2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Mời đọc Bản đánh máy
Chuyện cái ví
Ngày thuở bé - phải, năm ấy tôi mới độ mười một, mười hai tuổi, chứ không hơn - bốn buổi đi học, về học, qua phố Hàng Bông Đệm, tôi thường đứng lại, dán mũi vào mặt kính tủ hàng của hiệu tạp hoá Tự Hưng, để nhìn vào trong. Nhiều thứ thích mắt lắm. Nhưng tôi thú nhất là cái ví. Cái ví ấy nhỏ thôi. Dài độ một gang tay tôi hồi bấy giờ. Và rộng độ một nửa. Bằng da thì phải. Nhuộm mầu nâu xám. Trên mặt, có in hình cô tiên, rắc bằng kim nhũ. Giá đề có hào tám. Nhiều thằng bạn tôi cũng có ví. Ví của chúng nó, tôi đã xem, thấy hẹp hơn và xấu hơn. Nhưng cái thì hai hào hai, cái thì hai hào rưỡi. Vậy cái ví bán ở nhà người Hoa kiều này vừa đẹp, vừa rẻ. Tôi ước ao có cái ví như mấy thằng bạn. Cố nhiên cái ví mà tôi chọn để mua là cái có hình cô tiên giá hào tám này. Nhưng tôi làm gì có tiền để sắm thứ đồ xa xỉ ấy? Tiền nhà gửi hàng tháng cho anh em chúng tôi ăn học và tiêu vặt ở Hà Nội, thì anh tôi giữ. Thành thử muốn có ví, tôi càng thèm cái ví ấy. Tôi đâm mê cái ví bày ở hiệu Tự Hưng. Tôi xin anh tôi hào tám để mua. Nhưng anh tôi không cho. Nói rằng để mua sách, vở, có ích hơn. Tôi đành phải hậm hực mà nghe lời. Và muốn đỡ cơn thèm thuồng hầu như mắc nghiện, tôi chỉ còn cách là ngày ngày đi ngắm ví. Ngắm nhiều quá đến nỗi tôi thuộc lòng cả những nét vẽ cô tiên. Về nhà, những lúc rỗi tôi lấy bút vẽ lại cô ta ra tờ giấy. Cái mặt trái xoan. Cái mũi dọc dừa. Mái tóc uốn lượn cong cong. Tà áo và dải dây lưng bay bay tha thướt. Giống đáo để.
Các bạn tôi thấy tôi muốn có ví mà không có tiền để mua, mới gà tôi một điều: Là đợi Tết đến. Thế nào mà chẳng kiếm được tiền. Năm mới họ hàng, bà con đến nhà sao chẳng mở hàng cho tôi. Nhất định không được đánh tam cúc. Phải dành dụm để mua ví. Thì quả nhiên, ba ngày tết năm ấy, chú, bác, cô, dì tôi, mừng tuổi tôi người cho năm xu, người cho ba xu, người cho hai xu. Cuối cùng gộp lại, tôi được hào bảy bạc. Giá tôi được thêm nột xu nữa, thì hay biết mấy! Chẳng lẽ năm mới, được mở hàng, lại nài xin thêm một xu! Tôi đành mang hào bảy ra Hà Nội. Và cố nhiên, việc đầu tiên tôi làm là đến ngay hiệu Tự Hưng.
Tôi cầm tận tay cái ví để ngắm nghía, rồi mặc cả. Mặc cả từ hào hai, hào ba, rồi đến hào rưỡi. Thấy không ăn thua, tôi trả giá cuối cùng là hào bảy. Nhưng chủ hiệu không bán. Nói rằng giá đã đề nhất định. Chú ta lấy lại ví, bày vào chỗ cũ. Còn tôi, tôi thở dài, thất vọng ra về. Nhưng vì chỉ còn thiếu mỗi một xu thì được ví, nên tôi xin anh tôi. Tôi trình bày cặn kẽ về lòng ước mong có cái ví và tôi đã cẩn thận thế nào để giữ được tiền. Anh tôi cười, mới cho tôi một xu. Thế là tôi chạy tót đi.
Mua được ví, tôi sung sướng như người bắt được vàng. Bây giờ, tôi là chủ cái quý mà tôi khát khao bấy lâu đây! Cái ví này là cái ví của tôi rồi! Tôi có cái ví! Tôi ngắm nghía. Ngửi mùi da thơm thơm. Thọc vào các ngăn mềm mềm, mìn mịn. Tôi lấy móng tay di di, mài mài cho cái nếp hơi nhăn nheo ở mép được phẳng phiu và nhẵn thín. Rồi đi học, xúng xính bộ quần áo tết, tôi đút ví vào túi. Tôi khoe với các bạn. Chúng nó phục lăn là mỹ thuật với giá hời. Tôi hãnh diện hết sức.
Nhưng ba hôm sau, hết bạn để khoe và chiêm ngưỡng, sờ mó mãi đã quen mắt, quen tay, tôi mới sực nghĩ ra. Là tôi mua ví để làm gì? Ví dùng để đựng tiền. Nhưng tôi, quanh năm tiền không dính túi. Thế thì có ví để làm gì? Để khoe? Khoe khắp rồi. Để nhìn cho sướng mắt. Nhìn mãi rồi. Để hãnh diện là có ví? Nhưng vì có cô tiên, mà "tiên không" thì hãnh diện ở cái thứ gì? Tự nhiên, tôi thấy lố bịch, trơ trẽn lạ thường. Tôi hối hận là mình đã quá ngốc, dại. Thành thử tôi phải giấu biệt cái chùm cớ ngốc dại của tôi vào trong hòm.
Nhưng mỗi lần mở hòm, nhìn thấy cái ví, nghĩ đến cái công phu để dành tiền và xin tiền, cái quyết tâm hy sinh những cuộc vui chơi trong dịp tết để rút cục lâm cái việc quá ngây thơ, tôi không khỏi không bật buồn cười.
Tôi lớn dần. Rồi phải lăn lộn với đời để tranh cướp miếng ăn. Thì tôi không cười tôi về cái việc trong thời kỳ còn ngây thơ sắm ví mà phải cất kỹ vào hòm nữa. Cất ví vào hòm mới là ngốc dại. Đúng đấy. Càng không ngây thơ, tôi càng thấy việc có cái ví đẹp để mà phô ra cho thiên hạ trông thấy, là không lố bịch, không trơ trẽn, mà là tối cần thiết cho cách mưu tính. Nếu có đáng buồn cười thì là thứ cười bằng nước mắt.
Ở xã hội cũ, nó thế đấy, các bạn ạ.
Thời ấy không thiếu gì người trông bề ngoài sang trọng, oai vệ không chê được. Chẳng kém ông hoàng một mảy may. Tuổi họ gấp ba bốn lần tuổi tôi ở cái năm tôi mua chiếc ví của Tự Hưng. Nghĩa là họ không còn tí tẹo ngây thơ nào như tôi hồi ấy. Thế mà họ cũng cố xoay xỏa cho đủ số tiền để có được một cái ví. Cái ví ấy cũng không để đựng tiền. Vì không có tiền để đựng. Nhưng đi đâu họ cũng hé cho lộ nó ra, dày cộm những giấy nhật trình. Cho mọi người nhìn thấy. Họ dùng ví làm cái bẫy. Bẫy tiền. Bẫy nhậy ra phết!
Lại cũng không thiếu người, lúc đầu, cả cái thân hình không khác gì cái ví của tôi sắm hồi bé. Nghĩa là nó chỉ có cái mã. Còn thì rỗng tuếch. Cái "ví" ấy rỗng tuếch về tiền đã dành. Nó rỗng tuếch cả về chữ, lẫn về tâm hồn liêm xỉ mới khổ chứ? Thế mà chỉ cần học mỗi tiếng "Uẩy me xừ", mà họ leo được, cuối cùng, leo đến cả trên đầu trên cổ những anh trước kia vẫn khinh họ là dốt nát, đểu cáng.
Mấy chục năm trôi qua rồi. Lần này, sực nghĩ đến chuyện cái ví để viết cho số báo Tết, tôi thấy chuyện ấy vẫn còn lý do để được nhắc lại. Miền Nam nước ta, ở vùng giặc Mỹ tạm chiếm, nhìn bên ngoài, chẳng qua cũng chỉ như ví cô tiên của tôi ngày trước thôi. Bọn tài phiệt cố phết một lượt sơn hào nhoáng để lạm dụng tiếng gọi là phồn vinh. Nhưng thử lộn ví ra mà xem bên trong, cái văn minh của thế giới tự do nó ra sao. Thì chắc chắn, eo ơi chỉ thấy những bụi là bụi!
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Tham khảo: Các bài viết liên quan
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉