Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp...


Mời các bạn theo dõi số phận ba đào của bác Khóa Lan trong các truyện ngắn:
1. Hai thằng khốn-nạn
2. Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp...




Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Trinh | 2. Cô Vân

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 Kênh 2 Video


Mời đọc Bản đánh máy


Xã-hội ba-đào ký

Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp...

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Bác Khóa ơi!
- Ơi! Ai gọi đấy?
- Ra ngõ tôi hỏi cái này... U tôi bảo bác giả u tôi tiền đi. Bác ra Hà Nội buôn bán đắt hàng, u tôi không để cho chịu đâu.

- Ấy, chị cứ về đi, tôi toan lại đằng nhà bây giờ đây mà!

- Tôi không về, bác có giả thì bác bảo, không có u tôi đến, thì bác chẳng ra gì đâu, năm hết tết đến rồi.

- Gớm, có mấy đồng bạc mà làm như nặc nô ấy. Chị cứ về trước đi, tôi ngần này tuổi đầu, chả nhẽ tôi lại nói dối à!

- Thế bác nói dối u tôi thì bác làm sao?

- Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp chó! Chị phải biết tôi phải giữ danh giá cho tôi nhiều chứ!

Mà bác Khóa Lan nói đúng đấy. Không bao giờ bác quên bác là thầy Khóa, cho nên không bao giờ bác làm những việc mà thầy khóa không nên làm. Đại khái, đói thì nhịn, chứ quyết bác không chịu khi nào làm nhục nhà nho mà bán rẻ cho ông chủ báo nọ mỗi bài thơ bát cú là hai hào, gọi nhã là tiền nhuận bút! Giấy rách thì giữ lấy lề, mà cực chẳng đã lắm, năm đói trước bác mới phải gạt nước mắt mà bán thằng con đi lấy hai hào tám (1). Nhưng cũng vì việc bán con cho nên bác Khóa mới "nổi danh" là nghèo kiết, mà một người nghe đồn mới động lòng đón bác về dạy con học. Từ đó, cái số bát cơm nó chui vào trong bụng bác, tuy chỉ vừa vặn với cái số chữ nghĩa phải tuôn ra ngoài miệng mà thôi, nhưng cái óc không phải lo nghĩ, thì cái mặt cũng đỡ nhăn nhó lo buồn.

Nhưng, những cái chơi khăm của số phận bao giờ cũng hay bắt nạt bọn lép vế, bởi vậy bác Khóa Lan vừa được tạm tha trong ít lâu đã bị nó "chuy" ngay lượt nữa. Nguyên là ông chủ nhà bác ngồi dạy học, rồi đến giữa năm, - bây giờ gọi là năm ngoái rồi,- ông chủ nhà bị một cơn ốm nặng, mà ba hôm sau ông chủ tạ thế, thì bà chủ cũng tạ thầy vậy.

Thế rồi đến tháng chạp, bác cố vay bà Lý Tư mấy đồng bạc, tuy nó bóp lãi đến lè cổ ra đấy, nhưng được cái vốn để mua giấy, bút, mực rồi hấp tấp ra ngay Hà Nội, mở trước tiên ở phố hàng Bồ một ngôi hàng câu đối tết.

Bởi vậy, từ hôm nọ, ta thấy bác ấy ngồi cù rù trên cái chiếu rải dưới mái hiên phố hàng Bồ, khoác cái chăn chiên, khoàng cái khăn sếp vào cánh tay, và nếu không khua ruồi hoặc bóc ghẻ, thì bác lại khoanh tay đặt trên hai gối bó rò, để kê cái má ép nghiêng xuống mà lắc la lắc lư cái lưng, như có ý trầm tư mặc tưởng vậy. Khách nhà quê ra tỉnh sắm tết đông như đám hội, kẻ sách vài củ thủy tiên, người mang giăm ba bánh pháo, mà khỉ quá,- ấy, năm mới, phỉ phui! - mà "khởm" quá, có cái đồ "nội hóa" là câu đối, thì chả có ma nào nó hỏi, đến nỗi những tờ giấy đỏ cheo la liệt đằng lưng với hai bên cạnh sườn bác Khóa, nó cứ giẫy đành đạch ở trước ngọn bắc phong!

Vì vậy, bao nhiêu câu đối ế, bác định ngày hăm tám, bác bán hạ giá đi tất cả, để mai, hăm chín, nhưng kể là ba mươi, về nhà quê ăn tết. Nhưng thực trời chả thuơng bác tý nào, mờ mờ sáng hôm ấy, bác vừa treo xong hàng lên trên giây, thì ác quá, một trận mưa như chút nước giáng xuống, làm ướt cả giấy, nhòe cả chữ, rồi, vừa mới hong ra gió được một lát chưa khô, thì bất thình lình đến gần mười một giờ, ông ấy lại chơi cho trận nữa, mà chính trận mưa tình cờ này, tác giả đây cũng bị cái nạn chung với bác khóa, ở trước ngõ Tràng An, cho nên cũng đoán hẳn rằng: câu đối của bác ấy, tất là đi đời cả!

Chiều hăm chín, bác Khóa Lan vừa thò về đến đầu làng, họ đã kháo nhau, rồi đến ngõ réo ỏm tỏi lên đòi nợ.

Khất vừa chôi được món bà Nhiêu Đình, lại đến con Đĩ Con nhà bác Khán Vỵ nó réo ngoài ngõ; rồi anh Xã Đan đến nói khó chịu vừa ra khỏi, thì vợ lão Huơng Quả đã gọi rầm rầm, làm um cả xóm, dậm dọa lôi thôi, mất cả giá trị!

"Chẳng nhẽ mình là đàn ông đàn ang, lại đi sinh sự với con đàn bà lắm miệng, vả chăng, lại là thầy Khóa có học. Thôi thì túng bấn, ta chịu xử nhũn vậy, chứ mà vào cái thời buổi chữ nho còn thịnh như hai ba mươi năm về trước, thì, úi chào, sợ đếch gì đứa nào? Đồ chó!"

Ấy nhà nho hay có lối nghĩ kiêu như thế đấy!

Lúc sẩm tối, bác Khóa Lan đang nằm co trên phản, vắt tay lên chán mà ngẫm cái đời đáng chán như thế, thì bỗng cái tai bác đã rật nhổm cái lưng bác dậy:

- Ơi! Ai gọi gì đấy!...

Cái món nợ của bà Lý Tư này mà bác vừa thề làm kiếp chó ban nẫy mới là ngặt đấy. Bà ấy ghê gớm có tiếng ở làng; không những ông Lý Tư đã phải khom lưng dưới cái hung hãn của bà ấy, mà người làng, kẻ nào có dính đến tiền nong, cũng đều sợ cái oai của con người mắt trắng, môi thâm ấy. Không trả xong thì khó mà yên được từ nay đến giao thừa. Nhưng tiền đâu mà trả? Con bé vừa về, thì bác cũng xoay kế: 

"Hay là ta tạm trốn quách đi cho xong? Nhưng trốn vào đâu?"

Nghĩ vậy, bác đứng phắt dậy, cuộn chiếc chiếu giấu ra đằng sau, gấp chiếc chăn xếp gọn lên xà nhà, mang bát hương với ba cái đài rượu xuống bếp vùi trong đống gio, rồi lên nhà, đương xoát lại xem còn gì đáng giá nữa hay không, thì ngoài cổng đã có tiếng gọi:

- Bác khóa ơi!

Bác rật mình vì chính là tiếng lão Lý Tư, cho nên không trả lời. Lách mắt nghé qua khe liếp, thì trời ơi, lão Lý chẳng đi một mình, lại kèm thêm cả người tuần nữa. Bác Khóa hoảng người lên, không biết họ định bắt mình hay sao?

- Bác Khóa ơi!

Thôi, trốn ra ngoài thì chậm mất rồi, nhưng, trông trước trông sau thì nhà chống hoác, trốn vào đâu? À phải rồi, chỗ trốn đây rồi, ẩn tạm đấy, chỉ khổ độ năm phút thôi. 

- Bác Khóa ơi! Ơ hay, sao mà không thưa thế?

Bác Khóa Lan thấy bọn họ vào. Mau! Mau! Hỏng việc bây giờ! Bác Khóa giật vội cái chăn chiên cuộn tròn vào người, rồi cố chui cho lọt vào cái cũi chó để ở xó buồng tối, khóa tách trốt lại.

- Ơ hay! Không có nhà thực à?

Bác nằm phục vị ở trong cũi, co quắp, im thin thít chống ngực thình thình, mồ hôi ứa ra như tắm, lắng tai để nghe. Tiếng gót chân nện xuống đất thình thịch, rồi tiếng xôn xao hỏi nhau.

- Tối quá, ông có diêm cho xin một cái... Ừ, mà không có nhà thực.

- Nó lại đi trốn đâu đấy chứ gì? Nhưng chẳng nhẽ ta về không?

- Bà Lý đã dặn xem nhà nó có gì đáng giá thì bắt đem về mà?

Tiếng gót chân lại xa dần. Bác Khóa ló một mắt nhìn ra, thì thấy ông Lý và chú tuần đang soi khắp nhà. Soi chán rồi nói:

- Tiên nhân nó! Chả nhẽ đem mà đốt nhà đi, chứ chả có gì đáng nửa đồng kẽm!

Nghề nhà nho đã hay khái nay lại nghe thấy nó nói nhục thì ai chịu được? Nhưng đã xử nhũn mà nằm co dữa cũi chẳng lẽ cứ ở trong chăn mà chửi giả nó hay sao? Cho nên bác Khóa cứ cố bướng bỉnh mà nghĩ một câu chửi lại cho hả giạ. (2)

- Tiên nhân mày! Hút máu mủ người ta lắm, để làm ma bố mày à!

Rồi thấy chúng vào buồng, bác vội bịt kín cái chăn lại, nén ngực cố thở rõ khẽ, thì nghe thấy tiếng chân càng tới gần. Rồi thấy tiếng gậy đập vào cũi, tiếng nói:

- Hay là ta bê cái này về? Cả nhà nó chỉ có cái này đáng giá.

- Bê về làm gì?

- Mà rốt chó chứ làm gì?

- Trong cũi có gì không?

Diêm lại đánh sòe. Anh tuần nói:

- Quái, cái gì đen đen ấy, ông ạ, ờ, mà lại có khóa.

- Chú thử chọc xem cái gì?

- Cái chăn gói cái gì mà nhùn nhũn ấy.

- Thôi, mặc kệ, ta khênh về đi.

Bác Khóa Lan cố phục vị ở trong cũi, nhịn hơi từ nãy đến giờ, mỏi quá; lúc họ đến, thì sợ quá, hóa quên cả đi, chỉ cố sao nằm được yên lặng mà thôi. Khi nghe họ bàn nhau khênh về, thì lo quá. Ấy mới nguy! Hay là mình nói dối thì làm kiếp chó thực? Mà làm kiếp chó đến bao giờ? Mai có chắc được ăn tết không? Hay là họ biết mình ở trong cũi mà dọa thế?

Nhưng mà họ khênh đi thực! Họ khênh bác đi, rập lên rập xuống, thịt cọ vào thang cũi, đau chói lên mà không dám kêu! Mà sao họ ác thế! Họ đi nhanh quá, càng rập mạnh, đau không thể nói được! Nhất là mỏi quá, co quắp đến hơn mười phút rồi, còn gì là người nữa! Mà càng nghĩ càng thấy mỏi. Lắm lúc muốn đâm mặt liều, thôi thì mày muốn làm tình làm tội gì thì làm, ông hãy giở mình một cái cho sướng đã! Nhưng đã liều sao không liều từ đầu? Thôi đành vậy.

Hai người lễ mễ bê được đến nhà, giời đã tối mịt. Vừa đặt cái cũi lên trên bờ hè, ông Lý gọi bà Lý, có ý khoe khoang lấy công mà rằng:

- U mày làm khổ tao với chú ấy, tao đã bắt cái này về đây.

Bà Lý mừng lắm, soi đèn chạy ra, tưởng là cái gì, hóa ra cái cũi chó. Bà Lý giận đầy lên đến cổ, nổi trận lôi đình lên mặt rằng:

- Khổ quá! Giời ơi là giờờời! Không biết người hay là ngợm mà rước cái này về làm gìììì?

Nói đoạn, hung hăng như con sư tử cái thực hiệu, bà giơ thẳng chân, đạp một cái rõ mạnh, cái cũi từ trên hè lăn kềnh xuống sân; rồi bà hộc tốc lên một hồi, mắng chồng rầm rĩ, những là ngu, suẩn, chán rồi nằm kềnh lên giường, hờ cha khóc mẹ.

Cái ngã không ngờ, làm cho bác Khóa đau điếng người đi. Nhưng bác thấy được dễ chịu hơn trước, vì tự nhiên được giở mình lại.

Anh tuần thấy cái tấn kịch ghê gớm ấy diễn ra, muốn hạ màn ngay, bèn gọi ông Lý, để hỏi xem nên để cái cũi ấy ở chỗ nào, thì bà Lý quát:

- Quẳng mẹ nó vào chuồng lợn ấấấy!!

Bác Khóa vừa được dễ chịu một tí, đã lại bị lật sấp phục vỵ như cũ, rồi vào nằm với lợn.

Một lúc, bác kéo chăn thò mặt ra ngoài, nhìn bốn bên, thấy im cả mới cựa đầu, vặn lưng, bẻ khục tay, chân, thở mạnh. Tuy được tự do hơn trước, song cái mùi chuồng lợn nó xông lên khó ngửi quá; nhất là mấy con lợn, cơ chừng muốn khoe là được sung sướng hơn bác, nó cứ ụt ịt châu đầu chung quanh bác mà nhìn, thỉnh thoảng lại thò mõm vào trong mà ngửi ngửi, hình như muốn biết rõ có phải đấy là một dân mới hay không?

Cách độ một giờ, trên nhà yên tĩnh cả, bác mới tính đến nước đánh tháo. Ừ, chả nhẽ cứ chịu giam cái thân quý hóa vào trong xà lim mãi, bác bèn lấy thìa mở khóa cũi, rồi cố chui ra, lui lủi rón rén đi quanh bờ rào, chỉ sợ động chó nó sồ ra thì hỏng việc.

Bờ rào kín quá, không thể nào kiếm được một khe hở để lách ra được. Nhưng may lạ, chân lần lần từng bước, tay cứ sờ soạng các tre rào, bác Khóa Lan sờ thấy một khe hở. Hết sức se sẽ, bác cuộn nhỏ cái chăn chiên đút ra ngoài trước, rồi nằm ép người xuống sát đất, lách thò cái đầu, lựa vai vươn hai cánh tay sang, rồi, hai chân co lại đạp nhoài một cái, bác đã bò hẳn ra đến đường cái.

Rồi như ông Kha Luân Bố đặt bước chân thứ nhất lên đất Mỹ châu, bác Khóa Lan khoái chí ôm chăn đứng dậy, vươn vai, vặn lưng, thấy nở nang cả gân cốt. Nhưng muốn cẩn thận, trước khi đi, bác cúi xuống ròm lại lỗ hàng rào vừa chui ra, xem có vết tích gì mới không. Thì ra may quá, không, bởi vì lỗ ấy vẫn là lỗ cũ chui được, lỗ ấy mọi khi vẫn là cái cửa ra vào riêng của con chó nhà ông Lý vậy...




4/02/1923


--------------
1. Xem mục Xã hội ba đào ký trong An Nam Tạp Chí số 12, bài "Hai thằng khốn nạn".
2. Theo bản trong: An Nam Tạp chí số 28 (13/02/1932).
"Bác Khóa Lan nằm trong cũi, thấy nó chửi, tức quá, hơi đầy đến cổ, nhưng chẳng nhẽ thò mồm ra mà chửi giả nó? Tuy nén dạ, nhưng bác cũng phát cáu mà trả lời thầm lại rằng:
- Tiên nhân mày! Hút máu mủ người ta lắm, để làm ma bố mày à!"





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng ảnh

Trong: An Nam Tạp chí số 28 (13/02/1932).

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF






Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng ảnh
Trong: Xã-hội ba-đào ký III: Hai thằng khốn-nạn (Hải Phòng: Mai-Lĩnh, 1934 - 14 Tr.)
4/02/1923

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Xã-hội ba-đào ký III: Hai thằng khốn-nạn (Hải Phòng: Mai-Lĩnh, 1934 - 14 p.)


Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời các bạn theo dõi số phận ba đào của bác Khóa Lan trong các truyện ngắn:
1. Hai thằng khốn-nạn
2. Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp...

Ba cụ Đồ viết câu đối ở Hà Nội, Tết năm 1915.
Khách thuê viết hay mua câu đối có vẻ ít, một cụ còn đang viết, 2 cụ đang ngồi tựa lưng, một cụ che ô có lẽ là trời nắng.
Câu đối các cụ có lẽ cũng là những lời chúc quen thuộc vào năm mới như:
Vạn niên chi....
Tử hiếu Tôn hiền vạn [ đại vinh?]
Tài nguyên hân hưng? thủy...


Có lẽ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên là hợp với ảnh này nhất:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?



Ảnh màu nguyên bản của Léon Busy, ảnh được scan từ phim màu gốc.
Tiệm sách lịch sử




1 comments:

  1. https://www.facebook.com/photo/?fbid=215125001649106&set=a.162558193572454

    Trả lờiXóa

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉