Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Nguyễn Công Hoan - “Tiếng cười của bi kịch”


Nguyễn Công Hoan - “Tiếng cười của bi kịch”

Trạm Dừng Văn Chương


“Cuộc đời nhìn xa thì là hài kịch, nhìn gần thì là bi kịch”
(Charlie Chaplin)

Cuộc đời, thật trớ trêu thay, có những tình huống khi mới thoáng nhìn qua, chúng ta chỉ thấy hài hước bởi sự éo le, ngược đời. Nhưng khi nhìn nhận lại một cách kỹ lưỡng, chúng ta mới phát hiện ra những bi kịch, những đau khổ, ẩn sâu đằng sau sự hài hước mà nó mang bên ngoài.

🌿Vào những ngày trước Cách mạng tháng 8, trên văn đàn Việt Nam, có một nhà văn sử dụng tiếng cười như một “khẩu súng” để đả kích cái xã hội rởm đời với đầy rẫy những trò lố lăng, bỉ ổi của bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai, để rồi từ đó tỏ bày lòng thương xót cho số phận của những người nông dân, những kẻ yếu thế trong xã hội thời bấy giờ. Đó là nhà văn Nguyễn Công Hoan.

🌿 Nhớ về người cha thân yêu, nhà văn Lê Minh - con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng chia sẻ trong hồi ký của mình rằng: “ Thời của ông, trong lúc một số nhà văn đang say sưa với chủ nghĩa lãng mạn, với những hư hư thực thực kiểu “Hồn bướm mơ tiên” thì ông lại dứt khoát lựa chọn một con đường đi khác cho riêng mình”. Thật vậy, Nguyễn Công Hoan chính là người đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường văn xuôi hiện thực phê phán. Giữa lúc người cầm bút thời bấy giờ đang lạc lối giữa các “ngã ba”, “ngã tư”, giữa khoảnh khắc giao thời của thời đại cũ và thời đại mới, thì Nguyễn Công Hoan đã xác định được rằng bản thân cần phải hướng ngòi bút của mình về phía nhân dân, lắng nghe nỗi khổ của đồng bào và qua đó để lên án ách thống trị tàn bạo.

🌿 Là một cây bút dám xoáy sâu vào hiện thực để phê phán sự lố lăng của bọn quan lại, cường hào ác bá thuở bấy giờ, những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan đã nhanh chóng được đông đảo người đọc tiếp nhận.
Chính vì thế, nhiều tác phẩm của ông còn được chuyển thể sang nhiều thể loại nghệ thuật khác. Tiêu biểu là tác phẩm " Người ngựa ngựa người" đã được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho hồn văn Nguyễn Công Hoan và đã được chuyển thể sang kịch. Từ số phận nghiệt ngã khi mà anh phu xe phải vất vả mưu sinh vào đêm 30 tết chỉ để kiếm chút tiền cho vợ cho con, nhưng không may lại gặp phải cô "gái bán hoa" ế khách. Nhận thấy được nỗi bi kịch của những kiếp người lao động nghèo trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, đạo diễn Lê Hùng đã chuyển thể tác phẩm "Người ngựa ngựa người" thành kịch. Và với sự diễn xuất của bộ đôi nghệ sĩ tài năng và ăn ý Xuân Hinh - Thanh Thanh Hiền, tác phẩm của Nguyễn Công Hoan một lần nữa đã sống dậy trong lòng người đọc. Có thể thấy rằng, tác phẩm của ông dù chuyển thể sang lĩnh vực nào cũng đều thành công bởi ông đã viết nên một tác phẩm phản ánh hiện thực một thời nhưng lại để lại bài học quý báu với mọi thời.

🌿 Nhìn lại sự nghiệp văn học của người đàn anh, Tô Hoài đã từng nhận xét rằng: “Nếu ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi đến thời kỳ văn chương sạch sẽ kiểu "Tự lực", thì lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn, truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ, vượt qua cả hai thời kỳ, tiến vào Cách mạng tháng Tám”. Với một đời tận tụy với cây bút, Nguyễn Công Hoan xứng đáng được mệnh danh là “bậc thầy của truyện ngắn trào phúng’.

🔥 Ngay bây giờ, hãy cùng Trạm Dừng Văn Chương tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Công Hoan - “Tiếng cười của bi kịch” các bạn nhé.