Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Trích từ bài giảng "Ngôn ngữ sự kiện" của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên


Ngôn ngữ sự kiện

Nguyễn Tri Niên

[...]
Vậy nhà báo phải tìm ra mặt vận động của riêng mình, để khẳng định mình ... mỗi mặt vận động, mỗi nhát cắt của sự vận động đấy chính là cách nhìn của mỗi một nhà báo...
Để mình có một tiếng nói của chính mình, cái đấy người ta gọi là Phong cách nghề nghiệp, một giọng điệu riêng, một nhát cắt riêng. Không ai có thể có nhát cắt giống mình được...

Chính vì thế, nhát cắt nó định hình cho một phong cách mà cái này không phải một sớm một chiều có ngay, mà phải trong cả cuộc đời mình. Mình phải tìm ra một nhát cắt, một phong cách riêng, một giọng điệu riêng.

Ta có thể thấy trong văn học rất rõ: Nguyễn Công Hoan, ông ấy mà viết truyện nghiêm chỉnh thì có mà giời đọc được, vì cả đời ông ý có nghiêm chỉnh đâu! Nguyễn Công Hoan, cuộc đời nghiêm túc đến mấy trong đôi mắt của ông cũng có nhát cắt khôi hài ngay, trở thành khôi hài ngay lập tức! Cho nên, suốt đời khi tôi theo cụ, tôi chỉ thấy trong các cuộc họp cụ chỉ thưa các đồng chí nghiêm chỉnh được năm phút thôi đến phút thứ sáu là hết rồi đấy! Là tất cả chúng mày đều là hài hước hết, đều trò cười hết cả!

Thí dụ khi cụ đi Ba Lan, Hội nhà văn mời sang năm 1961. Sang bên đấy cụ chỉ biết tiếng Pháp thôi, tiếng Ba Lan cụ không biết, cho nên Hội nhà văn Ba Lan cử một bà văn sĩ biết tiếng Pháp đi dịch cho cụ. Cái này là của cụ thôi, nghiêm chỉnh đến mấy cũng thành hài hước. Đến khi cụ về báo cáo trước Hội cũng thưa các đồng chí được năm phút: Tôi vinh dự được Hội nhà văn Ba Lan mời sang, họ tiếp đón nhiệt tình vân vân và vân vân, rồi cử một bà văn sĩ biết tiếng Pháp đi phiên dịch cho tôi. Và từ phút này trở đi là cụ rất hài hước, mà mặt rất nghiêm chỉnh có đùa dỡn ai đâu. Tức là bà văn sĩ này thích “giống đực”. Mọi người chưa hiểu thế nào, ông bảo có gì đâu, bà này nói tiếng Pháp cái gì cũng quy vào giống đực hết.

Trong con mắt của Nguyễn Công Hoan thì tự nhiên nhát cắt đó trở thành một người ham thích “giống đực” mà người ấy lại là phái yếu, thế mới cười được chứ! Còn nghiêm chỉnh thì cái bà này tiếng Pháp yếu lắm, bà không phân biệt được giống, thế chứ có gì đâu! thế nhưng người khác nói thì có gì hay đâu nào, cụ Nguyễn của ta nói thì bà thích “giống đực”.


Và một hôm, bà mời tôi đến xem nhà, tôi lạnh cả người, tôi vừa đến nơi, bà bước ra nói một câu tiếng Pháp…có nghĩa là cởi hết ra, lột trần chuồng ra! tôi giật mình, mời người ta đến lại bắt người ta cởi chuồng hết… tôi chưa hoàn hồn thì bà lại nói tiếp “vào buồng ngủ của tôi đi”, và tôi cũng chưa hiểu thế nào bà nói tiếp câu thứ ba “chồng tôi đi vắng”! rồi thế còn chuyện gì xẩy ra trên đời nữa, thì hóa ra là câu chuyện của một người rất kém tiếng Pháp có thế thôi. Mặt cụ thì nghiêm túc lắm! dưới này biết ngay là Nguyễn Công Hoan rồi, không có ai có cặp mắt thần kiểu ấy của Nguyễn Công Hoan và chỉ Nguyễn Công Hoan mới lia nhát cắt ấy rất hay mà rất là Nguyễn Công Hoan... cụ liên kết ba mẩu chuyện ấy: cởi quần ra, vào buồng ngủ, chồng đi vắng rồi. Thế mọi người phải cười chứ còn gì nữa. Đấy là cái lia, cái nhát cắt cực kỳ của Nguyễn Công Hoan. Không ai có cặp mắt thần ấy, cho nên để làm điều ấy thì suốt cả một cuộc đời cứ gặp cụ thì mình phải cười trước vì trông cụ đã buồn cười rồi, vì chẳng có cái gì cụ nghiêm túc được!

Có lần cụ viết truyện cô giáo Minh rồi đưa bản thảo cho vợ đọc, vợ đọc xong thấy truyện thắm thiết, thương cô giáo Minh quá khóc, cụ ngồi bên thấy vậy thì bảo: ôi trời người ta bịa chứ có gì mà phải khóc! Cái gì cụ cũng có thể cười hóa hết được. Cụ nói tiếp, khi về đến Bắc Kinh thì tôi buồn nẫu hết cả ruột! Thôi hết rồi, thế giới không còn đàn bà nữa thì sống với ai! Ý của người khác sẽ nói như thế này Bắc Kinh lạnh lắm cho nên tất cả đều phải mặc quần bông, áo bông, mũ bông chỉ còn có hở hai đôi mắt thôi.

Và như thế là một quận bông lăn tròn trên đường phố chẳng thể phân biệt nam nữ, mặc quần áo bông còn phân biệt nam nữ thế nào được nữa! Và những năm tôi ở Trung Quốc cũng thế thôi, bác Mao cho quần bông, áo bông, mũ bông chỉ còn hở hai con mắt…. nên cụ bảo tôi buồn lắm thế giới không còn còn phụ nữ thì còn sống làm gì nữa... và chỉ có Nguyễn Công Hoan mới lia nhát cắt như vậy thôi!

Cho nên, làm báo cũng như nhà văn ở chỗ phải luyện nhát cắt. Ở chỗ này, tức là giọng điệu riêng của mình...




ĐỐNG RÁC CŨ ĐÃ ĐƯỢC TÁI BẢN NHƯ THẾ


ĐỐNG RÁC CŨ ĐÃ ĐƯỢC TÁI BẢN NHƯ THẾ

PHẠM THẾ CƯỜNG


Năm 1963, sau một thời gian thai nghén, Đống rác cũ tập 1 được Nhà xuất bản Văn Học in và phát hành, độc giả miền Bắc hoan nghênh và đánh giá cao, ngay giới phê bình cũng có nhiều người khen. Vì vậy tập 2 đã được lên khuôn và in dập thử đến chương áp chót. Bỗng nhiên có lệnh đình chỉ xuất bản và thu hồi tập 1 đã in mà không có lí do chính thức nào được đưa ra.

Trước đó với niềm hồ hởi, lạc quan khi miền Bắc được giải phóng, Nguyễn Công Hoan về làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, nhà văn làm việc hăng say, phấn khởi hầu như năm nào cũng viết và xuất bản 1 tập truyện dài và hàng chục truyện ngắn.

Năm 1954 xuất bản tập truyện ngắn Nông dân và địa chủ và tiểu thuyết Tôi quyết sống. Năm 1956 với tập bản thảo tưởng bị thất lạc từ năm 1946 nhà văn Tô Hoài tìm được đưa lại, nhà văn đã hoàn thiện và cho in tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng. Năm 1957 viết xong sơ thảo Đời viết văn của tôi. Rồi năm 1961 với Hỗn canh hỗn cư; năm 1962 tập bút kí Thăm nhà người anh em chiến đấu dũng cảm.

Do vậy khi Đống rác cũ bị cấm, Nguyễn Công Hoan rất buồn, nhà văn chán nản và sinh bệnh.

Thấy tình cảnh của cha như vậy, bà Nguyễn Tài Hồng con gái nhà văn với bút danh Lê Minh cũng đã bị vướng vào vụ Nhân văn giai phẩm với tác phẩm Nhật kí một người mẹ nên rất hiểu hoàn cảnh của cha, bà đã luôn ở bên an ủi chăm sóc sức khoẻ cho cha, một mặt bà thu giữ cất giấu và bảo quản bản thảo Đống rác cũ để chờ điều kiện thuận lợi sẽ in tiếp.

Năm 1986 dưới ánh sáng nghị quyết đại hội 6, luồng không khí đổi mới đã thổi vào giới văn nghệ. Bắt đầu từ đây một số tác phẩm văn học bị cấm nay dần dần được in lại. Bà Lê Minh mang bản thảo Đống rác cũ đưa cho ông Trần Trọng Tân, lúc đó là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá trung ương Đảng đọc và xin ý kiến.

Ông Trần Trọng Tân đọc xong, đưa lại cho bà, bà Lê Minh hỏi:
- Anh thấy thế nào?

Ông Tân trả lời.
- Tác phẩm tốt quá, nó lên án mạnh mẽ giới quan lại phong kiến lại vừa bi vừa hài.

Bà Lê Minh mỉm cười nói.
- Vậy mà bị cấm đấy.
- Sao lại cấm, ông Tân hỏi lại.


Bà Lê Minh hóm hỉnh và trả lời cũng rất thật đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Đến bố tôi cũng chẳng biết.

Đúng thế thật Đống rác cũ bị cấm mà Nguyễn Công Hoan cùng giới văn học và độc giả không hề biết tại sao.

Rồi bà nói với ông Tân.
- Tôi sẽ cho in lại tác phẩm và cam đoan có gì tôi chịu trách nhiệm mà không để ảnh hưởng tới ông.

Được sự khuyến khích của ông Trần Trọng Tân, bà Lê Minh mang bản thảo trở lại Nhà xuất bản Văn học, nơi đã in lần đầu (năm 1963). Nhưng rất tiếc nhà xuất bản đã thẳng thừng từ chối.

Không nản, bà mang bản thảo tới Nhà xuất bản Thanh niên, tại đây sau khi đọc kĩ bản thảo Ban giám đốc nhà xuất bản quyết định cho in.
Ông Hoàng Phong, chịu trách nhiệm xuất bản nói với bà Lê Minh.

- Chúng tôi sẽ cho in cùng một lúc 4 phần ở 4 nơi khác nhau và phát hành cùng một thời điểm, nếu có gì thì cũng đã ra mắt được trọn bộ.

Nhờ sự quyết tâm và dũng cảm của Nhà xuất bản Thanh niên, tháng 5/1989 trọn bộ tiểu thuyết Đống rác cũ gồm 4 cuốn lần đầu tiên ra mắt bạn đọc cả nước.

Nhà xuất bản Thanh niên đã trân trọng đóng cả 4 cuốn thành 1 tập bìa cứng in chữ vàng tặng gia đình nhà văn để đặt lên bàn thờ Nguyễn Công Hoan.

Tác phẩm Đống rác cũ ra mắt được ít lâu, nhà thơ Xuân Diệu một lần đi qua nhà bà Lê Minh, ông đứng ngoài cổng gọi bà ra và vẫn ngồi trên xe đạp, nói.

- Tôi nói cho bà nghe, Nguyễn Công Hoan thật hạnh phúc có người con gái như bà và bà cũng thật hạnh phúc có người cha là Nguyễn Công Hoan.

Nói xong ông đạp xe đi ngay, còn bà thì vui và thật hạnh phúc khi đã làm tròn chữ hiếu với người cha thân thương đã khuất của mình.

Đến nay Đống rác cũ vẫn được bạn đọc cả nước tìm đọc và đã được tái bản đến lần thứ 6.


(Theo lời kể của nhà văn Lê Minh)


Tác giả bài viết: PHẠM THẾ CƯỜNG
Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng


Thụy Khuê phỏng vấn Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (phần thứ sáu)


Rating:★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Thụy Khuê

Thụy Khuê phỏng vấn Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (phần thứ sáu)

...

Thụy Khuê: Trường hợp Nguyễn Công Hoan hơi khác. Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm anh Nguyễn Công Hoan cũng có một thái độ không được hay lắm. Nhưng ở ngoài cuộc sống thì Nguyễn Công Hoan là người thế nào?

Lê Đạt: Anh Nguyễn Công Hoan mà chơi với anh ấy thì rất dễ chịu. Anh ấy tính vui vẻ mà chúng tôi vẫn gọi là bon papa. Nhưng anh Hoan là người rất đơn giản. Anh đã từng khuyên các nhà văn trẻ là: "Moa viết văn hay như thế moa có cần đọc gì đâu!" (cười). Cho nên đối với anh Hoan, mình cũng kính trọng như là một bon papa ấy thôi, chứ anh Hoan thì không có suy tư gì sâu xa về văn học cả. Tôi đã nghe anh ấy nói:"Moa có đọc gì đâu!" Anh Hoan là một người sống đơn giản lắm, rất đơn giản. Mà tôi cũng không hiểu tại sao anh ấy viết được những truyện như thế. Theo tôi thì ngoài một số nói năng của anh ấy trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm nó không được lịch sự lắm, thì đó cũng là một người mà tôi kính trọng. Tại vì đến khi anh ấy nhận thức ra, thì anh ấy cũng dám nói chứ không phải anh ấy không dám nói, chứ anh cũng không phải là người mũ ni che tai đâu. Thường thường Nguyễn Công Hoan gặp tôi thì bao giờ cũng tỏ thái độ thông cảm hơn là người khác.
...



Bút tích của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Bút tích của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Lê Toán
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6-3-1903, tại tỉnh Hưng Yên, mất ngày 6-6-1977 tại Hà Nội. Ông đã để lại cho đất nước một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tắt lửa lòng (tiểu thuyết), Kép Tư Bền (tập truyện ngắn), Bước đường cùng (truyện ngắn)... Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan từng dạy học ở nhiều tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Lào Cai. Trong đó, ông đã từng dạy học tại Trường Tiểu học Trà Cổ (Móng Cái) cuối những năm 30 của thế kỷ trước.
Mấy năm trước, khi còn là Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tôi đã từng có dịp đến Trường Tiểu học Trà Cổ. Ngôi trường nơi nhà văn từng dạy học nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Trà Cổ đến nay được xây dựng 2 tầng khang trang. Tôi đã gặp một trong các học sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đó là cụ Đoàn Trấn, đến nay hơn 90 tuổi. Cụ Trấn đã lưu giữ được một số kỷ vật của nhà văn. Mối quan hệ giữa gia đình cậu học trò Đoàn Trấn với thầy giáo - nhà văn Nguyễn Công Hoan khi ông dạy học ở Trà Cổ là thân tình. Cụ Trấn cho biết, con gái út của nhà văn là bà Nguyễn Tài Hồng đã từng ở nhà cụ. Trong số các kỷ vật của cụ Đoàn Trấn, tôi chú ý đến bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi cậu học trò Đoàn Trấn. Bức thư được viết ngày 17-3-1974. Nội dung như sau:

“Hà Nội ngày 17-3-1974.

Thân gửi anh Đoàn Trấn.

Hôm 14 vừa rồi, tôi ra Bãi Cháy, có gặp một anh nhà thơ trẻ (tôi quên tên), anh ta nhắc tôi là ở Trà Cổ, anh em mong tôi ra chơi, vào dịp hè năm nay.

Việc tôi định ra, tôi đã viết thư cho anh từ lâu rồi. Vậy thì hè này, thế nào tôi cũng ra. Cả nhà tôi với em Hồng, cùng vài cháu nội, cháu ngoại nữa. Anh còn nhớ Hồng không? Nay Hồng đã có 4 con, con lớn là kỹ sư, còn ba con nhỏ học ở đại học cả rồi. Chồng là Thứ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim. Nay Hồng cũng viết văn, lấy tên là Lê Minh.

Tôi có ra Trà Cổ thì cả gia đình cùng



ra, ước độ mươi người, đi bằng xe ô tô riêng. Và đến độ tháng 8 mới ra. Vậy tôi xin anh cho tôi biết vài điều như sau: Anh sẽ tổ chức cho gia đình tôi ở đâu? Chắc là sẽ ở nhà của Công đoàn. Vậy phải thuê buồng thế nào? Mỗi buồng bao nhiêu tiền trong thời gian bao nhiêu ngày. Còn ăn thì bao nhiêu tiền một ngày.

Vì tôi chưa ra nghỉ ở Trà Cổ bao giờ, nên chưa biết thể lệ thế nào. Tôi cần biết, để chuẩn bị về vật chất. Vậy tôi xin anh cho tôi biết, và nếu có thể, thì anh cho biết ngoài nhà của Công đoàn, còn có những nhà nào có thể ở được.

Cũng còn từ nay đến tháng 7, vì tháng 8, gia đình tôi mới ra, vậy xin anh cứ thong thả trả lời cũng được. Nhận được thư anh, tôi sẽ định ngày rồi sẽ báo trước cho anh ngày tôi ra và số người trong gia đình, để anh có thời gian sắp xếp. Chúc anh và gia đình bình yên. ”.
Hoan


Đọc bức thư có thể thấy những chi tiết khá thú vị, đó là nhà văn Nguyễn Công Hoan với tư cách Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, có con rể là Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, hơn nữa ông Đoàn Trấn vốn là học trò cũ nhưng tác giả của Kép Tư Bền vẫn hỏi tỉ mỉ giá thuê nhà nghỉ, tiền ăn hàng ngày, và “cần biết để chuẩn bị”. Đặc biệt, qua thư có thể thấy tình cảm của nhà văn với cá nhân cậu học trò cũ Đoàn Trấn cũng như vùng đất và con người Trà Cổ rất sâu đậm, ân tình. Những năm 70 của thế kỷ trước, để đi từ Hà Nội ra Móng Cái, Trà Cổ hẳn cũng không dễ như bây giờ. 43 năm đã trôi qua, tới nay lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn được gia đình cụ Đoàn Trấn giữ như kỷ vật.
Nhà văn Lê Toán




Mời xem thêm:
Về những lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan - Trần Minh, Báo Quảng Ninh.


Được đi học nhờ truyện ngắn “Kép Tư Bền”



Được đi học nhờ truyện ngắn “Kép Tư Bền”

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

 

ANTĐ - Trong trí nhớ của tôi nhà văn Nguyễn Công Hoan dáng người cao to, cặp môi dầy, đôi mắt trầm ấm và có nụ cười vô cùng hóm. Bác chính là người đã dắt tôi đến trường đi thi vào lớp học đầu tiên trong đời mình.

Từ một bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Những bức thư "gửi người mai sau"

Kỳ 1: Từ một bức thư
của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Thanh Thảo

(Baoquangngai.vn)- Tôi đang có trong tay văn bản 60 bức thư của một liệt sĩ quê Hà Nội. Đích đến của toàn bộ 60 bức thư này là cha mẹ, là cả gia đình người lính ấy. Tên anh là Phạm Ngọc Hùng. Anh hy sinh năm 1971 ở chiến trường Kon-Tum khi vừa tròn 20 tuổi.

60 bức thư viết trong 2 năm 2 tháng quân ngũ, cũng là 2 năm cuối đời của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. May mắn là gia đình đã giữ lại được cả 60 bức thư, và người em gái của liệt sĩ Hùng đã đánh máy lại như một kỷ vật vô giá của cả gia đình.

Tôi rất ngạc nhiên, khi mở đầu quyển sách mỏng in 60 bức thư này là một bức thư khác, bức thư của nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan:

“Kính gửi ông Xứng,

Tôi đến phòng tìm ông, thấy nói ông nghỉ ở nhà. Tôi về nhà, ông lại đi vắng. Thật tiếc.

Hôm nọ, ông cho biết về việc cháu Hùng. Nhiều thư của cháu, ông cho nghe, tôi rất cảm động. Và khi ông cho tôi biết tiểu sử của cháu, tôi càng quý cháu. Vì vậy tôi mới nói với ông là nên chọn chữ của cháu mà đề tên cuốn sách. Nhưng nay tôi còn ý kiến nữa, định đề nghị với ông, là ông nên viết kỹ tiểu sử của cháu, những đức tính của cháu, nhất là những đức tính ấy đã có ảnh hưởng đến các bạn đồng ngũ của cháu. Ông nên viết tỷ mỷ, kể cả lần cháu thả bức thư theo dòng nước.

Đời cháu, những việc làm, ý nghĩ của cháu sẽ là tấm gương sáng cho các anh em cháu noi theo.

Tiểu sử ấy, ông sẽ đóng lên đầu sách thì trân trọng lắm.

Thân ái
23-2-73
Nguyễn Công Hoan

Thủ bút của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết bức thư này gửi ông Phạm Ngọc Xứng năm 1973, thì chỉ một năm sau, ông Xứng qua đời, vì quá đau buồn sau khi đứa con trai hiếu thảo hy sinh.

Quả thật, Phạm Ngọc Hùng là đứa con hiếu thảo, vì ở tuổi 18, từ khi mới vào bộ đội, anh Hùng đã liên tục và tìm mọi cách tranh thủ chút thời gian rảnh giữa hai kỳ luyện quân, hai chặng hành quân để viết thư gửi về nhà cho bố mẹ và các anh chị em. Rồi khi lên Trường Sơn và vào tới chiến trường B3 (Tây Nguyên), anh Hùng vẫn tìm được cơ hội gửi thư về thăm bố mẹ và mọi người trong gia đình, không quên một ai.


Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng

Thời chiến tranh ác liệt nhất, mà chỉ trong hơn 2 năm, anh Hùng đã gửi được 60 bức thư cho gia đình, đó là một kỷ lục. Một kỷ lục của tình yêu thương, của lòng hiếu thảo. Thú thật, trong 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, tôi chỉ gửi được khoảng 5 bức thư về cho thầy má tôi ở Hà Nội. Không cha mẹ nào trách con mình ở chiến trường sao ít gửi thư về thăm bố mẹ, cho bố mẹ đỡ lo buồn, vì bố mẹ hiểu, gửi được một bức thư trong hoàn cảnh như thế là cực khó.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan, sau khi nghe bạn mình là ông Phạm Ngọc Xứng đọc những bức thư con trai Phạm Ngọc Hùng gửi về gia đình, đã đặc biệt xúc động. Bởi khi đó, anh Hùng đã hy sinh, và cũng bởi những bức thư tha thiết tình yêu thương bố mẹ và gia đình đã khiến nhà văn lớn không thể cầm lòng.

Bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan rất chân tình và tha thiết. Nó là sự chia sẻ của một người cha với một người cha có con hy sinh. Và cũng bởi nhà văn Nguyễn Công Hoan có con trai là ông Nguyễn Tài-một trong những cán bộ lãnh đạo của ngành an ninh Trung ương Cục-vào thời gian ấy đã bị bắt và bị biệt giam ở Trung tâm thẩm vấn của chế độ Sài Gòn. Chắc chắn, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã bị mất liên lạc hoàn toàn với người con của mình, cũng không biết con mình sống chết ra sao.

Chính hoàn cảnh ấy đã đưa tới sự thông cảm sâu sắc giữa hai người cha. Và cũng bởi ông Phạm Ngọc Xứng từ những tháng năm Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, ông làm việc tại Sở căn cước ( Service D' ldentite') ở Hà Nội, nhưng ông đã là cơ sở của cách mạng. Chính ông đã giúp đỡ một số cán bộ cách mạng làm thẻ căn cước ra vào vùng kiểm soát của Pháp một cách dễ dàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tài-con nhà văn Nguyễn Công Hoan- lại là Trưởng ty Công an Hà Nội, rồi Giám đốc Sở Công an đặc khu Hà Nội (hoạt động bí mật). Chắc chắn, ông Xứng đã hiện diện trong đường dây do ông Nguyễn Tài tổ chức và lãnh đạo.

Trong những cán bộ cách mạng được ông Xứng giúp làm căn cước, sau này tiếp tục di cư vào Nam và hoạt động trong đường dây tình báo, có nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng nổi tiếng trong vai trò “ông cố vấn” cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Vì những công lao đó, sau khi Thủ đô giải phóng, ông Phạm Ngọc Xứng vẫn tiếp tục làm việc tại Sở Công an Hà Nội, sau chuyển về UBND Quận Hoàn Kiếm Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903, trong khi ông Xứng sinh năm 1921, nghĩa là họ cách nhau tới 18 tuổi. Nhưng họ vẫn là bạn của nhau, một tình bạn vong niên.

Còn ông Nguyễn Tài sinh năm 1926, trong khi Phạm Ngọc Hùng con ông Xứng sinh năm 1951, thuộc hai thế hệ khác nhau. Nhưng đó vẫn là hai người con của hai người cha là bạn bè, một người là nhà văn, một người làm công chức. Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt nhưng cũng đầy gian nguy, đầy uẩn khúc đau khổ của ông Nguyễn Tài, tôi càng thấy lý do mà nhà văn Nguyễn Công Hoan và ông Phạm Ngọc Xứng thân thiết với nhau, chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm về hai người con của mình là dễ hiểu và đáng quí trọng. Trong đau khổ, hai người làm cha ấy đã tìm đến với nhau.

Còn nữa


NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN TỪNG PHẢN BIỆN VỀ “CÂY ĐÀO TÔ HIỆU” - Lại Nguyên Ân


Rating:★★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Lại Nguyên Ân

NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN TỪNG PHẢN BIỆN VỀ “CÂY ĐÀO TÔ HIỆU”



Lại Nguyên Ân



Đầu những năm 1960 ở miền Bắc, khi bắt đầu xuất hiện một số bài thơ bài hát về nhà tù thực dân ở Sơn La và “cây đào Tô Hiệu”, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng lên tiếng – nói như ngày nay – “phản biện”. Ta nên biết Nguyễn Công Hoan là người cùng làng, lại có họ hàng với Tô Hiệu. Ý kiến ấy ông nêu trong một bài (đăng số 6/1962 trên tập san Nghiên cứu văn học của Viện Văn học) góp ý kiến với hai nhà giáo Đại học Tổng hợp Hà Nội khi ấy là Bạch Năng Thi và Phan Cự Đệ, tác giả giáo trình “Văn học Việt Nam 1930 - 1945” (Nxb. Giáo dục, 1960), nhân đấy Nguyễn Công Hoan nói thêm vài chuyện khác, trong đó có chuyện “cây đào Tô Hiệu”.

Nguyễn Công Hoan truy nguyên ra, người nêu ra chuyện “cây đào Tô Hiệu” với báo chí đương thời chính là nhà văn Nguyễn Tuân (Lần theo hướng Nguyễn Công Hoan đã chỉ, tôi đã thấy bài bút ký Đào Sơn La của Nguyễn Tuân đăng báo Văn học số Tết Kỷ hợi 1959); chuyện này sẽ nói đến vào dịp khác.

Ta hãy trở lại ý kiến nêu trên của Nguyễn Công Hoan. Ông viết:

“Mấy năm trước tôi đọc một bài của Nguyễn Tuân, nói đến một cây đào ở Sơn La. Không rõ anh đã hỏi ai mà cây đào ấy được khẳng định là của đồng chí Tô Hiệu trồng. Từ đó cây đào may mắn ấy đã trở thành đề tài sáng tác cho nhiều nhà văn nhà thơ. Riêng tôi cứ thắc mắc, tôi có hỏi một vài anh em chính trị phạm cũ. Trong những người này, đồng chí Lê Giản là người cũng có họ với đồng chí Tô Hiệu và với tôi, nói rằng không đúng, vì người tù nào lại có thì giờ đi trồng đào bao giờ? Vả lại nếu cây đào trồng từ ngày đồng chí Tô Hiệu thì đến năm nay, trải qua hơn hai chục năm, nó còn xanh hay đã cằn cỗi?”
Nguyễn Công Hoan cho biết ông đã có vài kinh nghiệm về sự quy công cho những người nổi tiếng. Ví dụ như ở ngay quê làng Xuân Cầu (Hưng Yên) của ông từ xa xưa đã có tục làm đám cưới vào ngày Nguyên đán (mồng 1 Tết), là vì người ta tính rằng: ngày ấy nhà nào cũng có cỗ bàn rồi nên đám cưới khỏi lo việc ăn uống, đỡ tốn kém. Thế mà đến lúc này (lúc Nguyễn Công Hoan viết bài báo, tức là năm 1962) người làng lại kể như là do Tô Hiệu ở tù Côn Đảo về thay lệ làng cũ nên mới có tục lệ mới ấy! Nhà văn khẳng định chuyện ấy không đúng, vì theo ông, khi Tô Hiệu ở Côn Đảo về, tuổi anh còn trẻ, chưa thể gây ảnh hưởng lớn tới dư luận trong làng; mà trong tâm lý làng xã thì ‘bụt chùa nhà không thiêng’, còn nói theo lối nói thông dụng ở miền Bắc hồi những năm 1960 thì lúc ấy sự giác ngộ của dân làng ông cũng hãy còn kém!

Đó là điều mà ngày nay có thể gọi là sự “phản biện” của nhà văn Nguyễn Công Hoan trên một tình tiết cụ thể liên quan đến sử học và văn học.

Tất nhiên, ta dễ thấy ý kiến này của ông rất ít được người ta quan tâm; có lẽ vì biểu tượng “cây đào Tô Hiệu” tương đối thông dụng ngày nay chủ yếu được sử dụng như là một biểu tượng của du lịch.


LẠI NGUYÊN ÂN
22/11/2009

Lên trang viet-studies ngày 21-2-10



Chân dung nhà văn (Đặng Hấn)


Chân dung nhà văn (bút danh vần M-N / 73)

Đặng Hấn


Dẫu là lá ngọc cành vàng
Tới bước đường cùng cũng khổ
Huống chi người ngựa, ngựa người
Phận kép Tư Bền xấu số…
Bác cười thời tranh sáng tối
Cho mặt trời mọc, mây tan
Rồi cười dẹp rác cũ mới
Đời thêm công bằng, hân hoan…




Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết về Nhà văn Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Ngọc Chiến


Rating:★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Ngọc Chiến
Một Nhà văn lớn tuổi nói với tôi: "Nhà văn Việt Nam, là ông hay bà, là già hay trẻ, viết văn hay làm thơ...thời nào cũng không hiếm người bị người ta chụp cho vô số những cái mũ lên đầu. Thôi thì đủ loại mũ...Có người chỉ một bài thơ hay một cái truyện ngắn thôi, chẳng có chuyện gì cả mà người ta cũng lôi ra "đánh" cho túi bụi. Nhiều người vì thế mà lâm vào tình trạng khốn đốn, sống dở chết dở, nhưng chẳng biết kêu ai...".

Một Nhà văn lớn tuổi khác thì lại nói với tôi: "Một bầy nai đang giữa rừng già hoang vắng, khi có một dấu hiệu nào đó đe dọa đến tính mạng của bầy đàn, chúng lại nhốn nháo cả lên ra hiệu cho nhau, bảo vệ lẫn nhau. Nhà văn Việt Nam bên cạnh sự đoàn kết sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học tốt phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì họ cũng "bắt chước" bầy nai sẵn sàng lên tiếng bảo vệ bạn bè khi bạn bè mình có dấu hiệu bị "ức hiếp" hay oan sai...".

Đọc Vũ Trọng Phụng, tôi biết Vũ Trọng Phụng là một trong những Nhà văn mà cuộc đời và tác phẩm đã ghi lại dấu ấn khá đậm trong lịch sử văn học nước nhà. Ông chỉ tồn tại trên cõi đời vừa đúng 27 năm, sự nghiệp sáng tác cũng chỉ trên dưới 10 năm, nhưng tác phẩm ông để lại thì thật đáng kinh ngạc, gồm 9 tiểu thuyết, trên 30 truyện ngắn, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, nhiều bài lý luận phê bình, và hàng trăm bài báo.

Nguyễn Công HoanNhà văn Nguyễn Công Hoan
Tài năng của ông có thể được xem như là một Banzac của Việt Nam. Nhưng ông là Nhà văn cũng chịu nhiều oan khuất mà cho đến bây giờ những oan khuất ấy vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều Nhà văn Việt Nam hoặc là cùng sống với ông biết rõ thân phận ông thời ấy, hoặc là vì lương tri và lẽ phải đã lên tiếng bênh vực ông, bảo vệ ông. Một trong những người ấy là Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Lúc sinh thời, vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, khi viết cuốn hồi ký văn học "Đời viết văn của tôi", Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có những trang văn ấm áp và cảm động dành cho Nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tôi xin gửi tới các bạn đoạn hồi ký này của Nhà văn Nguyễn Công Hoan. Rất mong các bạn cùng đọc và chia sẻ.

(Nguyễn Ngọc Chiến)



Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết về Nhà văn Vũ Trọng Phụng


...Có một số hiện tượng trong văn học của ta hồi trước Cách mạng, anh em làm nghiên cứu bây giờ có nhận thấy, nhưng chưa tìm ra lý do. Nghiên cứu để thấy hiện tượng là tốt, nhưng tìm ra lý do của hiện tượng mới càng tốt hơn. Nếu không, sẽ suy luận. Và suy luận thì tuỳ trình độ, tuỳ người, sẽ sai nhiều hay ít. Sự thật chỉ có một. Cho nên, nếu có mười lời suy luận, trong đó có một lời nói đúng, thì ắt là chín lời nói sai...

Cái hiện tượng về văn học Việt Nam mà anh em tìm ra được, là từ 1930 đến 45, phong trào khi lên khi xuống, và riêng từng nhà văn, cũng không đồng nhất, lúc tiến bộ, lúc thụt lùi. Ấy thế đấy! Tôi đã hoạt động trong thời kỳ này, nên nhìn vào anh em, nhìn vào tôi, tôi thấy điều đó không khó hiểu...

Còn nhìn vào anh em, thì Vũ Trọng Phụng là thí dụ điển hình nhất. Tôi nhắc lại là ngày trước, đã ở trong toà soạn, thì anh phải viết. Vì anh đã ăn lương của người chủ báo trả cho anh. Thì thường thường là nếu anh có tính nể nang, nếu anh nhu nhược, tất anh hay chiều lòng người chủ báo. Lòng người chủ báo là muốn cho báo chạy. Muốn cho báo chạy, tất phải chiều thị hiếu của bạn đọc. Vũ Trọng Phụng chuyên nghiệp hoá từ ngày anh ở trong toà soạn báo Nhật Tân của Đỗ Văn mới ra đời. Ngày ấy, anh viết phóng sự về cờ bạc bịp, lấy tên là Cạm bẫy người. Rồi thôi báo Nhật Tân, một dạo anh làm cho Hà Nội báo. Hà Nội báo là tờ báo muốn tranh độc giả với hai tờ báo được đọc nhiều, là Phong hoáTiểu thuyết thứ bảy. Đường lối của Phong Hoá là vui cười, vui vẻ trẻ trung, là lãng mạn. Đường lối của Tiểu thuyết thứ bảy là đường lối của Vũ Đình Long, có óc bảo thủ, thiên về gia đình chủ nghĩa. Cho nên Hà Nội báo phải tìm một đường lối khác với hai báo kia. Cái đường lối dễ sơi nhất, có thể chiều được thị hiếu một số độc giả ở Hà Nội, là thói hư của một số nam nữ thanh niên đương choai choai, bị phong hoá đồi trụy của đế quốc nó đầu độc, nên Hà Nội báo đã tìm thấy đường lối mới, là con đường khiêu dâm. Ở báo ấy, Vũ Trọng Phụng đã viết Dông tố, rồi mấy phóng sự khá khêu gợi. Đến cái phóng sự phải nghiên cứu các tài liệu do bọn bác sỹ Pháp viết về bọn nhà thổ phải hàng tuần đi khám bệnh hoa liễu, Vũ Trọng Phụng cũng đặt cho cái tên là Lục xì. Rồi khi Phan Khôi mở báo Sông Hương ở Huế, anh đã dùng nghệ thuật của mình trong một tiểu thuyết đăng từng kỳ, là truyện Làm đĩ.

Thế rồi cả mấy tờ báo khiêu dâm bị độc giả đứng đắn chán ghét, phải tự đình bản, Vũ Trọng Phụng cộng tác trong Hải Phòng tuần báo với Phùng Bảo Thạch. Anh viết mấy truyện ngắn rất hay. Rồi quay về Nhật Tân với Phùng Tất Đắc, anh viết phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây. Rồi khi Nhật Tân đình bản, vào cuối đời anh, anh giúp Vũ Đình Long, thì trong Tiểu thuyết thứ bảy, anh viết toàn truyện đứng đắn, như Người tù được tha, Vỡ đê, Trúng số độc đắc. Cho nên, nghiên cứu về một nhà văn, thời nào tiến bộ, thời nào thụt lùi, phải nghiên cứu cả trình tự sáng tác của người ấy, trong năm ấy, anh ta cộng tác với báo nào, ai là chủ bút, tính chất người chủ ấy thế nào, và từng thời kỳ, tình hình tư tưởng nào nó thống trị trong xã hội ấy.




Vũ Trọng PhụngNhà văn Vũ Trọng Phụng
(1912 - 1939)

Vậy thì tại sao mỗi nhà văn lại bấp bênh như vậy? Và mỗi giai đoạn nhỏ, phong trào văn học mang một sắc thái khác nhau? Điều này cũng dễ hiểu lắm. Là bởi vì người viết văn lớp trước, có ai giáo dục cho lập trường chính trị, có ai chỉ bảo cho đường lối sáng tác như bây giờ? Tức là chưa có bàn tay của Đảng vươn tới. Mà chỉ viết vì mình chót nhận đồng lương. Cao hơn một chút là để phụng sự nghệ thuật. Cho nên, cũng chẳng lạ gì, khi ta thấy người này người kia viết cả những câu mà bây giờ ta thấy là phản động.

Vũ Trọng Phụng đã mang tiếng này. Nhưng ta nên rộng lượng với những người khi còn chưa hiểu biết, khi còn chưa có lập trường chính trị. Ngày nay, có thể là Vũ Trọng Phụng phải có bài, nên khi đọc báo của Đệ tam và của Đệ tứ công kích lẫn nhau, thì anh chẳng yêu ghét ai - vì anh đã mù chính trị - nên thấy bên nào nói mà anh thấy ngứa tai, thì anh đã. Nhưng ta cũng nên tìm sâu hơn một chút cho khỏi oan anh, là anh công kích con người của Đệ tam mà anh thấy chướng mắt, hay anh công kích chủ nghĩa Đệ tam? Hẳn anh đã nhìn một người tự nhận là của Đệ tam, sinh hoạt thế nào đó, khiến anh trái mắt, nên nhận xét lầm về Đệ tam cũng nên. Chính cái người làm anh nhìn qua để hiểu lầm về Đảng, đã sinh hoạt quá quắt thật. Ban ngày, người ấy đi bán báo của Đảng, nhưng ban tối, lại nằm nhà cô đầu, bên cạnh bàn đèn. Người ấy, tôi không tiện nói tên ra đây, hiện còn sống, và vì không gột rửa được đầu óc cá nhân, hưởng lạc, nên trong Kháng chiến, đã nhiều lần tỏ ra bất mãn, và từ Hoà bình lập lại, đã không lột được xác cũ, nên phạm nhiều lầm lỗi, đến nỗi hiện giờ không được giao công tác nào.

Lại vì không được ta nhìn bằng con mắt khoan dung, nên Vũ Trọng Phụng còn đeo một tiếng oan khá lớn nữa. Là có lời đồn rằng anh đã bí mật làm mật thám cho Pháp. Tôi nghĩ làm mật thám cho Pháp, tất Pháp cho tiền. Thì một là khi đã có tiền kiếm được bằng việc khác dễ dàng, Vũ Trọng Phụng không cần kiếm tiền bằng cách moi óc ra để viết cho khổ. Hai là nếu Vũ Trọng Phụng kiếm được tiền bằng nghề làm mật thám, sao anh còn nghèo xơ nghèo xác, cho đến lúc nhắm mắt? Vả lại, anh em viết văn hồi ấy có nhiều đâu, ai thế nào, bạn bè đều biết. Nhất là người làm cái việc bần tiện là làm mật thám, thì lại càng không giấu nổi ai. Người ấy sẽ bị đồng nghiệp khinh rẻ, xa lánh. Ngày Vũ Trọng Phụng còn sống, tôi chưa nghe nói anh làm mật thám bao giờ. Và hẳn cả những anh em trong làng văn cũ, hiện giờ còn sống, cũng chưa ai nghe thấy Vũ Trọng Phụng làm việc đê nhục ấy để kiếm sống, dù anh nghèo rớt mồng tơi.

Một cuốn sách nghiên cứu về văn học Việt Nam trong thời kỳ 1930 - 1945, khi đến Vũ Trọng Phụng, thì đặt đầu đề là Vấn đề Vũ Trọng Phụng. Vài bài báo khác, tuy viết về Ngô Tất Tố, viết về Nguyễn Công Hoan, nhưng thỉnh thoảng có đá ngầm Vũ Trọng Phụng vài đá. Tôi cho là chả nên.

Vũ Trọng Phụng có cái thiệt là anh ta chết sớm. Chứ nếu anh ta sống dai như chúng ta, thì chắc sau này, một người viết văn nghèo như anh ta, biết hằn học với chế độ, biết bất mãn với thời cục, lại biết hướng ngòi bút vào người cùng khổ, vào những cảnh lố lăng, thì thế nào anh ta cũng theo Đảng. Và một khi đã biết theo Đảng, thì bao nhiêu những việc làm, những lời nói lầm lẫn khi còn chưa hiểu Đảng, sẽ được tha thứ hết. Nếu ta khắt khe với những người trước kia đã viết và nói không đúng về Đảng, thì trong hàng ngũ anh em ta bây giờ, ta có thể đưa ra khối người bằng chứng cớ trên giấy trắng mực đen hẳn hoi.

Vậy nghiên cứu về phong trào văn học trước Cách mạng, cũng như nghiên cứu từng nhà văn trong thời kỳ ấy, đề cao quá thì không đúng, mà đề thấp quá cũng không đúng. Phải nhìn hoàn cảnh xã hội, không khí văn học, tư tưởng và lề lối làm việc của từng nhà văn, thì trình bày mới phải lẽ, và phán đoán mới không sai...


NGUYỄN CÔNG HOAN


Nguyễn Công Hoan viết Ca trù



Rating:★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Hoạt Thanh

Nguyễn Công Hoan viết Ca trù

Hoạt Thanh

Độ ấy, vào khoảng đầu những năm hai mươi, khi Nguyễn Công Hoan vừa in xong tập truyện đầu tay Kiếp hồng nhan được ít lâu, gặp Vũ Ngọc Phan bên bờ Hồ, Nguyễn Công Hoan dí dỏm kể:

Mình vừa viết xong một bài ca trù. Nguyên là thế này, ở làng mình có một cô gái trạc tuổi mình, con nhà thi lễ. Năm hai người mới 6, 7 tuổi, cả làng yên trí là sau này thể nào cũng nên vợ nên chồng. Cả gia đình cô ta cũng tin như thế. Rồi lớn lên, cô ta đi làm dâu một ông quan to. Chồng cô ta ít lâu lại tuồn ra một bài thơ. Hãnh diện về chồng, cô ta thường đem thơ của chồng về nhà cô ta và đọc cho mọi người nghe…

Kể đến đây, ông ngừng lại cười ngất.

Một lát, Nguyễn Công Hoan giả vờ bịt mũi và đọc:

… Hoa có tàn hoa ủ mấy thu
Thương ôi! Mây khói mịt mù…
Bừng con mắt biết tiêu du cảnh nào

Vốn ghét kểu người cứ tỏ vẻ “ưu thời mẫn thế”, Nguyễn Công Hoan bèn ứng tác bài ca trù sau đây:
Lo gì lo lắm
Vắt tay lên trán để mà lo
Lo đủ điều, lo nhỏ lại lo to
Lo đến hết thở dài rồi than vắn
Lo nước biển đông ngày dãi nắng
Lo vườn Con Cóc khuyển làm nhơ
Lo để mặt méo xệch, chân cẳng quắp co
Lo đến cả con bò răng vẫn trắng
Thế mới biết cái lo là lắng đắng
Khách đa sầu gánh nặng những điều lo
Ai ơi lo lỏ lò lo
Đọc xong bài ca trù, Nguyễn Công Hoan nói:

- Làm thơ kiểu thằng cha ấy thì mình có thể “xùy” ra hàng tràng. Nhưng mình không thèm làm. Mình sẽ viết văn xuôi cho vợ nó mất làm bộ.

 (Biên soạn theo tài liệu của nhà văn Vũ Ngọc Phan)

Nguồn: Hà Nội Mới cuối tuần, số 48 (412), ra ngày 9/2/1997.


Áo bông che bạn



Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Tiếng Việt
Giai thoại văn học

Nguyên văn & Chú thích


Áo bông che bạn là một sáng tác của Trần Tế Xương (1870-1907), một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Theo nhà thơ Xuân Diệu thì bài thơ này là một trong số những bài tiêu biểu cho mảng thơ trữ tình của Trần Tế Xương.[1]


Áo bông che bạn

  1. Hỡi ai, còn nhớ ai không?
  2. Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.
  3. Nào ai có tiếc ai đâu?
  4. Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô.
  5. Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
  6. Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình
  7. Non non, nước nước, tình tình
  8. Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!



Bản chép khác:
  • Câu 1: Hỡi ai, ai có thương không?, hoặc: Ai ơi, ai có nhớ không?
  • Câu 3: Vì ai, ai có biết đâu? hoặc: Rạng ngày, ai biết ai đâu
  • Câu 6: Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình
  • Câu 8: Vì ai tươi thắm cho mình ngẩn ngơ!, hoặc: Vì ai lận đận cho mình ngẩn ngơ!'

Theo tác giả sách Thơ văn Trần Tế Xương, thì: Trên đường gặp mưa, nhà thơ đã lấy áo bông của mình che đầu cho bạn. Giờ bạn đã đi xa, tác giả ghi nhớ lại việc cũ.

  • Câu 1: chữ ai trước chỉ bạn, chữ ai sau nhà thơ tự chỉ mình.
  • Câu 3: chữ ai trước chỉ nhà thơ, chữ ai sau chỉ bạn.
  • Câu 4: cách dùng chữ ai, giống như câu 2.
  • Câu 5: Tam Đảo, Ngũ Hồ là thắng cảnh ở Hàng Châu (Trung Quốc), ý nói bạn là người lịch lãm, nay đây mai đó.
  • Câu 8: chữ ai ở câu này chỉ bạn[2].



Giai thoại & Lời bình


Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại rằng:

Sau vụ lụt lớn năm 1926, ông ra Hà Nội, một tối Tản Đà rủ ông đi chơi mát bằng xe giờ. Người kéo xe này gầy và già, nhưng hai người chỉ đi hóng gió, không cần chạy nhanh. Ngồi trên xe, Tản Đà nói chuyện thơ Tú Xương. Tác giả “Khối tình con” đọc bài Sông lấp[3], nức nở khen chữ “vẳng” và chữ “giật” vì nó chan chứa kín đáo cái ngậm ngùi của một tinh thần hoài cổ. Ông bảo ông mới địch nổi Tú Xương được một lần thôi, bằng chữ "vèo" trong bài Cảm thu, tiễn thu của ông:

Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

Anh phu xe kéo chúng tôi, mấy phút đầu còn chạy một cách dưỡng lão thôi, đến lúc ấy anh đi thong thả lại, Tản Đà lại đọc nữa:


Ai ơi, ai có nhớ không?
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.
Nào ai có tiếc ai đâu?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô.

Tản Đà đọc đến câu khăn đầu ai khô, tự nhiên anh phu xe dừng lại và khen: hay quá!

Chúng tôi hỏi ra, biết người kéo xe không phải là nhà nghề. Ông ta là một thầy đồ, vì lụt nên nghèo đói, phải ra Hà Nội tạm kéo xe. Từ lúc ấy, chúng tôi không dám ngồi xe cho ông ta kéo nữa. Ba người cùng đi bộ với nhau để nói chuyện thơ, rồi cùng về tòa báo ở phố Hàng Lọng. Tản Đà mời ông phu xe vào nhà chơi, cùng uống rượu, và rượu xong, tiễn ông một đồng bạc. Tôi nhắc lại: khi nghe bốn tiếng "khăn đầu ai khô" thì ông đồ kéo xe dừng lại. Còn tôi, khi nghe bốn tiếng ấy cũng có cái gì nó bò bò ở trong gáy làm tôi thít lên...


❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀

Sau khi thuật lại giai thoại văn học này, thi sĩ Xuân Diệu còn viết thêm lời bình:

Về bài Áo bông che bạn, có ý kiến cho rằng “bạn” ở đây là một người đàn bà. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng "tình" đây không phải là tình yêu, tình với người ả đầu chẳng hạn, mà khẳng định đây là tình non nước. Tú Xương chẳng tiện nói thẳng ra mà phải ngụy trang bằng một giọng văn hai nghĩa: Non non, nước nước, tình tình. Người bạn này nếu không hẳn là Phan Bội Châu thì cũng là một bạn đồng tâm đồng chí, về sau đã xuất dương: Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ... Còn câu: Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình, hiểu nghĩa văn học thì khóc trúc là trúc mà bà vợ vua Thuấn khóc chồng đã vẩy nước mắt vào, làm cho lốm đốm;


than ngô là cây ngô đồng trong thơ cổ, hiểu nôm na khóc trúc, than ngô là khóc cho nhân dân mà đa số là nông dân...

Và:

Non non, nước nước, tình tình
Vì ai lận đận cho mình ngẩn ngơ!

Tình là tình non nước, tình núi sông, thì chữ “lận đận” vào đây là hợp hơn cả.

Tám câu lục bát Áo bông che bạn này đầy một hồn văn trữ tình[1].


❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀


Có giai thoại về bài thơ này như sau:

"Trong cuộc đời mình, ngoài bà Tú thì Tú Xương còn có một vài bóng hồng, trong đó có một tiểu thư, con gái của tiến sĩ Vũ Công Độ. Tiểu thư này vốn là hoa khôi nổi tiếng Thành Nam, lấy chồng là một viên quan cỡ tầm tầm có tên là Hai Đích. Từ đó người ta hay gọi bà là bà Hai Đích. Ông Hai Đích mất sớm, khi bà mới ở tuổi 23 và họ có với nhau một mụn con gái, đặt tên là Sính. Cô Sính lớn lên, lấy chồng là một viên quan huyện, người ta quen gọi ông Huyện Thuật. Họ chính là song thân của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Như vậy, bà Hai "nàng thơ thứ hai" của Tú Xương là bà ngoại của Vũ Hoàng Chương.



Bà Hai thân với Tú Xương từ thời họ còn đi học. Nhưng khi đến tuổi dựng vợ gả chồng thì không hiểu sao họ không chọn nhau. Sau ngày ông Hai về cõi, bà Hai vẫn còn xuân sắc lắm, rất nhiều thi nhân tài tử ve vãn, nhưng bà chỉ giữ lòng trung trinh thờ chồng.
Bà Hai đã không tái giá, nhưng chút tình dành cho Tú Xương là điều có thật. Vào cái đêm mưa phùn gió bấc, Tú Xương và bà Hai từ nhà bạn ra phố, ông Tú đã cởi chiếc áo bông của mình che đầu cho bà Hai là chuyện nhiều người biết."




Giải ảo
tình khúc áo bông


Phanxipăng

Hiện nay, áng thơ Áo bông che đầu / Áo bông che bạn / Nhớ bạn / Tự tình của Trần Tế Xương càng được đông đảo người biết thông qua ca khúc Người đi Tam Đảo do Phó Đức Phương phổ nhạc.
Áng thơ kia chất chứa bao điều u ẩn mà hậu thế cần giải ảo. Nhân vật ai là những ai?
Phải chăng địa danh Tam Đảo trong áng thơ chỉ dãy núi đá ở vùng đông bắc nước ta nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng? Than ngô hay thương ngô hay Thương Ngô nhỉ?.


Vì hàng loạt lý do khách quan lẫn chủ quan, nhiều đơn vị tác phẩm của Trần Tế Xương / Tú Xương (1870 - 1907) lưu truyền lắm dị bản. Áng thơ mà chúng ta đang khảo sát là ví dụ tiêu biểu. Nhan đề tồn tại ít nhất 4 kiểu khác nhau. Có sách như Thân thế và thơ văn Tú Xương (NXB Cây Thông, Hà Nội, 1951), Tú Xương - tác phẩm, giai thoại (Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh, 1987), Thơ Tú Xương (NXB Văn Học, Hà Nội, 1998), Tú Xương toàn tập (NXB Văn Học, Hà Nội, 2010) in nhan đề Áo bông che đầu. Có sách như Tú Xương con người và nhà thơ (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1961), Thơ Trần Tế Xương (Ty Văn hoá Nam Hà, 1970), Thơ Tú Xương (NXB Đồng Nai, 2008) in nhan đề Áo bông che bạn. Có sách như Văn thơ Trần Tế Xương (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1957) in nhan đề Nhớ bạn. Lại có các tài liệu http://htx.dongtak.net/spip.php?article109 và http://scvnlive.net/vbb/archive/index.php/t-4171.html ghi nhan đề bài thơ là Tự tình. Nội dung cũng tam sao thất bản, nên ở đây xin trưng bản mà cá nhân tôi cảm thấy ưng ý:
Ai ơi! Còn nhớ ai không?
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.
Vì ai, ai có biết đâu!
Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
Non non nước nước tình tình,
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ! (1)
Ai là ai?
Trong áng thơ lục bát này, thủ pháp trùng âm điệp ngữ được phát huy quá đỗi tài ba tương tự những khúc dân ca tuyệt diệu. Đại từ ai chỉ 2 nhân vật khác nhau. Một ai chỉ nhà thơ. Một ai chỉ bạn của thi sĩ. Vấn đề đặt ra: bạn đó là kẻ nào?

Theo ý kiến của một số người, đó là bạn cùng giới với Tú Xương. Sách Thơ Trần Tế Xương chú thích: "Bạn của nhà thơ đến thăm gặp mưa, nhà thơ phải cởi áo bông của mình che đầu cho bạn khỏi ướt. Bây giờ bạn đã đi xa, nhà thơ nhớ bạn và nhớ sự việc cũ". Có người thấy loạt từ láy Non non nước nước tình tình, lại liên hệ một số áng thơ khác của Tú Xương như Nhớ bạn phương trời, bèn đoán rằng đó là nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 - 1940).

Một số người lại nghĩ rằng đó là bạn khác giới với Tú Xương, thậm chí là những cô đầu Hồng Hồng Tuyết Tuyết (2) hành nghề hát ả đào. Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) từng nhận xét: "Không có công gì nhiều và to nữa, ngoài một lần che khăn đầu bằng áo bông của mình và ông nhân cái ý khăn đầu ấy, cái việc nhỏ nhặt tầm thường này đáng lẽ không đáng kể là công đâu. Khốn nhưng không kể ra thì lấy gì mà nhắc để hỏi: Ai ơi! Còn nhớ ai không? Cho nên kể cái công nhỏ nhặt tầm thường mà lại duy nhất này. Thoạt mới nghe thì thật buồn cười (vì Tú Xương vốn có tài hài hước), nhưng nghĩ kỹ ta thấy cái cử chỉ lấy áo bông của mình che đầu người khác mới dịu dàng làm sao! Nó phải là cái cử chỉ của một người ưa dịu dàng. Và cái cử chỉ càng nhỏ nhặt và tầm thường bao nhiêu, càng tỏ ra lòng yêu mến nâng niu của mình to lớn và đặc biệt bấy nhiêu. Cái người ưa dịu dàng, cái người được trìu mến nâng niu ấy phải là một người liễu yếu đào tơ để mặc anh đàn ông chiều chuộng mình. Hoặc nếu quá ra thì là một người đàn bà õng ẹo đòi người đàn ông chiều chuộng mình. Vậy là người đàn bà này phải là người cô đầu nay đây mai đó (Người đi Tam đảo, Ngũ hồ) mà Tú Xương gặp lại, chứ không phải người đàn bà con nhà tử tế. Vì thời này đàn bà con nhà tử tế không ai đi với bạn đàn ông. Và nếu có thì khi người bạn đàn ông có che áo bông lên đầu mình dù có thích mấy đi nữa, cũng chỉ mỉm cười và sẽ hất tay người ấy ra".

Kỳ thực, người đó rất đàng hoàng và đích thị tình nhân một thuở của Trần Tế Xương. Nàng là một tiểu thư đất Nam Định, tục danh Cõn, con gái út của tiến sĩ Vũ Công Độ (3). Nhóm thực hiện sách Tú Xương - tác phẩm, giai thoại bao gồm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn căn cứ vào lời thuật của một số bô lão ở Vị Xuyên mà ghi chép: "Khi còn trẻ, hai người đã yêu thương nhau, nhưng gia đình ông Nghè không thuận. Cô Cõn phải lấy chồng ở xã Mai Xá (nay thuộc ngoại thành Nam Định), tên là Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, cô trở về Nam Định, ở vậy, nuôi con. Ông Tú cũng đã lấy vợ, trái tim vẫn lưu luyến mối tình xưa, nhưng không vượt quá khuôn khổ. Bài thơ này làm nhằm một đêm nhà thơ si tình, lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa, phải lấy vạt áo bông che đầu, càng thổn thức khôn nguôi".

Xin nêu thêm một số chi tiết thú vị. Mặc dù goá bụa lúc còn quá trẻ, lại xinh xắn khéo giỏi, nàng Cõn được nhiều "đại gia" ve vãn, song quả phụ cương quyết giữ lòng trung trinh thờ chồng và nuôi con, bởi thế khi nàng 50 tuổi đã được vua Khải Định ban tặng 4 chữ Tiết hạnh khả phong. Quả phụ Hai Đích, tức nàng Cõn, chỉ có một mụn con gái mang họ tên Hoàng Thị Sính. Sính lớn lên, kết hôn với quan huyện Vũ Thiện Thuật, sinh hạ nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976).

Tam Đảo ở đâu?

Dòng thơ Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô? gói ghém muôn tâm tình quá khó diễn đạt rõ ràng rành mạch đủ đầy. Từ khăn đầu được sách Tú Xương - tác phẩm, giai thoại chú giải: "Phụ nữ ngày trước thường đội khăn. Đây có thể chỉ khăn tang chồng (ứng với hai câu dưới)".

Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ có nghĩa di chuyển tới nơi đâu? Nửa sau áng thơ này được nhạc sĩ Phó Đức Phương phổ nhạc thành bài hát Người đi Tam Đảo. Nghe ca khúc nọ, cũng như đọc tác phẩm của Tú Xương, rất đông người đinh ninh rằng Tam Đảo là dãy núi đá gồm 3 đỉnh Thạch Bàn, Thiên Thị, Máng Chi / Phú Nghĩa. Với diện tích khoảng 850km2, đỉnh cao nhất 1.310m, khu vực Tam Đảo được Pháp xây dựng 163 ngôi biệt thự, tạo lập thị trấn nghỉ mát từ đầu thế kỷ XX, cách Hà Nội 68km.

Vậy Ngũ Hồ ở chỗ nào? Tam Đảo hiện thuộc 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang chẳng có Ngũ Hồ. Há lẽ là Ngũ Hồ nơi rừng núi Bạch Mã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế? Hay Ngũ Hồ là 5 hồ nước dưới chân núi Phú Sĩ ở Zamanashi, Nhật Bản? Hay là Đại Ngũ Hồ / Laurentian Great Lakes gồm 5 hồ Superior, Michigan, Huron, Erie, Ontario toạ lạc giữa Canada và Hoa Kỳ?

Chính xác, khi đề cập Tam Đảo và Ngũ Hồ, Trần Tế Xương liên tưởng những hồ lừng danh ở đất nước Trung Hoa.

Đó là hồ Hàng Châu, còn gọi hồ Tây (4), tại tỉnh Chiết Giang. Với diện tích 6,3km2, hồ Hàng Châu nổi tiếng bao đời qua mấy chữ nhất sơn, nhị đê, tam đảo, ngũ hồ 一山, 二 堤, 三島, 五湖. Nhất sơn là 1 ngọn núi, thực chất là đồi, mang tên Cô Sơn. Tam đảo gồm 3 đảo Nguyễn Công Đôn, Hồ Tâm Đình, Tiểu Doanh Châu. Ngũ hồ gồm 5 hồ Ngoại Tây, Ly Tây, Hậu Tây, Tiểu Nam, Nhạc.

Đó cũng là hồ Nhị Hải / Nhĩ Hải tại tỉnh Vân Nam. Từ xa xưa, với diện tích 250km2, hồ Nhị Hải đã được khái quát qua mấy chữ tam đảo, tứ châu, ngũ hồ, cửu khúc 三島, 四洲, 五湖, 九曲. Tam đảo gồm 3 đảo Kim Thoa, Ngọc Kỷ, Xích Văn. Ngũ hồ gồm 5 hồ Liên Hoa, Thái, Tinh, Thần, Chử.

Lưu ý rằng Ngũ Hồ còn chỉ 5 hồ Động Đình chủ yếu tại tỉnh Hồ Nam, bao gồm Đông Động Đình, Vạn Tử, Mục Bình, Đại Thông, Hoành Lĩnh, Lộc. Ngũ Hồ lại trỏ hồ Động Đình và các hồ lân cận, gồm 5 hồ Thái, Thanh Thảo, Xạ Dương, Đan Dương và Cung Đình. Và Ngũ Hồ cũng là danh từ chỉ 5 hồ to lớn với phong cảnh đẹp của Trung Hoa là Động Đình, Hàng Châu, Phan Dương, Sào, Thái.

Tam Đảo và Ngũ Hồ được các sách chú thích ra sao? Thơ Trần Tế Xương ghi: "Thắng cảnh ở Trung Quốc nhưng cũng có nghĩa là hai tiên cảnh". Tú Xương - tác phẩm, giai thoại ghi: "Là cảnh tiên, cảnh đẹp (ở Trung Quốc). Cả câu ý nói chồng bà Hai đã đi xa, về nơi tiên cảnh". Tú Xương toàn tập ghi: "Hai thắng cảnh ở Trung Quốc, cũng có nghĩa là hai tiên cảnh. Câu này có ý nói là chồng bà Hai đã đi xa về nơi tiên cảnh (đã mất)".


Than ngô hay thương ngô hay Thương Ngô?

Soạn tiểu luận Thơ Tú Xương / Đọc thơ Tú Xương in trong một số thư tịch, như tập II Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (NXB Văn Học, Hà Nội, 1982) và Trần Tế Xương - về tác giả và tác phẩm (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2003), Xuân Diệu (1916 - 1985) bình luận: "Tú Xương đã viết một giọng văn kín đáo hai nghĩa, vì như thế tiện hơn. Người về khóc trúc than ngô một mình, hiểu nghĩa văn học thì khóc trúc là trúc mà hai bà vợ vua Thuấn khóc chồng đã vẩy nước mắt vào, làm cho lốm đốm; than ngô là cây ngô đồng trong thơ cổ, hiểu nôm na thì trúc với ngô là ở nông thôn, khóc trúc than ngô là khóc cho nhân dân mà đa số là nông dân".

Một số tài liệu chép áng thơ này, không ghi than ngô mà thương ngô. Thế có nghĩa yêu thương cây ngô đồng hoặc� quả bí ngô hay trái bắp ngô ư?

Thực ra, đây là một điển cố văn học, chính xác phải khóc trúc Thương Ngô. Vì là địa danh, Thương Ngô cần được viết hoa. Truyền thuyết kể rằng vào thời Ngũ Đế, vua Thuấn đi tuần thú phương nam, chẳng may tạ thế khi đến đất Thương Ngô ở lưu vực sông Tương - chi lưu chính của Trường Giang tại tỉnh Hồ Nam - khiến hai bà phi xinh đẹp là Nga Hoàng và Nữ Anh (con của vua Nghiêu - kẻ đã nhường ngôi cho vua Thuấn) tìm đến dòng sông nọ mà khóc lóc thảm thiết khiến nước mắt nhỏ xuống những cây trúc tạo vệt lốm đốm chẳng phai, hình thành giống trúc Tương phi, tức trúc Thương Ngô. Khóc xong, hai bà phi nhảy xuống sông tự trầm. Điển cố liên quan sông Tương như giọt Tương hay mạch Tương cũng xuất phát từ tích ấy.

Thương Ngô / 蒼梧 / Cangwu còn gọi Cửu Nghi / 九疑 / Jiuyi là núi trồi 9 ngọn hao hao nhau, hiện đã trở thành Vườn quốc gia của Trung Hoa. Trong tập Bắc hành tạp lục, thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820) từng sáng tác đôi bài thất ngôn bát cú Thương Ngô tức sự và Thương Ngô mộ vũ, cùng chùm 15 bài thất ngôn tứ tuyệt Thương Ngô trúc chi ca.

Trần Tế Xương gieo vần gọn ghẽ, mà rất gợi:

Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
Không những ca ngợi nết chính chuyên của người tình xưa, thi sĩ còn xốn xang tấc dạ nên bật đôi dòng lục bát nhằm kết thúc áng thơ. Thi khí dường nhẹ bổng nhưng sao nỗi niềm nặng trĩu:
Non non nước nước tình tình,
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!
Ai hoá ra kẻ. Ai hoá ra mình. Tuy hai mà một. Tuy một mà hai.
Được giải ảo thoả đáng, tình khúc áo bông càng khiến bao lớp tri âm thuộc muôn thế hệ thêm bồi hồi xuyến xao khi thưởng thức.

(1) Khảo dị:
* Dòng 1: Hỏi ai ai có thương không? / Hỏi ai, ai đó thương không? / Hỡi ai, ai có thương không? / Hỡi ai, ai có nhớ không? / Ai ơi ai có nhớ không? / Ai ơi có nhớ chi không? / Ai ơi còn nhớ ai không?
* Dòng 2: Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu.
* Dòng 3: Rạng ngày, ai biết ai đâu? / Nào ai có biết ai đâu? / Nào ai có tiếc ai đâu?
* Dòng 4: Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô?
* Dòng 5: Người đi Tam đảo, Ngũ hồ,
* Dòng 6: Kẻ về khóc trúc thương ngô một mình / Kẻ về khóc trúc than ngô một mình / Kẻ về khóc trúc than ngô sao đành?
* Dòng 7: Non non, nước nước, tình tình,
* Dòng 8: Vì ai tươi thắm cho mình ngẩn ngơ! / Vì ai lận đận cho mình ngẩn ngơ!
(2) Trích từ bài ca trù nổi tiếng của Dương Khuê (1839 - 1902).

(3) Vũ Công Độ (1805 - ?): Người làng Vị Hoàng, tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định; nay là phường Vị Hoàng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Vốn là giám sinh trường Quốc Tử Giám. 28 tuổi, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng XIII, tức năm 1832. Bia đá còn lưu danh tại di tích Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. Làm quan đến chức Thái bộc tự khanh quyền Bố chánh Thái Nguyên.

(4) Tây hồ 西湖 (bính âm: Xī Hú) là tên gọi rất nhiều hồ ở Trung Hoa - theo thống kê của Lonely Planet thì 800 hồ - và một số quốc gia khác. Nhật Bản có hồ Saiko. Việt Nam có hồ Tây ở Hà Nội.

Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 722 (1-9-2010)
Đính kèm tệp mp3 ca khúc Người đi Tam Đảo do Phó Đức Phương phổ thơ Tú Xương, với giọng hát Duy Thường
---> Người đi Tam Đảo

Phanxipăng



Phu xe không phải kéo xe vì thuộc thơ Tú Xương

Chuyện làng văn nghệ

Phu xe không phải kéo xe vì thuộc thơ Tú Xương

LÊ HỒNG BẢO ANH

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903- 1977), quê Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên viết văn từ năm 17 tuổi, với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn “Quyết trí phiêu lưu”. Sau này ông còn là tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết, có những cuốn nổi tiếng như: “Tắt lửa lòng” (1936), “Bước đường cùng” (1938), “Lá ngọc cành vàng” (1939), “Đống rác cũ” (1957)...

Nhà thơ Tản Đà, tên thật Nguyễn Khắc Hiếu (1889- 1939) quê Khê Thượng, Ba Vì (Hà Tây cũ). Tuy Tản Đà hơn Nguyễn Công Hoan trên chục tuổi, nhưng hai ông thân nhau như anh em, đi lại bàn luận văn chương thời cuộc với nhau thường xuyên.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể rằng: Vào năm 1926, sau một vụ lụt lớn, Tản Đà rủ Nguyễn Công Hoan đi chơi mát ở Hà thành hàng giờ bằng xe tay. Người phu xe là một ông già trên dưới 60 tuổi gầy gò nên kéo xe rất chậm, mà hai vị khách văn thì to cao. Vì đi để ngắm cảnh và trút bầu tâm sự, nên họ không cần đi nhanh. Ngồi trên xe, Tản Đà say xưa nói chuyện thơ Tú Xương.

Đọc xong bài “Sông Lấp” của cụ Tú Xương, Tản Đà khoái chí khen nức nở chữ “vẳng” và chữ “giật mình”, cho là nó chan chứa kín đáo cái ngậm ngùi của một tinh thần hoài cổ. Tản Đà nói với Nguyễn Công Hoan: “Từ khi làm thơ, mình mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ “vèo” trong bài “Cảm thụ, tiễn thu”: “Vèo trông lá rụng đầy sân”.

Tiếp đó Tản Đà lại đọc bài thơ “Áo bông che đầu” của Tú Xương. Người phu xe từ nãy đến giờ vẫn kéo xe đi chầm chậm theo kiểu dưỡng lão, nhưng đến lúc này hình như không kìm nổi cái máu yêu thơ, nên ông kéo xe thong thả như muốn dừng lại.

Còn Tản Đà vẫn đang cao hứng, cứ vô tư đọc tiếp:

“Ai ơi còn nhớ hay không
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có biết ai đâu
Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô”.

Tản Đà đọc xong mấy câu sau:

“Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc than ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai tươi thắm cho mình ngẩn ngơ”

thì người phu xe bỗng đặt hai cái càng xe xuống đất đến phịch một cái, rồi quay mặt lại phía sau đối mặt với hai văn tài nói:

- Hay quá! Hay quá!

Đến lúc Nguyễn Công Hoan và Tản Đà đối thoại “lai lịch” với phu xe, mới biết rằng ông phu xe không phải là một phu xe thuần túy, mà nguyên là một thầy đồ. Vừa qua ở vùng quê thầy đồ này bị lũ lụt nặng, vì đói khổ phải ra Hà Nội làm phu xe để kiếm sống qua ngày, nên tạm “kéo xe” đó thôi.

Biết thế, hai văn nhân cho đây là bạn đồng nghiệp của mình, nên cả hai không ai bảo ai cùng nhau xuống xe, đi bộ với nhau nói chuyện thơ, rồi cùng nhau về tòa báo ở phố Hàng Long. Tản Đà mời thân mật người phu xe và nhà thơ cùng uống rượu và tâm sự sự đời, sự văn với nhau. Khi tiểu phu xe ra về, Tản Đà còn đưa cho người kéo xe một đồng bạc (thời ấy giá trị 50kg gạo).

Tản Đà là như vậy! Tài mà khiêm tốn, nghèo nhưng rộng lòng nhân ái. Lòng ông cao rộng như núi Tản, sông Đà ấy đúng với tên ông đã chọn.



Nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy toán


Rating:★★
Category:Books
Genre: Entertainment
Author:Báo TNTP


Nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy toán

Báo TNTP

Ít người biết rằng nhà văn Nguyễn Công Hoan - một trong những cây bút xuất sắc trên văn đàn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, lại từng là giáo viên dạy Toán tại Trường Văn hóa - Quân nhân trung cấp (thuộc Bộ Quốc phòng). Một lần, trong giờ lên lớp, ông ra đề toán cho học viên mang về nhà làm. Hôm sau, khi học viên yêu cầu chữa bài, không rõ đang “lơ tơ mơ” thế nào mà nhà văn lại giải đáp số về số người là... số thập phân!
Mọi người ai nấy thắc mắc thì ông trả lời một cách... rất trào phúng:
- Ờ ờ... nó cũng giống như các đồng chí đi đánh trận bắt được tù binh, có đứa què, đứa cụt... chẳng phải số thập phân là gì?

Nghe ông chống chế vậy, các học viên đều bật cười vui vẻ!


Ngày cập nhật: 30/12/2006 14:31

Chỉ là ông... mô phạm - Việt Lâm, Tường Duy


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author: Việt Lâm

Chỉ là ông... mô phạm


Việt Lâm

Nhà văn Nguyễn Công Hoan, ngoài tài sáng tác còn nổi tiếng là người hóm hỉnh. Sự hóm hỉnh thể hiện rõ nhất ở cách nói vừa đủng đỉnh... như không, lại vừa rất ngắn gọn, mang tính... đúc kết của ông. Có lẽ vì thế mà nó càng gây ấn tượng với người nghe.

Ngay khi mới ở độ tuổi ngoài ba mươi một chút, với những truyện ngắn đặc sắc, Nguyễn Công Hoan đã được người đương thời xem như một Môpátxăng (Guyde Maupassant - nhà văn Pháp nổi tiếng thế kỷ XIX) của Việt Nam. Một lần, tại quán ăn, nhà văn Thạch Lam đã chỉ vào Nguyễn Công Hoan, giới thiệu với nhà văn Thanh Tịnh:
- Đây là anh Nguyễn Công Hoan, một Môpátxăng của ta.

Mới nghe tới vậy, Nguyễn Công Hoan quay sang Thanh Tịnh, hóm hỉnh giải thích:
- Anh Thạch Lam gọi tôi là ông Môpátxăng. Không phải đâu. Tôi chỉ là ông Mô, không phải mô phỏng, mà là... mô phạm. Chẳng là tôi làm nghề "gõ đầu trẻ" ấy mà...

Hồi cải cách ruộng đất, có anh chàng mặc dù thuộc thành phần ăn trắng mặc trơn song lại khai mình thuộc thành phần công nhân. Thậm chí, anh ta còn "khoe" với mọi người rằng nhân vật phu kéo xe trong truyện ngắn "Người ngựa, ngựa người" của Nguyễn Công Hoan chính là bố đẻ của anh ta, rằng "Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã gặp bố tôi để lấy tài liệu sáng tác".


Trước sự bán tín bán nghi của người đời, Nguyễn Công Hoan không cải chính, chỉ... trầm trồ:
- Tài thật. Nếu hắn viết văn, chắc sẽ sáng tác giỏi hơn tôi nhiều. Khéo đến bậc thầy.

Chẳng là, Nguyễn Công Hoan từng có lần định nghĩa "viết tiểu thuyết là bịa như thật". Ông tỏ ra... khâm phục cái sự "bịa như thật" của anh chàng nói trên.

Có một thời, phụ trách công tác đối ngoại ở Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Sau nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đến nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tiếp sau nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Tế Hanh đảm trách công việc này. Khi bàn giao công việc mới cho Tế Hanh, Nguyễn Công Hoan chỉ dặn mấy câu ngắn gọn:
- Ông Sanh giao cho mình một ngày mới hết. Giờ mình chỉ nói với ông một phút thôi. Đối ngoại là việc rất khó nhưng cũng rất dễ. Vì những nhà văn nước ngoài họ đến rồi họ đi. Để họ nói nhiều, còn ông nói ít thôi...

Về kinh nghiệm viết văn, Nguyễn Công Hoan thường nói rất ngắn gọn. Ông từng căn dặn các nhà văn trẻ: "Nghề viết phải học lỏm, học mót, học thế nhớ lâu. Người ta nói một, mình phải hiểu mười. Phải tinh mới được, phải láu mới được". Thậm chí, có lúc cao hứng, ông còn khuyên nhủ các đồng nghiệp: "Muốn viết văn hay, phải... yêu nhiều". Và, nói tới đây, ông lấy... chính mình ra làm ví dụ.





Chuyện những nhà văn từng đi dạy học

Không phải ông Môpátxăng mà là ông… mô phạm

Tường Duy

Thời trẻ, nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) từng là thầy giáo dạy tiểu học. Dấu ấn nghề giáo không chỉ thể hiện trong văn chương của ông mà còn thể hiện trong cuộc sống đời thường, kể cả sau này ông đã giã từ nó để chuyên tâm vào nghề viết...

Thời trẻ, nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) từng là thầy giáo dạy tiểu học. Dấu ấn nghề giáo không chỉ thể hiện trong văn chương của ông (qua một số tác phẩm như truyện ngắn "Thầy cáu", tiểu thuyết "Cô giáo Minh"…) mà còn thể hiện trong cuộc sống đời thường, kể cả sau này ông đã giã từ nó để chuyên tâm vào nghề viết.

Nhà văn Tô Hoài từng kể lại câu chuyện Nguyễn Công Hoan muốn "truyền nghề" cho ông: "Ông căn dặn: Nghề viết phải học lỏm, học mót, học thế nhớ lâu. Người ta nói một, mình hiểu mười, phải tinh mới được, phải láu mới được. Này, tôi bảo anh… phải láu mới được". Và Tô Hoài đã có một nhận xét sắc sảo về cử chỉ của bậc đàn anh khi nói với ông những lời khuyên nhủ trên: "Lúc ông nói thế, hai bàn tay xòe thẳng, giơ ngang, khi mở rộng, khi thu hẹp, ông đương giảng làm ví dụ hệt như thầy giáo đứng trước bảng đen. Nghề dạy học đã làm ông có thói quen cử chỉ nghề nghiệp ấy".

Cũng vẫn liên quan tới nghề giáo, sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan còn để lại một giai thoại vui sau đây:

Mùa hè năm 1938, trong một lần kéo nhà văn Thanh Tịnh tới dùng bữa ở nhà hàng Đông Hưng Viên trên phố Hàng Buồm, bất chợt nhà văn Thạch Lam bắt gặp Nguyễn Công Hoan cũng đang ăn ở đây.

Thấy Thanh Tịnh lạ lẫm, không biết vị khách là ai, Thạch Lam bèn niềm nở giới thiệu với Thanh Tịnh: "Đây là anh Nguyễn Công Hoan, một Môpátxăng của ta" (Môpátxăng là một nhà văn nổi tiếng của nước Pháp, rất sở trường về thể loại truyện ngắn. Sinh thời, tài viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan cũng từng được các nhà nghiên cứu văn học liên hệ với Môpátxăng). Nghe bạn giới thiệu vậy, Nguyễn Công Hoan vội tìm cách cải chính.
Ông hóm hỉnh: "Anh Thạch Lam gọi tôi là ông Môpátxăng. Không phải đâu. Tôi chỉ là ông Mô, không phải mô phỏng, mà là mô phạm. Chả là tôi làm nghề "gõ đầu trẻ" mà…". Thật là một cách đùa thông minh, vừa thể hiện được sự khiêm tốn vừa khéo léo giới thiệu được nghề sư phạm của mình.




Nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy học ở Lào Cai





Nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy học ở Lào Cai

TRÍ TÂM

 

Từ năm 1929 đến 1931, Nhà văn Nguyễn Công Hoan đă dạy học ở Lào Cai. Nhà văn Lê Minh, con gái Nguyễn Công Hoan đã kể về cha mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11:
"... Ngày bé, cho mãi đến sau này, hình ảnh người cha đối với tôi vẫn là hình ảnh một người thày giáo. Lúc trẻ, tôi càng không nhìn cha mình là nhà văn để mà đi theo nghề ấy. Nhà văn Nguyễn Công Hoan thì hầu như bây giờ ai cũng biết. Thế nhưng ở các trường cũ ông dạy học thì người ta vẫn nhớ ông là thầy giáo Hoan. Ví dụ ở trường Lào Cai, nơi ông đã dạy. Thầy giáo thời xưa, cái thời Pháp thuộc, có một chế độ: phải đi vùng nước độc một lần. Ai cũng phải đi một lần. Lần ấy ông đi Lào Cai. Lúc bấy giờ là vùng nước độc. Heo hút, kinh lắm. Lên vùng nước độc thì ông chỉ đi một mình, không dám mang theo vợ con.

Tính ông thích cây cối. Ông đã giồng một hàng cây có tên là cây tếch, còn gọi là cây báng súng...

"...Ông là một ông giáo nghiêm đấy, nghiêm với học trò đấy, nhưng mà vui tính lắm. Thương học trò. Thế cho nên học trò nể thầy, quý thầy chứ không có cái sự sợ hãi thầy..."

(Văn nghệ Trẻ- 23 tháng 11 năm 2003)
Trong một dịp nói về kinh nghiệm viết văn của mình, Nguyễn Công Hoan nhắc đến kỷ niệm: Khi dạy học ở Lào Cai, ông vẫn đều đặn viết truyện ngắn gửi về đăng báo ở Hà Nội. Với đồng lương của một nhà giáo tiểu học, ông phải tìm loại giấy mỏng và nhẹ, phải tính toán số tờ giấy thế nào để mỗi lần gửi truyện về Hà Nội không phải mất thêm tiền tem. Biện pháp hữu hiệu hơn cả là ông cố gắng viết ngắn. Ngắn gọn và súc tích, đó là một đặc điểm trong phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

Trong tác phẩm viết theo cách gọi của riêng ông, là "Nhớ gì ghi nấy", ông ghi về Lao Cai những năm 1929 -1931 dưới thời Pháp thuộc:
"... Ở các tỉnh biên giới Việt Trung, vì người thưa, ruộng ít, công quỹ của tỉnh phải trông vào sòng bạc được phép mở công khai để lấy thuế.

Ở Lào Cai có một sòng. Bên kia Lào Cai là Cốc Lếu, (hai bờ sông Hồng), có một sòng. Dưới Lào Cai 2 cây số, là ga Phố Mới, có một sòng. Ở lào Cai, sang sông Nậm Ti (*), địa phận Trung Quốc, có một sòng. Ngòài ra, các châu lỵ nào, các chỗ đông dân nào cũng có một sòng..."

Ông kể về tệ nạn buôn thuốc phiện thời ấy:
"...Người buôn thuốc phiện lậu luôn luôn thay đổi mánh khóe. Nhà Đoan không tài nào biết được. ..

Qua nhà Đoan Lào Cai, Yên Bái, Việt Trì thì thoát được về Hà Nội... Nhưng thường những người buôn bán lớn phải thông lưng với nhà Đoan. Cho họ ăn thì họ lờ đi. Nhưng muốn nhà Đoan khỏi bị nghi, thỉnh thoảng họ cũng xui nhà Đoan bắt những chuyến nhỏ.

Nhà Đoan dùng Tây lai làm việc bắt thuốc phiện lậu. Bọn này gọi là phó Đoan. Có ngạch lưu động và có ngạch cố định. Phó Đoan cố định thì bắt ở trong tỉnh.

Lưu động thì được bắt trong cả một vùng. Muốn chở thuốc phiện được êm thấm, thì người phó Đoan lưu động ngồi ngay trên bè tải thuốc phiện. Đi qua nơi nào, nếu nhà Đoan cố định đòi khám, thì anh lưu động nhận là mình đã khám và bắt rồi, đương tải về Hà Nội.

Năm 1930, ở Lào Cai có một công ty buôn thuốc phiện rất lớn. Việc vỡ lở, Tây phải phái một tên giám đốc chính trị và hành chính (**)Bắc Kỳ Pu- lê O- di-ê lên điều tra. Lính Đoan khai cho đội Đoan, đội Đoan khai cho phó Đoan, cuối cùng, giám đốc công ty bị lột mặt nạ, là tên chánh Đoan Yên Bái, tên là Mác- tanh. Một số quan lại và nhà giầu Việt Nam cũng có cổ phần trong công ty..."

Vốn ghét bọn thực dân, Nguyễn Công Hoan quan sát chúng rất kỹ. Ông kể:
"... Ngày bé, còn đi học, xe điện đỗ ở chợ Đồng Xuân, thì mình thường thấy một thằng Tây, người lùn, cạo tọc, đi lảng vảng ở phía ngoài chợ. Hỏi ra biết là thằng mật thám.

Năm 1929, mình lên Lao Cai làm giáo học, thì thấy thằng này làm chánh mật thám ở tỉnh này. Tên nó là Rôbert..."(***)
Trong tiểu thuyết Đống rác cũ và một số truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan đã sử dụng một số tư liệu đời sống ông đã quan sát được trong những năm dạy học ở Lào Cai. Qua mấy nét ghi lại từ ký ức nói trên, Nguyễn Công Hoan đã cho chúng ta hình dung được một phần hiện thực xã hội Lào Cai dưới chế độ thực dân phong kiến.

Khi tỉnh Lao Cai tái lập, trường Trung học Cơ sở của phường Lào Cai đã vinh dự mang tên Nhà văn, Nhà giáo Nguyễn Công Hoan.

TRÍ TÂM




Trường cũ của nhà văn Nguyễn Công Hoan - Lê Toán


Rating:
Category:Books
Genre: History
Author:Lê Toán

Trường cũ của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Trường Tiểu học Trà Cổ qua gần một thế kỷ.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan vào đời bằng nghề dạy học, Ông đã dạy học khắp nơi, từ Hải Dương, lên Lào Cai, ra tận Trà Cổ. Tại Trà Cổ, nhà văn đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Bước đường cùng” để “trang trải món nợ lòng với anh em cộng sản ở Nam Định”, như ông nói.

Chúng tôi biết những điều trên qua văn học sử và điều đó ám ảnh chúng tôi về một ngôi trường, nơi nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dạy học tại Trà Cổ – nơi bắt đầu chữ S của hình Tổ quốc.

Đến Móng Cái lần đầu, chúng tôi hỏi; Lần hai, hỏi; Lần ba, cũng hỏi. Hỏi mãi, có người trả lời: hình như ngôi trường ở gần đình Trà Cổ (một di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc). Nhiều người cho biết: ngôi trường đổ nát từ lâu, nay chỉ còn một bức tường nhưng khi chúng tôi đến nơi, điều kỳ diệu đã xảy ra: Ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn!

Ngôi trường hiện là ngôi nhà cấp bốn, gồm 2 phòng học và 1 phòng làm việc của giáo viên. Tường xây bằng gạch chỉ, trát vôi hà (loại vôi nung từ những loài hải sản có vỏ bằng đá vôi), tường vàng, quét vôi, chúng tôi còn nhận thấy lớp vôi gốc quét lần đầu và 4 lớp vôi quét sau. Ngói, là những viên ngói ghi chữ Pháp, sản xuất từ đầu thế kỷ XX. Đầu hồi ngôi nhà ghi năm xây dựng 1922.

Chúng tôi đến nhà một học trò của nhà văn Nguyễn Công Hoan hiện sinh sống gần ngôi trường. Người học trò ấy tên là Đoàn Trấn, sinh năm 1923. Cụ kể:
- Hiện nay, học trò của thầy Nguyễn Công Hoan ở Móng Cái chỉ còn 2 người còn sống là tôi và Trần Huy Liêm, sinh năm 1926. Ngôi trường của chúng tôi là trường Tiểu học Trà Cổ. Trường xây dựng từ năm 1922 do ông Bùi Chu tự bỏ tiền đầu tư. Ông Bùi Chu quê ở Trà Cổ, là lão thành cách mạng và mới mất cách đây vài năm. Thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Phạm Văn Khang. Thầy Nguyễn Công Hoan làm Hiệu trưởng trường năm 1938.



Trường còn có thầy Ngô Văn Thọ, quê ở Gia Viễn (Ninh Bình), thầy Lê Huy Trì. Chúng tôi được học thầy Nguyễn Công Hoan từ ngày 1-9-1938 đến tháng 6-1939.

Thầy rất yêu quý chúng tôi, dạy chúng tôi học chữ và dạy chúng tôi cách làm người. Tôi và Trần Huy Liêm đều từng theo thầy làm nghề dạy học. Người dân Trà Cổ yêu quý thầy và chịu ơn thầy. Nhiều năm sau, thầy vẫn giữ mối liên lạc và tình cảm đặc biệt với nhân dân Trà Cổ và các học trò của mình.

Cụ Đoàn Trấn cho chúng tôi xem một lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan, gửi ngày 17-3-1974, trong đó nhà văn gọi học trò của mình là “anh”.

“Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1974

Thân gửi anh Đoàn Trấn.

... Hè này, thế nào tôi cũng ra (Trà Cổ). Cả nhà tôi với em Hồng, cùng vài cháu nội, cháu ngoại nữa. Anh còn nhớ Hồng không? Nay Hồng đã có 4 con, con lớn là kỹ sư, còn ba con nhỏ học ở đại học cả rồi... Nay Hồng cũng viết văn, lấy tên là Lê Minh”.

Thư gửi đi từ 66, Thợ Nhuộm, Hà Nội. Trên bì thư dán con tem kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giá tem 20 xu.

Trường Tiểu học Trà Cổ mà thầy giáo – nhà văn Nguyễn Công Hoan từng làm hiệu trưởng nay nằm trong khuôn viên của trường Tiểu học Trà Cổ lớn. Mái trường cổ vẫn bố trí một lớp học. Chúng tôi bước vào lớp. Các em vẫn ngồi hướng về phía Đông như các học trò đã ngồi cách đây 66 năm. Đó là hướng nhìn về phía mặt trời. Lớp học gần 100 năm tuổi như vẫn thấp thoáng đâu đây bóng dáng của nhà giáo – nhà văn sừng sững của Việt Nam - Nguyễn Công Hoan.



Xem: Ngồi với người học trò nhà văn Nguyễn Công Hoan



Nghe sách báo nói thế! - Xuân Tùng


Rating:★★
Category:Books
Genre: Literature & Fiction
Author:Theo Giai thoại làng văn VN của Xuân Tùng

Nghe sách báo nói thế!

(22/6/2011)



Nhà văn Nguyễn Công Hoan được mời đến giảng về truyện ngắn cho lớp viết văn trẻ khóa 4 trường Nguyễn Du.

Ông nói:
- Truyện ngắn sau Cách mạng tháng 8 hay hơn truyện ngắn thời trước rất nhiều. Truyện ngắn càng ngày càng hay...

Một học viên giơ tay hỏi:
- Thưa bác, bác có thể nêu một tác giả tiêu biểu và một truyện ngắn hay sau Cách mạng không ạ?

Nguyễn Công Hoan cười to:
- Tôi có đọc truyện nào đâu mà nêu?
- Sao vừa rồi, bác lại nói thế ạ?

Nguyễn Công Hoan thản nhiên:
- Thì tôi nghe sách báo nói thế, tôi cũng nói thế!

Cả lớp học cười ồ.

ST (Theo Giai thoại làng văn VN của Xuân Tùng)


Văn và đời - Chuyện về Nguyễn Công Hoan - Phạm Khải


Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Phạm Khải

Văn và đời - Chuyện về Nguyễn Công Hoan



Nhớ về Nguyễn Công Hoan, bạn bè, đồng nghiệp thường nhớ về một con người thông minh, ưa hài hước, với những giai thoại vui trong đời thường và những kỷ lục văn chương...

Nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được xem là "người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán" (như nhận xét của GS Phan Cự Đệ). Mặc dù trong cuộc sống, Nguyễn Công Hoan từng nếm trải những mất mát, thương đau (mẹ ông và một số người thân trong gia đình bị bom địch sát hại; em trai và con đẻ hy sinh trên đường công tác), song ông cũng là người luôn biết kiềm chế những nỗi niềm riêng của mình.

Khi nguyên mẫu... sinh sự với nhà văn - Nguyễn Đăng Tuấn, Nguyễn Đình Hải


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Đăng Tuấn

Khi nguyên mẫu... sinh sự với nhà văn (Trích)


Nguyễn Đăng Tuấn
(...)
Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong truyện ngắn "Chiều khách" in báo Phong Hóa quãng những năm ba mươi của thế kỷ trước có kể chuyện một cô gái đi hội chợ bị một chàng trai đuổi theo tán tỉnh. Tác giả cho cô gái là con một ông chủ hiệu thợ may Đại Ích ở phố Hàng Đường. Tên hiệu có thật và rắc rối bắt đầu ở đấy. Truyện in ra, nhà văn nhận được thư của chủ hiệu Đại Ích bắt phải cải chính, nếu không sẽ đưa ra tòa.

Dò mãi, nhà văn mới hay rằng, chủ hiệu Đại Ích làm thế chẳng qua vì ế khách, muốn qua lời xin lỗi của nhà văn mà quảng cáo cho cửa hiệu của mình (chuyện tương tự một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu thích gây xìcăngđan để "hun nóng" tên tuổi mình hiện nay).

Nguyễn Công Hoan đâu có vừa. Ông gửi thư cho chủ hiệu Đại Ích, cung kính gọi ông ta bằng "cụ", xin "cụ" cung cấp mấy thông tin để "nhà văn tôi" dễ bề "cải chính". Ấy là: "Cụ" có con gái không? Tiểu thư có đẹp không? Có chồng chưa? Có đi hội chợ và có bị ai "chim" không? Cuối cùng, xin "cụ" thử hỏi tiểu thư xem tên người "chim" tiểu thư là gì, có là tôi hay không?

Tất nhiên, với những câu hỏi "móc máy" như trên, chủ hiệu Đại Ích chỉ còn nước lặng im, không dám hồi âm. Vụ việc nhờ thế mới được dập tắt...







Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XX. Ông đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên, năm 1996. Lâu nay, độc giả biết đến ông qua nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn. Song có lẽ ít ai biết ông từng viết truyện trào phúng và làm thơ...

Nguyễn Công Hoan ngoài viết tiểu thuyết, truyện ngắn hiện thực phê phán còn có tài viết truyện trào phúng, có lần vì thế bị người ta dọa đưa ra tòa. Chuyện do nhà văn kể. Năm ấy, ông gửi đăng truyện Chiều khách trên báo Phong hóa của Nguyễn Tường Tam. Đó là một truyện ngắn vui, lấy đề tài một hiệu thợ may hay chiều khách. Có một chàng thanh niên thường vào hiệu mua hàng, vì nhà ấy có một cô con gái khá xinh. Mỗi lần ông tiếp anh ta thì lúc nào cũng lễ phép, nhã nhặn, một điều “thưa ông”, hai điều “thưa ông”. Nhân có Hội chợ, hai bố con vào xem. Chàng thanh niên kia cũng vào. Thấy bóng con gái, anh ta đuổi theo tán tỉnh. Nhưng cô kia không bắt chuyện, cứ che ô làm ngơ như không hay biết gì. Ông bố đi sau, thấy nhố nhăng, mà kẻ vô lễ kia chính là ông khách hàng vẫn được mình thưa gửi rất lễ phép, định cho ông ta một vố. Ông rảo bước cho kịp con, rồi lấy tay đập vào mái ô của con bảo: “Kìa con. Ông hỏi. Con trả lời ông đi”.

Tên hiệu thợ may thì nhà văn lấy tên một hiệu thợ may người khách phố Hàng Đường: Đại Ích. Cũng không có ý gì, chẳng qua nhớ tới thì dùng, còn nhân vật “chàng thanh niên” thì nhà văn đặt vào ngôi thứ nhất (tôi) cho thêm phần hài hước.

Truyện đăng báo. Ít lâu sau, nhà văn nhận được thư của hiệu may Đại Ích bắt phải lập tức cải chính lên báo, bằng không sẽ đưa ra pháp luật.
Nhà văn vừa lo, vừa giận. Lo là lo sẽ đối phó làm sao đây? Giận là giận Nguyễn Tường Tam, làm chủ nhà báo mà tránh trách nhiệm không giữ bí mật nhà nghề, để phủi tay, đã cho ông Đại Ích biết địa chỉ của người gửi đăng bài. Huống chi Nguyễn Tường Tam với Nguyễn Công Hoan không xa lạ gì nhau. Nhưng rồi nhà văn cũng nghĩ ra cách đối phó. Ông đoán và đoán không sai rằng tay này láu cá, bắt mình cải chính chỉ cốt mình quảng cáo không công cho hiệu may đang ế khách mà thôi. Óc con buôn bao giờ cũng hay tính toán ranh mãnh, lặt vặt. Ông Đại Ích định chơi thì chơi lại, chứ không kém cạnh. Rồi xem ai chịu thua ai.

Trong thư trả lời, nhà văn rất lễ phép, gọi ông Đại Ích là “cụ” cẩn thận. Nhiều câu làm ra vẻ sợ sệt cho ông ta sướng và nói vì sơ ý, mà viết truyện lại lấy tên hiệu may Đại Ích, nay “cụ” bắt cải chính thì xin vâng theo. Nhưng muốn cải chính cho khỏi sai sự thật thì xin cụ cho biết đúng những điều sau đây: Một là cụ có con gái không? Hai là tiểu thư có đẹp không? Bao nhiêu tuổi? Có chồng chưa? Ba là, tiểu thư có đi hội chợ không? Và có bị ai chim không? Và nếu có, cụ thử hỏi lại tiểu thư xem người chim tiểu thư tên là gì, có là tôi hay không?”.

Thì ra nhà văn đã điều tra từ trước, nhà Đại Ích không có con gái. “Thư ấy gửi đi, đến nay quá một phần tư thế kỉ mà tôi vẫn chưa nhận được cụ Đại Ích trả lời. Chắc cụ đã “tíu” tôi nhiều lần”. Nhà văn cười hóm kết thúc câu chuyện vừa kể. Thật là quýt dày có móng tay nhọn!



Nguyễn Đình Hải










Nhà văn Nguyễn Công Hoan “thiếu vốn sống” - Lê Hồng Bảo Uyên


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Lê Hồng Bảo Uyên (Hưng Yên)


Nhà văn Nguyễn Công Hoan “thiếu vốn sống”



Năm 1974, khi đã ở tuổi 71, Nguyễn Công Hoan là tác giả kỳ cựu trong làng văn với hàng chục cuốn tiểu thuyết, trong đó các cuốn Bước đường cùng; Đống rác cũ; Người ngựa, ngựa người; Những thằng khốn nạn... Để có được một lượng tác phẩm như vậy, hẳn Nguyễn Công Hoan phải là người có rất nhiều vốn sống. Vậy mà ông vẫn luôn cho rằng là mình thiếu vốn sống.

Năm 1974, Nguyễn Công Hoan nhờ nhà nghiên cứu văn học Lê Thị Đức Hạnh (người đã viết chuyên luận về đời văn của Nguyễn Công Hoan) đến Thư viện Quốc gia Hà Nội (phố Tràng Thi) tìm thêm mấy cuốn truyện ngắn của ông bị thất lạc. Ông hẹn chị Hạnh hôm nào qua nhà rủ ông cùng đi. Khi chị Hạnh đến nhà (66 Hàng Bông Nhuộm) thì ông lại ngập ngừng, tỏ vẻ ái ngại: "Hay thôi, tôi cũng chẳng đi nữa. Tôi chưa có thẻ thư viện, mà cũng chưa kịp xin giấy giới thiệu của Hội Nhà văn, sợ người ta không cho vào?"


Chị Hạnh khuyên ông cứ đi, chắc nói với người ta rồi cũng mượn được. Nghe chị Hạnh nói vậy, nhà văn Nguyễn Công Hoan đồng ý cùng đi.
Đến cửa thư viện, chị Hạnh tiến lên trước nói với người thường trực: "Đây là nhà văn Nguyễn Công Hoan, chưa có thẻ, mong bác linh động một chút".

Bác thường trực cúi chào nhà văn, trịnh trọng nói:
- Xin mời bác vào!

Chị Hạnh được thể quay sang nói với Nguyễn Công Hoan:
- Thế mà bác cứ lo không được vào. Ai mà chả biết tên tuổi nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Lúc này Nguyễn Công Hoan mới cười rất vui vẻ, rồi nhìn nhà nghiên cứu văn học trẻ Lê Thị Đức Hạnh, nói:
- Đúng là tôi còn thiếu vốn sống thật.


Một câu chuyện rất bổ ích cho các nhà biên tập báo, sách…

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”


Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”



Nhà báo, nhà văn nước ta, dưới thời thuộc Pháp viết, in “cái gì” đó chống lại chính quyền, “cổ động lòng yêu nước”, có “dấu hiệu kích động”, tuyên truyền Cộng sản”, đều bị một cơ quan gọi là “Ty kiểm duyệt” cắt, bỏ, có khi hàng chục trang.


Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, nhà văn Nguyễn Công Hoan được phân công vào đúng các việc của Ty kiểm duyệt. Trong cơ quan mới có chàng nhân viên chế độ cũ, đã từng cắt bỏ văn chương của bao nhiêu người, trong đó có ông Hoan. Vì vậy, nhà văn có ý không “đằm thắm” lắm với chàng nhân viên này, đôi lúc còn nói cạnh:
- Xưa kia, anh này vẫn xóa bài của ta.

Việc đến tai Bác. Một lần Bác mời nhà văn đến gặp. Sau đây là cuộc trao đổi:
- Ngày trước chú có viết báo phải không?
- Vâng ạ.
- Có bị “kiểm duyệt bỏ” bao giờ không?
- Thưa cụ, nhiều lắm ạ.
- Thế chú có ưa kiểm duyệt không?
- Thưa, không ạ.
- Phải nói là ghét mới đúng. Thế bấy giờ làm kiểm duyệt chú “xóa bỏ” của người ta thì chứ thử đoán xem người ta có yêu chú không?

Đến đây thì nhà văn “tắc tị”. Bác cười rồi nhẹ nhàng nói:
- Kiểm duyệt và báo chí phải thân với nhau. Người ta đã đặt hết tâm trí mới viết ra được bài bào, cũng như đẻ một đứa con. Nay, mình thấy cái mặt hay cái tay của đứa bé có vết chàm, có mụn ghẻ thì nên bào cho người mẹ chữa cho cháu và mách cách chữa như thế nào. Nếu mình lại chặt cái mụn, cái tay ấy đi thì đứa bé còn ra hình thù gì nữa. Đời nào bố mẹ cháu bé đồng tình với mình. Vậy khi ấy chú có biết người ta oán ai không?



Đến đây thì nhà văn trả lời được:
- Dạ, thưa cụ, họ oán chính quyền ta ạ.
- Đúng, chú nói đúng. Họ không oán chú đâu. Họ oán chính quyền. Chính quyền là của nhân dân. Cơ quan ngôn luận, báo chí cũng là của nhân dân. Chính quyền phải giúp báo chí, ngôn luận tiến bộ.

Bác giơ tờ báo “Quốc gia” cho nhà văn xem, trên đó chằng chịt những nét gạch chì xanh, đỏ, kể cả quảng cáo. Bác cho biết nét gạch xanh là lỗi về chính trị, gạch đỏ là lỗi về chữ nghĩa văn chương.

Nhà văn báo cáo:
- Thưa cụ, “cái” tờ này bài viết kém, in ấn cũng kém, cháu ngại nhất là đọc “nó”.

Chủ tịch nước ôn tồn:
- Báo người ta kém, minh càng phải đọc giúp họ chứ.

Mấy hôm sau Hồ Chủ tịch họp báo. Người hỏi:
- Báo “Quốc gia” đâu?
- Dạ, thưa có.

Bác cầm tách cà phê, chia đôi cho nhà báo đại diện “Quốc gia” một nửa, nói:
- Thưởng cho chú để cố gắng.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan có mặt ở đấy, đứng như trời trồng.