Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN VIẾT SÁCH.


THÁI ĐOÀNH

Nhà Văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là một cây bút sáng tác dồi dào. Chính ông cũng không nhớ mình đã viết bao nhiêu cuốn sách và viết những cái gì.

Sau này có nhà sưu tầm công phu công bố: Ông để lại trên 200 truyện ngắn, 33 truyện dài, chưa kể hàng ngàn bài báo và ghi chép khác.

Nhưng có điều ít ai biết đó là trước Cách mạng Tháng 8/1945, ông làm nghề dạy học. Ông đã kể lại trong cuốn “Đời viết văn của tôi”:

Khi viết truyện Tấm lòng vàng cho tạp chí Cậu Ấm, ông đồng thời viết Lá ngọc cành vàng cho Tiểu thuyết thứ Bảy và truyện ngắn cho báo Nhật Tân. Vì còn bận dạy học nên mỗi tuần ông chỉ ngồi bàn viết ba tối.

Ông cho biết những chuyện đăng trên các báo hàng tuần, ông phải viết từng hồi cho kịp báo ra. Có khi quên cả tên nhân vật, nhiều khi phải bỏ trống nhờ tòa soạn điền hộ khi đưa vào nhà in.

Viết truyện dài Bước đường cùng ông cho hay: “Cuốn ấy tôi viết ngày, viết đêm; viết cho chóng xong để còn đi chơi nhiều nơi, trước khi phải ra “an trí” tại Trà Cổ. Vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa; tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm, từ 1 đến 16/7/1938.

Cuốn ấy ông viết ở Nam Định, vì ngồi nhờ cái bàn quá cao so với tầm tay và phải dùng quá nhiều gân sức nên bị sái bả vai bên phải đến ba năm. Sau này do tuổi cao, khi trái gió trở trời bệnh đau ấy trở lại thành tật.

Sau hòa bình 1954, về Hà Nội ông viết cuốn tiểu thuyết “Tranh tối tranh sáng” dày hơn 300 trang in cũng hoàn thành sau 29 ngày lao động cật lực.

Nguyễn Công Hoan nói thêm: Về số lượng sách, nếu tôi có thua thì chỉ thua Lê Văn Trương mà thôi. Nhưng tác phẩm của Lê Văn Trương khó biết cuốn nào là chính hiệu, cuốn nào là giả hiệu; vì ông ta có “nuôi bao” một số đàn em viết hộ.

T.Đ