Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Chuyện ít biết về Thái Phỉ - Tổng biên tập báo thiếu nhi đầu tiên của VN


Chuyện ít biết về Thái Phỉ -
Tổng biên tập báo thiếu nhi đầu tiên của VN

Kiều Mai Sơn


Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc đánh giá: Trong lịch sử báo chí Việt Nam, ông Thái Phỉ đã đóng vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.

Báo 'Cậu ấm Cô chiêu' ẢNH: NGUYỄN GIANG


Báo Thanh Niên số ra ngày 13.3.2021 có bài: “Viết báo ‘Cậu Ấm’ cho... trẻ em trai, nhuận bút của Nguyễn Công Hoan là chiếc bút máy”. Nội dung nhắc đến tờ Cậu Ấm – là một tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng nửa cuối những năm 1930. Tuy nhiên thông tin để lại hiện nay về báo rất ít ỏi. Song đến nay, cuộc đời của nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong, người đóng vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo nhi đồng đầu tiên của Việt Nam, vẫn còn ít người biết tới.

Người viết bài này từ nhiều năm trước tình cờ được gặp anh Song Văn - cháu ngoại của nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong. Anh đã chia sẻ cho tôi một số tư liệu về ông ngoại của mình, cùng với đó là bản photocopy cuốn Một nền giáo dục Việt Nam mới do Nhà xuất bản Đời Mới phát hành (1941).

Giáo dục thanh thiếu niên
Anh Song Văn cho biết nhà báo Thái Phỉ là một trong nhiều nhà trí thức có tên tuổi tại đất Hà thành thời kỳ trước năm 1945. Lấy bút danh Thái Phỉ, ông muốn tỏ ý, bản thân luôn thấy nhục nhã trước cảnh nước mất nhà tan. Khổng Tử giảng trong sách Luận Ngữ rằng: Phỉ, Phong là rau đắng của kẻ hàn sĩ. Bá Di, Thúc Tề ngày xưa vì nỗi nhục mất nước mà bỏ lên núi, chỉ ăn rau này để sống. Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Phong, sinh ngày 3.12.1903 ở Yên Dũng (Bắc Giang), nguyên quán tại Long Mỹ, phủ Thái Ninh – nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong (1903 – 1945?)
ẢNH: TƯ LIỆU SONG VĂN


Ban đầu Nguyễn Đức Phong là nhà giáo. Năm 1923 ông là giáo viên trường Canh Mỹ, sau vài năm làm hiệu trưởng trường này. Năm 1928, được điều đi làm hiệu trưởng trường Móng Cái thay cho ông Hoàng Đạo Thúy. Không rõ vì lý do gì, ông rời giáo giới để sang báo chí, “đóng vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo nhi đồng đầu tiên của Việt Nam” mang tên Cậu Ấm.

Tờ Cậu Ấm phát hành, theo nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc,đến số 13 được đổi tên thành Cậu Ấm Cô Chiêu.

Anh Song Văn cho biết cụ thể: Cậu Ấm Cô Chiêu là tờ báo giáo dục thanh niên nhi đồng Việt Nam phát hành số 1 vào ngày 21.2.1935, in theo khổ 19x27 cm, dày 20 trang, giá 5 xu, ra ngày thứ tư hằng tuần. Tòa soạn đặt ở số 82 Rue du Coton (nay là phố Hàng Bông, Hà Nội).

Tờ báo có nhiều nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nghệ sĩ cộng tác thân thiết và nhiệt tình. Theo anh Song Văn, nhà văn Nguyễn Công Hoan được đông đảo độc giả đón chờ với các tác phẩm: Tấm lòng vàng, Đảng Rổ Bẫy… Nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng Tổng biên tập Nguyễn Đức Phong mở trang luyện Văn, phân tích tiếng Việt được các em nhỏ nhiệt liệt hưởng ứng. Tác giả Dư Vinh cuốn hút sự say mê của mọi người bằng các sáng tác phiêu lưu mạo hiểm: Ca La Phan phiêu lưu ký, Đồng trinh Gia Long… Họa sĩ NGYM (tên thật là Trần Quang Trân), họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ tranh minh họa và tranh cười rất hóm hỉnh.

Thời gian này, tổ chức Hướng đạo sinh (mà ông trùm Hướng đạo toàn Đông Dương là nhà giáo Hoàng Đạo Thúy) cũng kín đáo giáo dục tinh thần yêu nước thương nòi cho thế hệ thanh thiếu niên nhi đồng qua các chuyên mục: “Câu hát vặt”, “Ngụ ngôn Nam Hương”, “Truyện kể lịch sử”…

Nhận thấy tờ báo có nội dung tuyên truyền sâu rộng tinh thần yêu nước thương nòi trong các thế hệ thiếu niên nhi đồng, chính quyền thực dân Pháp đã buộc tờ báo phải đình bản ở số 129.

Báo đóng cửa, ông chủ bút trở lại con đường đi dạy học ở trường tư để mưu sinh. Năm 1941, ông viết cuốn Một nền giáo dục Việt Nam mới. Cuốn sách chứa đầy những tâm sự với các thế hệ đang bị ru ngủ bởi các thủ đoạn của chính quyền thực dân Pháp, thế hệ không có lý tưởng, không có mục đích sống, cần có một sự đổi mới triệt để nhằm thức tỉnh họ. Nhà báo Diệu Anh - Đinh Gia Trinh một cây bút điểm sách trụ cột trên tờ Thanh Nghị đã đánh giá: Cuốn sách gây ra một tiếng vang trong xã hội đương thời đi kèm với một phản ứng khó chịu từ phía nhà cầm quyền.


76 năm bặt vô âm tín
Năm 1942, ông Nguyễn Đức Phong bị bắt sau một buổi diễn thuyết chống Pháp. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ra tù, ông về nhà ở Láng (Thôn Mọc, Quan Nhân, tỉnh Hà Đông, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội), hai chân còn hằn dấu còng bị sâu quảng, đi lại rất khó khăn. Gia đình phải dùng nhiều biện pháp chữa trị mới tạm lành. Vừa ra tù, ông đã thành lập “Ủy ban giải phóng chính trị phạm” để yêu cầu chính quyền thả những tù chính trị yêu nước.

Sách Một nền giáo dục Việt Nam mới tái bản
ẢNH: K.M.S


Báo Đông Pháp, 3.1945 có đoạn viết: “Ngày 19.3, ông Nguyễn Đức Phong, ông Võ Khắc Thiệu cùng một số chính trị phạm thành lập “Ủy ban giải phóng chính trị phạm”, ủy ban được lập ra là có mục đích giải phóng tất cả các chính trị phạm ra khỏi nhà tù của thực dân”. Trụ sở của ủy ban đặt tại 149 phố Hàng Long (nay là đường Lê Duẩn – Hà Nội).

Vẫn trên báo Đông Pháp cho biết: “Ngày 2.4, Ủy ban giải phóng chính trị phạm đã giải phóng 206 chính trị phạm khỏi đề lao Hà Nội… sau đó tiếp tục giải phóng nốt số tù chính trị còn lại. Tháng 6.1945, ủy ban tuyên bố đã hoàn thành mục đích và thông báo tự giải tán…” .

Giữa tháng 7.1945, ông Phong từ biệt gia đình nói là đi phát chẩn. “Ông không cho người nhà biết ông đi phát chẩn ở những đâu, chỉ biết ông đã sử dụng giấy tờ giả” – cháu ngoại nhà báo Thái Phỉ chia sẻ. Một thời gian sau, trên báo chí xuất hiện thông tin “Nhà báo Thái Phỉ mất tích”.

Ba tháng sau, ông nhắn tin qua thư tay về cho vợ: “Nhà đừng lo, tôi vẫn bình yên”. Trên phong bì thấy có địa chỉ nơi gửi: Hoa Lư – Ninh Bình… Đó là tin tức cuối cùng gia đình có được về nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong - người giữ vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo nhi đồng đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay đã 76 năm bặt vô âm tín. Người thân vẫn đi tìm tung tích ông.

Kiều Mai Sơn



Viết báo ‘Cậu Ấm’ cho... trẻ em trai, nhuận bút của Nguyễn Công Hoan là chiếc bút máy


Viết báo ‘Cậu Ấm’ cho... trẻ em trai, nhuận bút của Nguyễn Công Hoan là chiếc bút máy

Trần Đình Ba


Cậu Ấm là một tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng nửa cuối những năm 1930. Tuy nhiên thông tin để lại hiện nay về báo rất ít ỏi. Từ những mảnh tư liệu rời rạc có được, có thể phục dựng lại vài nét cơ bản về tờ báo này.


Theo thông tin từ cuốn sách Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, báo Cậu Ấm hoạt động thời gian 1935-1937, là tuần báo thiếu nhi. Quản lý là Nguyễn Đức Phong. Tòa soạn đặt tại Hà Nội. Số 1 ra ngày 20.2.1935, đình bản ở số 129, tháng 11.1937.

Báo Cậu Ấm qua trí nhớ văn thi sĩ
Báo Cậu Ấm để lại ấn tượng trong trí nhớ Nguyễn Công Hoan vì đây là tờ báo mà Nguyễn Công Hoan nhận được món nhuận bút cho bài viết của mình bằng... chiếc bút máy. Ông tâm sự trong hồi ký Nhớ gì ghi nấy: “Mình cũng không hiểu đấy là nhuận bút, vì ngày này viết vì tình bạn chứ không vì tiền, cho nên mình không nhận, nói rằng mình không quen dùng bút máy”.

Tuy nhiên Chủ nhiệm của báo là Thái Phỉ vẫn đưa, và chiếc bút máy, món nhuận bút đầu tiên ấy Nguyễn Công Hoan không giữ lại, mà cho một người khác. Xem các số báo Cậu Ấm thì được biết, bài Nguyễn Công Hoan viết trên Cậu Ấm là truyện dài Tấm lòng vàng được đăng dài kỳ. Năm 1944, tác phẩm được in thành sách.

Xem Cậu Ấm số 5, ra ngày 20.3.1935 thể hiện đây là tờ tuần báo dành cho con trai với Chủ nhiệm là N.Đ.Phong, tức Nguyễn Đức Phong, họ tên thật của Thái Phỉ. Thái Phỉ là người rất quan tâm đến vấn đề giáo dục trẻ em, sinh thời ông có nhiều tác phẩm liên quan: Một nền giáo dục Việt Nam mới (1941), Muốn học giỏi (1942), Giáo dục nước Nhật (1942)...

Vẫn theo thông tin từ tờ Cậu Ấm, tòa soạn báo nằm ở số 82 rue du Coton, Hà Nội, tức phố Hàng Bông hiện nay. Dòng chữ dưới trang cuối cho ta biết báo được in tại Nhà in Trung Bắc tân văn. Với 20 trang báo mỗi số, Cậu Ấm được bán giá 5 xu một tờ. Báo cũng niêm yết rõ giá bán cho độc giả đặt dài hạn. Cụ thể là với trong nước: Một năm: 2,5 đồng; sáu tháng: 1,3 đồng; ba tháng: 7 hào. Với nước ngoài: Một năm: 4 đồng; sáu tháng: 2,2 đồng; ba tháng: 1,2 đồng.

Báo có trụ sở ở Hà Nội, nhưng được phát hành vào tận Sài Gòn với hệ thống đại lý rộng khắp như Tín Đức thư xã ở đường Sabourain (nay là đường Tạ Thu Thâu), Cổ Kim thư xã ở đường Boulevard Albert (nay là đường Đinh Tiên Hoàng), Vũ Lai ở đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng)…

Xem các số báo Cậu Ấm, ta thấy điểm nhấn là trang nhất đều được in màu rất đẹp như ở các số 5, 6, 7 với các tranh vẽ truyện tranh Ba đứa trẻ mạo hiểm của Nguyễn Văn Thịnh.

Trong trí nhớ của Vũ Bằng ghi lại nơi hồi ký báo chí Bốn mươi năm nói láo, ông ấn tượng với Cậu Ấm vì lúc ấy đây là tờ báo duy nhất dạo ấy dành cho thiếu nhi và khi “tờ Cậu Ấm của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong vừa đóng cửa, cả nước không có một tờ báo loại đó”. Đó cũng chính là một động lực để Vũ Bằng cùng ông chủ của Tân Dân thư quán là Vũ Đình Long ra tờ báo Truyền Bá ngay sau khi Cậu Ấm đình bản. Xem Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành) được biết Cậu Ấm ra số cuối vào tháng 11.1937.

Báo Cậu Ấm có gì?
Để bạn đọc biết được nội dung của số sau, thì số trước đó giới thiệu những bài sẽ có ở số tiếp theo. Chẳng hạn trong số 7, ra ngày 8.4.1935 thông tin “Các bạn nhớ đón xem Cậu Ấm số 8” sẽ đăng những bài như truyện lịch sử của Anh - Mỹ, bài hát Đi! Ta đi! (Nam Hương), truyện ngụ ngôn Khỉ làm dáng (Nam Hương), truyện vui Cậu bé “phò mã” (Vũ Xuân Chính) cùng nhiều truyện dài, truyện ngắn, các trò vui...

Đúng với tiêu chí là báo cho trẻ em, lại là trẻ em trai, nội dung các số của Cậu Ấm phản ánh đối tượng phục vụ của mình với các mục, bài đa dạng, thú vị để thể hiện cái ích lợi mà báo giới thiệu là “Muốn cho trẻ khỏi nghịch nhảm và bẩn trong những giờ rỗi, không gì bằng cho trẻ đọc CẬU ẤM”.

Một điều đáng lưu tâm nữa là báo dành cho trẻ con với chất thuần Việt rất cao. Các nội dung chủ đạo đều là của tác giả Việt. Một số truyện dịch thì có sự Việt hóa thích hợp với lối tiếp nhận của trẻ nhỏ.

Cậu Ấm có mục truyện cổ tích dạy đạo lý, cách sống, như số 5 đăng bài Chưa đỗ ông Nghè…của Nguyễn Văn Ngọc; truyện ngụ ngôn Người và Rắn (số 5), Cu Tý và con Vàng (số 6), Rùa và Ngựa (số 7)… được thực hiện bằng tranh vẽ trực quan cho trẻ hứng thú và dễ cảm thụ; câu hát vặt được thực hiện dễ thuộc, dễ nhớ; truyện cười để trẻ giải trí… Ngoài ra, báo còn dạy trẻ chơi ô chữ kiến thức, tập vẽ, xếp chữ và số… Chẳng hạn Cậu Ấm số 6 trong mục "Cậu Ấm mua vui" có tranh đố rất trực quan phát huy trí tưởng tượng cùng hiểu biết lịch sử của trẻ với câu hỏi “Các bạn trông những hình trên này mà đoán ra tên một ông vua nước Nam”. Ở Cậu Ấm số 7, đáp án được đưa ra là “Lê Đại Hành”.



Hình đố vui trong tuần báo Cậu Ấm số 6 với lời giải ở Cậu Ấm số 7 (là vua Lê Đại Hành). Ảnh: T.L


Để giáo dục lòng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, Cậu Ấm cũng đăng bài liên quan đến nhân vật lịch sử theo hướng kể chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn như truyện lịch sử Ông Ích Khiêm đánh giặc (Cậu Ấm số 5, ra ngày 20.3.1935). Có thể thấy báo tận dụng hoàn toàn việc minh họa bằng các tranh vẽ phù hợp với trẻ nhỏ của các họa sĩ: Nguyễn Văn Thịnh, Mạnh Quỳnh, NGYM…

Báo cũng tìm cách thu hút trẻ qua các cuộc thi có thưởng như cuộc thi “Cái bánh xe Cậu Ấm”, cuộc thi “Tiếng bí mật” với đối tượng tham gia rộng rãi ở các tỉnh thành, chủ yếu là Bắc Kỳ, giải thưởng được nhận là báo biếu hoặc ảnh của tài tử chiếu bóng được tổng kết trên Cậu Ấm, số 7, ra ngày 8.4.1935.

Dù là tuần báo nhưng cũng có lúc Cậu Ấm không ra đúng hạn định. Chẳng hạn số 6 ra ngày 27.3.1935, số 7 đáng lẽ phải ra ngày 3.4.1935 mới phải lẽ, nhưng đến ngày 8.4.1935 báo mới ấn hành với lý do được nêu là lỗi của nhà in. Lại để có thêm nguồn thu ngoài bán báo, Cậu Ấm cũng thực hiện các mẩu tin quảng cáo, rao vặt dù không nhiều. Ở Cậu Ấm số 5, báo quảng cáo cho hiệu Ích Cát chuyên khắc dấu và tranh, số 6 quảng cáo bán sách của hiệu Nam Ký, Hà Nội…

Từ cuộc thi “Cái bánh xe Cậu Ấm”, cuộc thi “Tiếng bí mật”, trong 22 bài được giải thưởng có 4 độc giả là nữ. Duyên cớ đó là động lực để chủ báo Cậu Ấm ấp ủ mong muốn ra tờ báo Cô Chiêu dành cho các trẻ em gái. Tuy nhiên, như giãi bày trong bài “Kết quả hai cuộc thi của Cậu Ấm” trên Cậu Ấm số 7 thì việc đó chưa làm được mà phải tính đến một giải pháp khác: “Nhưng xét ra cái tình thế ngày nay chưa để chúng tôi mạnh bạo cho ra riêng một tờ báo con gái, nên chúng tôi bất đắc dĩ phải tạm cho “Cô Chiêu” ra chung với “Cậu Ấm” bắt đầu từ số 13 ra ngày 15 Mai 1935”. Cũng ở Cậu Ấm số 7, báo đưa tin cho việc thực hiện ý định trên của mình, theo đó “Cô Chiêu sẽ ra thành phụ trương với Cậu Ấm bắt đầu từ số 13 ra ngày 15 Mai 1935”. Thông tin này ứng với Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam khi sách này cho hay ở số 13, ra ngày 15.5.1937, báo đổi tên thành Cậu Ấm Cô Chiêu và kết thúc vào tháng 11.1937. Tuy nhiên Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam có sai lệch về số báo khi cho biết số cuối cùng là số 429, thực ra đó là số 129 được Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 xác nhận.

Mục 'Cậu Ấm tập vẽ' trên báo Cậu Ấm số 7 (hình trái) và truyện dài 'Tấm lòng vàng' đăng nhiều kỳ trên Cậu Ấm. Ảnh: T.L




Con ngựa trong một số tác phẩm nổi tiếng


Con ngựa trong một số tác phẩm nổi tiếng

Nguyễn Khắc Phê


Đã từ lâu, con ngựa gắn bó với con người, giúp con người tăng tốc độ, kiếm sống, đánh trận và tăng thêm vẻ đẹp cho con người nên hình ảnh con ngựa đã được thể hiện đậm nét trong nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như con ngựa Rốt-xi-năng trong tiểu thuyết Đông-ki-sốt, ngựa Ô Chùy của Hạng Võ, Xích Thố của Quan Vân Trường…gần gũi hơn với người đọc Việt Nam là con ngựa sắt trong truyện Thánh Gióng – con ngựa bay lên trời sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm!.

Tuy vây, những con ngựa vừa kể chỉ được thể hiện như là phương tiện, là vật trang sức cho con người. Trong văn học Việt Nam hiện đại có hai truyện ngắn đã thể hiện con ngựa như là một “nhân vật” có máu thịt, có tình cảm đến mức, khi nó phải vĩnh biệt cõi đời, hẳn không ít độc giả đã rơi nước mắt.

Truyện thứ nhất là của cây đại thụ trong làng văn Việt Nam: nhà văn Nguyễn Công Hoan. Truyện có tựa đề: Con ngựa già viết năm 1938. Ông kể lại một kỷ niệm hồi nhỏ, khi có dịp quan sát con ngựa ô của quan huyện đã mua lại của một ông Tây. “Vì lẽ đó nó cũng có tên là ngựa tây…Nó không hiền lành như ngựa ta. Nó dữ, khỏe mạnh và hung hăng lắm.(*) Nó đã cắn đã đá cho nhiều người lính hầu cai quản nó, thậm chí có lần nó đánh đổ xe khiến bà quan huyện lăn kềnh. Chỉ riêng với ông huyện là nó chịu thuần phục và đã mấy lần cứu ông thoát nạn… Đó là những câu chuyện tác giả nghe kể lại, còn “cao trào” hoặc là điểm thắt nút của truyện là cảnh mấy người lính chôn sống con ngựa, khi nó về già, đau ốm. Đau đớn hơn là do cái huyệt đào ngắn và cạn, phải gô cổ nó mới nhét xuống, còn “bốn cái chân lêu đêu chỏng lên trời..”, một anh lính “giật lấy dao và giơ thẳng cánh, chặt đôm đốp vào đầu con vật. Nó đau quá, giãy lên… Xương trắng và thịt đỏ chồi ra… con ngựa tưởng có thể chạy trốn khỏi sự đau đớn, nên nó dùng hết sức tàn để băm bằng bốn cẳng cụt. Nó băm nhanh biến như lúc nó phi nước đại. Tiếng cười và vỗ tay giòn tan…”.

Tác giả mô tả cảnh thương tâm ấy với con mắt hồn nhiên của đứa trẻ chín, mười tuổi, với giọng văn vô cảm. Ông không một lời chê trách, phê phán mấy tên lính và không khoác áo đạo đức cho “đứa trẻ chín, mười tuổi”. “Khi không cười được nữa, người ta lại bổ lưỡi dao vào mặt nó để nhắc nó chạy đi. Quả nhiên, nó lại lắp bắp bốn cẳng trên không và tiếng cười lại nổi lên rầm rĩ, Tôi cười, nhảy lên mà cười, vỗ tay mà cười. Vui quá!...” Nhưng trước cảnh con ngựa giãy chết, chính những tiếng cười ấy lại làm chúng ta xót xa đến rơi nước mắt!

Tròn mười năm sau, năm 1948, nhà văn Trần Công Tấn viết truyện ngắn đầu tay “Con ngựa của tôi”. Năm 1956, truyện được in trong mục “Kỷ niệm sâu sắc của tôi” trên báo “Quân đội nhân dân” sau đó được dịch in ở tạp chí Europe (Châu Âu) và một số nước khác. Cũng từ những hồi ức của tác giả thời thơ ấu và kết cục là cảnh con “Thiết mã” bị giết chết, nhưng ý nghĩa của truyện lại khác hẳn.


Sau bao nhiêu năm mê mải đuổi theo hình ảnh con ngựa hồng của tổng Bang phóng qua làng, rồi kẹp tàu cau, cưỡi cả chó, giả như cưỡi ngựa, ngựa bị “cắn” cho tóe máu khi vung roi quất giục nó phi nhanh, năm 1945, chàng quân báo Trần Công Tấn được giao con Thiết mã, vốn là ngựa của nhà binh Nhật đầu hàng giao lại cho Việt Minh. “Nó rất thông minh… biết nằm rạp xuống đất khi địch bắn, biết cách chạy tránh đạn và biết cả nghiêm, nghỉ đi đều bước theo khẩu lệnh. Vì thế, tôi quý nó như một người bạn chiến đấu…” Nhưng sau ngày Mặt trận Huế vỡ, lực lượng cách mạng phải rút lên chiến khu, cuộc sống cực kỳ gian nan, “đơn vị đã hết nhẵn lương ăn, phải mổ ngựa ăn với rau rừng, con ngựa thứ sáu đã bị bắn chết, rồi đến con thứ bảy, thứ tám. Mỗi lần nghe tiếng súng giết ngựa, tiếng dao thớt đốn lộc cộc vào sườn ngựa, lòng tôi càng rối lên. Tôi lo cho số phận Thiết Mã. Tuy thế vẫn chưa đến phiên nó chỉ vì lý do: trong đơn vị, tôi bé nhất, mới mười ba tuổi…”.

Thế rồi vào một chiều mưa lạnh, sau hai tiếng súng, “tôi nghĩ đến Thiết Mã. Tay chân rã rời bủn rủn… Tôi rẽ đám đông bước vào ôm cổ ngựa khóc òa lên. Mắt Thiết Mã mở trừng trừng, máu nó ứa trên ngực, trên đầu… Chị Diêm liền đến ôm lấy tôi. Chị cũng khóc, chị nói: “Đừng khóc em ạ. Em muốn các anh chị sống để đánh giặc hay phải chết đói?...”.

Cái chết của Thiết Mã là một sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự sống của nhiều người, nhưng với cậu chiến sỹ quân báo trẻ tuổi, thì đó vẫn là một bi kịch, một nỗi xót xa không dễ nguôi ngoai: “Rét chiến khu vẫn kéo dài. Đêm đến, gió lạnh, tôi khoác chiếc bao tải đệm lưng Thiết Mã còn ấm hơi. Nhớ nó, tối ước mình sẽ có con ngựa khác, óc tôi lại hiện lên từng đoàn kỵ binh gươm tuốt trần vung lên, xông tới trước kẻ thù”.

Với “Con ngựa của tôi”, sự hy sinh gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được thể hiện một cách sắc nét và độc đáo. Một câu chuyện thương tâm mà vẫn ấm áp tình người. Cũng có thể đây là một vở “bi kịch lạc quan”.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, con ngựa được lấy làm tên truyện còn phải kể “Con ngựa bốn vó trắng” – tiểu thuyết của Văn Linh – và gần đây là “Con ngựa Mãn Châu” của Nguyễn Quang Thân, nhưng trong hai tiểu thuyết này, con ngựa không phải là trung tâm của câu chuyện. Nhà văn Nguyễn Công Hoan còn có truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” rất nổi tiếng, nhưng truyện này không hề nói gì đến ngựa, chỉ là số phận của hai con người - gã kéo xe và ả gái điếm - phải sống kiếp ngựa mà thôi!

Suy cho cùng thì cả hai truyện ngắn “Con ngựa già” và “Con ngựa của tôi” cũng chỉ là truyện về con người, về tiếng cười, tiếng khóc của con người trong những hoàn cảnh oái ăm. Dù sao thì người đọc có lẽ cũng nên biết ơn các tác giả đã khéo dùng con ngựa để giúp con người có dịp hiểu rõ mình hơn. Phải! Không có con ngựa thì đã không có hai truyện ngắn ấy lưu lại cho hậu thế.

Nguyễn Khắc Phê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt
số 89 tháng 02/2002