2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Diễn đọc: 1. Chiến Hữu | 2. Cô Trinh | 3. Hồng Ngọc | 4. TV DKD | 5. Quỳnh Hoa | 6. Thu Yên | 7. Mắm Tôm
Mời đọc Bản đánh máy
Chuyến tàu Nam
Tuy lúc ấy đã đến hai giờ sáng, song không ai dám ngủ nữa. Nghe tin dữ dội, họ nhổm cả dậy, ngồi bó giò trên chiếu giải la liệt trên mặt sàn tàu, tỉnh như sáo, hỏi thăm nhau xem hiện nay bệnh nhân thế nào. Nhưng chẳng ai được mắt trông thấy người khốn nạn. vì mại bản đã ra lệnh cho mạch nô khênh bà ấy xuống tầng dưới, ở đằng lái, chỗ ấy vắng người cốt giấu kín chuyện đi.
Song, họ chẳng giấu nổi ai cả. Bởi vậy, người nào cũng lo sợ, nhìn lại xem bà già ngồi cạnh mình lúc chập tối có còn đấy hay không, để được yên lòng. Rồi thần hồn nát thần tính, ai cũng thấy mình như râm rẩm đau bụng. Mấy ngọn đèn dầu treo ở mui đưa đi đưa lại, theo nhịp tàu trành, chiếu ánh sáng đỏ mờ chập chờn vào những bộ mặt xám ngoẹt. Bốn bên trời đen thẳm kinh hồn.
Bỗng một người khách đi qua mình trần, quần xắn lá toạ và quấn lên đến bẹn, một bà hỏi:
- Ai làm sao thế hở chú?
Người khách thản nhiên đáp:
- Pệnh dịch! Một pà già! Cái lày cứ ăn nhảm vào thì chết toi à.
- Bà ấy khỏi chưa, chú?
- Khổi à! Cái lày xống âm phủ thì khổi.
Rồi anh gãi nách, nhăn răng ra cười sằng sặc. Một bà khác chép miệng, hỏi:
- Tội nghiệp, thế không cho người ta thuốc thang gì à?
Người khách giơ hai tay ra, hất hàm nói:
- Pà có thôốc, ti mà cứu ngời ta.
- Thế bây giờ bà ta đâu, hở chú?
- Ở dới kê. Cái ôông chủ không pằng lòng cho ở tây, sợ lây à.
- Bà ấy đi có một mình thôi à?
- Chẳng một mìng thì hai mìng à?
- Bà ấy về bến nào?
- Nàm tỉnh à.
Nói đoạn, anh tiếp:
- Cái lày các ôông pà từng sợ.
Người khách đi, nhưng hành khách còn bàn tán:
- Rồi đến bến, chúng ta không được lên đâu. Người ta tiêm và giữ hành khách ở dưới tàu vài hôm, và cấm tàu chạy bốn mươi ngày.
- Thế à?
Ai nấy có vẻ lo ngại. Một người đàn ông ra dáng lịch duyệt, nói:
- Các ông các bà không biết, chứ bây giờ người ta ngặt lắm. Ai không có vé tiêm, là người ta giữ lại ngay.
- Thế à?
- Phải, tôi đã có lần đi ô tô từ Nam Định sang Hải Phòng. Xe phải đỗ đến bốn năm lượt để lính khám vé tiêm. Ngay như hết hạt Thái Bình, sang hạt Vĩnh Bảo, hai hạt chỉ cách nhau có một con sông, mà bên này cầu một toán lính khám, bên kia cầu một toán lính khám. Xe đến chỗ ấy phải đỗ hai lần luôn, mất thì giờ lắm.
Một người bướng bỉnh, nói:
- Thì cứ đi bừa có được không?
- Giữa đường có cây tre ngáng ngang rồi, ông bảo còn đi đằng nào. Vả nếu cứ đi, thì người ta biên số xe để phạt.
- Thế ngộ không có vé tiêm thì sao hở ông?
- Ồ, thì bà tính, lệnh trên vẫn là tốt, nhưng giữa đường ấy thì ai biết đâu, cho nên chờ lúc vắng, giấm giúi cho họ dăm ba hào thì họ để cho đi như thường.
- Thế à? Người ta có khám Tây không hở ông?
Người kể chuyện ra dáng trịnh trọng, gật đầu, đáp:
- Có chứ.
Một người khác nói:
- Có một lần đi đường, đến một chỗ có lính khám mà tôi không rõ là hạt nào, chúng tôi bị khám ngặt quá, vì có quan bản hạt cũng đứng đấy. Bao nhiêu hành khách phải xuống xe hết, và vào cả trong hàng mà quan ngồi. Những người có vé tiêm không đề ngày, hoặc hơi bẩn một tí, là bị quan giữ lại, hoặc sai lính tát. Bỗng có một cái xe ô tô ở đằng xa chạy vùn vụt lại. Sắp đến cây tre giữa đường, xe bóp còi vang rầm, rồi rít phanh để hãm. Lúc ấy trên xe, tôi nghe thấy có tiếng Tây nói um lên. Chắc là người Tây đang cự sao không mở đường cho người ta đi.
- Mở thế nào được? Phải có phép quan chứ!
- Thấy tiếng còi xe và tiếng quát tháo, chắc quan biết là có Tây, vội vàng chạy ra, đến gần xe. Rồi khi quan tới chỗ cửa kính xe, tôi thấy ngài vừa thò đầu vào trong đã thụt vội ra ngay, mà trong xe, tiếng quát tháo vẫn oang oang. Lập tức ngài bắt tuần nhấc gióng ra cho xe đi.
Mọi người cười ồ.
Cho là câu chuyện mình có thể làm bạn đi đường quên được ông thần Dịch tả trong chốc lát, người ấy lại nói:
- Tôi đã đến một làng có hơn năm mươi người chết dịch. Ghê gớm quá, tôi rợn cả tóc gáy. Đường làng ấy thì ngòng ngoèo và hẹp, mà bẩn hết sức. Bên lối đi ướt át những rãnh bùn đen lầy lên về lũ lợn nó đầm. Thỉnh thoảng, cạnh đường có cái giếng xây tròn bằng cái nia, thì nước vàng lên những váng, mà cạnh giếng thì bùn lầm lên. Chắc bùn ấy rỉ cả xuống nước ăn. Nhà cửa thì lụp xụp, ẩm ướt tối tăm. Nhà nào có người chết dịch, lại phải treo tên ra ngoài ngõ viết trên mảnh liếp quét vôi trắng, to độ bằng quyển vở, chua cả tuổi và ngày chết nữa.
Mọi người thở dài. Người ấy lại tiếp:
- Thì ra xó nào cũng thấy sự chết ở trước mắt.
- Thế người ta không rắc vôi trừ trùng à?
- Có. Người ta lại vẩy vôi nước ra đường, lên cả lá cây. Thành thử đường đi đã hẹp chỉ độ một sải, bị lá chiếm đến nửa lối. Mà lá bị vôi, nó vàng úa và chết héo. Tôi tưởng như thấy cái chết nó quây sát ngay gần mình và vươn tay ra bắt mình. Nghĩa là đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, chỗ nào cũng những chết là chết.
Ai nấy rùng mình và thấy như luồng gió thêm lạnh.
Cao hứng, người ấy lại nói:
- Mà không gì thảm bằng đám ma người chết dịch. Thôi, đã chết dịch thì họ hàng làng nước không ai dám đi đưa. Có một đám ma, chỉ có bốn người đi đưa. Anh con giai và anh con rể khênh quan tài, chị con gái và chị con dâu vác mai và cuốc đi đào huyệt. Thôi thì ngày hay đêm bất cứ lúc nào cũng có đám ma. Lắm đêm thanh vắng, bỗng thấy lanh lảnh có tiếng khóc và có ngọn đuốc ở ngoài đường, thì ai còn giữ được hồn vía nữa. Từ chập tối, đường sá trong làng vắng tanh, không ai dám đi nữa. Rồi vào lúc khuya, sư vãi trong chùa và các già trong làng cầm hương, nến, thanh la, trống, đi tống quan ôn và cầu bình yên. Ôi giời ôi, tôi đố ai nghe tiếng chũm choẹ mà yên tâm được đấy!
Bỗng tàu rúc còi dài. Một người nhìn ra ngoài trời tối, nói:
- Dễ thường đến Tân Đệ.
Một người khác quả quyết:
- Phải, ai xuống bến Tân Đệ sắp sửa dần đi thì vừa.
Người ta đứng ra mạn tàu, nhìn lên bờ. Đèn trên bến le lói như ma trơi. Tàu rúc còi vài tiếng ngắn nữa, rồi đi quá bến để quành mũi lại ngược dòng nước, mới áp mạn vào chiếc xà lan gần bờ.
Con tàu sình sịch chưa tắt hẳn máy. Những hàng quà bánh và người hàng cơm đứng trên xà lan, đã rao và mời chào inh ỏi.
Nhưng bỗng người ta chạy như vịt, tranh nhau qua cầu để lên bờ, xô nhau suýt ngã cả xuống nước.
- Có người mắc bệnh dịch tả!
Thì lúc ấy, hai người mạch nô đương co sền sệt từ chỗ tối ra cái chiếu, trên có một người nằm. Người khách đi theo chửi rủa và nói:
- Cái lày xôống tây, khôông cho ti Nàm tỉnh à!
Rồi quát tháo:
- Mặc kệ à! Kéo mau nó lên.
Chiếc chiếu theo bốn cánh tay lực lưỡng lê trên sàn tàu rồi đến chỗ cửa bắc cầu. Dưới ánh đèn, người ta trông rõ một người dẹt đen đét, nằm còng queo đen thui thủi, chỉ còn hơi cựa cậy. Nhưng người ta cũng nghe thấy tiếng rền rĩ của người sắp hết hơi:
- Lạy chú, cho tôi về Nam, chứ lên đây thì tôi làm thế nào được.
Người khách giận dữ đáp:
- Mặc kệ à! Về Nam thì ai chịu thệt cho ôông chủ à.
Một người hành khách thấy nỗi bất bình, ra can thiệp:
- Không được phép thế. Người ta xuống Nam kia mà.
- Ấy à! Pết rồi. Nhưng tưa ngời này về Nam thì tầu khôông tược chạy trong pốn mơi hôm, các ôông các pà phải ở dới tầu khôông tược lên pộ, mà tầu phải nôi cơm, thệt cho ôông chủ lắm à!
Rồi người khách cầm chiếc gậy thúc vào cạnh sườn bà già và giục:
- Ti dậy lên pờ mau lên cho tầu chạy.
Nhưng bỗng lính tráng và lí dịch trên bờ xuống.
- Này, ông mại bản, ông không có phép bỏ người ta ở đây.
Người khách tươi cười, nói:
- Lày, các ôông khôông bết, ngời ta già ếu, chứ có pệnh tật gì đâu, ngời ta lấy vé xôống Tân Tệ kê mà, hà hà hà!
Người đàn bà kêu rên:
- Tôi đi Nam Định đấy, bây giờ bỏ tôi ở đây thì tôi khổ.
Người mại bản không còn cãi được, xung tiết, quay ngoắt đi và lẩm bẩm:
- Tỉu nà ma. Cái này ngộ khôông cần.
Con tàu đỗ một lát rồi rúc còi và nhổ neo lừ lừ đi.
Nó đi độ hai mươi phút, bỗng nó tắt máy và áp vào gần bờ. Trên tàu, hành khách đương bàn tán, bỗng im phăng phắc để nhìn theo hai mạch nô chạy ra dáng vội vàng. Hai người này lại đằng lái, dòng chiếc xuồng gỗ xuống nước, rồi chở theo mạn tàu đến gần cửa khoanh giữa.
Lúc ấy, người đàn bà ốm kêu thất thanh, nhưng không ai nghe rõ. Bốn người khoẻ mạnh túm tay bốn góc chiếu, nhấc bổng người ốm lên. Người khốn nạn giãy đành đạch, thò cánh tay khẳng khiu ra, cố víu chặt lấy thành cầu, để giữ lại. Nhưng người mại bản trợn mắt, giơ gậy ra vụt vào tay bà già. Tức thì bà phải rụt ngay lại. Thế là bốn người khênh cái chiếu, quẳng xuống sạp xuồng.
Rồi sáu mái chèo tòng tọc đẩy làn nước. Người mại bản nhìn theo, vẻ mặt lo lắng, đến nỗi điếu thuốc là bào tắt từ bao giờ mà không biết. Đến khi chiếc xuồng lại áp vào mạn tàu, sáu người mạch nô lên rồi, chú ra lệnh cho tàu chạy, chú mới vui vẻ. Chú thổi phừn phựt cái mồi giấy cho lửa bén bùng lên, và châm hút một hơi, khoái chí.
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)
Tham khảo: Các bài viết liên quan
Tỉnh Hòa Bình, Bắc Kỳ, Đông Dương Một chiếc tàu hơi nước trên sông Đen (Sông Đà hay còn gọi là sông Bờ, sông Đen).
FB Tiệm ảnh Thanh Hà
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉