Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Từ câu chuyện "Quyết chí ra đi"


Từ câu chuyện "Quyết chí ra đi"

Dương Đình Giao




“Quyết chí ra đi”* là tên một trong những truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977), nhưng rất tiếc đã bị thất lạc. Trong cuốn hồi ký “Đời viết văn của tôi”, ông đã lược ghi lại câu chuyện này.

Vốn là hồi đầu thế kỷ, để xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị theo kiểu châu Âu hiện đại, đồng thời với việc mở mang đường phố, xây dựng Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Nhà băng, Nhà hát lớn, …người Pháp có những quy định để nói như chúng ta ngày nay là “đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị” như cấm hàng rong buôn bán trên vỉa hè, cấm vứt rác ra đường, xe tay bánh sắt chỉ được hoạt động ở ngoại ô, chỉ xe tay bánh cao su (có hình thức lịch sự hơn) mới được chở khách trong nội thành… Người đi xe tay bánh sắt từ ngoại ô vào tới nội thành phải đổi sang đi xe bánh cao su (cũng phiền phức, lôi thôi lắm đấy chứ!). Vì là chủ trương của Pháp nên người Việt Nam ta phản đối ghê lắm, nhất là những trí thức yêu nước. Một trong những cái cấm bị phản ứng rất dữ dội là cấm phóng uế bừa bãi. (Hình như đây là một thói quen khó bỏ của người Việt Nam ta. Điều cấm này đã có từ một thế kỷ nay nhưng giờ cái nạn này vẫn tồn tại). Nhà văn Nguyễn Công Hoan khi ấy vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, đang là giáo học (nghĩa là đã thuộc thành phần trí thức) bèn viết truyện ngắn “Quyết chí ra đi” đả kích chủ trương không hợp lòng dân này.

Xin tóm lược để mọi người đọc cho vui:

Hai vợ chồng nhà nọ quê ở gần tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Một hôm, sau một trận cãi nhau, anh chồng vô cùng tức giận cô vợ lăng loàn, nghĩ tới phong trào xuất dương tìm đường cứu nước đang rầm rộ bèn “quyết chí ra đi” noi theo các bậc đàn anh. Ra ga tàu hỏa, người quen bán hàng ở ga hỏi, nhưng anh đang tức giận không thèm trả lời. Chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng, định đi Hải Phòng để xuất dương, nhưng anh lên nhầm con tàu chạy hướng ngược lại về Hà Nội. Xuống ga Hàng Cỏ (Hà Nội), anh vẫn tưởng là Hải Phòng, hỏi thăm đường ra cảng. Người ta liền chỉ đường cho anh ra bến Phà Đen (cũng là cảng nhưng là cảng trên sông Hồng). Nghe anh hỏi tàu xuất dương, ai cũng cười giễu cho là anh bị thần kinh. Tha thẩn mãi, tới khi muốn đi tiểu anh bèn theo thói quen, “tè” ngay bên vệ đường. Ai ngờ, cảnh sát trông thấy, liền bắt giam vì tội phóng uế bừa bãi.

Chị vợ ban đầu nghĩ chắc chồng giận chỉ bỏ đi đâu đó, nhưng chờ hai ba ngày vẫn chưa thấy chồng về bèn bổ đi tìm. Ra ga hỏi thăm, người ta nói thấy chồng chị lên tàu về Hà Nội. Thế là chị sấp ngửa lên Hà Nội tìm chồng. Chẳng có manh mối nào, chị cứ lang thang khắp các phố phường hy vọng gặp được chồng. Lúc đi ngang qua một cái hồ rộng như cái đầm nước ở quê chị, theo thói quen ở nhà quê, chị ngồi sụp xuống bên một bụi cây để làm cái việc có thể sánh với “thứ nhất quận công…”. Ai ngờ, đội xếp Tây bắt chị về giam ở bót Hàng Trống vì phạm điều cấm phóng uế bừa bãi của Tòa thị chính. Phòng giam đàn ông và đàn bà riêng biệt, mãi đến giờ phạm nhân được ra ngoài đi dạo, chị vô cùng sung sướng gặp lại chồng đang bị giam ở phòng giam đàn ông.
Gặp nhau, hai vợ chống mừng mừng tủi tủi, vô cùng cám ơn “nước mẹ Đại Pháp” đã có luật cấm phóng uế bừa bãi, giá như không có cái luật ấy thì sao hai vợ chồng tìm thấy nhau.
Không ít truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan viết trước 1945 có nội dung đả kích như thế này.

Hiện nay, phản ứng trước một số chủ trương của chính quyền thường có 2 xu hướng.

Một là của bà con trên mạng xã hội. Phản ứng cũng không khác mấy so với thái độ của Nguyễn Công Hoan. Chính quyền không còn thu phục được niềm tin của mọi người. Qua một số chủ trương đã ban hành, dưới con mắt của bà con, những người trong chính quyền đều hoặc ngu dốt hoặc vụ lợi. Những chủ trương của họ ban hành đều chỉ đáng vứt vào sọt rác. Thế là lập tức công kích. Mình nghĩ, chưa tới mức hoàn toàn như vậy. Một số chủ trương được đưa ra cũng có tác dụng tích cực trong việc điều hành đời sống đô thị. Như cái chủ trương cấm buôn bán hàng rong trên vỉa hè, cấm bán rượu bia sau 22 giờ hàng ngày, thay đổi cung cách thi cử, … chẳng hạn, hạn chế nằm ở cách thực hiện các chủ trương đó. Xin để một hôm khác bàn tới chuyện này.

Hai là các báo lề phải. Nói thực, cái đáng phản bác, công kích thì các vị im như thóc, “đếch” dám ho he, còn những cái chưa rõ trắng đen, còn đang trong quá trình thực nghiệm hay với những người yếu thế “thấp cổ bé họng” không được ai bênh vực thì các vị đua nhau vào đánh hội đồng. Như cái việc đóng ngã ba, ngã tư để giải quyết việc ùn tắc giao thông. Báo nào cũng “chửi”, nói rằng thế giới chưa có nước nào làm như thế. Đúng là trên thế giới chẳng có nước nào làm như vậy, vì làm gì có nước nào lắm xe máy như nước ta? Có nước nào ý thức người tham gia giao thông kém như nước ta? Chắc các bác giao thông sợ quá, đành phải bỏ. Tốn kém bao nhiêu tiền của. Thế là tắc lại hoàn tắc. Cái đường Láng trước đây vào giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều luôn tắc, có hôm xe máy ô tô nối đuôi nhau hàng cây số. Mời các nhà khoa học của Viện khoa học kỹ thuật giao thông vận tải tham mưu. Sau mấy ngày ra hiện trường mắt thấy tai nghe, các nhà khoa học đưa ra phương án ngăn các ngã ba như đã làm trước đây. Từ đó, hai năm rồi, chẳng thấy tắc nữa. Báo chí từ đó mới hết chọc ngoáy.

Mỗi chủ trương mới ra đời không dễ tìm được sự đồng thuận, nhất là khi chính quyền hiện nay không còn được lòng dân, luôn bị dân nghi ngờ. Nhưng mình nghĩ bà con ta nên bình tĩnh suy xét, gạn đục khơi trong. Chưa thay đổi được cái lớn thì cũng mong có sự thay đổi dù nhỏ để cuộc sống bớt u ám.

Thứ nữa, trước khi đưa ra một chủ trương, các “tác giả” của nó cũng nên xem xét cho kỹ, tránh việc chủ trương không thực hiện được, xã hội vẫn chẳng có gì văn minh tiến bộ hơn mà chỉ thêm cái cớ cho bọn chức dịch các loại ở địa phương nhũng nhiễu dân lành.




* Quyết chí phiêu lưu

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉