Samandji 2 [*]
Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)
Vì một chuyện cỏn con, tôi với Samandji giận nhau.
Về sự giận nhau, tôi cho là có hai thứ: thứ vợ chồng giận nhau, và thứ bạn bè giận nhau.
Thứ trên không nguy hiểm, và thường không lâu hơn một đêm, nếu người chồng không nhức đầu, đau bng quá nặng, đến nỗi chịu nằm bẹp gí một chỗ.
Thứ dưới, trái lại bao giờ cũng lâu hơn. Vì khó lòng có dịp để cho hai người làm lành với nhau, trừ phi khi nào người nọ lại là nhân tình của vợ người kia, hoặc khác hơn, người kia lại là nhân tình của vợ người nọ.
Bất tất tôi phải nói lại cái cơ giận nhau của chúng tôi. Cớ đó nó trẻ con lắm, tuy trên đầu chúng tôi cộng cả thẩy tóc bạc, cũng đã được một món khả kính.
Vậy tôi tóm tắt ngay cho khỏi dài dòng: anh oẳn với tôi giận nhau, và không thèm trông thấy mặt nhau nữa.
Không biết trong lòng anh ta có bứt rứt gì về tình bạn bè đoạn tuyệt hay không. Riêng tôi, từ hôm xẩy ra câu chuyện bất bình, tôi cứ ngồi lỳ ở nhà, để ôn lại tấn kịch đáng phàn nàn ấy.
Càng nghĩ bao nhiêu, tôi càng căm ghét cái giống da đen. Thực là hạng người đáng khinh bỉ. Nghĩa lý gì cái mặt đen bóng như sơn, bộ tóc cứng như dây đồng, và cặp môi dầy chẩu ra, cao bằng hai mũi? Còn tính nế? Họa có ông Trời và con Quỷ chịu nổi. Tôi tưởng có một con Cừu và một con Sư tử cùng ở trong óc họ. Có lúc họ hiền lành, phúc hậu, thực đáng thương. Có khi thì đùng đùng thịnh nộ, tưởng chừng như có thể ghé răng cắn vỡ đôi quả đất.
Samandji không chơi với tôi nữa, lắm lúc tôi cho là một điều hạnh phúc. Xa anh, tôi lại được xa vợ anh, một con ma dâm dục, đã nhiều phen suýt làm liên lụy đến tôi.
Thế mà một hôm, khi tôi đang nằm ềnh trên giường để ngẫm nghĩ đến mặt mỹ thuật của sự lười, thì con ma đó hiện bên tôi lúc nào không biết. Hắn phát thực mạnh vào đùi tôi, làm tôi giật bắn người lên. Khi quay ra, mắt tôi gặp ngay bộ răng nham nhở hắn vừa đánh trắng. hắn toét mồm cười như thế, chẳng nói thêm câu gì. Đôi mắt tít lên, chỉ còn hai cái kẽ đen, trong đó chưa chất biết bao nhiêu tinh thần lẳng lơ, đĩ thõa.
Tôi ngồi lên, nghiêm trang nói:
- Mời chị ngồi ghế đằng kia.
- Được, ông cứ cho em đứng đây để được hầu khăn áo.
- Chết nỗi, ở đây có kẻ nọ người kia, sao chị nói những câu lạ lùng thế! Chị muốn điều gì?
- Thằng đen bảo em mời ông lại chơi. Nó ngượng không dám đến.
- Anh Samandji ấy à? Anh ấy định xin lỗi tôi sao?
- Có lẽ thế đấy. Ông đến ngay đấy nhé. Nó chỉ cho em đi có hai mươi phút thôi.
- Vâng. Chị cứ về, tôi mặc quần áo rồi lại ngay.
Vợ Samandji nghe nói, nét mặt lộ vẻ vui mừng, đắc ý. Tôi không sao hiểu nguyên nhân cái tâm lý hắn lúc bấy giờ, trong lòng ngờ vực.
Hắn chào tôi bằng một cái mỉm cười, rồi đi ra.
Đến bàn giấy tôi, hắn đứng dừng lại. Hắn ngắm nghía chiếc ảnh nửa người của tôi mới chụp bầy trên bàn. Rồi hắn thò tay cầm lấy, rồi... đưa lên miệng, hôn một chiếc thực kêu.
Tôi trợn mắt, toan chạy lại giật lấy ảnh, thì nhanh như cắt, hắn đã cầm cả chiếc ảnh, vùn vụt vừa chạy vừa quay lại nói:
- Mình sú-vơ-nia cho em nhé.
Hắn ngổ thế này, thì hắn coi trời bằng vung thực. Lỡ ra mà chồng hắn bắt được ảnh tôi ở túi hắn, hoặc cứ quanh nhà hắn, là tôi cũng đủ bị què cẳng rồi. À, giây với tụi này nguy hiểm quá.
Trước tôi còn đắn đo không muốn đến nhà Samandji. Bây giờ thì tôi quyết thể nào cũng phải đi, đi để tỏ bầy cho bạn cái tính nết khốn nạn của vợ anh, và để bộc bạch cho bạn biết vì sao cái ảnh của tôi lại bay đến nhà anh được.
Mặc quần áo qua loa xong, tôi hầm hầm lên xe, lại nhà Samandji.
Tới nơi, tôi vẫn hầm hầm, cứ việc tiến vào chỗ mọi khi anh vẫn tiếp khách.
Nhưng lạ quá! Tôi chẳng thấy bóng Samandji đâu.
Tôi liền chạy vào nhà trong là chỗ anh ta hay ngồi khi một mình buồn. Thì tôi giật mình. Tôi thấy vợ anh đương ngồi duỗi thoi trên chiếc chõng tre, ung dung cầm chiếc ảnh tôi ngắm nghía.
Tôi lên tiếng:
- Này chị! Anh ấy đâu?
Vợ Samandji không trông lên, cũng không trả lời. Hắn nâng lên chiếc ảnh bằng hai tay, và nựng:
- Âu! Ngoan nhé! Rồi tôi ru cho mà ngủ nhé!
Tôi sửng sốt cả người, tức đầy lên cổ. Tôi hỏi dồn:
- Anh ấy đâu? Chị ăn nói nhảm nhí thế à? Liệu không có tôi mách anh ấy cho mà xem!
- Gớm! Chỉ được cái thế thôi.
Rồi hắn lườm tôi một cái mà tôi chắc là lườm yêu. Vì đồng thời với cái lườm thiếu mỹ thuật của bộ mặt nhợt nhạt ấy, tôi trông thấy một nụ cười tươi như mếu.
Đưa tình xong, hắn nói:
- Samandji của ông làm gì có nhà! Tôi nói dối để ông lại chơi đấy chứ.
Rồi hắn nghẹo cổ, nhăn mặt, âu yếm nói tiếp:
- Gớm, lâu nay không gặp mặt, làm người ta nhớ nhớ là!
Tôi biết sắp có chuyện lôi thôi to, bèn quay phát ra, không đáp.
Nhưng tôi chưa đi được vài bước, thình lình có hai cánh tay ôm choàng lấy ngang lưng tôi.
- Mình ơi! Mình ở lại kẻo phụ lòng em quá!
Hắn ôm chặt quá. Tôi hết sức gỡ không ra.
Chẳng lẽ tôi đâm lối hèn mạt mà kêu rầm lên. Mà một người đàn ông như tôi, một
mình ở trong nhà một người đàn bà chồng đi vắng, thì thật khó xử.
Hắn dường như hiểu vậy, càng làm già:
- Thôi đi mình! Bớt giận làm lành. Sở dĩ em đánh lừa mình, một là em nhớ mình quá, hai là em mới may xong bộ khăn trải giường...
- Chị bỏ tôi ra, nếu không, chị chẳng ra gì với tôi bây giờ!...
- Em mời mình khánh thành mà. Có quý nhau mới thế chứ!
Rồi hắn tóe ra một nhịp cười ghê thịt. Tôi vùng vằng, nghiêm nghị:
- Chị buông ngay tôi ra.
- Úi chà! Khi nào! Mèo cắp được mỡ, mấy khi lại nhả.
Nói đoạn, hắn xô tôi lại gần chiếc giường Hồng Công cạnh cửa sổ, rồi đẩy tôi ngã vào đó, mặt thì đỏ bừng bừng.
Thấy thế nguy, tôi hết sức giẫy giụa, và gạt mạnh hắn đi. Hắn văng sang một bên, tóc xổ rũ rượi.
Vừa lúc đó, có tiếng đấm cửa, kế đến Samandji gọi. Tôi hết hồn! Con mụ khốn nạn cũng run lên bần bật, hỏi khẽ tôi:
- Chết! Nó về. Làm thế nào?
Cố lấy can đảm, tôi vờ cứng cỏi đáp:
- Mở cho anh ấy, chứ sao?
- Mở mà tù cả à?
- Rồi hắn trỏ vào tóc, vào quần áo, vào giường.
Tôi giật mình. Tóc hắn thì rối bù, quần áo thì xộc xệch, dăn dúm. Cái khăn trải giường cũng xô lệch, lại có in vết người nằm. Hắn lại ghé tai tôi:
- Vả mình giận nhau với nó, thì lẽ gì lại nhà nó trong khi nó đi vắng?
- Ngoài kia tiếng gõ cửa mạnh bao nhiêu, trong này trống ngực tôi mạnh bấy
nhiêu. Tôi chỉ muốn bay lên trời. Tôi chỉ muốn thụt xuống đất. Chỉ một phút nữa, tôi sẽ biết đời tôi ngắn hay dài!... Trời đất ơi!
Nhưng bỗng tôi không nghe thấy tiếng thình thình ở cửa nữa. Thì vừa chưa hoàn hồn, tôi đã thấy vợ Samandji ôm lấy tôi, vuốt ngực tôi, và cười như nắc nẻ:
- Thôi, hết sợ rồi. Nó lại đi rồi!
Tôi đứng ra xa để thở cho được tự do, và mắng:
- Chị tệ lắm! Mấy lần làm tôi hết hồn rồi!
Hắn cười hoài:
- Đàn ông mà nhát như thế thì đừng sống nữa. Mới có vậy mà mặt đã tái mét!
- Thế chị không sợ à?
Hắn lắc đầu, thản nhiên đáp:
- Tôi chỉ giật mình xoàng mà thôi, vì tôi trải quen rồi. Và dù có gì đi nữa, nó cũng không tài nào vào được.
Tôi nhìn hắn bằng con mắt muốn hỏi. Hắn tiếp:
- Bao giờ bên ngoài cũng có thằng bồi nó khoáng cửa, rồi nó lẩn vẩn ở đấy, hễ thằng trời đánh bất thình lình có về, thì nó chống chế hộ.
- Chống chế thế nào?
- Nó bảo rằng tôi vừa đi chơi về mạn Bờ Hồ với một người đàn ông. Ý tất thằng cha ghen, phải đuổi theo, rồi chúng ta cứ việc an tâm và vui thú!
Nói đoạn, hắn lại tự phê bình vào câu nói của hắn:
- Khôn không!
Tôi bật buồn cười. Hắn đắc chí, nhảy chồm vào tôi, hôn vào giữa trán tôi.
Sự sỗ sàng lại làm tôi bất lực. Song tôi phải dịu dàng để dùng kế thoát thân. Tôi vờ tươi cười, nói:
- Chị giỏi nhỉ?
- Thế mình có thương em không?
- Có chứ! Chiều hôm nay nó có phiên gác không?
- Ờ nhỉ, xem nào. Thứ ba, thứ năm, thứ bẩy... hôm nay thứ mấy?
- Thứ bẩy?
- Ồ! Thế thì hả lắm rồi! Đến tối mình lại đây nhé.
Tôi mỉm cười, gật đầu.
Hắn sung sướng, tát khẽ tôi một cái:
- Mình ơi! Mình sờ ngực tôi mà xem. Tôi hồi hộp vì câu nói của mình.
Rồi hắn nằn nì:
- Thế nào cũng đến nhé. Tôi chờ. Bẩy giờ nhé!
Tôi lại gật đầu.
- Thế nhé. Thề đi nào.
Muốn cho hắn chắc chắn sự hứa của tôi hơn lời thề, tôi bèn nhắm mắt nhắm mũi,
nhịn thở để "đóng đanh" hai cái môi tôi vào má hắn, mỗi bên ngót nửa phút.
Thế là hắn thả tôi ra, chứa chan hy vọng.
Đi đường, tôi thấy khoan khoái vô cùng, tưởng chừng như mới trốn được thoát khỏi cửa ngục thất.
Cố nhiên là đến tối, tôi chịu cho vợ Samandji chửi thầm cho đứa sai hẹn. Tôi không động tâm, vì tôi chỉ là bắt buộc gật cho thoát nạn. Mà dù nó có chửi đúng thằng hay gật, thì đã có vô số ông nghị chịu thay tôi!
Tối hôm ấy, tôi đóng chặt cửa ngay từ chiều sẩm, và đánh một giấc ngủ ông hoàng.
*
* *
Sáng chủ nhật, tinh thần khoan khoái, tôi bèn mặc quần áo đi chơi.
Vừa ra đến cửa, tôi đã gặp ngay Samandji rầm rộ đi đến.
Ngượng nghịu, tôi vờ không nhìn thấy, định lờ đi, xem anh ấy xử trí ra sao. Bỗng Samandji chạy lại ngay tôi, có vẻ cảm động. Anh giơ tay bắt tay tôi, và nói:
- Xuýt nữa tôi không gặp anh, tôi cần hỏi anh một chuyện. Anh lại chơi tôi thì tiện hơn. Sắp sẵn cả rồi.
Câu nói đường đột làm tôi hơi chột dạ, nhưng tôi phải cứng cỏi đáp:
- Vâng, tôi rất sẵn lòng.
Tôi theo Samandji, vẩn vơ nghĩ đến tấn kịch hôm trước. Hai chúng tôi chẳng ai nói với ai một lời nào. Vậy là có sự dở hay sự hay?
Đến nơi, anh lễ phép mời tôi ngồi, như tiếp một ông khách lạ.
Sự ngạc nhiên bắt đầu làm tôi e sợ.
Bỗng Samandji rút trong túi ra tấm ảnh của tôi.
Tôi tỉnh ngộ, rất kinh ngạc. Giá cái ghế không có lưng dựa, thì đành tôi ngã ngửa ra rồi.
Samandji đặt ảnh xuống bàn, vỗ mạnh một cái, rồi nhìn tôi, như để dò tâm trí tôi vậy. Cố nhiên trống ngực tôi nổi lên mỗi lúc một mạnh. Rồi đôi mắt trắng dã chòng chọc vào tôi, anh nghiêm dần sắc mặt lại.
Tôi cố thản nhiên, cũng nhìn anh, bằng đôi mắt thôi miên hạng bét, bởi vì có lẽ mất cả tinh thần rồi. Lúc ấy, tôi thấy vợ anh ở trong ngấp ngé ra, có ý ngạc nhiên lắm. Nhìn tôi chán chê, anh thở dài, nói:
- Anh không tốt!
Ái chà! Thế này thì đích là to sự chứ không vừa rồi! Tôi nhìn bàn tay khổng lồ của anh, ngón to bằng quả chuối mắn mà phát sốt!
Tôi toan đáp thì anh lại nói:
- Anh không tốt!
Câu ấy vang mãi trong óc tôi không thôi!
Dù sao tôi cũng phải chống chế đến cùng. Làm bộ sửng sốt, tôi hỏi:
- Tôi không tốt à?
- Phải, mà vợ tôi cũng không tốt!
Lúc ấy, con mụ vợ đứng trong, cũng trợn mắt, mặt mũi xám ngoẹt.
Hẳn là chẳng phải chuyện chết hụt mọi khi, tôi nhủn chân tay, cố vờ lắng tai, nén ngực, mà không sao cản được hơi thở. Samandji đay:
- À, bây giờ anh mới thở dài, hối hận. Chậm lắm rồi!
Rồi phát cáu, hắn liến thoáng:
- Anh không tốt! Vợ tôi không tốt! Cả hai người cùng không tốt! Nghe chưa?
Tôi gượng hỏi:
- Anh nói rõ. Tôi chưa hiểu.
- Lại còn nói rõ thế nào nữa. Việc mình làm còn không hiểu, thì ai hiểu cho.
Rồi anh trỏ cái ảnh, anh hỏi:
- Anh còn vờ phải không? Cái ảnh này là chứng cớ hiển nhiên nó mách tôi cả.
Theo câu nói, Samandji điểm một nụ cười lat. Tôi nom cái cười ấy nó mới chua chát làm sao!
Chỉ còn kế chạy trốn thoát thân, cho nên tôi liều mạng định vớ con cóc đồng va vào mũi anh một cái, rồi chạy. Tay tôi nắm được khí giới, mắt tôi đưa ra cửa để nhìn lối.
Này, muốn ra sao thì ra này, tôi đứng phắt dậy... Thì Samandji cũng đứng phắt dậy, hầm hầm chạy ra cửa, cầm chìa khóa, quay một vòng, rồi rút tọt ra bỏ vào túi. Đoạn, anh cười, vỗ vào vai tôi, nói:
- Anh chạy nữa đi!
Câu nói như nhát dao đâm vào tim tôi. Tôi không còn sức nữa, ngồi phịch xuống ghế, lặng ngắt.
Samandji lại ngồi đối diện tôi, trừng trừng nhìn tôi. Tôi toan quỳ xuống ôm lấy chân anh mà khóc lóc, mà lạy van, mà kể lể nỗi oan uổng, và xin anh tống cổ con vợ hại gia đạo của anh đi trước khi anh gây sự với tôi.
Thì chả làm thế thì làm thế nào? Đối với kẻ thù, theo cách anh hùng An Nam, khi mình đã không cắn trộm nổi, thì còn một cách nữa là mình giở lối đê tiện mà hàng người ta vậy. Như thế là khôn đó! Và ở đời, muốn được sung sướng vung vinh thì cái triết học màu nhiệm nhất, chả là nên uốn lưng cho dẻo là gì! Ai biết đó là đâu? Các ngài ít lịch duyệt, chớ vội chê tôi là khốn nạn nhé.
Lúc ấy, Samandji vẫn trơ trơ, vững như đồng... đen.
Tôi toan thi hành thủ đoạn, thì Samandji làm lấp lời tôi:
- Tôi không ngờ. Hôm qua anh đến đây phải không?
Tôi nhăn nhó, đáp:
- Phải, nhưng mà...
- Thôi, thôi, tôi biết cả. Ra tôi chơi với anh, mà đến bây giờ tôi mới hiểu bụng anh.
- Anh manh tâm làm điều gì?
- Thôi đi, anh bí mật lắm!
Tôi cãi:
- Không. Anh lầm! Anh tưởng...
- Tôi chẳng tưởng gì cả. Tôi biết đích thế. Vợ tôi nó nói thực cả rồi. Anh còn giấu tôi làm gì nữa. Tôi căm giận anh lắm. Mỗi lúc tôi thấy cái ảnh, tôi lại đầy cả ruột gan. Anh không tốt! Mà vợ tôi cũng không tốt!
Tôi nghẹn ngào, càng ghê sợ mồm miệng, đặt điều của con quỷ cái. Chắc là bao nhiêu tội lỗi nó đổ cả cho tôi. Tôi đáp:
- Phải, tôi đã đến đây trong khi anh đi vắng. Còn như cái ảnh này.
- Khoan đã. Bồi! Mang cái ấy ra đây. Mau lên! Mình đâu, ra đây...
Quyết nhiên anh gọi chứng cớ để trừng trị tội tôi. Mà sự trừng phạt ấy tất là nó đáng với cái tội thông dâm với vợ anh. Cái mà anh giục bồi mang ra, hẳn để sửa tội tôi. Cái gì vậy? Súng lục chăng?
Ối ông bà, cha mẹ ôi! Ối trời đất ôi! Thế này thì ai còn muốn ở hiền làm gì nữa! Tôi nguyền rủa những ai cứ hay chắp nhặt thành những câu xử thế châm ngôn
đấy nhé! Nào ở hiền có gặp lành? Nào làm phúc có được phúc? Hỡi thần số mệnh, sao ông éo le khắt khe đến thế này?
- Này anh,- tiếng Samandji kéo tôi lại cõi thực - tôi hỏi thật anh nhé.
- Vâng.
- Cái ảnh này của anh?
- Vâng.
Samandji cười:
- Hai với hai còn là năm sao được. Tôi muốn chờ câu trả lời của anh, xem anh có đến nỗi ngốc mà không nhận đó thôi.
- Nào tôi có nói dối!
- Được rồi. Anh chụp ở hiệu nào?
- Ở một hiệu gần nhà tôi.
- Hiệu nào?
- Tôi quên tên rồi.
- Hừ! Biết ngay mà. Cái đó anh còn giấu nữa là. Nhưng không hề gì.
- Tôi giấu đâu. Tôi quên thật. Tôi chỉ nhớ nhà mà thôi.
- Được rồi! Sao anh chụp có một mình?
- Vì tôi chỉ có một mình chứ sao?
- Nếu vậy, thực anh không tốt!
- Tôi không tốt!
- Phải. Anh nghe đây. Anh với tôi bạn bè bao nhiêu rồi, khi vui có nhau, lúc buồn có nhau, thế mà anh nỡ lòng nào không cho tôi đứng cùng anh để chụp ảnh. Anh khinh tôi, anh không tốt!
Cái bản án giản dị ấy tuyên xong, bao nhiêu hồn, bao nhiêu vía của tôi kéo nhau về cả với tôi, mặt tôi đỏ hẳn lại. Ngực tôi nhẹ hẳn đi. Như người ốm khỏi, tôi thấy đời lại vui vẻ như cũ. Tôi muốn sống dai bằng ông Bành tổ để được hưởng những sự bật cười, để được cảm ơn thần Số mệnh và những tay danh nhân dạy đời bằng các câu xử thế châm ngôn.
Cười một tiếng thực to để hắt hết cái hơi sợ, tôi đáp:
- Tôi biết ngay từ ban nãy rằng anh trách móc, điều đó. Anh không bằng lòng là phải, nhưng anh hiểu cho vì tuần lễ trước chúng ta giận nhau, nên tôi buồn, tôi mới đi chụp ảnh cho khuây khỏa.
Samandji mặt vẫn rầu rầu, nói:
- Không phải thế. Ngay như vợ tôi, có chụp ảnh, nó có thích cho tôi đứng chung đâu. Tôi biết mình hình dạng tôi nó xấu xa, đen đủi, nên tôi bị bạn bè, vợ con hất hủi, khinh bỉ. Tôi tủi lắm.
Hai dòng nước mắt từ từ bò ra, đến chỗ xương gò má thì ngã lăn xuống đất!
Tôi thương hại cả giọt nước mắt lẫn Samandji, vội vàng rút mùi xoa ra lau cho anh như dỗ dành một nhân ngãi. Thấy cách cử chỉ thân mật, anh dường như cảm động, nắm chặt lấy tay tôi mà hôn:
- Thế mà chúng ta đã giận nhau. Thật là đáng hối hận. Cũng may anh là người tốt: vợ tôi nói hôm qua anh đến chơi tôi trước, nên tôi mới lấy cách lịch sự mà đến chơi anh ngày hôm nay. Nếu không thì chúng ta giận nhau mãi. Anh thấy tôi không có nhà, lại có nhã ý mà để ảnh lại làm tin. Thật anh là người rất đáng quý hóa. Đến bây giờ tôi mới hiểu bụng anh.
Tôi thì nghẹn lời, cứ chịu đau cho lông tay anh cọ xát vào tay tôi. Đoạn, Samandji quay về phía bếp, gọi:
- Bồi! Mang cái ấy ra đây! Lâu thế?
Tên bồi dạ vang. Một lúc hắn lễ mễ bưng ra một khay, bầy chả Saigon với rau đầy tú ụ.
- Ăn đi anh! Tôi thích món này lắm. Ở Châu Phi không có. Ăn đi, rồi ta lên hiệu này chụp với nhau bức ảnh kỷ niệm ngày tái hợp của chúng ta.
Rồi Samandji đứng dậy, khoa chân múa tay, lên giọng hát vang lừng, như điên như cuồng vậy.
2 Mai 1935
* Theo Vũ Ngọc Phan "Nguyễn Công Hoan viết tất cả ba truyện ngắn về tây đen của ông và đều lấy một nhan đề là Samandji". Truyện này theo thứ tự là thứ ba. Truyện thứ hai (còn thiếu, chưa tìm được):
Trong tập Hai thằng khốn nạn (P.T.B.N.S. Số 5, trang 9) Samandji lại làm cho bạn anh ta hoảng hồn lần nữa; lần này vợ chú tây đen chạy vào nhà bạn chồng và nhảy tọt vào màn để trốn chồng thì vừa ngay lúc ấy chồng chị ả đến với nét mặt hầm hầm, sừng sộ. Ông bạn hết vía, nhưng rút cục, Samandji nói cho biết là đi tìm con sen và vợ anh cũng đang... đi tìm!