Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

Đêm cuối năm thương xót những phận người


Đêm cuối năm thương xót những phận người

Nguyễn Văn Luyện
(Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 4 – Thanh Hóa)


GD&TĐ - Thời khắc Giao thừa giữa năm mới và năm cũ, người người hân hoan tống cựu nghinh tân, những mong nàng xuân vui gõ cửa, nhà nhà đoàn tụ ấm êm.

Song đâu đó, còn ẩn khuất những cảnh đời trôi nổi, xót đau, ước mong sum vầy chỉ như món quà xa xỉ. Đọc lại câu chuyện về phận người “Tối ba mươi” của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam gần trăm năm về trước, nhân gian vẫn khắc khoải niềm thương, chan chứa những niềm đau.

Kiếp người ngựa
Danh thơm của Nguyễn Công Hoan tỏa sáng trên văn đàn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Trong công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc, Nguyễn Công Hoan thuộc thế hệ mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên, vững chắc cho sự phát triển bền vững về sau, nhất là văn xuôi. Nhắc đến ông, người ta nhắc đến một bậc thầy về truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại.

Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan tựa như một bức tranh đa diện về những trò đời tréo ngoe, cười đấy mà cay xót khôn nguôi cho kiếp nhân sinh. “Báo hiếu trả nghĩa cha”, “Báo hiếu trả nghĩa mẹ”, “Đồng hào có ma”, “Mất cái ví”, “Tinh thần thể dục”, “Kép Tư Bền”… là những tác phẩm hay, in đậm phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, mỗi truyện gắn với tình huống trào phúng bất ngờ, người ta phá lên cười, song ngẫm lại đau xót thương tâm bởi nghịch cảnh éo le, nghĩa nhân đảo lộn.

Đọc truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của Nguyễn Công Hoan, tôi băn khoăn tự hỏi, chẳng biết trong cái đêm ba mươi trớ trêu ngày xưa ấy, anh phu xe hay cô gái “ăn sương” mới là người đen đủi, không may? Suy đi ngẫm lại, chỉ biết rằng kẻ khốn, gặp người khổ, bi đát gặp nhau, cay đắng xiết bao. Ngòi bút hiện thực giúp nhà văn vẽ nên những cảnh đời cùng quẫn, cơ hàn trong xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mỗi trang văn, một kiếp người, ai cũng khốn khổ như ai.

Phận người ngựa lắm nỗi gian truân, anh phu xe gia cảnh thật trớ trêu, gánh nặng mưu sinh đè xuống cái lưng còng của gã đàn ông còm cõi mới thoát chết sau một trận ốm. “Bao nhiêu tiền của dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả”, thành thử, túng phải tính, mệt vẫn phải cố, anh cố “vay cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo ăn Tết”. Bởi thế, “tám giờ tối ba mươi Tết”, anh phu xe vẫn lang thang hết phố nọ, phố kia. Phường phố vắng vẻ, nhà nhà đóng cửa, gã kéo xe “đói” khách, từ chiều đến đêm mới được “hai hào chỉ”.

Dù cho “khách áo gấm, áo nhung đi nhan nhản ở đường”. Song, mời mỏi miệng cũng chả có ai lên xe, anh phu xe “lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong”, tiếng thở dài ngán ngẩm sao mà chua xót. Phận đời bấp bênh tội nghiệp biết bao. Buồn ngủ, gặp chiếu manh, phận “ngựa người” gặp thân “người ngựa”, ngỡ may mà hóa rủi, phận hẩm duyên ôi, nhọc thân mà lại mất thêm tiền. Đúng là đã rách lại thêm nát, túng còn thêm thiếu, hi vọng chưa kịp nhen, vụt tan như bong bóng xà phòng.

Lầm lũi trong đêm, lê bước nhọc nhằn, anh xe “phấn chấn” trong lòng nghĩ đến cái “doanh thu” đêm cuối năm: “Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín. Chín hào. Mở hàng ngay vào lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Năm mới đã phát tài!”. Nhà văn rất khéo mở ra cho anh phu xe nghèo khổ viễn cảnh thì thoáng chốc, anh ta rơi vào thảm cảnh: Mất trắng.

Câu nói của ả “ăn sương”: “Cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?” phơi bày sự thật, và khép lại đêm ba mươi đen đủi của anh kéo xe bằng cú lừa ngoạn mục. Vào nhà săm cửa trước, cô ả chuồn cửa sau, anh xe bị quỵt tiền, năm mới chưa kịp phát tài, chỉ thêm phát khổ, tay trắng rồi lại trắng tay. Thảm thương cho kiếp cu li, chẳng biết sau khi “móc túi lấy bao diêm đốt vía”, phận nghèo còn đeo đuổi anh không? Viết về phận “ngựa người”, sau tiếng cười vẫn là nỗi đau đời, thương đời của người cầm bút.

Người ta khổ, song còn một chốn để về thì chưa phải cùng đường. Anh phu xe trắng tay, đen đủi bị quỵt tiền nhưng còn vợ, còn con để sum họp đoàn viên dù đói nghèo túng thiếu. Cô ả “ăn sương”, kiếp “người ngựa” mới bi đát, khốn cùng. Chẳng biết, sau hành động vào nhà săn cửa trước, trốn cửa sau, cô ả sẽ đi đâu, về đâu? Vất vưởng, trôi dạt, chìm sâu trong tủi nhục, đắng cay? Bởi thế, phận “ngựa người” khổ, song kiếp “người ngựa” mới tủi nhục, đáng thương hơn gấp bội phần.

Đêm ba mươi, tiếng pháo đì đùng, nhà nhà đón Tết, cô gái phải đi kiếm ăn mà ế chỏng ế chơ, hết phố nọ, sang phố kia mà xôi hỏng, bỏng không, chẳng ma nào tìm đến. Cũng phải, đêm trừ tịch, ai đời nào lại tìm đến “món hàng” này để vui xuân. Kì thực, cô gái “ăn sương” này không định quỵt tiền của anh phu xe. Cô mong gặp khách, kiếm tiền để trả tiền. Chẳng may, gặp cái tối “xúi quẩy” đành trơ mặt, vậy thôi. Bất đắc dĩ, “con ngựa người, kéo con người ngựa”, con “người ngựa” không ai đoái hoài, khốn khổ như nhau, nên thành kẻ lọc lừa.

Mỗi trang văn, một cảnh đời, ngòi bút chân thực của Nguyễn Công Hoan đưa người đọc khám phá mảng tối của xã hội thị dân trước cách mạng, ở đó những kiếp “người ngựa - ngựa người” cứ lầm lũi trong đêm, tội nghiệp xót xa. Tiếng cười trào phúng bật lên ngay từ nhan đề, kết hợp với cách kể khôi hài, người đọc tủm tỉm cười, song ngẫm ngợi vẫn thương cảm, nhói đau. “Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch...”, anh phu xe “nghiến răng, cau mặt, thủng thẳng dắt xe đi”, cô gái bán hoa lẩn khuất nơi nào? Cuộc đời khổ nhục của kiếp người ngựa, ngựa người luôn ám ảnh trong ta mỗi độ xuân sang.

Một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Phận tha hương
Văn chương khơi nguồn từ trái tim sẽ đi đến những trái tim, người đọc sẽ nhớ mãi không quên. Hơn ba mươi tuổi đời, vẻn vẹn sáu năm cầm bút, những truyện ngắn khơi nguồn từ trái tim của Thạch Lam mang vẻ đẹp riêng, lãng mạn mà vẫn rất đời, chan chứa niềm thương, niềm đau. Dõi theo những thiên truyện của cây bút biệt tài, người ta mến yêu “Hai đứa trẻ”; cảm phục “Gió lạnh đầu mùa”; say mê “Dưới bóng hoàng lan”; cảm kích với “Cô hàng xén”... Với tôi, mỗi truyện đều có dư vị riêng, song ấn tượng vẫn là “Tối ba mươi”, câu chuyện giản dị mà ám ảnh về phận người tha hương trong thời khắc Tết đến, xuân về.

Ngẫm về thiên chức của người cầm bút, ai đó đã sẻ chia một quan niệm chí tình, chí lí: “Nhà văn có thể viết về bóng tối, nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng”. Thiên truyện diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đêm ba mươi; không gian là một căn buồng nhà “săm”, ẩm ướt, nhếch nhác, bẩn thỉu, ô uế: “Cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn, cái thau gỉ, cái bô, và cái bàn gỗ rửa mặt gỗ đã mọt”.

Đó là khung cảnh của cuộc đời trụy lạc của hai cô gái bỏ quê, lên phố sống đời tha hương, Huệ và Liên. Đêm cuối năm, quãng phố hẹp vắng teo, cái se lạnh của ngoài trời thấm cả vào lòng người, “ngoài đường trời hẳn còn mưa, mưa buồn rầu và âm thầm trong bóng tối”, hai cuộc đời trơ trọi bám víu nhau trong nỗi hờn tủi, đắng cay.

Mỗi người một cảnh, họ vùi chôn đời mình trong cảnh ngộ tha hương. Huệ, mẹ chết, cha lấy vợ khác, không biết ở đâu, bảy tám năm không về làng, đêm cuối năm nàng vùi mình vào giấc ngủ trong căn buồng nhà “săm” lạnh lẽo. Đôi mắt “lờ đờ”, “nét mặt mệt mỏi”, “chút nước mắt rơm rớm ở hàng mi” của Huệ gợi bao nỗi ưu tư, “tâm hồn u ám, nặng trĩu”, cuộc đời “trụy lạc” rồi sẽ đi đâu, về đâu? Có nơi đi chẳng còn chốn trở về, kí ức đẹp nhất với Huệ còn lại chỉ là chút kí ức buổi sáng mồng một Tết năm nào, nàng không nhớ rõ.

Trong truyện, Huệ khổ, Liên thậm chí khổ hơn, “còn cha mẹ nhưng không dám về”. So với vẻ “bất cần” của Huệ, Liên chu tất, mạnh mẽ hơn, mấy thứ đồ ăn mua vội mua vàng ngoài phố chống đói cho mấy ngày Tết, sửa soạn cúng Giao thừa, an ủi động viên Huệ… nhưng cố tỏ ra can đảm thì lại càng mềm yếu, gắng gượng vượt lên cay đắng lại dưng đầy.

Với Liên, khoảnh khắc “tiến đến bàn thờ, đứng yên”, nghẹn ngào “biết khấn sao bây giờ” quả là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Thạch Lam thật tinh tế phát hiện chuyển biến tinh vi trong tâm hồn Liên: “Nàng bỗng nấc lên, rung động cả vai rồi gục xuống ghế, tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mi mắt, nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mang tràn ngập cả người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những mong ước tuổi trẻ, những thất vọng chán chường”.

Tiếng khóc tủi hờn, tiếng khóc thổn thức, tiếng khóc đắng cay của một kiếp tha hương, sống trong nhục nhã ê chề. Tiếng khóc tiếc cho mong ước tuổi trẻ đã vùi chôn, tiếng khóc cho năm mới, và cả những tháng ngày trước mắt nổi chìm, phiêu dạt. Đặc biệt, tiếng khóc ấy trở thành “Sợi tóc” mong manh níu giữ phần thiện, phần lương tri còn sót lại của cô gái giang hồ bán thân nuôi miếng. Xót đau cùng tiếng khóc của Liên, của Huệ trong đêm ba mươi đượm buồn, lạnh lẽo, bất chợt tôi nhớ đến cái “giật mình mình lại thương mình xót xa” của nàng Kiều “khi tỉnh rượu lúc tàn canh” trong kiệt tác của Nguyễn Du.

Thì ra, con người dẫu cùng cực, dẫu trôi nổi, muôn đắng ngàn cay thì phần Người vẫn sẽ còn vương sót, thiên tâm có thể bị vùi chôn nhưng không thể biến đi. Quan trọng là hoàn cảnh, cuộc sống có đủ khả năng lay tỉnh, giữ vững thiện lương của con người hay không?

Viết về phận đời tha hương của hai cô gái nhà quê bỏ lên phố sống đời “trụy lạc”, ngòi bút nhân đạo của Thạch Lam đâu chỉ cảm thương, mà quan trọng hơn nhà văn đã gửi gắm một niềm tin bất diệt vào bản tính lương thiện của con người. Niềm tin đó giúp ông phát hiện, tìm được ánh sáng trong “Những linh hồn chết”.

Kí ức về “căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật” của Huệ, giọt nước mắt tủi cực của Liên… sẽ mãi mãi là “thanh âm trong trẻo” giữa cuộc đời chìm nổi, tối tăm. Sinh thời, Thạch Lam chiêm nghiệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”.

Với truyện ngắn “Tối ba mươi”, dường như nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút. Viết về bóng tối, ông hướng con người khổ tìm đến ánh sáng, lay tỉnh tâm hồn, đánh thức lương tri. Câu chuyện về Huệ, về Liên khép lại, nhân gian hiểu thấu bài học sâu sắc, đừng buông thả, đánh mất mình để không bao giờ rơi vào nghịch cảnh trớ trêu, nước mắt sẽ không rơi trong khoảnh khắc nhói đau.

Trang văn rất đời và rất tình
Xuân đang gõ cửa muôn nơi, lòng người hân hoan cùng mai đào khoe sắc. Đọc truyện của hai cây bút “Vang bóng một thời”, ta thầm nghĩ về sức sống bất diệt của văn chương chân chính.
“Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”
(Nguyễn Văn Siêu).

Có thể khẳng định, những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam đích thực là áng văn chân chính “đáng thờ”, bởi những câu chuyện rất đời, rất tình đó đâu chỉ cần cho hôm qua, hôm nay, mà còn cả mai sau. Góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn học đầu thế kỉ XX, những truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, truyện ngắn trữ tình giàu chất thơ của Thạch Lam mãi để thương để nhớ trong trái tim người đọc, góp phần vang danh những cây bút tài năng của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Cuộc sống luôn là một bức tranh đa diện, bóng tối đồng hành cùng ánh sáng; no đủ, an vui đi bên cực nhọc, đắng cay. Những kiếp “người ngựa - ngựa người”, phận tha hương vẫn ẩn khuất đâu đây trên vạn dặm đường đời. Chỉ mong, sự đời đổi thay, nhân sinh nước mắt vơi đi, nụ cười nhiều lên cho đong đầy hạnh phúc. “Ngoài kia pháo hoa rộn khắp nơi. Cùng nhau đón Giao thừa đang tới. Bình minh vẫy tay chào ngày mới. Trong con tim tôi nghe những yêu thương tràn về...”.


Nguyễn Văn Luyện







Những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyễn Công Hoan.