Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Kép Tư Bền - Sự thật phía sau ánh đèn sân khấu


SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Kép Tư Bền - Sự thật phía sau ánh đèn sân khấu

Dương Hạnh



Kép Tư Bền một tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc khó lòng diễn tả thông qua cuộc đời đầy bi thương của anh Tư Bền.

Đôi nét về Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại Hưng Yên và mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội. Ông được độc giả biết đến là một nhà văn, nhà báo và là thành viên Hội nhà văn Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang phải chịu sự thống trị của đế quốc thực dân. Nguyễn Công Hoan chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, cuộc sống khó khăn cùng với sự độc ác của những tên quan tham khiến cho cuộc sống của người dân đã nghèo khổ này càng khổ sở hơn.

Chủ đề chính trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất gần gũi với cuộc sống của người nông dân nghèo bị áp bực. Đằng sau mỗi tác phẩm của Nguyễn Công Hoan luôn hướng chúng ta đến khao khát về sự độc lập, tự do của mỗi người. Ông được nhiều độc giả biết đến vì lối viết chân thực.

Một số tác phẩm của Nguyễn Công Hoan: Kiếp hồng nhan, Bước đường cùng, Người ngựa ngựa người, Xin chữ cụ nghè, Thật là phúc, Thế là mợ nó đi tây,...
“Có thể nói Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam... Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng. Từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội. Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót. – Từ điển bách khoa Việt Nam”.

Cảm nhận về sách
Kép Tư Bền là truyện ngắn trong tuyển tập cùng tên của Nguyễn Công Hoan được hoàn thành vào tháng 7/1933, đây là một giai đoạn có nhiều biến động khác nhau trong cuộc sống và cả tư tưởng của dân ta. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và có sự du nhập của nền văn hóa phương Tây thế nên nghề hát bội, diễn kịch cũng được nahan dân biết đến rộng rãi hơn. Và đây cũng chính là nguồn cảm hứng của Nguyễn Công Hoan viết nên tác phẩm Kép Tư Bền.

Cuốn sách kể về anh Kép Tư Bền, nổi tiếng là một nghệ sĩ hát bội và anh cũng được biết đến với vai trò diễn viên hài chính vì thế số lượng khán giả biết đến anh rất đông, anh không chỉ hát hay mà còn có khả năng tự pha trò rất giỏi.

Thế nhưng đằng sau một anh chàng hát kép được rất nhiều khán giả yêu mến đó lại là một hoàn cảnh đáng thương, gia đình anh nghèo, cha lại bệnh tật thế nên gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của một chàng hát kép nghèo. Tư Bền phải chạy chữa khắp nơi cho cha, thuốc thang cũng tốn không ít tiền. Anh buộc phải ký hợp đồng biểu diễn với ông chủ rạp hát trong tình trạng thiếu nợ.

“Một hôm, ông chủ kịch rạp Kịch Trường đến nhà anh ta chơi. Sau một vài câu hỏi thăm chiếu lệ, ông ta nghiêm sắc mặt, nhắc đến món nợ:
- Sao? Cái số tiền đó, cậu đã có để trả tôi chưa?
- Thưa ngài, xin ngày hãy thư cho ít bữa, khi nào thư thả, tôi sẽ đi làm và nộp sau.
Ông chủ bĩu môi, nói:
- Thôi! Biết bao lần rồi! Cậu không trả, tôi sẽ đem ra tòa đó.”
Hoàn cảnh tội nghiệp của Tư Bền được khắc họa qua từng con chữ của Nguyễn Công Hoan. Người đọc thấy xót thương thay cho số phận của Tư Bền khi trên vai như đeo một gánh nặng không biết bao giờ mới trả hết nợ lại còn thêm một người cha đang ốm đau bệnh tật.

Đến ngày đi biểu diễn, khi cha đang trong cảnh ốm nặng anh Tư Bền chẳng thể nghỉ làm để ở nhà, trong lòng lo lắng không ngừng thế nhưng anh vẫn phải biểu diễn cho khán giả xem. Ngoài mặt anh vẫn thể hiện mình là một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, hoàn thành tốt phần biểu diễn của mình nhưng bên trong lại yếu đuối vô cùng.

Cách khai thác nội tâm nhân vật của Nguyễn Công Hoan đặc sắc ở chỗ ông luôn có những tiếng cười thâm sâu đả kích xã hội phong kiến xưa, ông không ngại viết những chủ đề nhạy cảm, ông biết có thể sau khi viết xong tác phẩm của mình nó sẽ đụng chạm nhiều người, đặc biệt là những tên quan lại tham nhũng, đẩy cuộc sống của người dân nghèo vào con đường cùng. Nhưng Nguyễn Công Hoan vẫn miệt mài viết, viết để lên tiếng cho những người dân nghèo phải chịu cảnh bất công.

Kép Tư Bền một chàng nghệ sĩ thực thụ, theo đuổi đam mê của mình một cách nghiêm túc. Người nghệ sĩ chỉn chu ở mọi mặt, dù mang trong mình nỗi đau khó để diễn tả nhưng Tư Bền chưa bao giờ khiến tác giả phải thất vọng về phần trình diễn của mình. Nhìn sâu vào cuộc đời của Kép Tư Bền nó giống như cuộc đời của mỗi con người vậy, chúng ta đi ra ngoài đều đeo mặt nạ, giả vờ là mình ổn, gồng hết sức mình để đi làm, để cười với người mình không thích. Thực tế thì những khó khăn, vất vả bạn phải chịu đựng không ai có thể biết được. Hay đại ý mỉa mai, châm biếm sâu sắc của tác giả dưới lớp mặt nạ của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Rất nhiều tên quan tỏ ra yêu thương dân, hết lòng vì dân nhưng phía sau đó lại tìm mọi cách để đẩy những người dân nghèo vào con đường tội nghiệp.

Văn chương là sự sáng tạo không ngừng của những nhà văn, nhà thơ. Mỗi người đều mang đến cho độc giả một góc nhìn mới mẻ, đem lại nhiều giá trị cuộc sống. Với Nguyễn Công Hoan cách ông đặt bút viết cũng vậy, với cách tạo nên hoàn cảnh và nội tâm nhân vật đối lập nhau. Đó là trong những giây phút vui vẻ kia khi Tư Bền làm trò để mua vui cho khán giả thì sâu trong tâm trí anh lại đang hỗn độn bởi những dòng suy nghĩ không ngừng về người bố đang nằm trên giường bệnh kia. Cái nghèo khiến cho con người ta phải đau đớn, phải kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần. Than ôi! Kiếp người thật đớn đau.

Trích đoạn trong sách
Thật vậy, ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của anh Tư Bền! Anh ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, mà tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh lại phải mặc trái áo lụng thụng thêu, đi đôi hia xanh, và đội cái mũ cánh chuồn ngược. Anh đóng vai này trông ra phết giàu sang sung sướng! Anh sung sướng nhỉ! Anh giàu sang nhỉ! Anh vui vẻ lên một tí chứ! Anh Tư Bền ơi! Chốc nữa anh còn phải làm cho chủ anh bằng lòng, các bạn trông anh mà gắng sức, các khán quan được một phen cười vỡ bụng, vỗ rát tay kia mà!


Lời kết
Nếu là một fan cứng của Nguyễn Công Hoan vậy thì đây là một cuốn sách mà bạn nhất định không được bỏ qua. Đọc Kép Tư Bền để thấy được cuộc sống của người nghệ sĩ nghèo làm nghề chân chính là như thế nào? Để thêm cảm thương với số phượng của Tư Bền.

Bigone.vn hy vọng bài viết trên sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm mới mẻ. Đọc Văn học Việt Nam để thấy được sự tài tình của các tác giả khi ở trong xã hội xưa có thể viết nên nhiều tác phẩm ý nghĩa và có giá trị cho đên ngày hôm nay. Các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan luôn nhận được cơn mưa lời khen từ độc giả!

Review bởi Dương Hạnh