Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Kiếp tài tình


Đời văn nghệ sĩ:
1. Kiếp tài tình - 1935
2. Cái tết của những nhà đại văn hào - 1940


Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. L&H



Mời đọc Bản đánh máy


Kiếp tài tình

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Nhà hát tây hôm ấy có vẻ tôn nghiêm của một vẻ tôn nghiêm của một vị thượng quan mặc lễ phục. Dưới ánh sáng đèn điện như hàng trăm con nhện lửa chăng tơ trên tường và ngoài vườn hoa, hiện ra quang cảnh một thế giới riêng của hạng người phú quý.

Tiết trời đông lạnh lẽo những đâu đâu, chứ ở trước nhà hát, vẻ tấp nập, hớn hở lộ trên nét mặt các nam thanh nữ tú, làm cho nhà soạn kịch Hồng Sơn tưởng tượng đến những bông hoa của mùa ấm áp.

Một mình, chàng đứng nấp dưới bóng tối một khóm dạ hương đưa mắt ra ngắm cái cảnh náo nhiệt đó, là cái kết quả của hai năm hy sinh làm việc hai năm nhịn nhục của chàng.

Đã hai năm nay, Hồng Sơn đem hết tâm lực để soạn một vở kịch đầu tiên, mà chàng quyết nó được hoàn toàn trong tất cả các phương diện. Vở kịch ấy lại được một ban tài tử nổi tiếng xưa nay của Tiếp Như đem diễn, nên Hồng Sơn rất vui mừng, thấy trong lòng phấn khởi, vì cái công lao của chàng trong bấy lâu nay không đến nỗi uổng, mà vở kịch ấy quyết sẽ là một cuộc vui, hoặc là một mối suy nghĩ cho biết bao trái tim khối óc thiếu niên!

Lúc đó, chàng lại vụt nom thấy trong túp lều tranh nghèo khổ của chàng. Tiếp Như, trưởng ban kịch, dùng bộ mặt tài tử lõi nghề, đổi vẻ khôn khéo ra vẻ thực thà mà quả quyết:

- Rồi ông xem, cả thành phố ta sẽ vỗ tay ông. Chúng tôi dám tự phụ rằng hễ chúng tôi mang nhà văn nào ra mắt quần chúng thì nhà văn ấy sẽ được hoan nghênh tức khắc. Ông sẽ nổi tiếng. Ông sẽ ra được khỏi cảnh bó buộc của vật chất.

Những câu khuyến khích đó, rất vô công hiệu đối với Hồng Sơn. Chàng đã hiểu cái thiên chức của nhà nghệ thuật và số kiếp của họ.

Vả chăng, tuy chàng có thể tin được lời tự phụ chẳng quá ngoa của Tiếp Như, nhưng chàng cũng không tự phụ mà tin rằng ở cái giá trị riêng của văn tài chàng, song chàng có thiết chi cái danh tiếng hão huyền, cái phú quý rườm rà tục tĩu. Chàng vẫn cho rằng cái gì người đời đã tự ý đặt ra để tâng bốc hoặc để chôn vùi nhau, thì cũng có thể tự ý xóa bỏ đi rất dễ. Cái phần thưởng thật của nhà nghệ thuật, người đời chỉ phát ra cho họ, sau khi họ gác bút, nằm yên nghỉ rồi dưới nắm đất vàng.

- Ông làm vẻ vang cho văn giới nước nhà. Cái số tiền hoa hồng bốn mươi phần trăm để phần ông là một số tiền xưa nay các kịch sĩ chưa ai được chúng tôi biệt đãi như thế. Riêng một tối đầu về ông năm trăm là ít. Ông sẽ lấy tiền ấy mà xuất bản sách.

Một lần nữa, Hồng Sơn đáp lại câu dỗ dành thiết tha về danh lợi bằng nét mặt lãnh đạm. Bởi vì chàng lấy làm vô lý. Nếu sau này, cứ mỗi tháng chàng viết xong một vở, cái thì giờ một tháng cũng đủ thừa cho một vở kịch được hoàn toàn, thì làm gì nghề không nuôi sống nổi người một cách đế vương, vậy sao đời nào, nước nào, các nhà nghệ thuật cũng vẫn chung một kiếp long đong nhất?

Một tiếng thở dài đành phận của một nhà văn hắt ra, làm héo hắt mất nụ cười úy lạo trên môi nhà tài tử. Tiếp Như, mắt lấm lét, cuộn cho nhanh quyển kịch, rồi đứng dậy ra về. Hồng Sơn trông theo, mơ màng hy vọng.

Bỗng cơn gió thổi vù vù, hắt trả Hồng Sơn lại cái đời thực, cái đời hiện tại. Tà áo the bạc bay tung, Hồng Sơn thấy lạnh buốt, tâm hồn chàng thêm một sự lạnh lùng đối với thế sự.

Bụng chàng réo lên như sôi: thì ra Hồng Sơn đã hai hôm nay chưa có một giọt cháo thấm vào trong dạ.

Cái bể người xanh đỏ vẫn cứ xô đẩy nhau, chẩy dần dần vào trong nhà hát.

Hồng Sơn không chịu nổi hơi lạnh ở ngoài, cũng theo mà vào.

Ngồi thụt trong chiếc ghế bành trên gác, là chỗ để riêng cho chàng, chàng thấy dễ chịu, êm ấm. Vật chất như từng bước, sắp lấn át cả hồn lãng mạn của chàng. Mùi nước hoa thoang thoảng, lẫn với mùi phấn hồng đượm đà, làm cho chàng thênh thênh nhẹ nhõm.

Chàng nom xuống tầng dưới: quần áo tây san sát xen lẫn với những chiếc khăn quàng trắng nuột.

Một thế giới thần tiên...

Chàng lại văng vẳng nghe Tiếp Như:

- Ông sẽ nổi tiếng, ông sẽ ra được khỏi cái cảnh bó buộc của vật chất.

Câu nói vẽ cho chàng quãng đời mai hậu như gấm như hoa.

Bất giác, chàng thấy trái tim hồi hộp.

"Có lẽ nào, mồi phú quý thử ta chăng? Nhưng đời lãng mạn thanh tú lắm, khi nào ta bỏ!"

Song chàng lại tự nhiên thấy mình được ngồi trong một chiếc lâu đài, bàn ghế bóng lừ, ngăn nắp, cái ô tô sáng nhoáng đợi chàng ngoài cổng, hổn hển, nhe bộ răng như sắp ngốn, sắp nuốt quãng đường dài.

Hồi chuông thứ ba inh ỏi, thu bớt dần những tiếng ồn ào.

Đèn điện tắt. Màn sân khấu mở. Một thứ ánh sáng xanh lơ của thuốc pháo đốt lên, tỏa ra ngoài phòng tối nhờ, một mầu dịu dàng, phảng phất, có phần ảm đạm.

Người ta đoán trước, sẽ được xem một tấn bi kịch thảm thê.

Quả vậy, cảnh thứ nhất đưa khán giả vào căn phòng làm việc của một họa sĩ, bừa bộn ngổn ngang, cái thiếu thứ tự của một đời cô độc lãng mạn. Tài tử ngồi quay nghiêng, đập những nét chểnh mảng trước một tấm lụa căng trong khung trước mặt, thỉnh thoảng tì tay bút vào đùi, đăm đăm nhìn lên khoảng trời lam lộ trên một mảng mái nhà lợp bằng kính.

Tài tử thở dài, thốt lên những tiếng rền rĩ, như rót vào tâm hồn các khán giả những giọt nước mắt trong mà lạnh, thấm thía cảm động. Tuy nói một mình, mà muốn kể ra cảnh cực nhục của người hy sinh cho nghệ thuật.

Trên sân khấu lúc đó không có chi là hoạt động, song, mỗi lời của họa sĩ nói ra là làm cho người ngồi nghe phải nín thở, phải chờ đợi, như được đứng trước một tấn kịch mỗi phút một đổi thay.

Đến khi họa sĩ đứng dậy, trên nét mặt rầu rầu, mà gân guốc, người ta dường như thấy bốc lên cái tinh thần quả quyết phấn đấu.

Một hồi vỗ tay làm rung động cả phòng nhà hát.

Hồng Sơn như chợt tỉnh giấc mê, vì chàng đang tưởng chừng như chàng là họa sĩ, vội đứng nhỏm dậy, nhìn sang tứ phía.

Bên cạnh chàng, một ông béo phị, thô bỉ, ngồi sát cánh với bà vợ trẻ thoa son trát phấn, liền liền đập hai tay vào một, bình phẩm to trong lúc ồn ào.

- Đời tài tử tốt đẹp làm sao! Ấy người ta tuy vậy, mà rất hoàn toàn sung sướng bằng tinh thần mỹ thuật.

Hồng Sơn nghe nói mà cảm phục tấm lòng cao thượng, nhưng chàng thấy cồn cào trong dạ, mà bụng cứ réo sôi mãi. Thấy chiếc bánh sôcôla của cậu con ông béo phị cầm ở tay, chàng phải quay đi, không dám nhìn lâu, và cố nghĩ đến cái khác cho quên nỗi đói.

Hồi vỗ tay vừa dứt, thì họa sĩ trên sân khấu đã lâm vào cảnh khốn khó về đường tình. Nỗi tử biệt sinh ly làm cho họa sĩ ngây ngất, ủ rũ như chiếc hoa tàn buổi chiều thu. Nhưng họa sĩ cố quên sự thống khổ, thi gan sắt đá với lòng nham hiểm không bờ của con Tạo. Song sức người có hạn, họa sĩ sau cùng phải to lời thở than.

- Ta quên sao được? Ta càng cố quên, thì ta càng phải nghĩ đến, mà cả nghĩ đến, thì biết thuở nào ta quên cho đành!

Lại một tràng pháo tay hoan nghênh câu tâm lý, bao hàm hết cả nỗi thống khổ u uất trong tâm khảm của người trong cảnh ngộ.

Hồng Sơn lại một lần tỉnh giấc mơ màng, lại một lần nhìn khắp đó đây. Thì ngay chỗ chàng xuống, trong dãy ghế tầng dưới, chàng thấy một cặp nhân tình quay lại nhau bàn tán. Chàng nghe rõ, trong những câu nồng nàn tình ái và hạnh phúc:

- Quý thay đời lãng mạn và đời đau đớn. Đó mới là cảnh đời thực.

Họ hình như hoan nghênh họa sĩ lắm thì phải, song, trong chỗ hoan nghênh, Hồng Sơn thấy sự sợ hãi, sự lo âu, vì họ chẳng khi nào ao ước được thay lấy đời họa sĩ.

Bỗng dưng Hồng Sơn thấy mình cô độc vô cùng. Chẳng lẽ người tình nhân suốt đời của chàng lại là thần Mỹ thuật mãi sao?

Bụng chàng càng réo sôi hơn trước. Mắt chàng đã thấy hoa lên. Chàng thấy cái nhu cầu thiết thực là miếng bánh hay bát cơm, đang thúc giục chàng hãy bỏ sự viển vông của tinh thần mà lo về sự sống vật chất đã.

Hồng Sơn ngồi trong ghế, mỗi phút bắt đầu thấy buồn chán. Chàng càng thấy cái mối hoan nghênh của người đời, thì càng như bị trêu chọc.

Chàng thấy một bầu không khí nặng trĩu đè xuống đầu: chàng đứng dậy để ra ngoài sân.

Chàng len qua mặt người ngồi xem một cách rất cung kính, song chàng thấy ở nét mặt mọi người hình như có sự khinh bỉ, khinh bỉ cái áo the tàng và bộ tóc lòa xòa lâu chưa cạo.

Ra tới ngoài, chẳng đứng tựa vào một gốc cây, mơ màng...

Những chùm đèn điện tỏa vào mặt chàng thứ ánh sáng gắt gỏng. Hàng quà bánh rao đằng xa, máy ô tô chạy bên cạnh, tiếng xôn xao người hàng phố đã quấy đục mất cái cảnh đẹp của ban đêm.

Gió lạnh thổi. Hồng Sơn co ro đứng, tự thấy dễ chịu hơn lúc ở trong rạp.

Nhưng bụng chàng cứ réo mãi. Mắt chàng hoa hơn. Cái cồn cào làm cho chàng mệt như bị ốm. Mà túi chàng rỗng không.

- Ông sẽ nổi tiếng, ông sẽ ra được khỏi cái cảnh bó buộc của vật chất.

Hồng Sơn lại văng vẳng thấy câu khuyến khích. Chàng nghĩ đến cái lều tranh tồi tàn mà ở đấy chẳng ai mong đợi chàng cả. Chàng nghĩ đến cái dạ dầy lép kẹp của chàng, cái bộ dạng khinh khỉnh khả ố của phái tư bản...

Một con nhện từ cành cây văng mình lủng lẳng dưới sợi tơ trước mắt chàng. Chàng quờ lấy, ngắm nghía con vật. Bỗng thấy nhơm nhớp trong tay, thì ra nhện đã bị chết bẹp từ bao giờ...

Hồng Sơn tự ví nhện với thân thế mình. Kiếp vương tơ rút ruột, tạo nên cảnh đẹp cho đời người, chẳng khác chi con vật khốn nạn kia, chết vì sự ngắm nghía!

Gió lạnh thổi mãi, tiếng rì rào của lá lơ thơ trên cây như giục chàng đi vào. Hồng Sơn lại đến chỗ ngồi cũ.

Lúc đó trên sân khấu đã diễn tới đoạn cuối cùng, kết cục đời của họa sĩ bằng sự chết thảm thương trong chốn tối tăm.

Trong nhà hát lại qua một cơn rầm rĩ.

Người ta không những vỗ tay, còn kêu la om sòm.

- Hồng Sơn bất hủ!

- Vinh dự cho Hồng Sơn!

Tuy đã khuya mà khán giả còn tỉnh táo, hơn hở, như vẫn còn ham một buổi vui thích đáng. Cũng có người muốn được cái vinh dự biết mặt và bắt tay nhà kịch sĩ đại tài.

Trong khi ấy, trong khi trăm ngàn miệng còn đang reo hò tên Hồng Sơn mà ca tụng vở kịch thì bỗng trong góc nhà hát, có tiếng Tiếp Như gọi:

- Ông Hồng Sơn! Ông Hồng Sơn! Tỉnh chưa? Ông làm sao thế?

Mở mắt ra, Hồng Sơn thấy Tiếp Như đang ôm lấy mình, mà mình thì ngồi lả, dựa vào ghế đằng trước. Chàng gạt tay trưởng ban diễn kịch ra, rồi nói:

- Không ạ! Chết chửa! Tôi làm phiền ông quá. Tôi thấy khó chịu trong người một chút, nhưng bây giờ đã qua khỏi rồi.

Thì ra Hồng Sơn bất tỉnh lúc nào không biết.

Chàng cảm động quá hay là đói quá?

Trừ cái dạ dầy chàng, không ai dám quả quyết trả lời đúng sự thực.

Hồng Sơn lim dim con mắt, giơ bàn tay run run, nói một cách mệt nhọc:

- Ông làm ơn gọi cho tôi cái xe và cho tôi vay đồng bạc.

- Vâng có sẵn đây, ông hãy ký vào tờ giấy biên nhận này.

Trong khi hoa mắt, Hồng Sơn cố cầm ngọn bút cho vững để nguệch ngoạc vài nét vào tờ giấy trắng cho xong việc, có nghĩ đâu đến khoảng trên chữ ký ấy, Tiếp Như sẽ tự do biên những câu gì.

Ba hôm sau, khi cái đồng bạc của Tiếp Như đã hết công hiệu làm cho nhà nghệ thuật cầm được hơi của đời vật chất để nghĩ thêm được tấn kịnh mới nữa, mà Hồng Sơn chờ mãi không thấy món tiền hoa hồng bèn đến tận nhà Tiếp Như định hỏi.

Nhưng rủi thay, Tiếp Như đi vắng.

Lần thứ hai, Hồng Sơn lại đến.

Nhưng chẳng may, Tiếp Như không có nhà.

Lần thứ ba, thứ tư, thứ năm, Hồng Sơn đều không gặp Tiếp Như. Rồi mãi mãi hỏi ra, mới biết món tiền hơn năm trăm mà chàng đã nhận và đã ký vào tờ giấy ngay sau khi diễn xong vở kịch, đã làm cho ban tài tử được thêm sự ấm no.

Hồng Sơn thở dài, rơm rớm nước mắt, bất bình về nỗi đời xử bạc.

Song, hồi tưởng lại cái buổi diễn kịch chàng thấy đã làm cho đời sướng về vật chất, vui về tinh thần. Thừa rõ cái thiên chức và số kiếp nhà nghệ thuật, chàng đành tự tạm an ủi, ăn tiếng reo hò, uống lời ca tụng hôm đó, để lưu tâm nghĩ kịch bản sau này...


1935






Mời đọc Bản chụp dạng ảnh



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)


Tham khảo: Các bài viết liên quan


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉