Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Tản Đà với “An Nam tạp chí” số Tết


Tản Đà với “An Nam tạp chí” số Tết

Khả Xuân


An Nam tạp chí xuất bản từ năm 1930, do nhà thơ Tản Đà làm chủ nhiệm và Ngô Thúc Địch làm quản lí. Báo khổ 22cm x 30 cm, mỗi số 8 trang. Báo chỉ ra được 48 số từ năm 1930 đến tháng 7-1932 thì đình bản, với lí do: vì báo thiếu tiền để in.

Trong 48 số trên, có 2 số tạp chí là số Xuân. Số 28 là số Tết Nhâm Thân 1932, in màu đỏ thẫm, được làm kỹ hơn các số thường chỉ in tuyền một màu đen.

Dưới măng-sét “An Nam tạp chí. Cơ quan thủ hiến của quốc dân” đặt ở trên, bên phải giới thiệu các bài viết chính, bên trái in cố định tấm bản đồ Việt Nam. Trên trang 2, dưới lá thiếp gấp góc, mang 4 chữ “Cung chúc tân niên”, Ngô Thúc Địch viết bài “Đưa mắt nhìn thế giới hiện tại và tương lai” dưới dạng tạp văn nhẹ nhàng, thỉnh thoảng chêm một vài câu tiếng Pháp minh hoạ. Đó là cách viết thời ấy. Cạnh đó, Vũ Long viết bài “Một bức bí thư” giúp bạn đọc hiểu rõ những điều ước về quyền lợi trong chiến tranh Trung – Nhật. Sau đó là một loạt bài mang hương vị Tết và Xuân.

Với đề dẫn “Ngày tết là ngày đáng mừng hay đáng lo?”, Nguyễn Duy Tường phân tích cái mừng và cái lo của người giàu, người nghèo, người trẻ, người già mỗi lần Tết đến. Thời xưa, không phải nhà nào cũng cái Tết như ngày nay, bởi vậy báo tường thuật buổi thành lập hội đồng Hội nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Tuy cách viết đã cũ nhưng mạnh dạn và hóm hỉnh.

Truyện ngắn “Sĩ diện” viết vui. Nguyễn Công Hoan thuật lại, khi ông 18 tuổi, đi ô tô con từ quê ra Hà Nội để lễ Tết nhà người trong họ mùng 2 Tết. Anh lái xe thấy anh diện sang, lại nghĩ ông xưng là tham tá phủ Thống sứ (lúc ấy ông đang học trường Cao đẳng Sư phạm) thì rất trọng vọng, gọi ông bằng quan, nhưng ông phải dốc hết đồng ba tiền xe, lúc ấy không phải là món tiền nhỏ, chỉ vì…sĩ diện. Ở mục “Xã hội ba đào kí”, nhà văn lại ra mắt truyện “Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp…”, nhà văn mô tả cảnh đòi nợ, bắt nợ giữa lúc năm cùng tháng tận, rồi nhốt con nợ vào cũi khiêng đi.

Còn Tản Đà viết bài kí “Hội hoa đào”, kể rằng Tết Nhâm Thân, báo quán ở Hàng Khoai, người các làng đem hoa đào, hoa mai đến bán hai bên phố, rước đi rước lại qua toà soạn, ra đến ngã tư chợ Đồng Xuân đầu Hàng Giấy, chạy sang cổng chéo Hàng Lược, từ ngày 24 tháng Chạp ta. Cảm hứng trước cảnh đào nguyên ít thấy trong báo giới, Tản Đà ghi nhanh những áng văn lai láng tình xuân, và qua đó cho biết ông đã đăng trong mục “Văn đàn” bài thơ “Bức thư gởi người không quen biết” và bộc lộ: “Thư gởi đi rồi, khối tình ôm nặng, hồn còn phảng phất theo thơ”.
Tản Đà qua ký họa.


Trang thơ xuân có những bài thơ tết, đón Xuân và hai chùm thơ dịch từ thơ Đường (in chữ Pháp và Việt). Nhân dịp đầu xuân, Tản Đà bình hai bài thơ “Cảm đề”“Chùa cổ” của 2 tác giả và nói lại những chỗ ông sửa lại cho hay hơn.

Từ chuyện kể về gia đình và cuộc đời văn hào, nhà tư tưởng Rút- xô, Nguyễn Tiến Lãng giới thiệu bản dịch “Lư thoa tự thuật”.

Về thể thao, báo tường thuật “Cuộc đời đánh vợt lớn ở Đông Dương” kèm theo ảnh 3 kiện tướng quần vợt: Giao, Dương, Bích nổi tiếng thời ấy.

Báo còn trang tranh vui, truyện vui về ông hai vợ, đều do họa sĩ Lemur (tức họa sĩ Cát Tường- người đã cải tiến chiếc áo dài phụ nữ như ngày nay) minh hoạ rất sắc sảo.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Tản Đà nổi tiếng với nhiều văn tập, thi tuyển. Tản Đà còn nổi tiếng với nghề làm báo. Trong điều kiện còn nhiều hạn chế, chế độ kiểm duyệt hà khắc của Pháp, phương tiện ấn loát cũ kĩ, kỹ thuật trình bày đơn giản, lại không có phóng viên, hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn, vốn đã mỏng, các đại lý nợ tiền, Tản Đà vẫn ra báo được, một lần đình bản, lại cố tái bản. Tấm lòng yêu nước của ông thể hiện qua tấm bản đồ Việt Nam trên trang bìa các số báo, lại được treo cao ở trước cửa tòa soạn. Mục “Xã hội ba đào kí” là chuyên mục đặc sắc nhất, tố cáo mạnh mẽ sự đàn áp, bóc lột của thực dân, phong kiến, và ngay cả ở số Tết này Nguyễn Công Hoan vẫn chỉa thẳng mũi nhọn vào bọn thực dân, bênh vực dân nghèo.

“An nam tạp chí” thời xưa của Tản Đà đã để lại cho làng báo ngày nay nhiều điều đáng suy nghĩ.



Khả Xuân








“An Nam tạp chí” Số 28 - số Tết Nhâm Thân 1932 (13/2/1932) - Bản PDF

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Hai chứng nhân lịch sử của Báo CAND


Kỷ niệm 77 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2023)

Hai chứng nhân lịch sử của Báo CAND

Duy Hiển – Viết Phùng


Gần 80 năm trước, ngày 1/11/1946, Báo Công an mới – tiền thân của Báo Công an nhân dân, phát hành số đầu tiên trong bối cảnh sắp bùng nổ Toàn quốc kháng chiến. Hai trong số những người giữ vai trò chủ chốt “khai sinh” Báo Công an mới là cặp cha con nổi tiếng: Nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an) Nguyễn Tài...

Đại gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan trong bức ảnh chụp Tết Giáp Thìn 1964, trước khi đồng chí Nguyễn Tài (bìa phải) bí mật lên đường vào chiến trường miền Nam.


Những vị tiên chỉ của báo chí CAND
Sau này, như một căn duyên, trụ sở Báo CAND có 15 năm (1997 – 2012) đóng tại địa chỉ 66 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm Hà Nội). Căn biệt thự cổ này cũng từng là nơi ở của một số gia đình, nhân chứng gắn bó với lịch sử báo chí CAND như nhà văn Nguyễn Công Hoan, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, Thiếu tướng Hoàng Mai (nguyên Giám đốc Công an khu 12, Chủ bút Báo Bạn dân, chính là người được Bác Hồ gửi thư nhận xét, chỉ bảo cách làm báo và nêu Sáu điều tư cách người Công an cách mạng).

Khoảng giữa năm 1946, Việt Nam Công an vụ (tổ chức tiền thân của Bộ Công an, khi đó thuộc Bộ Nội vụ) chủ trương ra một tờ báo, lấy tên là Báo Công an mới nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ cho anh em công an; giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1/11/1946, tờ Công an mới chính thức ra mắt bạn đọc, bán rộng rãi trên toàn quốc. Báo Công an mới ra mỗi tháng 2 số, vào ngày 1 và 15. Số 1 dày 16 trang, từ số 2 tăng lên 20 trang; lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Số 4 in 5.000 bản nhưng chưa kịp phát hành thì Toàn quốc kháng chiến bùng nổ vào đêm 19/12/1946.

Tòa soạn Báo Công an mới đặt tại số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội. Ngay số 1, ở phần Lời nói đầu, tờ báo đã nêu rõ tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ:
"Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của Công an, để thắt chặt tình liên lạc giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Việt Nam Công an vụ cho xuất bản tờ Công an mới.
Đứng về phương diện Báo, Công an mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của Công an mà chỉ Công an mới có. Gây một tinh thần vui vẻ, gợi khiếu tò mò, nhận xét của độc giả, phổ cập những thường thức về những vấn đề xã hội, luật pháp, chuyên nghiệp của Công an... Đó cũng là một phần chính của tờ Công an mới”.
Việc chỉ đạo ra báo và tổ chức bộ máy của tờ Công an mới lúc này rất gọn nhẹ, gồm: Chỉ đạo xuất bản báo là đồng chí Lê Giản, Giám đốc Việt Nam Công an vụ; xin giấy phép xuất bản: Nguyễn Tài, Bí thư Đoàn Công an cứu quốc; Chủ nhiệm báo: Nguyễn Tuấn Thức; Chủ bút: Phan Mạnh Hân (tức Đào Văn Bảo); ủy viên Trị sự: Phùng Duy Tiếu… Theo sự phân công, với danh nghĩa là Bí thư tổ chức Đoàn Công an cứu quốc, đồng chí Nguyễn Tài đứng ra xin giấy phép hoạt động cho tờ báo có tên là Công an mới. Người cấp giấy phép chính là thân phụ của ông, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, khi đó giữ cương vị Giám đốc Kiểm duyệt Bắc Bộ. Do vậy sau này, các tư liệu, tài liệu lịch sử báo chí CAND đều trân trọng ghi nhận hai ông là những “Chứng nhân lịch sử” đã giữ vai trò chủ chốt khai sinh Báo CAND. Trụ sở Báo CAND tại 66 Thợ Nhuộm trước đây và phòng truyền thống Báo CAND hiện nay tại số 2A Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều đặt trang trọng bức tượng nhà văn Nguyễn Công Hoan, cùng một số tư liệu về Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài.

Tượng bán thân nhà văn Nguyễn Công Hoan tại nhà lưu niệm ở Hà Nội.

Tượng bán thân nhà văn Nguyễn Công Hoan tại Phòng truyền thống Báo CAND (số 2A Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Dấu ấn của hai cha con nhà văn nổi tiếng
Một ngày hạ tuần tháng 10/2023, chúng tôi đến thăm gia đình Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, tại một căn hộ khu đô thị mới Nghĩa Đô (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chị Nguyễn Ngọc Đoan, thứ nữ của đồng chí Nguyễn Tài xuống tận sảnh tòa nhà đón chúng tôi lên căn hộ ở tầng 4. Đây là một căn hộ rộng đẹp, có nhiều phòng, trong đó có 2 phòng lưu niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài.

Tại phòng lưu niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan, chúng tôi bồi hồi ngắm bức tượng đồng bán thân của ông, y chang bức tượng hiện đang trưng bày ở phòng truyền thống Báo CAND. Trong phòng, có nhiều hiện vật mà lúc sinh thời, nhà văn lớn thường sử dụng, như bút viết, máy ghi âm, chiếc áo rét đã sờn cổ… Chỉ vào chiếc bàn gỗ, chị Đoan kể: “Chiếc bàn gỗ lim này được ông nội tôi sử dụng từ những năm 1930, khi cụ dạy học Nam Định, Thái Bình. Chiếc bàn hình chữ nhật, mặt có kích thước 140cm x 75cm; hộc bàn có 5 ngăn kéo để đựng tài liệu, sách vở. Ban đầu, chân bàn khá cao, nhưng sau phải cưa bớt để phù hợp với chiều cao của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Chiếc bàn rất gắn bó với nhà văn, mỗi khi gia đình di chuyển, nó đều được mang theo. Trên chiếc bàn đó, ông nội tôi đã viết các tác phẩm nổi tiếng như “Bước đường cùng”, “Đống rác cũ”,… Sau khi ông mất, bố tôi lại dùng chiếc bàn này để làm việc ở nhà” …

Số phận chiếc bàn cũng rất gắn bó với Báo CAND, bởi theo lời chị Đoan, sau khi gia đình chị chuyển khỏi địa chỉ 66 Thợ Nhuộm, Tòa soạn Báo CAND về đóng tại đây. Một thời gian sau, lãnh đạo Báo CAND xin cái bàn đó, đặt tại Tòa soạn để làm kỷ niệm. Sau này khi đại tá Đặng Đình Thành, Phó Tổng Biên tập (là người cùng quê làng Xuân Cầu với nhà văn Nguyễn Công Hoan) nghỉ hưu, đã xin cái bàn đó mang về quê… Chị Đoan xúc động kể tiếp về hành trình của chiếc bàn: “Cuối 2019, anh Đặng Đình Thành gọi điện, nói là muốn giao lại cái bàn cho gia đình cụ Hoan. Mừng quá, tôi và em Đại về quê anh để nhận lại ngay. Vậy là sau bao nhiêu năm lưu lạc, chiếc bàn kỷ vật của gia đình đã được trở về đúng nơi nó cần hiện diện”.

Tại phòng lưu niệm Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, chị Ngọc Đoan kể:
“Bố tôi có tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông. Lúc sinh thời, bố tôi lý giải:
Nguyễn là họ; Tài là tên đệm được đặt theo quy ước của dòng họ để phân biệt thế hệ; Đông là lấy theo nơi sinh, vì ông được sinh ra ở thị xã Hải Dương, khi đó gọi là phố Đông. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông lấy bí danh là Nguyễn Tài. Về sau ông dùng luôn tên này trong công tác, và dần dần hầu như mọi người quên mất tên thật của ông” …

Tháng 3 năm 1964, khi đang là Cục trưởng một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Tài xung phong đi B chi viện An ninh miền Nam và giữ cương vị Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, Trưởng Ban an ninh T4. Trong một chuyến công tác cuối tháng 12/1970, ông bị địch bắt và giam cầm cho đến ngày 30/4/1975.

Trong phòng lưu niệm Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, có nhiều đồ dùng cá nhân, vật dụng kỉ niệm được gia đình giữ gìn như bộ quần áo kiểu ký giả ông thường mặc trong những dịp lễ trọng; tài liệu, radio, máy cassete hay chiếc máy ảnh từ những năm trước khi đi B. Trong một tủ kính, trên nền cờ đỏ sao vàng, có hình nhân một người tù và con chó được ông bện từ vải, giấy và vỏ khoai lang trong thời gian bị địch bắt, giam tại số 3 Bạch Đằng (Sài Gòn) từ năm 1971… Ngoài ra, có tấm bản đồ Việt Nam được xếp từ bộ quân cờ tướng do ông tự mày mò chế ra, cũng là hình tượng bài thơ “Ngọn lửa” ông sáng tác trong tù. Trên chiếc bàn gỗ lim mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dùng từ những năm 1930, có một chiếc máy chữ đồng chí Nguyễn Tài sử dụng lúc sinh thời; một bộ computer có cả máy in… Chị Đoan cho biết:
“Sau này, bố tôi học và sử dụng thành thạo máy tính để cập nhật thông tin và soạn thảo văn bản, tài liệu”.

Một kỷ niệm sâu sắc về ông nội Nguyễn Công Hoan khiến chị Đoan bồi hồi mỗi khi nhắc lại:
“Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Lúc 9 giờ tối ngày 4/5/1975, ở nhà nhận được tin bố còn sống, ông đi bộ ngay trong buổi tối ấy sang nhà cô Minh, là em ruột bố tôi, nhà ở số 72 Lý thường Kiệt. Đến nơi, ông không vào nhà, chỉ đứng ở cửa nói với cô Minh: “Anh Tài còn sống!”. Rồi ông tôi quay gót, xuống cầu thang đi về luôn. Bao nhiêu buồn lo được trút bỏ; ông bà tôi mong ngày được gặp mặt con trai để thỏa lòng thương nhớ xen lẫn cảm xúc tự hào”.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (bìa phải) và 4 cháu nội
(từ phải qua là các anh chị: Nguyễn Thị Hòa Bình, Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Trường Thống Nhất, Nguyễn Ngọc Đoan).
Ảnh chụp phía trước căn phòng của gia đình (ở từ 1964 đến đầu 1976) tại số 66 Thợ Nhuộm.


Bàn làm việc cùng những vật dụng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và con trai, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài.


Hình nộm người tù cộng sản và máy ảnh, máy ghi âm... của đồng chí Nguyễn Tài.


Chiếc máy chữ và máy tính của Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài sử dụng lúc sinh thời.




Nội dung Chế phong vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan
Đáng chú ý, trong số các kỷ vật của nhà văn Nguyễn Công Hoan, có bản chế phong của vua Bảo Đại ban khen giáo học Nguyễn Công Hoan ngày 2/5/1944 (năm Bảo Đại thứ 19). Theo chị Ngọc Đoan cho biết, ngày 5/3/2023 gia đình tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/3/2023). Trước đó 3 ngày, người em họ là Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, PGS.TS Vũ Hùng Cường, tìm thấy trong kho tư liệu của Viện bản sắc phong vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan. PGS.TS Vũ Hùng Cường đã scan và in ra theo kích thước thật (140 x 70) và mang tặng gia đình đúng ngày tổ chức lễ kỷ niệm.

Nội dung chế viết:
“Nhận mệnh trời, vận số hưng thịnh Chế của Hoàng đế, rằng: Trẫm lập nền chính trị, dùng người theo chế độ luận công, xét tài mà đặt chức vị khiến công việc phù hợp với năng lực.

Nghĩ khanh, giáo học Nguyễn Công Hoan, có tài năng văn học, tài khí đáng trọng, có tác dụng bồi dưỡng danh giá, tiếp tục tiến lên, làm quan thận trọng, trong sạch chuyên cần, không lúc nào quên. Thật đáng khen khanh ở triều đình.

Nay thăng (cho khanh làm) chức Phụng nghị Đại phu, Hàn lâm viện thị độc, ban cho chế này. Mong khanh xứng đáng là bậc mô phạm, giáo dục người, làm nòng cốt cho đất nước để xứng đáng với sự trọng văn (của trẫm).

Kính thay!”

Cuối chế có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo”, tức dấu báu ban sắc của mệnh vua.

Gia đình nhà văn trân trọng đón nhận phiên bản chế phong của vua Bảo Đại ban khen giáo học Nguyễn Công Hoan.


Chị Nguyễn Ngọc Đoan, cháu nội nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu về bức Chế phong của vua Bảo Đại ban khen giáo học Nguyễn Công Hoan.




Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Tinh thần thể dục – Tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng trong vở diễn mới của Nhà hát Kịch Hà Nội


Tinh thần thể dục – Tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng trong vở diễn mới của Nhà hát Kịch Hà Nội

Thanh Quy


Tiếp thu tính trào phúng, châm biếm của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác giả kịch bản – đạo diễn – NSND Nguyễn Trung Hiếu đã xây dựng một vở kịch ngắn với những tiếng cười dí dỏm, hài hước.

Tối ngày 09/5/2023, tại rạp Công Nhân số 42 Tràng Tiền, Nhà hát Kịch Hà Nội đã tổ chức công diễn vở mới: Tinh thần thể dục – tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng của nhà văn Nguyễn Công Hoan với chế độ phong kiến thuộc địa trước đây. Vở diễn Tinh thần thể dục nằm trong Đề án “Sân khấu học đường” của Kịch nói Hà Nội.

Vở diễn có sự tham gia của các diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội: Tố Uyên, Xuân Hồng, Trương Hoàng, Hồng Liên, Minh Nguyệt, Triều Dương, Trần Thanh, Thân Thương, Hoàng Vũ, Đặng Tùng, Quỳnh Châu, Huyền Thạch, Nguyệt Nguyễn, Công Đại, Trường Hoàng, cùng tập thể nam nữ diễn viên, nhạc công Nhà hát kịch Hà Nội tham gia biểu diễn. Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Nguyễn Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.

Tiếp thu tính trào phúng, châm biếm của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác giả kịch bản – đạo diễn – NSND Nguyễn Trung Hiếu đã xây dựng một vở kịch ngắn với những tiếng cười dí dỏm, hài hước nhưng ẩn trong từng câu, chữ và tình huống của câu chuyện lại là nét trào phúng, đả kích sâu cay chế độ thực dân phong kiến mục nát, đầy rẫy bất công, đè nén những người nông dân nghèo khổ.


Thành công của vở diễn còn ở sự phối hợp ăn ý của các diễn viên trong các vai diễn, những tình huống dở khóc dở cười và cách mặc trang phục biểu diễn… Tuy chỉ là vở kịch ngắn nhưng đã tạo ấn tượng đẹp trong lòng đông đảo khán giả đến dự xem.

Nhận xét về vở diễn, NSND Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho rằng diễn xuất và trang phục của vở diễn đều tốt; vở diễn đạt hiệu quả liên tục gây cười cho người xem… NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng vở diễn tuy thời lượng ngắn nhưng sâu sắc, mang đậm tính hài hước, gây cười và mang ý nghĩa giáo dục. NSND Thúy Mùi góp ý thêm, vở diễn nên đầu tư hơn nữa về trang phục để tăng thêm sự kệch cỡm và hài hước cho các nhân vật.

Các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Thành phố cùng chung đánh giá về hiệu quả của việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu, đem nghệ thuật đến học đường, từ đó giúp các em học sinh tiếp cận một cách nhanh chóng và hiệu quả các tác phẩm văn học.

Tinh thần thể dục sẽ là món ăn tinh thần mới cho các em học sinh và những ai yêu văn học. Buổi công diễn đã vinh dự được đón gia đình Nhà văn Nguyễn Công Hoan đến xem.

Thanh Quy

Công diễn vở mới Tinh thần thể dục


Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm và kỷ niệm về một thời đạn bom


Ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm
và kỷ niệm về một thời đạn bom

Nguyễn Ngọc Đoan


Nhà 66 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một biệt thự cổ từng là nơi gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan và gia đình Thiếu tướng Hoàng Mai - “Chủ bút” Báo Bạn dân - sống trong nhiều năm. Đây cũng là trụ sở chính của Báo CAND từ năm 1997 đến năm 2012...

LTS: Con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, đồng chí Nguyễn Tài, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, là một trong những người sáng lập tờ báo Công an mới - tiền thân của Báo CAND ngày nay, xuất bản số đầu vào ngày 1/11/1946... Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Báo CAND, tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Đoan, con gái đồng chí Nguyễn Tài, ghi lại những hồi ức về căn nhà lịch sử 66 Thợ Nhuộm...

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (bìa phải) và 4 cháu nội
(từ phải qua là các anh chị: Nguyễn Thị Hòa Bình, Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Trường Thống Nhất, Nguyễn Ngọc Đoan).
Ảnh chụp phía trước căn phòng của gia đình (ở từ 1964 đến đầu 1976) tại số 66 Thợ Nhuộm.


Từ khi hòa bình lập lại năm 1954, bố mẹ và 4 anh chị em tôi sống tại tầng 3 của một khu nhà ngay trong cơ quan Bộ Công an tại phố Trần Bình Trọng (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày 21/3/1964, bố tôi bí mật vào chiến trường miền Nam. Sau ngày đó, gia đình chúng tôi chuyển về ở tại số 66 phố Thợ Nhuộm. Đây là ngôi biệt thự từ thời Pháp, được Bộ Công an dùng làm nơi ở cho 4 gia đình cán bộ. Đầu 1965, Hà Nội bắt đầu phải đi sơ tán do Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Ông bà nội tôi bán nhà ở Bưởi, về 66 Thợ Nhuộm ở cùng để giúp mẹ tôi chăm lo các cháu. Bây giờ, mỗi lần đi qua nơi này, chúng tôi vẫn hình dung được những nét xưa của ngôi nhà và nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu.

Nhà 66 có hai cái cổng. Cổng to thường được mở làm lối đi chung cho các gia đình. Ngay trước cổng có cây hoa sữa. Mùa hè ve ở cây kêu vang khắp phố, bọn trẻ con trong khu phố thường đến lấy nhựa ở cây để dính bắt ve. Còn cái cổng bé thì thường đóng, có cây hoa đại khá to. Trên tường rào giữa hai cái cổng có giàn hoa ti-gôn phủ kín; vào mùa hoa rộ thì từng chùm hoa màu hồng làm cho ngôi nhà thêm sắc màu nhẹ nhàng mà rất sang trọng. Trước nhà có khoảnh sân rộng nên thường được khu phố mượn làm chỗ đổi bánh mì hằng ngày. Thẳng cổng lớn vào là cái gara ô tô, kế tiếp là dãy nhà ngang, chia làm 4 gian nhỏ, được dùng làm bếp cho 4 gia đình. Giữa hai khối nhà là cái sân.

Gia đình chúng tôi ở một phòng ở tầng 1, phía tay phải, giáp nhà số 64. Cửa ra sân có bậc thềm và bệ ở hai bên mà chúng tôi thường ngồi chơi, sau này là chỗ ông nội tôi để chậu cây cảnh. Ông nội có cái giường con và bàn làm việc kê ở phía ngoài phòng chính (nhà Pháp thời xưa thì đó là chỗ để cái móc treo áo, mũ khi mới vào nhà), hai bên cửa ra vào có hai cửa sổ. Trong buồng chính kê tủ áo của ông bà, cái giường đôi, bộ phản bằng gỗ lim, bàn ăn và tủ gương được kê làm bàn thờ ở phía trên; phía sau cánh cửa thì để cái giá sách. Một buồng nhỏ ở phía trong (trước kia chắc là phòng tắm) kê tủ áo và giường đơn, có cửa đi ra phía sau. Những năm Mỹ ném bom, các cửa kính trong nhà đều được dán thêm băng giấy hình chữ X ở ô kính để tránh bị nứt vỡ.

Về ở Thợ Nhuộm, ông nội tôi đã nghỉ hưu. Ông thường hay viết bài cho Báo Văn nghệ, mục “Chữ và nghĩa”, hay “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”; viết về những kỷ niệm, những điều ông quan sát được xung quanh mình qua nhiều năm tháng. Ông bảo là ghi lại để cho thế hệ sau biết được. Ban đêm, có khi thấy ông đang nằm thì ngồi bật dậy, ra bàn bật đèn ngồi viết, một lúc rồi lại tắt đèn, đi nằm. Đấy là lúc ông chợt nghĩ ra ý gì, câu gì hay nên phải ngồi dậy ghi ngay kẻo sáng mai quên. Hồi ấy giấy bút còn thiếu thốn nên ông dùng bút mực chấm (chứ không dùng bút máy) và các tờ giấy một mặt trơn, một mặt nhám, hoặc giấy đã dùng một mặt. Ông đặt tên cuốn sách là “Nhớ gì ghi nấy”. Thời gian này, ông cũng hoàn thành và cho xuất bản cuốn “Đời viết văn của tôi”. Hồi đó, có mấy cô nhà văn, nhà nghiên cứu văn học như Lê Thị Đức Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú,... thường hay đến hỏi chuyện ông, nhờ ông dạy cách viết truyện.

Ông còn có một cái máy ghi âm, do nữ nhà văn Ba Lan tên là Monica tặng ông. Ông mừng lắm, vì có cái để ông thực hiện dự án “Hỏi chuyện các nhà văn”. Bây giờ cái máy ghi âm ấy vẫn được gia đình tôi lưu giữ cẩn thận.

Một câu chuyện cũng không thể không kể, đấy là chuyện về cái bàn làm việc của ông nội tôi. Cái bàn làm bằng gỗ lim, đã theo ông từ những năm 30 thế kỷ XX, từ Nam Định đi các nơi và đã chứng kiến sự ra đời rất nhiều tác phẩm của ông. Khi chúng tôi bắt đầu hiểu chuyện thì đã thấy cái bàn đó ở Bưởi, rồi về 66 Thợ Nhuộm, khu tập thể Trung Tự. Ông dùng cho tới khi mất thì bố tôi dùng tiếp. Khi tòa soạn Báo CAND về đóng tại 66 Thợ Nhuộm một thời gian, Tổng Biên tập là anh Hữu Ước xin cái bàn đó, đặt tại tòa soạn để làm kỷ niệm. Tới khi tòa soạn chuyển đi, anh Đặng Đình Thành, Phó Tổng Biên tập, là người làng Xuân Cầu (cùng quê với ông nội tôi) xin mang cái bàn đó về nhà ở quê. Cuối 2019, anh Thành gọi điện cho gia đình tôi, bảo là muốn giao lại cái bàn cho gia đình cụ Hoan. Mừng quá, tôi và em Đại về quê anh nhận lại ngay. Sau bao nhiêu năm “lưu lạc”, cái bàn đã được quay về đúng nơi nó cần hiện diện.

Ông thích trồng cây, hoa cảnh. Trước nhà có cái bồn, ông trồng hoa hồng, xung quanh là dãy lan báo hỷ. Sát tường rào có một rẻo đất, có xây bờ be lên. Khi cây hoa sữa bị chặt đi, ông xin về mấy cây tre đằng ngà trồng vào đấy, sau lớn thành một bụi tre có bóng mát, thành ra là giữa phố Tây mà lại có cái nhà có bụi tre rất đẹp. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, ông vào Sài Gòn để viết bài. Ông xin được mấy cây hoa như: Cây sứ Thái Lan, thu hải đường, sen cạn. Ông thích lắm. Những lúc rỗi rãi, ông hay tưới, chăm sóc cây rất kỹ. Cây sứ Thái Lan bây giờ vẫn còn, chúng tôi cắt cành mang về trồng ở mộ của ông bà.

Có lần trời mưa bão, nước ngập cao trong sân, cánh cổng nhà bị hỏng nên buổi tối không khóa lại được. Đến đêm, trộm vào, bê đi mất một ít bát đĩa, cặp lồng để ở sân và một chậu hoa của ông. Sáng ra, ông tiếc lắm nhưng tự an ủi là: “Thôi, ít ra thằng trộm nó cũng là người thích chơi hoa”.

Hồi tôi học lớp 6, lớp 7, thỉnh thoảng ông lại bảo hai chị em gái giúp ông chép mấy truyện ngắn để đưa nhà xuất bản in. Mỗi lần có tiền nhuận bút, ông lại đưa cả nhà đi ăn phở ở Lê Văn Hưu. Hồi đó, hàng ăn ít, cả Hà Nội chỉ có mấy quán phở ngon, có tiếng.

Thời bao cấp, mua cái gì cũng phải tem phiếu, xếp hàng. Ông thường nhận việc đi mua gạo, phải đi bằng xe đạp vì cửa hàng gạo ở xa và phải chở gạo về nữa. Mà mỗi lần chỉ được mua ít thôi chứ không được mua hết tiêu chuẩn trong sổ. Có lần đi mua gạo về, ông kể: Hôm nay xếp hàng dài quá, có người nhận ra ông, thế là nhường chỗ cho ông mua trước. Rồi còn việc đi mua củi, mùn cưa; sau này còn đun nấu bằng trấu, có cái lò nấu trấu (trông giống như cái bếp nấu lẩu), mỗi khi nấu cứ phải ngồi gõ cạch cạch để trấu rơi xuống.

Bà nấu nướng rất giỏi. Bà dạy cho chúng tôi cách làm bếp thế nào cho gọn gàng, nấu các món ăn đơn giản mà ngon miệng. Một bữa ăn hằng ngày không nhiều món nhưng rất hài hòa, khoa học. Còn khi nào nấu cỗ thì khỏi nói, món nào cũng chuẩn. Bà có nhiều món ăn ngon lắm, thí dụ như các món ăn với rươi: Mắm, chả, nấu canh, xào với củ niễng; rồi món cuốn tôm rang thịt luộc kèm với bỗng rượu xào chua ngọt,...

Ông bảo là ăn các món mắm thì phải đủ các vị chua, cay, mặn, chát. Không chỉ là các vị, mà còn là sự “chế” nhau của các thứ đó, sao cho ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa. Đấy là nghệ thuật ăn uống.

Tết đến bao giờ nhà cũng gói bánh chưng. Bà gói bánh với mong mỏi biết đâu bố Tài được về ăn Tết. Thương lắm nỗi khắc khoải chờ con. Bà gói bánh đẹp lắm, ngày xưa chỉ gói bằng tay chứ không có khuôn như bây giờ. Bà dạy cách rửa lá, rọc cuống lá, đãi đậu, nấu đậu, làm nhân thịt... Ông thì nhận phần luộc bánh. Thức đêm mà luộc bánh với ông thì thích lắm, ông hay lùi vào tro mấy củ khoai lang và kể chuyện cho nghe. Rồi năm nào cũng có một vại dưa hành muối với 10 kg dưa cải Lạng Sơn nén cả cây, 10 kg hành củ. Bà bảo ra Giêng là giáp hạt rau, có vại dưa, nấu canh dưa với lạc ăn với rau diếp là ngon lắm rồi. Mà quả thật, món đó bây giờ cả nhà tôi vẫn thích. Để có vại dưa hành vàng ươm, thơm ngon, bà dùng cây mía chẻ ra, xếp thành nan, rồi chặn hòn đá lên trên. Sợ nhất là trời rét mà phải ngồi rửa dưa, rửa lá gói bánh, đãi đậu, nhưng bù lại là học được ở bà những điều mà nó theo tôi suốt cuộc đời.

Thấy mấy mẹ con làm mứt tết, ông hỏi đùa: “Cứ trộn các thứ với đường thì làm thành mứt chứ gì? Vậy, bây giờ tôi làm “mứt rơm” có được không?”.

Tính ông hay đùa. Thỉnh thoảng ông uống rượu là bà lại cằn nhằn, không thích. Có lần đến giờ ăn trưa, ông dọn bàn ra, gọi mấy đứa cháu trai vào ngồi và rót cho mấy ông cháu mỗi người một ly “rượu” từ cái chai “rượu trắng” để bên cạnh. Bà từ dưới bếp lên, thấy thế liền kêu: “Ông lại uống rượu nữa rồi. Mà sao lại cho bọn trẻ con uống rượu thế kia?”. Ông làm mặt hầm hầm, đứng dậy, cầm chai “rượu” ra cửa sổ, dốc ngược, đổ tồng tộc. Bà lại kêu lên tiếc rẻ: “Sao ông lại đổ rượu đi thế?”. (Ngày xưa cái gì cũng phải mua bằng tem phiếu, cả rượu cũng không ngoại lệ). Mấy anh chị em cười phá lên, ông cũng tủm tỉm. Hóa ra, đấy là nước trắng mà ông dùng giả làm rượu để trêu bà.

Cũng với tính dí dỏm ấy mà ông đã từng làm cho “nhà chức trách” phải “khó nghĩ”. Chả là, có một lần cảnh sát khu vực đến nhà gặp ông để làm kê khai về hộ khẩu. Đến mục “Trình độ văn hóa”, ông khai là “đọc thông viết thạo”. Anh cảnh sát khu vực tần ngần: “Bác có nói nhầm không ạ? Bác là nhà văn lớn mà sao lại chỉ có đọc thông viết thạo?”. Ông cười: "Tôi nói đúng đấy. Hồi trước tôi học theo văn bằng của Pháp thì chỉ tương đương hết phổ thông bây giờ. Tôi chỉ là thầy giáo tiểu học. Theo anh, tôi nên khai như thế nào?". Anh cảnh sát khu vực vẫn băn khoăn: “Cháu mà ghi như thế thì lãnh đạo của cháu không nghe đâu”, nhưng biết làm thế nào được.

Thỉnh thoảng bà cũng đi xem hát ở rạp và cho mấy chị em đi xem, khi thì vở cải lương “Nhị Độ Mai”, khi thì vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, “Thị Màu lên chùa”... Còn bé nên chúng tôi không hiểu mấy, thế là bà lại giảng giải cho nghe.

Ở phía tường rào, ông làm cho chúng tôi cái giàn để trồng mướp. Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, cơ quan Bộ làm cho các gia đình cái hầm trú ẩn kiểu cuốn tò vò ở cái ngách giữa tường nhà 64 và nhà tôi, trên đổ đầy đất. Đấy cũng là một chỗ để lũ trẻ con chơi trốn tìm. Trẻ con trong khu nhà ấy có 8 đứa, thường hay theo chị Thành (con ông bà Minh già) để nghe chị kể chuyện ma. Cả lũ phải chui vào chỗ chân cầu thang lên gác 2, tắt hết đèn đi thì chị ấy mới kể. Rồi còn nhiều trò nghịch ngợm tinh quái khác. Cả khu nhà có một cái bể to để chứa nước, đậy ở trên là tấm tôn rất to. Mùa hè, bọn con trai rủ nhau buổi tối nhảy vào bể nước để bơi, nghịch; hôm sau các nhà lại dùng nước ấy để giặt giũ, rửa rau vo gạo. Nhà số 64 có cây sấu rất to, chĩa cành sang bên này, chúng tôi thường lên nhà bác Hoàng Mai ở tầng trên, hái lá sấu non, quấn vào mấy hạt muối giả làm trầu không rồi nhai bỏm bẻm. Còn nhà số 68 thì có giàn nhót rất sai quả, chìa sang sân nhà; cái sân to phía trước nhà thường là chỗ cho các bạn của chúng tôi đến tập văn nghệ, tập tành thì ít mà công kênh nhau lên hái nhót thì nhiều.

Năm 1968, khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, các trường bắt đầu về lại Hà Nội, mấy chị em tôi đều đi học ở các trường gần nhà như cấp 2 Trưng Vương, cấp 3 Lý Thường Kiệt. Vì thế, chúng tôi đi bộ đến trường.

Từ nơi sơ tán về, ông bà mang theo cái chõng tre. Chúng tôi cùng bạn bè thường ngồi chơi hoặc học bài trên cái chõng ấy. Ngồi ở sân nên nhiều khi cũng có những trò nghịch ngợm tinh quái, đấy là trêu người đi đường. Có lần thấy có một chị đi ngang qua, thế là một đứa nói to: “Chính “trị” này”, làm chị ấy giật mình nhìn vào, thế là lại đọc tiếp: “Toán này, sinh vật này...”, hóa ra là hắn đọc thời khóa biểu...

Những năm này, mẹ tôi phải đi công tác xa nhà. Khi thì phụ trách trại trẻ sơ tán gồm con các cán bộ của Bộ, khi thì đi học đại học, rồi lại về dạy ở trường C500. Đến tận cuối năm 1973, mẹ tôi mới được về cơ quan Bộ nhưng cũng hay phải đi công tác các tỉnh. Lúc này, chị em tôi đã lớn, cơ quan Bộ đã cho sửa chữa lại cái gara ô tô và phân thêm cho gia đình tôi làm chỗ ở. Sau khi bố tôi ở miền Nam về, bố mẹ ở tại đó cho đến khi gia đình tôi chuyển đi.

Ở nhà với ông bà, mấy chị em phân công nhau giúp bà lo đi chợ, cơm nước hằng ngày. Khi thì đi mua thực phẩm theo tiêu chuẩn tem phiếu ở cửa hàng phố Nhà Thờ, khi thì mua thức ăn ở “chợ cóc” ngay trước cửa nhà.

Từ cuối năm 1970, ở nhà không nhận được thư bố từ miền Nam nên rất lo lắng. Tháng 3/1973, bà vào gặp Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn để hỏi thì mới biết là bố bị địch bắt; ông bà và mẹ buồn lắm nhưng vẫn phải giữ kín. Bà theo đạo Phật. Những năm này, bà thường hay đi chùa, ăn chay vào những ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch. Ông cho là bà mê tín dị đoan nên bảo bà là không được đi chùa. Bà không cãi gì, chỉ nói một câu: “Khi nào Cụ Hồ bảo không được đi chùa thì tôi không đi nữa”. Thế là ông phải chịu. Có lẽ đi chùa đọc kinh, niệm Phật cũng là một cách làm cho bà thấy thư thái trong lòng, vơi bớt nỗi lo âu vì bặt tin bố.

Ông bà càng thương các cháu hơn. Hồi chị Hòa Bình hết cấp 3, được đi học nước ngoài, ông cũng lên Bộ Đại học xin cho chị đi học ở Liên Xô, vì thường hay có người quen đi về, có thể gửi thư, quà, thuốc men cho chị được. Anh Thống Nhất học hết cấp 3 thì đi nghĩa vụ quân sự, sau đó được quân đội chọn đi học ở Liên Xô, ông rất mừng.

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. 9 giờ tối ngày 4/5/1975, ở nhà nhận được tin bố còn sống, ông đi bộ ngay trong buổi tối ấy sang nhà cô Minh, là em ruột bố tôi, nhà ở số 72 Lý Thường Kiệt. Đến nơi, ông không vào nhà, chỉ đứng ở cửa nói với cô Minh: “Anh Tài sống rồi”. Rồi ông quay gót, xuống cầu thang đi về luôn. Bao nhiêu buồn lo được trút bỏ, ông bà mong ngày được gặp mặt con trai để thỏa lòng thương nhớ xen lẫn cảm xúc tự hào. Công việc của thành phố mới giải phóng vô cùng bộn bề, bố chưa về gặp gia đình ngay được. Một lần nữa, ông bà lại nén tình cảm riêng vì việc lớn của đất nước, nỗi lo vẫn còn đó.

Thư của bà ngày 8/5/1975:
“Con ơi, hơn mười một năm rồi bao nỗi lo sợ, nhớ mong, nay được tin con còn sống, mừng rỡ vô cùng,... Hôm giải phóng Sài Gòn càng mừng lại hồi hộp mong tin con,..., đến 12 giờ trưa hôm 5,... điện của ông bộ trưởng gửi về, nói là sức khỏe anh Tài tốt, hơi gầy, cần ở lại công tác, xin cho chị Bắc vào ngay gặp anh Tài. Tin ấy rõ quá, thấy con được tiếp tục công tác thì bố mẹ mừng lắm, nếu vì nhẽ gì mà con không tiếp tục được công tác thì cũng đáng tiếc. Mẹ cũng hiểu như thế, nhưng sao lòng nó vẫn bàng hoàng như chiêm bao vì vẫn chưa trông thấy con; giá được gặp con mà ôm con cho hả dạ....”.
Ông thì viết:
“Điện của con, đến chiều ngày 9 mới tới... Thế là nhà biết đích xác con bị bắt ngày nào, được ra ngày nào và ở đâu. Lại cũng biết sơ sơ các ngày con ở trong tù,... và cũng có thể tưởng tượng được sức chịu đựng gian khổ và tinh thần bất khuất của con... Cậu cũng biết là Đảng hết sức cứu con và có theo dõi những chỗ ở... Nghe con nói nó bắt ngồi thức liền 14 đêm ngày thì thấy nó ghê thật, mà con đã thắng được nó, thì ai cũng phải khâm phục...”.
Ngày 29/6/1975, tại nhà 66 Thợ Nhuộm, ông bà và chúng tôi vui mừng đón bố tôi trở về sau hơn 11 năm xa cách, nhớ mong. Chỉ khi ông bà được tận mắt nhìn thấy con, tận tay ôm con vào lòng, niềm vui mới được trọn vẹn.

Đến ngày 25/1/1976, tức là 25 tháng Chạp năm Ất Mão, sau hơn 11 năm sống tại nhà 66 Thợ Nhuộm, cả gia đình tôi chuyển xuống nhà B4 khu tập thể Trung Tự, đón Tết Bính Thìn ở nhà mới.

Thời thơ ấu của chúng tôi gắn liền với ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm với biết bao kỷ niệm không thể kể hết. Đến nay, nhà 66 Thợ Nhuộm đã được sửa chữa lại nhiều và được dùng làm nơi làm việc của một đơn vị thuộc Bộ Công an.


Nguyễn Ngọc Đoan








Bàn làm việc cùng những vật dụng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và con trai, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan chăm sóc cây hoa sứ.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan và cháu gái Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Ngọc Đoan (tháng 7/1971), sau lưng là bụi tre đằng ngà.

Ảnh vợ con chụp mùng 2 Tết Mậu Thân 1968 để gửi cho đồng chí Nguyễn Tài ở chiến trường miền Nam.

Vợ chồng Nhà văn Nguyễn Công Hoan và 2 cháu trai Nguyễn Trường Thống Nhất (bìa trái), Nguyễn Trường Đại, năm 1973.

Vợ chồng Nhà văn Nguyễn Công Hoan và con trai Nguyễn Tài mới ở miền Nam trở về sau hơn 11 năm xa cách (29/6/1975).

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Phát hiện Chế phong của vua Bảo Đại ban khen nhà văn Nguyễn Công Hoan


Phát hiện Chế phong của vua Bảo Đại
ban khen nhà văn Nguyễn Công Hoan

Duy Hiển – Viết Phùng


CAND Trong chế phong ban khen nhà văn Nguyễn Công Hoan, vua Bảo Đại viết:
Nghĩ khanh, giáo học Nguyễn Công Hoan, có tài năng văn học, tài khí đáng trọng, có tác dụng bồi dưỡng danh giá, tiếp tục tiến lên, làm quan thận trọng, trong sạch chuyên cần, không lúc nào quên. Thật đáng khen khanh ở triều đình...
Gia đình nhà văn trân trọng đón nhận phiên bản chế phong của vua Bảo Đại ban khen giáo học Nguyễn Công Hoan.


Trao đổi với PV chiều 28/10, chị Nguyễn Ngọc Đoan, cháu nội của nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết: Trong số các hiện vật gia đình còn lưu giữ được về nhà văn Nguyễn Công Hoan, có một bức Chế phong do vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan vào ngày 2/5/1944 (năm Bảo Đại thứ 19).

Trước cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Công Hoan làm nghề dạy học ở một số tỉnh phía Bắc và viết văn. Ông sớm nổi tiếng trên văn đàn và để lại di sản hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài, nhiều tiểu luận văn học; trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như “Bước đường cùng”, “Kép Tư Bền”, “Người ngựa, ngựa người”, “Lá ngọc cành vàng”, “Tắt lửa lòng”…

Theo chị Ngọc Đoan cho biết, vào dịp gia đình tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/3/2023), một người em họ là PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, tìm thấy trong kho tư liệu của Viện bản sắc phong của vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan. PGS.TS Vũ Hùng Cường đã scan và in lại theo kích thước thật (140 x 70) và mang tặng gia đình.
Báo CAND trân trọng giới thiệu nội dung Chế phong vua Bảo Đại ban cho giáo học Nguyễn Công Hoan:
“Nhận mệnh trời, vận số hưng thịnh Chế của Hoàng đế, rằng: Trẫm lập nền chính trị, dùng người theo chế độ luận công, xét tài mà đặt chức vị khiến công việc phù hợp với năng lực.

Nghĩ khanh, giáo học Nguyễn Công Hoan, có tài năng văn học, tài khí đáng trọng, có tác dụng bồi dưỡng danh giá, tiếp tục tiến lên, làm quan thận trọng, trong sạch chuyên cần, không lúc nào quên. Thật đáng khen khanh ở triều đình.

Nay thăng (cho khanh làm) chức Phụng nghị Đại phu, Hàn lâm viện thị độc, ban cho chế này. Mong khanh xứng đáng là bậc mô phạm, giáo dục người, làm nòng cốt cho đất nước để xứng đáng với sự trọng văn (của trẫm).

Kính thay!”

Cuối chế có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo”, tức dấu báu ban sắc của mệnh vua.





Bức tượng đồng bán thân nhà văn Nguyễn Công Hoan tại nhà lưu niệm ở Hà Nội.