Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Chuộc cụ



Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Thái Hoàng Phi

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 kênh 2 video



Mời đọc Bản đánh máy

Chuộc cụ

Nguyễn Công Hoan
(1903 - 1977)


Vừa được độ mười lăm phút, thằng Quýt đã lại vào giục cô Tư:

- Trưa lắm rồi, cô vào mời cụ dậy để con mở cổng, kẻo chúng nó cứ nheo nhéo từ sáng đến giờ.

Cô Tư đỏng đảnh gắt:

- Kệ chúng nó, ai bảo hôm qua, hôm kia không đến một thể. Ai làm đầy tớ chúng nó lắm thế được. Tận ba mươi Tết mới thèm vác xác vào!

Song tuy làm ra dáng hách dịch như vậy, mà cô Tư cũng không bỏ lỡ dịp nào không để cho người nhà, đầy tớ tin rằng cô vẫn được cụ Hàn yêu hơn hết bọn cô hầu. Cô bèn xỏ chân vào guốc, đứng dậy.

Cô đến trước tấm gương treo ở cột. Cô vuốt mái tóc, nắn lại khăn, bôi ít sáp vào môi, rồi khi yên trí mình vẫn còn nguyên vẹn nhan sắc của cô con gái ngoài hai mươi, cô mới lên nhà trên rón rén mở cửa buồng.

- Ông! Ông! Mời ông dậy.

Cụ Hàn cựa, mở mắt, mỉm cười với cô, rồi quờ tay nắm lấy cổ tay cô, rồi, cụ giơ hai cánh tay khẳng khiu ôm lấy cô hầu non. Nhưng cô Tư cản lại:

- Chúng nó chờ đông lắm rồi.

Cụ Hàn hút một chập mới vươn vai. Cô Tư dịu dàng hỏi:

- Rửa mặt nhé.

Thấy cụ gật, cô bèn lấy chiếc khăn màu nước dưa, vẫn treo ở lưng ghế cạnh giường, dúng vào thau nước, vắt khẽ và đưa cho cụ.

Cụ Hàn lau qua loa đôi mắt, rồi nói:

- Bảo thằng Quýt mở cổng!

Cánh cổng nhà cụ Hàn bấy giờ mới mở: một dinh cơ gồm sáu chiếc nhà gạch lớn.

Năm người theo Quýt vào ngồi chực ở nhà ngang.

Bác khán Thạch cũng ở trong bọn đó. Bác chờ đã lâu lắm. Bác chỉ cần chuộc cụ rồi ra chợ mua miếng thịt, kẻo vãn người vì chợ hôm nay chỉ họp một lúc buổi sáng.

Năm nào cũng vậy, bác cầm cụ từ đầu tháng năm cho cụ Hàn, bởi vì tháng ba, tháng tư, tháng nào bác cũng có giỗ. Mọi năm phong lưu, hăm tám hăm chín Tết bác đã đi chuộc về. Nhưng khốn nỗi, năm nay làm ăn khó khăn quá. Hôm nọ, vừa lo được đủ tiền, bác đã bị người ta lần túi đòi mất. Thật thế, bác nợ nhiều quá,  chẳng năm nào đến tối ba mươi Tết, bác không bị réo ở cổng. Cho nên trốn được món nào hay món ấy, không có, bác phải nói khó hoặc van lạy người ta để người ta thương tình. Bác cố giấu biệt dần dần, nay một hào, mai một hào, cho đủ hai đồng mới có tiền chuộc cụ và sắm miếng thịt miếng thà cho ra vẻ Tết.

Món chuộc cụ, không ai thúc bách, song bác coi khẩn bằng mấy mươi món khác. Bác tưởng tượng nếu không chuộc được cụ về thì phải tội chết.

- Nào, ai cần thì lên hầu trước đi.

Dứt lời Quýt, cả năm người đều tranh nhau đứng dậy.

Bác khán nằn nì:

- Tôi chờ từ sáng, cho tôi lên trước.

Nhưng Quýt trỏ vào người mặc áo tây thâm và ra lệnh:

- Bác xã về tận Tràng, mà chuộc những hai chiếc mâm, cho lên trước.

Mười lăm phút sau, bác khán Thạch lại phải nhường cho người ở Tam Đa lên chuộc lại cái lư. Và mãi tận hơn một giờ, bác mới được gọi.

Bác theo Quýt đi. Qua sân lát gạch bát to, bác lên thềm nhà giữa rồi đứng lại. Bác cởi thắt lưng lấy tám hào ba nắm ở tay và bỏ hai xu vào túi. Bác khúm núm vạch bức mành mành để vào. Bác vái chào.

- Lạy cụ ạ.

Cụ Hàn nằm cạnh bàn đèn có cô Tư tiêm thuốc, không trả lời, chỉ nhìn bác.

Cô Ba ngồi têm trầu gần đó, hất hàm hỏi:

- Kêu gì?

Bác khán gãi tai:

- Bẩm con đến trình cụ cho con chuộc cụ con về.

Cô Ba hiểu, nhanh nhẹn vào trong buồng. Cụ Hàn nói theo:

- Tên Nguyễn Thạch có chua chữ ở dưới đế ấy nhé.

Bác khán chờ. Im lặng.

Trong buồng đưa ra những tiếng gỗ chạm vào nhau, lục cục, rồi bỗng cô Ba hỏi:

- Từ tháng nào nhỉ?

Bác khán đáp:

- Bẩm tháng năm ạ.

Cụ Hàn mồm ngậm giọc tẩu, tay bấm đốt, rồi khi đã hút xong điếu thuốc, cụ nhìn bác Khán nói:

- Tám hào rưỡi.

Thấy cô Ba tìm mãi không được, cụ Hàn giục:

- Sao lâu thế?

- Thưa, chưa thấy ạ.

Cụ cau mặt, nhìn Quýt:

- Mang cả ra đây. Nó chả được việc gì cả!

Tức thì Quýt nhanh nhẩu vào buồng, rồi bưng ra một sọt bài vị. Chiếc bài vị nào cũng sơn đỏ, bụi bám đầy, có dấu vôi trắng ở mặt và ở đế.

Quýt đặt sọt xuống đất. Cụ Hàn ngồi dậy cúi chọn từng chiếc một rồi phàn nàn: 

- Chết chửa, còn bao nhiêu đứa không biết chết trôi chết giạt đi đằng nào mà không chuộc cụ chúng nó về. Ông cho rồi quỷ sứ nó lại không rút lưỡi những đồ bạc ác ấy đi à!

Bác khán đứng yên để chờ.

Cụ Hàn xáo lộn để tìm. Cụ cũng phải tìm mãi. Khi thấy chiếc bài vị đề tên bác khán Thạch, cụ mới trừng mắt mắng cô Ba:

- Chả nó là con khỉ đây à?

Rồi cụ hất hàm bảo bác khán:

- Tám hào rưỡi!

Bác khán thở dài. Bác tủi thân lắm. Lại thấy cụ Hàn không được vui vẻ, nên bác thất vọng. Song bác cũng cứ liều, mất gì lời nói. Bác đặt tám hào ba vào đĩa, đằng hắng rồi thưa:

- Lạy cụ, mấy năm nay, con nhờ vả cụ, không lần nào dám thiếu cụ, nhưng lần này con chỉ lo được có ngần này, xin cụ thương cho.

Cụ Hàn không nói không rằng, quẳng chiếc bài vị vào sọt và nằm xuống.

Bác khán giật mình như trông thấy tổ tiên bị thương. Bác gãi tai. Nhưng cụ đuổi:

- Bước! Mày tưởng mấy hào bạc của mày to lắm à?

Cô Từ mắng theo:

- Thôi, đi! Quýt, cất cái sọt rồi đuổi nó ra!

Quýt kéo áo bác, nhưng bác cố đứng lại. Bác như muốn ứa nước mắt, móc túi lấy thêm hai xu rồi để vào đĩa.

Cô Ba ngảnh nhìn, đoạn nhặt bài vị đặt lên phản.

Bác khán kính cẩn nâng lấy cụ và túm vạt áo, chùi bụi chỗ đánh dấu vôi vào mặt cụ.

Đoạn sung sướng vì đã có cụ để thờ trong mấy ngày Tết, bác thu thu khúc gỗ sơn son ấy vào bọc, vái chào cụ Hàn và hai cô, rồi hớn hở lui ra.


Tiểu thuyết thứ bảy, số 344 (ra ngày 20-1-1941)



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Trong: Tổng tập văn học Việt Nam - 28 - 2000 - - Tr.163-166

Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉