Ads 468x60px

.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan




Nguyễn Công Hoan là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam.

Ông sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên,
mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội.


Các bạn có thể đọc tại đây (lấy trên Internet)
- Các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan,
- Các bài viết về Nguyễn Công Hoan.

Mời xem: Bách Khoa Toàn Thư mở - Wikipedia
♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣


Video: Nhà văn Nguyễn Công Hoan (Thực hiện: Trí Dũng, Ngọc Oanh, Huy Hoàng, Thúy Lành, Thùy Trang, Tuấn Anh - Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh & Truyền hình Hưng Yên)

Featured Posts

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Đêm cuối năm thương xót những phận người


Đêm cuối năm thương xót những phận người

Nguyễn Văn Luyện
(Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 4 – Thanh Hóa)


GD&TĐ - Thời khắc Giao thừa giữa năm mới và năm cũ, người người hân hoan tống cựu nghinh tân, những mong nàng xuân vui gõ cửa, nhà nhà đoàn tụ ấm êm.

Song đâu đó, còn ẩn khuất những cảnh đời trôi nổi, xót đau, ước mong sum vầy chỉ như món quà xa xỉ. Đọc lại câu chuyện về phận người “Tối ba mươi” của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam gần trăm năm về trước, nhân gian vẫn khắc khoải niềm thương, chan chứa những niềm đau.

Nguyễn Công Hoan – cả cuộc đời văn viết vì con người.


Kiếp người ngựa
Danh thơm của Nguyễn Công Hoan tỏa sáng trên văn đàn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Trong công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc, Nguyễn Công Hoan thuộc thế hệ mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên, vững chắc cho sự phát triển bền vững về sau, nhất là văn xuôi. Nhắc đến ông, người ta nhắc đến một bậc thầy về truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại.

Một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyễn Công Hoan.


Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan tựa như một bức tranh đa diện về những trò đời tréo ngoe, cười đấy mà cay xót khôn nguôi cho kiếp nhân sinh. “Báo hiếu trả nghĩa cha”, “Báo hiếu trả nghĩa mẹ”, “Đồng hào có ma”, “Mất cái ví”, “Tinh thần thể dục”, “Kép Tư Bền”… là những tác phẩm hay, in đậm phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, mỗi truyện gắn với tình huống trào phúng bất ngờ, người ta phá lên cười, song ngẫm lại đau xót thương tâm bởi nghịch cảnh éo le, nghĩa nhân đảo lộn.

Đọc truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của Nguyễn Công Hoan, tôi băn khoăn tự hỏi, chẳng biết trong cái đêm ba mươi trớ trêu ngày xưa ấy, anh phu xe hay cô gái “ăn sương” mới là người đen đủi, không may? Suy đi ngẫm lại, chỉ biết rằng kẻ khốn, gặp người khổ, bi đát gặp nhau, cay đắng xiết bao. Ngòi bút hiện thực giúp nhà văn vẽ nên những cảnh đời cùng quẫn, cơ hàn trong xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mỗi trang văn, một kiếp người, ai cũng khốn khổ như ai.

Phận người ngựa lắm nỗi gian truân, anh phu xe gia cảnh thật trớ trêu, gánh nặng mưu sinh đè xuống cái lưng còng của gã đàn ông còm cõi mới thoát chết sau một trận ốm. “Bao nhiêu tiền của dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả”, thành thử, túng phải tính, mệt vẫn phải cố, anh cố “vay cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo ăn Tết”. Bởi thế, “tám giờ tối ba mươi Tết”, anh phu xe vẫn lang thang hết phố nọ, phố kia. Phường phố vắng vẻ, nhà nhà đóng cửa, gã kéo xe “đói” khách, từ chiều đến đêm mới được “hai hào chỉ”.

Dù cho “khách áo gấm, áo nhung đi nhan nhản ở đường”. Song, mời mỏi miệng cũng chả có ai lên xe, anh phu xe “lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong”, tiếng thở dài ngán ngẩm sao mà chua xót. Phận đời bấp bênh tội nghiệp biết bao. Buồn ngủ, gặp chiếu manh, phận “ngựa người” gặp thân “người ngựa”, ngỡ may mà hóa rủi, phận hẩm duyên ôi, nhọc thân mà lại mất thêm tiền. Đúng là đã rách lại thêm nát, túng còn thêm thiếu, hi vọng chưa kịp nhen, vụt tan như bong bóng xà phòng.

Lầm lũi trong đêm, lê bước nhọc nhằn, anh xe “phấn chấn” trong lòng nghĩ đến cái “doanh thu” đêm cuối năm: “Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín. Chín hào. Mở hàng ngay vào lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Năm mới đã phát tài!”. Nhà văn rất khéo mở ra cho anh phu xe nghèo khổ viễn cảnh thì thoáng chốc, anh ta rơi vào thảm cảnh: Mất trắng.

Câu nói của ả “ăn sương”: “Cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?” phơi bày sự thật, và khép lại đêm ba mươi đen đủi của anh kéo xe bằng cú lừa ngoạn mục. Vào nhà săm cửa trước, cô ả chuồn cửa sau, anh xe bị quỵt tiền, năm mới chưa kịp phát tài, chỉ thêm phát khổ, tay trắng rồi lại trắng tay. Thảm thương cho kiếp cu li, chẳng biết sau khi “móc túi lấy bao diêm đốt vía”, phận nghèo còn đeo đuổi anh không? Viết về phận “ngựa người”, sau tiếng cười vẫn là nỗi đau đời, thương đời của người cầm bút.

Người ta khổ, song còn một chốn để về thì chưa phải cùng đường. Anh phu xe trắng tay, đen đủi bị quỵt tiền nhưng còn vợ, còn con để sum họp đoàn viên dù đói nghèo túng thiếu. Cô ả “ăn sương”, kiếp “người ngựa” mới bi đát, khốn cùng. Chẳng biết, sau hành động vào nhà săm cửa trước, trốn cửa sau, cô ả sẽ đi đâu, về đâu? Vất vưởng, trôi dạt, chìm sâu trong tủi nhục, đắng cay? Bởi thế, phận “ngựa người” khổ, song kiếp “người ngựa” mới tủi nhục, đáng thương hơn gấp bội phần.

Đêm ba mươi, tiếng pháo đì đùng, nhà nhà đón Tết, cô gái phải đi kiếm ăn mà ế chỏng ế chơ, hết phố nọ, sang phố kia mà xôi hỏng, bỏng không, chẳng ma nào tìm đến. Cũng phải, đêm trừ tịch, ai đời nào lại tìm đến “món hàng” này để vui xuân. Kì thực, cô gái “ăn sương” này không định quỵt tiền của anh phu xe. Cô mong gặp khách, kiếm tiền để trả tiền. Chẳng may, gặp cái tối “xúi quẩy” đành trơ mặt, vậy thôi. Bất đắc dĩ, “con ngựa người, kéo con người ngựa”, con “người ngựa” không ai đoái hoài, khốn khổ như nhau, nên thành kẻ lọc lừa.

Mỗi trang văn, một cảnh đời, ngòi bút chân thực của Nguyễn Công Hoan đưa người đọc khám phá mảng tối của xã hội thị dân trước cách mạng, ở đó những kiếp “người ngựa - ngựa người” cứ lầm lũi trong đêm, tội nghiệp xót xa. Tiếng cười trào phúng bật lên ngay từ nhan đề, kết hợp với cách kể khôi hài, người đọc tủm tỉm cười, song ngẫm ngợi vẫn thương cảm, nhói đau. “Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch...”, anh phu xe “nghiến răng, cau mặt, thủng thẳng dắt xe đi”, cô gái bán hoa lẩn khuất nơi nào? Cuộc đời khổ nhục của kiếp người ngựa, ngựa người luôn ám ảnh trong ta mỗi độ xuân sang.

Những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Phận tha hương
Văn chương khơi nguồn từ trái tim sẽ đi đến những trái tim, người đọc sẽ nhớ mãi không quên. Hơn ba mươi tuổi đời, vẻn vẹn sáu năm cầm bút, những truyện ngắn khơi nguồn từ trái tim của Thạch Lam mang vẻ đẹp riêng, lãng mạn mà vẫn rất đời, chan chứa niềm thương, niềm đau. Dõi theo những thiên truyện của cây bút biệt tài, người ta mến yêu “Hai đứa trẻ”; cảm phục “Gió lạnh đầu mùa”; say mê “Dưới bóng hoàng lan”; cảm kích với “Cô hàng xén”... Với tôi, mỗi truyện đều có dư vị riêng, song ấn tượng vẫn là “Tối ba mười”, câu chuyện giản dị mà ám ảnh về phận người tha hương trong thời khắc Tết đến, xuân về.

Ngẫm về thiên chức của người cầm bút, ai đó đã sẻ chia một quan niệm chí tình, chí lí: “Nhà văn có thể viết về bóng tối, nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng”. Thiên truyện diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đêm ba mươi; không gian là một căn buồng nhà “săm”, ẩm ướt, nhếch nhác, bẩn thỉu, ô uế: “Cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn, cái thau gỉ, cái bô, và cái bàn gỗ rửa mặt gỗ đã mọt”.

Đó là khung cảnh của cuộc đời trụy lạc của hai cô gái bỏ quê, lên phố sống đời tha hương, Huệ và Liên. Đêm cuối năm, quãng phố hẹp vắng teo, cái se lạnh của ngoài trời thấm cả vào lòng người, “ngoài đường trời hẳn còn mưa, mưa buồn rầu và âm thầm trong bóng tối”, hai cuộc đời trơ trọi bám víu nhau trong nỗi hờn tủi, đắng cay.

Mỗi người một cảnh, họ vùi chôn đời mình trong cảnh ngộ tha hương. Huệ, mẹ chết, cha lấy vợ khác, không biết ở đâu, bảy tám năm không về làng, đêm cuối năm nàng vùi mình vào giấc ngủ trong căn buồng nhà “săm” lạnh lẽo. Đôi mắt “lờ đờ”, “nét mặt mệt mỏi”, “chút nước mắt rơm rớm ở hàng mi” của Huệ gợi bao nỗi ưu tư, “tâm hồn u ám, nặng trĩu”, cuộc đời “trụy lạc” rồi sẽ đi đâu, về đâu? Có nơi đi chẳng còn chốn trở về, kí ức đẹp nhất với Huệ còn lại chỉ là chút kí ức buổi sáng mồng một Tết năm nào, nàng không nhớ rõ.

Trong truyện, Huệ khổ, Liên thậm chí khổ hơn, “còn cha mẹ nhưng không dám về”. So với vẻ “bất cần” của Huệ, Liên chu tất, mạnh mẽ hơn, mấy thứ đồ ăn mua vội mua vàng ngoài phố chống đói cho mấy ngày Tết, sửa soạn cúng Giao thừa, an ủi động viên Huệ… nhưng cố tỏ ra can đảm thì lại càng mềm yếu, gắng gượng vượt lên cay đắng lại dưng đầy.

Với Liên, khoảnh khắc “tiến đến bàn thờ, đứng yên”, nghẹn ngào “biết khấn sao bây giờ” quả là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Thạch Lam thật tinh tế phát hiện chuyển biến tinh vi trong tâm hồn Liên: “Nàng bỗng nấc lên, rung động cả vai rồi gục xuống ghế, tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mi mắt, nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mang tràn ngập cả người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những mong ước tuổi trẻ, những thất vọng chán chường”.

Tiếng khóc tủi hờn, tiếng khóc thổn thức, tiếng khóc đắng cay của một kiếp tha hương, sống trong nhục nhã ê chề. Tiếng khóc tiếc cho mong ước tuổi trẻ đã vùi chôn, tiếng khóc cho năm mới, và cả những tháng ngày trước mắt nổi chìm, phiêu dạt. Đặc biệt, tiếng khóc ấy trở thành “Sợi tóc” mong manh níu giữ phần thiện, phần lương tri còn sót lại của cô gái giang hồ bán thân nuôi miếng. Xót đau cùng tiếng khóc của Liên, của Huệ trong đêm ba mươi đượm buồn, lạnh lẽo, bất chợt tôi nhớ đến cái “giật mình mình lại thương mình xót xa” của nàng Kiều “khi tỉnh rượu lúc tàn canh” trong kiệt tác của Nguyễn Du.

Thì ra, con người dẫu cùng cực, dẫu trôi nổi, muôn đắng ngàn cay thì phần Người vẫn sẽ còn vương sót, thiên tâm có thể bị vùi chôn nhưng không thể biến đi. Quan trọng là hoàn cảnh, cuộc sống có đủ khả năng lay tỉnh, giữ vững thiện lương của con người hay không?

Viết về phận đời tha hương của hai cô gái nhà quê bỏ lên phố sống đời “trụy lạc”, ngòi bút nhân đạo của Thạch Lam đâu chỉ cảm thương, mà quan trọng hơn nhà văn đã gửi gắm một niềm tin bất diệt vào bản tính lương thiện của con người. Niềm tin đó giúp ông phát hiện, tìm được ánh sáng trong “Những linh hồn chết”.

Kí ức về “căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật” của Huệ, giọt nước mắt tủi cực của Liên… sẽ mãi mãi là “thanh âm trong trẻo” giữa cuộc đời chìm nổi, tối tăm. Sinh thời, Thạch Lam chiêm nghiệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”.

Với truyện ngắn “Tối ba mười”, dường như nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút. Viết về bóng tối, ông hướng con người khổ tìm đến ánh sáng, lay tỉnh tâm hồn, đánh thức lương tri. Câu chuyện về Huệ, về Liên khép lại, nhân gian hiểu thấu bài học sâu sắc, đừng buông thả, đánh mất mình để không bao giờ rơi vào nghịch cảnh trớ trêu, nước mắt sẽ không rơi trong khoảnh khắc nhói đau.


Trang văn rất đời và rất tình
Xuân đang gõ cửa muôn nơi, lòng người hân hoan cùng mai đào khoe sắc. Đọc truyện của hai cây bút “Vang bóng một thời”, ta thầm nghĩ về sức sống bất diệt của văn chương chân chính. “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu).

Có thể khẳng định, những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam đích thực là áng văn chân chính “đáng thờ”, bởi những câu chuyện rất đời, rất tình đó đâu chỉ cần cho hôm qua, hôm nay, mà còn cả mai sau. Góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn học đầu thế kỉ XX, những truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, truyện ngắn trữ tình giàu chất thơ của Thạch Lam mãi để thương để nhớ trong trái tim người đọc, góp phần vang danh những cây bút tài năng của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Cuộc sống luôn là một bức tranh đa diện, bóng tối đồng hành cùng ánh sáng; no đủ, an vui đi bên cực nhọc, đắng cay. Những kiếp “người ngựa - ngựa người”, phận tha hương vẫn ẩn khuất đâu đây trên vạn dặm đường đời. Chỉ mong, sự đời đổi thay, nhân sinh nước mắt vơi đi, nụ cười nhiều lên cho đong đầy hạnh phúc. “Ngoài kia pháo hoa rộn khắp nơi. Cùng nhau đón Giao thừa đang tới. Bình minh vẫy tay chào ngày mới. Trong con tim tôi nghe những yêu thương tràn về...”.

Nguyễn Văn Luyện




Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Người ngựa ngựa người - Khi cái nghèo đẩy con người ta đến đường cùng


SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Người ngựa ngựa người -
Khi cái nghèo đẩy con người ta đến đường cùng

Dương Hạnh


Người ngựa ngựa người một trong những sáng tác hay nhất của Nguyễn Công Hoan, ông không ngần ngại chỉ ra mặt xấu xí của xã hội cũ lúc bấy giờ. Bằng tình huống rất đơn giản tác giả đã mang đến cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau về con người.

Người ngựa ngựa người được chuyển thể thành tiểu phẩm hài do Nghệ sĩ Xuân Hinh và Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền thủ vai chính. Khi được ra mắt tiểu phẩm nhanh chóng được nhiều khán giả ủng hộ.

Đôi nét về Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903 tại tỉnh Bắc Ninh trong nhà Nho học thất thế. Từ nhỏ, ông được tiếp xúc với rất nhiều thể loại văn thơ mang tính chất châm biếm, đả kích tầng lớp cầm quyền chó má, luôn tìm cách đẩy dân vào khó khăn. Chính vì thế đây là cảm hứng chính trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan sau này.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Công Hoan: Bước đường cùng, Hai thằng khốn nạn, Kiếp hồng nhan, Răng con chó của nhà tư sản, Cô làm công, Kép Tư Bền,...

Cảm nhận về sách
Thông thường vào đêm 30 Tết hầu hết tất cả chúng ta dù bận rộn như thế nào cũng đều tranh thủ thời gian ở cạnh gia đình, để cùng nhau đón thời khắc ý nghĩa nhất trong năm đó là giao thừa thế nhưng anh phu xe trong Người ngựa ngựa người thì không được may mắn như vậy. Mở đầu truyện Nguyễn Công Hoan đã miêu tả hình ảnh anh phu xe rất kham khổ khi 30 Tết rồi vẫn phải vất vả đi tìm khách.
“Đố ai biết anh phu xe lững thững dắt cái xe không ở đàng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy? Trông anh ấy có vẻ “đói” khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi Tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra ngoài đường làm gì, mà còn hòng một ‘cuốc’ tất niên?”

Sự lam lũ của người dân lao động được Nguyễn Công Hoan thể hiện rõ qua tác phẩm Người ngựa ngựa người. Anh phu xe cố thuê xe để kéo trong ngày ba mươi Tết vậy mà cả một ngày trời mời khách chẳng ai đi khiến anh buồn bã vô cùng. Lúc tuyệt vọng nhất tưởng chừng may mắn không mỉm cười với mình thì anh bất ngờ có khách. Vị khách mặc đồ sang trọng nhìn là biết người có tiền thế nhưng chưa kịp vui vẻ được bao lâu vị khách này lại mặc cả giá với anh phu xe.
“ – Này bà giả bao nhiêu?
- Hai hào là đắt rồi, ngày dưng chỉ có hài rưỡi một giờ thôi.
- Thôi, năm hào rưỡi, bà có đi, không thì thôi.
- Thôi.
Bà khách quay lưng đi, lần này thì đi thẳng.”

Cuối cùng anh phu xe cắn răng chở bà đi với giá hai hào sau một lần mặc cả tiếp theo của bà khách. Dù cuốc xe ấy với anh phu xe giá không cao thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh anh vẫn phải chở khách, thôi thì có còn hơn không.

Nào ngờ vị khách kia lại là cô gái bán hoa cũng đang miệt mài tìm khách trong đêm giao thừa và tất nhiên cô không có nổi một xu dính túi. Kết quả khiến anh phu xe thất vọng vô cùng, tưởng chừng đã mang tiền về cho vợ con...
“Thôi này, đừng cáu làm gì. Tôi bảo, cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?
Thế sao cô không bảo thực tôi từ trước, để tôi kéo cô qua các nhà săm hỏi, cô còn sĩ diện mãi.”

Sau cùng, cô gái nói về anh phu xe đã lỡ rồi, bây giờ cô cũng không có xu nào dính túi vậy thì anh phu xe chở cô đi tìm khách, nếu tìm được khách cô lập tức sẽ trả tiền cho anh ngay. Lúc này anh phu xe nghĩ thôi dù sao cũng lỡ rồi thì mình tiếp tục xem, biết đâu có khách thật.

Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch... một cái kết đau buồn khiến người đọc thương cho số phận của anh phu xe. Cái nghèo khiến con người ta rơi vào những hoàn cảnh khổ sở đau thương nhất. Cái nghèo đẩy con người ta vào hoàn cảnh tội nghiệp.

Lối kể chuyện của Nguyễn Công Hoan luôn vô cùng chân thật, không cầu kỳ hoa mỹ thế nhưng mang lại cho độc giả nhiều góc nhìn khác nhau. Sự chân thật và tái hiện lại hiện thực chính là sở trưởng của Nguyễn Công Hoan, trong Người ngựa ngựa người tác giả phê phán xã hội xưa với những hạch sách khiến cho người dân nghèo đã khổ nay còn khổ trăm bề.

Nguyễn Công Hoan không chỉ mang đến cho người đọc tiếng cười mà thông qua tiếng cười ấy ông còn đả kích xã hội phong kiến lỗi thời, lạc hậu đã khiến cho người dân rơi vào cảnh không biết nên làm gì để có được cuộc sống tốt hơn. Cái nghèo cứ đeo bám lấy họ không ngưng ngày nào. Thương thay số phận người dân bị đối xử bất công ở xã hội lúc bấy giờ.

Văn học không chỉ mang đến cho độc giả những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống mà nó còn làm cho cuộc sống của chúng ta sống động hơn. Đặc biệt khi chúng ta được sống ở thời bình không còn tiếng súng của khói đạn thế nhưng những tác phẩm Văn học Việt Nam có thể giúp bạn tái hiện lại xã hội phong kiến xưa qua các nhân vật, tình huống được xây dựng rất khéo léo trong truyện ngắn.

Chúng ta thật may mắn vì được sinh ra ở thời đại xã hội phát triển hiện đại, nhiều người không cần phải lo lắng về vấn đề cơm áo gạo tiền. Mặc dù vậy mỗi thời đại, mỗi câu chuyện đều đáng để chúng ta đáng suy ngẫm, có thể nói đến đồng tiền. Nếu giàu có chúng ta sẽ có cuộc sống tốt hơn, ít nhất là bạn sẽ không cần phải đau đầu nghĩ về cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Có những người mỗi sáng mai thức dậy họ đều không biết bản thân hôm nay sẽ phải ăn gì nếu không kiếm được đồng nào. Đọc Người ngựa ngựa người chúng ta lại đồng cảm với số phận của những người nghèo, các ngày lễ tết ai cũng mong muốn được ở gần người thân của mình vậy mà anh phu xe trong chuyện phải hy sinh cả ngày giao thừa của mình để đi kiếm thêm tiền về lo cho vợ con ở nhà. Khi tiếng pháo hoa nổ đùng đoàng trên bầu trời, người người nhà nhà đang vui vẻ khi được đón giao thừa cạnh gia đình thì anh phu xe lủi thủi một mình, cái nghèo khiến anh không thể thực hiện được những mong muốn tưởng chừng như rất đơn giản.

Đoạn trích trong sách
Hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết. Quái, không hiểu ngày nay là ngày gì, mà từ chiều đến bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ! Ban chiều, khách áo gấm, áo nhung, đi nhan nhản ở đường, mà mời mỏi miệng, cũng không có một ai lên xe, nữa là bây giờ! Bực nhất là thỉnh thoảng lại lẹt đẹt tràng pháo nổ, làm cho anh ấy nóng cả ruột gan. Nghĩ đến cái cảnh tết nhà giàu mà thèm rỏ dãi. Họ quăng tiền đi về dịp tết, thi nhau tiền trăm bạc nghìn để xa phí vô ích, mà mình thì lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong.

Thỉnh thoảng, anh ta dỏng tai quay cổ, xem có ai gọi đằng xa không. Thì chỉ thấy đánh đẹt, lòe một cái ở giữa đường, làm cho anh ta giật mình đánh thót. Giật mình, rồi lại thở dài, ngán cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng phăng cái xe đi, làm nghề khác. Nhưng bỏ nghề này thì xoay ra nghề gì?

Lời kết
Người ngựa ngựa người – tác phẩm nổi bật của Nguyễn Công Hoan khiến độc giả phải suy ngẫm về cuộc đời, về đồng tiền và cả sự quyền lực. Chúng ta được đồng cảm với số phận người nghèo thông qua tác phẩm ấy.



Review bởi Dương Hạnh






Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

"Ngựa người và người ngựa"


"Ngựa người và người ngựa"

Blog GIÓ


Cái độ cấp 2, thuở đó Olympia những năm đầu tiên, tôi nhớ vòng thi Tăng Tốc còn là chiếu một đoạn phim rồi đặt câu hỏi quan sát. Gì chứ tôi thích vòng đó nhất, bởi lẽ mấy vòng khác nghe có hiểu gì đâu. Còn nhớ thêm là hâm mộ Nguyễn Thành Vinh, mà ảnh lại còn dân thành phố Thanh Hóa nữa chứ, đòi mấy thằng em ở quê dẫn qua ngó nhà hoài. Độ đó có Gặp Nhau Cuối Tuần hay lắm mà chả coi được mấy. Phát vào trưa thứ bảy, mà dân học sinh đi học thứ bảy.

Sau đó thì chuyển sang chiếu Gala Cười. Xem hài Việt vài cái được, vài cái xem mãi cũng chán. Vài cái cười nhạt, vài cái thì mang tính triết lý quá, thành ra hết cả cười (ấy thế mà được giải vở hài ý nghĩa…) Nhưng thích nhất, là vở hài vào đêm trao giải. Vở hài Người Ngựa, Ngựa Người của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền.

Một người – Xuân Hinh – là dân đất chèo, người còn lại – Thanh Thanh Hiền – là giọng ca cải lương đất Bắc. Hai người nghe đâu cũng là bạn diễn từ lâu. Thanh Thanh Hiền nhìn rất sang trọng quý phái trong vai gái làng chơi. Một phần vì tướng mạo của chị thuộc loại phụ nữ đẹp. Còn Xuân Hinh thì toát cái chất quê mùa của anh phu xe. Người ta nói trong Nam, dân “quê mùa” nhất là Hoài Linh, thì ngoài Bắc là Xuân Hinh vậy. Vở kịch vừa hài mà vừa ý nghĩa, cái nào cũng đồng đều, thế nên mà xem không bị khập khiễng. Đoạn hài, đoạn cảm xúc tiếp nối nhau, không hòa vào nhau mà tách biệt tương đối, do vậy khi hài thì cười cao độ, mà khi cảm xúc thì cũng bùi ngùi hết mực. Hai diễn viên đều xuất phát từ những sân khấu, do vậy, ngoài phát âm chuẩn và cảm xúc, có nhấn nhá, tự nhiên, thì diễn xuất hình thể của họ cũng rất hay. Do vậy, bối cảnh vở kịch không cần gì nhiều ngoài một chiếc xe kéo. Tuy là dân cải lương, nhưng cũng đã nhiều lần diễn hài, thế nên có những đoạn Thanh Thanh Hiền diễn xuất hình thể rất hài. Còn Xuân Hinh, tuy nổi với nhiều vai hài, nhưng vẫn từ dân chèo đào tạo bài bản, cho nên những đoạn tự thoại cũng rất ngọt và đượm tình.

Tôi vốn hay chú ý vài cái tiểu tiết, như đôi mắt của cô gái làng chơi liếc xuôi ngược tìm khách, hay cái dáng người của hai diễn viên giả làm dáng xe chạy, hay giọng thoại của cả hai đều thốt ra tự nhiên, nghe không “kịch” chút nào. Tiểu tiết vậy, nhưng những lớp trẻ phải làm được như vậy thì mới hay cho được.

Cái kết của vở kịch, khi hai người cùng gục mặt vào nhau, khác với truyện gốc, vừa thể hiện cảnh tình của hai người không cách gì ngước đầu lên nổi, nhưng cũng vừa thấy sự nương náu vào nhau.

Còn về truyện “Ngựa người và người ngựa” của Nguyễn Công Hoan. Lần đầu tôi đọc nó hoàn chỉnh là trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, hình như cũng là một số dịp Tết. Tôi thấy, nếu đưa nó vào chương trình học thì hay đấy.

Câu chuyện của Nguyễn Công Hoan viết không phải để hài, lẽ dĩ nhiên đã thế. Thế nên nhân vật khác nhiều so với kịch bản chuyển thể của Xuân Hinh. Nhân vật phu xe thể hiện ra là một người biết rõ về thân phận hèn kém của mình, nên lời nói, cung cách lúc nào cũng khép nép để vừa lòng khách, nhưng cũng là dân nghèo, thế nên khi biết cô gái không có tiền mà lại còn lỡ cho vay mất hai hào trong túi thì thể hiện rõ sự bực tức của mình. Còn so với trong kịch, thì cô gái làng chơi không đáng yêu đến vậy, mà rõ tính một quý cô bất cần đời, cũng chẳng bận tâm gì về thân thế của mình, và lừa chàng phu xe trốn mất.

Truyện mô tả thân phận của những người nghèo khổ xưa. Cái bối cảnh Tết lại càng làm câu chuyện thảm hại. Tuy tôi chẳng biết gì mấy về thời xưa con người ta thế nào, chỉ biết cái đẹp, cái tốt qua môn lịch sử mà thôi. Nhưng tôi thích đọc những câu chuyện như vậy. Nó có cốt truyện, ngắn, không dài dòng, mà có vẻ tự nhiên. Nhiều truyện hay tạo kết thúc có hậu, nhưng mà nhiều phần đời nó cũng không được vậy…





Hài kịch Người Ngựa, Ngựa Người – Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền (trích trong lễ trao giải Gala Cười 2005)

Truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” (1931) – Nguyễn Công Hoan

Truyện ngựa viết năm Ngọ mà không thấy ngựa đâu!


Truyện ngựa viết năm Ngọ
mà không thấy ngựa đâu!

Nguyễn Khắc Phê


TRUNG SƠN
Đó là truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của cây đại thụ trong làng văn Việt: nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc, thể hiện rõ phong cách “truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” nên đã hai lần được lấy làm tên các tập truyện ngắn của ông. (Lần đầu, do nhà Mai Lĩnh xuất bản năm 1934 và lần thứ hai do Nhà xuất bản Văn học in năm 1988)
.

Tên truyện nhắc từ “ngựa” đến hai lần, nhưng suốt truyện ngắn không hề có bóng dáng con ngựa nào! Truyện viết ngày 11-2-1931, lần xem lại “Lịch thế kỷ 20” thì đó là ngày 24 Tết năm Canh Ngọ! Có thể hình dung sau đêm tiễn Ông Táo cưỡi ngựa về chầu Trời, nhà văn nghe tiếng pháo đì đẹt ngoài đường vắng và hình dung ra câu chuyện - một cuộc “kỳ ngộ” của hai cảnh đời bất hạnh: anh phu kéo xe (ngựa người) đêm ba mươi Tết chạy gắng kiếm thêm lon gạo cho vợ con, không ngờ lại rước phải gái giang hồ (người ngựa) ế khách!
Đêm ba mươi, có mấy ai xuất hành và có khách làng chơi nào lại đi tìm gái vào lúc thiên hạ cúng ông bà tổ tiên. Vậy mà họ vẫn phải ra đường kiếm miếng ăn! Hai kẻ nghèo cùng đường gặp nhau như là sự tất nhiên chứ chẳng phải do nhà văn sắp đặt. Chỉ khác là anh phu xe từ đầu đã hiện “nguyên hình” là một con người lam lũ, cần cù và thật thà, tuy rằng cũng biết nói thách (anh ta đòi 6 hào một giờ, nhưng khách trả 2 hào cũng phải đi); còn cô ả “ăn sương” thì vốn quen ngụy trang bằng son phấn và tỏ tình giả dối, nên thoạt đầu ra dáng một bà quý phái, sau khi lòng vòng hết phố này sang phố khác, mặc dù trong túi không một xu dính túi vẫn khéo lừa được anh phu xe: “Anh có hào lẻ không, cho tôi vay mấy hào, chốc nữa tôi giả cả đồng cho tiện.”(*) Vớ được hai hào của anh phu xe, “bà khách vào hiệu, mua gói thuốc lá, bao diêm, còn tiền mua cả hạt dưa để cắn”. Xem cách cô ả định “trả tiền” cho anh phu xe về sau thì không hẳn cô đã có ý lừa gạt; cô hy vọng sẽ gặp “khách” rồi sẽ có tiền; còn anh phu xe, dù đã biết bà khách là gái giang hồ, vẫn hy vọng càng kéo nhiều giờ, càng thu được nhiều tiền và mơ tưởng: “Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm”.

Cho đến quá giờ giao thừa và khi cô ả thú thực không có tiền trả, dọa đưa lên Cẩm cô cũng không sợ; cô ta xin được gán phu la, áo, đồng hồ thay nợ thì anh nổi cáu “tôi lấy để làm ma mẹ tôi à?”; đến thế thì cô đành xuất cái “vốn tự có” ra: “Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì, tôi xin chịu”! Anh phu xe thật thà không hiểu, buộc cô ả phải giải thích: “nghĩa là chỉ có với tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì, tôi cũng bằng lòng”. Cô muốn tỏ ra mình không phải là người lừa lọc, ăn quỵt, nhưng anh phu xe lại chứng tỏ mình là người có nhân cách, cương quyết khước từ cách trả nợ của cô. (Thoạt đầu, anh bảo là “cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi”, nhưng khi cô khai rằng mới khám bệnh hôm qua, anh vẫn chỉ nhất mực “mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe”!) Đến nước ấy thì cô chỉ có cách lừa anh, vào cửa trước một “nhà săm” hỏi vay tiền rồi chuồn ra cửa sau. Khi hiểu ra cơ sự này, “anh xe choáng người, như nghe tiếng sét đánh...nghiến răng, cau mặt lủi thủi ra hè...móc túi lấy bao diêm đốt vía...” Và lúc ấy, “Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch...”
Tác giả đã kết câu chuyện như thế, chẳng cần một “lời bình” nào mà vẫn làm người đọc xót xa thương cảm cho số phận lớp người nghèo cùng đường trong xã hội cũ.
Từ mùa xuân ấy, 72 năm đã qua. Xã hội đổi thay và cảnh “ngựa người người ngựa” cũng đã khác trước; nhưng lớp “người ngựa” hình như lại đông đảo hơn, “sang trọng” hơn! Và ai dám nói chắc những con “người ngựa” đi tắc-xi, hoặc cưỡi cúp đến các “động” hầu tiếp bọn lắm tiền lại không đầy những bi kịch? Ôi! Chẳng lẽ đó lại là “bi kịch muôn đời” của nhân loại sao? Cầu mong năm Nhâm Ngọ chiến dịch “bài trừ tệ nạn xã hội” được triển khai có kết quả để những con “người ngựa” được trở lại làm NGƯỜI!
Trường An-Huê, trước thềm năm Nhâm Ngọ
Nguyễn Khắc Phê

-----------------------
(*) Những chữ xiên trong ngoặc kép được trích từ truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa”.




Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

"Kép Tư Bền" của Minh Nhí


"Kép Tư Bền" của Minh Nhí

MY LĂNG


TT - Năm 1997, khi ấy nhóm hài Hữu Châu - Minh Nhí đang nổi như cồn. Một đêm, khi đang đứng trong cánh gà chuẩn bị diễn ở sân khấu Trống Đồng (TP.HCM), Minh Nhí nhận được tin cha mất. Anh nghĩ bạn bè đùa. Nhưng linh cảm đã khiến anh gọi điện thoại về quê. Nghe giọng nói nghẹn ngào đứt quãng bên kia đầu dây, Minh chết lặng...

Giữa tiếng cười và giây phút thăng hoa nghệ thuật, ít ai biết rằng người nghệ sĩ từng bật khóc. Và câu chuyện của “kép Tư Bền” luôn diễn ra trong mọi thời đại. Sự chia sẻ nỗi lòng của những nghệ sĩ nổi tiếng phía sau chiếc rèm nhung lung linh nụ cười, nước mắt và những niềm riêng...

Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ 1:

Nước mắt của đời
Anh nhớ lại cảm giác lúc đó: “Rất kinh khủng. Tôi nhắm mắt lại và không muốn mở mắt ra nữa... Tôi như lơ lửng giữa bóng tối, khoảng trống cùng với nỗi đau quá đột ngột”. Vừa lúc đó, người dẫn chương trình đã giới thiệu tên Minh Nhí và Hữu Châu.

Minh ngẩn ngơ bước ra sân khấu, nhớ đến câu nói “Phải bỏ đôi giày dơ bẩn của mình ngoài nhà hát” mà ráng quên đi nỗi đau mất cha để hết mình với vai diễn. “Đã diễn hài thì phải làm khán giả cười. Khán giả đâu cần biết đêm đó cha mình vừa mất! Có lúc đang diễn bất chợt nhớ ra tôi như mất hồn. Nhưng mình không được phân tâm vì đang là diễn viên trên sân khấu” - Minh ngậm ngùi kể.

Diễn xong anh phải chạy qua bốn tụ điểm khác diễn tiếp. Đến khi quay về sân khấu 135 Hai Bà Trưng diễn suất thứ 11 thì Minh không chịu đựng được nữa. Anh thuê ngay xe về Sa Đéc (Đồng Tháp).

Lúc đó hơn 11g đêm. “Tôi ngồi trên xe, không ngủ, không nói chuyện với anh trai, nước mắt cứ chảy dài. Lúc đó tôi mới thấm thía nỗi đau của “kép Tư Bền” vì thấy mình giống quá. Đau, đau lắm, đau đến quắt queo và trống rỗng như vô hồn nhưng vẫn phải chọc cười thiên hạ, trong khi chỉ muốn về ngay để thấy mặt cha lần cuối... Tôi nhớ hồi mới đi làm, mỗi lần cha lên thăm gặp được chút xíu phải về ngay vì không có chỗ ngủ.

Hồi nhỏ tôi hay nói mai mốt giàu sẽ nuôi ba má. Vậy mà tới lúc vừa mua được nhà mấy ngày, tính đón cha lên ở thì cha lại không còn... Tôi nghiệm thấy cuộc đời mình cứ mỗi lần được cái này thì mất cái kia. Hai lần mất người thân đều là lúc tôi vừa mua nhà mới”
- nghệ sĩ Minh Nhí chùng giọng...

Bốn năm sau, khi Minh vừa mua được căn nhà lớn hơn và chuẩn bị đón mẹ lên ở cùng thì bà lại ra đi! Hơn hai năm sau cái chết của mẹ, khi Minh Nhí diễn tập vở Mẹ yêu, theo kịch bản, vai của anh (người anh Năm) là vai “không khí” vui vui. Diễn viên hài Hoàng Sơn (vai người em út) kể: “Khi tôi khóc, anh Minh Nhí cũng òa khóc rất dữ dội, khóc như không kìm nén được dù trong kịch bản nhân vật của anh không có cảnh khóc”. Khi hỏi, Minh Nhí chỉ nói ngắn gọn: “Tôi khóc thật vì nhớ và thương má tôi...”.

Khoảng lặng thách thức
Những thử thách vẫn chưa dừng lại. Có nhiều nỗi đau đi qua đời Minh Nhí. Gần nửa năm trời không được biểu diễn là khoảng thời gian thử thách khủng khiếp nhất. Ba tháng đầu Minh lang thang quanh những tụ điểm, sân khấu sáng choang đèn, lặng lẽ nhìn từ xa và đến tháng thứ tư thì không dám đi đâu nữa. Minh lủi thủi quanh quẩn ở nhà. Cô độc. Lạc lõng. Bế tắc. Suy sụp. Những ngày tháng quá nhiều nước mắt. “Có nhiều lúc tôi thấy mình yếu đuối quá, cùng đường quá, tới chừng tưởng như mình không còn gượng dậy mà thở được nữa” - Minh Nhí chùng giọng kể.

Minh lấy những đĩa mình diễn ra xem. Lặng lẽ và buồn tủi. Nước mắt chảy lúc nào không hay. Mỗi lần bật tivi thấy bạn bè, học trò diễn, anh lại khóc. Nhớ nghề đến quay quắt, anh đứng trước gương diễn lại những vai hài mình thích mà mặt buồn tênh. Rồi khóc. Đó là khoảng thời gian Minh khóc nhiều nhất. “Đó là khoảng lặng lớn nhất trong đời tôi!” - Minh Nhí trầm ngâm khẽ lắc lắc đầu khi nhớ lại.

Anh thẳng thắn thừa nhận: “Hồi còn trẻ lại giỏi nên tôi hồ đồ, kiêu ngạo, ngông cuồng, ăn chơi, thích nghe đàn em và học trò tâng bốc. Sau cú sốc, tôi nhận ra giá trị thật của bản thân mình và những người xung quanh”.

Cuối năm 2005, trong đêm cúng tổ nghề Minh khấn: “Nếu con còn duyên với nghề xin tổ nghề cho con được đi diễn lại”. Buổi diễn đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Minh Nhí là một chương trình từ thiện ở rạp Nguyễn Du. Minh Nhí đến rất sớm. Anh đứng trong cánh gà, toàn thân run như bị sốt, chắp tay vái tổ nghề liên tục.

“Sau một năm rưỡi mới diễn lại, không biết khán giả có còn đón nhận mình nữa hay không? Mình diễn còn hay như ngày trước không? Khi MC xướng tên mình, nghe tiếng khán giả ồ lên vỗ tay rần rần và vỗ tay rất lâu, tôi sướng run người, nổi cả da gà và gần bật khóc” - nghệ sĩ Minh Nhí không giấu được sự xúc động khi nhớ lại thời khắc đầy xúc cảm ấy.

Kể từ thời khắc đó Minh Nhí đã nhận chân một điều sâu sắc: phải nỗ lực tâm sức đến mức cuối cùng để xứng đáng nhất với tấm chân tình của khán giả.

Cái giá của nụ cười
Chính vì nghĩ quá nhiều cho khán giả, người diễn viên ấy không ít lần đánh đu với sức khỏe trong tình huống mạo hiểm có thể dẫn đến tai nạn nghề nghiệp đau đớn. Trước khi diễn vở Đứa con tiền kiếp ở CLB Phụ nữ (Q.3), Minh Nhí bị tắt tiếng. Nhưng hợp đồng đã ký, không thể hủy diễn. Tên Minh Nhí đã xuất hiện trên băngrôn. Anh không dám để người khác đóng vai thằng mõ thay mình.

Minh Nhí kể: “Tôi tới bác sĩ chích luôn một lúc hai mũi thuốc trong khi bình thường chỉ dùng một mũi. Đúng 8g tối mở màn thì hết tắt tiếng. Có đồng nghiệp bảo tôi giả bộ, làm eo. Vừa diễn xong thì tôi tắt tiếng trở lại!”. Nhiều lần cố gắng như thế, Minh Nhí đã bị hư giọng. Bây giờ giọng anh lúc nào cũng khàn khàn chứ không trong và cao như trước.

Có lần khi diễn hài ở sân khấu quận 10, Minh Nhí đóng vai ông già đánh xe ngựa. Tới cảnh chở người bộ đội đang ôm hũ cốt của người đồng đội về cho gia đình, đèn tắt. Minh Nhí đang di chuyển sát mép sân khấu nên lỡ đà, ngã dúi dụi xuống bục sân khấu cao gần 3m.

Cú ngã bất ngờ làm chân phải anh rách toạc một đường dài gần 10cm. Khi đèn bật sáng, cẳng chân đã loang đỏ máu tươi. Đau thấu xương nhưng Minh Nhí vẫn lấy khăn rằn cột vết thương lại, diễn tiếp. Hơn một giờ sau, khi vở diễn kết thúc, người ta tức tốc đưa anh đến bệnh viện khâu vết thương. Cú ngã ấy đã “đóng dấu” một vết sẹo dài bên chân phải Minh Nhí.

“Càng già đi, tôi lại càng thấm đẫm nỗi cô đơn và sợ vì thời gian được đứng trên sàn diễn càng teo tóp lại. Với người nghệ sĩ, khi rời bỏ sàn diễn là lúc cô đơn nhất. Cảm giác đó nặng nề còn hơn nỗi cô đơn không có vợ có chồng...” - nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ. Cảm giác đó đang gặm nhấm trái tim người nghệ sĩ đa cảm từng ngày khi mái tóc anh cứ thêm nhiều sợi bạc...

__________
Ngoài đời, ai gặp cũng hỏi tại sao anh trầm buồn chứ không tưng bừng như trên sân khấu. Câu hỏi đó chỉ có Hoài Linh mới trả lời được cho mình...


MY LĂNG

Nghệ sĩ Minh Nhí hóa trang trước giờ diễn - Ảnh: My Lăng




Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Bài thơ: Kép Tư Bền (Tân Quảng)


Kép Tư Bền

Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Tân Quảng


Bố đang hấp hối ở nhà
Con trong rạp hát phải ra diễn trò
Ruột gan rối tựa tơ vò
Nỗi này ai thấu hiểu cho hả giời

Nghẹn ngào gạt nước mắt rơi
Bông lơn cứ phải nói cười tự nhiên
Thương cho anh kép Tư Bền
Đồng tiền hí viện xéo lên phận người

Trớ trêu là cái sự đời
Ở nhà bố chết - đây người tặng hoa
Cuộc đời nghệ sĩ xót xa
Đọc thiên truyện cũ vỡ oà niềm đau


Tân Quảng



Tư Bền và những trớ trêu trong vai kép


Tư Bền và những trớ trêu trong vai kép

Trần Thị Thanh Nga
(Giáo viên Trường THPT Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh)


GD&TĐ - Lúc “đang ngồi thừ trong buồng trò”, lại nhận được tin báo “hiện nay cha anh đã mê đặc, chân tay lạnh cả rồi”, Tư Bền “bỗng ứa hai hàng nước mắt, rồi khóc nức nở: - Cha ơi!”.
Những người hát bội trong gánh hát xưa. Ảnh: Nguồn IT

Ông chủ sợ Tư Bền bỏ dở vở kịch đương vui thì nguy bèn “cố khuyên giải và cấm không ai được báo tin gì về cha của Tư Bền nữa”. Tư Bền “được đánh lại tí phấn cho thêm xuân sắc”, được “sửa lại bộ áo mũ cho có vẻ ngộ nghĩnh hơn”, được “dắt lại dải áo”, “chùi nước mắt”“đẩy ra sân khấu”. Tư Bền “phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy để mua gượng lấy những tràng vỗ tay”... Những trớ trêu của vai kép đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc khi gấp lại trang sách truyện ngắn “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan.

Nguyễn Công Hoan là một bậc thầy truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại. Nhà văn hiện thực ấy đã để lại một di sản nghệ thuật với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu thuyết có giá trị. Sáng tác của Nguyễn Công Hoan luôn tái hiện cuộc sống dưới nhiều góc độ mới mẻ. Tác phẩm nổi tiếng của ông được nhắc đến nhiều đó là Bước đường cùng, Tranh tối tranh sáng, Kiếp hồng nhan, Người ngựa, ngựa người... và không thể không kể đến Kép Tư Bền.

Truyện ngắn Kép Tư Bền khắc họa một cách ấn tượng số phận, tính cách của nhân vật chính là Tư Bền - một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng, trong một hoàn cảnh trớ trêu: Phải hò, phải hét, phải múa, phải nhảy, phải cười ha hả, phải pha trò trong lúc ruột gan đang nhàu như dưa, xót như muối vì cha đang lâm bệnh nặng. Thông qua đó, nhà văn Nguyễn Công Hoan muốn truyền tải những tư tưởng về sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, đồng thời phản ánh cuộc sống túng thiếu, nghèo khổ của họ trong xã hội cũ.


Nghệ sĩ hát bội Tư Bền

Tư Bền là một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng. Tiếng tăm của Tư Bền được nhắc đến ngay từ những dòng mở đầu của truyện ngắn: “Các ngài thích xem hát bội chẳng ai không biết kép Tư Bền. Ấy, anh ta chỉ nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta các khán quan cũng đủ ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp. Anh ta ở Sài Gòn ra hát ở Hà Nội đã ba năm nay”. Nhờ sự nổi tiếng ấy mà “hễ rạp nào khéo dùng anh ta một độ là cũng đông khách”,“tối nào bà con Hà thành đọc chương trình hay xem báo, thấy kép Tư Bền đóng vai giễu là cũng nô nức đi xem. Lắm người đến chậm phải mang tiền về không, phàn nàn rằng rạp chật quá”. Những tối hát có sự xuất hiện của Tư Bền thì “các hý viện đều trưng lên là buổi hát đặc biệt”.

Ngay từ những dòng mở đầu thiên truyện, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để nhân vật chính xuất hiện một cách ấn tượng, không phải bằng miêu tả trực tiếp mà bằng tiếng tăm của vai kép, bằng cảnh chen lấn, nô nức của người xem khi anh xuất hiện trong các rạp hát. Cách mở đầu này vừa gợi ra một nét văn hóa của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ - khi hát bội, diễn kịch ở phương Tây vừa du nhập - vừa để nhà văn đề cao tài năng của người nghệ sĩ.

Sau hơn một tháng, vì cha ốm nên Tư Bền không diễn đâu cả. Nhưng rồi “cái số tiền để dành của một vai kép dần dần đi bài tẩu mã” để thuốc thang, chạy chữa cho cha, Tư Bền không còn cách nào khác là phải đi vay trước tiền từ các ông chủ rạp hát. Biết danh tiếng của Tư Bền có thể là món hời lớn, nên các ông chủ rạp kịch trường đã cho anh vay. Nhưng ngay sau đó, ông chủ lại đến nhà anh “nhắc đến món nợ” và dọa dẫm: “Cậu không trả tôi sẽ đem ra tòa đó”. Để không bị hỏng việc, ông chủ lại phải “ngọt ngào dỗ”: “Bấy lâu cậu nghỉ hát ở các rạp khách nhắc nhở luôn đấy!”. Mục đích của ông chủ rạp chỉ là muốn kéo Tư Bền đi diễn, muốn nhờ Tư Bền giúp cho vai chính trong vở mới do một văn sĩ đại danh soạn - một vở hài kịch theo lối tuồng cổ. Sau một hồi bàn bạc, thỏa thuận về việc chăm sóc cha và việc tập vở, Tư Bền đã nhận lời.

Đón sự trở lại của Tư Bền, nhà hát cho “ô tô quảng cáo chạy rong khắp phố để thả chương trình, và vải căng ở các ngã tư”. Bà con sính xem hát “nô nức rủ nhau đi xem buổi biểu diễn có Tư Bền sắm vai chính”. Tối hôm đó, “cửa rạp kịch trường đèn thắp sáng trưng”, chiếu rõ cái cảnh “người đứng lô nhô như luống hoa trăm hồng ngàn tía, ong bướm chờn vờn”;“Trên thềm, dưới bậc, giữa đường, nom nghìn thiếu niên nam nữ túm tụm lại”;“Tiếng nhạc hòa trong rạp du dương trầm bổng, chứa chan biết bao tình tứ, ái ân, như câu như kéo”… Nhà hát kịch cứ thế tha hồ mà “moi túi lấy tiền” người xem. Bằng những câu văn dài, nhiều nhịp, nhiều liên, nhiều so sánh, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã vẽ ra trước mắt người đọc biển người đang nô nức, đón đợi để được xem vai diễn của Tư Bền. Cảnh người đi xem hát giúp ta hình dung ra một nét văn hóa xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, đồng thời để khẳng định tài nghệ của người nghệ sĩ hát kép.

Những vai kép của Tư Bền ăn sâu vào trí nhớ của người xem, người ta “nhắc lại câu bông lơn của kép Tư Bền”, họ “bắt chước điệu bộ của kép Tư Bền” trong lúc “nóng ruột nóng lòng mong cho chóng đến giờ mở màn sân khấu”. Sức hút của vai diễn Tư Bền đang phản ánh một phần đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ: Hiện thực xã hội nhiễu nhương như những vai hề, rất đông quần chúng tìm đến vai diễn kép hiếm hoi để giải trí giữa lúc làn sóng văn hóa phương Tây đang ồ ạt du nhập. Đây cũng chính là hiện thực mà nhà văn Nguyễn Công Hoan nhắc đến trong nhiều sáng tác khác như: Xin chữ cụ nghè, Thế là mợ nó đi Tây

Những trớ trêu trong vai kép

Là một nghệ sĩ có tài, được nhiều người ái mộ nhưng đã hơn một tháng rồi Tư Bền không đi diễn là bởi “đã hơn một tháng nay, cha anh ốm”. Tư Bền “rầu gan nát ruột, chẳng thiết đến sự làm ăn”. Số tiền kiếm được của một vai kép để dành lâu nay Tư Bền đều đã mua thuốc thang chạy chữa cho cha. Khi không còn tiền nữa, Tư Bền lại đi vay trước các ông chủ rạp hát. Tình cảnh này đã đẩy Tư Bền vào một tình huống trớ trêu: Chấp nhận để người cha đang ốm, nằm ở nhà một mình để đi hò, hét, múa, nhảy, để cười ha hả, để pha trò, kiếm tiền, mua thuốc cho cha. Ông chủ rạp hát bằng mọi cách ngọt nhạt để Tư Bền sắm vai mới. Tư Bền vì số tiền phải trả cho ông chủ nên không còn cơ hội thoái thác. Kịch tính của câu chuyện bắt đầu được đẩy lên từ mâu thuẫn này.

Nếu nhận vai, Tư Bền sẽ phải học và tập diễn trong độ nửa tháng. Anh ta “lẩn vẩn nghĩ ngợi biết bao nhiêu điều: Trong nửa tháng, trong mười lăm hôm trời, mỗi ngày anh phải xa cách cha mấy tiếng đồng hồ để đi học diễn. Cha anh ốm. Trong khi anh vắng nhà, ai trông nom săn sóc thay anh?”. Ngay lúc đó, anh “đáp phắt: - Thôi, xin lỗi ông, tôi bận quá mà!”. Nhưng rồi câu chuyện giữa ông chủ rạp hát và người cha ốm đang nằm trên giường bệnh đã kèm theo lời hứa: “Cậu mà nhận lời thì món tiền ấy cậu để đến bao giờ cũng được. Còn tiền hoa hồng khi diễn tấn “Ông huyện ba phải” này, cậu cứ lấy cả để thuốc thang cho ông cụ”. “Cái sức làm cho anh kép Tư Bền có thể nghĩ đến sự bỏ cha ốm một mình là ở câu nói ấy”. Ông chủ còn cho Tư Bền ở nhà học vở, đến hôm diễn thử lần cuối mới phải đến rạp. Tư Bền đã đồng ý. Ông chủ muốn chắc ăn bèn “làm giấy giao kèo”.

Trên sân khấu của rạp kịch trường hôm đó, sau một hồi chuông vừa dứt, màn kéo lên, Tư Bền “lững thững bước ra, cúi đầu chào” trong tiếng vỗ tay “đôm đốp như pháo nổ” cùng tiếng reo hò của làn sóng người xem nô nức như hội. Tư Bền ăn mặc ngộ nghĩnh, “cái mồm bôi nhọ nhem”, đứng trên sân khấu làm điệu bộ “rặn ra mà cười ha hả”. Hết cảnh đầu, Tư Bền nghỉ một chốc, sau đó lại phải “ra trò”, “phải hét, phải dằn từng tiếng, phải ngâm từng câu, phải làm những điệu bộ, phải cười ha hả” như cảnh thứ nhất. Tư Bền vì tiền mà “phải” nhận vai, vì đã kí giao kèo rồi nên “phải” diễn, chứ trong lòng thì “không thể cười được”. Toàn bộ tâm trí anh đang để cả ở nhà, nơi cha anh đang ốm nặng, “phải” nằm một mình.

Bởi thế nên, trong mỗi cảnh diễn, Tư Bền đều thấy “sao mà lâu thế!”. Có lúc “cái vẻ lo âu của anh nó hiện ra trước mắt”, ngay trên sân khấu, chỉ có điều người xem hát không để ý nên không nhìn rõ. Khi “đang phệnh phạo trên sân khấu, khi người ta đương vỗ tay đôm đốp” thì Tư Bền nghe thấy có người ở trong phòng nói ra: “- Nguy hơn ban nãy. Đã cấm khẩu rồi!”. Vì ở thời điểm “nhiều cái vui trò”, vì “hàng mấy nghìn con mắt đương chăm chắm vào anh và im phăng phắc. Họ chỉ chờ anh há miệng để lại được lăn ra mà cười và vỗ tay”, nên Tư Bền lại buộc phải ở lại sân khấu.

Sau cảnh thứ hai, lúc “đang ngồi thừ trong buồng trò”, lại nhận được tin báo “hiện nay cha anh đã mê đặc, chân tay lạnh cả rồi”, Tư Bền “bỗng ứa hai hàng nước mắt, rồi khóc nức nở: - Cha ơi!”. Ông chủ sợ Tư Bền bỏ dở vở kịch đương vui thì nguy bèn “cố khuyên giải và cấm không ai được báo tin gì về cha của Tư Bền nữa”. Tư Bền “được đánh lại tí phấn cho thêm xuân sắc”, được “sửa lại bộ áo mũ cho có vẻ ngộ nghĩnh hơn”, được “dắt lại dải áo”, “chùi nước mắt”“đẩy ra sân khấu”. Tư Bền “phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy để mua gượng lấy những tràng vỗ tay”. Bi kịch đã xảy ra khi “cái cảnh thương tâm của anh Tư Bền đi đôi với cái bông lơn cứ diễn ra mãi, mỗi chốc lại càng thương tâm hơn lên”. Phía sau vai diễn, sau ánh đèn sân khấu là ruột gan “nhàu như dưa, xót như muối”.

Trớ trêu hơn với Tư Bền, khi cảnh cuối cùng của vở diễn lại không phải là cảnh kết thúc đêm diễn. Sau tiếng “vỗ tay đôm đốp thật dài, dài mãi” là tiếng kêu ầm “- Bis! Bis!”. Tư Bền lại “phải giấu bộ mặt rầu rầu”, để “vui vẻ mà diễn lại đoạn cuối lượt nữa”. Sau màn tặng hoa, bắt tay, véo mũi, khen của bao nhiêu người trên sân khấu, Tư Bền “lật đật chạy vào buồng trò cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi”, anh nhận được “tập giấy bạc của ông chủ để sẵn” và nhận luôn hung tin “- Mau mà về. Anh Tư! Hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá!”.

Câu chuyện về vai kép của Tư Bền đã khép lại sau màn nhung nhưng những trớ trêu của số phận nhân vật thì vẫn mãi làm người đọc xót xa. Trong truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã sử dụng biện pháp tương phản, đối lập, giữa bên trong và bên ngoài, giữa hành động và nội tâm để miêu tả một cách sâu sắc bi kịch của nhân vật. Chính trong mâu thuẫn ấy, tính cách nhân vật hiện lên một cách sống động, đa chiều. Trên sân khấu, Tư Bền là nghệ sĩ được yêu quý, biết gạt bỏ mối riêng tư vì khán giả. Sau sân khấu, Tư Bền là người con yêu thương cha hết mực. Tất cả những phẩm chất ấy sẽ không mâu thuẫn, không trở nên trớ trêu nếu cuộc sống của vai kép không túng thiếu, nghèo khổ. Đó cũng là trớ trêu của biết bao số phận người tài trong xã hội cũ trong trang văn của Nguyễn Công Hoan và của những nhà văn hiện thực phê phán cùng thời như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…


Trần Thị Thanh Nga
(Giáo viên Trường THPT Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh)



Bìa sách “Kép Tư Bền”. Ảnh: Nguồn IT




Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Có câu chuyện buồn hơn cả Song lang: Kép Tư Bền


Có câu chuyện buồn hơn cả Song lang: Kép Tư Bền

Quang Quấn Quýt

Bài viết có tiết lộ nội dung phim


Vừa rồi mình có xem Song lang của đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Cái kết cay đắng và bất ngờ của phim mang lại cho mình rất nhiều cảm xúc. Nó cứ lơ lửng, nó khiến mình thấy có chút bồi hồi, có đôi chút xúc động, có cái khí phách ngang tàn nhưng giàu lòng trắc ẩn của gã giang hồ, có cái chất ngây thơ của chàng thanh niên chưa yêu lần nào, mỗi thứ một chút. Nhưng để khiến mình thổn thức thì mình nghĩ câu chuyện của Kép Tư Bền làm tốt hơn.

Trót mang phận làm kép hát trong đoàn, mà còn là kép chánh nữa, thì một khi đã bước chân lên sân khấu, không thể nào quay trở lại buồng khi tấm màn nhung chưa được hạ xuống. “Nghệ sĩ là người của công chúng, người ta yêu mình bởi họ thấy mình cao quí hơn họ” (Bởi yêu thương – Nguyễn Ngọc Tư) nên dù là đột nhiên có linh cảm không tốt về một điều gì đó tồi tệ đang xảy ra với người bạn tri âm, tri kỷ của mình như anh kép Linh Phụng, hay đã biết trước một điều rất tệ đang xảy ra với ba mình như anh kép Tư Bền, thì họ – những người nghệ sĩ vẫn phải hết mình hóa thân vào nhân vật trên sân khấu.

Linh Phụng đến cuối phim mới có được cảm xúc vẹn đầy trong lời ca câu hát. Nhưng khi chạm được vào lời dạy của thầy mình thì cũng là lúc Linh Phụng mãi mãi mất đi một người bạn tri âm, tri kỷ (mình thích gọi tên mối quan hệ của Dũng Thiên Lôi và Linh Phụng như vậy hơn là mối tình đam mỹ).

Cái kết của phim thể hiện được cái nhân sinh quan rất đời đó là nỗi buồn, sự trớ trêu của số phận và những cuộc gặp gỡ tình cờ khiến người ta hạnh phúc đó và cũng buồn ngay sau đó. Kết thúc bộ phim như đọng lại giọt sầu thê lương của kiếp sống con người.

Kép Tư Bền thì lại khác. Anh hoàn toàn biết trước được bi kịch sắp xảy ra với ba mình, nhưng không thể nào làm gì khác để thay đổi bi kịch đó. Cuộc sống nghèo khó không cho phép anh được quyền vẹn tròn chữ hiếu, ngay cả lúc người ba già yếu đang hấp hối trước căn bệnh ngặt nghèo. Khác với Song lang, khán giả khóc cùng với nhân vật Trọng Thủy của Linh Phụng, khán giả trong Kép Tư Bền họ cười cợt, đùa giễu với nhân vật của anh. Phải cười và gây cười khi trong lòng đang đổ nát thì còn gì tàn nhẫn hơn nữa.

Cả Linh Phụng và anh Kép Tư Bền, hai con người thanh niên trót mang nợ với sân khấu, họ đã và đang làm rất tốt công việc của mình. Cái nghề này suy cho cùng thì bạc bẽo lắm, chứ không phải màu hồng như người ta thường nghĩ. Người may mắn thì con đường trả nợ Tổ nghiệp ít chông gai, người kém may mắn thì phải vật lộn với đời, với nghề nhiều hơn.

Quang Quấn Quýt





Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Kép Tư Bền - Sự thật phía sau ánh đèn sân khấu


SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Kép Tư Bền - Sự thật phía sau ánh đèn sân khấu

Dương Hạnh



Kép Tư Bền một tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc khó lòng diễn tả thông qua cuộc đời đầy bi thương của anh Tư Bền.

Đôi nét về Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại Hưng Yên và mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội. Ông được độc giả biết đến là một nhà văn, nhà báo và là thành viên Hội nhà văn Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang phải chịu sự thống trị của đế quốc thực dân. Nguyễn Công Hoan chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, cuộc sống khó khăn cùng với sự độc ác của những tên quan tham khiến cho cuộc sống của người dân đã nghèo khổ này càng khổ sở hơn.

Chủ đề chính trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất gần gũi với cuộc sống của người nông dân nghèo bị áp bực. Đằng sau mỗi tác phẩm của Nguyễn Công Hoan luôn hướng chúng ta đến khao khát về sự độc lập, tự do của mỗi người. Ông được nhiều độc giả biết đến vì lối viết chân thực.

Một số tác phẩm của Nguyễn Công Hoan: Kiếp hồng nhan, Bước đường cùng, Người ngựa ngựa người, Xin chữ cụ nghè, Thật là phúc, Thế là mợ nó đi tây,...
“Có thể nói Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam... Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng. Từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội. Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót. – Từ điển bách khoa Việt Nam”.

Cảm nhận về sách
Kép Tư Bền là truyện ngắn trong tuyển tập cùng tên của Nguyễn Công Hoan được hoàn thành vào tháng 7/1933, đây là một giai đoạn có nhiều biến động khác nhau trong cuộc sống và cả tư tưởng của dân ta. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và có sự du nhập của nền văn hóa phương Tây thế nên nghề hát bội, diễn kịch cũng được nahan dân biết đến rộng rãi hơn. Và đây cũng chính là nguồn cảm hứng của Nguyễn Công Hoan viết nên tác phẩm Kép Tư Bền.

Cuốn sách kể về anh Kép Tư Bền, nổi tiếng là một nghệ sĩ hát bội và anh cũng được biết đến với vai trò diễn viên hài chính vì thế số lượng khán giả biết đến anh rất đông, anh không chỉ hát hay mà còn có khả năng tự pha trò rất giỏi.

Thế nhưng đằng sau một anh chàng hát kép được rất nhiều khán giả yêu mến đó lại là một hoàn cảnh đáng thương, gia đình anh nghèo, cha lại bệnh tật thế nên gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của một chàng hát kép nghèo. Tư Bền phải chạy chữa khắp nơi cho cha, thuốc thang cũng tốn không ít tiền. Anh buộc phải ký hợp đồng biểu diễn với ông chủ rạp hát trong tình trạng thiếu nợ.

“Một hôm, ông chủ kịch rạp Kịch Trường đến nhà anh ta chơi. Sau một vài câu hỏi thăm chiếu lệ, ông ta nghiêm sắc mặt, nhắc đến món nợ:
- Sao? Cái số tiền đó, cậu đã có để trả tôi chưa?
- Thưa ngài, xin ngày hãy thư cho ít bữa, khi nào thư thả, tôi sẽ đi làm và nộp sau.
Ông chủ bĩu môi, nói:
- Thôi! Biết bao lần rồi! Cậu không trả, tôi sẽ đem ra tòa đó.”
Hoàn cảnh tội nghiệp của Tư Bền được khắc họa qua từng con chữ của Nguyễn Công Hoan. Người đọc thấy xót thương thay cho số phận của Tư Bền khi trên vai như đeo một gánh nặng không biết bao giờ mới trả hết nợ lại còn thêm một người cha đang ốm đau bệnh tật.

Đến ngày đi biểu diễn, khi cha đang trong cảnh ốm nặng anh Tư Bền chẳng thể nghỉ làm để ở nhà, trong lòng lo lắng không ngừng thế nhưng anh vẫn phải biểu diễn cho khán giả xem. Ngoài mặt anh vẫn thể hiện mình là một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, hoàn thành tốt phần biểu diễn của mình nhưng bên trong lại yếu đuối vô cùng.

Cách khai thác nội tâm nhân vật của Nguyễn Công Hoan đặc sắc ở chỗ ông luôn có những tiếng cười thâm sâu đả kích xã hội phong kiến xưa, ông không ngại viết những chủ đề nhạy cảm, ông biết có thể sau khi viết xong tác phẩm của mình nó sẽ đụng chạm nhiều người, đặc biệt là những tên quan lại tham nhũng, đẩy cuộc sống của người dân nghèo vào con đường cùng. Nhưng Nguyễn Công Hoan vẫn miệt mài viết, viết để lên tiếng cho những người dân nghèo phải chịu cảnh bất công.

Kép Tư Bền một chàng nghệ sĩ thực thụ, theo đuổi đam mê của mình một cách nghiêm túc. Người nghệ sĩ chỉn chu ở mọi mặt, dù mang trong mình nỗi đau khó để diễn tả nhưng Tư Bền chưa bao giờ khiến tác giả phải thất vọng về phần trình diễn của mình. Nhìn sâu vào cuộc đời của Kép Tư Bền nó giống như cuộc đời của mỗi con người vậy, chúng ta đi ra ngoài đều đeo mặt nạ, giả vờ là mình ổn, gồng hết sức mình để đi làm, để cười với người mình không thích. Thực tế thì những khó khăn, vất vả bạn phải chịu đựng không ai có thể biết được. Hay đại ý mỉa mai, châm biếm sâu sắc của tác giả dưới lớp mặt nạ của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Rất nhiều tên quan tỏ ra yêu thương dân, hết lòng vì dân nhưng phía sau đó lại tìm mọi cách để đẩy những người dân nghèo vào con đường tội nghiệp.

Văn chương là sự sáng tạo không ngừng của những nhà văn, nhà thơ. Mỗi người đều mang đến cho độc giả một góc nhìn mới mẻ, đem lại nhiều giá trị cuộc sống. Với Nguyễn Công Hoan cách ông đặt bút viết cũng vậy, với cách tạo nên hoàn cảnh và nội tâm nhân vật đối lập nhau. Đó là trong những giây phút vui vẻ kia khi Tư Bền làm trò để mua vui cho khán giả thì sâu trong tâm trí anh lại đang hỗn độn bởi những dòng suy nghĩ không ngừng về người bố đang nằm trên giường bệnh kia. Cái nghèo khiến cho con người ta phải đau đớn, phải kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần. Than ôi! Kiếp người thật đớn đau.

Trích đoạn trong sách
Thật vậy, ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của anh Tư Bền! Anh ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, mà tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh lại phải mặc trái áo lụng thụng thêu, đi đôi hia xanh, và đội cái mũ cánh chuồn ngược. Anh đóng vai này trông ra phết giàu sang sung sướng! Anh sung sướng nhỉ! Anh giàu sang nhỉ! Anh vui vẻ lên một tí chứ! Anh Tư Bền ơi! Chốc nữa anh còn phải làm cho chủ anh bằng lòng, các bạn trông anh mà gắng sức, các khán quan được một phen cười vỡ bụng, vỗ rát tay kia mà!


Lời kết
Nếu là một fan cứng của Nguyễn Công Hoan vậy thì đây là một cuốn sách mà bạn nhất định không được bỏ qua. Đọc Kép Tư Bền để thấy được cuộc sống của người nghệ sĩ nghèo làm nghề chân chính là như thế nào? Để thêm cảm thương với số phượng của Tư Bền.

Bigone.vn hy vọng bài viết trên sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm mới mẻ. Đọc Văn học Việt Nam để thấy được sự tài tình của các tác giả khi ở trong xã hội xưa có thể viết nên nhiều tác phẩm ý nghĩa và có giá trị cho đên ngày hôm nay. Các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan luôn nhận được cơn mưa lời khen từ độc giả!

Review bởi Dương Hạnh





Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Kép Tư Bền là ai


Kép Tư Bền là ai



Từ lâu, cụm từ "Kép Tư Bền" đã là một trong những cái tên được nhiều nghệ sĩ Việt sử dụng để chỉ cho cuộc đời làm nghề đầy bi thương của mình.

Nghệ sĩ mỗi khi bước lên sân khấu đều phải gạt bỏ mọi cảm xúc của bản thân để có thể thăng hoa cùng vai diễn của mình. Đó cũng chính là lý do mà dù cuộc đời họ có bi thương đến đâu, có đau khổ đến nhường nào thì cũng có rất ít người biểu lộ điều đó.

Và những người nghệ sĩ sẵn sàng nén đi nỗi đau thương của bản thân để toả sáng trên sân khấu đó đều được đặt chung với một cái tên, đó là "Kép Tư Bền".


Người nghệ sĩ phải quên đi nỗi mất cha để mang đến tiếng cười cho khán giả

Kép Tư Bền thực chất là một trong những nghệ sĩ hát bội đình đám nhất của sân khấu Việt Nam xưa. Theo như tác phẩm Kép Tư Bền của nhà vănNguyễn Công Hoan, người nghệ sĩ này được biết đến với khả năng diễn xuất thiên phú cùng lối pha trò duyên dáng, đi vào lòng người. Từ Bắc đến Nam, cứ hễ đi đến đâu là kép Tư Bền lại gây được tiếng vang lớn và được công chúng săn đón nhiệt tình.

Tài năng là vậy nhưng kép Tư Bền lại là một người nghệ sĩ mang tâm hồn tự do. Anh luôn khước từ những lời mời về làm kép chính của những ông chủ rạp kịch trưởng. Một tháng khi cha bệnh, anh đã nghỉ ở nhà để chăm nom cho ông. Tuy nhiên, vì không đủ tiền thuốc thang nên cuối cùng, kép Tư Bền đã phải nhận lời diễn một vai cho ông chủ rạp hát.

Vào khoảnh khắc khi cha đang trút hơi thở cuối, kép Tư Bền vẫn còn đang biểu diễn trên sân khấu. Dù đã biết trước bi kịch đó nhưng kép Tư Bền vẫn phải bỏ mặc mọi thứ để thăng hoa trong ánh đèn sân khấu. Và khi anh đang chìm trong những tiếng reo hò, những sự nồng nhiệt từ công chúng thì cũng là lúc cha anh trở nặng, gần như không thể chống chọi được nữa.

Kép Tư Bền đã diễn trong sự đau đớn tột cùng, nhưng anh vẫn hoàn thành vai diễn của mình để phục vụ công chúng. Vẫn là lối diễn xuất tài tình, lối pha trò hài hước, lối hoá thân trọn vẹn, thế nhưng, người nghệ sĩ đó lại mang một nỗi buồn vô tận.

Qua câu chuyện đầy cảm động và bi thương đó mà đến nay, "Kép Tư Bền" đã trở thành cụm từ chuyên để chỉ những người nghệ sĩ sống một cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật mặc cho những bi thương và nỗi khó khăn mà bản thân phải trải qua.


Những nghệ sĩ Việt từng lâm vào tình cảnh "Kép Tư Bền"

Mới đây, nghệ sĩ gạo cội Thành Lộc đã có những chia sẻ xúc động về những tháng ngày khó khănkhi bản thân phải mang khuôn mặt "tỉnh bơ" đi diễn dù hay tin mẹ mất.

Giải thích cho điều này, nghệ sĩ Thành Lộc cho biết mình làm vậy là vì không muốn ảnh hưởng đến tiến độ công việc, đến những anh em đã vất vả chuẩn bị vở kịch. Vì đó mà dù lòng đau như cắt nhưng nghệ sĩ Thành Lộc vẫn cố gắng giữ kín chuyện này với đồng nghiệp và tiếp tục vai diễn của mình như chưa hề có gì xảy ra.

Trước Thành Lộc cũng có nhiều nghệ sĩ Việt khác từng phải trải qua cảm giác của một "Kép Tư Bền", ví như diễn viên Hiếu Hiền, nghệ sĩ Minh Nhí, diễn viên Cao Thái Hà,... Những người nghệ sĩ này, người mất bố khi đóng phim, người mất mẹ ngay trên sân khấu, thế nhưng, họ vẫn luôn hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình để phục vụ cho khán giả và hoàn thiện tác phẩm của mình.

Nghệ sĩ Minh Nhí từng có những chia sẻ xúc động trên Tuổi Trẻ về quãng thời gian phải đi diễn dù vừa hay tin bố mất: "Đau, đau lắm, đau đến quắt queo và trống rỗng như vô hồn nhưng vẫn phải chọc cười thiên hạ, trong khi chỉ muốn về ngay để thấy mặt cha lần cuối".

Có thể thấy, cuộc đời của những nghệ sĩ đôi khi quá đỗi xót xa. Thế nhưng, trên sân khấu, họ vẫn là người nghệ sĩ, họ vẫn hết lòng vì công chúng, vì tác phẩm, và vì cả những anh em đồng nghiệp của mình.

Trong showbiz Việt cũng có rất nhiều nghệ sĩ phải mang kiếp truân chuyên như một "Kép Tư Bền". Đó là điều khiến nhiều công chúng ngưỡng mộ hơn ở người nghệ sĩ.

Những người trong gánh hát bội của Việt Nam thời xưa.
(Ảnh: Báo Thanh niên)
Ngay cả khi ba mất, kép Tư Bền vẫn hết lòng với vai diễn của mình.
(Ảnh minh hoạ: Báo Thanh niên)
Những người nghệ sĩ có một cuộc đời làm nghề truân chuyên thường được gọi là "Kép Tư Bền".
(Ảnh minh hoạ: Báo Công an nhân dân)
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc hoá thân trong một vai diễn. (Ảnh: Zing)
Hiếu Hiền cũng từng bật khóc trên sân khấu vì nhớ mẹ.
(Ảnh: Dân trí)




https://ohman.vn/kep-tu-ben-la-ai-vi-sao-nhieu-nghe-si-vi-minh-nhu-kep-tu-ben-57401.html

Hiện tượng "Kép Tư Bền" lay động khán giả truyền hình


Hiện tượng "Kép Tư Bền"
lay động khán giả truyền hình

CTV - Theo Thể Thao & Văn Hóa



Lần đầu tiên trong một cuộc thi hài, một thí sinh đã giành được điểm tuyệt đối vì khiến Ban Giám Khảo và cả khán giả ở trường quay đều khóc nức nở.

Trong đêm thi với chủ đề Văn học, nhiều yếu tố bất ngờ đã khiến cho khán giả và ban giảm khảo không khỏi thú vị.

Bảo Lâm và Thùy Trang đã quyết định chọn tác phẩm Kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan để xây dựng thành tiểu phẩm hài. Trong đó, Bảo Lâm vào vai anh kép Tư Bền, Thùy Trang vào vai cô đầu bếp bất đắc dĩ được thế vai cho đào chính Thúy Liễu.

Trong khi đó, Bảo Lâm lại tiếp tục có phần thi xuất sắc khi anh vừa hóa thân vào anh kép Tư Bền “chuẩn men”, vừa hóa thân thành “bà” Bành Ma Ma “quậy chẳng vừa đâu” trên sân khấu.

Vừa lấy tiếng cười của khán giả bằng những câu thoại duyên dáng, hài hước, vừa khiến Ban Giám Khảo và khán giả phải liên tục lau nước mắt khi đưa chi tiết kép Tư Bền cố gắng nuốt nước mắt vào lòng để tiếp tục buổi biểu diễn mua vui cho khán giả trong lúc mẹ anh đang hấp hối.

Xúc động nhất trong 4 Giám khảo đó chính là Kiều Oanh. Lần đầu tiên trong chương trình, nữ nghệ sĩ đã không kềm được xúc động. Nước mắt ướt đẫm, Kiều Oanh lặng người cho biết câu chuyện đau lòng của nhân vật kép Tư Bền cũng giống như cuộc đời của cô. Ngày mà Kiều Oanh được diễn hài cũng là ngày mẹ cô phải nhập viện và mất, lúc ấy cô chỉ mới 18 tuổi và cũng đang phải đứng trên sân khấu như nhân vật trong câu chuyện. Cho nên, khi xem tiểu phẩm của Bảo Lâm, nữ nghệ sĩ đã rất xúc động.

Giám khảo Trấn Thành thì cho rằng “Bảo Lâm chính là mối đe dọa rất lớn của nhiều diễn viên, lẫn diễn viên hài hiện nay”.

NSƯT Đức Hải: “Xem hài mà chỉ cười từ đầu đến cuối không thì không đã, phải có những phút lắng lại, có ấn tượng, có cảm xúc. Chính vì thế khán giả sẽ nhớ các bạn khi mà họ được chạm đến trái tim…”.


CTV - Theo Thể Thao & Văn Hóa




Tóm tắt & Review truyện ngắn Kép Tư Bền - Nguyễn Công Hoan


Tóm tắt & Review truyện ngắn Kép Tư Bền - Nguyễn Công Hoan

Mục lục

  1. Giới thiệu tác giả
  2. Giới thiệu tác phẩm
  3. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Kép Tư Bền
  4. Cảm nhận và đánh giá truyện ngắn Kép Tư Bền

1. Giới thiệu tác giả

Sống và trưởng thành trong giai đoạn chiến đấu chống thực dân, đế quốc của toàn dân tộc, Nguyễn Công Hoan và các tác phẩm của mình luôn song hành với những người dân Việt Nam thời bấy giờ.

Có thể nói chất liệu sáng tác của Nguyễn Công Hoan chính là cuộc sống của người nông dân dưới trăm bề áp bức một cách chân thực, rõ nét. Cùng với đó là khao khát tự do, độc lập, hòa bình trong tâm tư của mỗi người. Nguyễn Công Hoan là tác giả đi đầu và tiêu biểu nhất của văn học hiện thực phê phán. Văn học của ông là hiện thực. Đề tài của ông là những người nghèo khổ, khốn cùng ở đáy của xã hội chịu áp bức bởi lớp quan lại phong kiến, cường hào, thực dân, đế quốc…


2. Giới thiệu tác phẩm

Kép Tư Bền” là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tuyển tập cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, hoàn thành vào tháng 07/1933, đó là giai đoạn nước ta chịu ách đô hộ của thực dân Pháp nên đã có sự du nhập của nền văn hoá phương Tây và nổi bật nhất trong số đó có nghề hát bội, diễn kịch đã trở nên phát triển nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của con người.

Lấy chất liệu từ bối cảnh đó, Nguyễn Công Hoan đã sáng tác Kép Tư Bền để truyền tải tư tưởng của mình về nghệ thuật và tác phẩm đã rất thành công với những khung cảnh vô cùng chân thực.


3. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Kép Tư Bền

Nhân vật chính trong truyện lấy cảm hứng từ Phạm Quỳnh, ông là một nghệ sĩ có cuộc đời vô cùng bi thương.

“Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh… Một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền…” – Trích Đời viết văn của tôi

Cuốn sách xoay quanh kép Tư Bền, đó là một nghệ sĩ hát bội kiêm diễn viên hài nổi tiếng của sân khấu nước ta ngày trước, vì anh có khả năng khôi hài thiên phú nên được đông đảo khán giả yêu thích, mong chờ.

“Các ngài thích xem hát bội, hẳn chẳng ai là không biết tên kép Tư Bền. Ấy anh ta chỉ nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp.”

Mặc dù nổi tiếng, được đông đảo khán giả yêu mến nhưng Tư Bền vẫn chỉ là một kép hát nghèo với người cha đang ngày càng già yếu. Trước tình cảnh đó, kép Tư Bền phải chạy chữa thuốc thang ở khắp nơi và khi mà số tiền anh tích góp ngày càng ít đi thì kép Tư Bền đành phải vay trước các ông chủ rạp hát để chữa bệnh cho cha. Anh đã phải ký hợp đồng biểu diễn cho một ông chủ rạp trong tình thế thiếu nợ, hết tiền, cha bệnh nặng mà cha lại không muốn con làm phật lòng chủ nợ.

Đến ngày biểu diễn, dù cha ốm nặng sắp chết, lòng nóng như kiến bò chảo lửa, Tư Bền vẫn phải bôi nhọ lên mồm bôi phấn hồng lên mặt rồi đứng trước bao người ra sức pha trò, để cho đám khán giả kia được cười hả hê, cười thỏa thích.

“Khi không còn phải đau đớn mà hoan nghênh những cái hoan nghênh của công chúng, anh Tư Bền mới lật đật chạy vào buồng trò, cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi.

Lúc ấy, trong khi anh đương rối beng, nghĩ đến cha anh không biết bây giờ đã lạnh đến đâu, thì một người bạn hát chạy đến, vội vã đưa tập giấy bạc của ông chủ để sẵn cho anh, và nói :

– Mau mà về, anh Tư, hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá!”

Cốt truyện của tác phẩm tuy ngắn gọn nhưng lại có nhiều chiều sâu, Nguyễn Công Hoan dùng biến cố cha ốm nặng, để bắt đầu lát cắt đời sống kép hát của Tư Bền, vì là truyện ngắn nên tuyến tình tiết hết sức đơn giản. Song nhà văn vẫn khéo léo dẫn dắt tình tiết rồi đẩy lên cao trào. Là khi kẻ ra sức pha trò trên sân khấu đó có một người cha đang lạnh dần từng phần cơ thể. Là khi người con hiếu thảo chẳng thể bên cha những phút cuối đời mà trong lúc đó lại phải cười và mang lại tiếng cười tiêu khiển cho bao người khác. Vì phải kiếm tiền mà kẻ nghèo không được tự do trong cả việc khóc cười, trong lúc muốn khóc lại phải cười. Chỉ bởi vì, cái cười của anh ta đã được trả tiền rồi.

Tưởng chừng những phương thức giải trí như hài kịch khi du nhập vào xã hội sẽ giúp cho bộ mặt đời sống thay đổi nhưng phía sau việc đổi mới ấy lại là bi kịch của những kiếp người bị cái nghèo đeo bám, không ai cảm thông, giúp đỡ và họ luôn đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu.


4. Cảm nhận và đánh giá truyện ngắn Kép Tư Bền

Vẫn là kết cấu tương phản đậm chất Nguyễn Công Hoan, trong bối cảnh vui tươi rộn rã ngồn ngộn người khắc họa nên nỗi bất lực đớn đau cô độc của kẻ vẽ nhọ bôi hề mang lại tiếng cười trên sân khấu kia. Chỉ vài nét chấm phá, nhà văn đã vẽ một bức tranh sống động bởi sự đụng chạm khốn khổ giữa cái giàu và cái nghèo trong một xã hội mà đồng tiền được đặt lên đầu quả tim.




Tơ vương (Trích)


Tơ vương (Trích)

Nguyễn Công Hoan


NXB Thanh niên 2002
Tơ vương là truyện viết theo thể nhật ký.

Đăng Báo Nhật Tân 1934;
Phổ thông bán nguyệt san số 18, 1-5-1938

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 Kênh 3 Video
Kênh Truyện Xưa - Diễn đọc: Cô Vân
[...]
62
21 Septembre, 12 giờ đêm (Tr.20/184)
- 6 Mars (Tr.81/184)...
63


64

65

66

67

68