Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Tác giả "Kép Tư Bền" thời là bộ đội


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:KIẾN VĂN

Tác giả "Kép Tư Bền" thời là bộ đội


KIẾN VĂN

Phong trào “Văn nghệ sĩ đầu quân” những ngày đầu kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược là một sự kiện lớn của văn học cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Cho đến nay, hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) vẫn chưa có một người làm văn học sử nào thống kê được một cách chính xác phong trào ấy có bao nhiêu văn nghệ sĩ tham gia, nhưng một điều đã rõ là con số ấy khá đông, kể tới hàng trăm người và lan rộng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước.

Nguyễn Công Hoan – một tên tuổi lớn của văn học trước cách mạng tháng Tám (1945), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên (1999), tác giả của những Ngựa người, người ngựa (1934), Kép Tư Bền (1931), Bước đường cùng (1938)… là một trong những nhà văn tham gia phong trào này ngay từ đầu.

Về quãng thời gian tòng quân (1946-1954) của mình, nhà văn rất ít khi nói tới. Trong cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) dày tới hơn 400 trang, ông cũng chỉ dành đâu có 2, 3 trang viết về nó. Ông kể:
“Trong tám năm kháng chiến, vì bận công tác khác, tôi ít nghĩ tới việc viết truyện” (tr.230).
Vậy “công tác khác” của ông là công tác gì?

Qua những tài liệu được xuất bản tại chiến khu Việt Bắc còn lưu giữ được và qua lời kể của những người cùng thời được biết:

Nhà văn đã từng công tác tại tòa soạn báo Sao Vàng – cơ quan tuyên truyền và huấn luyện do Chính trị cục thuộc Quân sự ủy viên hội xuất bản đặt tại số 28 Triệu Quang Phục – Hà Nội (phố Hàng Bài ngày nay). Báo ra số đầu tiên vào ngày 30-5-1946 và ngày 17-12 cùng năm ra số cuối cùng (vì chỉ 2 ngày sau là toàn quốc kháng chiến). Tờ báo này do nhà sử học tài năng Trần Huy Liệu làm chủ bút. Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể:
“Báo Sao Vàng của Chính trị cục mở ra. Anh Trần Huy Liệu là Cục trưởng nhờ tôi giúp mục tiểu thuyết, làm tôi ngạc nhiên quá: “Sao lại tiểu thuyết?” (Đời viết văn của tôi, tr.228). Và sau đó ông viết Truyện đồng chí Tơ, viết tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng (1946). Từ ấy, nhà văn mới hay rằng vào bộ đội, ở bộ đội văn chương vẫn sống được và “quyết định làm sống lại ngành nghề của mình”.
Sau khi báo Sao Vàng ngừng xuất bản, nhà văn Nguyễn Công Hoan lên chiến khu tiếp tục làm nghề báo. Trong số đầu tiên của tờ Vệ quốc quân (tờ báo của Quân đội Việt Nam, tiếp nối các tờ Tiếng súng reo, Quân giải phóng, Sao Vàng và là tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) ra ngày 10 tháng 3 năm 1947 đã thấy ghi tên tuổi ông trong Bộ biên tập cùng với những Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến…



Đồng thời với việc tham gia Bộ biên tập báo Vệ quốc quân và sau đó (từ 20-10-1950) là báo Quân đội nhân dân, Nguyễn Công Hoan còn được phân làm chủ bút báo Quân nhân học báo, Giám đốc Trường Văn hóa quân nhân Lý Thường Kiệt. Nhà văn Lê Minh – con gái ông cho biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, lúc bấy giờ dù bận rất nhiều công tác vẫn dành những mối quan tâm đặc biệt tới công tác mới của nhà văn lão thành. Trong một bức thư gửi nhà văn Nguyễn Công Hoan, Đại tướng viết: “Anh phụ trách công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ quân đội, những người đã từng sống những giờ phút oanh liệt, đã từng đem tấm thân cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vinh dự anh quả thật là vinh dự lớn. Anh cố gắng giúp sức vào sự giải quyết một vấn đề lớn của phong trào của thời đại: Vấn đề phối hợp những tri thức văn hóa với tri thức sống. Anh cố gắng. Thành công của anh sẽ là thành công của phong trào, của dân tộc” (Nhà văn Quân đội, kỷ yếu tác phẩm, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, tr.785,786).

Kể về những ngày “đi bộ đội”, những ngày đầu trong quân ngũ của tác giả Bước đường cùng, nhà văn Tô Hoài viết: Có một chuyện buồn cười – buồn cười khi anh nói lại chứ thật ra, đây là chuyện gay go, suýt chết. Hôm ấy, anh Nguyễn Công Hoan cùng anh Thôi Hữu lên Sơn Tây. Không nhớ đi việc gì, anh mang súng cũng như là các anh đi chơi thôi. Anh Nguyễn Công Hoan mặc quân phục, mũ ca lô sĩ quan dạ tím có đính sao vành tròn. Lưng anh giắt gồ gồ bao súng của anh Lê Tất Đắc cho mượn – mà tôi chắc anh cũng không biết bắn. Người anh cao lớn, mặc đồ bộ đội, trông oai vệ lắm… Chẳng may đúng hôm ấy, Tây ở Hà Nội tấn công nống lên tận huyện Phúc Thọ. Một đằng thì bọn Tây đã lố nhố trên mặt đê, bắn loạn xạ vào trong làng. Một đằng thì người ta chạy giặc đương gồng gánh xô xuống bãi. Anh chạy với mọi người. Anh bị dân quân hỏi giấy, khám rồi giữ lại. Người ta nghi anh là Việt gian, trói anh lại. Ở ngay mặt trận, địch đang đuổi sau lưng mà bị dân quân bắt, nghi là Việt gian thì chết như không rồi còn gì. Nửa đêm, anh mới mò được đến Đồng Lư. Bùn lấm lem mặt, mất cả mũ ca lô, cả súng lục. Vết thương còn lằn đỏ hai cổ tay…

Chúng tôi được lệnh chuyển cơ quan lên Lâm Thao. Lúc chiều, Tây đã tấn công ra đến chùa Trầm. Anh đi theo luôn. Dọc đường đi lúc ngồi nghỉ, anh Nguyễn Công Hoan vui vẻ kể lại câu chuyện chết người ấy, rồi anh cười: Từ giờ thì không dám đeo súng! (Tô Hoài – Những gương mặt, NXB Tác phẩm mới, 1998, tr.70,71).

Không dám đeo súng, ít khi sử dụng súng nhưng bằng ngòi bút tài hoa, từng trải và lão luyện của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có những đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của báo chí quân đội nói riêng và sự phát triển của quân đội ta nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, khoa học quân sự những ngày đầu gian khổ của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉