Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Nhân tình tôi - (Hà-thành Nữ-Sỹ)



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Khởi Nguyên | 2. Cô Trinh | 3. Chuyện Vượng Râu Kể | 4. Dung | 5. Ngducbang09


Mời nghe đọc tại AudioAZ

Mời đọc Bản đánh máy

Xã-hội ba-đào ký

Nhân tình tôi -
(Hà-thành Nữ-Sỹ) [1][1] Bài này đăng ở An Nam Tạp Chí. Tản Đà đổi thành Hà thành nữ sĩ. Đổi như vậy chỉ có ý mỉa mai rằng văn thơ của nữ sĩ Hà thành chẳng qua chỉ là do đàn ông viết. (Theo Nguyễn Công Hoan - trong Đời viết văn của tôi trang 132).

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)



Tôi nhớ đích rằng năm ấy tôi mới có mười chín tuổi. Cái tuổi mười chín, như hoa xuân đương nhị, như trăng tròn đương gương, các ngài phải hiểu cho rằng là cái tuổi dễ chịu nhất. Trai gái mười chín tuổi, đều dễ thương, nên thương cả.

Tôi đỗ sơ học Pháp-Việt, tiếng đồn ầm học giỏi. Chiều ra phố chơi mát, tưởng hình như ai cũng chỉ trỏ vào mình mà thì thào với nhau:

- Kìa! Cậu ấm Căn con cụ lớn Tuần mới đỗ.

Khốn nạn! Tôi tưởng thế là danh giá; chứ ví họ có khen thế thật, tôi cũng nên lấy làm xấu hổ thì phải. Vì con nhà dòng dõi thi thư, mà đầu to bằng cái giành, mới đỗ được cái bằng cỏn con thì vênh váo cái gì.

Tôi thi vào trường Bảo hộ, hỏng kỳ vấn đáp. Cha tôi định cho tôi về ở nhà. Nhưng tính tôi không chịu được cảnh tiêu điều các tỉnh nhỏ, nhân có nhà ở Hà Nội, tôi xin về ngay ở Hà thành, lấy cớ để học tập với các anh em bạn.

Tôi thích quốc văn. Ngày còn đi học, các bài luận quốc ngữ của tôi làm, thường được cụ Giáo khen ngợi; bạn bè cũng tặng cho cái tên "anh văn sĩ". Độ này, nhàn rỗi việc, tôi viết bài gởi báo chương, được tòa soạn đăng cho, mình cũng tự đắc tưởng có lẽ là "nhà ngôn luận" đến nơi rồi, càng ham viết.

Tôi ở Hà Nội, lười học nhưng chăm chơi. Ngày được mục kích những đóa hoa biết nói bày ở các phố, thì tối về nằm ngủ cũng hồn bướm mơ màng năm canh.

Xin thú thực rằng tôi không thạo và không có can đảm như các bạn về khoa chim gái. Họ bạo lắm. Hễ thấy một cô nào, cứ là con gái thì thôi, là buông lời, ướm ý, đắng hắng, ném thư, hoặc mua hàng, để giả vờ bỏ quên quyển sách hay tờ báo trong có bức thư tình. Tôi thì dử thính cũng chả dám. Làm đường đột như thế, nhỡ người ta mắng cho thì "êu"! Nhưng xem ra, các tiểu thư cũng hiền lành ngoan ngoãn lắm. Không những không mắng ai, mà lại còn nhìn trước nhìn sau, nếu không có ai trông thấy, là cầm cái thư bỏ tọt ngay vào túi... Nhanh như điện!... Các cô thực là rộng lượng hải hà, giầu lòng bác ái! Bởi vậy các bạn tôi, anh nào cũng có một cô nhân ngãi, nào cô 51, nào cô 96.

Trước họ còn chim nhau bằng cách "hàm thụ" như thế, rồi chẳng bao lâu, có ngay cuộc "biểu tình" bí mật. Nhậy quá, thực là nhậy! Trông người mà ngẫm đến ta, mà mình tự thương thân thế như ao bèo gió thu.

Nhân độ ấy ở báo, có một nữ sĩ bàn về vấn đề nam nữ bình quyền. Rồi dư luận sôi lên sùng sục, tán thành, cổ động, công kích. Tôi chối kệ biết nam nữ bình quyền đối với xã hội hay dở thế nào, nhưng đối với riêng tôi, thì thực là có ích, vì tôi định lợi dụng cơ hội để đạt mục đích riêng. Tôi bèn viết bài lai cảo, ký tên là Minh Châu nữ sĩ. Thế là tôi nhờ tờ báo để nói chuyện chay với gái vậy!

Tôi hay đấu dịu giằng co với một cô tên là Kim Chi. Tôi lấy làm đắc chí thầm, vì Kim Chi phải ra công gào thét, cãi nhau với một nữ sĩ đực là tôi! Có gì đâu, những bài của tôi, độc vị giọng nói ngang, nói bướng, chính tôi cũng biết là không tiêu được, thế nhưng tôi chỉ cốt cho họ bẻ lại để kéo cho dài cuộc cãi nhau. Họ có hiểu ý đâu; rồi ba bốn nữ sĩ khác vào hùa với nhau, nhao nhao lên mà bẻ tôi! Thế là phải lừa cả xốc!

Xem ra nội trong đám ấy, có Kim Chi ăn nói hoạt nhất. Tôi đoán là một cô giáo, không thì ít ra cũng là một Tân nhân vật có học thức tư tưởng. Văn chương của Kim Chi không gọt giũa nhưng nhanh mà hoạt. Tôi tin ngay rằng hẳn cũng có cái lượng hải hà, cái lòng bác ái như phần nhiều các cô khác. Thế là tôi xoay tư tưởng.

Phải. Nói chuyện với gái, mà phải gọi là bà chị, xưng là em, thì các ngài tưởng còn thú quái gì? Vả nào có chuyện ôn tồn đâu, lại cãi nhau với xỏ mát nhau thì còn tình nõm gì?

Một hôm, có người bảo tôi rằng:

- Tài quá, lão cử Hạc Thánh thế nào mà vớ ngay được con giáo Lãng!

- À, tại đăng vào báo nó chứ gì!

- Thằng Bạch Ngọc Đàn lên mặt mô phạm đạo đức, cũng xoay được một thị nữ học sinh vì một bài văn đăng báo! Họ thế cả đấy, anh ạ!

Cái câu "họ thế cả" làm cho tôi vẩn vơ mãi. Kết cục, bao hy vọng của tôi đổ xô vào cả Kim Chi nữ sĩ. Tôi bèn hỏi dò chỗ ở của nữ sĩ ở trong tòa soạn. Rồi ngay chiều hôm ấy, tôi diện rất sang, cạo mặt, đánh phấn, bơm nước hoa, nghênh ngang qua nhà cô để xem mặt.

Chà! Có sai đầu, Kim Chi quả là một vị sao! Khăn nhung, áo mùi, giầy cườm, món tóc gáy xòe ra, trông dễ thương quá! Tôi tưởng như một chàng thiếu niên công tử như tôi mà đi đôi với một vị thanh tân nữ sĩ như Kim Chi, thì đâu cũng phải khét, đến phố nào làm tăng giá trị phố ấy lên, và hẳn vô số thằng ghen!

Tôi thấy dung nhan Kim Chi mà sửng sốt cả người, chân tay mềm đi. Không trách cái sắc khuynh thành nó làm cho khuynh gia được cũng phải.

Tôi lượn qua nhà Kim Chi hai ba lượt, toan vờ vào mua hàng, thì vừa gặp cô đi ra phố, nhảy tót lên xe chạy nhẹ như gió. Tôi được dịp may, định bay xe theo hút, nhưng đen quá, phố hết xe. Chả lẽ lại cắm cổ chạy theo! Không coi được. Tôi đành nuốt sầu, thất vọng lủi thủi về nhà.

Thế là tôi đã có phúc biết mặt Kim Chi rồi. Chỉ còn việc gắn bó nữa là xong.

Tối hôm ấy, tôi nghĩ một bức thư rõ dài rất văn chương để gởi cho Kim Chi. Tôi thú thật rằng tôi đội tên là Minh Châu để đăng báo trêu nhau, chứ kỳ thực tên tôi là Trần văn Căn, con quan Tuần, nhà giàu, ở phố ấy phố nọ, từ khi được trộm liếc dung nhan cô, thì tương tư chả ốm cũng sầu. Rõ khéo quá! Cái lý lịch tôi, cái gia phả tôi, ai khảo mà xưng? Thằng con trai đi chim gái mà đê tiện đến thế thì nhục quá! Kết cục, tôi bảo từ nay, nếu định cùng nhau đàm đạo, thì xin đừng đăng báo, cứ viết thư riêng có lẽ tiện hơn.

Hôm sau, quả nhiên tôi tiếp được thư hòng trả lời của Kim Chi. Các ngài có đoán được cái vui sướng của tôi không? Tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, thuộc lòng mà vẫn chưa chán. Thích nhất là tuy trong thư, lời lẽ rất nghiêm trang, nhưng lại thơm sặc mùi nước hoa! Chết chửa! Không phải thư tình sao lại thơm thế?

Đại khái trong thư nói cô đã biết tiếng tôi từ lâu, vì vẫn được nghe đại danh - trời ơi! Đại danh, xin các ngài nhớ cho! - nghe đại danh tôi trên báo chương. Nay tôi tuy ký tên là Minh Châu nữ sĩ, mà cô vẫn ngờ là giọng văn tôi. Không những thế, nữ sĩ lại còn thông thuộc cả nhà cửa tôi nữa. Thế thì nếu Kim Chi không phải là tri kỷ của tôi, sao đối với tôi đã có cái cảm tình sẵn sàng ấy? Cuối thư, nữ sĩ bảo từ nay đừng đăng báo thì xin vâng, nhưng nếu thư đi từ lại thì không tiện, vì sợ người ngoài ngờ vực nọ kia chăng. Vả cổ nhân có câu Nam nữ thụ thụ bất tương thân, thì xin đừng thư từ gì nữa, nhỡ tôi không nhận được trả lời, lại trách nhau là bất nhã.

Ấy, từ đấy mà đi, hai đội quân đang xung đột nhau kịch liệt trên mặt báo, bỗng đình chiến.

Nhưng đình chiến thì phải đề huề mới phải chứ! Tôi đọc xong thư mà khen thầm Kim Chi là người đã có sắc, mà lại có tài, có đức. Hiếm có thay! Nhưng bỏ ra thì tiếc. Tôi bèn đánh bạo viết bức thư nữa, bẻ phắt câu nam nữ bất tương thân là hủ, cổ động bọn thanh niên tân tiến không nên quá chấp nệ, phải họp sức nhau mà làm cách mạng phong tục mới được. Trong thư này, tôi tuy giở giọng triết lý, nhưng thỉnh thoảng gõ đến chữ tình luôn.

Thế nào tôi lại tiếp ngay thư trả lời của Kim Chi! Vậy các ngài bảo còn sao trách được cô là bất nhã. Cái thư này người vú già mang đến. Người vú ấy, tôi coi như một vị ân nhân trong cuộc ái tình của hai chúng tôi. Thường tôi cho tiền luôn, trước sau mất cũng khá. Mỗi bận đưa thư, vú ấy lại kể cho tôi nghe chuyện Kim Chi, những là yêu tôi, nhớ tôi, mà sinh vơ vẩn, lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi.

Vú già kể qua là Kim Chi còn hai cha mẹ và một người anh. Người anh thì lêu lổng chơi bời, du côn, ác tợn, cả nhà ghét. Còn Kim Chi thì ngoan ngoãn, cha mẹ nuông chiều, hơi sổ mũi, nhức đầu, thì ông bà chạy nháo lên về thuốc. Kim Chi không bao giờ ra cửa đứng ngóng trai. Cả ngày cặm cụi viết văn xem sách. Có lẽ bởi thế, nên từ ngày ấy, tối tối qua cửa nhà Kim Chi, tôi cũng không được gặp cô bao giờ.

Ngày trước, có người bảo tôi rằng:

- Gớm, các tiểu thư càng ngày càng tệ, chỉ ngồi duỗi ra mà ăn, rồi viết thư cho trai mà thôi! Anh không nên lấy vợ Hà Nội. Nhất là bọn gái tân thời lại càng khó tin lắm. Bình quyền gì chúng nó? Chúng nó chỉ quảng cáo cái tên để đắt chồng mà thôi!

Bạn tôi phán đoán quá khắc, chứ đã làm gì đến thế? Tôi có thể làm trạng sư bênh các cô, và xin dẫn ngay Kim Chi ra làm chứng. Câu ấy là chuyện của bạn tôi nói riêng với tôi, chứ nhỡ mà đến tai các tiểu thư, thì bạn tôi tất bị một phen kéo tai chết.

Những thư từ của tôi gởi cho Kim Chi toàn là cái bả để dắt Kim Chi vào cạm. Chắc các ngài cũng thừa hiểu cái mục đích của anh con trai chim gái. Một ngày kia, mục đích đã đạt, thì thôi, ếp truy phong, xin bái ngảnh ái tình! Cho nên không có trai gái nào nhân tình nhân ngãi với nhau đến già bao giờ. Thế nhưng bao giờ bên con trai cũng phải dùng những lời đường mật để vờ tính cuộc dài lâu, các cô nhẹ dạ là mắc tuốt.

Tôi hiểu cái tâm lý ấy, cho nên tôi cứ cái chương trình ấy mà tiến hành. Thư từ trước còn đứng đắn, sau lả lơi dần; có khi bịa ra cái chiêm bao đêm qua, cùng Kim Chi đi chơi buổi tối, để tỏ cho Kim Chi biết lúc nào mình cũng nghĩ đến mà thành mộng, và để dò ý Kim Chi ra sao. Cái chiêm bao thứ nhất còn là đi chơi, nói chuyện triết lý văn chương. Cái chiêm bao thứ hai, đã pha mùi tình tự nhảm nhí.

Kim Chi trả lời thương tôi buồn, mà tiếc cái mộng thú vị thế mà chỉ có mình tôi được thấy. Tôi hiểu ý biết là Kim Chi cũng ước ao một ngày kia được gặp tôi để nói chuyện.

Một hôm, tôi viết thư cho Kim Chi rằng tôi sắp phải ly biệt trong vài tháng để về quê. Tôi nói thế là để xem ý Kim Chi. Thì ra cô viết trả lời tôi bốn trang giấy đặc, rất cảm tình, bảo tôi nên tìm cớ mà ở lại, kẻo kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi, mà người ở cũng lệ rơi thấm đá.

Thế thì Kim Chi thực bụng yêu tôi. Tôi bèn hỏi Kim Chi có dịp gặp nhau không? Còn nhớ trong thư này, tôi gởi kèm cho Kim Chi một giọt nước mắt. Hẳn các ngài cho tôi là nhu nhược dở hơi. Thưa các ngài lầm rồi! Cái giọt lệ đó, là tôi vẩy một giọt nước chè tàu vào giấy cho nhòe chữ để tỏ ra bụng nhớ. Chứ nào có biệt ly đâu mà nhớ, mà dù có biệt ly thực đi nữa, thì chửa chắc đã nhớ, huống chi là nước mắt!

Kim Chi thì tỏ ý muốn trăm năm cùng tôi. Mà thực bụng, tôi không thèm rước những cái nợ ấy về nhà làm gì. Chim nhau mà lấy nhau, thì chỉ tổ bỏ nhau sớm! Bởi vì hôn nhân là một việc đứng đắn, mong hạnh phúc một đời. Thế mà cái việc đứng đắn ấy lại vì một sự lừa gạt mà gây nên, thì cầu chi hạnh phúc?

Kim Chi trả lời, nghĩ tủi thân là phận gái, phải trong vòng bó buộc chốn gia đình. Từ ngày biết tôi, thực là chưa biết lời ăn tiếng nói tôi ra sao. Trong thư có hẹn đúng bảy giờ tối hôm sau thì ra vườn hoa Cửa Nam, đứng đợi ở chân tượng bà Đầm Xòe, sẽ được gặp.

Được lời như cởi tấm lòng. Từ khi tôi nhận được thư, vội vàng khấp khởi ra đi. Đen quá! Cứ hết ông bạn nọ, lại đến bố bạn kia đến ám mãi. Họ nói toàn chuyện phiếm, mình còn bụng nào mà nghe. Ruột thì nóng như lửa, mà hình như cái thư nó cứ nhảy tanh tách ở trong túi. Thỉnh thoảng tôi phải vờ gật gù nghe chuyện, đưa tay vào nắn lại túi, thì các bố ngỡ là đưa thuốc lá ra mời, cứ rình thò tay ra đỡ!

Tuy vậy, tôi cũng được đến chỗ hẹn. Đến nơi, mới có sáu giờ rưỡi. Trong bụng hớn hở như trẻ con vớ được cái đanh. Tôi phải nhẩm sẵn những câu hỏi và câu trả lời. Tôi chờ đến bảy giờ, bảy giờ mười, bảy giờ rưỡi, bảy giờ bốn nhăm. Rồi bảy giờ năm mươi, đến mãi tám giờ, cũng chẳng thấy bóng chim tăm cá gì cả. Tôi nóng ruột quá! Đang bực dọc trách thầm ai sai hẹn, thì có một người đi lại, làm cho tôi nguôi hẳn cơn sầu. Người ấy không phải là Kim Chi, mà là vú già nhà Kim Chi, đưa cho tôi cái thư xin lỗi, vì ở nhà cô dở có khách, không thể đi được.

Hôm sau tôi lại tiếp thư Kim Chi bảo rằng có dịp gặp nhau, nhưng phải xuống tận ngã tư Trung Hiền, mà chờ vào quãng từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng, thì thể nào cũng gặp.

Những dịp hiếm có ấy, không bao giờ tôi dám bỏ qua; vì lòng ước vọng của tôi, những là thướt tha lá liễu, thỏ thẻ giọng oanh, ta sẽ thấy non Vu đỉnh Giáp, động Thiên Thai sắp đón mời chàng Lưu. Cứ nhắm mắt lại là đã thấy đủ từng ấy cảnh Bồng Lai như thế rồi.

Tuy hôm ấy trời mưa phùn, nhưng tôi chịu khó lò dò đi ngay từ chín giờ. Vì tôi sợ đồng hồ nhà Kim Chi nhanh, hoặc đồng hồ nhà tôi chậm. Tôi thấy xe nào đi qua, cũng phải trố mắt lên nhìn. Thực là có công quá! Ai ơi có thấu cho không? Cái hy vọng của tôi trước thì dài, sau ngắn dần. Đến lúc đồng hồ chỉ hai giờ thì thật cụt hết. Nhưng tôi vẫn chưa nản lòng, vì thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên, vậy cứ mặt dầy kiên tâm thì chim được gái, trời nào có phụ? Tôi đành đứng suốt đêm ở ngoài đường, ướt như chuột lột, lấm như chôn như vùi. Đến hơn bốn giờ sáng, tôi phải cuốc bộ về Hà Nội. Thực là một bữa mệt lử, nếu không sẵn sức khỏe, thì có lẽ tôi ốm to rồi.

Tôi giận Kim Chi đánh lừa tôi. Nhưng không dám trách. Vì trách thì còn mong "nước non" gì.

Tôi nghĩ kế để gặp mặt Kim Chi. Nhân có một hội kia cần tiền, tôi bèn viết một bản kịch, rồi cổ động các tài tử đem ra diễn. Tôi định đóng một vai, mà mời Kim Chi giúp cho một vai nữ. Tôi tự biết là một việc nhờ phiệu, chứ các tiểu thư khuê các ta, đã ai có can đảm ra diễn kịch? Kịch của tôi viết là một cái hài kịch về ái tình. Kim Chi nhận ngay vai chính! Cái dã tâm của tôi định lợi dụng cuộc diễn kịch về việc nghĩa để một là được gần gụi Kim Chi, hai là được tiêu tiền trời ôi, chứ nghĩa gì mà nghĩa!

Cách độ mười lăm hôm sau, Kim Chi cho tôi biết rằng hôm ấy cha mẹ và anh về nhà quê vắng cả, chỉ có một mình và vú già ở lại mà thôi. Thế thì tự do quá.

Kim Chi hẹn đúng chín giờ tối thì tôi đến. Nhưng tính tôi nóng nảy, không có thể ngồi suông mà chờ được. Hơn bảy giờ tối, tôi đã ngắm vuốt quần áo ra phố rồi định hết sức lờ các bạn. Tôi vừa ra khỏi cửa, thì người vú già lại đưa cho tôi một bức thư của Kim Chi nhắc tôi đúng hẹn. Có một đoạn, tôi nhớ đến tận bây giờ, mà có lẽ còn nhớ đến già nữa kia.

"Những tấn hài kịch về ái tình, em được xem đã nhiều, nhưng có lẽ chưa có tấn nào được hay và buồn cười bằng kịch sẽ diễn tối hôm nay. Tối hôm nay, hai anh em ta xin đóng vai chính để diễn tấn hài kịch về ái tình của anh soạn.

Em xin kiêm cả việc bài trí. Anh thực là một ông 'thầy dạy đời' mở mày mở mặt cho nhiều kẻ hiện đương chìm đắm trong bể tình. Anh ạ, cái sóng tình đã tràn đi, thì lấp cả trí người ta. Đã say mê nhau, thì không nghĩ, không trông thấy gì cả..."

Chắc các ngài bẻ rằng: Kim Chi ăn nói khôn ngoan như thế, cớ sao chính mình cũng bị ma tình mờ ám mà không tự tỉnh ngộ? Câu hỏi đó làm cho tôi bối rối, vả tôi được cái thư trên kia, mời đến diễn kịch vẽ ái tình, mà hai đứa chúng tôi lại đóng vai chính, thì bụng nào mà trả lời nữa! Âu là tôi cũng xin hỏi lại các ngài vậy.

Tôi không trả lời nổi câu hỏi đó, thì tôi có thì giờ viết nốt truyện này. Nếu các ngài cũng chịu nốt, thì các ngài hãy cố đọc cho hết truyện này sẽ biết.

Thưa các ngài, tôi thiết nghĩ các phương thuốc về tinh thần mọi khi dùng để chửa cái hư của người ta, thực không công hiệu tí nào. Chứ nếu ai học luân lý, ai xem diễn kịch, tiểu thuyết, vân vân, mà đều biết sửa mình cả, thì ở xã hội có lẽ không lấy xe đâu để chất cho hết các cậu thánh cô hiền!

Đúng chín giờ, tôi gõ cửa nhà Kim Chi ba tiếng khẽ. Có tiếng đằng hắng trả lời. Tôi vừa trống ngực vừa run!

Cánh cửa khẽ kẹt hé mở... Kim Chi trùm hum cái khăn tua gần kín cả mặt, một tay cằm đèn hoa kỳ vặn bé tí, một tay che lấp ngọn lửa đi. Tôi biết ý Kim Chi cẩn thận giữ gìn, nên vừa bước chân vào trong, tôi thổi phụt tắt ngọn đèn đi. Vì tôi cũng định giữ cả cho tôi nữa. Chứ thực thì chưa nghĩ ra rằng tắt đèn là có lợi.

Trong nhà tối như hũ nút. Tôi nắm lấy tay Kim Chi để Kim Chi dắt đi. Kim Chi dắt tôi đến ghế. Tôi ngồi xuống, hỏi đùa:

- Sao hôm nọ tôi trông mợ bé nhỏ, mà nay mợ lại hóa ra to thế?

Kim Chi cười, trả lời khẽ quá, hẳn vì khăn tua trùm kín vướng quai hàm.

- Cậu trông sai, em vẫn thế đấy.

- A-di-đà-Phật. Lượn năm sáu lượt còn sai thế nào. Mợ nói thầm nhỏ, mà tôi nghe rõ, có thính tai không?

- Thính lắm, em thì nghễnh ngãng quá.

- Tôi đổi tai cho mợ nhé!

- Chả đổi, cậu có cho thì em xin!

- Thành ra mợ muốn tôi "xú-vơ-nia" cho mợ đôi tai à? Tưởng cái gì chứ đôi tai thì vâng! Xin vui lòng tặng quý tiểu thư. Mợ lấy dao mà xẻo xoẹt đi.

Kim Chi bịt mồm rúc rích cười, chắc muốn tỏ ý yêu tôi.

- À này, mợ ạ. Tôi tiếc vì nhà tối quá, giá thắp đèn lên mà nói chuyện, tiện thể được ngắm cái nhan sắc của mợ, cho câu chuyện thêm vui thì hay.

- Cậu lại muốn nhìn mặt Kim Chi nữ sĩ là hạng người thế nào à?

- Kim Chi nữ sĩ là tay đối thủ của Minh Châu nữ sĩ, là ý trung nhân của ấm sinh Trần văn Căn chứ ai?

- Chả dám nhận cái hân hạnh ấy. Mặt em gớm lắm, anh trông thấy thì anh đến phải chạy mất!

- Gớm nhún mình quá!

- Em nói thực đấy!

- Thực hay dối cũng mặc, đứng gần lại cho anh yêu!

- Không đứng gần, nói đủ nghe thì thôi! 

Tôi chạy lại gần ôm chầm lấy Kim Chi hôn chụt một cái. Kim Chi cố lấy tay bưng mặt, rúc rích cười. Thế các ngài tính Kim Chi có làm bộ không? Hãy hỏi viết giấy mời trai đến nhà làm gì mà còn khéo vờ? Nhưng cái lối các cô vẫn thế.

- Chết nhảm quá, em kêu to bây giờ.

- Thách đấy! Tôi yêu mợ lắm. Hai quả dừa ở ngực mợ đâu?

- Không biết làm sao nó thui từ thuở bé rồi.

- À, mợ không phải là loài có vú, mợ là loài chim, để rồi tôi rắc truyền đơn cho mợ ế chồng mà xem!

- Cậu có định kết hôn với em không?

- Nếu tôi có vợ rồi, tôi xin ly dị ngay để lấy mợ.

- Thực chứ!

- Nếu tôi mà bạc tình cùng mợ, xin trời tru đất diệt.

Tôi lại ôm được Kim Chi, nhưng suýt bị đẩy ngã. À, người chị em biết võ!

- Phải gió ở đâu ấy! Thế mà đội tên nữ sĩ!

- Phỉ thui! Đừng nói dại. Cửa đóng kín, làm gì có gió! Tôi hỏi mợ nhé, mợ có giữ lời hứa hôm nọ không?

- Hứa gì?

- Hứa sẽ có ngày kia cho tôi sẽ sở cầu như ý, mợ nghĩ sao?

- Thế thì tôi chiều cậu quá giới hạn. Cậu có chiều tôi không?

- Có.

- Chiều thế nào?

- Mợ muốn gì tôi xin chiều thế.

- Em xin cậu cho em...

- Lại gạ đôi tai cậu chứ gì!

Kim Chi vừa cười vừa nói:

- Vâng!

- Khổ lắm! Ai bảo không lấy dao mà xẻo phắt đi. Mợ đưa tôi con dao nào! Vở kịch đâu, chúng ta tập diễn đi!

Tôi vừa nói xong, sờ tay lên bàn, đụng phải bao diêm. Mừng quá. Xòe!

- Tôi thắp đèn đây.

Tôi mở thông phong, gạt đầu bấc. Khi đương lúi húi châm, thì Kim Chi mở khăn tua trùm mặt ra, nói to giọng ồ ồ rằng:

- Thưa cậu, Kim Chi nữ sĩ cũng là loài Minh Châu nữ sĩ. Hiện đôi ta đương diễn kịch đây!

Tôi ngẩng đầu lên nhìn, giật nẩy mình, suýt ngã ngửa người ra! Té ra là một người đàn ông, bộ dạng láu lỉnh, da đen nhẻm, râu mép cứng và rậm, mắt trợn lòng trắng lên, tay cầm dao nhọn sáng quắc lóe cả mắt, ỏn ẻn nhại giọng tiểu thư rằng:

- Dao đây, cậu xú-vơ-nia cho em đôi tai đi!...

° ° °

Hú vía! Từ đó, ai dử tôi bằng mục văn nữ giới, tôi sợ hơn sợ chuột nhắt chết!

6 Juin 1929








[1] Bài này đăng ở An Nam Tạp Chí. Tản Đà đổi thành Hà thành nữ sĩ. Đổi như vậy chỉ có ý mỉa mai rằng văn thơ của nữ sĩ Hà thành chẳng qua chỉ là do đàn ông viết. (Theo Nguyễn Công Hoan - trong “Đời viết văn của tôi” trang 132).).



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng ảnh

Trong: An Nam Tạp chí Số 20, 21 (Tuần 2./03 - Tuần 1./04/1931).

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Mời xem và lấy về bản PDF




Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng ảnh
Bản của NXB Hội nhà văn 2005




Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF Bản của NXB Hội nhà văn 2005



Mời đọc tại ISSUU


Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉