Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Có câu chuyện buồn hơn cả Song lang: Kép Tư Bền


Có câu chuyện buồn hơn cả Song lang: Kép Tư Bền

Quang Quấn Quýt

Bài viết có tiết lộ nội dung phim


Vừa rồi mình có xem Song lang của đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Cái kết cay đắng và bất ngờ của phim mang lại cho mình rất nhiều cảm xúc. Nó cứ lơ lửng, nó khiến mình thấy có chút bồi hồi, có đôi chút xúc động, có cái khí phách ngang tàn nhưng giàu lòng trắc ẩn của gã giang hồ, có cái chất ngây thơ của chàng thanh niên chưa yêu lần nào, mỗi thứ một chút. Nhưng để khiến mình thổn thức thì mình nghĩ câu chuyện của Kép Tư Bền làm tốt hơn.

Trót mang phận làm kép hát trong đoàn, mà còn là kép chánh nữa, thì một khi đã bước chân lên sân khấu, không thể nào quay trở lại buồng khi tấm màn nhung chưa được hạ xuống. “Nghệ sĩ là người của công chúng, người ta yêu mình bởi họ thấy mình cao quí hơn họ” (Bởi yêu thương – Nguyễn Ngọc Tư) nên dù là đột nhiên có linh cảm không tốt về một điều gì đó tồi tệ đang xảy ra với người bạn tri âm, tri kỷ của mình như anh kép Linh Phụng, hay đã biết trước một điều rất tệ đang xảy ra với ba mình như anh kép Tư Bền, thì họ – những người nghệ sĩ vẫn phải hết mình hóa thân vào nhân vật trên sân khấu.

Linh Phụng đến cuối phim mới có được cảm xúc vẹn đầy trong lời ca câu hát. Nhưng khi chạm được vào lời dạy của thầy mình thì cũng là lúc Linh Phụng mãi mãi mất đi một người bạn tri âm, tri kỷ (mình thích gọi tên mối quan hệ của Dũng Thiên Lôi và Linh Phụng như vậy hơn là mối tình đam mỹ).

Cái kết của phim thể hiện được cái nhân sinh quan rất đời đó là nỗi buồn, sự trớ trêu của số phận và những cuộc gặp gỡ tình cờ khiến người ta hạnh phúc đó và cũng buồn ngay sau đó. Kết thúc bộ phim như đọng lại giọt sầu thê lương của kiếp sống con người.

Kép Tư Bền thì lại khác. Anh hoàn toàn biết trước được bi kịch sắp xảy ra với ba mình, nhưng không thể nào làm gì khác để thay đổi bi kịch đó. Cuộc sống nghèo khó không cho phép anh được quyền vẹn tròn chữ hiếu, ngay cả lúc người ba già yếu đang hấp hối trước căn bệnh ngặt nghèo. Khác với Song lang, khán giả khóc cùng với nhân vật Trọng Thủy của Linh Phụng, khán giả trong Kép Tư Bền họ cười cợt, đùa giễu với nhân vật của anh. Phải cười và gây cười khi trong lòng đang đổ nát thì còn gì tàn nhẫn hơn nữa.

Cả Linh Phụng và anh Kép Tư Bền, hai con người thanh niên trót mang nợ với sân khấu, họ đã và đang làm rất tốt công việc của mình. Cái nghề này suy cho cùng thì bạc bẽo lắm, chứ không phải màu hồng như người ta thường nghĩ. Người may mắn thì con đường trả nợ Tổ nghiệp ít chông gai, người kém may mắn thì phải vật lộn với đời, với nghề nhiều hơn.

Quang Quấn Quýt