Mời bạn đọc theo dõi việc lễ tết quan qua các truyện ngắn:
1. Xuất giá tòng phu - 1936
2. Gánh khoai lang - 1938
3. Ngượng mồm - 1938
2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Chiến Hữu | 3. Cô Trinh | 4. Cô Thuận (Văn) | 5. Quỳnh Hoa | 6. Hồng Ngọc | 7. TV DKD | 8. Phạm Hằng | 9. Thu Yên | 10. Vân Radio | 11. Anh Khôi | 12. Mắm Tôm | 13. L&H
12 Kênh 13 Video
2. Chiến Hữu Audio 01:26:55
3. Đọc Truyện Official Chanel
4.
5. Kênh Cô Vân 00:00,
6. Quỳnh Hoa
7. TV DKD 28:55
9. Cánh Đồng Radio - Diễn đọc: Thu Yên 00:00
10.
11. RADIO Truyện Đêm Khuya - Diễn đọc: Anh Khôi 01:43:06
12. L&H -TÔI ĐỌC BẠN NGHE 11:30
Mời đọc Bản đánh máy
Gánh khoai lang
Buổi chợ tan, bà Lý gánh hai thúng khoai lang về nhà, nét mặt buồn rười rượi.
Thấy tiếng vợ ngoài cổng, ông Lý vội chạy ra, nhưng rồi đứng sững lại, tưng hửng, hỏi:
- Thế nào? Ế à?
Bà Lý uể oải đi vào, đặt gánh xuống sân, lắc đầu:
- Đã bảo mà, thầy nó gàn dở quá. Năm hết tết đến, còn ai mua của nỡm này làm gì? Chỉ làm tội tôi gánh trật xương vai ra thôi.
Rồi nhìn chồng lặng yên, và nét mặt lo lắng, bà thương hại, nói:
- Hay thầy nó cứ làm như ông chánh hội ấy, ì ra, không tết, không lẽ ông quan ông ấy giết chết hay sao?
Ông Lý thở dài:
- Mình còn làm việc với người ta, không xử thế được.
Bà vợ cau mặt:
- Sao lại không được? Thầy nó để ông ấy bắt nạt, được một lần, rồi ông ấy bắt nạt mãi. Cứ thử trây ra xem sao nào. Gặm khố người ta mà trừ à.
Nói xong, bà Lý vừa xuống bếp vừa gắt gỏng:
- Làm Lý trưởng một làng quèn quèn có hơn trăm suất đinh, mà nay tết, mai tết, lại phải những hai đồng, cũng chẳng dám mở miệng ra mà kêu.
Ông Lý bực mình, gắt lại:
- U mày lên huyện mà kêu. Cứ ở nhà nói đổng thì ai chẳng làm được. Lại không biết người ta ra làm quan chỉ cốt có việc nặn khoét thôi à.
Bỗng một lát nghĩ ngợi, ông Lý hỏi:
- Thế đồng bạc để mua thịt ngày mai đâu, u mày đưa đây vậy.
Bà Lý bĩu môi:
- Dễ nghe nhỉ. Cả nhà ăn tết, chỉ có đồng bạc, thầy nó định lấy đem vào quan hay sao?
- Chứ làm thế nào?
Bà Lý nguýt:
- Rồi không có gì sửa mâm cơm cúng hôm mồng một, để ngoài người ta nói cho ấy à?
Ông Lý buồn rầu, vuốt mái tóc, hấp háy mắt. Ông nhăn nhó, nhìn gánh khoai lang. Ông lo lắm. Mai đã là ngày quan hẹn lên lễ tết, mà nay chưa có đồng nào. Không thể thế được. Vụ lụt vừa rồi, dân làng đã xơ xác, rạc rầy. Nhà ông tiếng là đủ ăn, nhưng sự thực, bữa nào vợ chồng con cái cũng phải độn khoai lang với gạo đỏ. Bởi vậy, vào lúc khó khăn này, kiếm được đồng tiền để nuôi sống cái thân còn chật vật khốn đốn, huống chi để đem làm giàu cho bọn quan tham.
Nghĩ vơ vẩn một lúc, ông Lý gọi vợ, dỗ dành:
- Này u mày cứ đưa tôi đồng bạc, để mai tôi đi sớm, rồi hãy hay.
Bà Lý ương ngạnh:
- Nhất định tôi không chịu để cái tết này ông bà ông vải phải nhịn đói. Thầy nó muốn làm gì tôi thì làm.
- U mày khó bảo quá.
- Mà nói thực ra, ông bà ông vải đã chắc gì được hưởng mâm cao cỗ đầy. Đồng bạc này chỉ là để vợ chồng con cái ăn tết với nhau cho sướng mà thôi. Mình làm lụng quanh năm vất vả, được ngày tết để nghỉ ngơi ăn uống vui vẻ, tội gì mà đem tiền mồ hôi nước mắt cho người khác hưởng.
Ông Lý phát cáu, nói:
- Nhưng vui sướng chửa thấy đâu. Hãy biết rằng tôi khổ với người ta trước đã.
Bà Lý chợt nghĩ được một điều, ôn tồn nói:
- Thầy mày cứ gánh thúng khoai này lên huyện mà tết quan. Khoai mà không là tiền à. Gặp lúc đói kém, nó lại không quý hơn vàng ấy à?
Thấy vợ dịu, ông Lý mỉm cười:
- Thì tôi cũng đã nghĩ như thế, món khoai này cũng trị giá đến đồng bạc. Nhưng một gánh khoai không vẫn chưa đủ lệ, phải có thêm đồng nữa, ông ấy mới nhận cho.
Bà Lý xung tiết:
- Ăn gì mà ăn lắm thế.
Ông Lý trợn mắt:
- Tôi đã bảo u mày cứ hay nói nhảm, thế nào cũng có ngày vạ miệng. Nhà mình là nhà làm việc, mình nên giữ mồm giữ miệng, kẻo đến tai ông ấy ngay đấy.
Bà Lý càng tức, nói to:
- Ừ đấy, tôi sợ gì. Ông ấy cứ đem mà giết quách cả nhà này đi. Chứ lại bóc lột người ta tàn nhẫn thế à?
Ông Lý lại trợn mắt, vội chạy đến giơ tay để bịt mồm vợ. Bà Lý tưởng chồng đánh, bèn bù lu bù loa lên, kêu khóc. Ông Lý càng nổi giận, sẵn tay, vả ngay cho vợ một cái thật mạnh. Tức thì, tiếng tru tréo dậy lên ồn ồn.
Nhưng hàng xóm chạy ngay sang, ông Lý phân trần lẽ phải của mình. Bà Lý cũng già mồm cãi lại để mọi người hiểu. Kết cục, ai nấy đều khuyên bà Lý nên để tiền cho ông lên huyện tết quan. Bởi vì nếu không, không những ông Lý sẽ bị quan nay hạch sách điều nọ, mai đòi hỏi việc kia, tốn kém dây dưa, rồi ra cũng quá tội. Mà ông chánh hội đã không tết, ông Lý cũng lại không tết, quan sẽ đổ cho cả làng là cộng sản, thì dân vừa bị cái ách lụt lội trời trị chưa hồi phục, đã lại bị cái ách quan trị nữa, thì đến đi xiêu cả làng mất.
Bà Lý hiểu lẽ, động lòng, mới chịu nhượng bộ chồng.
* *
Đứng trước bàn giấy quan, ông Lý gãi tai, nhìn đĩa tiền để trên hai thúng khoai chồng lên nhau, khúm núm nói:
- Lạy quan lớn, chúng con gọi là có cây nhà lá vườn, đem đầu đến vi thiềng tết quan lớn.
Ông huyện hình như đã nổi giận. Ông ngắm áo quần và người ngợm ông Lý bằng đôi mắt đầy mỉa mai, rồi trỏ tay vào lễ vật, dõng dạc hỏi:
- Thầy đem tết tôi? Thầy thử ngắm xem cái mả khoai lang của nhà thày bày ở giữa buồng giấy này, trông nó có đẹp không đã?
Ông Lý sợ hãi, trống ngực thình thình. Quả là cái mả khoai lang đã làm tiêu cả vẻ hùng vĩ của bộ da cọp và hai thanh quất treo trên tường, và làm giảm cả sự choáng lộn của bộ bàn ghế gụ đánh bóng, có những đệm nhung thêu kim tuyến. Rồi như tiếng sét, ông huyện gắt:
- Đồ xỏ lá! Đem về để vợ chồng con cái ăn với nhau! Nhà tao không có lợn!
Giật mình, ông Lý tái mét mặt, ấp úng nói:
- Lạy quan lớn, quả thực chúng con túng đói, xin quan lớn thương cho.
- Mày kêu mày túng? Mày túng thì ông cách cổ mày đi cho thằng khác làm. Đồ ba que!
Ông Lý không thể đáp thế nào được, bèn chỉ lạy van đỡ đòn:
- Lạy quan lớn.
Ông huyện quắc mắt, đập bàn, lại quát:
- Đem ngay đi! Đừng để bẩn công đường! Từ giờ đến trưa, mày không tết được tao, thì tao bỏ tù. Tao bảo trước cho mà biết.
Ông Lý run bắn người, nghĩ ngay đến mai là mồng một tết mà mình phải giam trong trại.
Ông bèn khom khom bê hai thúng khoai ra để ở góc hè, bỏ tờ giấy bạc vào túi, rồi ra phía cổng.
Ruột ông rối như mớ bòng bong. Ông đi ra để quan khỏi quở thêm, chứ thực ra cũng chưa định đi đâu.
Nhưng may quá, ông sực nghĩ đến ông phó Sinh bán hàng cơm ở ngoài phố, là chỗ quen thuộc. Ông Lý định đến nói khó với ông ta, may ra ông ta giúp cho chăng.
Đến nhà ông phó Sinh, ông Lý kể lể đầu đuôi câu chuyện.
Ông phó Sinh ái ngại, song, lắc đầu, đáp:
- Tôi có thì ông tiêu cũng thế, tôi không tiếc ông đâu, ngặt vì dộ này tôi túng quá.
- Hay nhờ ông vay hộ vậy.
Ông phó nghĩ một lát, rồi lắc đầu:
- Khó lắm, ông ạ. Có mấy chỗ mọi khi lúc túng thiếu tôi vẫn đến giật lửa, thì đều mắc míu cả rồi, nên bây giờ chắc không hi vọng gì.
Ông Lý nhăn nhó, nằn nì:
- Ông cứ nói rằng ông hỏi mượn cho tôi vậy.
Ông phó cười:
- Đến tôi buôn bán ngay ở phố này, mà khi vay mượn còn phải đem cái nọ cái kia đến làm tin, nữa là ông.
Ông Lý vừa sòng sọc hút thuốc lào, vừa gật gật ra ý mừng rỡ, rồi sau khi thở hết làn khói ở miệng ra, ông nói:
- Vây có mỗi một đồng bạc, làm gì người ta không tin? Chả có tôi làm giấy và có áp triện chứ gì.
Ông phó bật nghĩ ra:
- Ông có đem đồng triện đi đấy à?
Ông Lý gật:
- Có đấy.
- Ông ạ, còn có cách này chắc chắn, là ông đem quách triện đi mà cầm. Có tôi nói giúp vào, may người ta cho vay đấy.
Túng phải làm liều, ông phó và ông Lý cùng đi. Phúc làm sao, người ta bằng lòng cầm chiếc đồng triện một đồng bạc, lãi ba mươi phân.
* *
Có đủ tiền vào tết quan, ông Lý thấy được nhẹ nhõm.
Ông đứng chờ ở hiên công đường, nhìn đến hai thúng khoai nặng nề mà thở dài. Chốc nữa, ông lại phải gánh cái món ăn vô duyên ấy về mới rầy rà chứ!
Được lệnh quan gọi vào hầu, ông Lý xếp gọn gàng hai tờ giấy bạc lên đĩa, rồi nắn lại khăn, sờ lại khuy áo, và thong thả tiến vào.
Ông đặt đĩa tiền ở góc bàn, sắp bẩm một câu chiếu lệ. Nhưng ông huyện đã vui vẻ, ngọt ngào nói ngay:
- Đấy, các thầy chỉ được nghề nói dối quan là tài. Từ nay không nên thế. Thôi được, có lòng thành, ta cảm ơn.
Nói đoạn, quan phụ mẫu nhanh nhẹn gión món tiền, bỏ túi. Rồi cũng chẳng ngượng miệng tí nào, và làm như động lòng thương người thuộc hạ phải gồng gánh nặng nề, ngài dịu dàng dạy:
- Thế còn hai thúng khoai ban nãy đâu, đem vào đây nhé.
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000
Tham khảo: Các bài viết liên quan
1. Xuất giá tòng phu - 1936
2. Gánh khoai lang - 1938
3. Ngượng mồm - 1938
https://hoidap247.com/cau-hoi/5143176
Trả lờiXóaTranhuyen9826/05/2023
icon
Nguyễn Công Hoan đã vẽ lại một bức tranh toàn cảnh về xã hội thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với cảm hứng phê phán, tố cáo gay gắt, từ nhân vật quan huyện, ông đã khái quát hiện thực, vạch trần bộ mặt thối nát của xã hội đương thời.
Truyện ngắn “Gánh khoai lang” kể truyện về một ông lý trưởng ở một làng quê nghèo phải lễ tết quan huyện một khoản tiền lớn là 2 đồng bạc theo lệ của quan. Để có tiền đi lễ quan, ông đành nhịn ăn tết dành ra một đồng, còn đồng nữa không kiếm đâu ra nên buộc phải bù vào đó bằng một gánh khoai lang có giá trị tương đương. Và đây là cảnh ông lý mang đồ lễ đến kính biếu quan tại công đường diễn ra.
Nhân vật quan huyện trong truyện ngắn “Gánh khoai lang” của nhà văn Nguyễn Công Hoan là tiêu biểu cho tâng lớp quan lại hợm hĩnh, cậy quyền thế áp bức dân nghèo. Hắn có một giọng trắng trợn, vô liêm sỉ đến quái gở: “Ông ngắm áo quần vào người ngợm ông lý bằng đôi mắt đều mỉa mai, rồi trỏ tay vào đống lễ vật, dõng dạc nói...Đồ xỏ lá, đem về để vợ chồng con cái ăn với nhau! Nhà tao không có lợn!” Tên quan hợm hĩnh đã dùng những lời lẽ hách dịch để đe đọa người dân, qua lời nói và giọng điệu, bản chất hợm hĩnh, tham lam của hắn được bộc lộ nõ nét.
Như vậy, qua việc tái hiện khung cảnh xã hội đương thời, truyện đã vạch trần bộ mặt thối nát của gia cấp quan lại thời bấy giờ.
https://topbee.vn/blog/doc-hieu-ganh-khoai-lang
Trả lờiXóaĐọc hiểu Gánh khoai lang
14/6/2023
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
Câu 2: Cho biết nội dung của đoạn trích?
Câu 3 : Qua đoạn trích anh/ chị thấy ông lí là người như thế nào? Hãy viết đoạn văn ngắn (3-5 câu) thể hiện điều đó?
Câu 4: Theo anh chị truyện phê phán điều gì trong xã hội? Nêu ý kiến của anh chị về điều đó?
https://topbee.vn/blog/doc-hieu-ganh-khoai-lang
Trả lờiXóaĐọc đoạn trích
Buổi chợ tan, bà lí gánh hai thúng khoai lang về nhà, nét mặt buồn rười rượi.
Thấy tiếng vợ ngoài cổng, ông lí vội chạy ra, nhưng rồi đứng sững lại, tưng hửng, hỏi:
- Thế nào? Ế à?
Bà lí uể oải đi vào, đặt gánh xuống sân, lắc đầu:
- Đã bảo mà, thầy nó gàn dở quá. Năm hết tết đến, còn ai mua của nỡm này làm gì? Chỉ làm tội tôi gánh trật xương vai ra thôi.
Rồi nhìn chồng lặng yên, và nét mặt lo lắng, bà thương hại, nói:
- Hay thầy nó cứ làm như ông chánh hội ấy, ì ra, không tết, không lẽ ông quan ông ấy giết chết hay sao?
Ông lí thở dài:
- Mình còn làm việc với người ta, không xử thế được.
Bà vợ cau mặt:
- Sao lại không được? Thầy nó để ông ấy bắt nạt, được một lần, rồi ông ấy bắt nạt mãi. Cứ thử trây ra xem sao nào. Gặm khố người ta mà trừ à.
Nói xong, bà lí vừa xuống bếp vừa gắt gỏng:
- Làm lí trưởng một làng quèn quèn có hơn trăm suất đinh, mà nay tết, mai tết, lại phải những hai đồng, cũng chẳng dám mở miệng ra mà kêu.
Ông lí bực mình, gắt lại:
- U mày lên huyện mà kêu. Cứ ở nhà nói đổng thì ai chẳng làm được. Lại không biết người ta ra làm quan chỉ cốt có việc nặn khoét thôi à.
Bỗng một lát nghĩ ngợi, ông lí hỏi:
- Thế đồng bạc để mua thịt ngày mai đâu, u mày đưa đây vậy.
Bà lí bĩu môi:
- Dễ nghe nhỉ. Cả nhà ăn tết, chỉ có đồng bạc, thầy nó định lấy đem vào quan hay sao?
- Chứ làm thế nào?
Bà lí nguýt:
- Rồi không có gì sửa mâm cơm cúng hôm mồng một, để ngoài người ta nói cho ấy à?
Ông lí buồn rầu, vuốt mái tóc, hấp háy mắt. Ông nhăn nhó, nhìn gánh khoai lang. Ông lo lắm. Mai đã là ngày quan hẹn lên lễ tết, mà nay chưa có đồng nào. Không thể thế được. Vụ lụt vừa rồi, dân làng đã xơ xác, rạc rầy. Nhà ông tiếng là đủ ăn, nhưng sự thực, bữa nào vợ chồng con cái cũng phải độn khoai lang với gạo đỏ. Bởi vậy, vào lúc khó khăn này, kiếm được đồng tiền để nuôi sống cái thân còn chật vật khốn đốn, huống chi để đem làm giàu cho bọn quan tham.
(Trích Gánh khoai lang của Nguyễn Công Hoan)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
Câu 2: Khái quát nội dung của đoạn trích.
Câu 3 : Qua đoạn trích anh/ chị thấy ông lí là người như thế nào? Hãy viết đoạn văn ngắn (3-5 câu) thể hiện điều đó?
Câu 4: Theo anh chị truyện phê phán điều gì trong xã hội? Nêu ý kiến của anh chị về điều đó?
Trả lời câu hỏi
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là tự sự.
Câu 2: Nội dung của đoạn trích: Ông lí đang tìm cách xoay xở để có đủ hai đồng bạc biếu quan huyện. Ngày hẹn đã đến nhưng ông lý không kiếm đủ tiền để biếu quan. Vợ chồng ông đang vô cùng lo lắng, không biết phải làm thế nào.
Câu 3 : Qua đoạn trích chúng ta thấy ông lí là một vị quan thanh liêm, mẫu mực. Vì sống gần gũi với dân, không tham của dân nên gia đình của ông cũng chả dư dả gì nếu không nói là nghèo túng. Ông cũng là người chịu khó, không muốn làm khổ hay phiền đến ai, vì thế mới nghĩ ra việc đi bán gánh khoai lang để lấy tiền biếu quan trên vào dịp tết. Từ đó chúng ta thấy được mặc dù cũng là một vị quan ở tầng lớp trên nhưng ông lí đã sống một cuộc đời bần hàn giống như con dân của mình.
Câu 4: Theo em truyện đã phê phán hủ tục biếu xén quan trên trong xã hội phong kiến. Lợi dụng ngày tết các quan trên mặc sức hạch sách, bóc lột, bòn rút của cấp dưới. Dồn họ đến con đường cùng phải bán đủ thứ để lấy tiền nộp, nếu không có sẽ gây khó dễ cho họ. Bộ mặt thối nát của tầng lớp quan lại trong xã hội phong kiến đã được phơi bày rõ nét. Qua đó có thể thấy ngòi bút tố cáo đanh thép và sự mỉa mai của nhà văn dành cho tầng lớp quan lại trong xã hội.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Gánh khoai lang. Đây là một truyện ngắn rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Các câu trả lời được chắt lọc kỹ càng đảm bảo chi tiết và chính xác nhất. Hy vọng bài đọc hiểu sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ Văn!
Phạm Liên