Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Mua lợn



Minh họa: Kênh Truyện Xưa

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Chiến Hữu | 3. Hồng Ngọc | 4. TV DKD | 5. Mắm Tôm



Mời đọc Bản đánh máy


Mua lợn

Nguyễn Công Hoan

 

Anh Cu Mấu đến chợ, đặt đôi rọ lợn xuống đất, đứng nhìn mọi nơi, xoa tay vào vạt áo cho khỏi lấm. Thấy hai con vật giẫy lồng lên, lăn lông lốc, vướng gập cẳng vào mắt nan nứa và há mõm ra kêu eng éc, anh vội lấy chân đè giữ lấy rọ. Tuy là vào buổi sớm của mùa rét, nhưng anh cũng nực chảy mồ hôi. Vì anh phải gánh đôi lợn nặng nề đi bốn cây số.

Chợ đã họp đông. Xung quanh anh, người qua, kẻ lại hỗn độn. Người nói chuyện, kẻ cãi nhau ồn ào. Thật là một cái chợ.

Anh Mấu ngồi xổm xuống đất, hai tay giữ hàng, trả lời những khách đến mặc cả:

- Con to, bà cho năm đồng. Giống lợn này tốt lòng lắm.

Hoặc anh cố nhấc thử cái rọ lên, nói:

- Đây, nặng thế này, ba đồng không đủ vốn, ông ạ.

Mà thật, con lợn to của anh béo lắm. Giá cố nuôi một tháng nữa thì khi bán, còn chắc được nhiều lãi hơn. Sở dĩ anh bán sớm ngay phiên này, vì mẹ ốm, cần tiền uống thuốc.

Song, ai trả bốn đồng rưỡi, anh mớn có thể bán được. Như vậy, anh chỉ được lãi độ dăm hào. Thế mà từ nãy đến giờ, ai ngắm nó cũng tấm tắc khen, mà họ chỉ mặc cả có ba đồng rưỡi, ba đồng tám. Đời nào anh chịu lỗ vốn. Chẳng người này thì người khác mua. Chứ phiên chợ hôm nay, nhất định anh không chịu khênh cả đôi lợn về không. Có ế thì ế con lợn nhỏ là cùng. Cả một dãy bầy ở khu này, chỉ con của anh được nhiều người hỏi nhất. Nó béo tròn trùng trục mà giá lại nới.

Bỗng trong đám khách qua lại có tiếng roi vút đen đét, và người ta chạy như chạy giặc.

Anh kinh ngạc, cố xem cái gì. Thì ra cậu lệ trong huyện đương giãn đường cho bà lớn.

Ấy, anh đoán người đàn bà đi sau là bà lớn, vì anh quen mặt cậu lệ này, vẫn thường ra chợ ghẹo gái luôn. Mà chẳng là bà lớn, sao lại có lính thị oai để dẹp lối làm vậy.

Bà lớn huyện, trông gần, người ta mới đoán được là ngoài ba mươi tuổi. Chứ bà ăn mặc đỏm dáng như con gái hơ hớ mười tám cái xuân. Bà không rẽ giữa, không đội khăn và cũng không mặc quần thâm như một ai đi chợ. Bà đi đôi giầy dừa. Môi bà thắm nhưng không phải vì ăn trầu. Mặt bà trắng, nhưng không phải là mầu da tự nhiên. Má bà đỏ, nhưng không phải vì thẹn thò e lệ. Bà mặc cái áo như cái áo ba-đờ-suy của đàn ông, nhưng mầu lá cây và dài. Bởi vậy, tuy người ta bị roi vào lưng, phải chạy tán loạn, nhưng khi đã tránh kịp, thì ai cũng phải quay cổ lại để ngây người ra mà nhìn. Mà hàng mấy trăm con mắt cùng đổ dồn lại chỗ bà lớn như để ngắm một vật lạ.

Bà lớn cắp ví, ung dung đi thẳng đến chỗ bán lợn. Sau bà là một đứa con gái nhỏ ôm cái ô đi theo hầu. Thấy bà lớn sắp qua chỗ mình ngồi và mắt bà hình như để ý vào từng con lợn một, anh Mấu vừa sợ hãi vừa mừng thầm. Nếu bà lớn đi mua lợn, và mua ngay lợn của anh, thì anh quyết được lãi to. Một là bà lớn, cứ trông cái mã quần áo phấn sáp thế kia, hẳn chỉ quen ăn chơi, chứ không quen mua bán ở chợ như những hạng váy đụp nâu sồng. Hai là bà lớn sang trọng, chắc coi tiền như rác bão, thì ai nói bao nhiêu bà trả bấy nhiêu, thèm gì mặc cả.

Bà lớn đi hết dãy hàng lợn một lượt rồi quay lại.

Tiếng bà the thé hỏi một bà bán lợn ngồi gần anh Mấu. Tức thì người ấy sẽ phép đứng dậy trả lời. Nhưng bà lớn bĩu môi, tiến mấy bước, lại chỗ anh Mấu.

Anh Mấu thấp thỏm trống ngực, như người chờ đợi một hạnh phúc. Quả nhiên bà lớn dừng chân lại, trỏ tay vào con lợn lớn, hỏi:

- Con này, mày xin bao nhiêu?

Anh Mấu đứng dậy, gãi tai, đáp:

- Lạy bà lớn ban cho con sáu đồng.

Bà lớn lại bĩu môi, không đáp, rồi đi thẳng. Anh Mấu trông theo, ngẫm nghĩ mà nực cười tiếng xin của bà lớn và tiếng ban của anh.

Bà lớn đi vài bước, đứng trước một ông lão râu tóc bạc phơ. Anh Mấu nghe rõ ràng tiếng hỏi:

- Con lợn này mày xin bao nhiêu?

Anh Mấu lại bật cười về tiếng mày của một người trẻ tuổi gọi một người khác già bằng hạng bố đẻ. Hạng bố cu mẹ đĩ như hạng anh còn nói năng lễ phép tử tế hơn.

Bỗng bà lớn đi trở lại, đến chỗ anh Mấu. Bà dừng chân ngắm kỹ con lợn ban nãy, rồi hỏi:

- Vừa rồi mày xin bao nhiêu?

Anh Mấu khoanh tay, trả lời:

- Lạy bà lớn, sáu đồng ạ.

Đáp xong trái tim anh đập mạnh, anh đứng yên để chờ.

Bà lớn ngần ngừ một lát, rồi trỏ tay vào con lợn, gọi lính lệ, bảo:

- Con này béo hơn, mày ạ.

Người lính nhanh nhảu, cúi xuống nhấc cái rọ lên, rồi đáp:

- Bẩm nặng, nhưng sáu đồng thì đắt.

Rồi anh ta nhìn anh Mấu, quắc ngay mắt lại, mắng:

- Bán hầu bà lớn, không được nói cao, liệu xác!

Anh Mấu sợ sệt thưa:

- Lạy bà lớn, bẩm thực giá sáu đồng ạ.

Bà lớn hất hàm, bảo anh lính:

- Được, bảo nó mang về, mày.

Anh lính đập ngọn roi mây vào rọ, nói tiếp:

- Đem vào trong dinh, bà lớn chi tiền.

Anh Mấu mừng quýnh, nhờ người bên cạnh trông hộ con lợn nhỏ. Anh xắn áo, lễ mễ khênh rọ lợn theo cậu lệ vào trong huyện.

Qua cửa có lính bồng súng canh, anh đi chéo sân công đường, và vọng lối đầu nhà, đến một cái sân nhỏ. Cậu lệ trỏ tay bảo:

- Thôi, đặt xuống. Chờ một lát thì có tiền.

Anh Mấu vui sướng đứng cạnh rọ lợn. Con vật, sau một hồi lồng lộn vô ích, thì đành chịu nằm im, thò mõm ra ngoài, cày đất và kêu ụt ịt. Anh không ngờ về một con lợn này, anh đã được lãi hai đồng bạc. Còn con nhỏ kia, anh chỉ cần lấy vốn cũng đủ lợi chán rồi. Vả nếu không ai trả đủ vốn thì anh mang về nuôi cho nó béo, rồi biết đâu, phiên sau, anh lại không gặp được người mua dễ dãi như bà lớn đây. Thôi thì mày tao cũng được, cho, xin, ban, chi, cũng được. Không hề gì những tiếng vặt ấy. Anh cốt bán được lợn mà thôi. Miễn là anh có tiền cắt cho mẹ anh được thang thuốc. Con lợn nhỏ của anh, nếu anh không cần lấy lãi, thì thiếu gì người mua. Anh sẽ bán được ngay lập tức. Bán xong, anh đi cân thuốc, và về nhà sớm một cách không ngờ. Mà không ngờ nữa, đánh xoẹt một cái, anh được lãi những hai đồng bạc. Nghĩ đến nỗi vui mừng của mẹ gầy gò hốc hác nằm ổ rơm trông ra thấy anh về tay cầm thang thuốc, mà anh nhẹ nhõm cả người.

Nhưng anh chờ đã lâu mà bà lớn chưa gọi lên cho tiền.

Chỉ chốc chốc, một người chạy đến, ngó trong rọ, ngắm con lợn và khen béo.

Được tiếng khen, anh cũng đỡ nóng ruột đôi chút và thấy tự kiêu, tưởng như chính anh được khen là béo vậy.

Song, sự thực, thì anh gầy, anh đói. Cho nên anh phải chờ.

Mà cũng vẫn chẳng có hy vọng gì.

Vẫn thỉnh thoảng lại một người ra khen lợn, nhưng đó chỉ là bọn nhà hầu trong huyện mà thôi.

Rồi anh không hãnh diện về những tiếng khen suông ấy nữa. Anh nóng ruột nhiều hơn.

Anh lo, không biết người anh gửi lợn có còn ngồi ở chợ hay đã về rồi và mang con lợn của anh đi đâu. Họ là chỗ quen thuộc cả, anh không sợ ai lấy mất. Nhưng chờ ở trong này lâu, thì chợ vãn, còn ai đợi mua lợn cho anh. Vả lại bây giờ gần mười giờ tối. Lệ chợ này, người ta chỉ mua lợn có đến hơn mười giờ thôi. Từ giờ ấy đến giữa trưa là buổi họp của trâu bò.

Rồi lác đác người ta về, thế là tan chợ. Nghĩ đến mẹ ốm đợi tiền và thuốc, anh bồn chồn cả người.

Anh Mấu chờ mãi, bỗng có một người vú đi qua, anh nói:

- Nhờ bác vào kêu với bà lớn cho tôi tiền để tôi còn ra chợ bán nốt con lợn.

Người vú ừ hử. Nhưng anh càng mong, càng chẳng thấy gì.

Kết cục, mãi đến lúc tan hầu, anh Mấu mới được cậu lệ buổi sáng vẫy tay, gọi:

- Lên đây.

Anh đi theo đến thềm nhà tư. Anh lính trỏ cái khố tải giải trên bực xi măng, bảo:

- Chùi chân đi, rồi đứng chỗ này mà đợi.

Anh Mấu quệt chân cho đến hết đất, rồi bước lên thềm nhãn thín, sạch như li như lai, đứng khoanh tay, ở ngoài cửa hé mở.

Anh tò mò ghé mắt dòm vào trong. Bỗng anh giật mình. Ôi mẹ ơi! Chỗ người ở mà đẹp như động tiên. Cả cái da ông Ba mươi to tướng mà người ta cũng căng ra giữa nhà, ngay ở dưới đất, xung quanh bộ ghế có đệm nhung gối thêu. Như vậy, chắc rằng người ta xéo cả chân lên đó. Nào câu đối, hoành phi, choáng lộn những vàng. Nào bức thêu, tủ khảm, lọ cổ, lộ bộ, đồ sứ, đồ gỗ, thật là từ thuở bé anh chưa được thấy những của lạ quý ấy bầy cả vào trong một gian buồng bao giờ. Mải ngắm, anh quên phứt rằng giờ này là giờ chợ đã vãn.

Một lát, bà lớn ra của, và đi theo bà một người mặt mũi phương phi. Thấy cái thẻ ngà trước ngực, anh vội vàng chắp tay, khom lưng vái:

- Bẩm lạy...

Anh không dám gọi người ấy là quan lớn nữa, vì anh cho là người ở cái nhà này phải sang trọng, gớm ghê hơn ông quan lớn mà anh tưởng tượng trong óc anh.

Quan lớn hỏi:

- Thế nào, thằng kia, mày xin bao nhiêu?

- Dạ bẩm lạy, con xin sáu đồng ạ.

Quan lớn không đáp, một mình đi đến góc nhà, chỗ để lợn. Một lát, ngài lên. Ý chừng vừa lòng, nên ngài móc túi lấy ví tiền. Đứng cạnh vị phụ mẫu uy nghiêm, anh Mấu run sợ, nhưng vẫn khấp khởi mừng thầm.

Quan lớn thọc tay vào đáy ví, nhìn vào anh Mấu và hất hàm, hỏi:

- Bao nhiêu?

Anh Mấu mừng rỡ, gãi tai nói:

- Dạ, bẩm sáu đồng ạ.

Yên lặng, quan lớn xòe ba tờ giấy vào mặt anh Mấu và nhíu đôi lông mi lại, nói:

- Chúng bay láo, chỉ quen buôn bán gian giảo. Con lợn của mày chỉ đáng ba đồng. Đây tao cho mày đủ tiền vốn và lại cho thêm cả một hào lãi nữa. Thế là đúng rồi.

Nói đoạn, quan lớn gí tiền giấy vào tay anh Mấu, rồi cậy thêm một hào nữa, ở ngăn con, quẳng xuống thềm nhẵn bóng, rồi cùng bà lớn quay trở vào.

Anh Mấu ngây người toan nói, nhưng cửa đã đóng ập lại.

Đồng thời cậu lệ xua đuổi:

- Thôi, đi về, đồ khỉ!


1938


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)


Tham khảo: Các bài viết liên quan
1. “MÀY “ TRONG TIẾNG VIỆT - Lê Kiều, SàiGòn Weekly Online - 15/11/2021.

Người dân đi bán lợn ở chợ Bản, Yên Định, Thanh Hoá
Ảnh chụp tháng 11 năm 1928

Ngày nay chợ Bản thuộc xã Định Long, huyện Yên Định

———
Ảnh Trần Trung Dũng
FB Tiệm sách lịch sử

1 comments:

  1. https://www.facebook.com/photo/?fbid=190804077414532&set=a.162558193572454

    Trả lờiXóa

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉