Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Vẫn còn trịch thượng



Mời bạn đọc theo dõi
Chuyện của ông Huyện Văn Giang với cô Khuê nhà bác Giốc qua bộ ba truyện ngắn:
1. Vẫn còn trịnh thượng
2. Chiếc đèn pin
3. Nạn râu



Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi


Mời đọc Bản đánh máy

Vẫn còn trịch thượng

Nguyễn Công Hoan
(1903 - 1977)


Ngày xưa, mỗi tỉnh lỵ có một nhà thông phiên, là những nhà bằng gạch hoặc bằng tranh, cốt nhất phải rộng rãi sạch sẽ, để người chủ cho các ông phủ, ông huyện trong hạt trọ, mỗi khi các ông này lên tỉnh có việc quan.

Ngày nay, nghệ thuật làm quan đã tiến một bước dài, từ ông huyện hạng ba cũng có thể có ngay được chiếc ô tô hạng xa xỉ, nên vì cách đi về mau chóng, mà không còn một tỉnh nào có thông phiên, cũng như trong hàng phủ, huyện, ít lâu nay, bói cũng không ra một vị nào có râu nữa.

Bây giờ xin các bạn cố tưởng tượng hộ một ông huyện ngày xưa, một ông huyện không giầy ban, không răng trắng, không khăn xếp nhiễu, không áo xa-tanh trơn, một ông huyện không bóng đầu chui đâu cũng lọt, như các bạn vẫn thường thấy, nhưng một ông huyện có mũi hin, có trí hẹp, có búi tóc củ hành, lẫn trong vành khăn lượt quấn rối, có mép và cằm nhây nhớt những râu chảy lòng thòng cả xuống chiếc ngực lép, một ông huyện mặc áo sa hoa nhầu, dài quá đầu gối, mà hai ống quần có thể làm người ta nghĩ đến hai chiếc đèn xếp gấp bằng giấy moi.

Song, tuy ông huyện ngày xưa với ông huyện ngày nay khác hẳn nhau ở bề ngoài, mà bề trong họ vẫn có chỗ hơi giống nhau. Họ cùng biết dùng quyền thế mình để đục khoét dân, cùng biết gọi người cho mình bằng mày một cách mất dạy, và nhất là đối với đàn bà con gái, họ cùng:

Ngày trông quan lớn nhưng vua,
Đêm sao quan lớn nô đùa như dân?
Ngày trông quan lớn như thần,
Đêm sao quan lớn tần mần như ma?
Ngày trông quan lớn như cha,
Đêm sao quan lớn la đà như con?

*
*     *

Tôi không còn nhớ là về năm nào nữa, ông Huyện Văn Giang tôi lên tỉnh có việc quan, và trọ ở nhà người thông phiên tên là Giốc.

Giốc có một cô con gái năm ấy trạc hai mươi tuổi. Cô Khuê, tên cô ta, mặt trái xoan, trắng, hai môi đỏ thắm lúc nào cũng như sẵn sàng khoe hai hàm hạt huyền nhỏ và đều. Ngày thường, cô đội khăn vuông suyến, và mặc áo nâu non. Tuy áo ấy không may chét lườn như bây giờ, nhưng giải đũi màu cá vàng bao giờ cũng bó lấy bộ lưng cong, làm nở nang bộ ngực đầy thi vị.

Bởi vậy, mỗi khi ông Huyện có việc phải ngủ lại ở tỉnh - mà rồi ông hay ngủ lắm - và mỗi khi bàn đèn đã bày giường mà Khuê rón rén đến gần, lễ phép chế ấm nước sôi vào bình tích chè hạt, thì y như ông Huyện phải ngây ngất cả tâm hồn.

Ông giương mục kỉnh, ngắm đẵn cổ tay ngà của Khuê, có năm ngón nung núc những thịt, ông ngắm nước da hồng ở má mà ông chắc nó vừa thơm thơm quý báu mà kẻ tốt phúc mới được mó tay vào. Ông thở dài.

Rồi khi Khuê xách siêu đi xuống bếp, ông nhìn theo cho đến lúc khuất, và không bao giờ quên để mắt vào hai giò cổ chân, hai giò cổ chân trắng nõn, dưới đôi ống quần đen nhánh.

Ông Huyện Văn Giang tuy thấy mình đầu hoa râm, môi, cầm và má mọc bừa bãi những râu, song hình ảnh cô con gái hơ hớ có thể kéo ông ngược trở lại ba mươi năm trước. Bởi vậy ông chẳng chịu phí cơ hội nào gần Khuê mà không vờ vĩnh hỏi cô dăm ba câu chuyện.

Có một lần thấy Khuê rót tóe một tí nước sôi ra ngoài chiếu, ông vội bỏ chỏng quèo cối sái, làm ra mặt sợ hãi dịu dàng hỏi:

- Có bỏng không, con?

Cô con gái được quan an ủi, hồi hộp trả lời:

- Bẩm cụ, không việc gì ạ.

Tức thì, thông phiên Giốc ngồi phản bên kia, cho là con mình dám để bận lòng quan khách, vội quắc mắt mắng:

- Con bé vô ý quá!

Rồi bác đến gần ông Huyện, gãi tai xin lỗi:

- Quan lớn tha tội cho, con bé cháu nó lớn người, mà làm ăn chẳng biết gì cả.

Khuê ửng đỏ hai má, chạy tọt vào buồng. Ông Huyện ôn tồn, gỡ tội hộ người lép vế để lấy cảm tình thục nữ:

- Không, chị ấy còn có ý tứ bằng mấy trăm con cô nó nhà tao đấy. Con nhà quan chẳng học làm học ăn, cho nên cái gì cũng vụng.

Ông Huyện chắc thế nào Khuê cũng được vui sướng về những câu khen ngợi không ngờ ấy. Cô ta sẽ phải khen ngợi ông là dễ dãi, là tử tế, cô ta sẽ thiện cảm với ông, sẽ bằng lòng ông. Mà một khi cô ta đã bằng lòng, thì đối với mắt cô, tự nhiên râu ria ông rụng đi, da răn reo nhẵn thín. Lúc ấy cụ sẽ hoàn toàn thành cậu trẻ măng. Rồi nếu muốn vườn thêm hoa nữa, ông mua cô về làm nàng hầu thứ sáu, để sớm khuya đấm bóp. Nếu nhà họ ít phúc, con gái chẳng có số làm cô lớn, thì ông cũng coi cô như đóa hoa thơm giữa đường để vui thú tạm bợ khi lũ gái sề vắng mặt.

Cái chương trình tối thiểu ấy đã phác ngay từ khi ông mới đến cai trị dân Văn Giang. Bởi thế, ông cứ tuần tự mà tiến.

Đã nhiều lần, ông gọi thông phiên lên khuyên bảo:

- Phố xá là chỗ tai vách mạch rừng mày nên bảo con bé nhà mày ăn nói cho cẩn thận. Trong quan trường chỉ hơn ngoài được cái trật tự, trên ra trên, dưới ra dưới. Người ta gọi cụ là cụ lớn Thượng, hoặc các đường quan ở trên này, còn những thuộc quan, thì chỉ được gọi là quan lớn mà thôi. Con bé nhà mày gọi tao bằng cụ, tao e đến tai cụ Thượng, cụ lại cho tao có ý lấn đó.

Bác Giốc nhăn nhó, xin lỗi:

- Lạy quan lớn tha tội cho cháu, nó ngu si lắm. Thôi thì con dại cái mang.

Ông huyện xua tay:

- Tội lỗi gì cái vặt ấy. Là tao nói thế vì tao sợ nó gọi quen miệng đi. Nhưng thôi, mày đừng mắng mỏ gì nó cả, nghe chưa?

Sau một tiếng dạ dài, bác thông phiên sang phản bên kia, chờ xem quan có gọi gì thì sẵn sàng hầu hạ.

Nhà bác Giốc không lấy gì làm rộng cho lắm. Ngoài là ba gian, hai đầu hai trái, tức là hai buồng, có cửa gỗ cẩn thận. Không biết gian bên phải, phía gần bếp, ngày thường dùng làm gì, nhưng hễ tối nào ông Huyện nghỉ lại, thì y như độ khuya khuya cô Khuê ở dưới bếp lên, khẽ kẹt mở cánh cửa, rồi vào ngủ đó. Cạnh cửa buồng kê cái phản thấp của bác Giốc nằm.

Nhiều đêm, khi cơm đen đã gần no say, ông Huyện nghe thấy bác Giốc kéo gỗ inh nhà, thì bực mình, quay cổ sang gọi:

- Này, thông phiên, ngáy vừa vừa chứ!

Tức thì bác Giốc ngồi nhổm dậy, bàng hoàng một lát, rồi đáp đỡ đòn:

- Bẩm quan lớn, những người ngáy rất tỉnh ngủ.

Nhưng nào quan lớn có mong gì bác tỉnh ngủ, trái lại quan lớn muốn bác ngủ say như chết, nhất là bác lù lù nằm cạnh cửa vào buồng thì đống thịt bác ghê tởm như thần giữ của. Quan lớn nói:

- Hay là mày ra chỗ khác mà ngủ. Tính tao hễ nghe thấy tiếng động là không sao chợp mắt được.

Nhưng bác thông phiên ngu độn hiểu đâu được cái thâm ý của quan:

- Bẩm quan lớn, con ngủ đây để đêm hôm coi nhà hầu quan lớn.

Đối với Khuê, thỉnh thoảng ông Huyện gọi lên, sai các việc vặt. Ông bảo:

- Thấy mày già, lắm lúc tao muốn mượn cái này cái nọ mà tao nể quá.

Khuê cảm động đưa mắt nhìn ông lão phúc hậu:

- Dạ.

Một vài khi, chỉ có mình ông với Khuê, thì ông cất cái giọng khê nồng nặc mà ngọt ngào nhủ:

- Con nên học ăn, học làm cho ngoan ngoãn khéo léo, rồi ta làm mối cho.

Khuê thẹn thò, cố mỉm cười để giữ đủ lễ với người trên. Ông Huyện lại tủm tỉm, nói:

- Con nên tập tiêm thuốc phiện, trước hết là giúp thầy, sau là mỗi khi vào bữa thuốc mà ta bận, thì con tiêm hầu ta.

Tưởng lời khuyên bảo thật thà, Khuê không đáp, vì cô không dám trả lời trái ý quan.

Một lần nữa, trong khi ông Huyện nhờ bác thông phiên ra phố mua bán vài thứ, ông gọi Khuê lên gần để khoe khoang nhà cửa.

Ông lấy cô lớn Năm ra để dò ý Khuê rồi ông tặc lưỡi:

- Ấy, cô ấy cũng trạc tuổi con và cũng xinh xắn như con ấy. Nhưng cô ấy không được dịu dàng đầy đặn như con đâu.

Ông thấy Khuê vui sướng lộ ra nét mặt.

Một lát, ông kéo cái tráp khảm, lấy chìa khóa mở nắp ra, rón đồng bạc đưa Khuê, và nói:

- Ta thưởng riêng cho con đồng bạc vì con đã chịu khó hầu ta.

Khuê lúng túng chắp tay, nói:

- Lạy quan lớn, con không dám.

- Không, ta không nói với thầy con đâu mà sợ. Con cứ cầm. Thánh dạy: Thượng tứ hạ bất cảm từ. Con không cầm, ta giận đó.

Khuê chẳng hiểu thánh nói gì. Song thánh đã bảo mà không nghe ắt phải tội, nên hai tay giơ ra. Khuê ấp úng đáp:

- Con xin quan lớn.

Ông Huyện sướng hơn người được tiền, dí mạnh đồng bạc vào gan hai bàn tay của Khuê. Ông đã cọ sát vào làn da mát rượi và mềm mại của cô con gái nõn nà ấy. Ông hồi hộp. Giá không còn tỉnh mà trông thấy bác Giốc đã về, quyết ngay lúc ấy ông nhảy một cái từ địa vị phụ mẫu dân đến địa vị con rể anh hàng cơm trọ.

Bác Giốc làm tắt cuộc tán tỉnh. Khuê lẳng lặng xuống bếp. Bởi vậy ông Huyện không biết nổi cái tình ý của đóa hoa mơn mởn ấy ra sao.

Rồi ông đâm ra tư lự. 

Nghề làm quan hay trịch thượng, trịch thượng ở việc làm với dân đã đành, trịch thượng ở cái ái tình trong trí tưởng tượng.

Cho nên, sau một lúc vừa tiêm thuốc vừa nghĩ ngợi suy tính, ông Huyện Văn Giang đã dùng sức óc để đi rất mạnh, rất nhanh mà đoán rằng tất sao đêm nay ông cũng được cưỡi phượng.

Rồi đến khi tiếng kiểng cầm canh tư trong dinh cụ Thượng đã đưa đi xa để báo cho ông biết rằng đêm đã khuya, ông mong mãi cô Khuê mới lên buồng, và mãi bác thông phiên già mới "kéo gỗ".

Chờ cho mọi người ngủ thực say, ông đằng hắng rõ to mấy tiếng. Không thấy bác Giốc cựa, ông tắt phụt đèn đi, khe khẽ ngồi dậy, và rón rén tụt xuống đất.

Ông bấm kiễng năm đầu ngón chân, nhịn thở, sờ soạng trong nhà tối như hũ nút, để đi.

Bác thông phiên vẫn ngáy đều đều.

Qua giường ông nằm, ông đưa tay sang ghế trường kỷ, rồi đến chiếc bàn tre. Ông bước dài ra phía ngoài, lần theo hàng cửa giữa, rồi cửa bên.

Lúc này ông hết sức im lặng.

Khi tay đã để vào cánh cửa buồng, ông đứng dừng lại, lắng tai nghe một lúc lâu.

Trống ngực ông đánh to quá, đến nỗi chính tai ông cũng nghe rõ. Trong người ông, máu nóng chạy ran lên.

Ông thấy Khuê cựa luôn. Trí tưởng tượng trịch thượng của ông đoán rằng chính cô bé cũng đương lòng xuân phơi phới mà trằn trọc mất ngủ.

Ông sờ khe hai cánh cửa, ẩy thử một tí: không gài then!

Ông vén râu lên để thở bằng miệng cho đỡ ra tiếng. Im phăng phắc. Ông nâng cánh gỗ và mở ra dần dần.

Nhưng bất đồ, một tiếng "thịch" khẽ, tiếng ngáy bỗng im bặt, và tiếng người ngồi nhổm dậy, rồi xòe một cái, ngọn diêm tóe ánh sáng vào mặt ông Huyện. Không tránh đằng nào được nữa, ông luống cuống, ngay như cán tàn. Thấy động, Khuê giật mình, ngẩng cổ, rú lên.

Bác Giốc, khi đã nhìn rõ vị khách xấu chơi thì vừa giận vừa sợ. Nhưng vì bác chỉ là một thằng dân hèn thì cố nhiên cái giận phải nhường chỗ cho cái sợ, nên bác chỉ dám thở dài cau mặt, nói khẽ:

- Chết, sao quan lớn lại thế, người ngoài người ta biết thì còn ra thế nào nữa?

Thấy thông phiên nhu nhược, ông Huyện thản nhiên bước chân ra, và vẫn giọng trịch thượng, ông đáp:

- Mẹ kiếp, trừ tao với mày, với nó, không ai nói ra, thì người ngoài đứa nào biết được mà mày sợ!


  Tiểu thuyết thứ bảy số 199 (ngày 19 tháng 3 năm 1938).


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000






Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

PDF - Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000




Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời bạn đọc theo dõi
Chuyện của ông Huyện Văn Giang với cô Khuê nhà bác Giốc qua bộ ba truyện ngắn:
1. Vẫn còn trịnh thượng
2. Chiếc đèn pin
3. Nạn râu




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉