Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Người cứu tiểu thuyết "Đống rác cũ"


Người cứu tiểu thuyết "Đống rác cũ"

Nguyễn Việt Chiến


Ngày 27.8, Hội Nhà văn VN tổ chức hội thảo nhằm làm rõ sự đóng góp của nhà văn Lê Minh (85 tuổi) đối với nền văn học cách mạng, kháng chiến và đề tài công nhân.

Tại hội thảo, bài phát biểu của nhà văn Xuân Cang đã cung cấp nhiều thông tin mới về Lê Minh. Năm 1956, truyện ngắn Nhật ký một người mẹ của bà bị lên án trong vụ Nhân văn giai phẩm và Lê Minh cùng một nhóm văn nghệ sĩ phải đi “cải tạo lao động” ở Nam Định, Thái Nguyên. Năm 1982, trên cương vị Trưởng ban VHVN Báo Nhân dân, Lê Minh đã thẳng thắn phản đối bài phê bình có tính “chụp mũ” đối với tiểu thuyết Búp sen xanh của Sơn Tùng. Vào năm nhà văn Nguyễn Công Hoan gặp nạn vì tiểu thuyết Đống rác cũ tập 1 in ở NXB Văn học bị cấm, Lê Minh đã thực sự hành động để cứu tác phẩm của cha.
Một mặt, bà an ủi chăm sóc sức khỏe của cha, một mặt thu giấu, giữ gìn bản thảo, mặt khác ngăn chặn những tin đồn thổi. Sau đó, Lê Minh đã sắp xếp rất kỹ với NXB Thanh Niên một kế hoạch thật kín kẽ để xuất bản được toàn tập Đống rác cũ cùng một thời điểm.

Nhà văn Lê Minh sinh năm 1928, là con gái của nhà văn lỗi lạc Nguyễn Công Hoan. Đến nay, bà đã in 35 tập truyện ngắn, truyện dài, ký và tiểu thuyết, từng đoạt 2 giải nhất thi ký và truyện ngắn của Hội Nhà văn năm 1962 và năm 1969, 2 giải nhất về văn học đề tài công nhân của Hội Nhà văn từ 1980-1995.

Nguyễn Việt Chiến




Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Trách nhiệm của một quan Công sứ Pháp


Trách nhiệm của một quan Công sứ Pháp

Q. A. (st)


talawas – Đoạn tin sau đây đăng ở mục Bạn đọc & Toà soạn của tạp chí Xưa & Nay số 343 (11/2009) tr. 41-42. Tìm kiếm thông tin trên mạng về nhân vật Công sứ Thái Bình tên Perret, chúng tôi chỉ được xác nhận gián tiếp qua truyện ngắn “Tôi tự tử” (1938) của Nguyễn Công Hoan:
“Một ông Công sứ Thái Bình, vì để đê vỡ, lo phải cách, nên tự tử bằng súng lục.”
Mong được cung cấp thêm thông tin từ quý vị và các bạn.


Perret là một quan cai trị hạng ba, tốt nghiệp trường Hành chính Thuộc địa Paris (Pháp), được bổ nhiệm làm Công sứ Thái Bình từ 2-4-1913 đến 17-8-1913. Khi mới nhậm chức đi kinh lý được ba phủ huyện, chưa kịp khám đến đê điều, thì đột nhiên huyện Thư Trì báo vỡ đê Phú Chử. Perret, tuần phủ Phạm Văn Thụ và lục lộ đến thì chỗ vỡ đã to lắm rồi. Chỉ trong một ngày đã huy động được 10 vạn dân phu toàn tỉnh và điện lên Thống sứ Bắc Kỳ xin trợ cấp tiền gạo để hàn đê. Cách mấy hôm sau, nước lên mạnh quá, không thể đắp theo được nữa, mới chịu rút phu về đắp giữ quanh vòng thành phố. Tuần phủ kể lại trong tập Đàn Viên ký ức lục: “Quan Sứ thường ở các tỉnh thượng du, chưa từng thấy cảnh lụt lội. Lòng thương dân quá. Cứ kêu: Không biết dân họ ăn ở thế nào cho sống được.”

Đêm rằm tháng 7-1913, Perret tự bắn vào thái dương. Bác sĩ Caseaux lập biên bản, nói: Quan Sứ vì thương dân quá. Ba ngày đêm không ăn không ngủ, phát chứng điên, tự bắn mình chết.

Người bồi nói với Phạm Văn Thụ: Quan Sứ tiếp cơm quan Thống, xin các khoản điều tễ được cả. Duy khoản giảm thuế thì quan Thống không ưng. Xem ý quan Sứ lấy làm buồn. Nằm không yên. Gần sáng truyền đốt nến, viết bức thư để bàn quan Thống. Rồi lại đi nằm. Một lúc thì nghe tiếng súng nổ.

Nội dung bức thư ấy viết: “Tôi phụng mệnh về đây, cốt khai hóa cho tỉnh Thái Bình. Không giữ được đê Phú Chử, di hại cho dân. Xin chết thay cho dân Thái Bình.”

Hết thảy xa gần, nghe nói đều thương tiếc. Nhân dân Thái Bình đã xây miếu thờ ông ở thị xã Thái Bình và trên đê Phú Chử. Nay miếu không còn, nên lập bia tưởng niệm.


Q. A. (st)



Nguồn:
Tạp chí Xưa & Nay số 343 (11/2009).
Xem bản PDF tại Thư viện tài liệu miễn phí
.



Mời đọc thêm:
1. Ngài Công sứTruyện ngắn. Đức Hậu
- Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, 15 September, 2016.
2. Viên công sứ Pháp quyên sinh vì dân bị lụt ở Thái Bình - Giao Blog, 20/06/2013.