bà ấy hợm hợm chảy ra mà thôi. Chứ còn cái thằng Lê, con Lý, thằng Đào, với cái hạnh kiểm đáng phục của bà ấy, thì không mồm bà ấy phun ra, có họa thiên lôi biết!

Mà thật, những đứa bé con nhà ông ấy đứa nào cũng phốp pháp, mũm mĩm, tươi tỉnh, thật trái với ông ấy, đã gầy như cái que, mà mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, nhăn nhó như cái thằng đau bụng. Nhưng ta có thể tưởng là những đứa trẻ ấy giống máu mẹ, vì bà ấy là một “con bò cái chắc chắn” béo nùng nục, nhất là đôi môi, vừa ướt vừa dầy. Gia dĩ bà ấy đẹp, và thích trẻ. Năm ấy đến bốn mươi tuổi đầu rồi chứ còn ít gì, thế mà vẫn còn làm đỏm như cô con gái thèm chồng. Thấy người ta quần trắng, bà cũng quần trắng, thấy người ta rẽ bên, bà cũng rẽ bên. Nhưng, lạy thánh […] chứ khi bà ấy ăn mặc, đánh phấn […] thì ngay ngoan ngoãn như tôi đây, cũng phải trố mắt, ngây người mà nhìn và nuốt nước dãi. Đẹp thật!

Nhưng mà ông ấy có kém vẻ tân thời chút nào đâu? Bà rẽ lệch thì ông cũng rẽ lệch. Bà áo xa-tanh xúp dài gần tới mắt cá, thì ông cũng áo xa-tanh xúp dài xuống đến bắp chân. Bà quần trắng thì ông cũng quần trắng. Thua gì? Mà ông lại còn tiến hơn bà một bậc, là ông để răng trắng và có cả áo ba-đờ-xuy nữa. Thế thì bà không cảm ông, thì cảm ai?

Nhưng than ôi! Ông ấy cũng tân thời lắm đấy, nhưng không phải! Những hàm răng trắng, những đầu rẽ lệch, những quần trắng, những áo thướt tha dài, mà ở đàn bà, thì nó thành ưa nhìn, chứ mà đàn ông chúng ta, nhất là hạng thiếu niên ta, sống trong thể kỷ thứ hai mươi này, mà còn giữ mãi bộ áo quần quốc túy, thì ăm thưa gì? Có khi mặc thế mà đi hỏi vợ, thì Cẩm tha phạt cho đã là tốt phúc đấy!

Đối với những bà vợ ấy, thì ông chồng phải béo, tốt, khỏe, đẹp, vui vẻ, trung thành, vân vân, vân vân, mà bề ngoài phải mặc quần áo tây đầu chải thật bóng, râu ria cạo cho nhẵn thín, lúc nào cũng phải có cặp kính đồi mồi nó nhong ếp trên sống mũi. Nghĩa là vừa có vẻ hung hồn, vừa ra nhà học giả. Chứ mà lủn củn lùn cùn như ông ấy thế kia thì “về”!

Bởi vậy chẳng được chồng béo, tốt, khỏe, đẹp, vui vẻ, trung thành, mà đến cả cái vân vân vân vân, cũng chẳng có, nên chắc rằng bà phải sưu tập một vài người chồng dự khuyết, để khi ông có việc đi vắng nhà là bà cho mời đến đánh tổ tôm, hút trứng la-coóc, rồi vô phép ông Tơ!

Ờ! Thế mà tài thật! Những cuộc ái tình vụng trộm ấy có phải nó đi không để lại dấu vết đâu mà anh chồng không biết nhỉ! Kìa! Thằng Lê, con Lý, thằng Đào, là ba cái chứng cớ; trước kia, chúng nó chửa ra đời, thì bà ấy còn giấu giếm ở tận đáy lòng, nhưng một ngày bụng dạ bà ấy một rõ rệt ra, rồi mà có lẽ vì ông vẫn không ngờ vực vợ, nên tức mình, chúng nó mới dần dần rủ nhau chui tọt cả ra ngoài cho ông xem để ông hiểu!

Nhưng vì ông không hiểu: cái nghĩa bóng của sự đẻ con, nên ông yêu chúng nó hết sức, và khi thấy vợ diếc móc mình không đẻ nổi lũ con như thế, ông mới như nghe tiếng sét đánh ngang tai!

Rồi cũng vì câu nói đó, mà ông làm đơn xin ly dị vợ, và trong khi đợi tòa xử, ông còn ốm, ốm đến mấy tháng, tưởng chẳng còn sống được đến ngày nay.

Thương hại quá! Ngày ấy ông ốm có mỗi một mình, chẳng có ai trông nôm săn sóc cho cả, vì vợ ông, chẳng đợi gì pháp luật, ngay sau khi mắng chồng câu ấy, bà quát con Sen xếp va ly quần áo để ra ga, về Hà Nội. Trước khi lên xe, bà vẫn còn giận lắm, bà nhìn ông thổn thức, bà cười gằn, rồi nguýt một cái đến dài và nói:

- Để bà xem đứa nào cần đứa nào!

*

Rồi chẳng biết tòa không chiều ý ông, hay đứa nào cần đứa nào, mà sau ta lại thấy bà xách va ly cùng về với ông, hai người vui vẻ hòa hợp ở với nhau, thân mật như đôi tình nhân còn đương kỳ thề sống thề chết về danh dự.

Trông về ngoài gia đình ấy, đố ai không biết mà đoán được rằng nó đã có lần xuýt nữa thì tan nát, vợ một nơi, chồng một nẻo, mấy đứa con thì đầu đường xó chợ bơ vơ.


*

Nhưng trời già thật độc địa! Giữa cái lúc vợ chồng người ta đương hưởng cái lạc thú, đêm đềm của cảnh gia đình, thì ông Xanh đem ngay một cái tai vạ tầy đình đến. Ông ấy bị bắt quả tang làm một việc phi pháp.

Thôi hỏng! Phen này không tù cũng mất chức. Mất chức thì túng! Túng thì đói! Đói thì khổ to! Ấy thế mà còn tù thì, trời ơi! Mất vợ, mất con, mất cả cái để khói hương sau lúc chết!

Nghĩ đến tương lai, ông lo, ông hối hận, ông khóc lóc, rồi phát sốt phát rét, rên khừ khừ!

Suốt mấy ngày đêm, ông không ăn, không ngủ, ông nằm dí trên giường, như người ốm đợi chết đến nỗi bà phải gắt:

- Thì ông cũng phải dậy mà bàn tính công việc,, chứ chịu chết à?

Ông gượng ngồi, nhưng không đủ sức để dựng nổi cái lưng còm rỏm, ông bèn mặc kệ nó rơi lả xuống giường, rồi nhắm mắt, nói như mê sảng:

- Thôi, tội sờ sờ ra đó, còn làm gì được nữa.

Bà đập tay xuống bàn, cau mặt:

- Đàn ông mà hèn thế! Mới có thế đã hết vía lên rồi!

Rưng rưng nước mắt, ông run rẩy, đưa tay ra để nắm tay vợ và nói:

- Bà có nghĩ hội tôi cách nào không!

Bà ngắm chồng mà thở dài. Bà lắc đầu chép miệng, rồi tiến lại gần hơn, dịu dàng nói:

- Nếu ông cứ mặc tôi để tôi lo lắng, thì mười phần có thể chắc được chín rưỡi.

Mở choàng mắt ra, ông ngồi nhổm dậy ngơ ngác nhìn như tìm vị phúc tinh, rồi ngạc nhiên, hỏi vợ:

- Bà vừa nói gì?

- Nếu ông cứ mặc tôi để tôi lo lắng, thì mười phần có thể chắc được chín rưỡi.

Ông mừng rỡ, trợn mắt rõ to để chòng chọc nhìn vợ:

- Bà nói thật?

Bà quả quyết, gật đầu:

- Tôi chắc thế.

Ông nắm chặt tay bà, năn nỉ:

- Thế thì phúc nhà ta còn vượng. Sao bà không bảo ngay từ hôm nọ?

- Nhưng biết ông có bằng lòng giao cho tôi việc này không?

Gật lấy gật để, ông run run đáp:

- Sao không bằng lòng? Không bằng lòng để mà chết à?


*

Cuối năm ấy, một hôm, người ta thấy ông ngồi bên cạnh vợ bế đứa con mới đẻ.

Nhưng các ngài đừng tưởng gia đình nhà ông đã trải qua cuộc tang thương đâu nhé. Này vẫn hoành phi, câu đối, này vẫn sập gụ, tủ gương, bao nhiêu vẻ choáng lộn, bao nhiêu vẻ đài các ngày trước hiện nay vẫn còn, mà thằng Lê, con Lý, thằng Đào bây giờ chiều chiều lại nhảy lên ô tô cho anh Tài vận đi về vùng nhà quê đổi không khí. Nghĩa là không có cái gì mất mát cả, mà ông bà ấy nhờ trời còn thêm được mụn con trai.

Ông ấy bế con, âu yếm, hôn hít bộ tóc vàng như tơ của nó, rồi nhìn vợ. Bà mỉm cười, khép lại cái ấp cho kín bụng thằng bé.

Bỗng ra vẻ nghĩ ngợi điều chi, ông ngậm ngùi thởi dài, rồi trông trộm vợ. Ngạc nhiên, bà hỏi một cách âu yếm:

- Ông có điều gì nghĩ ngợi?

Vẫn chưa thấy chồng trả lời, bà véo von ngâm:

- Đẻ ra, con thiếp, con chàng, con ai?

Ông mỉm cười, lắc đầu:

- Không phải, tại tôi nghĩ hối hận cái ngày dại dột làm giấy ra tòa độ trước!

Bà lườm yêu ông rồi mỉm cười.

Ông cũng mìm cười, hôn tóc, rồi nắm chặt tay vợ, gật gù đáp:

- Thoát được cái nạn năm ngoái, tôi mới thấy bà là có giá trị thật!




NGUYỄN CÔNG HOAN
(Tác phẩm đăng trên báo Ích Hữu)
No 1 (25 Février 1936 - 5 xu)

© 2012 Blog NXB Tân Dân





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000


Tham khảo: Các bài viết liên quan

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Từ James Joyce đến Nguyễn Công Hoan: Lịch sử của thị dân


Từ James Joyce đến Nguyễn Công Hoan:
Lịch sử của thị dân

Hiền Trang

Thành phố có trước hay người thành phố có trước? Nếu xét về bình diện ngôn ngữ, thì từ “city” – thành phố - trong tiếng Anh bắt nguồn từ civitas trong tiếng Latinh, mà civis nghĩa là công dân. Còn trong vở “Coriolanus”, William Shakespeare cũng viết: “- Thành phố là gì, nếu không phải con người? - Phải, con người chính là thành phố.” Vậy tức là có thị dân rồi mới có thị thành.

James Joyce đã ký thác lại một Dublin u mang qua 15 câu chuyện mà xếp riêng truyện nào ra cũng có thể đặt vào hàng kiệt tác



Thành phố, quả vậy, không tạo nên nhờ những đại đế giễu võ giương oai hay những triết gia siêu phàm mẫn tiệp, thành phố là một không gian hình thành nhờ những thói quen của những người thị dân bình thường, thậm chí tầm thường, bé mọn, khốn cùng. Lịch sử đô thị cũng không bao giờ là một lịch sử đơn tính. Nó luôn là một tập hợp những mẩu chuyện từ rất nhiều người, rất nhiều những kẻ đã sinh ra, đã sống, đã chết. Và có lẽ bởi thế chăng, mà những văn sĩ khi muốn bắt lấy cái linh hồn của một thành phố, thì thường lấy truyện ngắn, rất nhiều truyện ngắn, làm phương tiện biểu đạt?

Jan Neruda đã làm sống dậy một Prague nhộn nhạo qua tập truyện ngắn “Những câu chyện về khu phố nhỏ ven sông” (tên gốc “Povídky malostranské”). Alberto Moravia cũng nhờ 60 truyện ngắn trong tập “Racconti romani” (Những câu chuyện thành Rome) mà lột tả được khí sắc thành Rome thời hậu chiến. Aziz Nesin sẽ mãi mãi là “chú bé thành Istanbul” nhờ hàng ngàn lát cắt cười ra nước mắt về đời sống thành phố giữa hai bờ lục địa. Và đại văn hào vĩ đại bậc nhất thế kỷ 20 là James Joyce đã ký thác lại một Dublin u mang qua 15 câu chuyện mà xếp riêng truyện nào ra cũng có thể đặt vào hàng kiệt tác. Còn nhắc tới Hà Nội, chúng ta chẳng phải cũng có Nguyễn Công Hoan hay sao?

Lịch sử là lời bộc bạch của những thị dân

Thế kỷ 19, nằm dưới một lâu đài tráng lệ, khu phố nhỏ Malá Strana nơi tả ngạn con sông vắt qua Prague tập hợp đủ hạng người. Họ là những quý bà trung niên ngồi lê đôi mách, những phú ông sắp chết già, những tên ăn mày mạt hạng, những cặp tình nhân, những gã ế vợ, những thanh niên nổi loạn âm thầm.

Đó cũng là một thế kỷ bản lề của Prague và vùng đất Séc. Nền quân chủ lưỡng hợp Áo – Hung thành lập. Ở Bohemia, mâu thuẫn giữa người Séc và Đức không thể nào trị dứt điểm hoàn toàn. Phong trào hồi sinh văn hóa Séc nổ ra, những người cấp tiến đấu tranh cho ngôn ngữ, tính danh Séc đã dần bị đồng hóa từ thời Harbsburg. Thế nhưng, trong những hang cùng ngõ hẻm của Malá Strana, những người thị dân vẫn ơ hờ với đổi thay xã hội. Họ bận bịu làm thơ tán tỉnh người tình trong mộng, họ bận bịu đánh bạc, bận bịu hóng hớt đám ma của một người giàu có.

Thành phố là một không gian hình thành nhờ những thói quen của những người thị dân bình thường, thậm chí tầm thường, bé mọn, khốn cùng. Lịch sử đô thị cũng không bao giờ là một lịch sử đơn tính. Nó luôn là một tập hợp những mẩu chuyện từ rất nhiều người, rất nhiều những kẻ đã sinh ra, đã sống, đã chết.

Thế mà rồi, trong cái nhịp đời bất tận của những hỉ nộ ái ố tầm thường ấy, vẫn hằn in những vết chân của một niên đại lịch sử đầy biến động. Truyện ngắn “Chiến trận đánh nước Áo” chẳng hạn, một lũ trẻ con bốn đứa vắt mũi còn chưa sạch bày đặt… chiếm cứ lại thành Prague, lật đổ nước Áo. Chúng lên cả một kế hoạch tính toán chi li lắm, nào là đánh lúc nào, đánh ở đâu, đánh bằng cái gì, chúng còn đưa 6 zloty cho một lão già bán thịt gà, nhờ ông mua hộ thuốc súng. Ấy thế mà cuối cùng, chúng lại bị lão già khôn lỏi lừa mất luôn 6 đồng tiền xương máu ấy. Cái hay của truyện là, dẫu biết bọn trẻ chỉ là một bọn nít ranh, người ta vẫn cứ nghĩ biết đâu chúng lại chẳng làm nên chuyện. Mà cuối cùng chúng thất bại vì cái gì kia chứ? Vì cái thói tham vặt của một lão con buôn! Đó, lịch sử đã luôn thất bại vì những lão con buôn như thế đó.
“Những câu chyện về khu phố nhỏ ven sông” của Jan Neruda trong ấn bản tiếng Việt.


Trong khi đó, Alberto Moravia, người mà ta thậm chí có thể ngợi ca như một Vittorio De Sica của văn chương, dữ liệu của Moravia về một thành Rome nhếch nhác hậu Thế chiến thứ hai khi phát xít Ý thua cuộc là gì nếu không phải là một ông chồng phẫn chí cứ đến mùa hè là chỉ muốn bỏ nhà ra đi, nếu không phải là hai tay thợ cạo phải cạo lông tóc cho nhau chỉ vì nước Ý khốn khổ lắm rồi, người Ý làm gì còn tiền mà đi cắt tóc, hay một kẻ thò tay vào miệng người chết những mong lấy cái răng vàng, thế rồi bất ngờ cái miệng người chết đóng phập lại, và hắn ta cùng đồng bọn liền xộ khám?

Cũng tương tự vậy, những truyện ngắn về Hà Nội của Nguyễn Công Hoan cũng là tiểu vi lịch sử của một đô thành bốc mùi thối hoăng của chế độ thực dân, chế độ phong kiến, một đô thành đang rữa nát vì những cuộc khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng hiện sinh. Đó là cái thời của bọn nhà báo bồi bút tối ngày hút thuốc phiện rồi chọc ngoáy thiên hạ bằng chữ nghĩa vô lương tâm, là thời của những tên quan nha kẻ cắp, những kẻ trí thức đớn hèn, phường tân thời phóng đãng.

Còn Aziz Nesin, người sinh ra dưới chế độ Ottoman, thì sao? Trong hàng trăm những truyện ngắn mà ông từng viết, tôi vẫn còn nhớ “Đừng mua dây thun cho quần đùi nhé”. Truyện chẳng có gì, chỉ là về một anh công chức quèn ngày ngày đi làm hay bị hàng xóm nhờ vả mua cái này cái kia, hết mua cà phê, mua xà phòng lại mua quần đùi, bít tất. Môt hôm, tẩu hỏa nhập ma thế nào, anh lại viết một lô một lốc danh sách hàng hóa đó vào thông tư gửi lãnh đạo. Ấy thế mà, ông giám đốc cũng chẳng phát hiện ra và ký bừa vào thông tư anh gửi. Và lại ấy thế mà, ông ta để nhầm thông tư vào phong bì và rồi đến lượt bưu điện cũng gửi nhầm lại cho văn phòng anh công chức. Thế đấy, lịch sử một giai đoạn của Istanbul đã lồ lộ trong một dây chuyền xã hội đãng trí, quan liêu, trì trệ ấy đấy, nào có cần một bản hùng biện hay bút ký tỉ mỉ nào về những chính khách hay lãnh tụ?
Nhưng, có lẽ đỉnh cao của kỹ thuật đại tự sự về một thành phố thông qua những tiểu tự sự bên trong nó phải là Dubliners, một đỉnh cao văn chương do James Joyce chắp bút, mà ở Việt Nam vừa ra mắt thêm một bản dịch mới của Thiên Lương mang tên “Dân Dublin”.

Dublin của Joyce, một Dublin ảm đảm và u buồn, ảm đạm và u buồn đến mức giữa những năm tháng chủ nghĩa dân tộc Ireland lên đến đỉnh điểm, Dublin vẫn ảm đạm và u buồn như thế. Tất cả những bóng người lang thang nơi Dublin mà Joyce mô tả, từng người từng người một là phiên bản thu nhỏ, là sự phản ảnh của tự thân thành phố Dublin. Họ tù đọng trong cuộc sống thường nhật như Dublin tù đọng dưới áp lực của người Anh và của nhà thờ, họ đốn ngộ về đời mình như Dublin vùng lên với những phong trào hồi sinh ngôn ngữ, văn hóa bản địa, nhưng rồi họ lại vẫn tê liệt như chính Dublin những năm tháng ấy không thể tìm được lối ra khỏi những mâu thuẫn chính trị.
Thậm chí, Joyce tinh tế đến mức đặt nhân vật của ông vào cảnh huống ăn một bữa ăn với đĩa đậu và một ly bia gừng. Tinh tế ở điểm nào? Tinh tế ở điểm, đậu màu xanh, bia gừng màu cam, quốc kỳ của Ireland chính gồm ba màu xanh, trắng, cam. Và khi tên giang hồ ấy ngấu nghiến vào bụng “lá quốc kỳ” của Ireland, ta sẽ tự hỏi, liệu chăng đó có phải một ẩn dụ cho cuộc khủng hoảng danh tính của người Ireland và sự mong manh của niềm hy vọng về một đất nước Ireland hoàn toàn độc lập.

Và cho đến những dòng cuối cùng trong tập truyện của Joyce, khi tuyết nhè nhẹ rơi trên khắp thế gian, “lên tất cả những người còn sống và những người đã khuất”, Dublin dù đã đối mặt với phút giây hiển lộ, vẫn là một Dublin bế tắc, ứ trệ, phi hành động, cũng như mỗi kẻ sống trong lòng Dublin trong toàn bộ tác phẩm, sau khoảnh khắc khai minh, lại lựa chọn trở về với gông cùm đã đeo mang từ tiền kiếp, người thiếu nữ lại từ bỏ người tình để về căn nhà đày ải, kẻ ăn chơi lại tiếp tục đánh bài, người chết vẫn tiếp tục nằm yên dưới ba tấc đất. Có ai bộc bạch được lịch sử thành phố tường minh hơn những tiện dân đang kéo lê đời mình trong thành phố đó?


Tiện dân thế nào, thị thành thế ấy

Nhưng có phải đâu chỉ người Dublin bị trì níu trong vũng bùn của vòng đời trơ trơ, vô vị và nhạt toẹt của cuộc đời?

Người Prague cũng thế cả thôi. Đọc lại thiên truyện ngắn “Những người hàng xóm”, vẫn trong tập truyện về khu phố cũ Malá Strana mà xem. Một luật sư tập sự ba mươi tuổi hăm hở chuyển tới cố quận Malá Strana nên thơ yên tĩnh những mong tập trung ôn thi lấy chứng chỉ hành nghề. Trời ơi! Anh ta vạch ra bao nhiêu là kế hoạch, mỗi ngày sẽ học gì, học gì, và chẳng mấy chốc sẽ xong xuôi. Thế mà khốn nỗi, sống giữa láng giềng phiền nhiễu, anh sau rốt cũng bị kéo vào cuộc đời vô thưởng vô phạt của họ, những kẻ cả ngày chẳng biết làm gì ngoài buôn chuyện, đưa chuyện và gây chuyện. Cái chí tiến thủ của anh ngày nào còn hừng hực, vậy mà giờ đây, giờ đây nó bốc hơi tận đâu đâu. Anh sau rốt lại rơi vào cái bẫy hiện sinh của một cuộc đời “phi lý” mà sau này triết gia Camus đúc kết.

Mà rồi người thành Rome hay Istanbul cũng thế thôi. Moravia hay Nesin cũng chẳng thiếu nhân vật cùn mòn. “Giá không có ruồi ấy à, tôi sẽ làm việc phải biết nhé! Cứ gọi là làm như điên chứ không nói chuyện.”, họ có đủ lí do lí trấu để mà mãi giậm chân tại chỗ. Cái lịch sử tính riêng biệt của mỗi thành thị cuối cùng lại gặp gỡ nhau ở điểm này, tính cách thị dân. Đúng thế, tiếp điểm của mọi nền văn minh trên thế gian này hình như đều ở cả đấy, ở cái “chí thú thấp hèn, kiến văn thô lậu” của tầng lớp thị dân. Cụm từ “chí thú thấp hèn, kiến văn thô lậu” là mượn từ một tài liệu phê phán thói xấu người Việt do Đông Kinh Nghĩa Thục soạn năm 1907, mà sau được tác giả Vương Trí Nhàn tập hợp thành cuốn "Người xưa cảnh tỉnh", năm rồi vừa “tái xuất giang hồ”.

Sự phổ quát của thói xấu thị dân chính là mạch kết nối giữa những tác phẩm tưởng chừng khác biệt. Lẽ thường, không ai có thể xếp James Joyce vào cùng một chiếu với Moravia hay Neruda, Nesin, Nguyễn Công Hoan. Bốn người kia đều xuất thân là nhà báo, văn phong có tính bình dân, châm chọc, chế giễu và quan trọng nhất là tính phơi bày. Còn Joyce, văn chương của Joyce luôn là một bí ẩn, như một câu đố ghép hình nhưng bị ông giấu đi một vài mảnh ghép, đòi hỏi người đọc không ngừng giải nghĩa, suy tư. Kỹ thuật viết của Joyce lại phức tạp, tinh xảo, đầy ẩn ý. Joyce cũng không dùng Dubliners để chê bôi, giễu cợt ai. Dẫu vậy, những mặt tối nơi người thị dân của Joyce, ở một vài khía cạnh, vẫn gặp gỡ những mặt tối trong người thị dân của Neruda hay Nesin hay Nguyễn. Và, điều đấy hẳn có nghĩa tự thân người thị dân đã đầy thói tật, những thói tật ấy dù trong con mắt cảm thông nhất cũng không thể nào biến báo.

Trong tác phẩm “Dạo bước”, triết gia Thoreau có diễn giải từ “villain” (kẻ xấu) có chung gốc cùng từ “villa” (căn nhà), bởi người xưa đã tin rằng kẻ nào không có chí viễn du, cứ mãi quẩn quanh trong một cái nhà, một cái làng, hay rộng ra là một không gian địa lý giới hạn (như một thành phố), thì tất đạo đức kẻ đó sẽ suy vi.

Tính trì trệ là bước suy vi thứ nhất của người thị dân trong những nhát cắt vi lịch sử. Họ đóng khung cuộc đời mình trong những khu phố nhỏ của những tiểu thương chi li toan tính hay những người đàn bà rỗi việc (như Jan Neruda miêu tả), hay trong những tòa soạn không ra tòa soạn, cơ quan không ra cơ quan, rồi những cuộc tổ tôm, đánh chén (như Nguyễn Công Hoan đã viết), thậm chí như trong truyện ngắn “Eveline” của Joyce, một người thiếu nữ đã gần lên tới tàu thủy để rời khỏi Dublin rồi, thế mà khi tiếng còi tàu ngân lên, cô cũng vùng quay trở lại cái ngôi nhà với người cha tàn tệ. Bị trói buộc trong những không gian độc hại ấy, từ bước thứ nhất ấy, họ dần tiến đến bước thứ hai, bước thứ ba, thứ tư, bất kiểm soát. Dần dần, họ cũng trở nên đồng hóa với không gian đó, nhẹ thì trở nên bạc nhược, nặng thì trở thành gian xảo, lưu manh, hèn hạ, dối trá, tham lam, học đòi, trưởng giả, quan liêu.

Họ đớn hèn đến rợn cả người: Hai tay đàn ông trai tráng mà phải nhờ tiền một ả đàn bà. (truyện ngắn “Hai tay chơi” của James Joyce); Một kẻ bán quan tài chỉ mong người ta chết quách đi để y còn lập kế sinh nhai, bởi “ít người chết thì ta sống làm sao được?” (truyện ngắn “Một tin buồn” của Nguyễn Công Hoan); Một kẻ lông bông vì muốn có đôi giày mới liền rủ thêm một tay đầu đường xó chợ đi cướp của (truyện ngắn “Đôi giày” của Alberto Moravia); Một người đàn bà chỉ vì thói đặt điều ăn không nói có đã đẩy một anh bán hàng đi vào chỗ chết (truyện ngắn “Cái tẩu bọt biển” của Jan Neruda). Chính những kẻ như vậy đã khiến bộ mặt của thị thành nếu không nhếch nhác thảm hại như Rome thì cũng nực cười như Istanbul, nếu không nực cười như Istanbul thì cũng thê lương, tù túng như Dublin vậy.

***

James Joyce sinh thời từng viết thế này: “Với riêng mình, tôi lúc nào cũng viết về Dublin, bởi nếu như tôi có thể đi vào trái tim của Dublin, tôi sẽ có thể đi vào trái tim của mọi thành phố trên thế giới. Trong cái khu biệt đã chứa đựng cả cái toàn thể”.

Trong cái khu biệt đã chứa đựng cả cái toàn thể. Không ai có thể du hành khắp thế gian. Càng không ai có thể tận tường từng chặng đường của lịch sử. Nhưng khi quy nạp những sự kiện lớn lao về những hiện tượng bé mọn trong đời, ta sẽ thấy có những nút thắt nhỏ thôi nhưng thắt cả những rối rắm mấu chốt của cả một thời đại. Và có khi, người ta chỉ cần đọc Dublin thôi mà cũng có thể nhìn được ảnh tượng của cả Istanbul hay Hà Nội. Lại có khi, người ta chỉ cần nhìn bi kịch của một anh bán bột mì thôi mà cũng thấy được cả một thời li loạn của đô thành.

Tưởng xa mà gần, chính là như thế.



Hiền Trang



Những truyện ngắn về Hà Nội của Nguyễn Công Hoan cũng là tiểu vi lịch sử của một đô thành trước năm 1945.


Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Công Hoan


Văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Công Hoan

VOV6
VOV6 - Không những có công khai phá, mở đường cho văn chương hiện thực phê phán ở nước ta mà nhà văn Nguyễn Công Hoan còn là người góp phần đặt nền móng cho văn xuôi hiện thực hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nhiều tác phẩm Nguyễn Công Hoan viết sau Cách mạng tháng Tám ngược về quá khứ, nhìn vào hiện thực với một cảm quan mới, sâu sắc và khách quan hơn...(Tìm trong kho báu phát 01/08/2019)





Tiểu thuyết hiện thực phê phán của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Tiểu thuyết hiện thực phê phán của nhà văn Nguyễn Công Hoan

VOV6
VOV6 - Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết tiểu thuyết viết trước Cách mạng tháng Tám của Nguyễn Công Hoan đều được sân khấu hóa. Các thói tục nông thôn, chuyện quan lại chốn đình trung, những chuyện tình yêu bị chia cắt do lễ giáo phong kiến đã được nhà văn phục dựng một cách sinh động. Tiểu thuyết viết trước Cách mạng tháng Tám của nhà văn Nguyễn Công Hoan thực sự trải trước mắt người hôm nay một bức tranh xã hội cũ thu nhỏ...(Tìm trong kho báu phát 25/7/2019)





Kép Tư Bền - Truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan


Kép Tư Bền - Truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan

VOV6
VOV6 - Có tài dẫn dắt cốt truyện đến một kết cục không ai ngờ đến, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan có dáng dấp như một màn kịch ngắn đầy cảm xúc và cuốn hút. Truyện ngắn “Kép Tư Bền” in trong tập truyện ngắn cùng tên năm 1935 tiêu biểu cho đặc điểm ấy của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan...(Tìm trong kho báu phát 18/07/2019)





Nhà văn Nguyễn Công Hoan - "Kiến trúc sư" tài hoa của dòng văn học hiện thực phê phán (VOV6)


Nhà văn Nguyễn Công Hoan - "Kiến trúc sư" tài hoa của dòng văn học hiện thực phê phán

VOV6

VOV6 - Giữa muôn ngả rẽ của tư tưởng văn chương buổi giao thời, ngay từ đầu nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dứt khoát hướng ngòi bút của mình đứng về phía người dân lao động bị áp bức. Ông là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán. Theo Giáo sư Phan Cự Đệ, tác phẩm Nguyễn Công Hoan là bức tranh sống động về những cảnh ngộ, con người trong chế độ cũ...(Tìm trong kho báu phát 11/7/2019)





Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Cuộc tranh luận ‘vị nghệ thuật’ hay ‘vị nhân sinh’ giai đoạn 1935 – 1939


Cuộc tranh luận ‘vị nghệ thuật’ hay ‘vị nhân sinh’ giai đoạn 1935 – 1939

Theo ĐH KHXHVNV

Cuộc tranh luận từng được mệnh danh là giữa phái “nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều làm chủ soái và phái “nghệ thuật thuật vị nghệ thuật” do Hoài Thanh cầm đầu đã diễn ra trong các năm từ 1935 đến 1939.

Bước vào thế kỷ XX, nền văn hóa Việt Nam, trong đó có nền văn học Việt Nam, đã chuyển nhanh từ phạm trù văn hóa phong kiến trung đại mang tính chất khu vực và phát triển chậm chạp, sang phạm trù văn hóa tư sản, rồi thêm nữa là vô sản, mang tính chất thế giới, hiện đại, phát triển mau lẹ, và đặc biệt là có sự nâng cao hơn nhiều so với thời trung đại về tính tự giác trong quan niệm, tinh thần duy lý và các cuộc bút chiến, có mức độ đậm nhạt khác nhau, chung quanh nhiều vấn đề của cuộc sống Việt Nam, văn hóa Việt Nam như: Bạo động hay cải lương, duy tân hay thủ cựu, duy tâm hay duy vật, quốc học là gì, chữ Hán nên dùng hay nên bỏ, Nho giáo đáng tôn thờ hay đáng hạ bệ … chính là sự thể hiện đặc trưng văn hóa đó của thời đại.

Nói riêng trong lãnh vực văn chương, sự tranh chấp trong quan điểm nghệ thuật, trong cách đánh giá một số tác phẩm cụ thể, khuynh hướng văn học cụ thể (ví như: với Truyện Kiều nói chung, nhân vật Thúy Kiều nói riêng, với dòng văn học lãng mãn, vấn đề dâm hay không dâm trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng …), hoặc trực diện, hoặc ngấm ngầm, cũng đã diễn ra sôi nổi đáng kể. Trong đó, có thể nói sôi động nhất là cuộc tranh luận chung quanh vấn đề thơ mới và thơ cũ từ 1933 đến 1937 và cuộc tranh luận từng được mệnh danh là giữa phái “nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều làm chủ soái và phái “nghệ thuật thuật vị nghệ thuật” do Hoài Thanh cầm đầu trong các năm từ 1935 đến 1939.[1]

Với cuộc tranh luận giữa hai phái Hải Triều và Hoài Thanh, đương thời dù có đựơc dư luận chú ý, rút cục cũng chẳng bên nào chịu bên nào. Bởi chuyện phân định thắng thua trong tranh luận văn chương muôn đời vẫn là chuyện không đơn giản. Nhưng từ sau cách mạng tháng Tám 1945, thì các sách báo Mác xít từ Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (Trường Chinh, 1949), đến Giáo trình Văn học Việt Nam 1930 – 1945 (tập II. Bạch Năng Thi – Phan Cự Đệ. NXB giáo dục, 1961), Lịch sử văn học Việt Nam (tập V, Nguyễn Trác, Hoàng Dung … NXB Giáo dục, 1962) đến sách Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (1930 – 1945) (Vũ Đức Phúc, NXB Khoa học xã hội, 1971), cùng nhiều bài viết khác, hầu như đã thống nhất trong nhận định chung: Chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh của phái Hải Triều là đúng đắn, tiến bộ, mở đầu cho sự chiến thắng của quan điểm nghệ thuật Mác – xít về sau. Phái Hoài Thanh chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật là sai lầm, vừa có hại cho sự nghiệp cách mạng, vừa có hại cho sự phát triển văn chương. Chính Hoài Thanh trên Tập san Nghiên cứu văn học số 1 tháng 1-1960 cũng đã đăng bài Nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 – 1936, trong đó tỏ rõ một thái độ tự phê vừa rất chân thành vừa rất gay gắt, với những câu như: “Phái vị nghệ thuật trước sau cố từ chối không chịu nhận cái danh hiệu ấy…Nhưng thái độ của họ trên thực chất là một thái độ thoát ly chính trị mà thoát ly chính trị không vị chính trị thì còn vị gì? Cho nên gọi họ là phái nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là phải” (Hoài Thanh toàn tập – Tập II, trang 532)” … phái nghệ thuật chỉ thấy có mình và giai cấp bé nhỏ của mình mà không có ý thức gì về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. “Tlđd tr 547). “Cần phải tìm đến nguồn gốc chính trị và tư tưởng ấy mới nhìn rõ được thực chất của cuộc tranh luận này. Trước hết hãy nhìn vào phái nghệ thuật. Cụ thể là nhìn vào Lưu Trọng Lư và tôi hồi bấy giờ. Chúng tôi là những thanh niên ít nhiều có tham gia phong trào yêu nước hồi 1925-1926, nhưng tham gia với môt quan niệm rất mơ hồ và với một tinh thần không lấy gì làm kiên định. Vào khoảng năm 1930, bản thân bị va đầu vào bộ máy đàn áp của giặc, lại chứng kiến sự thất bại liên tiếp của cuộc bạo động Yên Bái và của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi đâm ra hoang mang. Tôi nhớ lại tâm trạng của tôi lúc bấy giờ, cả cái lý tưởng ôm ấp trong mấy năm, thế là tan hết. Tôi có hồi mất hết lẽ sống. “(tlt, tr 556). “Tôi tính chuyện làm văn và lấy văn chương làm lẽ sống mới” (tlt, tr 552) …

Vấn đề tưởng đã rõ ràng như thế. Nhưng thực tế lại có phần khác. Gần đây từ năm 1992 đặc biệt là vừa qua trong dịp hội thảo khoa học kỷ niệm 90 năm năm sinh của nhà văn Hoài Thanh (1999), không ít người, trong đó có Nguyễn Khải,[2]Vũ Quần Phương,[3]Phong Lê,[4]Phạm Xuân Nguyên,[5]Nguyễn Bao [6]… cách nói có khác nhau về mức độ, nhưng đều có nét chung là muốn xem lại vấn đề một cách khách quan hơn về thực chất của cuộc tranh luận nghệ thuật này, về bản chất tư tưởng nghệ thuật của phái Hoài Thanh (mà trước hết là Hoài Thanh) cũng như phần đựơc và phần chưa được của phái Hải Triều. Có như thế, thiết tưởng cũng là chuyện bình thường một khi mọi người đều đã thừa nhận bản chất công việc nghiên cứu khoa học phải là một quá trình, phải là chuyện tìm đi tìm lại (recherche). Theo ý chúng tôi muốn nâng cao trình độ nhận thức vấn đề, người nghiên cứu cần chú ý một số điều quan trọng như sau:

– Trước hết, phải thấy cho hết độ phức tạp của chuyện văn chương.

– Hai là phải đi sâu hơn vào việc tìm hiểu nội hàm khái niệm cơ bản đã được đặt ra trong cuộc tranh luận.

– Ba là phải tôn trong đúng mức hiện tượng tâm lý { tức là tâm thế} của những người tranh luận trong khi tìm hiểu nội dung tranh luận.

– Bốn là phải coi trọng tính hệ thống trong khi đi tìm bản chất của các quan niệm.

– Năm là phải đặt cuộc tranh luận vào bối cảnh chính trị xã hội đã đành mà còn là bối cảnh văn học (trong đó có quan niệm văn học) của đương thời để có cách phân giải hợp lý.

Bài viết này xin cố gắng phấn đấu theo hướng lành mạnh và cần thiết đó.

Cuộc tranh luận khởi đầu chưa phải là giữa Hải Triều và Hoài Thanh mà là giữa Hải Triều với Thiếu Sơn. Trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 38 ra ngày 16-2-1935, Thiếu Sơn đăng bài Hai quan niệm về văn học trong đó, một mặt phản bác quan niệm của Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh thiên vào việc coi trọng chức năng giáo huấn và tác động xã hội của văn chương. Mặt khác chủ trương “lấy nghệ thuật làm gốc”, “nhà văn quý ở sự trau dồi cái đẹp”, từ đó ông đề cao chỉ riêng với các thể loại như tiểu thuyết, thơ ca. Hải Triều đã viết bài “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” (Đáp lại ông Thiếu Sơn trong Tiểu thuyết thứ Bảy số 16-2-1935). Trong đó ông giới thuyết “Nghệ thuật là cái gì?” phản bác “quan niệm duy tâm” coi nghệ thuật là “cái sản vật thần bí, màu nhiệm của tình cảm và của đấng thiêng liêng, là siêu phẩm, huyền diệu, không dính dáng đến xã hội, không dính dáng đến nhân sinh”. Theo Hải Triều “nghệ thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội (L’ art est un produit de la vie sociale) những trạng thái sinh hoạt giữa xã hội phản chiếu vào trong tâm trí người ta, sinh vui, sinh buồn, sinh giận, sinh tiếc, sinh chán, sinh tham … Nghệ thuật sắp đặt những tình cảm ấy cho có hệ thống rồi diễn ra thành những hình ảnh thiết thực, hoặc bằng lời nói, bằng câu văn, bằng âm điệu, bằng vận động (như nhảy múa) hoặc nhiều cách kiểu khác có hình thức rõ ràng như kiến trúc, đắp tượng …” Hải Triều đã giới thiệu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của phương Tây qua những lời phát biểu của Taine, Diderot, Tolxtôi … và với những tác gia của nó như Dickens, Dostoievsky, Millet, Huygô, Barbusse, R. Rolland … Ông cho rằng quan điểm vị nghệ thuật chỉ là sản phẩm của thế kỷ XX, khi chế độ tư bản đã đến giai đoạn cuối cùng. “Gía trị của những tác phẩm của phái nghệ thuật vị nghệ thuật”’ chỉ là “nghệ thuật của thiểu số” chỉ chăm chú, tìm kiếm, bưới xới những cái khuất mắt, cái bí ẩn trong quả tim non của mấy cô gái ngây thơ đa cảm, hay tấm lòng riêng mấy cậu con trai lịch lãm đa tình. Rồi các ông viết ra những pho tiểu thuyết dày hàng trăm trang với những cái tiêu đề đẹp đẽ, nào là tâm lý tiểu thuyết nào là ái tình tiểu thuyết, nào là cảnh thế tiểu thuyết. Sách ra đời, cả một giai cấp đủ ăn đủ mặc, sau những cuộc vui chơi, sau những giờ nhàn rỗi, vào mà mua mà đọc, rồi mặc sức mà khen, mà tán, mà bình, mà bắt chước những người trong truyện, cũng ngây thơ, cũng mộng, cũng yêu đời, cũng vui đời … Do đó các ông hô to lên rằng các ông có công với xã hội, cái nghệ thuật của các ông là có giá trị, là hữu ích cho đời” …

Bài viết của Hải Triều đựơc đăng hai kỳ trên báo Đời sống ra ngày 24-3-1933 và ngày 7-4-1935. Chen vào giữa quãng thời gian này, Thiếu Sơn đã có bài “Nghệ thuật với đời người” đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 41 (3-1935), hẳn là để đáp lại Hải Triều, có đọan viết: “Các ông muốn cải tạo xã hội để tô điểm cho sự sống loài người. Tôi không biết cải tạo cái gì, nhưng sự sống của tôi, tôi không cần các ông tô điểm. Tự nó đã mãn nguyện rồi. Nếu trong thiên hạ còn nhiều ngươì biết yêu mến nghệ thuật, nhờ thưởng thức những công trình của chúng tôi mà quên được những nỗi nhỏ nhen ti tiện ở cõi đời, để sống chung với chúng tôi chẳng có công với xã hội loài người đấy ư?”. Ý tưởng này đã bị Hải Triều tranh thủ phản bác cũng ngay trong bài Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, coi đó là “một câu tuyên bố … đại diện cho cái tâm lý thiển bạc mà tự đắc, ích kỷ mà phản động, duy tâm mà lộn xộn của phái nghệ thuật vị nghệ thuật”. Sau những lời công kích này của Hải Triều, không thấy Thiếu Sơn nói lại điều gì. Chỉ thấy ông có bài Văn học bình dân, cũng đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy trong đó có những ý tưởng đựơc coi là đúng đắn như: “cái hạng người đông hơn hết, hữu ích hơn hết, lại là hạng người bị bạc đãi, bị bỏ quên trong lúc những kẻ khác đựơc thảnh thơi sung sướng mà ca hát cái cảnh đời ung dung của họ”. Thiếu Sơn còn đề cao Rutxô, Huygô, trích dẫn nhiều lời của Junlơ Valet ca ngợi tầng lớp công nhân. Quả là hiện tượng không đơn giản. Thiếu Sơn vừa thế này, vừa thế khác. Hay chính ông đã được Hải Triều thuyết phục cảm hoá? Có điều là cuộc tranh luận giữa Hải Triều với Thiếu Sơn coi như đã chấm dứt, để lại được tiếp tục sôi nổi hơn với Hoài Thanh ngay sau đó mấy tháng.

Chuyện được tiếp tục như sau: Nhân dịp tập truyện ngắn mang tên Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan được xuất bản (1935), trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 62 ra tháng 8-1935, Hải Triều viết bài “Kép Tư Bền – một tác phẩm thuộc về cái trào lưu nghệ thuật vị nhân sinhở nước ta”(Về văn học nghệ thuật, NXB Văn học, 1983). Trong đó, ông tỏ ra rất khoái chí đã có Kép Tư Bền để chứng minh cho sự thành công của quan điểm nghê thuật vị nhân sinh. Hải Triều viết: “Ở xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng giải thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nứơc ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái triều lưu “nghệ thuật vị dân sinh” tôi đã thừa nhiều cơ hội để đề khởi đến nó và đã có phen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy.. Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị dân sinh ở nước ta đâu nào? Thật tôi cũng thấy lúng túng mà không biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cứ cho ra đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi đã có thể tự đắc mà nói rằng: Có rồi ,có rồi, ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương Nghệ thuật vị dân sinh của tôi ngày nay đã có biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngòi bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay là nhà văn của hạng người khốn nạn”. Cái mục đích của thuyết nghệ thuật vị dân sinh đến đây có thể gọi là có chút thành quả vậy. Kép Tư Bền có thể nói rằng đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thực và xã hội ở nước ta”. Và lần này thì không phải Hải Triều mà chính là Hoài Thanh đã chủ động tấn công, Trên báo Tràng An, số ra ngày 15-8-1935, Hoài Thanh cho in bài Văn chương là văn chương (đáp lại bài Phê bình văn nghệ của ông Hải Triều ở TTTB số 62, Bình luận văn chương – NXB Giáo dục, 1998), Trong đó, ông viết: “Ông Hải Triều có lẽ là một người đối với thời cuộc có tấm lòng nhiệt thành đáng trọng, một nhà xã hội học, một nhà triết học hay gì… học đi nữa tôi không biết. Nhưng rõ ràng ông không phải là một người hiểu văn chương. Người ta vẫn có thể phê bình về phương diện triết lý, tôn giáo, đạo đức … Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương diện phụ. Văn chương muốn gì thì gì trứơc hết cũng phải là văn chương đã”. “Ông Hải Triều chán những tác phẩm ấy không phải vì nghệ thuật quyển này có cao hơn. Nghệ thuật là cái gì gì ông không biết đến. Ta hãy nghe ông nói: “ Thời các ngài hãy đọc những truyện như Người ngựa và ngựa người, Thằng ăn cắp, Kép tư bền … các ngài sẽ thấy trong xã hội một số đông người phải bán thân nuôi miệng, hoặc các ngài sẽ thấy những đứa bé cùng khốn quá, quyết ăn lường để chịu đấm, hoặc các ngài thấy một giai cấp đủ ăn, đủ mặc, chực mua cái cười vui bên cái sầu cái khổ của kẻ nghèo”. Nếu phải nhờ đến Kép Tư Bền ra đời mới biết trong xã hội này có người bán thân nuôi miệng, có người ăn lường chịu đấm … thì xin lỗi độc giả – công chúng nước Nam này rặt là người ngu. Có ngu mới không thấy những điều tầm thường như vậy, một đứa trẻ lên mười cũng thừa hiểu. Dẫu sao tôi cũng tin ở trí thông minh của công chúng hơn. Công chúng thích tập truyện ngắn Kép Tư Bền không phải thích xem những chuyện họ vốn thừa biết từ bao giờ mà thích những câu văn ngộ nghĩnh, có ý tứ mà Nguyễn Công Hoan đã khéo léo lắp vào trong những cốt truyện không có gì. Người ta xem một cốt truyện chứ có phải một thiên phóng sự đâu?”.

Ở đây, Hoài Thanh còn dựa vào ý kiến của André Gide (nhà văn Pháp) đọc tại Hội nghị quốc tế của các nhà văn Âu Mỹ ngày 22-6-1935 trong đó André Gide có kể lại rằng: “Lần trước tôi họp hội nghị các nhà văn ở Moscou, thực tôi lấy làm sợ lúc tôi thấy bao nhiêu thợ thuyền bảo các nhà văn: các ông phải nói đến chúng tôi, phải diễn kịch chúng tôi, phải mô tả chúng tôi. Không! Văn nghệ không làm, hay không phải chỉ làm công việc một tấm gương … Văn nghệ không phải chỉ bắt chước, chỉ chép lại. Văn nghệ còn phài báo cho người ta biết những điều người ta chưa biết, phải đi trước thời đại, phải sáng tạo”. Sau bài viết của Hoài Thanh hai tuần lễ, Hải Triều đã có bài “Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội” (Đáp lại bài Văn chương là văn chương của ông Hoài Thanh ở báo Tràng An số 11-8-1935). Đến lượt mình, Hải Triều cũng lại cho Hoài Thanh là người không hiểu nghệ thuật và “vô ý đã mài gươm tự sát”. Hải Triều viết: “Ông Hoài Thanh bảo: “Khi thưởng thức một tác phẩm về nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chủ ý đến cái đẹp trứơc khi chú ý đến những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó”… Căn cứ vào cái quan niệm ấy, ông bảo chúng ta rằng cái gíá trị của quyển Kép Tư Bền không phải ở chỗ Nguyễn Công Hoan tả những nỗi đau thương của hạng người nghèo khó hay những cái xấu xa hèn mạt của một chế độ xã hội hủ bại, mấy cái ấy đối với ông Hoài Thanh, ông đều liệt vào cái “tính cách phụ” hay những “hình thức tạm thời”. Chính giá trị quyển Kép Tư Bền theo ý ông là ở trong “những câu văn ngộ nghĩnh, có ý tứ mà Nguyễn Công Hoan đã khéo lắp vào trong những cốt truyện không có gì” …Tôi thiết tưởng muốn đáp lại bài của ông Hoài Thanh, tôi chỉ khuyên ông ấy chịu khó đọc lại những bài mà tôi đã viết về vấn đề ấy.[7] Nó sẽ là những tiếng đáp lại rất vững vàng chắc chắn cho ông rồi … Ông Hoài Thanh cho phép tôi nói câu này: ông bàn về nghệ thuật mà thực ông chưa hiểu nghệ thuật là cái gì. Nói đến cái đẹp trong nghệ thuật – nó gồm lại là trong văn nghệ – mà ông chỉ chú ý có một phương diện về hình thức câu văn cho ngộ nghĩnh, cho du dương, thì đã có gì là đẹp đâu, đã có gì là nghệ thuật đâu? Không, ông ạ, khi nói đến nghệ thuật, ông phải chú ý đến cả hai phần: hình thức (forme) và nội dung (fond). Hai cái phân tích ấy nó đắp đổi, nó bồi bổ cho nhau, không cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính thức, cái nào là phụ thuộc. Bên này ông Hoài Thanh không thế. Trong khi ông thưởng thức văn nghệ, ông chỉ chú trọng ở câu văn hay, chẳng khác nào con người ta có hai chân, ông cưa bớt đi một chân rồi ông bảo thế là đẹp, thì chả biết là đẹp ở cái gì nhỉ?”.( Hải Triều về văn học nghệ thuật, 1985,tr 68-70). Hải Triều cũng cho rằng Hoài Thanh “định lấy Gide làm vị thần hộ pháp cho cái nền móng nghệ thuật vị nghệ thuật đã mục nát lâu rồi, ông chỉ làm việc hoài công mà thôi. Nay tôi xin chỉ những đọan văn của Gide rất quan hệ mà ông đã dấu diếm đi, để độc giả xem cho biết ông “Gide thật” nói những gì: “Nghệ thuật mà không tiếp xúc với thực tế, với những nhân sinh thì mau thành ra giả dối… Khi nào một thứ văn học cũng bắt đầu từ ở dưới nền móng, từ dưới mặt đất, từ trong quần chúng mà lấy lại sức lực của mình và đổi mới đựơc luôn luôn …Ai nói đến văn nghệ tất phải nói đến trao đổi tinh thần. Cần nên biết nhà văn sĩ trao đổi tinh thần với hạng người nào … Ngày nay, hết thảy sự thân ái của chúng ta, sự ứơc vọng và trao đổi tinh thần của chúng ta là trông về cái nhân lọai bị đè nén, bị hư hỏng, bị đau khổ kia …”.[8]

Theo lời Hoài Thanh, cùng một lúc tranh luận, phản bác Hoài Thanh thì Hải Triều đã gửi bài của ông cho Phan Văn Hùm và Phan Văn Hùm đã có bài đăng trên Tin văn phản kích Hoài Thanh. Từ đó Hoài Thanh đã có bài viết tiếp cũng lấy nhan đề là Văn chương là văn chương (Đáp lại ông Hải Triều và ông Phan Văn Hùm trên Tin văn đăng ở báo Tràng An số 62 ngày 1-10-1935). Ở đây trứơc hết, Hoài Thanh thanh minh rằng: “ Tôi chỉ nhân một việc xảy ra – việc ông Hải Triều phê bình quyển Kép Tư Bền – mà bày tỏ một vài ý kiến chứ không đề xướng hay bênh vực một lý thuyết gì hết. Vì chẳng dấu gì các bạn, tôi nhát gan lắm, cứ thấy bóng lý thuyết là sợ”. “ Các ông chơi ác tôi dúi tôi vào một chỗ các ông đặt tên lànghệ thuật vị nghệ thuật” rồi các ông xông vào mà tổng công kích. Các ông bảo rằng tôi chủ trương lý thuyết “nghệ thuật vị nhân sinh”. Úi chà! Oai quá! Tôi không dám. Tôi có chủ trương lý thuyết gì đâu. Trong bài tôi không hề có chữ ấy”.Hoài Thanh cãi lại: “ Tôi đọc bài của hai ông, đọc đi đọc lại rồi ngẫm nghĩ, tôi chỉ thấy hai ông trách tôi ở chỗ này: không cho nhà văn làm công việc xã hội. Sao các ông không thấy trong bài trước tôi đã có câu: “ Nhà văn là người sống giữa xã hội cố nhiên phải tuỳ sức mình, làm hết phận sự đối với xã hội. Tôi muốn nói nhà văn có lúc phải biết bênh vực kẻ yếu, chống lại sức mạnh của tiền tài, của súng đạn, nhưng trong lúc đó nhà văn không làm văn nữa mà chỉ làm cái phận sự của một người cầm bút mà thôi. Ta nên nhớ rằng cầm bút chưa phải là người viết văn. Văn chương là một vật quý có đâu được nhiều thế. Cũng trong bài trước, tôi nhận rằng một quyển sách có tính cách văn chương vẫn có thể đèo thêm nhiều tính cách khác nữa như chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo, vv… Tôi chỉ muốn người ta phân biệt các tính cách ấy ra và trong lúc xét quyển sách về phương diện nghệ thuật , phải để ý đến tính cách khác… Tôi lại muốn người ta nhận rằng một quyển sách chuyên tả nỗi khổ của kẻ lao động chưa hẳn là sách hay, hay là ở chỗ biết cách tả.”( Hoài Thanh- Bình luận văn chương, Nxb Giáo dục, 1992, tr28-39).

Cũng cần nói thêm là trong quãng thời gian giữa hai bài viết cùng một nhan đề Văn chương là văn chương (từ 15 – 8 – 1935 đến 1 – 10 – 1935). Ngày 14-9-1935, trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 68, trong bài Phê bình văn, với tinh thần phê phán tình trạng viết văn phê bình nhàm chán đương thời, Hoài Thanh cũng lại có ý kiến về Kép Tư Bền và Hải Triều. Ông viết: “ Còn như lặp đi lặp lại những điều trơ trơ ra trứơc mắt, thì viết làm gì mất công. Như gần đây trong bao nhiêu bài phê bình quyển Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, tôi chỉ thấy có bài của ông Hải Triều là còn có một hai chỗ đặc sắc, tuy ông Hải Triều không đứng về phương diện văn chương. Ngoài ra, người nào cũng khen Nguyễn Công Hoan có lối văn trào phúng và hay tả những cảnh khốn nạn. Thì hai cái đặc tính ấy của văn Nguyễn Công Hoan người ta đã nói đến những bao giờ. Nói lại làm gì nữa, nếu không có thể nói lại một cách hay hơn”. Cũng lại cần nói thêm rằng: Trong khi Hoài Thanh và Hải Triều bút chiến với nhau chung quanh tác phẩm Kép Tư Bền thì tác giả Nguyễn Công Hoan có thể nói vẫn là người của cả hai bên, thậm chí là chơi thân với Hoài Thanh nhiều hơn. Cụ thể: Nhân dịp Kép Tư Bền ra mắt bạn đọc, Nguyễn Công Hoan vào Huế chơi, ở ngay trong nhà Hoài Thanh. Còn Hải Triều, chủ hiệu sách Hương Giang thì chỉ mời ông đến để cho độc giả chữ ký. Sau này, trong Đời viết văn của tôi (NXB Văn học, 1971), Nguyễn Công Hoan đã kể lại: “Khi tôi ở Huế, nhà sách Hương Giang tổ chức một buổi mời tôi đến ký tên vào những tác phẩm của tôi do độc giả đưa lại … Nhà Hương Giang còn mở một cuộc trưng cầu ý kiến các bạn hàng xem những cuốn nào đựơc hoan nghênh. Kết quả là Kép Tư Bền đựơc xếp lên đầu. Cuốn Kép Tư Bền lại là đề tài cho một cuộc bút chiến giữa hai chủ trương về nghệ thuật. Phái Nghệ thuật vị nhân sinh của Hải Triều đã viết nhiều bài đanh thép để công kích phái Nghệ thuật vị nghệ thuật của Hoài Thanh. Tất cả những sự việc trên đã làm cho cuốn Kép Tư Bền của tôi đựơc công chúng độc giả rộng rãi hơn trước chú ý đến. Riêng tôi, việc cuốn Kép Tư Bền đựơc hoan nghênh làm cho tôi càng tin rằng tôi viết nổi tiểu thuyết mà tôi có thể theo đuổi được nghề viết văn. Còn như là nhà tiểu thuyết xã hội, hay là nhà văn tả chân, hay nhà văn trào phúng, và hài hước hay nhà văn của dân nghèo … như các nhà phê bình đã nhận định về tôi, tôi cho là tùy người ta, muốn gọi gì thì gọi” .

Trở lại với cuộc bút chiến, thì thấy sau bài viết trên của Hoài Thanh, Hải Triều đã viết bài Nghệ thuật vị nhân sinh đăng trên Báo Trung Kỳ hai số (số 1 ngày 9 – 10 – 1935, số thứ 2 ngày 6 – 11 – 1935). Bài viết không trực tiếp nêu tên Hoài Thanh nhưng thực ra cũng là nhằm phê phán tiếp quan điểm Hoài Thanh và phái mà ông cho là vị nghệ thuật. Ở đây Hải Triều đã chế giễu những nhà văn mà ông cho là “của giai cấp quyền quý giàu sang” chủ trương “làm nghệ thuật là vì nghệ thuật”, “làm nghệ thuật để mà chơi , để cho đẹp”. Ông biện giải rằng nghệ thuật “đều lấy gốc tích trong hoàn cảnh sinh hoạt vật chất của người ta. Mà cứu cánh của nó cũng vì dự sinh hoạt của con người mà có”. Ông cũng xác định “tính cách xã hội trong nghệ thuật” bằng cách phản bác quan điểm cho rằng “tình cảm nghệ thuật là cái sản vật của từng cá nhân mà thôi” và khẳng định rằng: “có thiên tư, có sáng tạo cá nhân nhưng những điều kiện để cho cái thiên tư của họ gây dựng là họ phải lấy trong xã hội”. Và “một công trình văn nghệhay mỹ thuật càng diễn càng đạt được rõ ràng cái tính cách xã hội thì lại càng có gía trị ”. Trong dịp Hải Triều cho đăng bài viết trên đây, Hoài Thanh lại có bài Chấm dấu hết cho cuộc biện luận đăng trên báo Tràng An số ra ngày 29-10-1935. (Theo Phan Cự Đệ – Văn học Việt Nam 1930-1945. NXB Giáo dục 1961). Nhưng một số người thuộc “chiến tuyến” của Hải Triều vẫn tiếp tục tấn công. Trong tình huống đó, Hoài Thanh đã viết bài Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật: một lời vu cáo đê hèn đăng báo Tràng An số ra ngày 3-12-1935. Trứơc hết, ông lại thanh minh rằng chuyện ông chê Hải Triều trong việc khen Kép Tư Bền chỉ là chuyện “ôn tồn nói cho họ biết sai lầm” nhưng “họ không nghe, họ vung lên rồi đưa ra một tràng lý thuyết mà giảng giải hết cột báo này qua cột báo khác. Thấy thế tôi đã chấm hết cho cuộc biện luận nhưng họ vẫn kéo lý thuyết ra, kéo bầu bạn ra, họ cho là chưa đủ, họ còn dùng ngón vu khống nữa. Đối với thái độ ấy, tôi không thể làm thinh. Tôi không muốn trước dư luận mang một vết nhơ mà tôi không có”. Hoài Thanh nói tiếp: “Tôi đã nói đi nói lại rằng tôi không chủ trương thuyết gì … Một cái đầu đề Văn chương là văn chương với mấy chữ: Nghệ thuật vị nghệ thuật đã khác xa rồi mà họ không thấy. Một bên là cái khẩu hiệu của một văn phái, có vạch ra một đường đi cho một người làm văn, một tôn chỉ cho văn chương. Một bên chỉ nêu ra một sự thật: Văn chương là văn chương. Một sự thật hiển nhiên mà cần phải nhắc lại … Đây tôi không thế nói hết được những chỗ tôi không giống phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” trong văn học sử nứơc Pháp … Tôi chỉ nói tóm tắt một câu: Tôi không chủ trương thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Hoài Thanh đã vừa tự bào chữa, vừa tấn công đối phương: “Họ tự cho họ cái huy hiệu chủ trương thuyết “nghệ thuật vị nhân sinh” tuy rằng muốn chủ trương một lý thuyết về nghệ thuật có lẽ trước hết phải hiểu nghệ thuật là gì đã phải hiểu như thế nào là một câu văn hay, một quyển sách hay đã. Cứ xem cái lối viết khô khan của họ, tôi không dám chắc rằng họ đã có đủ tư cách ấy … Kết luận bài này, tôi không khỏi có một ý nghĩ buồn: Thiệt không may làm sao cho anh em lao động ở nước Nam này bị người ta bênh vực cách ấy. Người ta nhân danh anh em mà nói xấu những người chỉ muốn làm việc vì anh em và khinh thường và kiềm chế và vùi dập cái điều đáng quý nhất ở đời: cái tài”.

Tiếp đó, trên Tràng An số 82 ra ngày 10-12-1935 Hoài Thanh còn đăng bài viết “Ngoại cảm trong văn chương trong đó ông thừa nhận việc “nhà văn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh là sự cố nhiênvì làm văn là phô diễn những tình,những ý,những mói cảm xúc,những điều mơ ước ra tiếng nói.Mà tiếng nói là…một khí cụ do đoàn thể tạo ra…” Nhưng ông lại nói: “Đoàn thể đối với nhà văn, còn rộng ra nữa, đối với cá nhân là một sức đè nén rất mạnh, có thể tiêu ma hết cái năng lực tự chủ của cá nhân. Nhưng giá trị của nhà văn chính là ở chỗ biết phản động lại sức đè nén đó, chính là ở chỗ biết phát huy cái bản sắc của mình mặc dù những điều ngăn trở của đoàn thể. Bằng không, tác phẩm của nhà văn do hoàn cảnh một thời tạo ra, sẽ chỉ là tác phẩm một thời mà thôi”. Cũng trên số báo Tràng An này, Hoài Thanh còn dịch toàn văn bài diễn văn của Gide đọc ngày 22 tháng 6 năm 1935 tại Hội nghị quốc tế các nhà văn ở Pari có kèm theo một bài bình luận khá dài. Việc dịch toàn bài diễn văn của Gide là nhằm phản bác lại điều mà phái Hải Triều đã công kích, cho rằng ông trích dẫn Gide không khách quan. Riêng trong bài bình luận, Hoài Thanh ngoài việc tóm tắt” đại ý bài diễn văn” còn phân tích biện giải rằng Gide không hề có mâu thuẫn khi vừa đi theo chủ nghĩa xã hội vừa không muốn bó buộc tâm hồn của mình, nhân sinh quan của mình trong chủ nghĩa xã hội. Theo Hoài Thanh, dù Gide không nói ra, nhưng với Gide, con người chính trị có thể thay đổi nhưng con người văn chương vẫn là một. “Gần đây, Gide theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng chẳng nói thì ai cũng biết, một tâm hồn như tâm hồn của Gide dễ gì bó buộc trong khuôn khổ một đảng chính trị cho dầu chương trình đảng ấy rộng rãi và hợp lý đến bậc nào cũng vậy”. Hoài Thanh còn nói đến “quan niệm văn chương của Gide” là cho rằng “Bình dân, giai cấp bình dân chỉ là trạng thái nhất thời, dưới cái trạng thái nhất thời đó, nhà văn phải đủ trí sáng suốt để nhận thấy những lẽ vĩnh viễn của loài người. Cũng như ngày xưa các nhà văn cổ điển đã biết tìm thấy dưới gấm vóc lụa là của vua chúa những nỗi đau thương thành thực của loài người, nhà văn ngày nay phải tìm thấy những nỗi đau thương ấy dưới tấm áo rách tươm của con nhà lao động”. Hoài Thanh cũng cho rằng trong quan niệm văn chương của Gide là bao gồm nhiều xu hướng. Trước hết là tin theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại vì chủ nghĩa cá nhân mà theo chủ nghĩa xã hội. Một thứ chủ nghĩa xã hội xa xã hội chủ nghĩa thông thường nhiều. Ngoài ra, ở Gide còn là ảnh hưởng của các phái cổ điển,tượng trưng,cổ học. Nhưng trên hết là tôn thờ sự thật và cái phần sâu sắc trong sự thực vì chính đây mới là phần vĩnh viễn. Sơn Trà trên tờ Bắc Ninh tuần báo, Hải Thanh trên Tin văn đã công kích Hoài Thanh. Cũng trên Tin Văn, Phan Văn Hùm có bài công kích việc dịch và bình luận của Hoài Thanh về bài diễn văn của Gide. Vì thế mà Hoài Thanh lại có bài Trả lời ông Phan Văn Hùm đăng báo Tràng An số ra ngày 21-2-1936, vừa tự khẳng định là mình dịch “trôi chảy và trọn nghĩa”,vừa tấn công trở lại, cho rằng “Các ông cứ vu cáo bừa đi, đến lúc người ta chưng ra những chứng cứ có chắc chắn, các ông ngỏanh mặt”. Sau bài viết này, Hoài Thanh xem ra đã chủ động rút ra khỏi vòng chiến, để viết những thứ khác, trong đó có sách Văn chương và hành động (cùng chung với Lê Trang Kiều và Lưu Trọng Lư, nhưng Hoài Thanh là chủ yếu) mà chưa kịp phát hành đã bị chính quyền thực dân ra lệnh thu hồi. Hoài Thanh bỏ cuộc, nhưng trên tờ Hà Nội, Lưu Trọng Lư và Lê Trang Kiều vẫn lên tiếng. Do đó, trên các tờ Tiến bộ, Hồn trẻ, Bắc Ninh tuần báo,Sông Hương … các ông Hải Thanh, Hải Khách (tức Trần Huy Liệu), Hải Âu (tức Trịnh Xuân An), Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Thạch Động, Hỏa Sơn … thuộc chiến tuyến nghệ thuật vị nhân sinh, vẫn quyết tâm khẳng định quan điểm của mình. Hải Thanh và Hải Triều trong bài Văn học của Liên bang Xô Viết đăng ở báo Hồn trẻ số ra ngày 25-5-1936 đã nêu gương các nhà văn Liên Xô trong việc biểu hiện nhân vật công nông trong tác phẩm. Hai ông viết: “Trong sự kiến thiết, trong giai cấp đấu tranh, thợ thuyền giữ vai trò tuồng chính, những người thợ thuyền và dân cày điềm nhiên, yên tĩnh xây dựng nhà máy xưởng thợ, đào mỏ, đặt đường ray, tổ chức hợp tác xã, sáng tạo hết thảy của cải ở đời làm cho cả thế giới đủ ăn đủ mặc. Chính những người ấy là những tay anh hùng và những vị sáng lập chân chính của cuộc đời mới phải thành ra những vai tuồng chính trong các tác phẩm văn nghệ thì văn học mới thiệt hợp thời”. Sơn Trà và Thạch Động với bài Tình cảm trong văn học bình dân đăng báo Hồn trẻ số ra ngày 6-8-1936 cũng đã viết: “ Bình dân vẫn vui, buồn như ai. Nhưng cái vui cái buồn của họ khi nào cũng can cập đến sự sống. Họ không ủ rũ, âu sầu trước cảnh mây mờ, bóng xế, họ không nhảy nhót vui sướng khi nghe tiếng chim thánh thót sau rừng hay khi nhìn thấy gió xuân nhẹ đưa cành trúc. Đối với nét diệm lệ ấy, họ không phải tuyệt nhiên là gỗ đá, nhưng mối cảm xúc chỉ thoáng qua nháy mắt trong tâm hồn chứ không chồng chất, ám ảnh để dần dần gây nên những tư tưởng chán đời, yêu đời, những tiếng khóc câu cười vô ý nghĩa … Họ chỉ buồn vui với sự thăng trầm của cảnh sinh hoạt thực tế trứơc mắt. Họ chỉ đau thương oán hận khi bị thằng tư bản áp chế dày vò, họ chỉ vui mừng khi vợ con họ đựơc sống còn trong cảnh chân tay bùn lấm… Giọt mồ hôi nước mắt của anh em vô sản là cái nguồn thơ lai láng không kém gì giòng lệ của cô thiếu nữ đa sầu, tiếng cười ran của anh thợ trong phút giây sung sướng cũng đầy cả thi vị như nụ cười âu yếm của cô gái tơ kiều diễm”. Cuộc tranh luận cứ lai rai như thế đến khoảng tháng 8 – 1938, tưởng đã ngừng. Nhưng đến đầu năm 1939 lại bùng lại, chủ yếu là xoay quanh vấn đề tính nhất thời và tính vĩnh viễn của nghệ thuật. Trên Tao đàn, Lưu Trọng Lư dịch in bài tựa Lá thu của Huygô trong đó có ý cho rằng “Những cuộc cách mạng là những sự thay đổi vẻ vang trong lịch sử của loài người, nhưng cuộc cách mạng thay đổi hết thảy, trừ lòng người. Lòng người cũng như quả đất, trên mặt đất, người ta muốn trồng muốn tỉa, muốn xây dựng gì tùy ý nhưng không bao giờ có thuổng quốc hay một khí cụ để đo dò gì có thể làm xáo động được những chốn thực sâu, cũng như đất bao giờ cũng vẫn là đất, lòng người thì bao giờ cũng là lòng người, một bên là nguồn gốc của nghệ thuật,một bên là nguồn gốc của muôn loài.Vậy thì muốn diệt nghệ thuật thì trứơc hết hãy diệt lòng người đã”.

Từ những ý của Huygô, Lưu Trọng Lư nói thêm: “Chúng tôi không phải là không biết những sự đòi hỏi cần kíp của cuộc đời mời, không phỉa là không biết rằng cái trách nhiệm của người cầm bút trong giờ này là nặng nề, là nguy nan và muốn cho chính đáng phải phụng sự đại đa số, phụng sự quần chúng nhưng chúng tôi cũng lại biết rằng: Ngoài cái nền văn chương tranh đấu ,văn chương của một thời,còn có một nền văn chương muôn đời (Đôi lời bàn thêm cùng ông Bùi Công Trừng. Tao đàn số 3 ngày 1-4-1939). Bùi Công Trừng lại có bài Bàn qua về nghệ thuật đăng Tao đàn số ra tháng 6-1939 cũng là để trả lời Lưu Trọng Lư, có đoạn viết: “Mặt trời có tuổi, quả đất có tuổi, lòai người có tuổi, muôn vật đều biến hóa và biến thiên thì làm sao có cái lòng người, cái tâm hồn, cái ý tưởng của con người muôn năm không đổi … Nếu chúng ta nhận một thứ nghệ thuật văn chương muôn đời không đổi thì không khác gì chúng ta nhận nghệ thuật văn chương tách ra ngoài luật tiến hóa chung của vũ trụ và lòai người. Không, nghệ thuật văn chương là cái sản vật của con người của thời đại thì nó phải theo sự biến cải con người, của thời đại. Và nghệ thuật văn chương cũng giúp một phần trong công cuộc biến cải con người nữa”.

Lan Khai lại có bài đáp lời Bùi Công Trưng mà theo ông thì Bùi Công Trưng đã sai lầm khi đồng nhất tâm tình và trí tuệ, ông viết: “Về trí tuệ và tất cả những cái do trí tuệ sinh ra như các học thuyết, các quan niệm, các tư tưởng, các chế độ, các lễ nghi … tôi rất đồng ý với ông Bùi Công Trừng là có thể thay đổi và thay đổi không ngừng. Trái lại về tâm tính con người ta, tôi không đồng ý với ông Bùi khi ông cho rằng lòng người có thay đổi … Tôi tin rằng sự duy nhất của lòng người qua thời gian chính là một chân lý vậy … Thực ra con người ta cho dù là sống dưới chế độ cộng sản nguyên thủy, chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ xã hội chủ nghĩa hay chế độ gì đi nữa cũng chỉ có một con tim nghĩa là sống nhịp theo bất ngoại bảy tình mà tạo hóa đã cho mang trong lòng …”. Sau bài viết của Lan Khai, không thấy bên nào nói gì nữa. Và cuộc tranh luận tuy có phát sinh trở lại nhưng xem ra cũng đã cạn điều tranh luận. Năm năm sau, trong Văn học khái luận (1944), Đặng Thai Mai đã giải thích lý do của sự im ngừng là “Xem chừng trận bút chiến hồi ấy dĩ nhiên kết thúc, là không phải vì thiếu “chiến sĩ” mà chính là đối với một vấn đề như vậy, công chúng ta vẫn rất lạnh lùng nhất là trong thời kỳ mà những trạng thái khủng hoảng về kinh tế và chính trị còn ám ảnh tinh thần người ta như một con ma bệnh” (“Đặng Thai Mai toàn tập, tập I, NXB văn học 1997, tr 119)

Những gì được tường thuật trên đây về cuộc tranh luận quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935 – 1939, chắc chắn là còn sơ lược, nhưng thiết tưởng trong phạm vi tương đối, đã có thể cho phép chúng ta nêu lên những nhận xét như sau:

1. Trước hết, cuộc tranh luận mang tính chất bút chiến này, ít nhiều cũng đã không nằm ngoài đặc trưng thể loại bút chiến nói chung. Như mọi người đã biết, không riêng gì cuộc bút chiến này, mà cuộc bút chiến nào cũng vậy, đều không thoát ly khỏi đặc trưng tâm thế thông lệ là: đã bút chiến với nhau, ai cũng muốn dành phần thắng về mình. Nếu không thế thì không còn bút chiến nữa, mặc dù bút chiến là một thể lọai rất cần cho cuộc sống. Điều này cũng ít hay nhiều, nhất định sẽ có liên quan tới thái độ, giọng điệu, cách hiểu ý đối phương, phô bày ý kiến của mình,kể cả việc trích dẫn sách vở. Ở cuộc bút chiến này, sự thật cũng là vậy. Cả hai bên đều chê nhau … không hiểu nghệ thuật và tự nhận chỉ mình hiểu. Cả hai bên ít nhiều đều tỏ ra không chịu lắng nghe nhau, thậm chí chỗ này chỗ khác còn cố tình không hiểu nhau, chưa nói là còn tung ra một số lời quy chụp nhau quá đáng. Mà hôm nay, với người tìm hiểu cuộc bút chiến này, chắc cũng không thể làm ngơ điều đó, khi thực sự muốn giữ cho mình một thái độ khách quan, khoa học.

Cũng cần chú ý thêm đến tư thế, trạng thái của hai bên khi gia nhập cuộc bút chiến này. Phái Hoài Thanh, trứơc hết là Hoài Thanh đã nhận là mình không hề có ý định tranh luận, bút chiến, chỉ thấy Hải Triều phê bình Kép Tư Bền không đúng với tính chất phê bình văn chương thì viết bài nói lại, thế thôi. Mặt khác, ông cũng hơn một lần, tự nhận là mình sợ lý thuyết do đó mà chẳng muốn tranh luận bút chiến với ai. Đặc biệt, cũng hơn một lần, ông thanh minh trứơc dư luận rằng: ông không hề chủ trương lý thuyết, quan điểm nghệ thuật gì cả, nhất là quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật lại càng không. Trước sau, ông chỉ muốn một điều là “văn chương phải là văn chương”. Trong khi đó, thì phái Hải Triều, trước hết là Hải Triều rõ ràng là có ý thức và say sưa với lý thuyết, đặc biệt là có ý chí quyết tâm chiến đấu, khẳng định một lý tưởng nghệ thuật văn chương mà ông tin là đúng, là có ích cho nhân dân, cho xã hội, cho cả văn chương. Tình huống tranh luận đã diễn ra như thế. Người nghiên cứu phải biết để có thêm định hướng cho việc phân tích nhận định. Nhưng vấn đề không chỉ là thế. Bởi ở đây, sự thật lại có nhiều điều khác cũng không thể bỏ qua. Ấy là chuyện Hoài Thanh nói là ông không muốn tranh luận, bút chiến, nhưng thực tế, ông đã tranh luận, đã bút chiến khá quyết liệt như ai. Ông nói là ông sợ lý thuyết này, lý thuyết khác. Khách quan mà nhìn thì thấy ông cũng có một thứ lý thuyết không mang phong cách nặng nề về sách vở, mà chủ yếu là dựa trên khả năng tự mình cảm nhận và suy tư về văn chương, nhưng không phải là không dựa trên vốn hiểu biết về văn hóa, trên ý kiến người này người khác, ví như ở đây là ý kiến của André Gide, của Vichtor Huygô. Kiểu tư duy lý thuyết của phái Hoài Thanh có cái thế mạnh là có nhiều chỗ gần với chân lý nghệ thuật do có sự nâng đỡ của khả năng chân cảm, trực giác nghệ thuật, nhưng dễ thường cũng có không ít hạn chế bởi ít nhiều thiếu một trình độ duy lý tối ưu. Quan sát kỹ các bài viết tranh luận của phái Hoài Thanh, chúng ta có thể chứng minh đựơc điều vừa nói đó. Còn về phía Hải Triều, đúng là có cái thế mạnh trong việc quan tâm nhiều đến lý thuyết trong khi nhiệt tình chiến đấu cho một lý tưởng nghệ thuật cao cả, nhưng khách quan, cũng đã để lộ dấu vết hạn chế của một trình độ lý thuyết vừa là thuộc phạm vi cá nhân, vừa là thuộc phạm vi thời đại.. Người nghiên cứu, bình luận hôm nay, một khi đã đựơc thời đại cho phép nâng cao trình độ lý thuyết, không thể không biết đến hạn chế đó.

2. Vậy thì từ trong tâm thế và tư thế học thuật như trên, cuộc tranh luận bút chiến đã đặt ra những vấn đề gì? Trạng thái đúng sai là thế nào?

2.1. Nội dung tranh luận có bề nổi và bề chìm. Bề nổi chính là chuyện nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Nhưng bề chìm mà hai bên đều như không muốn nói ra (ngay phái Hải Triều cũng không nói, mặc dù trong thâm tâm là rất muốn nói, bởi hoàn cảnh tranh luận công khai bấy giờ không cho phép), chính là lời đáp trứơc vấn đề có hay không đem văn chương nghệ thuật vào cuộc đấu tranh cách mạng đương thời do đảng Cộng sản Đông Dương phát động và lãnh đạo, điều mà Sóng Hồng đã phát ngôn trong bài thơ Là thi sĩ: “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Những người Mác xít, đặc biệt là sau cách mạng tháng Tám hoan nghênh phái Hải Triều,coi Hải Triều là nhà lý luận tiên phong cho quan điểm nghệ thuật Mác xít chính là thầy Hải Triều đã hăng hái nhiệt tình tìm lời đáp cần thiết đó cho vấn đề, mặc dù đây là chuyện bề chìm. Còn với phái Hoài Thanh, đặc biệt là Hoài Thanh, dù trong phần bề nổi, cũng không phải là từ bỏ quan điểm nhân sinh, thậm chí là nhiều chỗ hô hào nhân sinh cũng hăng hái không kém đối phương [9]nhưng vẫn bị quy két là vị nghệ thuật, chính là vì đã không có lời đáp cho vấn đề đang cần có lời đáp đó. Tìm hiểu tiểu sử, thái độ chính trị của Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư ở thời kỳ này và đọc lại lời tự bạch của Hoài Thanh trong bài “Nhìn lại cuộc tranh luận …” sau này mà ở trên đã có trích lại, hẳn là thấy rõ điều đó. Như thế là việc Hoài Thanh và chiến hữu của ông bị phê phán, bị quy kết là có lý do. Nhưng đây mới là một căn cứ. Điều đáng nói là có nhiều người trong khi phê phán, quy kết nhóm Hoài Thanh đã tuyết đối hóa cái căn cứ này. Trong khi như chúng ta biết, ở phần bề nổi, chung quanh vấn đế nghệ thuật vị nhân sinh hay vị nghệ thuật, cả trên hai phương diện, lý thuyết và thực tiễn, vốn dĩ không đơn giản chút nào, không dễ gì có tiếng nói cuối cùng.

2.2. Trên lý thuyết, trước hết có vấn đề xác định nội hàm khái niệm nhân sinh hẹp hay rộng. Hẹp thì giường như chỉ bó khung trong khuôn khổ những gì chỉ liên quan tới đời sống chính trị, đời sống cách mạng. Còn rộng thì liên quan đến, có thể nói là toàn bộ sự sống con người, sự sống nhân dân, đất nước theo hướng có ích, và dĩ nhiên trong đó đã có cả nội dung theo nghĩa hẹp. Nhưng ở đây, có một yêu cầu tối đa là phải tạo ra được sự hài hòa giữa hai nội dung rộng hẹp đó. Nhìn lại nội dung tranh luận giữa hai phái Hải Triền và Hoài Thanh, dễ thấy cả hai ít nhiều đều tỏ ra thiếu sự hài hòa này trong nhận thức. Phái Hoài Thanh, như trên đã nói, rõ ràng là không nghĩ, thậm chí có thề nói là không đủ dũng khí để nghĩ đến chuyện hướng thẳng văn chương nghệ thuật vào cuộc đấu tranh cách mạng đương thời, mà chuyên chú, bàn luận về nội dung nhân sinh theo nghĩa rộng. Ngược lại, phái Hải Triều dù có được điều cơ bản là muốn hướng văn chương vào cuộc đấu tranh cách mạng sôi động, gian khổ bấy giờ, nhưng trên phương diện lý thuyết, đã ít nhiều không tránh khỏi tình trạng đơn giản hóa nội hàm khái niệm nhân sinh. Hải Triều cũng như chiến hữu của ông, hôm nay còn sống, chắc sẽ tự thấy mặt hạn chế của mình để tự điều chỉnh, hoàn thiện.

2.3 Trên lý thuyết, lại còn vấn đề quan niệm, định nghĩa về nghệ thuật, về văn chương là gì? Trong đó, có không biết bao nhiêu câu hỏi mà nhân loại, đặc biệt là các lý luận gia về nghệ thuật về văn chương đã tìm được và đang phải tìm thêm lời giải đáp nguồn gốc văn chương là gì?. Văn chương nghệ thuật là huyền diệu, nhưng huyền diệu là thế nào? Khác sự thần bí như thế nào? Văn chương nghệ thuật có quan hệ mật thiết tới đạo đức, triết học, chính trị đã đành, nhưng trong thực tiễn của các mối quan hệ đó, cái gì đã được, cái gì chưa được? Cái gì tưởng là đựơc mà hóa ra chưa được? Cái được và cái chưa được theo người này người khác, không phải là một. Vậy chọn ai? Văn chương nghệ thuật có tính giai cấp và tính nhân loại nhưng hiểu thế nào cho đúng về tính giai cấp và tính nhân loại trong văn chương, và quan hệ giữa hai tính đó với nhau? Cũng vậy, văn chương có tính thời đại và tính trường tồn, tính nhất thời và tính bền vững, tính biến động và tính bất biến, có nội dung và hình thức … Nhưng hiểu thế nào cho đúng về mối quan hệ giữa các tính tương khắc cũng là tương hợp đó. Biện chứng pháp Mác xít cho phép nhận thức vấn đề tối ưu. Nhưng đó chỉ mới là khả năng. Kết quả đúng sai, còn là người vận dụng phép biện chứng. Nhìn lại thực trạng tranh luận ở cả hai phái, ít nhiều vẫn thấy chưa đạt tới quan niệm biện chứng cần có. Một ví dụ: Khi tranh luận về mối quan hệ giữa văn chương với triết học, đạo đức, tôn giáo, Hoài Thanh đã cho rằng với văn chương, các thứ ấy là phụ và ông đã bị Hải Triều phê phán gay gẵt quan niệm cho là “phụ” này. Nhiều người sau này, trong khi đồng tình với Hải Triều cũng đã phê phán Hoài Thanh về chữ “phụ” đó. Chuyện đúng sai tưởng đã rõ như thế. Nhưng thực ra cách hiểu chính phụ như thế là còn quá đơn giản, trong khi phép biện chứng cho phép chúng ta thấy rằng quan hệ chính phụ cụ thể còn lệ thuộc vào bình diện xem xét vấn đề. Ở bình diện này, cái này là cái chính, cái kia là cái phụ. Ở bình diện kia là ngược lại. Hoài Thanh khi đưa ra quan niệm chính phụ trong mối quan hệ giữa văn chương với triết học, đạo đức, tôn giáo không biết đã tự giác được điều vừa nói đó chưa?. Còn Hải Triều, nếu ý thức được đầy đủ phép biện chứng trong tư duy, hẳn cũng sẽ không cần phải bỏ nhiều công sức cho sự phê phán.

3. Để có một sự nhận xét thỏa đáng thực trạng của cuộc tranh luận, bút chiến về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935 – 1939, ngoài những điều đã được trình bày trên đây, còn phải đặt cuộc tranh luận, bút chiến này vào tiến trình vận động, phát triển quan điểm nghệ thuật đã từng diễn ra trong lịch sử văn học dân tộc, trong đó có việc xử lý về mối quan hệ giữa văn chương và đạo lý, có tình trạng nhận thức về chức năng của văn chương. Có thể nói gọn như sau: Ở thời trung đại, với đặc trưng mang tính chất nguyên hợp, tổng hợp của văn hóa trung đại, quy luật văn sử bất phân, văn triết bất phân đã là một quy luật đặc thù của văn học trung đại. Kèm theo hiện tượng văn sử triết bất phân đó là hiện tượng coi trọng chức năng giáo huấn của văn chương tới mức ít nhiều xem nhẹ chức năng thẩm mỹ của nó. Quan niệm “văn dĩ tải đạo” “thi ngôn chí” đã từng ngự trị trong nền văn chương trung đại. Với những quan niệm văn chương như thế, văn gần như chỉ còn là phương tiện để chở đạo mà thôi. Nhưng rồi trên đà phát triển của văn chương, cùng với quy luật văn sử triết bất phân, cũng đã từng bước xuất hiện sự phân tách văn khỏi sử, khỏi triết. Cũng như trên phương diện quan niệm, bên cạnh khuynh hướng coi văn chương chỉ là phương tiện chở đạo đã từng bước chớm lên ý thức tôn trọng tính độc lập tương đối của văn chương. Nói một cách khác là chức năng thẩm mỹ của văn chương dần dần đựơc nhận thức rõ nét hơn. Ở Trung hoa và ở Việt nam thời trung đại, đều có tình trạng đó. Ở Trung Hoa, cùng với quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “văn dĩ quán đạo”, “văn dĩ minh đạo”, dần dần cũng hình thành quan niệm “đạo thị đạo, văn thị văn” (đạo là đạo văn là văn). Ở Việt Nam, trong quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu: “Văn chương ai chẳng muốn nghe. Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần” đã được sóng đối với lý tưởng nghệ thuật “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nguyễn Đình Chiểu nói “phun châu nhả ngọc” là nói tới vẻ đẹp của văn chương. Nói tới “báu khoe tinh thần” là nói tới giá trị nội dung của nó.

Một quan niệm như thế là một bứơc tiến mới trong quan niệm về nghệ thuật, về văn chương. Nhưng không phải ai cũng nhận thức đựơc như Đồ Chiểu. Các nhà văn chí sĩ đầu thế kỷ XX này, đã có được quan niệm về nghệ thuật rất tích cực đối với văn chương một khi họ coi văn chương là một thứ vũ khí đấu tranh cách mạng bên cạnh nhiều thứ vũ khí khác. Bút chiến (chiến đấu bằng ngòi bút) bên cạnh thiết chiến (chiến đấu bằng sắt thép tức vũ khí gươm đao) huyết chiến (chiến đấu bằng nhiệt huyết, tấm lòng cứu nước), thiệt chiến (chiến đấu bằng cái lưỡi tức là diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng) … Nhưng với các nhà chí sĩ này, trong quan niệm văn chương vẫn chưa thấy có ý thức về tính độc lập tương đối của văn chương, điều mà Đồ Chiểu trước đó đã có được. Có thể cắt nghĩa hiện tượng này bằng cách nghĩ rằng các nhà chí sĩ không chú tâm bàn chuyện văn chương. Họ chỉ chú ý tới một phương diện là sự cần thiết của văn chương đối với cuộc chiến đấu cứu nước mà thôi.Lời nói đầu Đường kách mạng của Nguyễn Ái Quốc, bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng về cơ bản cũng là thuộc khuynh hướng này .Riêng với thế hệ nhà văn trực tiếp tham gia vào công cuộc hiện đại hóa văn học trong nửa đầu thế kỷ này, rõ ràng là có khuynh hướng coi trọng chức năng thẩm mỹ hơn, chú trọng đến tính riêng, tính đặc thù của văn chương hơn so với thế hệ nhà văn – nho gia thời trước một khi đã đặt chức năng giáo huấn lên hàng đầu của việc sáng tạo văn chương. Kể cả với các văn sĩ cách mạng đương thời, một khi chưa lấy văn chương làm lẽ sống. Những lời tuyên ngôn nghệ thuật được viết dưới hình thức thơ như Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ, Cảm xúc của Xuân Diệu thể hiện sự chuyển biến quan điểm nghệ thuật đáng được coi là một dấu hiệu tiến bộ trong tư duy, nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật. mặc dù không tránh khỏi tính phiến diện.Thực tiễn sáng tác của văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa thuận theo quy luật phát triển văn học hiện đại của thế giới một phần là nhờ có bứơc tiến này trong quan niệm văn chương. Tuy nhiên,ở đây vẫn có vấn đề là làm sao có được sự hài hòa giữa các chức năng giáo huấn, chức năng phản ánh và chức năng thẩm mỹ trong văn chương.

Trong thực tiễn đời sống văn học, cả trên hai phương diện lý thuyết và sáng tác, đã không dễ gì có một sự hài lòng lý tưởng. Phái Hoài Thanh cũng như phái Hải Triều, qua tranh luận bút chiến, cũng đã nằm trong tình hình chung đó của thời đại, xét ở phương diện đựơc và chưa được. Ở phái Hải Triều, ưu điểm nổi bật là coi trọng chức năng xã hội của văn chương. Nhưng cũng để lộ tình trạng hiểu văn chương ít nhiều còn đơn giản. Ngựơc lại phái Hoài Thanh, xem ra có sự coi trọng văn chương hơn,nhưng trong chừng mực nào đó, cũng lại chưa nhận thức thực sự hòan chỉnh về mối quan hệ xã hội với văn chương. Mong ước của người quan tâm tới văn chương hôm nay vẫn là một sự hài hòa cao độ trong sáng tác cũng như trong lý thuyết văn chương về mối quan hệ đó. Điều đó quả không dễ. Điều đó cũng chỉ có thể có trên quá trình tiếp cận chân lý




————————————–

Chú thích:

[1]Hiện có hai cách tính thời gian: 1935-1936, 1935-1939 do quan niệm hẹp rộng qui định.

[2]Xem Đọc tiểu thuyết thứ Bảy (từ số 61 tháng 7-1935 đến số 80 tháng 12-1935), Văn nghệ số 19 (2051) ngày 8-5-1999

[3]Xem Con người vị nhân sinh trong Hoài Thanh, Văn hoá thể thao số 56 ngày 13-7-1999.

[4]Xem Hoài Thanh sau 1945: vui buồn nghề nghiệp, Tạp chí Văn học số 7-1999.

[5]Xem Khát vọng thành thật, Tạp chí Văn học số 7-1999.

[6]Xem Kỹ vật và món nợ, Văn nghệ số ra ngày 7-8-1999

[7]Bài Sự tiến hoá của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh (Báo Đông phương), (Báo Đời mới)

[8]Trong văn bản Hải Triều có ghi lời tiếng Pháp

[9]Xem Văn chương và hành động cùng nhiều bài viết khác của Hoài Thanh ngay trong thời kỳ đang tranh luận.

Theo ĐH KHXHVNV







Mời xem thêm: Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 - 2