Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

“MÀY “ TRONG TIẾNG VIỆT


“MÀY “ TRONG TIẾNG VIỆT

Lê Kiều




MÀY không chỉ đơn thuần là một đại từ cho ngôi thứ Hai thông thường hoặc xưng hô tình bạn thân mật, mà cách sử dụng còn rất biến hoá.
*MÀY (trong truyện ngắn “Mua lợn, 1939“ của Nhà văn Nguyễn công Hoan), Ông dùng chữ MÀY hay lắm, miêu tả sinh động tính cách rởm: LỐ LĂNG, LỐ BỊCH, HỖN LÁO của một “BÀ LỚN“ (Đại diện cho không ít trưởng giả học làm sang):
…Bà lớn đi hết dãy hàng Lợn môt lượt rồi quay lại, hỏi:
”Con lợn này MÀY xin bao nhiêu?”
Anh Mân đứng dậy, gãi tai, đáp:
“Lạy bà lớn ban cho con sáu đồng“ Bà lớn bĩu môi, không đáp, rồi đi thẳng. Anh Mân trông theo, ngẫm nghĩ mà nực cười tiếng “xin“ của bà lớn và tiếng “ban“ của anh.
Bà lớn đi vài bước, đứng trước một ông lão râu tóc bạc phơ. Anh Mâu nghe rõ ràng tiếng hỏi:
”Con lợn này MÀY xin bao nhiêu?“
Anh Mâu bật cười về tiếng “MÀY“của một người trẻ tuổi gọi một người khác già bằng hạng bố đẻ. Hàng bố cu mẹ đĩ như hạng anh còn nói năng lễ phép tử tế hơn.
Bỗng bà lớn đi trở lại, đến chỗ anh Mân. Bà dừng chân ngắm kỹ con lợn ban nãy, rồi hỏi:
“Vừa rồi MÀY xin bao nhiêu?”
Anh Mân khoanh tay trả lời:
”Lạy bà lớn, sáu đồng ạ“
…..

MÀY TRONG CÂU CHỬI
Sinh thời, Mẹ tôi kể một câu chuyện hay và buồn cười:
Ở làng BĂT (Vân đình) có hai người đàn bà chửi nhau suốt ngày đêm, xóm làng khó chịu quá mới nhờ Lý trưởng can thiệp. Ông này đến quan sát một lúc rồi gọi hai người đàn bà hỏi: “Chúng mày còn muốn chửi nữa không?“. Cả hai đều lồng lộn xắn váy quai cồng, hăng máu kêu: “Thưa ông Lý, tôi muốn đào mả cha nhà nó lên ấy chứ, chửi đến khi nào bật cả mồ mả tổ tiên, ông bà nhà nó lên mới thôi“.
Lý trưởng biết không ngăn được nên nghĩ ra mẹo: “Được rồi, ông cho hai đứa tha hồ chửi nhau, nhưng khi chửi không được nói đụng chạm đến Tổ tiên, ông bà, bố mẹ, anh em…”
Hai mụ tưởng bở, định chửi nhưng cứ há mồm ra lại không chửi được (vì trong câu chửi không được có Tổ tiên, ông bà…), cho nên chỉ có thể chửi: “Chém MÀY, giết MÀY, trời chu đât diệt MÀY…”, và cuộc chiến lại bất phân thắng bại.

Việc đến tai lý trưởng, ông ta lại đến, vẫn bằng lòng cho hai người tiếp tục “chiến đấu“, nhưng ra mệnh lệnh mới: “Bây giờ chửi nhưng không được có chữ MÀY. Đứa nào vi phạm, làng sẽ bắt vạ, nghe không?“
Hai mụ tưởng bở, định “quyêt chiến cho đến thắng lợi cuối cùng“, nhưng không sao chửi được, vì định chửi thì y như “Hà miệng mắc quai“ bởi chữ MÀY, đành chịu “Giảng HUỀ“.

Khen thay cho ông Lý trưởng đã không dùng uy quyền cấm đoán, mà rất tinh khôn xử trí, bắt “Tâm phục khẩu phục“.


Và tiếng MÀY, dùng để Mắng trong giai thoại sau:
Có một vị tướng nước ta đến một nước nọ. Họ có “thiện chí“ mời ông đến ngôi đền có tượng thờ một nhân vật, với ý đồ xấu). Ông thừa hiểu lòng dạ tiểu nhân. Với khẩu khí Tướng quân của dân tộc Việt nam, ông đã ung dung “nhã nhặn“ đọc hai câu thơ sảng khoái đầy khí phách để đáp lại cái “Xỏ lá“

“Trăm năm mới có một ngày
Ngàn năm mới thấy mặt MÀY ở đây!”

Ông kiêu hãnh Mắng kẻ thù là MÀY, tỏ vẻ khinh bỉ, Họ biết, bầm gan tím ruột nhưng không làm gì được, vì ông đã khéo léo đặt chữ MÀY (đại từ) ở sau chữ MẶT, lồng ghép thành Danh từ (Lời mắng rất nặng, nghe vẫn thanh thoát, và… lịch sự!).

***


Nếu dùng tiếng Pháp (Vous, Tu), tiếng Anh (You), đều có nghĩa Ông, bà anh chị …nhưng không khẳng định được hàm ý chữ MÀY theo ba ý trên đây. Ngôn ngữ Việt nam minh tinh tế, phong phú và hay biết bao nhiêu. Dân ta hạnh phúc vì sở hữu chữ viết theo ký tự La tinh, có lẽ (tôi nói có lẽ) đã may mắn hơn rất nhiều dân tộc khác như Nhật bản, Trung quốc, Hàn quốc … vẫn phải sử dụng chữ tượng hình. Chúng ta hãy loại bỏ những rác rưởi vẫn còn đâu đó trên các trang viết để tiếng Việt ngày một thêm trong sáng.


Lê Kiều



Giọng điệu trần thuật - Dấu ấn chuyên biệt trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan


Giọng điệu trần thuật - Dấu ấn chuyên biệt trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Thị Huệ
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quận Hoàng Mai - Hà Nội


Tóm tắt: Bài viết vận dụng lý thuyết ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật để phân tích, so sánh, đánh giá sự độc đáo, hấp dẫn trong phát huy khả năng diễn đạt của tiếng nói dân tộc như một nét duyên tạo nên phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nói riêng, truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nói chung. Nghiên cứu giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là vấn đề có ý nghĩa lí luận - lịch sử cấp thiết nhằm làm nổi bật những đóng góp quan trọng của nhà văn không chỉ cho nền văn học nước nhà giai đoạn 30-45 mà còn khẳng định những đóng góp quan trọng của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn này.
Từ khoá: Ngôn ngữ, trần thuật, giọng điệu

Nhận bài ngày 22.1.2019; gửi phản biện, chỉnh sửa, duyệt đăng ngày 21.2.2019
Liên hệ tác giả: Nguyễn Thị Huệ; Email: huehue1167@gmail.com





1. MỞ ĐẦU

Trong “Đời viết văn của tôi”, Nguyễn Công Hoan từng bộc bạch:
“Tôi đặt nhiều công phu vào việc viết truyện ngắn, chứ không phải vào việc viết truyện dài. Tôi chỉ viết truyện dài khi nào tôi lười đi tìm đề tài để viết truyện ngắn”.
Ngay lập tức, văn đàn đã coi đó là lời tuyên ngôn của Nguyễn Công Hoan và tập trung sự chú ý nhiều hơn vào các truyện ngắn của ông. Và cũng ngay tại thời điểm những năm 1930-1945, Nguyễn Công Hoan đã là một trong năm cây bút có tên tuổi nhất, vững vàng nhất góp phần định hình dòng văn học hiện thực phê phán. Gần 70 năm đã trôi qua, nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời,
sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Hoan đã được thực hiện, công bố rộng rãi, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu riêng nào về giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn của nhà văn. Có thể nói giọng điệu trần thuật được nhà văn sử dụng như một lưỡi dao sắc bén nhằm vạch trần những hỉ, nộ, ái, ố của chế độ thực dân nửa phong kiến thối nát đương thời, xen lẫn trong đó là tiếng thở dài, đồng cam cộng khổ với tầng lớp dân nghèo và mong muốn, khích lệ họ đứng lên đấu tranh đòi quyền sống. Đây không chỉ là những viên gạch được nung nóng, làm thức dậy chủ nghĩa yêu nước trong văn học, mà còn cho thấy sự nhập cuộc - “nhận đường” của nhà văn trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.






2. NỘI DUNG
2.1. Giọng điệu tác giả - người trần thuật

Giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu, tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ca ngợi hay châm biếm ...(...). Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc” [1; tr.134].

Giọng điệu thể hiện phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn trong sáng tác. Giọng điệu gắn với tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật chủ đạo của nhà văn, chi phối giọng điệu trần thuật của tác giả và hệ thống nhân vật. Tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật của nhà văn càng phong phú thì giọng điệu trong tác phẩm càng đa dạng. Giọng điệu thể hiện thái độ tình cảm, tư thế của người nói, do đó có tác dụng rất lớn trong việc tạo dựng hình tượng tác giả trong nghệ thuật. Có giọng điệu nhiệt huyết hùng hồn; có giọng điệu thâm trầm tinh tế, có giọng điệu giễu nhại, châm biếm sâu cay Giọng điệu thường thể hiện ở cách xưng hô, ở cách dùng từ ngữ, ở cấu tạo câu văn dài ngắn, có ít hay nhiều mệnh đề phụ, có ít nhiều lớp từ, cách cấu trúc câu. Theo nhà văn Nga Tuốcghênhép thì cái quan trọng trong tài năng nhà văn và trong bất kỳ tài năng nào chính là việc họ có tạo ra được “tiếng nói của mình” hay không?

Các nhà văn, nhà thơ thuộc các trào lưu, trường phái khác nhau cũng có giọng điệu khác nhau. Giọng điệu của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo trong nhóm “Tự lực văn đoàn” hoàn toàn khác các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng Thế giới quan và các nguyên tắc sáng tạo của các trào lưu, trường phái là yếu tố chính, song bản thân tài năng, phong cách của các nhà văn cũng tạo nên sự đa dạng, khác biệt này. Cùng là nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 30-45, cùng sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết, cùng hướng vào việc miêu tả hiện thực đời sống, song mỗi nhà văn, trong đó có Nguyễn Công Hoan, đều có sự mới lạ, độc đáo riêng.

Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đánh dấu một bước cách tân quan trọng, nó đã đạt được sự phức điệu hóa. Ông thường kể theo nhiều quan điểm và giọng điệu khác nhau: giọng điệu của tác giả - người trần thuật; giọng điệu của nhân vật; giọng điệu nước đôi nửa tác giả nửa nhân vật Song dù là giọng điệu nào thì cũng đều thể hiện nét giễu cợt, châm biếm, hài hước kiểu Nguyễn Công Hoan. Dưới đây chúng tôi chỉ xin điểm qua về giọng điệu tác giả - người trần thuật và giọng điệu của các nhân vật.

Nổi bật nhất trong giọng điệu tác giả - người trần thuật là giọng giễu nhại. Với quan niệm “Đời là một sân khấu hài kịch”, “Đời đã hóa ra con mụ chửa hoang đẻ bậy, sinh non ra toàn những hạng hoặc mất dạy hoặc đói cơm” (Một tấm gương sáng), Nguyễn Công Hoan đã tạo nên trong tác phẩm của mình một thứ ngôn ngữ đậm chất trào phúng với hai giọng điệu chủ yếu là giễu nhạihài hước. Giễu nhại theo quan điểm của M.Bakhtin, là “Nói bằng giọng của kẻ khác” nhưng “đưa vào lời nói đó một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng của lời người đó. Giọng thứ hai sau khi chuyển vào trong lời nói của người khác thì xung đột thù địch với chủ nhân vốn có của nó và buộc nó phục vụ trực tiếp cho các mục đích đối lập của mình. Lời nói trở thành vũ đài vật lộn của hai giọng” [3]. Với giọng giễu nhại này, mỗi truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan thường là một màn kịch, nhân vật là kẻ làm trò, nghĩa là đóng những vai hề. Vì thế, lối trần thuật luôn có giọng giễu nhại. Bằng biện pháp giễu nhại, tác giả có thể hạ bệ, đánh đổ tất cả những gì gọi là trang nghiêm, lột cái lớp sơn hào nhoáng để chỉ ra cái giả tạo, cái bộ mặt thật, cái lố bịch đáng cười nhất. Giễu nhại là một trong những thủ pháp quan trọng trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan để tạo ra một “thế giới lộn ngược”.

Bằng giọng giễu nhại, Nguyễn Công Hoan đã biến tất cả những gì có vẻ trang nghiêm, đóng vai trang nghiêm, tỏ ra đạo mạo thành trò cười bằng cách mô phỏng một cách hài hước lời nói, giọng điệu của một nhân vật, một loại người hoặc phong cách ngôn ngữ của một tầng lớp xã hội nào đấy. Nguyễn Công Hoan giễu nhại tất cả mọi thứ, mà theo quan niệm của ông, là “sản phẩm” xấu xa hư hỏng của xã hội thực dân phong kiến. Có truyện nhại ngay từ tiêu đề: “Vui vẻ trẻ trung” là nhại phong trào mà Tự lực văn đoàn ra sức cổ động, “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” là nhại một câu trong Truyện Kiều. Có những truyện nhại phong cách, nhại văn hành chính công vụ (Tinh thần thể dục, Chính sách thân dân), có truyện nhại giọng cải luơng (Anh Xẩm), nhại giọng hát tuồng (Đào kép mới), nhại văn biền ngẫu (Thế là mợ nó đi Tây), có khi nhại cả văn cáo phó (Báo hiếu, Trả nghĩa mẹ), nhại văn trinh thám (Cái lò gạch bí mật) Nhà văn nhại đủ loại các phong cách, giọng điệu của đời sống, ví như giễu nhại ngôn ngữ phường tuồng trong Đào kép mới:
“Dạ, thậm cấp, thậm cấp, chí nguy, chí nguy! Quân nước Phiên đã kéo đến Lâm Truy, cách kinh kỳ có ba kilomet”.
Giễu nhại ngôn ngữ của giới thượng lưu trí thức thời Tây trong “Cái ví ấy của ai”:
“Chớ khinh lui, lui nhảy không sai nhịp, mà lại đưa cavalière nhẹ nhàng mà sinh lắng. Moi vẫn chịu lui cái lối vừa nhảy vừa trò chuyện tự nhiên. Rồi toi nhận mà xem, vai lui rất thẳng, không động đậy, tay cũng vậy, chân đi khép, êm ái mà không bao giờ đụng chân vào cavalière”,
nhại giọng nhõng nhẽo của những tiểu thư nhà giàu (Nỗi lòng ai tỏ); nhại ngôn ngữ nhà giáo (Thầy cáu)

Đôi khi yếu tố nhại ấy lại được người trần thuật ghi lại bằng chính giọng mình, bằng cách xưng “tôi”:
“Trong khi đi đường tai ông không lúc nào ngớt nghe ca tụng và luôn luôn ông đắc chí, vì ông Sứ đã vô tình làm bữa cỗ cho ông xơi” (Phúc tinh).
Trong những trường hợp như trên, lời văn giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đã kéo những gì nghiêm túc, cao cả xuống thành cái tầm thường, bóc trần cái lớp son phấn bên ngoài hào nhoáng, phơi bày ra những cái giả dối, lố bịch thật đáng cười.

Ngoài giễu nhại, Nguyễn Công Hoan còn sử dụng có hiệu quả giọng hài hước mỉa mai. Tác giả mỉa mai một cô gái “mới” đua đòi ăn diện:
“Kếu là nghĩa thế nào? Nghĩ bao nhiêu, cô lại oán cha trách mẹ, không đặt cho cô cái tên mỹ miều. Mà chữ Nho, mà thiếu gì tiếng hay, sao cô chịu mang mãi cái tên nôm na xấu xí ấy mãi. Nhất là khi đi ngoài phố, hay ở chỗ đông người, mà mẹ cô gọi: Kếu ơi! Thì cô đỏ mặt tía tai, hậm hực lấy làm ngượng quá!... Cái tên đã là “Ka êu sắc”, mà ăn mặc lại lối cổ! Ấy thế mà cũng mang tiếng là con gái Hàng Đào!...” (Cô Kếu, gái tân thời).
Mở đầu truyện ngắn “Đồng hào có ma”, tác giả bộc lộ rõ cái giọng hài hước pha với châm biếm. Ngay khi vào truyện, Nguyễn Công Hoan vừa miêu tả ngoại hình, vừa bình luận, vừa “hồn nhiên” phơi bày, tố cáo bản chất tham lam, độc ác, thói ti tiện, hống hách, ngang ngược của tên tri huyện:
“Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai. Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả? Thì đấy, các ngài cứ nhìn ông huyện Hinh, hẳn cái ngài phải chịu ngay rằng tôi không nói đùa.

Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: “Nhờ bóng quan lớn”, là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. Bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội “làm rối cuộc trị an”. Thế là việc công việc tư, ông đều được trọn vẹn. Vì không những ông được hả giận, lại còn được tiếng mẫn cán là khác nữa”.
Chính cái giọng hài hước, mỉa mai châm biếm này đã góp phần phơi bày “chân tướng” của huyện Hinh mà không cần dùng đến nhiều chi tiết cụ thể miêu tả ngoại hình hay những hành động thị uy, tiểu nhân thâm độc, hại người của hắn.

Một trong những giọng điệu được cho là riêng, mới lạ của Nguyễn Công Hoan so với các nhà văn hiện thực phê phán cùng thời là giọng suồng sã bông lơn. Theo M.Bakhtin:
“Tất cả những cái gì nực cười đều gần gũi Tiếng cười có sức mạnh tuyệt vời kéo đối tượng lại gần, tiếng cười lôi cuốn đối tượng vào khu vực tiếp xúc thân mật đến thô bạo, ở đó có thể suồng sã, sờ mó nó từ khắp phía”.
Giọng điệu suồng sã của Nguyễn Công Hoan, xét đến cùng, bắt nguồn từ quan niệm về nhân sinh và nghệ thuật của ông. Cũng như nhà văn Pháp H.de.Balzac, ông quan niệm xã hội chỉ là một tấn trò đời, với những tấn kịch, trò hề, nhơ bẩn đểu cáng xỏ xiên, cần gì đến thứ văn chương đạo mạo, lễ nghĩa, sang trọng, bóng bẩy. Đối với ông, trong xã hội đương thời không có sự phân biệt cao cả, thấp hèn, trang trọng, thông tục. Văn ông muốn lột trần tất cả để thấy ai cũng như ai. Do đó mà nhiều từ Hán Việt, nhiều cách nói, diễn tả, thể hiện văn vẻ, cầu kì vốn chỉ để diễn tả sự vật hiện tượng với sắc thái trang trọng trong văn ông lại dùng để gây cười. Trong truyện Thầy cáu, tác giả viết:
“Lắm đứa sợ thầy đánh, hoặc vô ý không biết, cứ đưa cả vào lớp cho thầy và bạn hưởng chung cái tác phẩm của nhà soạn nhạc ẩn danh”.
“Tác phẩm” của “nhà soạn nhạc ẩn danh” là cái gì? “Tác phẩm” thực chất là mùi thối đã làm náo loạn lớp đồng ấu của “nhà soạn nhạc ẩn danh” tức là ông thầy. Nếu nói theo kiểu thông tục: “Lắm đứa sợ thầy đánh hoặc sơ ý không biết, cứ đưa cả vào lớp cho thầy và bạn hưởng chung cái mùi thối”, thì đâu còn là suồng sã bông lơn, đâu còn là Nguyễn Công Hoan?!

Với giọng suồng sã, bông lơn ấy, trong Thịt người chết, nhà văn viết:
“Thì lúc ấy, trên bờ đồng, quan huyện tư pháp là một, cụ lục sự là hai, cậu lính lệ là ba, cùng trịnh trọng làm việc và cùng trịnh trọng khạc nhổ”.
Từ “trịnh trọng” (Hán Việt) và từ “khạc nhổ” (thuần Việt) đi cạnh nhau không hợp nhau về ngữ nghĩa. Vì “khạc nhổ” chẳng có gì là “trịnh trọng” cả. Sự đối lập về sắc thái ý nghĩa này không chỉ làm bật lên tiếng cười hài hước, bông phèng mà còn là sự mỉa mai về cách “làm việc” của vị “quan huyện tư pháp”.
Theo tác giả Nguyễn Thái Hoà, trong các giọng điệu thường thấy ở truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, thì:
“Giọng hài hước là chủ đạo, giọng hài hước là bất biến ngay cả khi không có gì đáng cười, thậm chỉ là cả khi mọi người cho là nghiêm túc nhất”.

Tất nhiên ở đây hài hước chỉ là trên bề mặt, còn dư vị đằng sau là nước mắt. Tiếng cười hài hước bông lơn không đối lập hay tách biệt với chất châm biếm sâu cay, nên đôi khi ngay cả lúc cười cợt vui vẻ, tiếng cười của Nguyễn Công Hoan cũng thấm đẫm ở tầng sâu những lớp nền móng nhân sinh và nỗi đau đời thấm thía. Chẳng hạn trong Cái Tết của những nhà đại văn hào, Nguyễn Công Hoan viết:
“Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học thế giới. Chúng ta nghèo, vì có bao nhiêu ở trong tim óc, chúng ta trút cả ra hết để làm giàu cho tim óc thiên hạ”.
Khi đùa cợt “Cái Tết của những nhà đại văn hào”, Nguyễn Công Hoan đã ngầm chế giễu, phê phán xã hội kim tiền náo loạn, coi thường tài năng nhân cách con người, lưu đầy thân phận người nghệ sĩ vào kiếp “áo cơm ghì sát đất”. Càng cố tự huyễn hoặc cảnh nghèo của mình bằng việc ta đây đang gánh vác một sứ mệnh cao cả, càng cố tỏ ra “khinh mạn” những cái tầm thường bao nhiêu, thực cảnh của các “nhà đại văn hào” càng thê thảm bấy nhiêu.

Ta có thể thấy nhiều ví dụ tương tự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Tuy vậy, xét ở khía cạnh tự trào thì giọng suồng sã bông lơn vẫn có cái “vô tư” của nó. Nó là tiếng cười sảng khoái, thoải mái nhất trong “thoáng chốc” của con người giữa cái hỗn độn, trong đục đảo điên đầy dữ dội, phức tạp của thời cuộc, cuộc đời. Cái “thoáng chốc” này góp phần xoa dịu những nỗi đau nhân thế hoặc khiến người ta có một “điểm dừng”, “khoảng lặng” cần thiết đủ để thấm thía hơn và điềm tĩnh, thăng bằng hơn khi đối mặt với những nỗi đau đó. Ngô Tất Tố, Nam Cao trong các truyện ngắn cũng có giọng điệu này, song có thể nói ở Nguyễn Công Hoan, nó rõ rệt hơn cả.



2.2. Giọng điệu nhân vật

Cũng như các nhà văn hiện thực phê phán khác đương thời, Nguyễn Công Hoan am hiểu khá thấu đáo, tường tận các mâu thuẫn, xung đột xã hội, đặc biệt đời sống lầm than, khổ cực của tầng lớp bình dân, những người yếu thế, bị chà đạp áp bức. Mỗi truyện ngắn của ông là một lát cắt của cuộc sống, chứa đựng những số phận, những cảnh đời trớ trêu, hẩm hiu, cả đáng thương, đáng trách, đáng cười.

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đều xoay quanh sự đối chọi giữa kẻ giàu và người nghèo. Một loại người “ăn trên ngồi trốc” hống hách quyền uy và loại người kia đói khổ bần hàn, suốt đời vất vả lam lũ.
Theo quan niệm của nhà văn, xã hội chỉ có một sự phân biệt duy nhất là “giàu”“nghèo”, kẻ áp bức bóc lột và người bị áp bức bóc lột. Tất cả các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan tựu trung, có thể phân thành hai loại như trên. Giàu có đủ các mặt xấu xa “vi phú bất nhân”. Nghèo do sự rút rỉa, bóc lột của bọn nhà giàu nên phải chịu số phận hẩm hiu cơ cực. Kẻ giàu sang, có quyền thế thì hống hách vô lương; người nghèo hèn thấp cổ bé họng thì không dám ăn dám nói. Diện mạo và mối quan hệ đối lập ấy được thể hiện qua giọng điệu, hành vi của các nhân vật nhà văn miêu tả như một chủ ý khắc họa tính cách.



2.2.1. Giọng điệu của những kẻ giàu có, quyền thế

Giọng điệu của những kẻ giàu, quyền thế thường hách dịch, thô tục, trắng trợn, đúng như bản chất tham lam, bất lương của chúng. Đây là giọng quát nạt của viên tri huyện, mắng thuộc hạ khi tên này không có tiền lễ tết quan:
“Mày kêu mày túng? Mày túng thì ông cách cổ mày đi cho thằng khác làm. Đồ ba que!”.
Ở một truyện ngắn khác, giọng điệu quát nạt mắng mỏ này lại chuyển sang dỗ dành ngọt nhạt, giả ân giả nghĩa khi thấy đĩa tiền ở góc bàn:
“Đấy, các thầy chỉ được cái nghề nói dối quan là tài. Từ nay không nên thế. Thôi được, có lòng thành, ta cảm ơn” (Gánh khoai lang).
Còn đây là khẩu khí của viên lý trưởng thúc giục đám dân làng Ngũ Vọng đi xem bóng đá:
“Hễ đứa nào láo, cứ đánh sặc tiết chúng nó ra, tội vạ ông chịu. Mẹ bố chúng nó! Việc quan thế này có chết cha người ta không. Chúng bay gô cổ cả, giải cho được ra đây cho ông!... Chín mươi tư thằng ở đây xếp hàng năm lại, đi cho đều bước. Tuần chúng bay phải kèm chúng quanh giúp tao. Đứa nào bỏ trốn về thì ông bảo Mẹ bố chúng nó, cho đi xem bóng đá chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc!” (Tinh thần thể dục).
Nói là vận động, nhưng thực chất là cuộc bắt người, truy lùng ráo riết để có đủ số người đi xem. Giọng điệu ấy, ngôn từ và hành động ấy chẳng khác nào kẻ cục súc, vô học, lỗ mãng, nhưng lại phát ra từ “miệng quan”, mà người xưa thì đã nói “miệng quan trôn trẻ”.

Trong truyện Hé! Hé! Hé!, giọng điệu ngọt xớt, đon đả của bà lớn Tuần khi giả lả với vợ chánh tổng Đồng Quân thật điêu trá, đáng sợ:
“Chỗ chị em, chả nên giấu diếm nhau. Tôi vừa có dăm nghìn, lại tậu cái đất trên Hà Nội để làm nhà cho khách chạy loạn thuê mất rồi. Bây giờ chỉ còn dăm chục để ăn từ nay đến cuối tháng.
Bà chị cho đong chịu hãy nhận lời, tôi nhận đong thóc của bà chị một nghìn đồng bạc thóc, nhưng tôi hãy cứ gửi bà chị ở nhà đấy”.
Kế sách của bà lớn là đong thóc chịu, lại để ngay tại nhà chủ, chờ giá thóc lên cao lại nhờ bán và mang tiền đưa cho mình. Vậy là không mất công, không mất sức mà vẫn lãi lớn, “một vốn bốn lời”. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện làm ăn, buôn bán của những kẻ lắm tiền nhiều của, sống dựa vào sự bóc lột, bòn rút xương máu của những người lao động, mà còn là câu chuyện về vị thế, uy quyền của những kẻ bậc trên. Nhà chánh tổng Đồng Quân biết thừa kế sách đó, rất căm tức, nhưng cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nén chịu thua thiệt. Như thế, chỉ qua giọng điệu của nhân vật, người đọc cũng đủ hình dung được sự tham lam, giả trá của bọn người quyền thế trong cái xã hội nhiễu nhương, hỗn loạn, mục ruỗng, “cá lớn nuốt cá bé” ngấm ngầm đương thời.

Những kẻ giàu có, quyền thế đương thời thường độc ác, nhẫn tâm, thậm chí còn bất nhân bất nghĩa với chính cha mẹ đẻ của mình. Trong truyện Báo hiếu, trả nghĩa cha, gã tư sản giàu có còn đuổi mẹ, cấm không cho mẹ ra cửa:
“Tôi đã cấm bà không được ra đây kia mà. Đã một lần trước rồi, mà không chừa! Bà không biết để sĩ diện cho tôi! Đây này, bà cầm lấy! Bà về đi! Mặc kệ bà! Bà về ngay bây giờ! Mới có hơn bảy giờ, còn sớm!”.
Trong truyện Răng con chó nhà tư sản, gã nhà giàu nọ coi con vật còn hơn mạng sống của con người. Người ăn mày chẳng may đánh gẫy răng con chó của hắn, mà hắn sẵn sàng “kẹp cho mày chết tươi. Ông đền mạng, bất quá ba chục bạc là cùng!”. Có thể nói, chỉ qua một số ngôn từ, giọng điệu, khẩu khí trên, người đọc đã thấy được bản chất phi nhân tính của những gã tư sản rởm đời, và cho thấy giá trị và số phận bi thảm của những người nghèo trong xã hội đồng tiền.




2.2.2. Giọng điệu của những kẻ nghèo hèn

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan hết sức phong phú, đa dạng, gồm đủ mặt các loại người, với đủ các nghề nghiệp khác nhau: Nông dân, địa chủ, lí dịch, cường hào, nghị thiện, quan lại Tất cả họp lại một bức tranh đời khá nhiều màu sắc, một tấn trò đời với nhiều cung bậc khác nhau của tình cảm. Trong truyện Người ngựa và ngựa người, giọng điệu khẩn khoản của anh phu xe rách rưới khi chào mời khách lên xe ban đầu rất thật:
“Thưa bà, xe ngày tết vẫn thế, vả lại, bây giờ còn ai mà kén nữa, bà mà trả rẻ thế. Con kéo một chuyến, rồi cũng đi trả xe, về ăn tết đây!”.

Nhưng đến khi khách không có tiền trả thì giọng điệu của anh đã thay đổi, thay vào lời thưa gửi nhỏ nhẹ, anh đã gay gắt và nói trống không:
“không có tiền, cũng leo lên xe mà ngồi, chỉ sĩ diện hão thôi, lại còn tí tách hạt dưa, với phì phèo thuốc lá mà không biết ngượng!”.

Còn đây là lời đáp lại của cô gái giang hồ, khi gọi xe thì lên giọng bà chủ:
“Hai hào là đắt rồi, ngày dưng chỉ có hào rưỡi một giờ thôi”.
Cho đến lúc không có tiền, bị ép vào thế đường cùng, không có tiền trả thì giọng điệu của cô gái chua xót, khốn khó:
“Anh đừng nói thế, ai muốn thế này làm gì”.
Cả hai đều nhẫn nhịn, cam chịu vì muốn kiếm thêm để nuôi thân, đúng hơn là để tồn tại, bất chấp gian khổ, dối lừa nghiệt ngã; cả hai trong tình cảnh này đều rất đỗi đáng thương. Chỉ một vài lời đối đáp ngắn mà cái nỗi ê chề, bẽ bàng của cô gái buộc phải làm cái nghề mạt hạng đáng khinh bỉ và cả một kiếp “người ngựa và ngựa người” đã được phơi bày.

Giọng điệu tự ve vuốt, đánh lừa bản thân của mấy anh văn sĩ kiết xác khi chế giễu bọn nhà giầu:
“còn hơn những thằng nhà giầu. Bọn mình có ai thèm làm bạn với đâu, mày phải tự kiêu ở chữ nghèo. Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng. cái nghèo phải đi vào lịch sử văn học thế giới. Chúng ta nghèo, vì có bao nhiêu ở trong tim, trong óc, chúng ta trút cả ra để làm giàu cho tim óc thiên hạ”
trong Cái Tết của những nhà đại văn hào nghe thật thảm hại. Độc giả có thể cười khi đọc những dòng này, nhưng sau tiếng cười ngắn là những ngẫm nghĩ thật sâu, thật lâu.






3. KẾT LUẬN

Ngoài sử dụng những lợi thế của ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan còn có lối chơi chữ vô cùng đặc sắc. Ông chơi chữ trong cách đặt tên truyện và chơi chữ ngay cả trong lời văn trần thuật. Với ngòi bút hiện thực giàu tính nhân đạo, hình ảnh những người dân nghèo từ thành thị đến nông thôn, từ những người trí thức đến những cô gái bán thân đều được Nguyễn Công Hoan trân trọng, trân trọng trong cách kể chuyện, trong từng lời văn
thấm đẫm những triết lý sống và lung linh những giá trị văn hoá, khiến người đọc, càng đọc càng bị lôi cuốn, càng đọc càng say. Nguyễn Công Hoan đã biết chọn cho mình một lối ngôn ngữ rất riêng, rất độc đáo - đó chính là ngôn ngữ đời sống, đã được ông trau dồi, mài dũa để chuyển tải những lớp lang trong cuộc sống hàng ngày bằng những câu chuyện với ngôn từ giản dị, trong sáng, mượt mà nhưng sâu lắng, đằm thắm và thấm đượm tình người.





TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên) (2011), Từ điển thuật ngữ văn học (tái bản lần thứ ba), - Nxb Giáo dục.
2. M.B. Khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, - Nxb Tác phẩm mới.
3. M. Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp Đốtxtôiepxki, (Người dịch: Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn), - Nxb Giáo dục.
4. Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, - Nxb Giáo dục.
5. Nguyễn Công Hoan (2004), Đời viết văn của tôi, - Nxb Thanh niên.
6. Nguyễn Công Hoan (2013), Truyện ngắn chọn lọc, - Nxb Văn học.




THE NARRATIVE TONE – SPECIAL CHARACTERISTIC IN NGUYEN CONG HOAN’S SHORT STORIES


Abstract: The article applies the methodological manipulations of the language and narrative tone theory to analyze, compare and evaluate the uniqueness and attraction in developing the ability to express the voice of the nation, as a charm to create the style of Nguyen Cong Hoan’s short stories in particular, Viet Nam short stories in the period from 1930 to 1945 in general. Researching the narrative tone in Nguyen Cong Hoan's short stories set in an objective historical context is an issue of (practical) urgent theoretical - historical significance. It highlights the important contributions of Nguyen Cong Hoan is not only for the nation in the period from 1930 to 1945 but also for the critical realism literature in the movement against the domination of colonial feudalism in the period from 1930 to 1945. Keywords: Language, narrative, tone.