Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Mánh khóe


1. Mánh khóe
2. Nhân tài


Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Nguyễn Quốc Hoàn

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 kênh 1 video
Đọc Truyện Đêm - Diễn đọc: Nguyễn Quốc Hoàn

Mời đọc Bản đánh máy


Mánh khóe

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Quyển sách nào xuất bản, mà được mạnh sự phê bình, thì tất nhiên là bán chạy. Đó là kinh nghiệm. Bởi vậy, một tác phẩm nào nhấp nhổm ra đời, thì người thân sinh ra nó phải cần nhiều sự có: có tiền, có hàng sách quen, có những tay phê bình người nhà. Đó là mánh khóe.

Nếu được điều thứ ba này hợp lệ, thì những bài phê bình xúm nhau lại mà bôi phấn, xoa nước hoa và cõng tác phẩm ấy, tất thế nào cuốn sách cũng chạy và thành có giá trị thơm tho.

Tôi được hân hạnh bạn với nhà… Lê Văn Tầm, và nhà phê bình rất quen tên, Việt Sỹ.

Tôi chưa gọi Lê Văn Tầm là nhà gì, vì tôi chưa biết đúng anh chuyên môn về môn gì. Tôi chỉ rõ anh là nhà cầm bút. Ngày thường đến thăm tôi, anh thường than thở:

– Không gì khổ hơn là cái kiếp người cầm bút như chúng mình, anh nhỉ.

Thế rồi, một buổi sáng, anh gõ cửa nhà tôi, lo lắng, bảo tôi:

– Tôi mới in xong cuốn sách, đem đến tặng anh đây.

Anh móc trong túi, lấy một quyển, mượn cái bút, đề mấy dòng chữ, rồi đưa cho tôi.

Tôi trân trọng cảm ơn, và hỏi:

– Anh in từ bao giờ mà kín thế, không cho tôi biết?

Lê Văn Tầm mỉm cười:

– Đã ngót một tháng nay.

Muốn đáp lại tấm thịnh tình của bạn, tôi nói cho nhã nhặn:

– Chắc bán chạy lắm.

Lê Văn Tầm im, lộ ra vẻ mặt lo lắng.

Công việc lúc bấy giờ của tôi, cố nhiên là phải giao thiệp đúng với cách xử thế. Nghĩa là như cái máy, tôi phải ngắm nghía cái bìa, rồi phải dần dần gật gù, ngâm nga vài câu và tận tâm mà khen.

Cho nên tôi cầm cuốn sách, giơ ra xa, để lại gần, rồi nhìn bạn, nói:

– Đẹp! Đẹp lắm! Thật là đúng mỹ thuật.

Tầm tưởng thật, sung sướng, đáp:

– Nhưng phải cái sách hơi mỏng.

– Ồ, không hề chi. Giá trị sách ở phẩm chứ nào phải ở lượng. Nhiều trang mà làm gì? Cứ hai chữ nhan sách là “Mịt Mù” cũng đã đủ bắt độc giả phải mua rồi. Thật là cái tên sách chọn chữ rất khéo. Mịt mù, hay!

Rồi làm bộ tiếc, tôi hỏi:

– Sao anh không đề cái tên thật của anh là Lê Văn Tầm, có sẵn nhiều người biết và yêu hơn không? Tôi e độc giả hay tìm đọc những tác giả quen tên hơn. Họ thấy cái tên Lãng Mạn Tử, sợ họ bỡ ngỡ một chút.

Thấy bạn buồn rầu, tôi chữa:

– Nhưng không hề gì. Họ chỉ bỡ ngỡ một lát thôi. Khi họ đọc một bài, họ sẽ thấy ngay giá trị của sách.

– Phải – Tầm gật đầu trả lời thế – phải, hay vì thế chăng.

Đè lời của bạn, tôi lên giọng, ngâm nga mấy dòng đầu. Lúc bấy giờ tôi mới biết là bạn tôi viết tiểu thuyết.

Nhà tiểu thuyết thấy tôi khen, thì đắc chí, ngắt tôi lại, nói:

– Thế cho nên tôi mới lấy tên là Lãng Mạn Tử. Đây là tôi tả cái tình lãng mạn của đôi trai gái ngây thơ. Trang thứ hai, thứ ba, còn nhiều đoạn hay hơn nữa kia.

Tôi lại phải đọc rất to. Nhưng may được cái sách in chữ bằng con quạ, nên tôi miệng vừa lấy giọng, óc vừa nghĩ đến truyện riêng, mà đọc cũng không sai lầm lắm.

Nhà tiểu thuyết chú ý nghe, thỉnh thoảng cao hứng, lại đọc thuộc lòng theo tôi từng đoạn, hoặc giảng cho tôi nghe những chỗ mà anh cho là hay ngấm ngầm.

Sau cùng, đọc hết trang cuối, tôi được thoát nạn. Tôi uống chén nước và ngồi thở, để mặc cho nhà tiểu thuyết tự khen mình. Song, muốn cho câu chuyện có kẻ tung người hứng, tôi nói:

– Thế này mà bán có một hào, rẻ quá.

– Phải, rẻ lắm thực. Nhưng kinh tế này, ta nên đề giá cho phải chăng. Tôi muốn cho sách tôi phổ thông, nên chỉ bán bằng cái số tiền ai cũng có thể có được.

– Anh in ra mấy nghìn?

– Hai nghìn, nhưng với người khác, tôi phải nói lớn là in năm nghìn. Rồi độ ít lâu, tôi sẽ quảng cáo là đã bán đến nghìn thứ tư. Nhưng chán quá, hai nghìn mà vẫn chưa chạy hết đấy, anh ạ.

– Vậy đã chạy được bao nhiêu rồi?

– Ít lắm.

– Bao nhiêu?

– Không khéo thì lỗ to. Chỗ bạn cầm bút với nhau, ta chả nên giấu nhau điều ấy. Anh có cách nào, cứu tôi với.

– Chạy được bao nhiêu rồi?

– Mới được có dăm quyển.

Tôi cau mặt một cách rất tự nhiên để tỏ ý ngạc nhiên về sự cố nhiên ấy. Bởi vì, khốn nạn, không biết Lê Văn Tầm đem in quyển “Mịt Mù”, vì anh phải bệnh loạn óc, hay anh cần phải thượng khẩn cưới một cô vợ thích văn chương. Chứ mà, cả vật chất lẫn tinh thần, cuốn sách ấy thật đáng để Cẩm phạt, vì nó vừa bẩn lại vừa… bẩn.

Bạn tôi nói:

– Tôi biếu anh quyển này, cốt anh đọc, để anh hiểu cho. Rồi nhờ anh đưa tôi lại chơi nhà Việt Sỹ. Có một lời của ông Việt Sỹ giới thiệu trên báo, thì tất sách chạy.

Tôi lưỡng lự, chối:

– Việt Sỹ, tôi chỉ hơi quen, chứ không lấy gì làm thân. Vả cần, anh cũng nên làm quen với Việt Sỹ thì hơn, rồi anh nói với ông ấy.

– Vâng, nhưng tôi nhờ anh giới thiệu tôi với Việt Sỹ.

Rồi nghĩ ngợi một lát, Lê Văn Tầm nói:

– Tôi có cách thân ngay với Việt Sỹ. Chỉ nhờ anh đưa tôi đến làm quen với ông ta mà thôi. Rồi tôi sẽ mời ông ta đi ăn cơm. Dần dần, ta hãy lợi dụng mượn Việt Sỹ phê bình sách.

Tôi khen:

– Nếu vậy thì kín đáo lắm.

– Nhưng hôm tôi mời Việt Sỹ ăn cơm, thế nào cũng có cả anh đấy nhé.

– Vâng, tôi không dám chối từ.

– Mà anh cũng đừng nói với Việt Sỹ rằng tôi là Lãng Mạn Tử, tác giả cuốn “Mịt Mù” vội nhé.

– Phải, lọ là anh phải dặn, vì tôi sợ Việt Sỹ sẽ biết là chúng mình lợi dụng hắn.

Nói xong, nhà tiểu thuyết vui vẻ ra về. Mà tôi thì nhìn theo bạn, ái ngại cho mấy chục đồng bạc.

*
*     *

Hôm ấy, Lê Văn Tầm kê dọn nhà cửa để đón một vị thượng khách. Vị thượng khách ấy, tức là nhà phê bình Việt Sỹ, người có ngọn bút màu nhiệm, đã cầm vận mệnh của những sách mới xuất bản.

Trên bàn, giải khăn trắng nuột, bầy la liệt những đĩa đồ ăn thơm tho, sang trọng: rượu vang, cốc pha- lê, đứng sừng sững để chực sẵn rót vào miệng các nhà “thực giả” những vị nồng nàn.

Cạnh bàn ăn, Lê Văn Tầm cố ý làm như vô tình, kê cái kỷ con, đặt một chồng sách, mà trên mặt, thì là quyển Mịt Mù bìa đỏ chóe.

– Để Việt Sỹ có nhìn vào cuốn sách ấy mà nói chuyện, thì nhân tiện mình hãy cho Việt Sỹ biết. Như vậy, tôi tránh được cái ý gợi chuyện trước.

Bạn tôi nói với tôi câu ấy rồi cười xòa, đắc chí lắm.

*
*     *

Việt Sỹ đến.

Lê Văn Tầm và tôi ra đón. Việt Sỹ bắt tay chúng tôi, rồi ngồi ở buồng khách, nói chuyện mưa chuyện nắng.

Một lát, Lê Văn Tầm hất hàm, hỏi đày tớ:

– Xong chưa?

– Bẩm đã.

Lê Văn Tầm đứng dậy, giơ tay mời chúng tôi, rồi đi trước, đưa chúng tôi vào buồng ăn. Việt Sỹ nhìn các món ăn, nhăn mặt, trách:

– Ông Lê Văn Tầm bầy vẽ quá. Sao ông không cho chúng tôi ăn cơm thường, có phải thân mật hơn không?

Lê Văn Tầm cười, đáp:

– Có gì là bầy vẽ, tiên sinh dạy quá lời.

Rồi rót rượu vào cốc. Rồi cốc nghiêng vào mồm. Rượu trôi xuống cuống họng. Cả đồ ăn cũng theo lối ấy vào dạ dày.

Câu chuyện đưa đi, trước từ việc nhà, sau đến việc ăn, sau nữa đến việc văn. Nhân cơ hội, tôi nói với Việt Sỹ:

– Ông Lê Văn Tầm cũng là một nhà văn.

Lê Văn Tầm nhìn Việt Sỹ, mỉm cười, nhũn nhặn. Việt Sỹ nói:

– Thì ra cùng anh em làng ta cả. Vậy ngài vẫn hay giúp báo nào?

– Thưa tiên sinh, tôi yêu văn chương lắm, thỉnh thoảng có học đòi dăm ba bài, thì lại đưa cho bạn tôi đăng ở báo Bạn Trẻ.

– Vâng, báo ấy nhiều người đọc lắm.

Nối lời Việt Sỹ, tôi nói:

– Những bài của ông Lê Văn Tầm viết hay lắm.

Việt Sỹ gật đầu, nói:

– Có, tôi có đọc. Ngài còn ký tên là gì nữa không?

Lê Văn Tầm nhìn tôi, rồi đáp:

– Viết văn ở báo thì tôi chỉ ký tên Lê Văn Tầm mà thôi.

Việt Sỹ nói:

– Vâng, ngài viết rất hay, tôi rất ưa văn ngài. Thơ của ngài không kém gì Đỗ Phủ, tiểu thuyết của ngài thật luyện lối Paul Bourget.

Vẻ sung sướng lộ trên nét cười ở mặt Lê Văn Tầm. Anh liếc mắt, nhìn cái kỷ con bên cạnh Việt Sỹ. Lúc ấy, Việt Sỹ lại đặt cái khăn lên trên. Thành ra quyển Mịt Mù bị mù mịt ở xó tối.

Câu chuyện văn chương được Lê Văn Tầm và tôi nuôi mãi cho tới lúc xong bữa.

Lê Văn Tầm thì nóng ruột về Việt Sỹ mãi không trông thấy cuốn sách ở ngay bên cạnh, bị cái khăn nó chôn mất. Trong khi ấy thì nhà phê bình cứ khen văn của Lê Văn Tầm hoài hoài.

Rồi nhà tiểu thuyết nhất định đứng phắt dậy, đến gần Việt Sỹ, cất cái khăn ăn ra.

Tự nhiên, cuốn Mịt Mù trông có vẻ tươi tắn, xinh xắn lạ thường.

– Những tiểu thuyết xuất bản gần đây, – Việt Sỹ nói,- thật rất ít quyển có giá trị. Vậy ngài nên cố để thì giờ ra mà viết lấy một ít.

– Vâng, Tầm tôi xin lĩnh ý. Lúc đó, xin nhờ ngài cho một bài ở trên báo.

– Ồ! Cái đó là bổn phận của tôi. Và tôi xin lấy lương tâm nhà phê bình mà giới thiệu tác phẩm của ngài với độc giả.

– Thế thì rất hân hạnh.

– Sách của ngài mà tôi không tán dương, thì còn sách nào nữa.

– Không dám.

Chắc trái tim Lê Văn Tầm lúc đó hồi hộp như ta ngồi cạnh người yêu vậy. Khi nào người yêu ta làm trái tim ta hồi hộp, thì ta muốn thổ lộ hết can trường, vì ta muốn yêu cầu người yêu ta nhiều khoản. Vì vậy, Lê Văn Tầm nhìn cuốn Mịt Mù, nói với Việt Sỹ:

– Ngài đã xem cuốn tiểu thuyết Mịt Mù kia chưa?

Việt Sỹ quay lại, cầm quyển sách. Hẳn là Lê Văn Tầm hồi hộp bằng hai. Người yêu ta đã nắm lấy tay ta mà nưng niu âu yếm, thì ta quyết cũng phải nũng nịu hỏi:

– Em có yêu anh không?

Vì vậy, Lê Văn Tầm cũng hỏi:

– Ngài cho biết ý kiến ngài đối với cuốn sách ấy.

Việt Sỹ đứng phắt dậy, đáp:

– Đây là cuốn Mịt Mù của Lãng Mạn Tử, tôi cũng đã đọc. Nói vô phép ngài, không hiểu Lãng Mạn Tử là thằng nào mà dám cả gan viết cuốn sách dốt đến như thế này…

Tôi giật mình. Mặt Lê Văn Tầm biến sắc.

– Thật là đồ khốn nạn! Nó làm nhơ bẩn văn chương đến thế là cùng…

Tôi khoèo chân Việt Sỹ.

– Lãng Mạn Tử là một thằng vô học, cuồng dại. Nó tưởng viết văn dễ như bú mẹ nó…

Tôi lại khoèo chân Việt Sỹ. Mặt Lê Văn Tầm tái xanh.

– Truyện đã chẳng ra truyện, mà văn chương thì như mèo mửa…

Tôi hất cẳng tôi vào cẳng chân Việt Sỹ năm sáu cái liền. Mặt Lê Văn Tầm xám ngắt.

– Đem mà chém hết cái bọn bôi nhọ văn đàn như cái thằng Lãng Mạn Tử này đi.

Bất đắc dĩ, tôi đập vai Việt Sỹ, hỏi lảng:

– Không biết phố Tiền Quân Thành ở chỗ nào ấy nhỉ.

Nhưng Việt Sỹ vẫn mặt đỏ tía tai, hùng hồn nói:

– Chúng thấy người ta làm văn…

Tôi nói với Lê Văn Tầm:

– Bây giờ người ta đặt lắm tên phố rất khó nhớ.

– Ngài mua cuốn sách này làm gì? Tôi mạn phép ngài cho phép tôi xé nó đi nhé. Vì ta đọc nó, sợ mắt ta bị bẩn lây, ngài ạ.

Nói xong, Việt Sỹ xé cuốn sách làm đôi, làm tư, rồi vò nát, vứt xuống gạch:

– Để một hào cho ăn mày còn được phúc hơn là cho thằng Lãng Mạn Tử nó thu lại vốn sách của nó…

Tôi nói:

– Nhất là những phố ở phía chợ Hôm mới khó nhớ tên nữa chứ.

Lúc ấy, Lê Văn Tầm run run. Anh nhìn tôi bằng đôi mắt nằn nì, rồi cố lấy gân sức, để lộ một nụ cười khó đăm đăm. Anh lắc đầu, thở dài, đáp bằng giọng như mếu:

– Vâng, tôi cũng không nhớ hết tên phố…

14-9-1935



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)


Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉