Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Nhân tài


1. Mánh khóe
2. Nhân tài



Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Nguyễn Quốc Hoàn

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 kênh 1 video
Đọc Truyện Đêm - Diễn đọc: Nguyễn Quốc Hoàn

Mời đọc Bản đánh máy


Nhân tài

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tôi không hiểu làm sao, một thành phố to như Hà Nội, mà sở Cẩm còn để bày ra trước mắt công chúng nhiều cái bẩn quá, lại không thẳng tay mà trừng phạt.

Mà tôi cũng lạ, không có một ông phóng viên báo hàng ngày nào than phiền và yêu cầu Cẩm phạt những cái dám ngạo mạn cả lẽ phải của đời.

Hôm nay, bất đắc dĩ tôi phải có ác tâm kể ra một vài thí dụ. Trước hết, tôi hãy xin lỗi tất cả các bạn.

Này, thưa các bạn, trong buồng khách quét vôi màu, kẻ hoa sặc sỡ, ông chủ đã bầy một bộ sa lông tối tân, lùn tịt xuống đất, mà trên tường, lại treo đôi câu đối rặt những chữ nho. Thế thì, cứ theo phép công, ông chủ ấy, đáng Cẩm phạt. Một cửa hàng to, rộng, đèn điện sáng choang, bán rặt thứ xa xỉ, mà lại có một bà cụ già, xấu, ngồi ở sau quầy, thì bà cụ ấy, Cẩm phạt. Một cái xe cao su nhà, gọng kền sáng nhoáng, sơn quang dầu, rất mới, mà người trên xe lại chỉ ngồi mớm có một tí ở đệm ngoài, hai cánh tay đặt đối rõ chọi bằng trắc lên trên hai chỗ tựa tay, nghĩa là lúc nào trông ông ấy cũng có vẻ nhấp nhổm rình nhảy xuống đất, thì ông ngồi xe, Cẩm phạt. Một cô con gái, ăn mặc tân thời từ đầu đến gót, mặt trắng, răng trắng, tóc chải lật và quấn, mà chỉ phải cái mặt thiếu vệ sinh, thì cô ấy, Cẩm phạt.

Cứ kể ra, còn bài của học trò lớn tuổi viết mà còn phạm nhiều lỗi; mặc quần áo ta mà để râu Hoa Kỳ; chồng lùn mà vợ cao; muốn đọc báo mà đi thuê, hoặc xem trộm; cô tiểu thư đẹp lại lấy chồng, vân vân, vân vân, đều đáng Cẩm phạt cả.

Sở dĩ tôi kể lể một nút những thứ Cẩm phạt, vì tôi muốn nói một lần nữa đến Lê Văn Tầm, biệt hiệu Lãng Mạn Tử, tác giả cuốn tiểu thuyết Mịt Mù.

Nếu có luật Cẩm phạt như trên kia thật, thì cái tác phẩm của Lê Văn Tầm mới in thành sách, còn đáng Cẩm phạt nặng gấp đôi. Vì hẳn các bạn chưa quên nhà phê bình Việt Sỹ đã trả nợ miệng tác giả bằng những câu thế nào ở trong bài Mánh khóe.

Hôm ấy, bữa cơm ăn thật xong, thì Việt Sỹ nhoẻn cẩn thận cái miệng giao thiệp để cười và bắt tay cảm ơn Lê Văn Tầm. Tôi cũng phải nối gót Việt Sỹ mà đi về. Vì tôi chẳng có can đảm ở lại nhà bạn nữa. Chẳng phải tôi hèn, không dám nghe những lời nhà tiểu thuyết “ấy” lại nhà phê bình, nhưng chính là tôi yếu bóng vía, vì Lê Văn Tầm, lúc bấy giờ, trông chẳng khác gì cái xác chết.

Sáng hôm sau, Việt Sỹ đến tòa soạn, vào buồng ông chủ nhiệm, đưa bài phê bình cuốn sách Mịt Mù:

– Ta phải giẫy cho sạch bọn này mới được. Thật là những cái nhơ bẩn trong vườn văn. Họ làm ta xấu hổ phải mang danh văn sĩ với họ.

Nói xong, Việt Sỹ móc túi, đưa bài cho ông chủ nhiệm.

Ông chủ nhiệm đưa mắt lên tờ giấy, thấy những chữ có gạch dưới để dặn in ngả, thì ông rung rung hai cẳng, tủm tỉm cười, ngẩng mặt lên, hỏi Việt Sỹ:

– Mịt Mù à? Nó là tên sách gì?

– Tên cuốn tiểu thuyết viết không sao ngửi được.

– Của Lãng Mạn Tử à?

– Phải.

Rồi ông chủ nhiệm cắn môi, thừ mặt ra để nghĩ, và hỏi:

– Cái tên này, ông đã thấy ký ở báo nào chưa nhỉ?

– Chưa, nó là một thằng ranh con…

– Thế thì đáng giã lắm.

Ông chủ nhiệm lại lia mắt, đọc khắp mấy trang. Bỗng ông cười sằng sặc:

– Thế này thì nó oán ông đến chết.

Rồi ông nhìn lại từng đoạn và đọc một lượt nữa.

Ai ngờ từ đầu đến cuối sách, tác giả dùng toàn một giọng bài luận của học trò thi Sơ học Yếu lược, thêm những chữ rất dốt như mục kích thì viết là mục đíchnhu cầu thì viết là nhu cần,v.v…

…Cốt chuyện như vậy nên đem ra máy nước, đầu cầu, họa chăng mấy thằng nhỏ con sen mới có thể hoan nghênh được.

…Nói tóm lại, đáng lẽ nhà phê bình không nên đếm xỉa đến những tác phẩm như loài Mịt Mù của Lãng Mạn Tử, tác phẩm nó làm nhục tác giả, làm nhục độc giả, làm nhục người in và người bán nó. Nhưng mà…

Đọc đến đấy, ông chủ nhiệm rùng mình, cười:

– Ông ác quá!

Việt Sỹ điềm nhiên, đáp:

– Kệ họ, miễn là mình cứ công bằng.

Ông chủ nhiệm nghĩ ngợi một lát, nhìn vơ vẩn, rồi hỏi:

– Tôi hỏi thực ông nhé. Ông không thù hằn riêng gì Lãng Mạn Tử đấy chứ?

Nhếch mép để cười mỉa, Việt Sỹ đáp:

– Không bao giờ tôi đem ngòi bút để làm những việc đê hèn.

Ông chủ nhiệm nhăn mặt, lắc đầu:

– Thế thì nói làm quái gì? Lãng Mạn Tử là anh nào thế nhỉ?

– Lãng Mạn Tử là Lê Văn Tầm, người mời tôi ăn cơm chiều hôm qua. Mãi ban nãy tôi mới biết, vì có người bạn tôi bảo.

Ông chủ nhiệm cười, ngạc nhiên, nhìn Việt Sỹ:

– Vậy mà ông cũng phê bình thẳng tay thế à?

– Tôi cần gì?

Ông chủ nhiệm chống tay vào má, nghĩ ngợi, rồi nói:

– Quái, Lê Văn Tầm, hình như hắn là con một nhà thầu khoán thì phải.

– Phải đó.

– Nhà giàu lắm đấy.

– Phải, ông biết à?

– Tôi biết.

Rồi ông chủ nhiệm châm điếu thuốc lá, ngửa người lên lưng ghế, đôi mắt mơ màng nhìn làn khói xanh cuồn cuộn trên không.

*
*     *

– Thế nào? Ngài cho tôi biết ý kiến ngài về bài phê bình này?

Lê Văn Tầm ngượng nghịu, lễ phép đặt tờ giấy lên bàn, nhìn ông chủ nhiệm, cười lạt mà không đáp. Ông chủ nhiệm, như đã trông rõ Lê Văn Tầm đến tận tâm can, bèn thân mật nói:

– Song, tôi không nỡ quá nghiệt với văn nhân, ngài ạ. Bao giờ tôi cũng muốn nuôi nhân tài. Tôi không muốn gìm ngài ngay bước đầu tiên. Như thế hại cho ngài lắm, không biết đời nào ngài mới ngóc cổ lên được. Bởi vì tôi chỉ nghĩ một điều, là bây giờ ngài mới ra đời, không ai biết đến, nhưng biết đâu, trong vài tháng nữa, ngài không lừng lẫy tiếng tăm.

Khiêm tốn, Lê Văn Tầm vui vẻ đáp:

– Thưa ngài, tôi đâu dám quá mơ hồ đến thế. Tôi làm gì có tài mà mong có tiếng được.

Ông chủ nhiệm lắc đầu, cười:

– Ngài lầm to. Ngài tưởng danh tiếng ngài là do tài ngài làm nên được à? Sự thực trái hẳn thế, ngài ạ. Danh tiếng ngài là do ở tài tôi làm ra.

Rồi yên một lúc, ông nói tiếp:

– Không tin, ngài nghĩ kỹ mà xem.

Nói xong, ông chủ nhiệm cười hà hà rõ to. Ông đứng dậy, ra mở cửa sổ, để Lê Văn Tầm vẩn vơ bối rối đến mấy phút một mình vì câu nói lạ lùng ấy. Rồi khi ngồi vào bàn giấy, ông nhã nhặn, tươi cười, giơ tay, nói:

– Xin lỗi ngài nhé. Tôi quả bận quá. Để hôm khác mời ngài đến chơi, chúng ta sẽ nói chuyện lâu. Ngài cứ yên tâm. Bài phê bình này tôi không cho đăng đâu. Tôi ở luôn trong tòa báo. Lúc nào ngài đến tôi cũng xin tiếp.

Ông nắm tay Lê Văn Tầm, bắt đầu rung từ lúc nói tiếng “xin lỗi” cho đến lúc nói tiếng “xin tiếp” mới buông.

*
*     *

Độ này, người ta thấy ông chủ nhiệm và Lê Văn Tầm thân thiết như anh em ruột. Hai người dính nhau như đôi nhân ngãi mới yêu nhau, xa nhau thì nhớ, gặp nhau thì mừng.

Thứ keo, sơn nó gắn bó hai người ấy là một thứ keo sơn biết kêu, biết nảy, nhưng không biết dính. Nó tròn và trắng. Nhưng lại không phải là bánh trôi của Hồ Xuân Hương. Nó từ tủ két nhà Lê Văn Tầm bò ra. Nó trọ ở túi chủ một lát, rồi nó lan đi khắp các nơi: phố Tràng Tiền, xóm Khâm Thiên, nhà vàng bạc và hiệu bào chế thuốc phong tình.

Song, Lê Văn Tầm chẳng phải chỉ là khách giá trị của những phố Tràng Tiền, xóm Khâm Thiên, nhà vàng bạc và hiệu bào chế thuốc phong tình, mà chính anh lại là một nhà tiểu thuyết có giá trị.

Mà cái văn phẩm làm anh nổi giá trị trong làng văn, lại chính là cuốn Mịt Mù.

Cuốn Mịt Mù đó, rồi vài hôm sau ngày Lê Văn Tầm gặp ông chủ nhiệm, được Việt Sỹ viết cho một bài cực lực tán dương.

…Trừ những chữ in lầm cỏn con, (mà lỗi thì ở nhà in), như mục đích, nhu cầu, còn toàn quyển, ta có thể gọi là một văn phẩm hoàn toàn về hình thức, làm vẻ vang cho nghề in của nước nhà.

…Cốt truyện thực là giản dị, mà giản dị thì lúc nào cũng hợp thời, vì bao giờ nó cũng đi tới chỗ tận thiện, tận mỹ.

…Tác giả đã khéo gợi cảm độc giả bằng những lời tha thiết của những vai chính trong truyện. Những lời ấy, mới đọc, ta tưởng như nó ở cửa miệng trẻ con. Nhưng chính đó mới là cái nghệ thuật tối cao của nhà tiểu thuyết, muốn cho những lời nói được tự nhiên: Một cái thông bệnh của những người mới bước chân vào làng văn, là làm sao cho câu của mình chải chuốt, gọt giũa. Vì đó, có những sự cầu kỳ đáng nực cười. Nhưng Lãng Mạn Tử mà ta chưa thấy tên dưới một tác phẩm nào đã có ngay một giọng văn của những nhà tiểu thuyết lão thành. Nó giản dị mà không thiếu ý, nó trúc trắc mà không thừa lời…

…Nói tóm lại, cuốn Mịt Mù, một tác phẩm có ích cho bình dân, đã làm vẻ vang cho văn học hiện đại, và có thể giữ được địa vị của nó với hậu thế…

Thế là chồng sách Mịt Mù đang ngủ yên ở trong tủ kính, đã bắt đầu được tay ngọc ngà của cô hàng đập vào mà đánh thức. Rồi nó cựa cạy. Rồi nó chạy. Nó cắm cổ nó phi…

Trên mặt tờ báo, thường có những bài nhắc đến tên Lãng Mạn Tử luôn. Rồi tờ báo khác cũng nói đến. Rồi ai ai cũng nói đến. Mà độc giả nghe ba tiếng Lãng Mạn Tử thành quen tai.

Độ này, người ta làm sử Văn học, tôi đã thấy tên Lãng Mạn Tử in ở chương nói về các nhà tiểu thuyết đương thời.

Một hôm, tôi gặp Lê Văn Tầm đi chơi phố với nhiều nhà văn trứ danh. Trong khi đang mày tao thân mật với các bạn, thì anh trông thấy tôi. Anh khinh khỉnh nhìn tôi và gọi to, rồi trỏ tay vào những người đứng chờ. Anh vênh váo và lên giọng đàn anh để tỏ ý thương hại tôi. Anh bảo:

– Viết văn mà không có tụi, thì đến đời chết anh cũng không thành được nhân tài. Anh cứ in sách đi, tôi bảo chúng nó ”lăng xê” cho(*).

19–9–1935

Mời đọc Bản chụp dạng ảnh




Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)




Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉