Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Vẫn còn trịch thượng



Mời bạn đọc theo dõi
Chuyện của ông Huyện Văn Giang với cô Khuê nhà bác Giốc qua bộ ba truyện ngắn:
1. Vẫn còn trịnh thượng
2. Chiếc đèn pin
3. Nạn râu



Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi


Mời đọc Bản đánh máy

Vẫn còn trịch thượng

Nguyễn Công Hoan
(1903 - 1977)


Ngày xưa, mỗi tỉnh lỵ có một nhà thông phiên, là những nhà bằng gạch hoặc bằng tranh, cốt nhất phải rộng rãi sạch sẽ, để người chủ cho các ông phủ, ông huyện trong hạt trọ, mỗi khi các ông này lên tỉnh có việc quan.

Ngày nay, nghệ thuật làm quan đã tiến một bước dài, từ ông huyện hạng ba cũng có thể có ngay được chiếc ô tô hạng xa xỉ, nên vì cách đi về mau chóng, mà không còn một tỉnh nào có thông phiên, cũng như trong hàng phủ, huyện, ít lâu nay, bói cũng không ra một vị nào có râu nữa.

Bây giờ xin các bạn cố tưởng tượng hộ một ông huyện ngày xưa, một ông huyện không giầy ban, không răng trắng, không khăn xếp nhiễu, không áo xa-tanh trơn, một ông huyện không bóng đầu chui đâu cũng lọt, như các bạn vẫn thường thấy, nhưng một ông huyện có mũi hin, có trí hẹp, có búi tóc củ hành, lẫn trong vành khăn lượt quấn rối, có mép và cằm nhây nhớt những râu chảy lòng thòng cả xuống chiếc ngực lép, một ông huyện mặc áo sa hoa nhầu, dài quá đầu gối, mà hai ống quần có thể làm người ta nghĩ đến hai chiếc đèn xếp gấp bằng giấy moi.

Song, tuy ông huyện ngày xưa với ông huyện ngày nay khác hẳn nhau ở bề ngoài, mà bề trong họ vẫn có chỗ hơi giống nhau. Họ cùng biết dùng quyền thế mình để đục khoét dân, cùng biết gọi người cho mình bằng mày một cách mất dạy, và nhất là đối với đàn bà con gái, họ cùng:

Ngày trông quan lớn nhưng vua,
Đêm sao quan lớn nô đùa như dân?
Ngày trông quan lớn như thần,
Đêm sao quan lớn tần mần như ma?
Ngày trông quan lớn như cha,
Đêm sao quan lớn la đà như con?

*
*     *

Tôi không còn nhớ là về năm nào nữa, ông Huyện Văn Giang tôi lên tỉnh có việc quan, và trọ ở nhà người thông phiên tên là Giốc.

Giốc có một cô con gái năm ấy trạc hai mươi tuổi. Cô Khuê, tên cô ta, mặt trái xoan, trắng, hai môi đỏ thắm lúc nào cũng như sẵn sàng khoe hai hàm hạt huyền nhỏ và đều. Ngày thường, cô đội khăn vuông suyến, và mặc áo nâu non. Tuy áo ấy không may chét lườn như bây giờ, nhưng giải đũi màu cá vàng bao giờ cũng bó lấy bộ lưng cong, làm nở nang bộ ngực đầy thi vị.

Bởi vậy, mỗi khi ông Huyện có việc phải ngủ lại ở tỉnh - mà rồi ông hay ngủ lắm - và mỗi khi bàn đèn đã bày giường mà Khuê rón rén đến gần, lễ phép chế ấm nước sôi vào bình tích chè hạt, thì y như ông Huyện phải ngây ngất cả tâm hồn.

Ông giương mục kỉnh, ngắm đẵn cổ tay ngà của Khuê, có năm ngón nung núc những thịt, ông ngắm nước da hồng ở má mà ông chắc nó vừa thơm thơm quý báu mà kẻ tốt phúc mới được mó tay vào. Ông thở dài.

Rồi khi Khuê xách siêu đi xuống bếp, ông nhìn theo cho đến lúc khuất, và không bao giờ quên để mắt vào hai giò cổ chân, hai giò cổ chân trắng nõn, dưới đôi ống quần đen nhánh.

Ông Huyện Văn Giang tuy thấy mình đầu hoa râm, môi, cầm và má mọc bừa bãi những râu, song hình ảnh cô con gái hơ hớ có thể kéo ông ngược trở lại ba mươi năm trước. Bởi vậy ông chẳng chịu phí cơ hội nào gần Khuê mà không vờ vĩnh hỏi cô dăm ba câu chuyện.

Có một lần thấy Khuê rót tóe một tí nước sôi ra ngoài chiếu, ông vội bỏ chỏng quèo cối sái, làm ra mặt sợ hãi dịu dàng hỏi:

- Có bỏng không, con?

Cô con gái được quan an ủi, hồi hộp trả lời:

- Bẩm cụ, không việc gì ạ.

Tức thì, thông phiên Giốc ngồi phản bên kia, cho là con mình dám để bận lòng quan khách, vội quắc mắt mắng:

- Con bé vô ý quá!

Rồi bác đến gần ông Huyện, gãi tai xin lỗi:

- Quan lớn tha tội cho, con bé cháu nó lớn người, mà làm ăn chẳng biết gì cả.

Khuê ửng đỏ hai má, chạy tọt vào buồng. Ông Huyện ôn tồn, gỡ tội hộ người lép vế để lấy cảm tình thục nữ:

- Không, chị ấy còn có ý tứ bằng mấy trăm con cô nó nhà tao đấy. Con nhà quan chẳng học làm học ăn, cho nên cái gì cũng vụng.

Ông Huyện chắc thế nào Khuê cũng được vui sướng về những câu khen ngợi không ngờ ấy. Cô ta sẽ phải khen ngợi ông là dễ dãi, là tử tế, cô ta sẽ thiện cảm với ông, sẽ bằng lòng ông. Mà một khi cô ta đã bằng lòng, thì đối với mắt cô, tự nhiên râu ria ông rụng đi, da răn reo nhẵn thín. Lúc ấy cụ sẽ hoàn toàn thành cậu trẻ măng. Rồi nếu muốn vườn thêm hoa nữa, ông mua cô về làm nàng hầu thứ sáu, để sớm khuya đấm bóp. Nếu nhà họ ít phúc, con gái chẳng có số làm cô lớn, thì ông cũng coi cô như đóa hoa thơm giữa đường để vui thú tạm bợ khi lũ gái sề vắng mặt.

Cái chương trình tối thiểu ấy đã phác ngay từ khi ông mới đến cai trị dân Văn Giang. Bởi thế, ông cứ tuần tự mà tiến.

Đã nhiều lần, ông gọi thông phiên lên khuyên bảo:

- Phố xá là chỗ tai vách mạch rừng mày nên bảo con bé nhà mày ăn nói cho cẩn thận. Trong quan trường chỉ hơn ngoài được cái trật tự, trên ra trên, dưới ra dưới. Người ta gọi cụ là cụ lớn Thượng, hoặc các đường quan ở trên này, còn những thuộc quan, thì chỉ được gọi là quan lớn mà thôi. Con bé nhà mày gọi tao bằng cụ, tao e đến tai cụ Thượng, cụ lại cho tao có ý lấn đó.

Bác Giốc nhăn nhó, xin lỗi:

- Lạy quan lớn tha tội cho cháu, nó ngu si lắm. Thôi thì con dại cái mang.

Ông huyện xua tay:

- Tội lỗi gì cái vặt ấy. Là tao nói thế vì tao sợ nó gọi quen miệng đi. Nhưng thôi, mày đừng mắng mỏ gì nó cả, nghe chưa?

Sau một tiếng dạ dài, bác thông phiên sang phản bên kia, chờ xem quan có gọi gì thì sẵn sàng hầu hạ.

Nhà bác Giốc không lấy gì làm rộng cho lắm. Ngoài là ba gian, hai đầu hai trái, tức là hai buồng, có cửa gỗ cẩn thận. Không biết gian bên phải, phía gần bếp, ngày thường dùng làm gì, nhưng hễ tối nào ông Huyện nghỉ lại, thì y như độ khuya khuya cô Khuê ở dưới bếp lên, khẽ kẹt mở cánh cửa, rồi vào ngủ đó. Cạnh cửa buồng kê cái phản thấp của bác Giốc nằm.

Nhiều đêm, khi cơm đen đã gần no say, ông Huyện nghe thấy bác Giốc kéo gỗ inh nhà, thì bực mình, quay cổ sang gọi:

- Này, thông phiên, ngáy vừa vừa chứ!

Tức thì bác Giốc ngồi nhổm dậy, bàng hoàng một lát, rồi đáp đỡ đòn:

- Bẩm quan lớn, những người ngáy rất tỉnh ngủ.

Nhưng nào quan lớn có mong gì bác tỉnh ngủ, trái lại quan lớn muốn bác ngủ say như chết, nhất là bác lù lù nằm cạnh cửa vào buồng thì đống thịt bác ghê tởm như thần giữ của. Quan lớn nói:

- Hay là mày ra chỗ khác mà ngủ. Tính tao hễ nghe thấy tiếng động là không sao chợp mắt được.

Nhưng bác thông phiên ngu độn hiểu đâu được cái thâm ý của quan:

- Bẩm quan lớn, con ngủ đây để đêm hôm coi nhà hầu quan lớn.

Đối với Khuê, thỉnh thoảng ông Huyện gọi lên, sai các việc vặt. Ông bảo:

- Thấy mày già, lắm lúc tao muốn mượn cái này cái nọ mà tao nể quá.

Khuê cảm động đưa mắt nhìn ông lão phúc hậu:

- Dạ.

Một vài khi, chỉ có mình ông với Khuê, thì ông cất cái giọng khê nồng nặc mà ngọt ngào nhủ:

- Con nên học ăn, học làm cho ngoan ngoãn khéo léo, rồi ta làm mối cho.

Khuê thẹn thò, cố mỉm cười để giữ đủ lễ với người trên. Ông Huyện lại tủm tỉm, nói:

- Con nên tập tiêm thuốc phiện, trước hết là giúp thầy, sau là mỗi khi vào bữa thuốc mà ta bận, thì con tiêm hầu ta.

Tưởng lời khuyên bảo thật thà, Khuê không đáp, vì cô không dám trả lời trái ý quan.

Một lần nữa, trong khi ông Huyện nhờ bác thông phiên ra phố mua bán vài thứ, ông gọi Khuê lên gần để khoe khoang nhà cửa.

Ông lấy cô lớn Năm ra để dò ý Khuê rồi ông tặc lưỡi:

- Ấy, cô ấy cũng trạc tuổi con và cũng xinh xắn như con ấy. Nhưng cô ấy không được dịu dàng đầy đặn như con đâu.

Ông thấy Khuê vui sướng lộ ra nét mặt.

Một lát, ông kéo cái tráp khảm, lấy chìa khóa mở nắp ra, rón đồng bạc đưa Khuê, và nói:

- Ta thưởng riêng cho con đồng bạc vì con đã chịu khó hầu ta.

Khuê lúng túng chắp tay, nói:

- Lạy quan lớn, con không dám.

- Không, ta không nói với thầy con đâu mà sợ. Con cứ cầm. Thánh dạy: Thượng tứ hạ bất cảm từ. Con không cầm, ta giận đó.

Khuê chẳng hiểu thánh nói gì. Song thánh đã bảo mà không nghe ắt phải tội, nên hai tay giơ ra. Khuê ấp úng đáp:

- Con xin quan lớn.

Ông Huyện sướng hơn người được tiền, dí mạnh đồng bạc vào gan hai bàn tay của Khuê. Ông đã cọ sát vào làn da mát rượi và mềm mại của cô con gái nõn nà ấy. Ông hồi hộp. Giá không còn tỉnh mà trông thấy bác Giốc đã về, quyết ngay lúc ấy ông nhảy một cái từ địa vị phụ mẫu dân đến địa vị con rể anh hàng cơm trọ.

Bác Giốc làm tắt cuộc tán tỉnh. Khuê lẳng lặng xuống bếp. Bởi vậy ông Huyện không biết nổi cái tình ý của đóa hoa mơn mởn ấy ra sao.

Rồi ông đâm ra tư lự. 

Nghề làm quan hay trịch thượng, trịch thượng ở việc làm với dân đã đành, trịch thượng ở cái ái tình trong trí tưởng tượng.

Cho nên, sau một lúc vừa tiêm thuốc vừa nghĩ ngợi suy tính, ông Huyện Văn Giang đã dùng sức óc để đi rất mạnh, rất nhanh mà đoán rằng tất sao đêm nay ông cũng được cưỡi phượng.

Rồi đến khi tiếng kiểng cầm canh tư trong dinh cụ Thượng đã đưa đi xa để báo cho ông biết rằng đêm đã khuya, ông mong mãi cô Khuê mới lên buồng, và mãi bác thông phiên già mới "kéo gỗ".

Chờ cho mọi người ngủ thực say, ông đằng hắng rõ to mấy tiếng. Không thấy bác Giốc cựa, ông tắt phụt đèn đi, khe khẽ ngồi dậy, và rón rén tụt xuống đất.

Ông bấm kiễng năm đầu ngón chân, nhịn thở, sờ soạng trong nhà tối như hũ nút, để đi.

Bác thông phiên vẫn ngáy đều đều.

Qua giường ông nằm, ông đưa tay sang ghế trường kỷ, rồi đến chiếc bàn tre. Ông bước dài ra phía ngoài, lần theo hàng cửa giữa, rồi cửa bên.

Lúc này ông hết sức im lặng.

Khi tay đã để vào cánh cửa buồng, ông đứng dừng lại, lắng tai nghe một lúc lâu.

Trống ngực ông đánh to quá, đến nỗi chính tai ông cũng nghe rõ. Trong người ông, máu nóng chạy ran lên.

Ông thấy Khuê cựa luôn. Trí tưởng tượng trịch thượng của ông đoán rằng chính cô bé cũng đương lòng xuân phơi phới mà trằn trọc mất ngủ.

Ông sờ khe hai cánh cửa, ẩy thử một tí: không gài then!

Ông vén râu lên để thở bằng miệng cho đỡ ra tiếng. Im phăng phắc. Ông nâng cánh gỗ và mở ra dần dần.

Nhưng bất đồ, một tiếng "thịch" khẽ, tiếng ngáy bỗng im bặt, và tiếng người ngồi nhổm dậy, rồi xòe một cái, ngọn diêm tóe ánh sáng vào mặt ông Huyện. Không tránh đằng nào được nữa, ông luống cuống, ngay như cán tàn. Thấy động, Khuê giật mình, ngẩng cổ, rú lên.

Bác Giốc, khi đã nhìn rõ vị khách xấu chơi thì vừa giận vừa sợ. Nhưng vì bác chỉ là một thằng dân hèn thì cố nhiên cái giận phải nhường chỗ cho cái sợ, nên bác chỉ dám thở dài cau mặt, nói khẽ:

- Chết, sao quan lớn lại thế, người ngoài người ta biết thì còn ra thế nào nữa?

Thấy thông phiên nhu nhược, ông Huyện thản nhiên bước chân ra, và vẫn giọng trịch thượng, ông đáp:

- Mẹ kiếp, trừ tao với mày, với nó, không ai nói ra, thì người ngoài đứa nào biết được mà mày sợ!


  Tiểu thuyết thứ bảy số 199 (ngày 19 tháng 3 năm 1938).


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000






Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

PDF - Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000




Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời bạn đọc theo dõi
Chuyện của ông Huyện Văn Giang với cô Khuê nhà bác Giốc qua bộ ba truyện ngắn:
1. Vẫn còn trịnh thượng
2. Chiếc đèn pin
3. Nạn râu




Chiếc đèn pin


Mời bạn đọc theo dõi
Chuyện của ông Huyện Văn Giang với cô Khuê nhà bác Giốc qua bộ ba truyện ngắn:
1. Vẫn còn trịnh thượng
2. Chiếc đèn pin
3. Nạn râu


Minh họa: Chiến Hữu Audio

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Chiến Hữu | 2. Dung | 3. Hằng Phạm | 4. Hồng Ngọc | 5. Mắm Tôm | 6. TV DKD | 7. Anh Khôi | 8. Nui Ha Noi


Mời đọc Bản đánh máy

Chiếc đèn pin

Nguyễn Công Hoan


Lần sau, có việc lên tỉnh, ông huyện Văn Giang vẫn vào trọ nhà Giốc như thường. Thế là bác thông phiên đã đoán sai. Bác tưởng hôm nọ xảy ra, nó động tới chỗ liêm sỉ của ông huyện, bác sẽ mất đứt mồi.

Mà rồi biết đâu, ông ta lại chẳng cổ động các quan khách đến trọ cả nhà khác, thì thật là họa vô đơn chí.

Nhưng mà không. Ông huyện vẫn vui vẻ sai bảo bác, như quên khuấy chuyện hôm nọ, đến nỗi bác nghĩ rằng hay là đêm ấy bác đã chiêm bao mê hoảng mà thôi.

Nạn râu



Mời bạn đọc theo dõi
Chuyện của ông Huyện Văn Giang với cô Khuê nhà bác Giốc qua bộ ba truyện ngắn:
1. Vẫn còn trịnh thượng
2. Chiếc đèn pin
3. Nạn râu


Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Chiến Hữu | 2. Cô Vân | 3. Hồng Ngọc | 4. Mắm tôm | 5. TV DKD

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
3 kênh 3 video



Mời đọc Bản đánh máy

Nạn râu

Nguyễn Công Hoan

 

-
Được, hễ lão còn giở ngón ấy ra, mày cứ làm như mày bằng lòng, rồi tao sửa cho lão một mẻ.

Khuê sợ hãi, hỏi:

- Chết, thầy định sửa thế nào, lỡ rồi việc ra đến cửa công, thì lại một ông quan khác xử, vậy lẽ nào quan họ chẳng bênh nhau.

Bác thông phiên Giốc cười, lắc đầu:

- Không phải tao sửa như mày tưởng, tao sửa lão ta một món tiền tiêu kia mà.

Khuê rú lên:

- Ối! Thế thì con nhục quá.

Bác Giốc quắc mắt:

- Làm gì mà đã tru tréo cái mồm lên thế nào! Mày tưởng tao đê mạt đến nỗi đem hiến vợ con cho người quyền thế để mưu cầu danh lợi riêng cho mình à? Nếu tao có thể xử đê tiện đểu giả thế, thì bây giờ ít ra tao cũng làm đến tuần phủ rồi, chứ lại chịu nghèo xác nghèo xơ thế này à?

Chuộc cụ



Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Thái Hoàng Phi

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 kênh 2 video



Mời đọc Bản đánh máy

Chuộc cụ

Nguyễn Công Hoan
(1903 - 1977)


Vừa được độ mười lăm phút, thằng Quýt đã lại vào giục cô Tư:

- Trưa lắm rồi, cô vào mời cụ dậy để con mở cổng, kẻo chúng nó cứ nheo nhéo từ sáng đến giờ.

Cô Tư đỏng đảnh gắt:

- Kệ chúng nó, ai bảo hôm qua, hôm kia không đến một thể. Ai làm đầy tớ chúng nó lắm thế được. Tận ba mươi Tết mới thèm vác xác vào!

Song tuy làm ra dáng hách dịch như vậy, mà cô Tư cũng không bỏ lỡ dịp nào không để cho người nhà, đầy tớ tin rằng cô vẫn được cụ Hàn yêu hơn hết bọn cô hầu. Cô bèn xỏ chân vào guốc, đứng dậy.

Cô đến trước tấm gương treo ở cột. Cô vuốt mái tóc, nắn lại khăn, bôi ít sáp vào môi, rồi khi yên trí mình vẫn còn nguyên vẹn nhan sắc của cô con gái ngoài hai mươi, cô mới lên nhà trên rón rén mở cửa buồng.

- Ông! Ông! Mời ông dậy.

Cụ Hàn cựa, mở mắt, mỉm cười với cô, rồi quờ tay nắm lấy cổ tay cô, rồi, cụ giơ hai cánh tay khẳng khiu ôm lấy cô hầu non. Nhưng cô Tư cản lại:

- Chúng nó chờ đông lắm rồi.

Cụ Hàn hút một chập mới vươn vai. Cô Tư dịu dàng hỏi:

- Rửa mặt nhé.

Thấy cụ gật, cô bèn lấy chiếc khăn màu nước dưa, vẫn treo ở lưng ghế cạnh giường, dúng vào thau nước, vắt khẽ và đưa cho cụ.

Cụ Hàn lau qua loa đôi mắt, rồi nói:

- Bảo thằng Quýt mở cổng!

Cánh cổng nhà cụ Hàn bấy giờ mới mở: một dinh cơ gồm sáu chiếc nhà gạch lớn.

Năm người theo Quýt vào ngồi chực ở nhà ngang.

Bác khán Thạch cũng ở trong bọn đó. Bác chờ đã lâu lắm. Bác chỉ cần chuộc cụ rồi ra chợ mua miếng thịt, kẻo vãn người vì chợ hôm nay chỉ họp một lúc buổi sáng.

Năm nào cũng vậy, bác cầm cụ từ đầu tháng năm cho cụ Hàn, bởi vì tháng ba, tháng tư, tháng nào bác cũng có giỗ. Mọi năm phong lưu, hăm tám hăm chín Tết bác đã đi chuộc về. Nhưng khốn nỗi, năm nay làm ăn khó khăn quá. Hôm nọ, vừa lo được đủ tiền, bác đã bị người ta lần túi đòi mất. Thật thế, bác nợ nhiều quá,  chẳng năm nào đến tối ba mươi Tết, bác không bị réo ở cổng. Cho nên trốn được món nào hay món ấy, không có, bác phải nói khó hoặc van lạy người ta để người ta thương tình. Bác cố giấu biệt dần dần, nay một hào, mai một hào, cho đủ hai đồng mới có tiền chuộc cụ và sắm miếng thịt miếng thà cho ra vẻ Tết.

Món chuộc cụ, không ai thúc bách, song bác coi khẩn bằng mấy mươi món khác. Bác tưởng tượng nếu không chuộc được cụ về thì phải tội chết.

- Nào, ai cần thì lên hầu trước đi.

Dứt lời Quýt, cả năm người đều tranh nhau đứng dậy.

Bác khán nằn nì:

- Tôi chờ từ sáng, cho tôi lên trước.

Nhưng Quýt trỏ vào người mặc áo tây thâm và ra lệnh:

- Bác xã về tận Tràng, mà chuộc những hai chiếc mâm, cho lên trước.

Mười lăm phút sau, bác khán Thạch lại phải nhường cho người ở Tam Đa lên chuộc lại cái lư. Và mãi tận hơn một giờ, bác mới được gọi.

Bác theo Quýt đi. Qua sân lát gạch bát to, bác lên thềm nhà giữa rồi đứng lại. Bác cởi thắt lưng lấy tám hào ba nắm ở tay và bỏ hai xu vào túi. Bác khúm núm vạch bức mành mành để vào. Bác vái chào.

- Lạy cụ ạ.

Cụ Hàn nằm cạnh bàn đèn có cô Tư tiêm thuốc, không trả lời, chỉ nhìn bác.

Cô Ba ngồi têm trầu gần đó, hất hàm hỏi:

- Kêu gì?

Bác khán gãi tai:

- Bẩm con đến trình cụ cho con chuộc cụ con về.

Cô Ba hiểu, nhanh nhẹn vào trong buồng. Cụ Hàn nói theo:

- Tên Nguyễn Thạch có chua chữ ở dưới đế ấy nhé.

Bác khán chờ. Im lặng.

Trong buồng đưa ra những tiếng gỗ chạm vào nhau, lục cục, rồi bỗng cô Ba hỏi:

- Từ tháng nào nhỉ?

Bác khán đáp:

- Bẩm tháng năm ạ.

Cụ Hàn mồm ngậm giọc tẩu, tay bấm đốt, rồi khi đã hút xong điếu thuốc, cụ nhìn bác Khán nói:

- Tám hào rưỡi.

Thấy cô Ba tìm mãi không được, cụ Hàn giục:

- Sao lâu thế?

- Thưa, chưa thấy ạ.

Cụ cau mặt, nhìn Quýt:

- Mang cả ra đây. Nó chả được việc gì cả!

Tức thì Quýt nhanh nhẩu vào buồng, rồi bưng ra một sọt bài vị. Chiếc bài vị nào cũng sơn đỏ, bụi bám đầy, có dấu vôi trắng ở mặt và ở đế.

Quýt đặt sọt xuống đất. Cụ Hàn ngồi dậy cúi chọn từng chiếc một rồi phàn nàn: 

- Chết chửa, còn bao nhiêu đứa không biết chết trôi chết giạt đi đằng nào mà không chuộc cụ chúng nó về. Ông cho rồi quỷ sứ nó lại không rút lưỡi những đồ bạc ác ấy đi à!

Bác khán đứng yên để chờ.

Cụ Hàn xáo lộn để tìm. Cụ cũng phải tìm mãi. Khi thấy chiếc bài vị đề tên bác khán Thạch, cụ mới trừng mắt mắng cô Ba:

- Chả nó là con khỉ đây à?

Rồi cụ hất hàm bảo bác khán:

- Tám hào rưỡi!

Bác khán thở dài. Bác tủi thân lắm. Lại thấy cụ Hàn không được vui vẻ, nên bác thất vọng. Song bác cũng cứ liều, mất gì lời nói. Bác đặt tám hào ba vào đĩa, đằng hắng rồi thưa:

- Lạy cụ, mấy năm nay, con nhờ vả cụ, không lần nào dám thiếu cụ, nhưng lần này con chỉ lo được có ngần này, xin cụ thương cho.

Cụ Hàn không nói không rằng, quẳng chiếc bài vị vào sọt và nằm xuống.

Bác khán giật mình như trông thấy tổ tiên bị thương. Bác gãi tai. Nhưng cụ đuổi:

- Bước! Mày tưởng mấy hào bạc của mày to lắm à?

Cô Từ mắng theo:

- Thôi, đi! Quýt, cất cái sọt rồi đuổi nó ra!

Quýt kéo áo bác, nhưng bác cố đứng lại. Bác như muốn ứa nước mắt, móc túi lấy thêm hai xu rồi để vào đĩa.

Cô Ba ngảnh nhìn, đoạn nhặt bài vị đặt lên phản.

Bác khán kính cẩn nâng lấy cụ và túm vạt áo, chùi bụi chỗ đánh dấu vôi vào mặt cụ.

Đoạn sung sướng vì đã có cụ để thờ trong mấy ngày Tết, bác thu thu khúc gỗ sơn son ấy vào bọc, vái chào cụ Hàn và hai cô, rồi hớn hở lui ra.


Tiểu thuyết thứ bảy, số 344 (ra ngày 20-1-1941)



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Trong: Tổng tập văn học Việt Nam - 28 - 2000 - - Tr.163-166

Tham khảo: Các bài viết liên quan

Tổng tập văn học Việt Nam 28 - 2000 Trung tâm KHXH NV Quốc gia


Tổng tập văn học Việt Nam 28 - 2000 Trung tâm KHXH NV Quốc gia
Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977)


Từ câu chuyện "Quyết chí ra đi"


Từ câu chuyện "Quyết chí ra đi"

Dương Đình Giao




“Quyết chí ra đi”* là tên một trong những truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977), nhưng rất tiếc đã bị thất lạc. Trong cuốn hồi ký “Đời viết văn của tôi”, ông đã lược ghi lại câu chuyện này.

Vốn là hồi đầu thế kỷ, để xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị theo kiểu châu Âu hiện đại, đồng thời với việc mở mang đường phố, xây dựng Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Nhà băng, Nhà hát lớn, …người Pháp có những quy định để nói như chúng ta ngày nay là “đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị” như cấm hàng rong buôn bán trên vỉa hè, cấm vứt rác ra đường, xe tay bánh sắt chỉ được hoạt động ở ngoại ô, chỉ xe tay bánh cao su (có hình thức lịch sự hơn) mới được chở khách trong nội thành… Người đi xe tay bánh sắt từ ngoại ô vào tới nội thành phải đổi sang đi xe bánh cao su (cũng phiền phức, lôi thôi lắm đấy chứ!). Vì là chủ trương của Pháp nên người Việt Nam ta phản đối ghê lắm, nhất là những trí thức yêu nước. Một trong những cái cấm bị phản ứng rất dữ dội là cấm phóng uế bừa bãi. (Hình như đây là một thói quen khó bỏ của người Việt Nam ta. Điều cấm này đã có từ một thế kỷ nay nhưng giờ cái nạn này vẫn tồn tại). Nhà văn Nguyễn Công Hoan khi ấy vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, đang là giáo học (nghĩa là đã thuộc thành phần trí thức) bèn viết truyện ngắn “Quyết chí ra đi” đả kích chủ trương không hợp lòng dân này.

Xin tóm lược để mọi người đọc cho vui:

Hai vợ chồng nhà nọ quê ở gần tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Một hôm, sau một trận cãi nhau, anh chồng vô cùng tức giận cô vợ lăng loàn, nghĩ tới phong trào xuất dương tìm đường cứu nước đang rầm rộ bèn “quyết chí ra đi” noi theo các bậc đàn anh. Ra ga tàu hỏa, người quen bán hàng ở ga hỏi, nhưng anh đang tức giận không thèm trả lời. Chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng, định đi Hải Phòng để xuất dương, nhưng anh lên nhầm con tàu chạy hướng ngược lại về Hà Nội. Xuống ga Hàng Cỏ (Hà Nội), anh vẫn tưởng là Hải Phòng, hỏi thăm đường ra cảng. Người ta liền chỉ đường cho anh ra bến Phà Đen (cũng là cảng nhưng là cảng trên sông Hồng). Nghe anh hỏi tàu xuất dương, ai cũng cười giễu cho là anh bị thần kinh. Tha thẩn mãi, tới khi muốn đi tiểu anh bèn theo thói quen, “tè” ngay bên vệ đường. Ai ngờ, cảnh sát trông thấy, liền bắt giam vì tội phóng uế bừa bãi.

Chị vợ ban đầu nghĩ chắc chồng giận chỉ bỏ đi đâu đó, nhưng chờ hai ba ngày vẫn chưa thấy chồng về bèn bổ đi tìm. Ra ga hỏi thăm, người ta nói thấy chồng chị lên tàu về Hà Nội. Thế là chị sấp ngửa lên Hà Nội tìm chồng. Chẳng có manh mối nào, chị cứ lang thang khắp các phố phường hy vọng gặp được chồng. Lúc đi ngang qua một cái hồ rộng như cái đầm nước ở quê chị, theo thói quen ở nhà quê, chị ngồi sụp xuống bên một bụi cây để làm cái việc có thể sánh với “thứ nhất quận công…”. Ai ngờ, đội xếp Tây bắt chị về giam ở bót Hàng Trống vì phạm điều cấm phóng uế bừa bãi của Tòa thị chính. Phòng giam đàn ông và đàn bà riêng biệt, mãi đến giờ phạm nhân được ra ngoài đi dạo, chị vô cùng sung sướng gặp lại chồng đang bị giam ở phòng giam đàn ông.
Gặp nhau, hai vợ chống mừng mừng tủi tủi, vô cùng cám ơn “nước mẹ Đại Pháp” đã có luật cấm phóng uế bừa bãi, giá như không có cái luật ấy thì sao hai vợ chồng tìm thấy nhau.
Không ít truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan viết trước 1945 có nội dung đả kích như thế này.

Hiện nay, phản ứng trước một số chủ trương của chính quyền thường có 2 xu hướng.

Một là của bà con trên mạng xã hội. Phản ứng cũng không khác mấy so với thái độ của Nguyễn Công Hoan. Chính quyền không còn thu phục được niềm tin của mọi người. Qua một số chủ trương đã ban hành, dưới con mắt của bà con, những người trong chính quyền đều hoặc ngu dốt hoặc vụ lợi. Những chủ trương của họ ban hành đều chỉ đáng vứt vào sọt rác. Thế là lập tức công kích. Mình nghĩ, chưa tới mức hoàn toàn như vậy. Một số chủ trương được đưa ra cũng có tác dụng tích cực trong việc điều hành đời sống đô thị. Như cái chủ trương cấm buôn bán hàng rong trên vỉa hè, cấm bán rượu bia sau 22 giờ hàng ngày, thay đổi cung cách thi cử, … chẳng hạn, hạn chế nằm ở cách thực hiện các chủ trương đó. Xin để một hôm khác bàn tới chuyện này.

Hai là các báo lề phải. Nói thực, cái đáng phản bác, công kích thì các vị im như thóc, “đếch” dám ho he, còn những cái chưa rõ trắng đen, còn đang trong quá trình thực nghiệm hay với những người yếu thế “thấp cổ bé họng” không được ai bênh vực thì các vị đua nhau vào đánh hội đồng. Như cái việc đóng ngã ba, ngã tư để giải quyết việc ùn tắc giao thông. Báo nào cũng “chửi”, nói rằng thế giới chưa có nước nào làm như thế. Đúng là trên thế giới chẳng có nước nào làm như vậy, vì làm gì có nước nào lắm xe máy như nước ta? Có nước nào ý thức người tham gia giao thông kém như nước ta? Chắc các bác giao thông sợ quá, đành phải bỏ. Tốn kém bao nhiêu tiền của. Thế là tắc lại hoàn tắc. Cái đường Láng trước đây vào giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều luôn tắc, có hôm xe máy ô tô nối đuôi nhau hàng cây số. Mời các nhà khoa học của Viện khoa học kỹ thuật giao thông vận tải tham mưu. Sau mấy ngày ra hiện trường mắt thấy tai nghe, các nhà khoa học đưa ra phương án ngăn các ngã ba như đã làm trước đây. Từ đó, hai năm rồi, chẳng thấy tắc nữa. Báo chí từ đó mới hết chọc ngoáy.

Mỗi chủ trương mới ra đời không dễ tìm được sự đồng thuận, nhất là khi chính quyền hiện nay không còn được lòng dân, luôn bị dân nghi ngờ. Nhưng mình nghĩ bà con ta nên bình tĩnh suy xét, gạn đục khơi trong. Chưa thay đổi được cái lớn thì cũng mong có sự thay đổi dù nhỏ để cuộc sống bớt u ám.

Thứ nữa, trước khi đưa ra một chủ trương, các “tác giả” của nó cũng nên xem xét cho kỹ, tránh việc chủ trương không thực hiện được, xã hội vẫn chẳng có gì văn minh tiến bộ hơn mà chỉ thêm cái cớ cho bọn chức dịch các loại ở địa phương nhũng nhiễu dân lành.




* Quyết chí phiêu lưu

Về cuốn THANH ĐẠM


Kiểm điểm tư tưởng nghệ thuật

Về cuốn THANH ĐẠM

Nguyễn Công Hoan