Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Người An-Nam





Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Kênh Cô Vân

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 kênh 1 video

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF


Người An-Nam

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tiểu thuyết (NXB Đời Mới, 1945 - 166 tr.)

BẠN ĐỌC YÊU QUÝ


Xin các bạn chớ đợi cuốn sách này một lịch sử tiểu thuyết hoặc một lịch sử ký sự. Tôi chỉ là một nhà tiểu thuyết, một nhà tiểu thuyết tầm thường, tồi hơn nữa một nhà tiểu thuyết ít đi, ít đọc. Bấy lâu nay sở dĩ được hân hạnh quen biết các bạn là do chỉ đã khai khẩn địa hạt nhà, đào trong trí nhớ lấy những cái mắt thấy tai nghe rồi dùng sức óc chắp nối, thêm bớt cho thành những câu chuyện nhăng nhít.
Nhưng lần này, tôi viết một chuyện thuộc về cuộc nam tiến của dân tộc ta hồi thế kỷ thứ XV.
Việc xẩy ra ở nước Chiêm Thành, khi ấy chưa sát nhập nước ta. Vậy do tác giả ít đọc ít đi, thì sao câu chuyện này có mầu lịch sử được.
Thật vậy, tôi không biết tiếng Chiêm Thành thì những người Hời của tôi chỉ được nói tiếng Nam bằng giọng đặc Việt Nam. Tôi không là người Chiêm Thành sống năm trăm năm về trước thì các chủ động trong truyện này cũng không thể tư tưởng theo lối họ về thời ấy. Và đến cả khung cảnh, ngôn ngữ, cách ăn mặc, cách sinh hoạt, dù ngay của người mình về đời Lê, đã không ở vào thời đó thì tả sao nổi. Vả biết thế nào là đúng.
Vậy tôi dùng tư tưởng của tôi. Tôi dùng tưởng tượng của tôi. Tôi dùng ngôn ngữ của tôi. Tôi trông ở sự rộng lượng của các bạn.
Thật thế, nếu muốn viết cho đúng, tôi phải là người Chiêm Thành, người Chiêm Thành về thế kỷ thứ XV. Mà nghĩ cho kỹ, nếu tôi đã là người Chiêm Thành, mà tôi có sống dai bằng Bành tổ đi nữa, thì viết sao nổi cuốn Người An-Nam (1) bằng việt văn - dùng toàn giọng khuếch khoác - mà hiện các bạn đọc đến giòng này?

Janvier 1945

---------------
(1) Người An-Nam là người Việt Nam dưới triều Lê.

Mời đọc và lấy về bản PDF


Tham khảo: Các bài viết liên quan
Trích:

Nguyễn Công Hoan và thể tiểu thuyết

Vương Trí Nhàn
[...]

Để hiểu rõ hơn quan niệm về sự tự do và thói thích đùa bỡn này của Nguyễn Công Hoan, chúng ta còn có thể dừng lại ở một cuốn tiểu thuyết tác giả cho in ở NXB Đời mới vào thời gian ngay sau 2-9-1945 do đó mà ít người biết, là cuốn Người An nam. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện một viên tướng Việt Nam thời nhà Lê bị bắt làm tù binh, rồi trở thành rể vua Chàm. Nhưng dòng máu Việt trong người viên tướng này vẫn chảy mạnh, cuối cùng khi quân Việt đánh vào thành, nhân vật này lập công quay về với Tổ quốc bằng cách quay ra giết vợ và làm nội ứng cho quân Việt tràn vào. Sau hành động yêu nước ấy, viên tướng phát điên.

Chúng ta biết rằng đôi lúc trong truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan cũng viết về những đề tài mà ông chỉ biết qua tài liệu sách vở. Như năm 1939, ông có một thiên truyện mang tên Thiếu Hoa viết về một nhân vật phụ nữ miền nam Trung quốc. Lần này lại một sự xa lạ nữa, chắc chắn còn xa lạ hơn Thiếu Hoa vì là truyện về thời đã qua. Đối với một nhà văn từng nói chắc như đinh đóng cột rằng “người đọc truyện chỉ thích đọc những truyện gần với họ, gần về không gian về thời gian“ – thì đây quả là một ngoại lệ. Nhưng như lý luận về nhận thức luận đã chỉ rõ, chính các ngoại lệ lại bộc lộ bản chất rõ hơn là các trường hợp thông thường. Trong lời dẫn đặt ở đầu sách Người An Nam, sau dòng chữ Bạn đọc yêu quý, tác giả có hai trang tạm gọi là lời phi lộ trong đó có đoạn ông biện hộ cho cách viết của mình:

“Tôi không biết tiếng Chiêm Thành thì những người Hời của tôi chỉ được nói tiếng Nam bằng giọng đặc Việt Nam. Tôi không là người Chiêm Thành sống năm trăm năm về trước thì các chủ động trong truyện này cũng không thể tư tưởng theo lối họ về thời ấy. Và đến cả khung cảnh, ngôn ngữ, cách ăn mặc, cách sinh hoạt dù ngay của người mình về đời Lê, đã không ở vào thời đó thì tả sao nổi. Vả biết thế nào là đúng”.


Chúng ta cảm nghe trong câu nói nếu không phải một thoáng “bất khả tri” thì cũng là lời châm chọc đối với cái cốt tử của nghệ thuật tiểu thuyết, đó là tính chân thực. Thế thì biết làm thế nào bây giờ ?! Rất may là rồi người ta cũng được thở phào khi nghe tác giả tâm sự:

“Vậy tôi dùng tư tưởng của tôi. Tôi dùng tưởng tượng của tôi. Tôi dùng ngôn ngữ của tôi. Tôi trông ở sự rộng lượng của các bạn”

Tiếp đó, tác giả nói về mình theo cái lối thật thà đến mức ngạo mạn
“Xin các bạn chớ đợi cuốn sách này một lịch sử tiểu thuyết hoặc một lịch sử ký sự. Tôi chỉ là một nhà tiểu thuyết, một nhà tiểu thuyết tầm thường, tồi hơn nữa một nhà tiểu thuyết ít đi, ít đọc. Bấy lâu nay sở dĩ được hân hạnh quen biết các bạn là do chỉ đã khai khẩn địa hạt nhà, đào trong trí nhớ lấy những cái mắt thấy tai nghe rồi dùng sức óc chắp nối, thêm bớt cho thành những câu chuyện nhăng nhít”

Tuy nhiên đằng sau những lời lẽ xô bồ và có vẻ lỡm đời đó, ngầm chứa một ý tưởng khác: tiểu thuyết đã là chuyện của tôi, tôi (tức Nguyễn Công Hoan) vầy vò nó thế nào nó cũng phải chịu, nói xuôi nói ngược thế nào thì rồi mọi người cũng phải nghe. Cái nháy mắt tinh nghịch đi kèm với một sự hể hả khoái trá không muốn và không thể che giấu.

[...]