Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Nhà văn Nguyễn Công Hoan: Viết “hay như…Tây” nhưng không sính… truyện Tây - Phạm Thành Chung



Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Entertainment
Author:Phạm Thành Chung

Nhà văn Nguyễn Công Hoan:
Viết “hay như…Tây” nhưng không sính… truyện Tây

Phạm Thành Chung

Nguyễn Công Hoan là một cây bút cự phách của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Sức đọc và sức viết của ông thật đáng kính nể. Ông cũng nổi tiếng tinh thông lịch sử, am hiểu và có nhiều ý kiến xác đáng về một số nhà văn trong nước thời kỳ cổ, cận đại.


Mặc dù sinh thời, ông từng được Thượng thư Bộ lại Chính phủ Nam triều là Phạm Quỳnh nhận xét rằng: “Truyện viết hay như Tây”, song có một điều rất lạ là bản thân Nguyễn Công Hoan lại rất ít đọc sách nước ngoài và dường như ông còn giữ một thái độ “kính nhi viễn chi” với một số tác giả vốn dĩ vẫn được người đời sùng mộ.

Thậm chí, trong cuốn hồi ký “Đời viết văn của tôi”, ông còn cho biết, có những tác phẩm thuộc hàng kinh điển nhưng ông chỉ đọc được ít trang rồi bỏ dở.

Ông kể, ngày còn đi học, ông được một người thân cho ba đồng bạc để mua sách. Ông góp thêm chút nữa thì mua được bộ tiểu thuyết “Bá tước Môngtơ Crítxtô” (bấy giờ được dịch sang tiếng Việt là “Ngọc Sơn bá tước”) của văn hào Pháp Alếchxăng Đuyma.

Sách mua về, ông đọc ngay và mặc dù “Đọc có một chương đầu thôi, tôi đã thấy ngay là truyện viết rất tài, rất hấp dẫn” nhưng “tôi chỉ đọc có chương đầu, đề là Nghĩa trang của lâu đài If, rồi bỏ. Bộ truyện từ đó chỉ dùng cho bạn mượn. Còn tôi, tôi không đọc nốt”. Và nhà văn tương lai lý giải điều này “vốn tôi không phải là người có tính mê truyện” và “sự chơi có sức hấp dẫn tôi mạnh hơn tài viết truyện của nhà tiểu thuyết trứ danh nước Pháp”.

Chúng ta đều biết, ở thể tài truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan từng được một số bậc thức giả xếp ngang với các “đại gia” trong lĩnh vực này như Antôn Tsêkhốp của Nga và Guy đờ Môpátxăng của Pháp.

Song, vẫn theo Nguyễn Công Hoan tiết lộ thì khi ông được một người bạn cho mượn một tập truyện truyện ngắn của Môpátxăng thì ông cũng “chỉ đọc có truyện đầu là truyện Lão ăn mày, rồi không xem thêm nữa”. Lý do là bởi vì ông đang để tâm “nghiên cứu cách viết truyện dài”.

Đến khi mượn được bản dịch bộ “Những kẻ khốn nạn” (sau này được dịch lại là “Những người khốn khổ”) của Víchto Huygô, dày tới 11 quyển, ông đã “cố đọc”, nhưng “cũng chỉ được gần một nửa thì tôi bỏ dở”. Lý do “Cả Guy đờ Môpátxăng và Víchto Huygô đều không dạy tôi thêm mánh khóe viết tiểu thuyết tài tình hơn Alếchxăng Đuyma”.

Không chỉ với nền văn học Pháp, ngay với văn học Nga và các nước có bề dày văn hóa khác, Nguyễn Công Hoan cũng không mấy “mặn mà”.


Đọc những bài bút ký xuất ngoại của ông, ta rất ít thấy ông nhắc tên nhà văn này, nhà văn khác mà ông từng gặp, hoặc nếu có, như với các nhà văn thuộc Liên Xô trước đây là Antôkônxki, Simônốp, Pôlêvôi (những tác giả từng có sách được dịch ở Việt Nam) thì đó cũng vẫn là những người mà có lúc ông “chỉ nhớ mặt nhưng quên tên” và “đọng lại ở trong óc tôi hình ảnh một người mang tên chung là nhà văn Liên Xô” mà thôi.

Là người ngay từ khi bước chân vào nghề đã ý thức phải viết sao cho trang văn mang đậm hồn cốt Việt Nam, Nguyễn Công Hoan đã không ít lần đưa ra nhận xét: “Đối với tôi, ảnh hưởng trường học của Pháp, ảnh hưởng sách báo nước ngoài không có mấy”.

Tuy nhiên, với những gì ông đọc, dù là ít, ở xứ người cũng vẫn khiến ông nhiều lần phải “sửa đi sửa lại cách đặt câu, cách dùng tiếng, cho lời văn giữ vững bản sắc dân tộc, không lẫn với văn dịch”.

Không chỉ vậy, sau này ông còn khuyên các nhà văn trẻ nếu có “học tập kinh nghiệm nước ngoài để bồi bổ cho ta nâng cao nghiệp vụ trong sáng tạo” thì cũng “không nên bắt chước đề tài của người ta”.

Như vậy là lý do khiến nhà văn lớn của chúng ta “ngại” đọc sách văn học nước ngoài không phải đơn thuần như ông nói là do ông “không phải là người có tính mê truyện”, mà do ông chủ trương giữ mình cho “thuần Việt”.

Điều này càng thể hiện rõ ở đoạn hồi ức ông viết khi sắp bước vào tuổi 70: “Tự nhiên tôi sực nhớ lại hồi bấy giờ, có một số khá đông người viết truyện, nhưng không phải truyện Việt Nam. Họ học hành trong sách vở rất nhiều. Tác giả nào của Pháp hay của Anh, họ đều thông thạo… Tiểu thuyết của họ chẳng khác gì tiểu thuyết của ngoại quốc in trong các báo bằng tiếng Pháp. Giống cả từ truyện đến tâm lý và ngôn ngữ của nhân vật… Đọc của họ, tôi thấy ngô nghê, ngớ ngẩn một cách thảm hại. Truyện của họ xa độc giả, tức là xa thực tế Việt Nam”.

Điều Nguyễn Công Hoan phê phán, tiếc thay, đến nay vẫn không phải là hiện tượng cá biệt.

Có thể hiện thời, quan điểm đọc sách và cách chọn sách đọc của Nguyễn Công Hoan chỉ đúng với riêng ông, và không phù hợp với xu thế chung, nhưng có một điều chắc chắn là, suốt một đời vất vả sáng tạo, Nguyễn Công Hoan đã dâng hiến cho bạn đọc những tác phẩm thấm đẫm phong vị và cốt cách con người Việt Nam.

Như lời một người bạn gái của ông nhận xét thì đó đúng là “truyện Việt Nam của người Việt Nam viết bằng văn Việt Nam cho người Việt Nam đọc” - một nhận xét chí lý được tác giả coi trọng hơn mọi lời khen và là phương châm sáng tác suốt đời của ông

5:40, 30/09/2007



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉