Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2025

Review Sách Tắt lửa lòng - Nguyễn Công Hoan


Review Sách Tắt lửa lòng - Nguyễn Công Hoan

Người review: Ngọc Xuân


Tắt lửa lòng

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Tiểu thuyết lãng mạn
Người review: Ngọc Xuân




Tắt lửa lòng là quyển tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến, và rất nhiều người chuyển thể thành vở kịch, bản nhạc khác nhau. Soạn giả Trần Hữu Trang đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương "Lan và Điệp" năm 1936. Và cái tên "Lan và Điệp" trở thành huyền thoại từ đó, thậm chí nó còn nổi tiếng hơn cả tên tác phẩm Tắt lửa lòng.

Tác phẩm Tắt lửa lòng nói về mối tình nhiều trắc trở, éo le, nhiều đắng cay. Truyện về gia đình Điệp và gia đình Lan thân thiết nhau và có hứa gả Lan cho Điệp khi Điệp công thành danh toại nhưng chẳng mai Điệp thi rớt, cha Điệp mất nên gia đình càng nghèo khó. Cha Lan là ông Tú thấy gia đình Điệp khó khăn nên hết sức giúp đỡ về tiền bạc. Còn Lan thì được sự giáo dục từ cha cũng nết na, thùy mị, sống có đạo đức, biết kính trên nhường dưới. Lan càng thương Điệp khi thấy hoàn cảnh vất vả, ngheo khó. Hai người vẫn gặp nhau nhưng giữa lễ nghi, sự kính trọng cho nhau.

Ông Tú khuyên răng Điệp học thi lại và tình yêu của Lan vẫn dành cho Điệp dù Điệp không đậu. Với sự động viên, khích lệ thì cuối cùng Điệp cũng thi đậu nhờ sự giúp đỡ của ông Quan Phủ nhưng lại mắc mưu của ông. Ông mời Điệp ăn tiệc mừng, rồi dụ Điệp say cho người khiêng vào phòng ngủ của Thúy Liễu. Cô đang có chửa với một người lính trong phủ nên nhân dịp này lừa Điệp mắc bẫy vì Điệp không biết Thúy Liễu đang có chửa. Điệp nghĩ mình phá hoại trinh tiết nên bắt buộc phải cưới Thúy Liễu rồi mới nhận ra Thúy Liễu có thai hoang. Gia đình Điệp gặp nhiều biến cố do sự uy hiếp. Cuối cùng anh hối hận và ly dị Thúy Liễu với mong muốn nối lại tình xưa với Lan. Riêng Lan quá buồn rầu và thất vọng về Điệp nên đã chọn con đường xuống tóc đi tu. Điệp tìm cách gặp Lan nhưng Lan nhất quyết không gặp. Ông Tú giúp đỡ tiền cho Điệp đi du học nên Điệp thi đậu bác sĩ. Điệp trở về mở nhà thương riêng. Điệp vẫn nhớ thương về Lan nên viết thư gửi, nhưng Lan không đọc vì cứ nghĩ Điệp còn ở với Thúy Liễu. Lan vì quá buồn rầu nên lâm bệnh nặng, chở Lan vào bệnh viện và Điệp nhờ các bác sĩ cứu chữa nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng Lan mất, để lại cho Điệp nỗi đau, thương tiếc khôn nguôi.

Khép lại câu chuyện giúp ta suy ngẫm về cuộc đời dù gian khó, nhưng luôn có ý chí, nghị lực phấn đấu sinh tồn. Tắt lửa lòng còn là nỗi niềm, trăn trở, suy tư của tác giả về thời kì đầy khó khăn. Tác giả phê phán xã hội phong kiến, thời kì quan lại đã tàn nhẫn làm người dân khốn khó trăm bề. Đọc tác phẩm ta thêm thấu hiểu về thời kì cuộc sống, kinh tế đầy khó khăn.

Tác phẩm là tâm huyết của tác giả. Đọc tác phẩm, ta sẽ thấy các hình ảnh, chi tiết được miêu tả hết sức chân thực, sống động. Bằng cách diễn tả chân chất, mộc mạc đã giúp tác phẩm dễ dàng đến với độc giả. Phải nói, Tắt lửa lòng là tác phẩm tôi thích nhất vì khi đọc tác phẩm xong luôn để lại nhiều suy ngẫm về cuộc sống, gia đình, tình yêu, xã hội. Mọi thứ như là sợi dây mắt xít, liên quan mật thiết. Tình yêu dù trải qua nhiều giông bão, có đau khổ, vui buồn, hụt hẫng, xót xa nhưng sự thủy chung, son sắt thì xứng đáng được ca ngợi.

Cuộc sống luôn phong phú nhiều màu sắc, không chỉ có một màu tươi sáng mà còn pha lẫn màu tối. Những nhân vật phản diện trong tác phẩm được tác giả miêu tả từng chi tiết giúp người đọc nhận thấy lòng người phức tạp, mưu mô, đa đoan dùng những hành động bất chính để thực hiện mưu đồ. Tình yêu chẳng bao giờ chỉ có một màu hồng, đau khổ là chất liệu của tình yêu bởi sau cùng sự thủy chung, son sắt vẫn còn mãi khi cả 2 vẫn luôn nghĩ, hướng về nhau.

Đọc quyển tiểu thuyết ta sẽ không khỏi xót xa cho mối tình không trọn vẹn. Tác phẩm nói về sự thủy chung trong tình yêu nhưng lại không thành, có kết cục quá bi thương. Tác giả Nguyễn Công Hoan miêu tả từng chi tiết kĩ lưỡng, trau chuốt từng chi tiết nhỏ với lối văn gần gũi, dễ hiểu giúp người đọc dễ tiếp thu, đồng cảm và thấu hiểu. Đọc tác phẩm ta sẽ không khỏi bàng hoàng, thương xót cho mối tình gặp nhiều trớ trêu. Ta nhận ra, cuộc sống không hề dễ dàng với những người yêu nhau. Trải qua nhiều khó khăn, gian nan nhưng cái kết thật đau buồn. Tác giả miêu tả hình ảnh, nội dung sinh động, hấp dẫn, thu hút người đọc từ chi tiết này đến chi tiết khác. Tắt lửa lòng là quyển sách nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Và chắc hẳn những ai từng biết đến nhà văn cũng đều thấy ấn tượng với quyển tiểu thuyết này.


Mời nghe đọc: Review tác phẩm Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan - Bưởi Vlog, 2023/09/17


Hiện thực và lãng mạn trong tác phẩm
Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan





1. Hiện Thực:
Trong giai đoạn 1930 - 1945 với tình hình lịch sử - xã hội có nhiều biến động: Thực dân Pháp thi hành chính sách bóc lột kinh tế để thu lợi nhuận, khiến đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ; không những thế họ còn thực hiện chính sách "khủng bố trắng" nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hai chính sách đó làm mâu thuẫn dân tộc và giai cấp trở nên gay gắt, quyết liệt. "Tắt lửa lòng" là tác phẩm thể hiện rõ khuynh hướng hiện thực phê phán.

Bức tranh đời sống hiện lên ngay đầu tác phẩm, đó là hình ảnh: "Chuyến ô tô hàng xình xịch đến Chợ Gỏi." Nhân vật Điệp được đi học trong khi hoàn cảnh gia đình cơ cực, vất vả, thiếu thốn về mặt vật chất: "Đầu đội mũ trắng sờn vành, mình mặc áo thâm tây vá, chân đi giày đanh tra mòn gót, tay xách va ly vải vàng cụt một quai." Sự mệt mỏi, cực khổ của bà Cử đi bán hàng về hiện lên rõ nét: "Bà Cử vừa mệt, vừa nực, mồ hôi nhễ nhại, ngồi phệt ngay ở đầu hè." Ông Phủ Trần với quyền lực, uy nghi khiến lính lệ khiếp sợ: "Ông bóc các công văn ra xem rồi vặn chuông gọi. Tên lính đương ngồi xổm ở ngoài cửa, im phăng phắc như con chó đá, bỗng dạ giật một tiếng, rồi chạy choàng vào đứng chắp tay để chờ lệnh." Cảnh tường thằng Vũ lạnh run người vì ăn mặc thiếu thốn: "Thằng Vũ quắt như con cá mắm, ở trong nhà chạy ra, hai tay thu trong bọc, hai hàm răng cầm cập, đứng nhún nhảy cạnh một tên lính cầm một chiếc đèn tây", hay cảnh Tư Kềnh bệnh nằm cố chịu đựng sự đau đớn giày vò: "Chống tay xuống phản, nhăn cái mặt nhăn nheo nứt rạn, ngồi lại chiều khác, ra dáng đau đớn lắm" khiến ta không khỏi căm phẫn, chua xót, xúc động, đầy thương cảm.

Bức tranh thiên nhiên được nhà văn miêu ta chân thật, gần gũi: "Trời xanh ngăn ngắt. Ánh nắng chói chang chiếu xuống mặt nước ruộng long lanh chói như mặt gương. Hơi cỏ hai bên vệ đường bốc lên, đưa thoảng nhẹ vào mũi một mùi quen quen dễ chịu, cái mùi" quê nhà "."... Hoa, gió, nước, mây, sông, cánh cò, đồng ruộng, lũy tre... Qua những cách miêu tả trên, ta thấy cảnh đẹp nơi thôn quê dân dã, mộc mạc, thân thương. Còn cảnh thiên nhiên thành thị vui tươi, nhộn nhịp nhưng mang nét u buồn. Thông qua đó tác giả đề cao những con người có đời sống cơ cực, nghèo khó nhưng vẫn giữ phẩm chất tốt đẹp.

Tác giả phê phán sự giàu có, vô trách nhiệm, thối nát, vô nhân đạo của giai cấp tư sản thành thị đang dần làm tha hóa đạo đức con người.

Tác phẩm còn thể hiện mỗi con người với những tính cách, hoàn cảnh, số phận, bi kịch khác nhau như: Điệp điển hình cho tầng lớp trí thức tiểu tư sản, Lan điển hình cho người con gái thủy chung, Bà Cử, Ông Tú điển hình cho tấm lòng hy sinh cao cả của người cha người mẹ đối với con cái, Ông bà Phủ, ông Hoàng Xuân Long, Thúy Liễu điển hình cho giai cấp tư sản áp bức, bóc lột những con người nhỏ bé trong xã hội.

Tác giả phê phán, đả kích bọn quan lại, địa chủ một cách thẳng thắn, sâu cay và bênh vực, đứng về phía những người lao động nghèo khổ, chịu sự áp bức, bóc lột bần cùng để nói lên tiếng nói cần có sự bình đẳng, quyền lợi, công bằng, tự do và hạnh phúc.

2. Lãng mạn:
"Tắt lửa lòng" đề cao mộng tưởng, tình cảm, yêu thương, tự do của cá nhân. Cách đối thoại giữa hai nhân vật Lan và Điệp cũng mang đậm tính lãng mạn, thi vị hóa:
"Tôi không ngờ đâu tôi bị cả vũ trụ chán ghét, mà được một cô yêu quí. Tôi không ngờ đâu tôi chán ghét cả vũ trụ, mà tôi yêu quí một mình cô.",
"Tôi muốn rằng ta không xuống đến chân đồi nữa, mà cũng đừng ai lên quấy rối làm gì. Chỉ có cô với tôi, ta sống bằng cái đời ái tình hơn cái đời vật chất.",
"Nguyên tôi vẫn ước có một ngày được cùng cô chon von ở một nơi cao vút, xa cái xã hội có người, nên tôi thích lắm."...
Qua những chi tiết trên, ta thấy tình yêu của họ thật đẹp, trong sáng, tinh khiết từ những điều đơn sơ, mộc mạc đến niềm mơ ước nhỏ bé, không thích mưu cầu, không màng đến danh lợi, vật chất.

"Tắt lửa lòng" không chỉ phản ánh hiện thực bất công, đen tối mà còn thể hiện tiếng nói đấu tranh, đòi lại quyền tự do, công bằng. Tác giả miêu tả bức tranh đời sống chân thực với cái tốt lẫn cái xấu, nhưng kết cục chỉ có cái tốt tồn tại vĩnh hằng, bất biến. Tác phẩm đã nêu lên những vấn đề mang giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao nhiều triết lý đạo đức, tình yêu, con người. Tác giả muốn gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp và phê phán lối sống hiện đại đầy xa hoa, tiền tài, địa vị đang làm thay đổi đạo đức, cách sống, lối nghĩ của con người.




Nghệ thuật trong tác phẩm
Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan





1. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ, cách hành văn trong tác phẩm mang tính tự nhiên, dễ hiểu. Ông dùng nhiều từ địa phương gần gũi với người bình dân. Ngôn ngữ đối thoại giữa bà Cử với Điệp, giữa ông Tú với Điệp, giữa ông Phủ Trần với Điệp.. đã phản ánh được hiện thực một cách rõ nét và chân thực. Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm cũng xuất hiện nhiều trong tác phẩm thể hiện được những trạng thái, tâm lý phức tạp, có sự mâu thuẫn, dằn vặt của nhân vật. Trong tác phẩm, người kể chuyện là người kể có khả năng thâm nhập vào đời sống bên trong của các nhân vật như: Điệp, Lan, bà Cử, ông Tú, thằng Vũ.. Giọng điệu trong tác phẩm cũng thay đổi linh hoạt, lúc vui lúc buồn, lúc hạnh phúc lúc đau khổ để thể hiện sự cảm thông, thương xót, đồng cảm, thấu hiểu, ngợi ca, đề cao những con người có phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Bên cạnh đó, tác giả thể hiện sự căm phẫn, phê phán, lên án những hành vi xấu xa của bọn quan lạy.

2. Kết cấu
Kết cấu tác phẩm mang tính đa tuyến tái hiện được bức tranh thiên nhiên, bức tranh đời sống rộng lớn với nhiều thành phần, loại người khác nhau trong xã hội. Tình tiết trong tác phẩm có sự đan xen nhiều nhân vật, chi tiết, nội dung, sự kiện khác nhau. Kết thúc tác phẩm, vấn đề được giải quyết và không có hậu, kết thúc truyện là nỗi buồn, đau xót khi tác giả để cho nhân vật Lan chết.

3. Nhân vật
Nhân vật trong tác phẩm đa dạng, phong phú với nhiều hạnh người, tầng lớp thấp cao trong xã hội với những tính cách, hoàn cảnh, số phận khác nhau được tác giả miêu tả chân thực, rõ nét.

Ngoại hình, tính cách của nhân vật cũng được nhà văn khai thác, miêu tả qua hình dáng bên ngoài và cách ăn mặc. Hành động, cử chỉ, điệu bộ của nhân vật được Nguyễn Công Hoan đặc biệt chú ý, miêu tả, đi sâu để người đọc dễ nhận biết, phân biệt nhân vật điển hình cho tầng lớp thấp cao trong xã hội.

4. Không gian
Không gian trong tác phẩm không cố định, được thay đổi liên tục từ không gian nông thôn đến không gian thành thị. Không gian nông thôn với cảnh vật êm đềm, nhẹ nhàng, bình dị, dân dã, chân chất còn không gian thành thị đầy bon chen, náo nhiệt, ồn ào đầy xa hoa, vật chất.

5. Thời gian Thời gian đa tuyến có sự tham gia của nhiều nhân vật, đan xen nhiều sự kiện diễn ra đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng thời gian vũ trụ bất biến của phật giáo và thời gian hồi tưởng về quá khứ với những kỉ niệm vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ đan xencủa các nhân vật.

Trong tác phẩm Tắt lửa lòng, nhà văn dùng những câu nói sâu sắc, triết lý để thể hiện tư tưởng, mang tính giáo dục cao như: Có tiếng mà không có miếng, con lính tính nhà quan, uống nước nhớ nguồn, học tài thi phận.. mà trong cuộc sống ta vẫn thường nghe người khác nói hàm ẩn ý nghĩa sâu xa về đạo lý ở đời. Tác phẩm giúp cho độc giả nhìn nhận ra nhiều điều, phân biệt được đúng sai, tốt xấu trước hiện thực xã hội thối nát, vô nhân đạo. Tắt lửa lòng không chỉ rèn luyện, tiếp thêm cho ta ý chí, nghị lực mà còn củng cố niềm tin yêu cuộc sống.

Ngọc Xuân