Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Nguyễn Công Hoan: Nhà văn có nhiều kỷ niệm với Công an - Việt Hà


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Việt Hà


Nguyễn Công Hoan:
Nhà văn có nhiều kỷ niệm với Công an

Việt Hà


Đến năm 1964, nhà văn Nguyễn Công Hoan lại cùng gia đình chuyển đến căn nhà tại 66 Thợ Nhuộm - nguyên là một cơ sở hoạt động của công an cách mạng. Nhà văn đã sống ở đây 12 năm, trong thời gian đó ông viết các tác phẩm như “Hỏi chuyện nhà văn”, “Thấy gì ghi nấy” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”.


Đầu tháng 6 vừa qua, Báo Công an nhân dân trang trọng tổ chức lễ gắn biển kỷ niệm nơi nhà văn Nguyễn Công Hoan từng sống và sáng tác tại trụ sở 66 Thợ Nhuộm (Hà Nội). Tới dự có thân quyến nhà văn và những người từng gặp gỡ, từng được nhà văn tiếp chuyện tại nơi này.

Trong cuộc hội ngộ cảm động ấy, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về một nhà văn lớn, một nhân cách đáng kính. Đặc biệt là cuộc đời ông cũng có khá nhiều những mối duyên nợ với ngành công an mà chúng tôi - những người làm Báo Công an nhân dân - Chuyên đề Văn nghệ Công an - luôn tự hào được tiếp nối những giá trị tinh thần mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại cho muôn đời sau.

Năm 1920 khi mới 17 tuổi, nhà văn Nguyễn Công Hoan đăng truyện ngắn đầu tiên và trong suốt nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ gồm hàng trăm tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, từng dạy học ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… và ở mỗi nơi dạy học ông đều cho ra đời những tác phẩm gắn liền với giai đoạn đó.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.


Khi ở Lào Cai, ông viết tiểu thuyết “Những cảnh khốn nạn” (tập 1, xuất bản năm 1932), khi ở Nam Định ông viết tiểu thuyết “Bước đường cùng” và bị chế độ cũ cấm lưu hành. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.

 
Nhà văn Nguyễn Công Hoan chụp ảnh lưu niệm với nữ nhà văn Mông Cổ.Nhà văn Nguyễn Công Hoan chụp ảnh lưu niệm với nữ nhà văn Mông Cổ.

Có lẽ ít người biết rằng, nhà văn Nguyễn Công Hoan chính là người cấp giấy phép cho tờ Công an mới (tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay) khi ông là Giám đốc Sở Kiểm duyệt báo chí trong chính quyền cách mạng. Ông là người cha đáng kính có công sinh thành, dưỡng dục một chiến sĩ công an kiên trung là đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Giám đốc An ninh T4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong hơn 4 năm bị giam cầm trong nhà tù Mỹ - ngụy, đồng chí Nguyễn Tài đã đấu tranh giữ vững phẩm chất của một người chiến sĩ công an cách mạng cho tới ngày giải phóng Sài Gòn. Gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan là một gia đình có truyền thống cách mạng.

Nhà văn có hai người em trai là Nguyễn Công Bồng và Nguyễn Công Mỹ là hai chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một người em trai khác là đồng chí Lê Văn Lương, người từng được bầu vào Bộ Chính trị TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vậy là người thân trong gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan có những đóng góp không nhỏ đối với Lực lượng công an cũng như với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phút thảnh thơi giữa những trang viết.Phút thảnh thơi giữa những trang viết.

Nghe nhà văn Lê Minh - con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại: Vì là người sớm giác ngộ cách mạng và cho dù bị chuyển đi đâu dạy học, ông vẫn có cách bắt liên lạc với tổ chức. Chính vì thế nên gia đình ông bị mật thám hỏi thăm luôn và cũng đã vài lần bị triệu lên “bót” rồi lại tha về và cũng có lần đã bị ngồi “khám” trong thời kỳ Nhật hất cẳng Pháp.

Sau này, khi các chiến sĩ công an của ta tiếp quản hồ sơ của chế độ cũ để lại ở Nam Định đã tìm thấy 1 trang như sau: “Ngày 22/9/1939, Hoan, 35 tuổi, giáo học ở Thái Bình đã bị phát hiện tàng trữ tập sách “Staline” là một tài liệu tuyên truyền Cộng sản”. Quả thật, nếu nhà văn Nguyễn Công Hoan không nổi tiếng và được nhiều bạn đọc yêu mến đến vậy, thì chắc chắn một tài liệu mong manh như thế không thể đến được với gia đình.

Đến năm 1964, nhà văn Nguyễn Công Hoan lại cùng gia đình chuyển đến căn nhà tại 66 Thợ Nhuộm - nguyên là một cơ sở hoạt động của công an cách mạng, ở cùng con dâu và các cháu khi con trai vào Nam chiến đấu. Nhà văn đã sống ở đây 12 năm, trong thời gian đó ông viết các tác phẩm như “Hỏi chuyện nhà văn”, “Thấy gì ghi nấy” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”. Sau đó, gia đình nhà văn chuyển tới khu tập thể Trung Tự, khi con trai ông là đồng chí Nguyễn Tài từ nhà tù Mỹ - ngụy trở về khi đất nước vừa giành được hòa bình.

Ba thế hệ (cùng con trai là Anh hùng Nguyễn Tài và cháu nội).Ba thế hệ (cùng con trai là Anh hùng Nguyễn Tài và cháu nội).


Thông thường, các nhà văn trẻ thường đi hỏi chuyện các nhà văn già, nhưng cũng thật đặc biệt khi “nhà văn già” Nguyễn Công Hoan lại đi hỏi chuyện các nhà văn trẻ như Tô Hoài, Tú Mỡ, Tế Hanh, Chu Văn, Bùi Hiển… và ông cho xuất bản cuốn “Hỏi chuyện nhà văn”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan là một tấm gương lao động nghệ thuật đích thực, suốt đời sống như một “giáo học” giản dị, khiêm nhường đến chân thành, chân thật.

Khi viết hồi ký “Đời viết văn của tôi”, ông còn tâm sự: “Tuổi tôi tuy đã cao, nhưng sức chưa yếu, tôi còn làm việc được lâu. Ngay như lần này tôi viết cuốn này mà có hôm say mê, tôi cặm cụi đến mười hai, mười ba giờ mà chưa thấy mỏi”. Bởi vậy, nói tới Nguyễn Công Hoan là nói đến một nhà văn yêu nước, và nói tới một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải bằng tiếng cười chính nghĩa, tài năng mà thâm thúy trong văn chương. Cho đến nay, phần lớn những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã được con gái út của ông là nhà văn Lê Minh sưu tầm và được nhiều nhà xuất bản in lại tương đối đầy đủ.

Năm 1998, nhờ có một bạn đọc yêu mến nhà văn Nguyễn Công Hoan ở miền Nam tìm được và báo cho gia đình những truyện ngắn, kịch của nhà văn viết cho thiếu nhi từ những năm trước cách mạng, liền sau đó đã được NXB Trẻ ấn hành. Hiện giờ, theo nhà văn Lê Minh, tủ sách nhà văn Nguyễn Công Hoan tại gia đình chỉ còn thiếu tập truyện “Kiếp hồng nhan” (1923, Tản Đà thư cục xuất bản) và tập 2 của tiểu thuyết “Những cảnh khốn nạn” (1940, NXB Tân Dân). Gia đình vẫn mong có thể tìm thấy hai tác phẩm này để bổ sung vào di sản đồ sộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Việt Hà




58 năm báo Công an mới, tiền thân của báo CAND



Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Hồng Thái



58 năm báo "Công an mới", tiền thân của báo CAND


Hồng Thái


Sau cách mạng, nhân dân chưa thể hình dung nổi Công an của ta là như thế nào. Ý tưởng ra một tờ báo của lực lượng Công an do những cán bộ Đoàn trẻ tuổi nghĩ ra trước tiên, cũng từ lý do đơn giản là thấy quá cần thiết cho công tác công an, thứ nữa là do bạo dạn, dám nghĩ ham làm sục sôi trong con tim yêu nước của thế hệ hồi đó.


Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang), một trong những người đầu tiên sáng lập báo 'Công an mới'. Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang), một trong những người đầu tiên sáng lập báo 'Công an mới'.

Số đầu tiên của Công an mới ra ngày 1/11/1946 dày 20 trang khổ lớn 21 x 30cm, bìa in màu. Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng LLVTND, hồi đó còn là một cán bộ Đoàn mới 20 tuổi, đã trực tiếp lên gặp cụ thân sinh là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Sở Kiểm duyệt, để xin giấy phép chính thức khai sinh ra tờ báo của ngành Công an nhân dân sau này.


Những cộng sự đầu tiên

Đồng chí Nguyễn Tài kể rằng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Bí thư Ban chấp hành Đoàn Công an cứu quốc. Trong một lần họp Ban Chấp hành, mấy anh em trẻ bàn nhau phải ra một tờ báo của Đoàn, lấy tên là Công an mới.

Nhiều người thường nghĩ đơn giản rằng hồi năm 1946 ấy, lực lượng Công an mới thành lập, “quyền sinh quyền sát”, chẳng cần xin phép ai cũng có thể xuất bản tờ báo. Nghe chúng tôi tâm sự lại, ông Nguyễn Tài lại cười: “Đâu có được như thế, pháp luật hồi ấy nghiêm lắm. Dù chưa có luật hay sắc lệnh về báo chí, nhưng phải xin phép đàng hoàng. Hồi đó ông Trần Huy Liệu được Chính phủ giao làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa có mời ông cụ tôi - nhà văn Nguyễn Công Hoan - làm Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ. Có lẽ vì ông Trần Huy Liệu biết chuyện ngày trước cha tôi viết văn đã bị thực dân Pháp và sau đó là phát xít Nhật cấm đoán thế nào. Ngay cả tiểu thuyết Bước đường cùng của cha tôi cũng bị thu hồi, không cho phát hành…

Vì thế, thâm ý của ông Trần Huy Liệu là lấy luôn một nhà văn từng bị kẻ ngoại xâm kiểm duyệt, cấm đoán để làm giám đốc kiểm duyệt trong chế độ mới”. Kể cũng rất lạ. Chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, thù trong giặc ngoài lăm le đe dọa vận nước, kẻ thù cứ tưởng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á sẽ thắt chặt dân chủ và tự do báo chí. Nhưng không, chọn một nhà văn có tên tuổi, quen thuộc với độc giả như Nguyễn Công Hoan làm một cái nghề “kiểm duyệt báo chí” đủ thấy sự tin cậy của Đảng và Chính phủ đối với trí thức, văn nghệ sĩ như thế nào.

Đồng chí Nguyễn Tài cũng khẳng định, chẳng phải vì tình thân cha con mà Đoàn Công an cứu quốc nhanh chóng xin được giấy phép xuất bản báo Công an mới mà bởi ngày đó “xin giấy phép rất thuận. Tôi trực tiếp đi xin và do tôi đứng tên với tư cách Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Ông cụ tôi bảo nhân viên dưới quyền cấp ngay… Cả Hà Nội lúc đó cũng chỉ có 3 - 4 tờ báo như tờ Tin mới của tư nhân, tờ Cứu quốcSự thật của Đảng ta…”.

Người quyết định sự thành bại của tờ báo Công an mới lại không phải là đồng chí Nguyễn Tài hay Ban Chấp hành Đoàn mà chính là đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương lúc đó. Số là một lần họp Đảng đoàn, sau khi nghe Bí thư Đoàn Công an cứu quốc Nguyễn Tài báo cáo về việc đã xin được giấy phép ra báo Công an mới, ông Lê Giản với con mắt nhìn xa trông rộng đã chỉ đạo ngay rằng, với giấy phép đã được cấp, nên để Nha Công an lo việc xuất bản và in báo. Báo Công an mới vẫn được tiếp tục ra đời nhưng do Nha Công an phụ trách và chính thức là tờ báo của lực lượng Công an sẽ được bán rộng rãi ra ngoài.

Ý tưởng sáng tạo của những thanh niên giàu mơ ước và tâm huyết đã được lớp đàn anh lãnh đạo tiếp nhận và phát triển nâng cao trong một sự chuyển giao thật trong sáng và đẹp đẽ. Bởi giao giấy phép xong, ông Nguyễn Tài không làm báo nữa mà làm công tác nghiệp vụ nhưng ông vẫn là một thông tin viên tích cực cho tờ báo của Nha Công an.

Ngay trong thời gian 3 tháng chuẩn bị cho số đầu tiên, ông Lê Giản đã “thắp đuốc” đi mời một số nhà văn, nhà báo có tên tuổi về chuyên viết cho báo Công an mới. Nào là Phạm Cao Củng, một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám rất quen thuộc của bạn đọc báo Tiểu thuyết thứ bảy, nào là nhà văn Hoàng Công Khanh, rồi cả các nhà báo có tiếng như Tân Lang, Đại Lang, Lan Sơn, Phong Phú, Thụy Lân, Địch Trung,  Đại Thanh, Lê Chi… Đây quả là một bước đột phá có tính chất “chiêu hiền đãi sĩ” của người đứng đầu Nha Công an Trung ương cũng là người đứng đầu báo Công an mới.

Những nhà văn, nhà báo ấy từng sống, từng viết tự do kiếm kế sinh nhai trong chế độ cũ, chẳng rõ tính nết họ thế nào, nhưng chữ tâm chữ tài và sự hiểu biết trân trọng tài năng, tin cậy ở con người đã khiến các nhà lãnh đạo của lực lượng Công an hồi đó tìm đến họ, đón họ về làm việc trong một “gia đình” đầy những chuyện cơ mật của quốc gia. Đồng chí Nguyễn Tài nói vui: “May mà anh Lê Giản chỉ đạo trực tiếp, chứ nếu giao cho chúng tôi làm, có khi tờ báo còn lâu mới hay…”.


Giản dị, nhân văn, gần gũi với đời thường

Hãy nghe lời nói đầu của số 1 Công an mới, Ban biên tập đã tuyên truyền về lực lượng CAND cách mạng  thế này: “Cũng từ một năm nay, Sở Mật thám đế quốc không còn nữa. Sắc lệnh số 23/SL ngày 21/2/1946 tuyên bố thành lập Việt Nam Công an vụ. Cũng từ bấy đến nay dân chúng thủ đô hằng ngày lui tới căn nhà số 87 Trần Hưng Đạo một cách bạo dạn, bình tĩnh hơn xưa: Sở Công an vui vẻ lễ phép đón tiếp mọi người. Một mối thiện cảm đã chớm nở trong lòng công chúng. Dần dần công chúng nhận thấy rằng Công an của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là một cơ quan chuyên việc bắt bớ giam cầm những người yêu nước mà trái lại là một cơ quan phụ trách việc bảo vệ an ninh cho quần chúng và quốc gia”. Thế nhưng cũng trong tờ báo ấy, Ban biên tập vẫn dành chuyên mục “Đó... đây” để phê bình tư thế tác phong của công an, một việc làm xưa nay chưa có tờ báo nào trong lòng Hà Nội đề cập.

Còn gì chính trị và tình cảm hơn khi chỉ mấy trang báo nhỏ ấy, Công an mới vẫn dành “đất” để in những sáng tác thơ văn về tình cảm của người thủ đô hướng về đồng bào Nam Bộ đang anh dũng kháng chiến chống Pháp, nhân lên tình ruột thịt giữa những người trong một nước, một dân tộc. Vẫn những nhà văn, nhà báo sống trong lòng Hà Nội từng bị rên xiết dưới ách thực dân ấy, nhưng khi gắn bó ngòi bút và lương tâm mình với Công an mới tất cả họ đã nhanh chóng nhận đường, mở lòng để viết thật hay, thật đúng về mặt trận bảo vệ nền an ninh, trật tự quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Tài hào hứng kể rằng, khi tờ Công an mới chuẩn bị ra số đầu, nhà văn Phạm Cao Củng đã viết cho báo một truyện đăng nhiều kỳ về xã hội của lớp người chuyên nghề điếm, lưu manh, trộm cướp tàn dư của chế độ cũ mà lực lượng Công an đang phải ra tay giải quyết để giữ cuộc sống an lành cho nhân dân. Vẫn là chuyện mà nay thường được gọi là “chuyện vụ án”, nhưng đọc không thấy vết dao đâm chém, hảo hớn, anh chị, mà là những ứng xử thấm đẫm nước mắt của tình người. Thì ra, “các cụ” viết vụ án chỉ là cái vỏ thôi, trong ruột vẫn là nhân tình thế thái, là tấm lòng đối với nhau của số phận những con người từ dưới đáy xã hội  vươn lên.


Những ngọn lửa cháy thành đuốc lớn

Có một điều bất ngờ với nhiều người là theo lời kể của đồng chí Nguyễn Tài, cha ông, nhà văn Nguyễn Công Hoan, ít khi dạy ông làm báo, viết văn. “Tôi học giỏi toán, là người hoạt động chính trị, nên rất ít khi hai cha con ngồi với nhau nói chuyện văn chương. Đương nhiên là tôi mê văn chương kinh khủng,” ông Nguyễn Tài nói.

Dẫu thế nhưng chẳng hề ai nghi ngờ có một dòng máu nghệ thuật “con nhà nòi” văn chương chảy không ngừng trong huyết quản của người được suy tôn là nhà tình báo tài ba Nguyễn Tài này. Dòng máu với tài năng trời cho ấy lại được hấp thụ tư tưởng, lý tưởng của Đảng và “nhập cuộc” hầu như ở các vùng “tâm bão” của cuộc sống chiến đấu sinh tử... đã hình thành nên một nhân cách nhà báo ở Anh hùng Nguyễn Tài.

Trước khi làm báo Công an mới, ít người biết đồng chí Nguyễn Tài đã từng làm báo Nước Nam mới từ đầu năm 1945 do anh Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ đạo. Ông kể rằng, một lần ông được anh Văn giao cho vẽ một bản vẽ nhưng lại mang tên báo Việt Nam Độc Lập ghi rõ ở chiến khu Cao Bằng. Số này gồm 8-10 tranh vẽ với nhan đề “cứu phi công Mỹ” mô tả máy bay Mỹ bị Nhật bắn rơi, may sao được Việt Minh cứu đưa về biên giới để trở về với Đồng minh. “Tôi hỏi anh Văn, mình làm báo Nước Nam mới, sao lại in báo ghi là Việt Nam Độc Lập của Cao Bằng? Anh Văn chỉ trả lời là rất cần... Sau khi in báo, tôi nhận được mấy câu thơ, có câu khen, có câu châm biếm rằng: Chiến khu của Việt Minh gian khổ quá, nên phi công Mỹ mới nhảy dù thì cao lớn, đến lúc ra biên giới thì lùn đi. Tôi lấy bản mẫu so với bản in thì quả thật do tôi không chú ý lúc vẽ nên hình phi công Mỹ mới như thế... Cũng do điều kiện quá khó khăn, lại không ai biết vẽ nên mới thế. Không ngờ, về sau tôi mới biết mấy câu thơ góp ý ấy chính là của Bác Hồ”. Kể lại câu chuyện này, ông có ý rằng không phải là chuyện tên báo như thế nào, tôn chỉ mục đích ra sao, dù khó khăn thuận lợi thế nào thì quyền lợi Tổ quốc vẫn là trên hết



Nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan: Tôi nhớ cha tôi... - Nguyễn Văn Học


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Văn Học
Nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan:

Tôi nhớ cha tôi...


Nguyễn Văn Học

"Là con gái của cha, tôi luôn mang nỗi ân hận, khi nào cũng nhìn cha là người khỏe mạnh. Ngày cha đi lại đã khó khăn, ngày bàn tay cha không cầm được bút, rồi cha bị sốt rét phải vào viện nằm, ngày hai buổi đều đặn tôi đến làm các việc lặt vặt giúp cha, để yên tâm, để khỏi nhớ. Ngờ đâu khi tôi vừa đi thực tế để chuẩn bị viết một tiểu thuyết thì cha đột ngột đau nặng, và người đã mất…"

- Đó là lời tâm sự của nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan khi nói về cha mình.

Hơn 30 năm qua, nữ nhà văn đã day dứt mãi điều đó, kể cả đến nay khi bà đã ở tuổi 81.


1. Trong ba người con của nhà văn Nguyễn Công Hoan, chỉ có người con gái út của ông, theo cha chọn viết văn là công việc của đời mình, tên là Nguyễn Thị Tài Hồng, lấy bút danh Lê Minh. Cũng trong  ba anh em, nữ nhà văn Lê Minh là người sống với cha - Nguyễn Công Hoan nhiều nhất.

Không phải vì sau này hai cha con cùng nghề, mà ngay từ khi Lê Minh còn bé, bà đã cùng đi với cha sau mỗi lần phải đổi nơi dạy học. Gia đình bà nay đây mai đó, không được ở yên một chỗ chỉ vì Nguyễn Công Hoan viết văn, không vừa lòng các quan cai trị thời ấy.

Trong con mắt của Lê Minh, khi ấy còn là Tài Hồng thì lúc nào người cha cũng chỉ như bao người cha khác ở trên đời. Những chuyện mà nhà văn Nguyễn Công Hoan viết là những chuyện thật ông gặp hàng ngày mà ông vẫn kể trong bữa cơm gia đình sau khi đi dạy học về.

Lê Minh tâm sự: "Lúc đó tôi chưa kịp nghĩ cha mình là nhà văn. Trước mắt tôi, ông là một thầy giáo trường tiểu học thì đúng hơn. Vì khi sinh ra, tôi đã nghe mọi người gọi cha tôi là ông giáo. Cha tôi thường cầm điếu thuốc lá, xa xăm nhìn vào vô định. Hình ảnh đó tôi bắt gặp nhiều lần. Những buổi chiều ăn cơm xong, tôi đứng nép bên chân cha nhìn phố xá kẻ đi người lại. Sau này đọc truyện "Đào kép mới" tôi biết cha đã viết từ hình ảnh chợt nảy đến trong một buổi chiều hai cha con đứng chơi như vậy".

Buổi sớm nào, Lê Minh cũng đi làm cái việc là đổ tàn thuốc cho cha, vì ông thức đêm viết và hút. Nguyễn Công Hoan chỉ hút một loại thuốc Bastô. Khi con gái dọn bàn làm việc thì ông còn đang ngủ. Cô con gái có ý thức đi rón rén nhẹ nhàng để cha ngủ thêm trước khi thức dậy đến trường dạy học.

Ngày hai buổi, Nguyễn Công Hoan đến trường, đêm mới ngồi viết, chiếc bàn kê ở góc nhà là một thế giới riêng mà những người trong gia đình không ai dám động vào. Cũng có những ngày nghỉ dạy học, sau hàng giờ ngồi bàn viết, Nguyễn Công Hoan đi thong thả trong vườn với điếu thuốc lá trên môi, xem ngắm từng gốc cây, từng cái lá, bắt sâu, xáo gốc.

Những giây phút im lặng một mình, và sau đó là những trang giấy được phủ kín bằng những hàng chữ viết tay đều đặn, rõ ràng. Lê Minh kể rằng, những trang bản thảo của Nguyễn Công Hoan thường rất ít bị gạch xóa lằng nhằng khó đọc, cách làm việc mà không ít người theo được.

Trong một chuyến đi xa Hà Nội đến nhà máy Liên hợp gang thép, nơi mà từ lâu Lê Minh đã chọn làm quê hương sáng tác của mình, cha bà đột ngột lâm bệnh. Gia đình chẳng ai ngờ, vì hôm trước ông còn đạp xe đến Hội Nhà văn họp. Không ai nghĩ cần phải báo tin cho Lê Minh. Sau một tuần lâm bệnh, Nguyễn Công Hoan khắc khoải nhắc đến cô con gái. Lúc ông hôn mê, ông cũng nhắc tên con.

Lê Minh được báo tin và trở về gặp cha. Ngồi bên giường bệnh cầm tay cha im lặng trong nỗi thổn thức bàng hoàng, ngắm kỹ những ngón tay thô ráp của cha, một câu hỏi nghẹn ngào trong tâm Lê Minh: Những ngón tay này là của thợ cầm cưa, cầm búa, cầm kéo xén cây, hay là tay cầm bút của một nhà văn? Cô con gái ve vuốt những ngón tay cha, suốt một ngày cuối cùng cô cứ nắm chặt hai bàn tay xù xì đó không rời. Lê Minh không trả lời được câu hỏi, nhưng bàn tay cha đã theo nữ nhà văn suốt cuộc đời.

Sau khi cha mất, nhà văn Lê Minh tưởng như mình không thể gượng dậy được. Sau đó bà nghĩ cuộc đời của cha chính là sách. Bà liền cất công đi tìm lại những bản thảo đã thất lạc của cha, những tác phẩm đã từng bị kiểm duyệt, cấm in trước đó, tập hợp lại và in thành sách. Cuốn sách về cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng cha bà đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa kịp viết, thì bà đã hoàn thành và cho in như một sự báo hiếu.


2. Ngày nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Tài Hồng không có ý định viết văn. Vì là gia đình cách mạng, Tài Hồng đi hoạt động cách mạng từ khi mới 14 tuổi. Bài học đầu tiên cô được dạy là khi bị bắt, dù có bị tra tấn đến chết cũng không khai. 

Lúc đó, Tài Hồng thấy rằng những người đi làm cách mạng thật vĩ đại, thật anh hùng, thật đẹp. Họ quên mình vì cách mạng. Thêm nữa, Tài Hồng cũng tiếp xúc với những người công nhân phải lao động vất vả, cùng cực. Biết bao hình ảnh ấy ngấm vào tâm thức, Tài Hồng thấy mình không thể không viết.

Có một chuyện ngắn ký tên Nguyễn Thị Tài Hồng đã làm Tản Đà sửng sốt. Là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu văn hóa thời bấy giờ, ông đã đi tìm nữ tác giả. Sở dĩ bà lấy bút danh Lê Minh là ngày còn hoạt động cách mạng, đó là bí danh của bà. Sau này quen, bà dùng luôn bí danh là bút danh ký dưới mỗi truyện ngắn, bài viết.

Cũng như cha mình, những tác phẩm của Lê Minh bật ra từ những cơn đau nhức nhối của số phận con người. Cho đến nay, bà đã có hơn 40 đầu sách, thành quả của cả đời sống và viết trong những hồi ức, những đau đớn và hy vọng. Tác phẩm đầu tay của bà là tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi, in năm 1959 có tên "Cu Dũng". Bài đầu tiên của Lê Minh được in báo, bà đưa cha đọc.


Nhà văn Lê Minh
Nhà văn Lê Minh

Ông cụ nói một chữ "được" làm bà rất sung sướng. Cả cuộc đời viết, Lê Minh học được ở cha mình sự trung thực trên trang viết. Bà tâm sự, đã là người viết thì phải trung thực với chính mình, trung thực với độc giả. Mỗi ai đọc văn của Lê Minh, đều thấy trong đó sự kỹ càng, ở từng con chữ, từng chi tiết.

Từ năm 2005, khi đã có tuổi, nhà văn Lê Minh cảm thấy cần phải viết tự truyện và sưu tầm những tài liệu liên quan đến cha mình để in thành sách. Cuốn "Nguyễn Công Hoan - Nhà văn chiến sĩ" biên soạn lại những tài liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng và viết văn của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn này, để làm được, Lê Minh đã phải mất mấy năm trời sưu tầm tài liệu. 

Những bức ảnh quý, những bức thư của các nhà văn gửi cho Nguyễn Công Hoan, các bản chụp lại trang đầu từng chương tiểu thuyết viết tay "Tranh tối tranh sáng" mà ông đã viết ngay sau khi ở nhà tù Nhật được trả tự do... Điều đó cho thấy sự kỳ công và niềm kính trọng đối với người cha đã khuất của nữ văn sĩ. Cuốn tự truyện "Cánh buồm nhỏ" viết về những kỷ niệm, những hồi ức của cả cuộc đời mình.

Cả hai cuốn đều in năm 2008. Lê Minh đã tâm sự trong những trang đầu của cuốn tự truyện: "Trong đời sống tâm linh, không có dấu ấn của thời gian, không có sự cách biệt âm dương. Và tình yêu gắn kết gia đình có những bí ẩn thiêng liêng đầy sức mạnh, không thể tìm cách lý giải. Chỉ biết nó ngọt ngào, nó chở che, an ủi, luôn đánh thức trong ta sự sáng suốt tinh tường. Còn ta, dù bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ là cái Bống…".

Vâng, ngày nhỏ Lê Minh quen được cha gọi là "Bống". Đến bây giờ bà vẫn nghĩ mình là một đứa con gái bé bỏng đứng trước cha mình. Đợt kỷ niệm 60 năm ngày sinh Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài viết mừng với bài "Người bạn đọc ấy", có đoạn miêu tả Nguyễn Công Hoan trên bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh), tay dắt cô con gái nhỏ. Cô gái nhỏ ấy bây giờ vẫn sống, vẫn là một… cái Bống.

Nhắc lại kỷ niệm này, Lê Minh nói: "Hình ảnh mà Tô Hoài bắt gặp một lần và ghi lại ấy đến hôm nay vẫn nguyên vẹn trong tôi. Bởi hôm nay và cho đến suốt đời, tôi vẫn được trong bàn tay ấm nóng của cha dắt dìu như ngày nào trên bãi biển Trà Cổ. Tôi vẫn được nép vào bên cha, lòng đầy thơ dại… Tôi vẫn được nhìn thấy cha tôi đứng trước mặt mình, nói với tôi bằng ánh mắt nhân hậu".

Sau bao nhiêu năm dồn tâm huyết để viết những cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn của mình, Lê Minh cũng hạnh phúc được làm nhiệm vụ là sưu tầm, biên soạn những bộ sách cha bà để lại. 81 đầu sách của nhà văn cùng với bộ toàn tập gồm 9 tập tại NXB Văn học và bộ toàn tập gồm 14 tập tại NXB Thanh niên.

Với tự truyện "Cánh buồm nhỏ", dường như có một sức mạnh tâm linh mách bảo, nên có những sự việc qua đi đã quá lâu rồi mà Lê Minh vẫn nhớ và ghi rõ tất cả. Sự nghiệp của Nguyễn Công Hoan lớn và chân thực, đến nỗi khi đọc văn ông người đọc hình dung ra một xã hội với những sự bề bộn đến khắc nghiệt của nó. Khi nhắc đến ông, người ta đánh giá những tác phẩm của ông là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Và, Lê Minh đã tỏ lòng kính phục người cha của mình: "Một cuộc đời đi cạnh đời thường mà nhà văn đã dốc sức, đã chắt lọc, đã chăm chút và xả thân vì nó. Ở cuộc đời ấy, nhà văn sống vẫy vùng bằng nhịp đập của chính quả tim mình, bằng cái đầu của chính mình".



3. Cuộc đời sáng tác và công tác văn học của Lê Minh không hề suôn sẻ. Nhưng bà đã cố gắng vượt qua trắc trở và gặt hái thành công. Là người được thừa hưởng tinh hoa của người cha là một nhà văn giàu lòng nhân ái và lòng yêu nước, Lê Minh lại được rèn luyện trong phong trào công nhân từ thời kỳ trước cách mạng, nên khi viết về công nhân bà rất có thành tựu.

Một tác phẩm của bà đã được một nhà nghiên cứu người Đức dùng như một tư liệu chính để làm luận văn tiến sĩ. Bây giờ, tuổi đã cao, con cháu đầy đàn. Nhà văn Lê Minh gọi đó là nơi yêu dấu. Bà sinh hạ được bốn con. Các con đã cho bà niềm vui, động lực, kiến thức và lòng quả cảm. Xưa kia, phải làm việc xa các con, cha và mẹ bà đã hướng dẫn các cháu viết thư cho mẹ. Những bức thư sai chính tả, nguệch ngoạc nhưng là niềm hạnh phúc của Lê Minh đến tận giờ. Bà đã giữ được trọn vẹn và in vào tự truyện.

Lê Minh đặt tên cuốn tự truyện là "Cánh buồm nhỏ" với tất cả lòng kính trọng, trìu mến, biết ơn và tự hào. Vì cánh buồm nhỏ đã được gió đưa, sóng vỗ. Nhà văn Lê Minh được các bậc đàn anh dìu dắt, dẫn đường cho đến bây giờ. Ngay đầu cuốn tự truyện, bà đã đề mấy câu thơ:

Con thuyền mang cánh buồm nhỏ
Có sức vượt mọi thác ghềnh
Gió đưa sóng vỗ
Mặt trời ánh trăng…
Ta mang ơn tất cả
.

Bống của nhà văn Nguyễn Công Hoan không bao giờ nghĩ rằng cha mình đã mất. Với bà, cha vẫn còn sống, luôn ở bên, chỉ dạy cho con gái. Bà tin cha mình cũng vẫn sống trong lòng người đọc, bằng chứng là người đọc vẫn đọc tác phẩm của ông, với một lòng nể phục, kính trọng không ngừng

 

Nguyễn Văn Học






Ảnh

Vũ Ngọc Phan (ngồi ghế bên phải) và Nguyễn Công Hoan (ngồi ghế bên trái) cùng các bạn học trường Bưởi, năm 1917.






Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông


Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Những người khai sinh tờ công an mới


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Bùi Quang Hào


Nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng Nguyễn Tài:
Những người khai sinh tờ công an mới


Bùi Quang Hào

Theo các tài liệu để lại thì hồi đó Chủ nhiệm Báo Công an mới là đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, chủ bút là Phan Mạnh Hân, ủy viên trị sự là Phùng Duy Tiếu. Báo in tipô, số 1 dày 16 trang, số 2 và 3 đều dày 20 trang, khổ 20x25cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Mỗi tháng báo ra hai kỳ vào ngày 1 và 15.

"Cây cao cả ôm là do mầm non nhỏ bé tạo ra. Lâu đài chín tầng là do từng viên gạch nhỏ xây lại.  Chuyến đi nghìn dặm là do bước chân đầu tiên"

Tôi nhớ mãi triết lý ấy - triết lý khẳng định cội nguồn, muốn có hiện tại, có tương lai thì trước hết phải có cái khởi đầu trong quá khứ.

Cũng theo triết lý ấy, từ "bước chân đầu tiên" là tờ Báo Công an mới - tiền thân của Báo CAND, dù bước đi còn chập chững thuở ban đầu, qua 60 năm phát triển, ngày nay Báo CAND đã khẳng định vị thế trong làng báo Việt Nam. Đó là một trong những tờ báo hàng đầu, sớm có mặt ở nước ta.

Trong những ngày kỷ niệm tròn 60 năm đầy ý nghĩa này, những người làm Báo CAND muốn nhắc tới những người có công khai sinh ra tờ báo. Một trong những con người ấy là ông Nguyễn Tài, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, người mà cách đây 60 năm đã đi xin giấy phép - giấy khai sinh tờ Công an mới. Điều đặc biệt là chính thân sinh của ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ đã ký giấy phép đó.


Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...

Sau giây phút trầm tĩnh để hình dung lại quá khứ, ông Nguyễn Tài kể rằng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã lập ra Đoàn Cảnh sát cứu quốc. Năm 1946, với Sắc lệnh sáp nhập Liêm phóng và Cảnh sát thành Công an, lập Nha Công an Trung ương thì Đoàn Cảnh sát cứu quốc được mở rộng thành Đoàn Công an cứu quốc. Lúc đó, ông Nguyễn Tài là Bí thư Chi bộ Đảng. Tại Đại hội Đoàn Công an cứu quốc đã bầu ông làm Bí thư Đoàn. Thời điểm này, sau khi có Sắc lệnh về báo chí, ông cùng mọi người bàn nhau xin ra một tờ báo của Đoàn, định lấy tên là Công an mới.


Các đồng chí Trần Quyết, Trần Đông, Lê Thế Tiệm và đồng chí Nguyễn Tài (thứ 2 từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Báo CAND (năm 2001).Các đồng chí Trần Quyết, Trần Đông, Lê Thế Tiệm và đồng chí Nguyễn Tài (thứ 2 từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Báo CAND (năm 2001).


Dự định ban đầu coi đó là việc của Đoàn và là tờ báo của Đoàn, chứ không phải là lực lượng Công an. Hồi đó, vì Đảng rút vào hoạt động bí mật nên Trung ương chỉ thị những người lãnh đạo cơ quan tuy là đảng viên nhưng không sinh hoạt chi bộ, mà sinh hoạt Đảng Đoàn, và Bí thư Chi bộ được tham gia sinh hoạt Đảng Đoàn. Cụ thân sinh của ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan đã cấp giấy phép ra tờ báo Công an mới.

Ông Nguyễn Tài nhớ lại: "Một lần họp Đảng Đoàn, tôi báo cáo việc ra báo của Đoàn Công an cứu quốc. Giấy phép cho ra Báo Công an mới đã được cấp, do tôi đứng tên với danh nghĩa Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Nghe tôi nói như vậy, anh Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương - hỏi tôi về nội dung, về người viết, việc quản lý... định ra sao? Thú thật hồi đó tôi chưa có kinh nghiệm gì nhiều ngoài việc có tham gia làm báo Nước Nam Mới ở chiến khu Tân Trào trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự chỉ đạo của anh Võ Nguyên Giáp.

Cuối cùng, anh Lê Giản kết luận rằng với giấy phép đã được cấp, vì Đoàn không đủ sức làm, vậy nên để Nha Công an lo việc này. Do đó, Báo Công an mới vẫn ra đời nhưng do Nha Công an phụ trách và chính thức là tờ báo của ngành, được bán rộng rãi trong nhân dân. Ngày 1/11/1946, Báo Công an mới, tờ báo đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam được xuất bản, có trụ sở tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội".

Theo các tài liệu để lại thì hồi đó Chủ nhiệm Báo Công an mới là đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, chủ bút là Phan Mạnh Hân, ủy viên trị sự là Phùng Duy Tiếu. Báo in tipô, số 1 dày 16 trang, số 2 và 3 đều dày 20 trang, khổ 20x25cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Mỗi tháng báo ra hai kỳ vào ngày 1 và 15.

Trong lời "trình làng" dưới đầu đề "Mới", tờ báo viết: "... Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của Công an, để thắt chặt tình liên lạc giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Việt Nam Công an vụ cho xuất bản tờ Công an mới.

Đứng về phương diện Báo, Công an mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của Công an mà chỉ Công an mới có.

Gây một tinh thần vui vẻ, gợi khiếu tò mò, nhận xét của độc giả, phổ cập những thường thức về những vấn đề xã hội, luật pháp, chuyên nghiệp của Công an v.v... Đó cũng là một phần chính của tờ Công an mới".

Tiêu chí "Mới" đã được thể hiện trên từng trang báo. Ngay từ số 1, Báo Công an mới đã dành 2 trang cho cuộc phỏng vấn cấp tốc. Mười lăm người được phỏng vấn, từ anh Vệ quốc, Công an viên, nhà văn đến ông làm bếp... đã trả lời mỗi người một vẻ để góp phần xây dựng Công an cách mạng.

Cũng từ số 1, Công an mới đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành bởi một tinh thần và nội dung mới. Công an mới ra đến số 3 thì bầu không khí chiến tranh bao trùm khắp đất nước. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vì vậy, số 4 Báo Công an mới tuy đã in 5.000 bản nhưng phải dừng phát hành. Tờ Công an mới đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc gần xa. Ban lãnh đạo Báo sau đó đã lên chiến khu, chuẩn bị cho việc xuất bản nội san Rèn luyện.

Tôi hỏi ông Nguyễn Tài: "Hồi làm Báo Nước Nam mới đã cho ông kinh nghiệm gì để làm Báo Công an mới?". Ông cho biết, đó là sự nhạy bén nắm bắt cái mới để phản ánh kịp thời; phải khiêm tốn học hỏi để nhanh tiến bộ viết phải đa dạng, chính xác; viết và biên tập phải thận trọng không được ẩu đoảng.

Ông kể: "Hồi ở chiến khu Tân Trào, sau khi học Trường Quân chính kháng Nhật, tôi được phân công làm Báo Nước Nam mới. Có một chuyện nhớ đời: Dạo đó in báo bằng đá nên việc lên trang rất khó khăn. Một lần có một bài mà khi viết lên đá, không còn đủ chỗ. Tôi đã quyết định cắt bỏ đoạn cuối cho vừa khuôn. Sau đó, tôi nhận được một bài báo, nội dung châm biếm cán bộ tuyên truyền thì nói những điều mà người nghe không hiểu được, còn bài báo thì cắt đầu cắt đuôi mất hết ý nghĩa. Anh Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải đăng nguyên văn bài này. Tôi cảm thấy không vui, nhưng vẫn chấp hành. Sau có dịp hỏi lại thì anh cho biết đó là bài của "ông Ké" (Bác Hồ). Tôi nghĩ bụng, mình thật là "điếc không sợ súng". Sau đó, tôi rất cẩn thận trong việc tính toán lên trang".

Lần giở lại lịch sử Báo CAND, tôi được biết, hồi năm 1962, lần đầu tiên Báo mở lớp bồi dưỡng cách viết một số thể tài cho thông tin viên, cộng tác viên. Báo đã mời nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhiều nhà báo giỏi tới giảng bài.


Giờ đây đâu dễ đã ai quên

Chính sự góp công của hai cha con nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan và Anh hùng Nguyễn Tài đối với Báo CAND đã nói lên nhiều điều đặc biệt.

Có một sự kiện đáng chú ý là mới đây, ngày 6/6/2006, tại trụ sở Báo CAND (66 Thợ Nhuộm, Hà Nội), đã tổ chức lễ gắn bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hôm đó, vợ chồng ông Nguyễn Tài; nhà văn Lê Minh (con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan); nhiều con, cháu, chắt của nhà văn; cùng các văn nghệ sĩ, nhà báo đã tới dự. Đó là sự tri ân chẳng những với nhà văn Nguyễn Công Hoan - một nhà văn tài năng có tầm nhìn xa trông rộng, đã duyệt cấp giấy phép khai sinh tờ báo - mà còn đối với đại gia đình ông đã có những đóng góp vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển của Báo CAND từ thuở sơ khai cho đến ngày nay.

Theo nhà văn Lê Minh, chính tại ngôi nhà này, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết quyển sách "Hỏi chuyện các nhà văn" và quyển "Nhớ gì ghi nấy". Những trang văn của nhà văn trào phúng bậc thầy đã để lại cho những người đương thời và hậu thế nhiều điều suy ngẫm.

Cũng tại ngôi nhà này trong hơn 10 năm đó, những người con của ông Nguyễn Tài đã trải qua tuổi thơ dưới sự nuôi nấng, dìu dắt của ông bà nội, vì thời đó vợ ông phải đi công tác xa, ông Nguyễn Tài là cán bộ cấp cao được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn biệt phái vào Nam hoạt động suốt hơn 10 năm trong lòng địch. Chính tại ngôi nhà ấy đã in dấu biết bao kỷ niệm trong mỗi cuộc đời... Chính vì vậy, khi tới dự lễ gắn biển kỷ niệm người cha thân yêu của mình, ông Nguyễn Tài rất xúc động, không cầm được nước mắt...

Giờ đây, tấm biển lớn tại trụ sở Báo CAND còn khắc ghi dòng chữ: "Nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/6/1977), Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (1996), người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học và báo chí cách mạng Việt Nam, đã sống và sáng tác tại căn phòng tầng 1 toà nhà này từ năm 1964 đến 1976".

Đó là sự tri ân, cũng là một cử chỉ nhân văn hiếm thấy đối với những ân nhân của Báo CAND khi tờ báo vừa tròn 60 tuổi


Bùi Quang Hào


Tác giả "Kép Tư Bền" thời là bộ đội


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:KIẾN VĂN

Tác giả "Kép Tư Bền" thời là bộ đội


KIẾN VĂN

Phong trào “Văn nghệ sĩ đầu quân” những ngày đầu kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược là một sự kiện lớn của văn học cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Cho đến nay, hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) vẫn chưa có một người làm văn học sử nào thống kê được một cách chính xác phong trào ấy có bao nhiêu văn nghệ sĩ tham gia, nhưng một điều đã rõ là con số ấy khá đông, kể tới hàng trăm người và lan rộng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước.

Nguyễn Công Hoan – một tên tuổi lớn của văn học trước cách mạng tháng Tám (1945), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên (1999), tác giả của những Ngựa người, người ngựa (1934), Kép Tư Bền (1931), Bước đường cùng (1938)… là một trong những nhà văn tham gia phong trào này ngay từ đầu.

Về quãng thời gian tòng quân (1946-1954) của mình, nhà văn rất ít khi nói tới. Trong cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) dày tới hơn 400 trang, ông cũng chỉ dành đâu có 2, 3 trang viết về nó. Ông kể:
“Trong tám năm kháng chiến, vì bận công tác khác, tôi ít nghĩ tới việc viết truyện” (tr.230).
Vậy “công tác khác” của ông là công tác gì?

Qua những tài liệu được xuất bản tại chiến khu Việt Bắc còn lưu giữ được và qua lời kể của những người cùng thời được biết:

Nhà văn đã từng công tác tại tòa soạn báo Sao Vàng – cơ quan tuyên truyền và huấn luyện do Chính trị cục thuộc Quân sự ủy viên hội xuất bản đặt tại số 28 Triệu Quang Phục – Hà Nội (phố Hàng Bài ngày nay). Báo ra số đầu tiên vào ngày 30-5-1946 và ngày 17-12 cùng năm ra số cuối cùng (vì chỉ 2 ngày sau là toàn quốc kháng chiến). Tờ báo này do nhà sử học tài năng Trần Huy Liệu làm chủ bút. Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể:
“Báo Sao Vàng của Chính trị cục mở ra. Anh Trần Huy Liệu là Cục trưởng nhờ tôi giúp mục tiểu thuyết, làm tôi ngạc nhiên quá: “Sao lại tiểu thuyết?” (Đời viết văn của tôi, tr.228). Và sau đó ông viết Truyện đồng chí Tơ, viết tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng (1946). Từ ấy, nhà văn mới hay rằng vào bộ đội, ở bộ đội văn chương vẫn sống được và “quyết định làm sống lại ngành nghề của mình”.
Sau khi báo Sao Vàng ngừng xuất bản, nhà văn Nguyễn Công Hoan lên chiến khu tiếp tục làm nghề báo. Trong số đầu tiên của tờ Vệ quốc quân (tờ báo của Quân đội Việt Nam, tiếp nối các tờ Tiếng súng reo, Quân giải phóng, Sao Vàng và là tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) ra ngày 10 tháng 3 năm 1947 đã thấy ghi tên tuổi ông trong Bộ biên tập cùng với những Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến…



Đồng thời với việc tham gia Bộ biên tập báo Vệ quốc quân và sau đó (từ 20-10-1950) là báo Quân đội nhân dân, Nguyễn Công Hoan còn được phân làm chủ bút báo Quân nhân học báo, Giám đốc Trường Văn hóa quân nhân Lý Thường Kiệt. Nhà văn Lê Minh – con gái ông cho biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, lúc bấy giờ dù bận rất nhiều công tác vẫn dành những mối quan tâm đặc biệt tới công tác mới của nhà văn lão thành. Trong một bức thư gửi nhà văn Nguyễn Công Hoan, Đại tướng viết: “Anh phụ trách công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ quân đội, những người đã từng sống những giờ phút oanh liệt, đã từng đem tấm thân cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vinh dự anh quả thật là vinh dự lớn. Anh cố gắng giúp sức vào sự giải quyết một vấn đề lớn của phong trào của thời đại: Vấn đề phối hợp những tri thức văn hóa với tri thức sống. Anh cố gắng. Thành công của anh sẽ là thành công của phong trào, của dân tộc” (Nhà văn Quân đội, kỷ yếu tác phẩm, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, tr.785,786).

Kể về những ngày “đi bộ đội”, những ngày đầu trong quân ngũ của tác giả Bước đường cùng, nhà văn Tô Hoài viết: Có một chuyện buồn cười – buồn cười khi anh nói lại chứ thật ra, đây là chuyện gay go, suýt chết. Hôm ấy, anh Nguyễn Công Hoan cùng anh Thôi Hữu lên Sơn Tây. Không nhớ đi việc gì, anh mang súng cũng như là các anh đi chơi thôi. Anh Nguyễn Công Hoan mặc quân phục, mũ ca lô sĩ quan dạ tím có đính sao vành tròn. Lưng anh giắt gồ gồ bao súng của anh Lê Tất Đắc cho mượn – mà tôi chắc anh cũng không biết bắn. Người anh cao lớn, mặc đồ bộ đội, trông oai vệ lắm… Chẳng may đúng hôm ấy, Tây ở Hà Nội tấn công nống lên tận huyện Phúc Thọ. Một đằng thì bọn Tây đã lố nhố trên mặt đê, bắn loạn xạ vào trong làng. Một đằng thì người ta chạy giặc đương gồng gánh xô xuống bãi. Anh chạy với mọi người. Anh bị dân quân hỏi giấy, khám rồi giữ lại. Người ta nghi anh là Việt gian, trói anh lại. Ở ngay mặt trận, địch đang đuổi sau lưng mà bị dân quân bắt, nghi là Việt gian thì chết như không rồi còn gì. Nửa đêm, anh mới mò được đến Đồng Lư. Bùn lấm lem mặt, mất cả mũ ca lô, cả súng lục. Vết thương còn lằn đỏ hai cổ tay…

Chúng tôi được lệnh chuyển cơ quan lên Lâm Thao. Lúc chiều, Tây đã tấn công ra đến chùa Trầm. Anh đi theo luôn. Dọc đường đi lúc ngồi nghỉ, anh Nguyễn Công Hoan vui vẻ kể lại câu chuyện chết người ấy, rồi anh cười: Từ giờ thì không dám đeo súng! (Tô Hoài – Những gương mặt, NXB Tác phẩm mới, 1998, tr.70,71).

Không dám đeo súng, ít khi sử dụng súng nhưng bằng ngòi bút tài hoa, từng trải và lão luyện của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có những đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của báo chí quân đội nói riêng và sự phát triển của quân đội ta nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, khoa học quân sự những ngày đầu gian khổ của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.




Các Nhà văn – Nhà giáo tài năng trên văn đàn Việt Nam - Bùi Việt Thắng

Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nhà văn Bùi Việt Thắng


Trong lịch sử văn chương Việt Nam thời hiện đại có không ít nhà văn tài năng vốn là nhà giáo. Sự kết hợp “hai trong một” này là một hiện tượng thú vị xét về nhiều phương diện, nó tiêu biểu cho một đất nước vốn có truyền thống coi trọng văn chương và đề cao sự học. Trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945, đã có nhiều nhà văn nổi tiếng từng là nhà giáo, tiêu biểu như: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Vũ Đình Liên, Nam Cao​, Chế Lan Viên...

... Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903- 1977) quê ở Bắc Ninh, từng là học sinh trường Bưởi (Hà NỘI); năm 1922 vào học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (1926), dạy học cho đến năm 1945. Trong gần 20 năm dạy học trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn đã bị chính quyền thực dân để ý, theo dõi và tìm cách buộc phải thuyên chuyển nơi dạy từ Hải Dương về Nam Định, từ Nam Định ra Quảng Ninh, từ Quảng Ninh lên Lào Cai...Sự luân chuyển gian khổ đó, với người viết văn lại là một sự may mắn nghề nghiệp - vì thế mà được đi nhiều, biết nhiều, hay nói cách khác là được sống nhiều. Nguyễn Công Hoan bắt đầu cầm bút viết văn từ năm 1920; tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan in năm 1923 lập tức khẳng định vị trí vững chắc của ông trên văn đàn đương thời. Tiếp theo, tập truyện ngắn Kép Tư Bền xuất bản năm 1935 đã gây một tiếng vang lớn lúc bấy giờ (tác phẩm này cũng chính là nguyên cớ nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh). Trước năm 1945, nhà văn Nguyễn Công Hoan được ví như một “lực sĩ văn chương”, cần mẫn lao động nghệ thuật: ông đã viêt hơn 200 truyện ngắn, hơn 20 truyện dài. Trong tác phẩm của mình, nhà văn thẳng tay đả kích bọn quan lại tàn ác, tham lam và bỉ ổi; bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt; bọn “ông chủ” vô lương tâm chỉ biết chạy theo và tôn thờ đồng tiền...Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng được ví như một “bách khoa thư” về xã hội Việt Nam thời kim tiền, nhố nhăng mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã gọi là một “xã hội chó đẻ”.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công hoan thực sự là một bức tranh chân thực về đời sống xã hội với những cảnh sống khốn cùng của những con người nhỏ bé bị tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Người đọc nhiều thế hệ vẫn luôn luôn xúc động và không cầm được nước mắt khi đọc những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn như: Hai thằng khốn nạn, Ngựa người và người ngựa, Kép Tư Bền, Thằng ăn cắp. Có thể nói đó là những tấn bi - hài kịch nhân gian mà nhà văn đã dựng nên bằng một nghệ thuật truyện ngắn tài tình.

Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn chương hiện đại Việt Nam. Đọc Nguyễn Công Hoan, nhiều người có sự liên tưởng và so sánh ông với nhà văn Ý thế kỉ XIV Giovanni Bôcaxiô (1313- 1375), người đã tạo nên kiệt tác Chuyện mười ngày (Decameron, xuất bản năm 1471). Người ta nói, không phải ai khác mà chính là Bôcaxiô là người đã đem tiếng cười vang dội vào văn chương nước Ý thời đại Phục hưng. Tương tự, chúng ta cũng có quyền tự hào mà nói: không phải ai khác mà chính là Nguyễn Công Hoan là người đã đem tiếng cười trào phúng vang dội vào văn chương hiện đại Việt nam. Ngay từ năm 1942, trong sách Nhà văn hiện đại, nhà văn Vũ Ngọc phan đã tinh tường nhận xét về đặc trưng văn chương Nguyễn Công Hoan “tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi”. Người ta vẫn nói tiếng cười là vũ khí của người mạnh, tiếng cười là “phép vệ sinh tinh thần”- điều đó ứng nghiệm trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan một cách thật rõ ràng.

Hơn năm mươi năm lao động nghệ thuật bền bỉ, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại một di sản văn chương đồ sộ. Ông vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Hiện nay ở thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên nhà văn Nguyễn Công Hoan.
...


Nguồn: Báo điện tử VTC News

Cuộc gặp đáng nhớ ở quán sách Hương Giang

Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Xuân Sanh

Hồi ký



Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

Gần hết giờ học bài đêm, có thể ngồi lặng lẽ làm thơ mà không ai biết. Lên buồng ngủ, khuya thắp ngọn nến trắng góc giường, đủ ánh sáng để trầm tư và viết. Đọc sách liên miên, cũng dưới ngọn đèn leo lét trong màn.

Tìm sách báo thì có thư viện thầy Trịnh Xuân Dương. Nhưng hay nhất, thích nhất vẫn là quán sách Hương Giang của anh chị Hải Triều.

Nó ở bên kia sông Hương, qua cầu Tràng Tiền, ngoặt một tý bên tay trái là đến. Đi ra dạo chơi dưới gốc mấy cây thùy liễu gần bến đò Thừa Phủ cũng nghĩ đến sách, báo Hương Giang. Gần gà gáy sáng, nằm trằn trọc nghe đò chở cát ngoài sông hò mái nhì mái đẩy, cũng nhớ sách, báo Hương Giang...

...Đối với tôi và Huy Cận, yêu quán sách Hương Giang là một tình cảm sâu sắc đến nỗi cho mãi đến bây giờ vẫn không quên được. Một chủ nhật rảnh lang thang vào hồ Tịnh Tâm ngắm sen, hai chúng tôi tạt vào thăm quán sách. Anh Hai Triều vỗ vai bảo : Thứ sáu tuần này, tập truyện Kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan vào Huế. Đến thứ tư tuần sau, nhà văn Nguyễn Công Hoan sẽ vào thăm sông Hương núi Ngự và chiều thứ năm sẽ ký tên vào Kép Tư Bền cho độc giả.

Huy Cận và tôi mừng lắm. Sách sẽ vào Huế với chúng ta. Nhà văn tác giả sẽ vào Huế gặp chúng ta là bạn đọc. Vào Tịnh Tâm, không nói chuyện hoa sen nở nữa, chỉ ngồi trên cầu và trên lan can nhà lục giác nói chuyện Kép Tư Bền, nói chuyện làm sao để được gặp nhà văn tên tuổi Nguyễn Công Hoan ngay trên đất Huế của chúng mình, được nhìn mặt nhà văn, xin một chữ ký. Nhà văn tiếng tăm như vậy, tên ký hẳn là những nét mực vạm vỡ, phóng lên.

Chiều thứ sáu ngay sau đó...

Tàu hỏa xình xịch qua cầu Bạch Hổ. Tiếng còi dài rít lên. Tàu sắp vào ga. Sao bụng chúng tôi rạo rực, tâm hồn chúng tôi thao thức đến thế khi nghe những tiếng còi chiều vọng vào hiên trường lớp. Mắt chúng tôi quay nhẹ nhìn ra màu xanh trời đất. Tìm gì trong đó, suy nghĩ những gì trong đó, tự mình im lặng đến nỗi tưởng như một tý sóng gạn trên mặt sông Hương phẳng lặng cũng nghe được tận trong ngôi trường sở trang nghiêm này.

Ấy là chuyến tàu mà chúng tôi biết trong một góc toa nào đó, nhiều bó sách Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan đã được chất chồng, đưa vào cho bạn đọc sông Hương. Trong bạn đọc ấy có Huy Cận và tôi và bao nhiêu bạn chúng tôi ở trường Quốc Học này nữa. Thế rồi là một đêm vui khó ngủ với Kép Tư Bền.

Dăm ngày sau, một buổi chiều giờ địa lý, lại tiếng tàu rung vang cầu sắt và một tiếng còi tàu xem chừng như có ý huýt dài hơn.

Nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan mà chúng ta chưa biết mặt lại đến với chúng ta trên đất Huế. Chúng tôi muốn ngủ chậm lại hơn những đêm trước. Ngồi trên bục cửa sổ nhìn trời mây xứ Huế lấp lánh một vành mỏng trăng non, nói chuyện văn thơ đất nước.

Suốt ngày hôm sau cứ ở hai lớp khác nhau ra giờ chơi gặp nhau, Huy Cận và tôi đều mách với nhau việc trên bàn học của mình chúng tôi trông ngóng những giờ phút cuối chiều. Cả hai anh em ai cũng nhớ lời anh Hải Triều : nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan sẽ ký tên vào tác phẩm Kép Tư Bền cho độc giả ngay ở hiệu sách Hương Giang. Nhớ lại trước đây đã bao ngày đêm nghĩ ngợi về Ngựa người , người ngựa, về bộ Xã hội ba đào ký của Nguyễn Công Hoan đọc nhiều kỳ trong phụ trương một tờ báo Hà Nội.

Ăn cơm chiều xong, Huy Cận và tôi và một bạn thân nữa của chúng tôi rủ nhau lặng lẽ vượt cổng ra đường. Trời đang con nắng nhỏ. Hơi mát của lòng sông Hương tỏa rộng lên đường, trùm cả dãy cây long não xanh um lá. Chúng tôi đi nhanh, không ai nghe bước ai. Qua cầu Tràng Tiền, thường thế nào cũng đứng lại ngắm đò chiều lên khói nấu cơm và nhìn bóng mờ Cồn Hến, hôm nay ba anh em đi thẳng như có một tiếng gọi thắm thiết lạ lùng đâu từ bên kia sông, chứ không ôm lưng nhau tâm sự hay cao giọng đồng thanh hát những bài hát như học sinh thường hát chơi lúc bấy giờ.

Hiệu sách Hương Giang còn đông người xếp hàng mua sách và xin chữ ký nhà văn Nguyễn Công Hoan. Gió dịu hình như thổi từ bến Phu Văn Lâu vào. Tác phẩm Kép Tư Bền xếp thẳng hàng trên hai ngăn tủ kính trước. Bìa màu nhạt, kín đáo mà ấm.

Chúng tôi hưởng cái vui của những người độc giả bạn mình. Hẳn đều là những người muốn đến với văn học bằng cuộc sống và lòng tin. Huy Cận và tôi chen chân đứng với nhiều bạn trẻ khác ở ngay ngưỡng cửa. Tay có lúc nắm tay nhau, có lúc một tay để lên ngực. Xem chừng muốn tự nghe lòng mình và tự do lòng mình cả đây.

Anh Hải Triều bước ra. Cái cười của anh bao giờ cũng cởi mở, nhanh, để chan hòa. Tôi nghĩ : cả chan chứa lòng tin. Anh vẫn thường truyền thẳng lòng tin cho những người trai như chúng tôi bằng một cái bắt tay chắc và cái nhìn sáng. Anh bảo: các cậu cứ vào mua sách và đứng chờ ở cuối bàn.

Huy Cận và tôi thường làm gì cũng muốn có nhau, muốn không mất nhau, lúc ấy kéo nhau vào đứng ở cuối bàn và lấy sách.



Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh khi còn trẻ - Ảnh: 60s.com.vn


Hai ba chúng tôi hay mua sách chung nên chỉ mua một cuốn Kép Tư Bền. Anh Hải Triều mở mấy trang đầu trao sách cho chúng tôi. Chữ in sắc nét, thẫm màu. Giấy dày như có những đường gân thẳng, nhưng bốc thoảng lên một mùi thơm rất thương. Bỗng nhớ câu anh Hải Triều nhắc nhở hai chúng tôi: tác phẩm hiện thực Kép Tư Bền của nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan ra bây giờ là đúng lúc.

Mua chỉ một cuốn sách, nhưng đứng thì cùng đứng với nhau hai người. Trong lòng phấp phỏng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan tóc đen lắm, húi hơi ngắn. Tay cầm bút, mắt nhìn ngòi bút, nhưng ký xong lại quay nhìn người đưa sách ký. Đọc văn nhiều trang thấy đậm đà lối văn hài hước, nhưng gặp người không thấy nét dáng hài hước chút nào. Nhà văn có vẻ như cười với Huy Cận, vì Huy Cận là người đã cầm cuốn Kép Tư Bền xin chữ ký của anh. Tâm trạng tôi là cũng phải góp vào phút nghiêm nghị mà thân tình này cái cười rất con trẻ của mình. Vì yêu Nguyễn Công Hoan là cái yêu chung từ ngày được đọc các truyện ngắn khỏe và thực của nhà văn nổi tiếng và vì chúng tôi hẹn nhau cùng mua chung một cuốn Kép Tư Bền để đọc ở đời và học văn học.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan bắt tay tạm biệt hai chúng tôi khi ngọn đèn điện trong quán sách anh Hải Triều vừa bật sáng. Tôi nhìn kỹ chữ ký anh : từng chữ cái một đứng chệch nhau hàng dọc tỏa xuống. Tôi cứ ngẫm nghĩ: vì sao? Sau này đã gần anh Nguyễn Công Hoan, tôi thấy đó là cái rắn đậm của con người, cái thực của sự sống. Tôi bắt tay anh, kính mến nhìn mắt anh và nhìn nét môi anh cười.

Chúng tôi đi đò ngang về, mừng trẻ nhỏ như mình mà được đến với nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan. Cũng mừng nữa, là học trò nhỏ mà được làm bạn với quán sách anh Hải Triều: thấy chúng tôi có ít tiền lại ham đọc, hàng tuần anh vui vẻ bán chịu cho khá nhiều sách, báo, còn hứa cho Huy Cận và tôi mượn đọc cuốn sách bàn về Hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng tiếng Pháp.

Năm năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong kháng chiến chống Pháp trụ sở Hội văn nghệ Việt Nam Trung ương lúc bấy giờ dọn sang ở Thượng Yên bên sông Lô Việt Bắc. Nguyễn Huy Tưởng và tôi hai anh em mang ba-lô đi họp phía Tân Trào, chân bước xăm xăm trên đường trèo đèo leo dốc từ bến Bình Ca sang Sơn Dương. Trên một ngọn cao chót vót nhìn xa vẫn thấy mênh mông chằng chịt rừng lim, mưa lúc sáng còn đọng ứ nước ở mặt đường lầy, chúng tôi gặp anh Nguyễn Công Hoan cùng hai đồng sự của anh trong cơ quan tờ Quân nhân học báo của quân đội nhân dân đi sang Tuyên Quang đang ngồi ghé chân lại nơi đây.

Lần đầu tiên gặp lại anh trong kháng chiến. Quân phục anh gọn gàng, quần xắn lên đầu gối để tránh mưa lầy, nhưng dáng mặt anh và nét cười anh vẫn mang thấm thía sự đúng đắn của nhà văn hiện thực cách mạng và nhà giáo đi thẳng vào đời sống và sứ mạng chiến đấu vì độc lập, tự do dân tộc.

Gặp anh Nguyễn Công Hoan trên đường, Nguyễn Huy Tưởng và tôi trong một tiếng đồng hồ buổi trưa đèo núi lại kể những hồi tưởng về anh. Mưa nhỏ đang lay chuyển lá lim trên đầu chúng tôi. Tôi kể anh Hoan nghe những kỷ niệm ngày Huy Cận và tôi xin anh chữ ký vào tập truyện Kép Tư Bền ở hiệu sách Hương Giang. Anh lặng nghe, chắc là cảm động, ít cười. Khi chia tay nhau, anh lên đường sang phía tây. Tưởng và tôi lên đường sang phía đông, anh lay mạnh vai hai chúng tôi nói: Thơ văn cách mạng gặp nhau trên núi rừng kháng chiến, rồi bọn mình sẽ còn gặp nhau trong chiến thắng.

Có nhiều nỗi cảm động sâu xa, mà thấy nó sâu xa hơn nếu có đôi lần mình chịu khó giữ kín khoan nhắc lại.

Trước đây trong cuộc gặp gỡ thân tình kỷ niệm anh Nguyễn Công Hoan bảy mươi tuổi ở Hội nhà văn Việt Nam, tôi rất vui nhưng không nói gì, vì lẽ đó. Tôi chỉ thích ngồi lắng nghe tâm tình của các bạn tôi.

Hai hôm sau, anh Hoan đến nhà tôi chơi vào buổi sáng. Anh đem tới biếu tôi mấy gốc cây hoa leo ăng-ti-gôn bụ rễ của nhà anh để tôi trồng dặm cho đẹp trong cái bồn bé tý của tôi giữa cầu thang ngoài trời dẫn xuống đường cái. Chúng tôi lại chân thành tâm sự với nhau câu chuyện gặp gỡ cũ bên sông Hương ở quán sách anh chị Hải Triều. Anh Hoan bảo: Tiếc hôm kia tôi không ghi âm được mẫu hồi tưởng của anh.

Tôi chỉ trả lời anh: chúng tôi mến yêu các anh trong mọi lúc, anh cho tôi ghi lại mãi mãi trong đời tôi mẫu kỷ niệm đậm đà này của anh và anh Hải Triều.

Thế mà đến nay bốn mươi năm, năm mươi năm đã qua...


N.X.S
(18/4-86)


Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Cùng vinh danh trên đất nghìn năm - Giang Quân


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Theo Hà Nội Mới


Cùng vinh danh trên đất nghìn năm

Giang Quân

Những cặp vợ chồng, cha con, anh em cùng được vinh danh, đặt tên cho những con đường góp phần làm rạng rỡ mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Từ cha đến con

Cha con cùng được lên biển phố Thủ đô có tới năm trường hợp. Đầu tiên là Trần Thánh Tông, tên thật là Trần Hoảng, con trai Trần Cảnh, vị vua thứ hai triều Trần, trị vì 20 năm (1258 - 1278). Ông là người nhân từ, độ lượng, thường ăn ngủ cùng các vương hầu, chủ trương khuyến nông, tích cốc phòng cơ, rèn luyện binh sĩ sẵn sàng chống giặc. Sau này, khi đã là Thái thượng hoàng, ông vẫn hai lần tham gia khánh chiến với quân dân chống quân Nguyên xâm lược. Trần Thánh Tông còn được biết đến là một nhà thơ.

Trần Nhân Tông là con lớn Thánh Tông, vua thứ ba triều Trần (1279 - 1293), tổ chức Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng, đoàn kết toàn dân chống quân Nguyên xâm lược. Hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu” của ông làm khi khải hoàn mừng chiến thắng còn mãi để đời. Ông còn là vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, tu trên núi Yên Tử. Phố Trần Thánh Tông và phố Trần Nhân Tông ở địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Đường Văn Cao nối Liễu Giai với Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Trung Kiên)Đường Văn Cao nối Liễu Giai với Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Trung Kiên)


Tiếp đến là Trần Quang Khải, em cùng mẹ với Thánh Tông, giúp vua anh trị nước, làm tới chức thượng tướng Thái sư. Trong kháng chiến chống Nguyên, ông vừa đảm nhận công tác ngoại giao, vừa trực tiếp chỉ huy đánh thắng trận Chương Dương lịch sử, góp phần giải phóng kinh thành. Bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của ông là khúc ca tự hào của dân tộc. Đường Trần Quang Khải chạy cạnh đê hữu ngạn sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm.

Hai cha con Đặng Tất - Đặng Dung được đặt tên phố cùng trong phường Quán Thánh, cùng gối đầu lên bờ hồ Trúc Bạch. Cả hai đều làm quan, làm tướng cuối đời Trần, quê gốc ở Hóa Châu (Quảng Trị) di cư ra Can Lộc, Hà Tĩnh. Đặng Tất làm Đại tri châu, cuối đời bị vua Trần Giản Định giết oan cùng với Nguyễn Cảnh Chân năm 1409. Đặng Dung từng tham gia các trận Hàm Tử, Yên Mô, Chí Linh, Thái Già năm 1413. Ông bị quân Minh bắt cùng với vua Trùng Quang, trên đường bị giải về Yên Kinh  đã nhảy xuống sông tuẫn tiết.

Hai cha con Phan Huy Ích - Phan Huy Chú người Can Lộc, Hà Tĩnh, cư trú ở làng Thày, huyện Quốc Oai. Phan Huy Ích đỗ đầu thi Hội cuối thời Lê trung hưng, làm quan Hiến sát sứ Sơn Nam. Nhà Lê mất, ông cộng tác với vua Quang Trung, làm Thị  trung Ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ, đi sứ nhà Thanh. Phan Huy Chú là con trai, chỉ đỗ sinh đồ nhưng có thực tài, mở trường học và soạn sách, trở thành nhà bách khoa, nhà văn hóa nổi tiếng, tác giả các bộ sách giá trị: Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục… Vua Minh Mạng nhà Nguyễn bổ ông làm Biên tu Quốc sử giám, hai lần sang sứ nhà Thanh. Phố Phan Huy Ích nối phố Nguyễn Trường Tộ đến đầu phố Quán Thánh gần vườn hoa Vạn Xuân. Còn phố Phan Huy Chú từ phố Lê Thánh Tông đến phố Hàn Thuyên, thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.

Lương Văn Can - Lương Ngọc Quyến là hai cha con nhà nho yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ 20, người Nhị Khê, huyện Thường Tín. Lương Văn Can đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan nhà Nguyễn. Pháp chiếm Hà Nội, ông là một trong nhóm người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa thục nhằm truyền bá tinh thần dân tộc, cổ vũ lòng yêu nước. Trường mở được 9 tháng thì bị Pháp đóng cửa. Chúng bắt ông, kết án 10 năm biệt xứ sang Phnôm Pênh.

Lương Ngọc Quyến là con trai đã hưởng ứng phong trào Đông du, theo Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang phục hội. Ông bị bắt ở Trung Quốc giải về Việt Nam giam ở nhà lao Thái Nguyên. Ông liên lạc với Đội Cấn làm binh biến rồi hy sinh tháng 9/1917. Phố Lương Văn Can chạy song song với Hàng Đào, phố Lương Ngọc Quyến song song với Hàng Bạc, đều nằm trong khu phố cổ.

Thời hiện đại có hai cha con Hoàng Đạo Thành - Hoàng Đạo Thúy, vốn gốc họ Cung ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai. Ông Hoàng Đạo Thành đỗ cử nhân, làm quan giáo thụ ở các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Đa Phúc, Thuận Thành, Từ  Sơn; làm Tri huyện Quế Dương, Thuận Thành; Thương tá Bắc Ninh, viết Việt  sử tân ước, Việt sử tứ tự, Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện…

Hoàng Đạo Thúy về cư trú nhiều năm ở làng Đại Yên, dạy học, tham gia Ban chỉ đạo Liên đoàn hướng đạo Bắc Kỳ, hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ, cứu tế xã hội, viết báo… ông được cử vào đoàn đại biểu Hà Nội dự Quốc dân đại hội Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa. Cách mạng thành công, ông làm Cục trưởng Cục Thông tin - Liên lạc, Giám đốc trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Giao thông dân binh, Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu…, được phong hàm đại tá, viết các tác phẩm: Trai nước Nam làm gì, Anh Tư Bền, Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội phố phường xưa, Hà Nội thanh lịch… và nhận giải thưởng Thăng Long năm 1994. Phố Hoàng Đạo Thành được đặt ở ngay quê hương Kim Lũ, thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Phố Hoàng Đạo Thúy nối Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng trong khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính.

Và những anh em

Anh em ruột cùng được đặt tên phố có ba cặp. Triệu Quốc Đạt là thủ lĩnh vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (Thanh Hóa), căm giận chế độ cai trị hà khắc của nhà Ngô đã cùng em gái khởi nghĩa năm 247. Cuộc chiến đấu đang diễn ra thuận lợi thì ông không may ốm nặng rồi mất, trao quyền hành lại cho em gái là Triệu Thị Trinh. Bà thường cưỡi đầu voi chỉ huy quân sĩ đánh trận. Nhà Ngô phải tiếp viện, tướng Lục Dận đem quân bao vây, bà tuẫn tiết trên ngọn Tùng Sơn. Phố Bà Triệu dài hơn 1.900 m từ Hồ Gươm đến đường Đại Cồ Việt, qua các phường Hàng Bài, Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Du, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng). Phố Triệu Quốc Đạt nối Tràng Thi đến Hai Bà Trưng, thuộc phường Trần Hưng Đạo.

Anh em Đinh Lễ - Đinh Liệt , gọi Lê Lợi bằng cậu, tụ nghĩa dưới cờ Lam Sơn. Họ thành danh tướng đã tham dự trận chiến ở Khả Lưu, Bồ Ải (Nghệ An) bắt sống tướng giặc Chu Kiệt. Đinh Lễ chỉ huy trận giải phóng Diễn Châu, phá tan đạo thuyền lương giặc do Trương Hùng cầm đầu. Trong một trận phản kích của Vương Thông ở mặt phía nam Đông Quan tháng 3/1427, ông sa vào tay giặc ở Mi Động (Mai Động) và bị giết. Đinh Liệt tham chiến ở Chi Lăng - Xương Giang, toàn thắng được xếp loại công thần Đình thượng hầu. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, đề xướng phế bỏ Nghi Dân đưa Tư Thành lên làm vua, mở ra thời Hồng Đức thịnh trị cho đất nước.  Phố Đinh Lễ chạy song song cạnh Tràng Tiền, còn phố Đinh Liệt nối Hàng Bạc đến Cầu Gỗ, trong khu vực phố cổ.

Thời hiện đại có hai anh em ruột là Nguyễn Công Hoan (tên thật là Nguyễn Công Mỹ) và Nguyễn Công Miều, tức Lê Văn Lương, quê ở huyện Văn Giang, Hưng Yên, trong một gia đình nho học truyền thống. Ông anh là nhà văn hiện thực nổi tiếng, viết truyện ngắn trào lộng và tâm lý xã hội, sau là chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam.  Ông em là nhà chính trị cách mạng sáng giá, 15 tuổi vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội, 18 tuổi vào Đảng Cộng sản, sau lần lượt làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội 3 khóa liền (1976 - 1985). Ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.




Cập nhật lúc : Thứ Hai, 22/09/2008 - 11:07 AM
http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Cung-vinh-danh-tren-dat-nghin-nam/20089/14999.datviet





Phố Nguyễn Công Hoan


Rating:★★★★★
Category:Other

Phố Nguyễn Công Hoan

Vị trí: Phố Nguyễn Công Hoan: Nối từ phố Ngọc Khánh sang phố Nguyễn Chí Thanh, dài trên 500 mét. Phố này đi trên đất làng Ngọc Khánh và Giảng Võ (xem các mục này) là một phố mới mở và đặt tên năm 1995.

Xem Bản đồ cỡ lớn hơn
Xem Wikimapia






Tiểu sử nhân vật: Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là nhà văn. Ông quê ở làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Ông học sư phạm, dạy các trường tiểu học ở Bắc Kỳ, vừa dạy học vừa viết tiểu thuyết.

Ông nổi tiếng là một nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu thời kỳ 1936-1939 với tác phẩm Bước đường cùng và rất nhiều truyện ngắn. Sau Cách mạng tháng 8-1945 ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp ông có gia nhập quân đội và tiếp tục viết sách. Từ Hòa bình lập lại (1954) ông in nhiều sách: Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ. v.v…

 

Lan và Điệp


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chuyện tình Lan và Điệp là câu chuyện tình hư cấu nổi tiếng ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện tình này được nhiều người ví như câu chuyện tình Romeo và Juliet hay Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài phiên bản Việt Nam.
Nguyên tác văn học
Câu chuyện được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1933, qua tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Câu chuyện nói về mối tình lãng mạn, đầy trắc trở của cô gái tên Lan và chàng trai tên Điệp. Do mắc mưu của ông quan Phủ ở tỉnh lẻ, Điệp – học sinh nghèo – phải phụ tình vị hôn thê là Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông Phủ.
Lan ôm mối tình tuyệt vọng bỏ nhà đến chùa để cắt tóc đi tu. Cao trào của câu chuyện khi Điệp tìm được ngôi chùa mà Lan đang tá túc, thì cũng đúng lúc nàng trút hơi thở cuối cùng.

Tác phẩm "Tắt lửa lòng" nhanh chóng thu hút được sự chú ý của công chúng và được các nghệ sĩ chuyển thể ra nhiều hình thức khác nhau.



Sân khấu
Năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang đã viết chuyển thể từ nguyên tác thành kịch bản cho vở cải lương "Lan và Điệp". Một số nghệ sĩ thành danh với vở kịch bản này như nghệ sĩ Năm Phỉ. Đặc biệt, năm 1954, khi nghệ sĩ Năm Phỉ đã 47 tuổi, nhưng bà vẫn vào vai cô Lan 18 tuổi rất thành công. Sau nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Thanh Nga cũng được đánh giá rất cao cho vai diễn Lan.

Năm 1948, Trung tâm ASIA đã cho thu âm vở cải lương này vào 4 đĩa nhựa với tựa đề "Hoa rơi cửa Phật", với sự tham gia của các danh ca Tư Sạng (Lan), Năm Nghĩa (Điệp), Tám Thưa (Hòa thượng), Hồng Châu (Tiểu Huệ Thông). Đĩa nhạc nhanh chóng phổ biến, lan đến Campuchia và Lào, đến mức người ta quên mất tên nguyên tác, mà chỉ còn nhớ Chuyện tình Lan và Điệp.

Năm 1970, khi phong trào kịch nói lớn mạnh, ban kịch Kim Cương đã trình diễn vở kịch nói "Lan và Điệp", do chính nghệ sĩ Kim Cương thủ vai Lan. Vở kịch này cũng thu hút được sự chú ý của khán giả không kém cải lương và nhanh chóng được phát trên truyền hình lúc đó.

Cùng thời điểm này, kịch bản cải lương Chuyện tình Lan và Điệp của tác giả Loan Thảo với sự trợ giúp của soạn giả Thế Châu đã được thu thanh và trở thành bản ghi âm chuẩn mực nhất cho vở tuồng này tính đến hiện tại. Tham gia vở diễn là các giọng ca nổi tiếng như Chí Tâm (Điệp), Thanh Kim Huệ (Lan), Tú Trinh (Thúy Liễu), Hữu Phước (ông Tú – ba của Lan),...
Năm 2000, Tình Productions sản xuất cải lương Lan và Điệp dưới dạng băng VHS rồi chuyển sang DVD dưới kịch bản của Loan Thảo và Bạch Mai với sự tham gia của Phi Nhung (Lan), Mạnh Quỳnh (Điệp), NSƯT Út Bạch Lan (Bà Tư), Thanh Hằng (bà Phủ), NSƯT Thoại Mỹ (Thuý Liễu),...

70 năm sau, năm 2006, một lần nữa kịch bản của soạn giả Loan Thảo được tái dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ Hoàng Nhất (Điệp), Hà My (Lan), Chấn Cường (Xuân), Bình Mập (sếp Sạc), Uyên Thảo (Thúy Liễu). Cùng thời điểm này, sân khấu Trần Hữu Trang cũng mang đến khán giả bản dựng lại của kịch bản này với NSƯT Tấn Giao (Điệp) và Ngân Quỳnh (Lan).

Năm 2008, ca sĩ Minh Thuận gây tiếng vang lớn với vở ca vũ cải lương "Lan và Điệp". Điểm đặc biệt là các vai diễn đều do các ca sĩ tân nhạc hát cải lương gồm Minh Thuận, Đàm Vĩnh Hưng (Điệp), Cẩm Ly, Phương Thanh, Hồng Ngọc, Thanh Thảo (Lan), Thu Minh (Thúy Liễu), Hữu Bình (ông Tú), Trung Dân & Cát Phượng (ông bà Phủ), Vũ Hà (bếp Sạc), Quốc Đại (chú tiểu).

Năm 2019, tác phẩm được tái dựng trên sân khấu Nhà hát Bến Thành từ bản ghi âm do soạn giả Loan Thảo thực hiện vào năm 1974. Vở quy tụ nhiều gương mặt gạo cội của làng cải lương như NSƯT Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Hồng Nga, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Trọng Phúc,... Hai diễn viên chính: Thanh Kim Huệ (vai Lan) và Chí Tâm (vai Điệp) lần đầu tái hợp sau 45 năm[2] từ khi bản thu đầu được ra mắt.




Âm nhạc
Ngay từ đầu thập niên 1940, soạn giả Viễn Châu đã viết bài vọng cổ cho vở cải lương. Đến lúc Trung tâm Asia thu đĩa, thì phần vọng cổ của ông cũng được lấy tên là "Hoa rơi cửa Phật", được thu âm tại Hãng đĩa Hồng Hoa. Nghệ sĩ Mộng Tuyền cũng từng được đánh giá rất thành công với bài hát này. Một danh ca khác là Út Bạch Lan cũng nổi tiếng với bài vọng cổ này.
Bìa ca khúc Chuyện tình Lan và Điệp 2
Năm 1965, các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh KỳAnh Bằng cùng phối hợp nhau sáng tác 3 bài tân nhạc Chuyện tình Lan và Điệp, ký tên là Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh.

- Chuyện tình Lan và Điệp 1: Nhật Trường, Hoàng Oanh ca
- Chuyện tình Lan và Điệp 2: Phương Dung ca
- Chuyện tình Lan và Điệp 3: Trúc Mai ca

Các bài tân nhạc này cũng nhanh chóng được nhiều người thuộc, đặc biệt với bài số 1, Chuyện tình Lan – Điệp đã trở thành một trong những bài hát được biết đến nhiều nhất tại miền Nam.

Không lâu sau, soạn giả Viễn Châu đã thử nghiệm viết thể loại Tân cổ giao duyên. "Chuyện tình Lan và Điệp" tân cổ giao duyên trở nên một trong những bài hát đầu tiên và thành công nhất của ông trong thể loại này. Rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn bài này, trong đó có cả giọng ca chuông ngân NSND Lệ Thủy.



Phim ảnh
Năm 1972, hãng phim Dạ Lý Hương khởi quay bộ phim đen trắng 35mmm "Tình Lan và Điệp", dài 1 giờ 30 phút. Bộ phim do Lê Dân làm đạo diễn, với các diễn viên: Thanh Nga (Lan), Thanh Tú (Điệp), Bạch Tuyết (Thúy Liễu), Ba Vân (Quan Án), Ngọc Giàu (Bà Án), Năm Châu (Ông Tú), Kim Cúc (Bà Tú). Bộ phim có doanh thu cao nhờ ảnh hưởng từ các thể loại trước đó.
Tuy nhiên, sau 1975, số phận của tác phẩm khá ảm đạm, do chính quyền xếp vào loại ủy mị và bị cấm trong mọi thể loại trong thời gian dài. Mãi đến cuối thập niên 1980, cùng với sự xuất hiện của sách in, cải lương và kịch nói, bộ phim màu "Lan và Điệp" lại được khởi quay và trình chiếu vào năm 1990, do Trần Vũ và Nguyễn Hữu Luyện làm đạo diễn, với các diễn viên Như Quỳnh (vai Lan), Trần Thạch (vai Điệp), Hoàng Yến (vai mẹ Điệp), Thu An (vai bà bõ).



Thành tựu
Thành ngữ "Chuyện tình Lan và Điệp" thường được dùng để chỉ một mối tình khắng khít nhưng éo le giữa một đôi nam nữ. Từ nguyên tác văn học, "Chuyện tình Lan và Điệp" đã được chuyển thể thành kịch, cải lương, chèo như dạng tích kinh điển được diễn đi diễn lại nhiều lần, thậm chí dựng thành phim. Bên cạnh đó, cùng sự phổ biến bởi âm nhạc, có thể nói, khắp nước Việt Nam không ai không biết đến.



Tham khảo






Cải Lương "Chuyện Tình Lan Và Điệp"


Soạn giả: Quế Chi.
Kịch bản Quế Chi
Đạo diễn Loan Thảo, Hoàng Việt
Soạn nhạc Văn Giỏi, Sáu Lệ, Tư Thiên
Diễn viên Chí Tâm vai Điệp, Thanh Kim Huệ vai Lan, Hữu Phước (ông Tú - ba của Lan), Hùng Minh, Tú Trinh (Thúy Liễu), Mai Lan, Kim Thủy (mẹ của Điệp), Hoàng Mai, Bé Thành Tâm, Viễn Sơn vai Chú Tiểu
Thời lượng 1:27:26

“Lan Và Điệp” được xem là một trong các vở tuồng bất hủ của Cải lương Việt Nam. Trên thực tế, nghệ sĩ nào cũng từng “kinh” qua vở diễn này.

Theo đó, khán giả có thể kể vanh vách những tên tuổi từng hoá thân thành công như: NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Thanh Ngân… Hoặc, vai Điệp từng được “đóng dấu đặt tên” bởi NSƯT Vũ Linh, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Tấn Giao… Tuy nhiên, rất đông khán giả vẫn đặc biệt yêu thích phiên bản thu thanh năm 1974 với Thanh Kim Huệ và Chí Tâm.

Vở Lan và Điệp để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất với khán giả là bản thu Audio đĩa cải lương năm 1974 do soạn giả Loan Thảo thực hiện với sự tham gia của các giọng ca Chí Tâm (Điệp), Thanh Kim Huệ (Lan), Tú Trinh, Hữu Phước,… Qua tài năng của Loan Thảo, vở diễn dường như được “đo ni đóng giày” cho cả hai diễn viên trẻ. Đĩa cải lương Lan Và Điệp tạo nên cơn sốt một thời gian dài, đưa Chí Tâm và Thanh Kim Huệ trở thành ngôi sao. Đến nay, bản thu âm Lan và Điệp 1974 vẫn được xem là bản thu âm chuẩn mực nhất của tác phẩm, được nhiều người tìm nghe nhiều nhất. Kính mời Quý Vị cùng Thưởng thức lại Vở Cải lương:

CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐIỆP
(Cải lương Nguyên tuồng Trước 1975)



Cải lương - Tân cổ Trước 1975
Xuất bản 20 thg 12, 2017




CẢI LƯƠNG BẢN GỐC
Xuất bản 25 thg 11, 2018
LAN VÀ ĐIỆP
Chí Tâm, Thanh Kim Huệ, Mai Lan, Hùng Minh, Tú Trinh, Kim Thủy, Hoàng Mai, Thành Tâm

Ngân Mãi Chuông Vàng | Lan và Điệp | Tháng 6/2015 | HTV

HTV Entertainment
Xuất bản 22 thg 6, 2015
Website: www.htv.com.vn/Trang/Chinh/San-khau.aspx
"Tôi kể người nghe chuyện tình Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng"

Đối với khán giả mến mộ cải lương hẳn đều biết đến chuyện tình yêu ngọt ngào nhưng đầy oan trái của Lan và Điệp. Trong gần 8 thập niên qua, câu chuyện này đã làm xao lòng và lấy nước mắt của biết bao thế hệ khán giả. Tác phẩm này cũng được chuyển thể thành kịch, chèo, phim...

Năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang đã chuyển thể vở cải lương "Lan và Điệp" từ tiểu thuyết "Tắt lửa lòng" của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Rất nhiều nghệ sĩ thành danh và trở nên nổi tiếng kể từ vai diễn trong vở cải lương như: nghệ sĩ Năm Phỉ, Thanh Nga, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ...

Lần này, vở cải lương "Lan và Điệp" sẽ sáng đèn trên sân khấu "Ngân mãi chuông vàng" với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên trưởng thành từ cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ": Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Hồng Cẩm... Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của NSƯT Thanh Điền, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Trọng Phúc, nghệ sĩ Kim Phương​.


Cải Lương Chuyện Tình Lan Và Điệp - Hãng phim truyện I VN

Thế Giới Giải Trí
Xuất bản 26 thg 6, 2017
Chuyện tình Lan và Điệp là một câu chuyện tình xót xa cay đắng, hai người Lan và Điệp rất mực yêu thương nhau nhưng không đến được với nhau vì rời vào trò bẫy đặt của một ông quan nọ. Kết cục lan đi tu theo lời thề, hy vọng sẽ quên tình cũ, nhưng do suy nghĩ nhiều và quá nặng tình mà chết. Còn Điệp gia đình tan vỡ vì lấy người mình không yêu.

Chuyện kể rằng: Lan và Điệp là đôi trai gái biết nhau từ nhỏ khi còn đi học, khi lớn trưởng thành tình bạn của họ đã trở thành tình yêu, họ là đôi trai tài gái sắc. họ hy vọng họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau và đã thề độc. Nhưng cuộc đời không như họ nghĩ: Điệp là chàng trai có tài đã rơi vào tầm ngắm của ông quan vùng đó, họ muốn Điệp trở thành con rể nên đã bày mưu tính kế hại Điệp: mời đến nhà với tư cách là người giúp đỡ đậu thi, và chuốc cho uống Rượu say, khi Điệp không biết gì, họ đưa cô con gái cưng vào nằm ngủ cùng, cả hai người không mảnh vải che thân. Sáng hôm sau cũng là lúc Điệp tỉnh rượu họ hô hoán vu oan cho Điệp đã ngủ cùng con gái họ cùng kết hợp với cô con gái khóc lóc, họ đã làm cho chuyện trở lên to tát theo ý muốn của họ. Để yên ổn Điệp phải cưới người con gái mình không yêu. Nghe tin Điệp lấy vợ, Lan đau buồn, suy nghĩ nhiều, cuộc sống với cô đã trở lên vô nghĩa, Lan đã làm theo đúng lời thề độc nếu không được sống bên nhau Lan sẽ xuống tóc đi tu
Chuyện tình Lan và Điệp là bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Lê Minh Bằng (với bút danh Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh) sáng tác dựa trên nội dung tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan.




Start:     Oct 17, '08 03:00a
End:     Oct 18, '08
Location:     Nhà hát Bến Thành, TpHCM.

Chuyện tình Lan và Điệp - Vở ca kịch cải lương đầu tiên có ca sĩ nhạc nhẹ tham gia diễn xuất, hát cải lương nhiều nhất

25/10/2008

Mạo hiểm và liều lĩnh là nhận xét của nhiều người khi nghe ca sĩ Minh Thuận - Giám đốc Công ty Cây và Đất quyết định đầu tư thực hiện vở ca kịch cải lương Lan và Điệp, vở cải lương đầu tiên không phải do các nghệ sĩ cải lương chuyện nghiệp trình diễn, mà các vai diễn do các ca sĩ nhạc nhẹ diễn xuất.
Minh Thuận (trái) trong vai Điệp.

Vốn yêu thích nghệ thuật cải lương, cộng với ý tưởng muốn khám phá mình, thể hiện khả năng ca diễn ở một lĩnh vực hoàn toàn khác với sở trường, Minh Thuận đã mời và thuyết phục được 12 ca sĩ tham gia vở diễn, đó là: Cẩm Ly, Phương Thanh, Hồng Ngọc, Thanh Thảo cùng đảm nhận vai Lan; Minh Thuận, Đàm Vĩnh Hưng đóng vai Điệp; Thu Minh vai Thúy Liễu (vợ Điệp); Vũ Hà vai bếp Sạc – người hầu ông bà phủ (cha mẹ Thúy Liễu); Ngân Quỳnh vai bà Cử (mẹ Điệp); Hữu Bình vai ông Tú (cha Lan); Quốc Đại vai chú tiểu; Bích Thảo vai bé Xuân (em Lan); cùng hai khách mời là nghệ sĩ kịch nói Trung Dân và Cát Phượng vai ông bà Phủ. Đây là vở cải lương được đạo diễn Hoa Hạ kết hợp giữa ca, vũ, nhạc, kịch và cải lương, nghĩa là ngoài kịch bản cải lương, còn có thêm phần ca khúc, bài bản dân ca để các ca sĩ thể hiện như người dẫn chuyện, thể hiện ca khúc chủ đề của vở, nhưng vẫn giữ nguyên kịch bản của cố soạn giả Loan Thảo. Nhạc sĩ Đức Trí đảm nhận phần hòa âm lại những bản nhạc quen thuộc của Lan và Điệp, bên cạnh đó là một số ca khúc mới sáng tác cho các nhân vật chính của vở.

Để có được những vai diễn nhuần nhuyễn, phối hợp ăn ý, các ca sĩ tham gia đã có những buổi học ca, diễn cải lương và tập theo nhóm từ 6 tháng trước, dù nhiều ca sĩ chạy sô đến khuya nhưng vẫn đến sàn tập từ 11 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau không bỏ buổi nào. Có thể nói vở diễn đã được đầu tư khá nghiêm túc ở cách dàn dựng và tôn trọng nguyên tác, cũng như cách diễn xuất của các ca sĩ không kém phần chuyên nghiệp và lấy được nước mắt khán giả, cho thấy sự nỗ lực rất đáng trân trọng của họ. Đặc biệt vai diễn của Cẩm Ly (Lan), Minh Thuận (Điệp), Thu Minh (Thúy Liễu), xuyên suốt từ đầu đến cuối vở gây nhiều ngạc nhiên, bất ngờ cho khán giả bởi họ vào vai rất ngọt. 

Vở cải lương Lan và Điệp được soạn giả Trần Hữu Trang viết, chuyển thể thành kịch bản cải lương lần đầu vào năm 1936, từ nguyên tác tác phẩm Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, một số nghệ sĩ thành danh từ kịch bản này như nghệ sĩ Năm Phỉ, sau đó là Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, và Kim Cương (vai Lan) trên sân khấu kịch nói năm 1970.

Chiều 29-9-2008, vở ca kịch cải lương đã biểu diễn phúc khảo tại rạp Hưng Đạo. Trong hai ngày 17 và 18-10-2008, vở được công diễn tại Nhà hát Bến Thành.

Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam.


http://www.kyluc.com.vn/

Cải Lương : Chuyện tình Lan và Điệp - Phi Nhung Mạnh Quỳnh

Cải Lương Việt Nam
Xuất bản 11 thg 11, 2017
Cai luong xa hoi chuyen tinh lan va diep nghe si phi nhung manh quynh ut bach lan diep lang huong huyen tuan chau thanh hang thoai my chinh nhan

CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐIỆP - TẬP 1 Trọng Hữuft. Lệ Thủyft. Bảo Quốcft. Diệp Langft. Thanh Nguyệt.

CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐIỆP - TẬP 2 Trọng Hữuft. Lệ Thủyft. Bảo Quốcft. Diệp Langft. Thanh Nguyệt.

Vafaco Official
Xuất bản 17 thg 5, 2017

Cải Lương: Chuyện Tình Lan và Điệp - Cẩm Ly, Minh Thuận...


TƯ MUZIK
Xuất bản 14 thg 1, 2015
Các nghệ sĩ: Cẩm Ly (Lan), Minh Thuận (Điệp), Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Hồng Ngọc, Thanh Thảo (Lan), Thu Minh (Thúy Liễu), Hữu Bình (ông Tú), Trung Dân & Cát Phượng (ông bà Phủ), Ngân Quỳnh (bà Cử), Vũ Hà (bếp Sạc), Quốc Đại (chú tiểu).
========================================­========
Tác giả: Loan Thảo với sự trợ giúp của soạn giả Thế Châu

[Cai Luong] Chuyện tình Lan và Điệp - Trọng Hữu - Lệ Thuỷ - ...

Trí Mai Trúc
Xuất bản 12 thg 2, 2014



Video Cải lương - CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐIỆP (HD) - Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Ngân, Diệp Lang

Thanh Bình Huỳnh
Xuất bản 30 thg 3, 2017

KHÓC HẾT NƯỚC MẮT VỚI CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐIỆP 2017 | GIÁNG TIÊN, BẢO CHUNG


meWOW
Xuất bản 3 thg 4, 2017
Lan và Điệp một câu chuyện tình thấm đẫm nước mắt đã được không biết bao nhiêu nghệ sĩ thể hiện qua sân khấu cải lương. Và với Giáng Tiên Lan và Điệp mang một dáng vẻ rất khác, không quá rầu rĩ như những tác phẩm cải lương nhưng vẫn giữ lại được chất rất đặc trưng của tác phẩm Lan Và Điệp,

Và với sự góp mặt của nghệ sĩ Bảo Chung, Lê Tứ, Thanh Ngọc, Việt Mỹ và Giáng Tiên, tất cả đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời lay động con tim

Chuyện tình Lan Điệp

- Gia Định Video - 1996



(Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Ngân, Diệp Lang, Hồng Nga)

Cai Luong Ho Quang
18 phần:

CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐIỆP - Vũ Linh ft. Ngọc Huyền

Rạng Đông Original
Xuất bản 19 thg 6, 2017



Xem thêm:
Chuyện Tình Lan Và Điệp - Cải Lương - full
Chuyện Tình Lan và Điệp - Tân Cổ Giao Duyên - Lệ Thủy & Trọng Hữu
Chuyện Tình Lan và Điệp - Nhạc vàng - Nhạc Sĩ: Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh - Ca sĩ: Giao Linh

Chuyện tình Lan và Điệp https://www.facebook.com/watch/?v=580937432425631