Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan trong THƯ MỤC NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN






Giai đoạn trước 1945 và nhất là từ khoảng 1930 đến 1945 được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn hoàng kim của văn học Việt Nam. Xét về thời gian chỉ hơn một thập kỷ nhưng xét về tốc độ phát triển thì văn học Việt Nam đã tiến xa hàng trăm năm để hòa vào quỹ đạo thế giới hiện đại.
[...]
Nhóm Tân Dân với Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Tao Đàn, Truyền bá và hai tủ sách Tủ sách Tao Đàn, Tủ sách Những tác phẩm hay hoạt động rất mạnh từ giữa thập niên 30 đến đầu những năm 40 của thế kỉ XX. Trên các tờ báo và tạp chí đó hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời và cũng là một mảnh đất tốt ươm tạo cho nhiều tài năng văn chương đương thời.
[...]
Vũ Đức Hoan -
GIỚI THIỆU VỀ BLOG NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN,
Thứ Bảy, ngày 19 tháng 3 năm 2011,
Blog NXB Tân Dân http://nxbtandan.blogspot.com


(Trích) BẢNG TRA CỨU TÁC GIẢ - TÁC PHẨM NHÓM TÂN DÂN*

Vũ Đức Hoan


*Đây chưa phải là toàn bộ danh sách tác giả - tác phẩm nhóm Tân Dân
Vũ Đức Hoan 12:49 20 tháng 6, 2012
NXB Tân Dân: Đây chỉ là danh sách tạm thời. Do tư liệu bị tản mát và di sản của NXB Tân Dân để lại cũng rất lớn nên tôi chưa có điều kiện để thống kê một cách đầy đủ nhất. Bản danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog NXB Tân Dân!
Một vài quy ước viết tắt:
TTTB = Tiểu thuyết thứ bảy,
TĐ = Tạp chí Tao Đàn, IH = Báo Ích Hữu,
TB = Báo Truyền Bá;
PTBNS = Phổ thông bán nguyệt san,
NTPH = Tủ sách những tác phẩm hay;
TSTĐ = Tủ sách Tao Đàn


(THEO BẢNG CHỮ CÁI ABC)
TÁC GIẢ 68 - Nguyễn Công Hoan


1. Godautre, truyện ngắn, TTTB, số 21, 23, 24, 26, 27 (1934)
2. Trái tim với khúc ruột, truyện ngắn, TTTB, số 23 (1934)
3. Dưới bóng mặt trời, truyện ngắn, TTTB, số 24 (1934)
4. Anh có vợ chưa, truyện ngắn, TTTB, số 25 (1934)
5. Bữa no đòn, truyện ngắn, TTTB, số 26 (1934)
6. Cho tròn bổn phận, truyện ngắn, TTTB, số 30 (1934)
7. Rửa thù, truyện ngắn, TTTB, số 32, 33, 34, 35, 37 (1935)
8. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, truyện ngắn, TTTB, số 34 (1935)
9. Tôi mong Tết, truyện ngắn, TTTB, số 36 (1935)
10. Bốp! Bốp! Be he, truyện ngắn, TTTB, số 36 (1935)
11. Lá ngọc cành vàng, tiểu thuyết, TTTB số 38 (1935), PTBNS số 34 (1939)
12. Một bài tính đố, truyện ngắn, TTTB số 61 (1935)
13. Một cái chương trình quyết thực hành, truyện ngắn, số 61 (1935)
14. Bà chủ, tiểu thuyết, TTTB số 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77 (1935)
15. Ông chủ, tiểu thuyết, TTTB số 53 (1935)
16. Nguội điện, truyện ngắn, TTTB số 72 (1935)
17. Nhân tài, truyện ngắn, TTTB số 73 (1935)
18. Truyện không tên, truyện ngắn, TTTB số 75 (1935)
19. Samandji, truyện ngắn, TTTB số 76 (1935)
20. Truyện “dầu – giấm”, truyện ngắn, số 78 (1935)
21. Cô giáo Minh, tiểu thuyết, TTTB, số 79, 80, 83, 84, 85, 86, 90, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100, 101 (1936)
22. Từ “Đoạn tuyệt” đến “Cô giáo Minh”, tranh luận văn học, TTTB, số 92 (1936
23. Từ Đoạn tuyệt đến Cô giáo Minh cùng ông Khái Hưng, tranh luận văn học, TTTB số 96 (1936), Ích Hữu số 4 (17/3/ 1936)
24. Cùng ông Khái Hưng, tranh luận văn học, TTTB số 96 (1936)
25. Lối trích văn của Phong Hóa, tranh luận văn học, TTTB số 97 (1936)
26. Nỗi lòng ai tỏ, truyện ngắn, TTTB, số 97 (1936)
27. Bơ vơ, tiểu thuyết, TTTB số 101, 102, 103, 104, 105... (1936)
28. Tôi trả lời các bạn làng văn, truyện ngắn, TTTB số 13 (1934)
29. Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ bảo, truyện ngắn, TTTB số 1 (1934)
30. Kép Tư Bền, tập truyện ngắn, TTTB 1/6/1935
31. Tắt lửa lòng, tiểu thuyết, PTBNS số 1 (1936)
32. Hai thằng khốn nạn, tập truyện ngắn, PTBNS số 5 (1937)
33. Tấm lòng vàng, tiểu thuyết, PTBNS số 8 (1937)
34. Đào kép mới, tập truyện ngắn, PTBNS số 13 (1937)
35. Tơ vương, tiểu thuyết, PTBNS số 18 (1938)
36. Bước đường cùng, tiểu thuyết, PTBNS số 23 (1938)
37. Sóng vũ môn, tập truyện ngắn, PTBNS số 26 (1938)
38. Người vợ lẽ bạn tôi, tập truyện ngắn, PTBNS số 48 (1939)
39. Những cảnh khốn nạn, tiểu thuyết (gồm 2 tập: tập 1 Tay trắng trắng tay, PTBNS số 55; tập 2 Chiếc nhẫn vàng, PTBNS số 58) năm 1940.
40. Ông chủ báo, tập truyện ngắn, PTBNS số 61 (1940)
41. Nợ nần, tiểu thuyết, PTBNS số 68 (1940)
42. Trên đường sự nghiệp, tiểu thuyết, 3 tập, PTBNS số 94, 95, 96 (1940)
43. Phần thưởng danh dự, tiểu thuyết, TB số 2 (1941)
44. Chuyện ma, TB số 5 (1941)
45. Nhà triệu phú thọt, TB số 13 (1942)
46. Ma biên, TB số 24 (1942)
47. Đứa con khôn ngoan, TB số 38 (1942)
48. Tấm lòng vàng I, II, kịch, TB số 51, 52 (1942)
49. Tôi mơ thấy bà, truyện ngắn, IH số 1 (1936)
50. Năm mới, truyện ngắn, IH số 50-51 (1937)
51. Chiếc quan tài II, truyện ngắn, TTTB số 180 (1937)
52. Tản Đà, họa sĩ, phê bình, Tao Đàn đặc biệt về Tản Đà
53. Ông Tản Đà đi bàn việc để tái bản An Nam tạp chí, phê bình, Tao Đàn đặc biệt về Tản Đà
54. Ông soát vé xe lửa vởi thi sĩ Tản Đà, phê bình, Tao Đàn đặc biệt về Tản Đà.
55. Thiền Hoa, truyện ngắn, TTTB số 269 (29/7/1939)
56. Giòi, truyện ngắn, TTTB số 187
57. Ngậm cười, truyện ngắn, TTTB số 188
58. Vẫn còn trịch thượng, truyện ngắn, TTTB số 199




THƯ MỤC NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN


TIỂU THUYẾT THỨ BẢY
1. Kép Tư Bền, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan (1er Juin 1935 - 150 p.)
2. Phi châu yên thủy sầu thành lục, Nguyễn-Đỗ-Mục dịch (1935 - 13 fasc. 215 p.)
3. Cô giáo Minh, truyện dài của Nguyễn-Công-Hoan (1936 - 219 p.)

PHỔ-THÔNG BÁN-NGUYỆT-SAN (1936-1945)

  1. Số 1. ...... Tắt lửa lòng của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1936 ; 0$25)
  2. Số 5. ...... Hai thằng khốn-nạn của Nguyễn Công-Hoan (1er Avril 1937 - 166 p. ? ; 0$25)
  3. Số 8. ...... Tấm lòng vàng, giáo-dục tiểu-thuyết của Nguyễn-Công-Hoan (1er Juillet 1937 - 136 p. ; 0$25)
  4. Số 13. ..... Đào kép mới của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1937 - 172 p. ; 0$25)
  5. Số 18. ..... Tơ-vương, tiểu-thuyết của Nguyễn-Công-Hoan (1er Mai 1938 ; 0$25)
  6. Số 23. ..... Bước đường cùng, tiểu-thuyết của Nguyễn-Công-Hoan (bị cấm) (Bìa trắng, 1er Octobre 1938 ; 0$25)
  7. Số 26. ..... Sóng vũ-môn của Nguyễn-Công-Hoan (1er Décembre 1938 ; 0$25)
  8. Số 34. ..... Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công-Hoan (1er Mai 1939 ; 0$25)
  9. Số 48. ..... Người vợ lẽ bạn tôi, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1939 - 154 p. ; 0$25)
  10. Số 55. ..... Tay trắng, trắng tay, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (16 Mars 1940 - 160 p. ; 0$25)
  11. Số 58. ..... Chiếc nhẫn vàng, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Mai 1940 - 160 p. ?)
  12. Số 61. ..... Ông chủ báo, tiểu-thuyết của Nguyễn Công Hoan (16 Juin 1940 - 152 p.)
  13. Số 68. ..... Nợ nần, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Octobre 1940 - 160 p. ? ; 0$30)
  14. Số 94. ..... Trên đường sự-nghiệp I. tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Nobembre 1941 - 132 p. ; 0$30)
  15. Số 95. ..... Trên đường sự-nghiệp II. tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (16 Nobembre 1941 - p. 119-250 ; 0$30)
  16. Số 96. ..... Trên đường sự-nghiệp III. tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1941 - p. 233-352 ; 0$30)

TRUYỀN BÁ
  1. Số 2. ....... Phần thưởng danh dự, giáo-dục tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (25-9-41)
  2. Số 5. ....... Chuyện ma của Nguyễn Công-Hoan (6-11-41 - 36 p. ; 0$10)
  3. Số 13. ..... Nhà triệu phú thọt của Nguyễn Công-Hoan (1-1-42 ; 0$10)
  4. Số 24. ..... Ma biên của Nguyễn Công-Hoan (26-3-42 ; 0$10)
  5. Số 38. ..... Đứa con đã khôn ngoan của Nguyễn Công-Hoan (2-7-42 - 30 p.)
  6. Số 51. ..... Tấm lòng vàng I. kịch của Ng. Công-Hoan (1er-10-42 - 30 p. ; 0$15)
  7. Số 52. ..... Tấm lòng vàng II. kịch của Ng. Công-Hoan (8-10-42 - 30 p. ; 0$15)



1934-Tiểu Thuyết Thứ Bảy
  1. No 21 (20-26 Oct. 34 - 38 p.) - Godautre của Nguyễn-Công-Hoan
  2. No 23 (3-9 Nov. 34 - 38 p.) - Godautre VIII của Nguyễn-Công-Hoan
  3. No 24 (10-16 Nov. 34 - 38 p.) - Dưới bóng mặt trời của Nguyễn-Công-Hoan
  4. No 25 (17-23 Nov. 34 - 38 p.) - Anh có vợ chưa ?, truyện ngắn của Nguyễn-Công-Hoan
  5. No 26 (24-40 Nov. 34 - 38 p.) - Bữa no... đòn của Nguyễn-Công-Hoan
  6. No 26 (24-40 Nov. 34 - 38 p.) - Godautre X của Nguyễn-Công-Hoan
  7. No 27 (1er Décembre 1934 - 42 p.) - Godautre XI của Nguyễn-Công-Hoan
  8. No 30 (22 Décembre 1934 - 42 p.) - Cho tròn bổn phận, truyện ngắn của Nguyễn-công-Hoan
  9. No 32 (5 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù của Nguyễn-công-Hoan
  10. No 33 (12 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù II của Nguyễn-công-Hoan
  11. No 34 (19 Janvier 1935 - 42 p.) - Đoạn-trường ai có qua cầu mới hay của Nguyễn-công-Hoan
  12. No 34 (19 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù III của Nguyễn-công-Hoan
  13. No 35 (26 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù IV của Nguyễn-công-Hoan
  14. No 36 (2 Février 1935 - 42 p.) - Tôi mong Tết của Nguyễn-công-Hoan
  15. No 36 (2 Février 1935 - 42 p.) - Bốp! Bốp! Be-he!..., truyện vui của Nguyễn-công-Hoan
  16. No 37 (9 Février 1935 - 42 p.) - Rửa thù V (hết) của Nguyễn-công-Hoan
  17. No 38 (16 Février 1935 - 42 p.) - Lá ngọc cành vàng của Nguyễn-công-Hoan
  18. No 61 (27 Juillet 1935 - 42 p.) - Một bài tính đố của Nguyễn-công-Hoan
  19. No 71 (5 Oct. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  20. No 72 (12 Oct. 1935 - 42 p.) - Nguội điện của Nguyễn-công-Hoan
  21. No 73 (19 Oct. 1935 - 42 p.) - Nhân-tài, truyện ngắn của Nguyễn-công-Hoan
  22. No 73 (19 Oct. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  23. No 74 (26 Oct. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  24. No 75 (2 Nov. 1935 - 42 p.) - Truyện không tên của Nguyễn-công-Hoan
  25. No 75 (2 Nov. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  26. No 76 (9 Nov. 1935 - 42 p.) - Samandji của Nguyễn-công-Hoan
  27. No 76 (9 Nov. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  28. No 77 (16 Nov. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  29. No 78 (23 Nov. 1935 - 42 p.) - Truyện « dầu giấm » của Nguyễn-công-Hoan
  30. No 79 (30 Nov. 1935 - 42 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  31. No 80 (7 Déc. 1935 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  32. No 83 (28 Déc. 1935 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  33. No 84 (4 Janv. 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  34. No 85 (11 Janv. 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  35. No 86 (18 Janv. 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  36. No 90 (15 Février 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  37. No 92 (29 Février 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  38. No 93 (7 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  39. No 94 (14 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  40. No 95 (14 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  41. No 96 (28 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  42. No 96 (28 Mars 1936 - 48 p.) - Cùng ông Khái-Hưng của Nguyễn-công-Hoan

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Hai bữa cỗ



Minh họa: QUYNH HOA RADIO

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Quỳnh Hoa

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 kênh 2 video



Mời đọc Bản đánh máy

Hai bữa cỗ


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tôi có một ông bạn. Ông ấy có hai vợ. Hai bà, mỗi bà một vẻ. Bà Cả thì già, gầy, và do thế, trông như móm. Bà Hai thì trẻ, béo, và do thế, còn bền xuân tình. Song bà Cả có con trai. Bà Hai, tuy chẳng đẻ đái gì, nhưng được cái giầu. Bên hợm con, bên hợm của, cũng như bên tám lạng, bên nửa cân, nên cả hai bà cùng được ông coi ngang nhau, không hơn không kém. Chứ làm thế nào? Yêu bà Hai quá, ông sợ bà Cả bỏ, mất cả người nối dõi tông đường. Nể bà Cả quá, ông sợ bà Hai đi, mất cả mấy chiếc nhà gạch. Mà biết đâu, nếu không đến nỗi thế, tất ông bị cắm sừng một cách lặng lẽ lên đầu.

Song, may cho ông hai bà cùng biết điều, và cùng muốn giữ giá cho ông. Ông làm Tham tá. Thì quan Tham ở tỉnh nhỏ, cũng to lắm, chứ vừa à. Cho nên hai bà không để ông tai tiếng là có hai vợ ghen nhau bao giờ. Cái đó cũng do hai bà ở riêng hai nhà, ít khi gặp nhau. Mà ông thì mỗi bữa ăn với một bà. Buổi sáng, ông sum họp với bà Cả. Buổi chiều, ông thù tạc với bà Hai. Thế là ông khôn khéo lắm, vì cơm xong, ông ngủ ngay đấy.

Bà cả biết mình sức vóc và tuổi tác đáng phải về hưu, nên cũng ngơ chỗ sơ khoáng chức vụ ấy đi cho ông.

Sở dĩ tôi kể lể rềnh rang ra như vậy, vì có một hôm, chúng tôi, tức là bạn ông Tham, ở vào một trường hợp rất khó xử.

Hôm ấy là ngày giỗ cụ ông sinh ra ông Tham.

Hai ngày trước, chúng tôi nhận giấy mời đến ăn cỗ. Mà cả hai bà cùng muốn làm "khổ chủ", vì cả hai bà cùng mời. Bà Cả buổi sáng, bà Hai buổi chiều.

Chúng tôi không biết nên nhận lời bà nào, từ chối bà nào. Thì may quá, lúc anh em đương bàn tính băn khoăn bỗng ông Tham đến chơi. Sau một vài câu chuyện lơ mơ, ông vào đầu đề chúng tôi mới hiểu mục đích ông là đi vận động tất cả mọi người nên vì lạc thú gia đình ông, mà dự cả hai bữa cỗ.

*
*     *

Mười một giờ trưa hôm ấy, chúng tôi kéo nhau đến nhà bà Cả.

Thực là một sự hân hạnh lớn cho bà. Bà cảm động suýt ứa nước mắt. Bà vồn vã, chạy ra đón chào, và gióng giả đầy tớ ra hầu hạ. Bà làm như người chị, săn sóc đến từng em một.

- Lạnh lắm nhỉ. Các bác để tôi bảo nó đốt lò sưởi nhé. Tôi bận tíu tít từ sáng, ở dưới bếp, nên không biết cả rét.

Rồi bà nói chuyện nhà, chuyện cửa, khoe những việc đại lượng với đầy tớ, việc đầy đặn với bạn hữu.

- Ấy thế mà, bà nói, nhà tôi vô tâm lắm, các bác ạ. Các bác xem, nhà tôi có trông nom gì đến gia đình đâu. Thôi bao nhiêu công việc nặng nề, nhà tôi phó mặc cả cho tôi. Giá tôi như người khác, dễ lắm lúc đến uất lên mà chết mất.

Chúng tôi an ủi:

- Vâng, đàn ông chúng tôi thật đoảng. Ai có hạnh phúc được bà nội trợ đảm đang như ông Tham nhà thực là sung sướng.

Ý chừng bà hề hả, nên tiếp:

- Đấy, rồi các bác xem. Các bác sơi cơm với tôi bữa này, để so sánh với bữa chiều xem sao. Tôi chắc rằng một trời một vực.

Rồi giọng mát mẻ, bà nói:

- Cái sang, hẳn đằng ấy sang hơn, vì họ lắm tiền, mượn được bếp tây, bếp khách. Nhưng tôi chẳng biết ngon lành sạch sẽ thì ở đâu hơn.

Chúng tôi bấm nhau, rồi một người đáp:

- Vâng, cái đó cố nhiên, chúng tôi nhận lời bà Hai chẳng qua là nể ông Tham nhà.

Bà cười sung sướng:

- Tôi đoán có sai đâu!

- Bao giờ chúng tôi coi bà Hai như bà được.

- Ồ, cái trò vợ lẽ con thêm ấy mà.

Cơm bưng lên. Thật là thịnh soạn. Không một món nào cao quý mà ở mâm ấy thiếu.

Bà Cả bắc ghế ngồi cạnh, rót rượu ra cốc rồi mời chúng tôi ăn từng món và khoe:

- Mực này đúng là mực Bắc Hải đây ạ. Chả ngày ấy nhà tôi có làm ơn cho một người khách, người ấy mới tạ thứ mực này chứ mua ở hiệu, có khi ta bị mực giả. Mời các bác nếm bát long tu xem.

Bà lấy thìa xúc tiếp từng người. Chúng tôi tấm tắc khen:

- Vâng, quả ngon quá. Đồ ăn quý mà người nấu xoàng cũng mất giá trị.

Bà cười:

- Thế các bác cứ thích lấy vợ đẹp đi. Đẹp người mà không đẹp nết, đẹp người mà không khéo léo chân tay, thì đẹp làm gì. Cô Hai nó nhà tôi chả đẹp đáo để à!

Rồi bà thở dài:

- Đẹp! Ngần ấy tuổi đầu còn đòi cạo răng. Sao mà không biết dơ. Các bác tính giầu tiền giầu của làm quái gì. Có của mà chẳng có con thì của để cho ai. Giầu mà kiệt, mà ăn ở không biết điều, thì giầu làm gì?

- Vâng, chính thế.

- Hạng ấy họ hợm lắm đấy, các bác ạ. Rồi chiều hôm nay các bác mới rõ cái rởm. Tôi ngồi nói với hắn chỉ độ năm phút là thấy bực mình rồi.

- Vâng, cả tỉnh này ai không phục bà.

- Thế thì người đời cũng có tinh mắt lắm chứ. Tôi sống ở đời mà không có đời biết cho thì tôi sống làm gì. Những lúc nguồn cơn chồng con thì nghĩ uất chết đi được.

- Thưa bà, bao giờ trời cũng có mắt, không phụ con người tử tế đâu.

- Có các bác đến chơi nói chuyện ngày hôm nay, tôi thật hả lòng.

Rồi từ đó đến lúc chúng tôi ra về, bà Cả còn nói bao nhiêu chuyện nữa. Mà những câu đáp của chúng tôi chỉ vun vào có một mục đích, là làm cho bà bằng lòng, bởi vì bà là chủ cái mâm cơm ngon lành chúng tôi đương quét sạch sành sanh.

*
*     *

Đến chiều, chúng tôi đến đằng bà Hai.

Chúng tôi lại được tiếp không kém vẻ long trọng:

- Các bác sơi bữa cơm này để so sánh xem bữa nào đáng tiền.

- Vâng, chúng tôi nể bà Cả quá mới gượng nhận lời, thật ra chúng tôi vẫn để bụng ăn bữa này.

Bà Hai cười ha hả:

- Có thế chứ. Tôi đoán có sai đâu. Hắn thì tiền đâu mà làm được cỗ cho nên hồn. Chả bõ mời lại để khách cười cho thối óc!

Bà sai đầy tớ bưng mâm, và mở thứ rượu nho thượng hảo hạng. Mùi đồ nấu đồ xào thơm tho sông lên, làm chúng tôi chảy nước rãi.

- Những món ăn tàu này là tay người bếp tầu làm đây. Hẳn các bác lấy làm khó chịu, vì bát bóng toàn bóng chứ không có tí độn nào đấy nhỉ.

- Thưa thế mới đúng lối ăn tầu.

- Nhưng món bóng ban sáng có nhiều độn chắc ngon hơn.

- Ngon sao được bằng thế này.

Bà hể hả cười, cái cười đắc thắng, rồi tiếp:

- Tôi tính nhiều tiền nhiều của lắm lúc cũng sướng. Thôi tha hồ, muốn sao được vậy. Muốn mời khách ăn cho trân trọng, mà hà tiện đồng tiền thì sao được miếng ngon.

- Vâng.

- Tôi đã bảo hắn, đừng dở dói ra mời mọc. Hắn có nghe đâu. Đấy, hẳn các bác đã thấy rõ bữa nào đáng ăn bữa nào không đáng ăn rồi.

- Vâng, chẳng phải nhìn thấy hai bữa cỗ, chúng tôi mới rõ.

- Mà xưa nay hắn có giao thiệp với ai. Giá các bác không nể nhà tôi, chắc các bác chả nhận lời hắn đâu nhỉ.

- Vâng, chính thế, chúng tôi nể ông Tham nhà quá.

- Người ta ở đời cần phải nhã nhặn, chứ cứ cậy là bà Tham Cả, thì bà Tham Cả đã giết được ai? Tôi chẳng cả với lẽ gì. Người nào cũng là bà Tham, chứ ai kém ai. May được nhà tôi khéo sử, chứ ngữ ấy thì ai nể. Lúc nào cũng khoằm khoặm cái mặt.

- Vâng.

- Mà chẳng biết đối với đứa ăn đứa ở thế nào để chúng nó kêu tệ.

- Vâng quyết rằng thế.

- Cứ lấy nê có con với nhà tôi. Các bác tính tôi còn trẻ, còn đẻ chán.

- Vâng, có người mãi mới đẻ, mà lúc đẻ thì sòn sòn năm một.

- Nhiều người thế chứ.

- Vâng.

Cũng như buổi sáng, chúng tôi phải đóng vai nịnh thần thủ động để lấy lòng người mời mình ăn. Mà bà Hai thì mỗi lúc lại tin và quý chúng tôi hơn. Đến nỗi bà nói:

- Trước tôi cứ tưởng các bác theo thói cổ, trọng cả khinh lẽ, giờ mới hiểu rằng các bác thực biết người.

- Vâng.

- Ấy, ở đời, chỉ hả hê được có lúc người đời biết cho mà thôi. Chứ cứ những nỗi chồng bạc bẽo, tôi tưởng muốn chết quách đi cho rồi.

Câu chuyện cứ một điệu như thế, kéo cho đến lúc chúng tôi buồn ngủ. Mà khi chúng tôi cáo từ, bà Hai còn nằng nặc mời ở lại và phàn nàn thì giờ chạy quá nhanh.

Nhưng khi ra khỏi nhà, chúng tôi thấy hình như thoát nạn, và cầu trời cho ông bạn tham biện chúng tôi đừng tham nữa mà lấy đến cô vợ thứ ba.


Nguyễn Công Hoan

Đăng trên Tiểu Thuyết thứ bảy, số 292, ngày 6 tháng 1 năm 1940.



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 292, 6 Tháng Một 1940

Vừa láo vừa bướng



Minh họa: Tiểu Thuyết Thứ Bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 Kênh 2 Video

Mời đọc Bản đánh máy

Vừa láo vừa bướng


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tôi đến trường, thấy các bạn đồng nghiệp đã gần đông đủ cả. Sáng nay, hình như có việc gì quan trọng đương bàn tán thì phải. Các ông giáo súm quanh ông hiệu trưởng. Ông này thì có vẻ băn khoăn.

Tôi vội rảo bước tới, và thoạt nghe, tôi hiểu ngay là câu chuyện hôm nọ, câu chuyện nộp đơn thi sơ học Pháp-Việt. Độ ấy đã gần hết tháng Avril. Ông Sinh, giậy lớp nhất, quả quyết với ông hiệu trưởng:

- Đích là nó không đỗ sơ học yếu lược. Từ năm kia, ta đã sơ ý cho nó lên lớp nhì. 

Ông Mạnh, giậy lớp nhì năm thứ nhất, cau mặt, chống chế:

- Việc đó, tôi biết đâu. Tôi thấy hôm khai trường, ông Thận dẫn học trò được lên lớp vào buồng tôi, tôi yên chí chúng nó đỗ cả.

Ông hiệu trưởng cau mặt:

- Đành vậy, nhưng rồi khi phát bằng, ông cũng nên soát lại cẩn thận xem có đứa nào thiếu giấy má gì không. Nhưng lỗi đó ở ông Thận hơn, vì giậy lớp ba, ông phải biết học trò thi sơ học, đứa nào đỗ, đứa nào trượt.

Ông Mạnh nhìn ông Thận:

- Kìa, ông trả lời đi!

Ông Thận cười, lên tiếng:

- Học trò thi đỗ hay không, cái đó thầy giáo không thể lấy gì làm chứng để biết đích sác. Vì mãi tận gần tết nó mới được lĩnh bằng. Vả lại kỳ thi, tôi không được dự, mà tờ yết tên thí sinh trúng tuyển dán trên bảng độ mươi phút là bị có người bóc đi ngay. Cho nên hôm sau vào lớp, tôi hỏi học trò, ai đỗ ai hỏng, thì tin ở miệng chúng nó mà thôi. Thằng Vũ nhận là đỗ, thì tôi yên chí là nó đỗ.

Ông hiệu trưởng quay lại ông Sinh:

- Thế hôm qua nó nói với ông là có đỗ mà không có bằng?

- Vâng.

Ông Mạnh sua tay:

- Vô lý. Nó nói dối. Tôi nghe bạn nó kháo nhau hình như nó không đỗ đâu.

Ông hiệu trưởng gật đầu:

- Được, tôi đã nhờ ông thư ký truy trong sổ thi năm ấy. Ông Thận tặc lưỡi:

- Nếu nó không đỗ sơ học yếu lược, tội nó đáng phải đuổi.

Ông Sinh cười:

- Giữ nó lại ở trường làm gì. Không có bằng ấy, thì về sau nó thi cử gì được nữa.

- Nhưng cứ đuổi và chua vào học bạ cớ nó phải đuổi, để trường khác đừng nhận thằng học trò dối trá ấy.

Ông hiệu trưởng quay lại:

- Thằng Vũ này học hành và hạnh kiểm ra thế nào?

Ông Sinh gật gù:

- Kể nó vào hạng trung bình, nhưng dễ thường nó cũng hay dối dá thật.

Ông Thận thêm vào:

- Ồ, thằng ấy láu ra mặt, phải đuổi là đáng đời.

Vừa lúc ấy, ông Thìn thư ký kiểm học đi vội vàng từ buồng giấy tới;

- Tôi tìm lại rồi, vẫn không thấy tên nó.

Ông hiệu trưởng gặng:

- Hay nó đỗ năm trước?

- Nếu nó đỗ năm trước thì nó phải lên lớp nhì năm trước chứ! Tôi giở cả sổ sách mấy năm, chẳng thấy đứa nào tên là Vũ cả.

Ông hiệu trưởng châm thuốc lá hỏi ông Mạnh:

- Ông vừa bảo bạn nó nói là nó thi không đỗ.

- Vâng.

Ông Sinh bực mình:

- Thế thì thằng ấy láo thật.

Ông hiệu trưởng quay lại ông thư ký:

- Nhờ ông xem kỹ lại, hoặc nó không đỗ ở hội đồng thi đây, nhưng đỗ ở nơi khác chăng

- Tôi tìm cẩn thận lắm rồi. Tôi lục các sổ sách ngay từ tuần lễ trước, khi ông Sinh dục học trò lấy đủ giấy má, thì thằng Vũ đã đến hỏi tôi. Tôi lại tìm khắp cả các hội đồng thi trong tỉnh, và rất kỹ. Mà hôm nay tra lại nữa là lần thứ hai.

Ông hiệu trưởng ra ý nghĩ ngợi;

- Việc này cũng lỗi ở ta, vì ta sơ xuất mà nhận vào trường một đứa không đỗ đã ba năm nay mà ta không biết...

Ông Sinh ngắt lời:

- Nhưng ta cho nó học nữa cũng vô ích. Tôi tưởng đuổi nó là phải, vì nó đáng tội.

- Đành vậy, song ta đuổi nó vì tội gì?

- Tội nó nói dối.

- Nếu nó nói dối, sao bây giờ ta mới biết. Vậy lỗi cả ở ta. Lỡ đến tai nha học chính, lúc ấy ta trả lời thế nào cho trôi được.

Ông Quang từ nãy vẫn đứng yên, mới cau mặt, và ra giáng thành thạo, lầu nhầu:

- Làm hiệu trưởng mà tống cổ một thằng học trò nhép cũng phải đắn đo. Nó là kẻ dưới, khép nó tội gì không được! Tôi tưởng ông cứ biên phăng vào học bạ nó là lười và hạnh kiểm xấu!

Ông hiệu trưởng nhìn ông Sinh để hỏi ý, ông này lắc đầu:

- Nhưng bài ngày thường và bài thi nó khá. Nó lại không bị phạt về hạnh kiểm bao giờ.

- Ồ cứ biên là lười và hư thì đã làm sao! Ai biết đâu! Dễ nó dám đi kiện hắn.

.............................................................

Ông hiệu trưởng trầm ngâm, rồi dặn:

- Ông Sinh ạ, chốc nữa ông giảng cho nó tin là nó có tội vì không có bằng mà dám lên lớp. Như vậy, để nó chịu là nó đáng phải đuổi. Song ông bảo rằng nhà trường nhân nhượng, không muốn ghi cớ xấu ấy vào học bạ mà đuổi nó để nó sẽ bị hại suốt đời. Nên ông khuyên nó xin thôi học. Như thế nó sẽ được êm thấm hơn.

Ông Sinh cười ha hả:

- Kế ấy thật hay, êm thấm cả cho nhà trường nữa.

Mọi người cười ồ, hình như được nhẹ nhõm, vì vừa giải quyết xong một vấn đề khó khăn.

*
*      *

Nhưng hôm ấy, Vũ không đi học. Nó viết giấy cho thầy giáo, xin phép nghỉ ba ngày để lên Hà Nội, hỏi cha mẹ xem có cất bằng của nó không.

Thế là việc bài trừ một tên học trò gian dảo đành phải chờ hôm khác.

Ông Quang vẫn cương quyết:

- Cứ tống cổ phăng nó đi là xong! Có từ đây lên Hà Nội nó cũng xin phép ba ngày. Nó chả lười là gì. Ông Sinh bênh học trò, mà ông hiệu trưởng quá nhu nhược! Phải tay tôi, tôi không cần bàn tán lôi thôi.

*
*      *

Ba hôm sau, ông Sinh mách ông hiệu trưởng:

- Ông ạ, sáng nay thằng Vũ có đến trường, nhưng vì thấy bạn bè nó mách rằng sẽ phải đuổi, nên nó không dám vào lớp.

Ông Quang đắc chí:

- Thế thì đuổi nó về tội nghỉ không xin phép.

- Nó lại có xin phép để đi nhà thương và thầy thuốc biên là sốt.

Ông Quang bĩu môi, lắc đầu:

- Thằng này chí trá thật, suy những việc này thì biết quả nó có tội, nên nó sợ. Oắt con mà đã cáo già rồi!

*
*      *

Sáng hôm sau, ông hiệu trưởng vò đầu vò tai phàn nàn với chúng tôi:

- Vừa có giấy nha học chính hỏi về việc bằng thằng Vũ.

Nói đoạn, ông đưa bức thư đánh máy cho mọi người, rồi nói:

- Khó nghĩ quá, nó cứ quả quyết là có đỗ, và chưa được bằng:

Ông Quang trợn mắt:

- Thằng Vũ dám lên tận học chính? Ranh con gớm thật!

Ông Thận lắc đầu:

- Không, đây chắc là thầy nó.

........................................................

Ông hiệu trưởng tặc lưỡi:

- Nếu nó không đỗ thật thì nha học chính chỉ biết đổ lỗi cho mình chứ biết đâu đến nó.

Ông Sinh bàn:

- Hay là nhờ ông Thìn tìm kỹ lại lần nữa xem. Nó quả quyết rằng đỗ, và cha nó dám làm đơn nói là nó đỗ, thì ngộ ông Thìn sơ ý không viết bằng cho nó chăng.

- Ông Thìn tìm hai lượt rồi mà.

- Đành vậy, nhưng vì có giấy này, thì nhờ ông ấy lục soát kỹ lại nữa, rồi ta sẽ kiếm cách trả lời sau.

*
*      *

Giờ ra chơi hôm ấy, ông Thìn đi nhanh như chạy, từ buồng giấy đến trường. Thấy mặt ông hớn hở, chúng tôi biết ngay là có một tin gì mừng. Ông nhoẻn miệng cười bằng cái cười hơi nhạt:

- Nó có đỗ, nó có đỗ thực. Tờ danh sách biên tên nó không biết ai xếp lẫn trong tập biên bản, nên hai lần tôi không tìm ra.

Ông hiệu trưởng vui sướng:

- Ồ! Thế chứ lị!

*
*      *

Nếu câu chuyện mất bằng này có đến đây là hết, thì nó không đáng kể. Nhưng vì nó đã làm sôi nổi không khí nhà trường trong ngót một tuần lễ, nên rồi chúng tôi bàn đi tán lại, định đổ lỗi cho Vũ đã đánh mất bằng. Ông Quang, ông Sinh ông Thận, ông Thìn tức lắm. Nhất là ông Quang. Ông bảo ông Sinh gọi ngay "thẳng oắt con mà đã cáo già" ấy đến để ông xem mặt. Ông hỏi Vũ vài câu về chuyện dám viết lên nha học chính, rồi trừng mắt:

- Mày không biết sợ ai cả!

Ông Thận nhíu lông mi:

- Như vậy, mày hỗn láo lắm!

Ông Sinh hầm hầm, trỏ tay:

- Mày đi học mà dám bướng bỉnh!

Ông Quang sỉ vả:

- Mày vừa láo vừa bướng, liệu hồn!

Rồi ai nấy mỗi người một câu, xâu xúm lại thằng "ranh con", riếc móc mãi nó là láo và bướng.

Vũ cúi mặt, không dám đáp. Nó rơm rớm nước mắt:

Có lẽ nó không hiểu làm thế nào để vừa khỏi mang tiếng là bướng và láo, vừa khỏi thất học, tai hại một đời.





Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 289, 16 Tháng Mười Hai 1939

Cái nạn ô-tô (3)



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. L&H

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 kênh 1 video


Mời đọc Bản đánh máy

Cái nạn ô-tô (3)

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Người bán vé xếp cho tôi một chỗ ngồi ở dãy ghế thứ hai, cạnh một bà. Tôi ngần ngừ, mãi mới nhận cái hân hạnh ấy. Làm thế nào được. Hàng trên và hàng dưới, ghế nào cũng chẵn bốn người. Mà mỗi hàng ghế trong xe ô-tô đã ấn định là bốn chỗ. Chẳng phải tôi cuồng dại, không ưa ngồi cạnh đàn bà. Song, vì đi xe ô-tô hàng lâu năm, nên tôi thấy rằng có khi ngồi cạnh đàn bà là một sự gỡ gạc, mà cũng có khi ngồi cạnh đàn bà là một cái nạn.

Bà láng giềng tôi ước ngoài bốn mươi. Cái tuổi ấy là cái tuổi bị thải. Gia dĩ bà lại béo. Cả người bà là một đống thịt có thể làm bẹp những díp bánh xe cứng nhất. Bà phóm phém nhai trầu, thỉnh thoảng đặt hộp bạc xuống đệm, chống tay, thò đầu qua mặt tôi để ghé miệng ra ngoài, nhổ toẹt một bãi đỏ ngòm vào đường nhựa. Luôn luôn bà dục xe chạy, vì nhất định bà bảo là đến giờ rồi.

Bỗng một chiếc xe cao su ở đằng xa chạy lại, đặt khách xuống cạnh ô-tô.

Một bà ra giáng vội vàng, đến gần người bán vé, nhờ xếp cho một chỗ.

Người làm xe chối từ, song, vì bà khách chỉ đi có một quãng gần, lại chịu trả tiền suốt chuyến nên được chở.

Người bán vé nhìn vào trong xe, lấy nghĩa chữ đồng bào nói ngọt với khách dãy ghế tôi để bà mới đến nhờ tạm một chỗ.

Thế là tôi ngồi giữa, hai bà hai bên. Mà bà mới lên này trông chừng cũng không thể cho ai gỡ gạc tiền vé được.

Xe chạy.

Lúc bấy giờ vào khoảng giữa trưa. Hành khách đi ô-tô ca toàn hạng phong lưu, nên ai cũng nhớ giấc ngủ sau bữa cơm vừa làm nặng dạ dày.

Xe bon chạy, nhẹ như bay. Tiếng nói thưa dần. Nhiều người đã gật gù ngủ. Tôi mơ màng, thiu thiu buồn...

Bỗng một tiếng nói ở cạnh tai làm tôi sực tỉnh:

- Quái, tôi trông bà quen lắm, hình như tôi đã gặp bà năm ngoái trong nhà quan phủ Tảo.

Bà ngồi bên trái tôi nói thế, thì bà ngồi bên phải đáp:

- Vâng, tôi cũng ngợ quá, mà không dám hỏi. Thưa bà, có phải hồi năm ngoái bà về chơi quan phủ, đi xe với cụ Thượng Trần không ạ?

- Vâng.

- Ồ, bẩm thế, kìa bà lớn!

- Thế tôi ngồi gần bà lớn mà không biết.

Hai chuỗi cười mừng nhau thực giòn và thực to chui vào tai tôi như muốn xé màng trống.

Mấy người ngồi ghế trước đỏ ngầu mắt quay lại nhìn. Nhưng hai bà vẫn vui vẻ, nói rất to để trò chuyện:

- Bẩm thế quan lớn nhà vẫn ở Hà Nam?

- Vâng, cảm ơn bà lớn, nhà tôi vẫn ở Hà Nam. Bẩm còn quan lớn nhà?

Bà này chép miệng, lắc đầu: 

- Cuối năm vừa rồi trượt cái bố chánh, tức cả mình. Nhà nước không công bình ra sao, chứ nhà tôi, làm việc quan thực là cần mẫn, đê điều thì vững, cướp trộm thì không, sân vận động cũng có, mà rất năng đi lại các quan trên, thế mà không biết vì lẽ gì lại không được thăng. Thế quan lớn nhà thăng bao giờ ạ?

- Thưa bà lớn, nhà tôi mới được thăng kỳ xuân thủ năm kia.

- Ồ, quý hóa nhỉ. Mời bà lớn xơi trầu.

Hai bà im một lát, rồi bà bên trái lại cất giọng the thé:

- Bẩm bà lớn đi đâu thế ạ?

- Thưa tôi mới xuống chơi với cậu chánh án nó, chả là cậu cháu sắp cho cháu cả nó đi Tây học mà. Cậu cháu cứ giữ mãi, nhưng tôi nóng ruột quá. Bây giờ về thăm chú huyện cháu, rồi lên thăm bà Bố Tín trên Hà Nội. Thế bà lớn đi đâu?

- À, chả anh phủ tôi yếu, tôi lên thăm.

- Bây giờ quan phủ đã vô sự chưa ạ?

- Cảm ơn bà lớn, cũng đã ăn được.

- À, quan phủ nhà dễ là rể cụ Thiếu Nguyễn đấy nhỉ.

- Vâng, chị chúng tôi là con gái thứ hai cụ Thiếu.

- Bẩm thế cụ Thiếu được mấy các ông các bà ạ? 

- Thưa bà lớn dễ nhiều lắm; tôi chỉ nhớ chị phủ tôi là bà Thương Minh, rồi em chị tôi vừa mới lấy ông huyện Toán năm ngoái.

- Bẩm thế các ông con giai của cụ chưa ông nào ra làm quan ạ?

- Có, cậu con cả mới đỗ cử nhân luật, cũng sắp thi tri huyện.

- Ồ, hạng ấy thì thi thế nào mà chả đỗ.

- Bẩm vâng. À, bà phủ Tảo có phải là em quan Tuần Bích không nhỉ.

- Vâng. Là em con nhà chú. Chứ anh ruột bà phủ làm có tri huyện, nhưng mất sớm.

- Hoài của! Thế quan huyện có con giai không ạ?

- Có ạ, có một đứa, sắp sửa làm rể quan Bố Sửu.

- Ồ, tôi nghe nói quan bố Sửu vừa bán cái ô-tô, phải không ạ?

- Vâng, ngài bán để ngài mua chiếc mới.

- Xe nhà tôi cũng vậy, nhà tôi cũng mới để lại cho quan kiểm học, độ hai hôm nữa mới lấy xe của quan Chánh Án về, nên bây giờ tôi phải đi xe hàng.

- Thế xe nhà tôi thì tài xế nó đau mắt.

- Thật là một dịp may, tôi được gặp bà lớn.

- Bẩm thế cụ lớn nhà lâu nay vẫn mạnh.

- Cảm ơn bà lớn, cụ nhà tôi vẫn như thường, thỉnh thoảng đổi thời tiết thì hơi khó ở, nhưng cũng qua loa thôi.

- Cụ tôi cũng thế. Các cụ già rồi.

- Nhưng cụ lớn nhà còn mạnh hơn cụ tôi nhiều. Cứ kể vào tuổi các cụ, thì cụ nhà hơn nhất, chứ cụ Thiếu Đồng Xuân, cụ Hiệp Mễ, cụ Án Bắc Xa, cụ thì lòa, cụ thì móm, chả cụ nào được toàn vẹn.

- Ồ, cụ tôi được tẩm bổ nhiều, chứ cứ trận yếu năm kia, chúng tôi đã tưởng nguy. Quan Tuần Dương đến thăm đã phải lắc đầu.

- À, quan Tuần Dương thật là sung sướng đủ điều. Các ông em, ông nào cũng làm quan, nay cô con gái đầu lòng lại sắp lấy kế quan huyện Thạch.

- Vâng, tôi nghe nói đâu cuối năm thì cưới. Có phải bà huyện Thạch trước là con gái cụ Thương Nam Lý không ạ?

- Phải đấy ạ.

- Nếu thế thì có họ với cụ Đốc trong Sủng đấy nhỉ.

- Vâng, thưa bà lớn, họ ấy là đại gia, mà còn đương phát. Mới rồi được thêm một ông đỗ tri huyện tư pháp.

- Với con cụ phủ đỗ bang tá nữa.

- À phải, mà ông Phán Ninh mới được đi Trợ tá ngày đầu năm. Kể nhà tôi cũng hơi có họ với ông Trợ Ninh.

- Bẩm họ thế nào ạ?

- Bà Trợ Ninh chả là cháu của cụ Bố bà tôi mà...

- À, tôi hiểu, thế là đôi cháu dì họ đấy.

- Vâng.

Rồi hình như để nghĩ thêm chuyện, hai bà ngồi yên lặng.

Tôi như được tạm tha. Bỗng bà ngồi bên phải ghé cổ lên ghế trên.

- Bác tài đến Nứa đỗ lại cho tôi xuống nhé.

Lúc ấy tôi có ý nhìn, bao nhiêu hành khách không ai ngủ nữa. Hình như họ bị mất ngủ vì cùng phải nghe chuyện như tôi. Tuy chuyện riêng, xong hai bà có nói bé đâu.

Bà ngồi bên trái hỏi:

- Bẩm bà lớn, thế từ Nứa vào còn độ bao nhiêu nữa ạ?

- Còn độ hơn một cây, nhưng chú huyện cháu có cho lính và xe nhà đi đón.

- Thế bà lớn làm ơn nhớ hộ tôi có lời hỏi thăm quan huyện bà huyện nhé.

- Vâng, cảm ơn bà lớn. Quan lớn tôi cũng có lời hỏi thăm quan Phủ nhà.

- Đa tạ bà lớn. Đến cuối năm quan huyện Thạch cưới vợ, tất bà lớn với tôi lại được gặp nhau.

- Vâng, chắc thế, mà ta còn gặp nhiều chị em nữa.

- Thôi, xin phép bà lớn, đến Nứa rồi. Lạy bà lớn.

- Lạy bà lớn ạ.

Xe đỗ. Hai bà từ biệt nhau, nhìn nhau ra ý bịn rịn.

Rồi xe chạy.

Hành khách được yên. Nhưng không ai ngủ lại được. Duy có bà lớn buồn tình vì mất bạn. Bà ngồi im một lúc rồi gật gà gật gưỡng, tự do ngả cả đầu lên vai tôi làm một giấc ngon...






Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 286, 25 Tháng Mười Một 1939

Chừa thuốc phiện


Mời đọc các truyện ngắn về "làng bẹp":
1. Giết nhau - 1933
2. Mưu làng bẹp - 1938
3. Chừa thuốc phiện - 1939


Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 Kênh 2 Video

Mời đọc Bản đánh máy



Chừa thuốc phiện


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Lần này, San lại định chừa hẳn. Anh quả quyết, bảo vợ:
- Tôi chỉ hút hết tuần lễ này. Từ thứ hai sau tôi nhất định thôi.

Vợ San bĩu môi:

- Lậy Phật! Bộ cậu mà chừa được.

San thở dài:

- Thế nào cũng phải chừa. Thuốc phiện càng ngày càng cao, mà rồi còn cao nữa. Nếu tôi không bỏ thì lấy tiền đâu mà hút!

Người thiếu phụ mỉm cười:

- Câu ấy cậu đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi nghe nhẵn cả tai.

San ôn tồn nói:

- Mợ phải hiểu mới được. Lần đầu tôi không chừa nổi, là tại tôi, vì dạo ấy tôi yên trí thuốc còn rẻ. Nhưng lần thứ hai, hẳn là tại mợ. Giá mợ cứ mặc kệ cho thuốc phiện nó vật tôi, thì không, mợ lại thương hại tôi, bắt tôi hút. Chính tôi định kiên gan kia mà!

- Ai trông thấy cậu nằm sóng soài như cái xác chết, không ăn không nói mà cầm lòng cho đậu được!

- Thuộc phiện không thể làm cho người chừa chết được. Nó chỉ làm khổ lúc bữa mình hút. Nhưng nhịn được qua lúc ấy thì thôi, không khó chịu lắm nữa. Chứ nếu tôi cứ đa mang mãi, thì quyết không những tôi chết, mà cả đến mợ cũng chết đói theo!

- Cậu đừng nói trạng. Thế lần thứ tư thì tại ai?

San cười:

- Tại tôi. Song không phải không có duyên cớ. Đành rằng người chừa thuốc phiện phải định bụng bỏ, nhưng cần một điều kiện nữa, là người ấy phải hết hi vọng hút mới được.

Thấy vợ im lặng San tiếp:

- Thuộc phiện quả có ma. Ngày trước có anh nghiện, phải ngồi tù, ở trong nhà pha, anh ta nhịn thuốc phiện một cách rất dễ dãi. Đến bữa hút, tuy anh ta cũng thèm cũng hắt sơi, sổ mũi, song đành phải nhịn, chứ biết làm thế nào. Rồi một ngày, hai ngày, đến một tuần lễ, anh ta quen hẳn đi. Anh ta mừng thầm không ngờ ở tù lại là một hạnh phúc. Vì chắc khi được mãn hạn, anh ta phải béo tốt ra, và rồi không phải lo cơm đen thì chắc có thể làm giầu được. Ấy thế mà, lạ quá, đến ngày được tha, anh ta ra về, vừa bước chân khỏi cửa nhà pha, là anh ta ngã gục xuống, không đi được nữa. Bởi vì anh ta bị thuốc phiện vật liền.

- Phải, anh ta chắc từ nay lại có hi vọng trở về với ả Phù Dung.

- Cho nên mợ phải làm thế nào cho tôi cũng hết hi vọng hút mới được.

- Cái đó chả khó. Nhưng lần này cậu lấy thuốc chừa ở đâu?

- Có người anh em mách tôi cụ lang Ban. Cụ ấy chữa cho ông Bách, ông Hường đều công hiệu cả. Người ta bỏ được, thì tôi cũng bỏ được.

Từ tối hôm ấy, San được vợ cho hút gấp đôi. Hút cho thỏa chí đi, rồi mà chừa, chừa hẳn.

*
*    *

Cụ lang Ban đến nơi, cả nhà chiều chuộng, kính cẩn. Thật là một vị phúc tinh. San gãi tai nói:

- Con mà bỏ được thuốc phiện phen này, thì ơn cụ thật là trời bể. Thày mẹ con mất cả rồi, con xin cụ cho con tôn cụ làm nghĩa phụ, để con được có người mà trả nghĩa sau này.

Cụ lang mỉm cười:

- Ông cứ tin ở tôi. Miễn là ông thực bụng chừa thì rất dễ.

- Con chả thực bụng, sao lần này con dám mời cụ. Nếu con cứ đeo đẳng điếu thuốc điếu sái mãi vào, thì rồi khổ thân.

Vợ San chắp tay thưa:

- Lạy cụ, cụ cứu nhà con tức là cụ cứu cả gia đình này. Nhà con cố mời cụ là do nhà con tin cụ lắm. Con chỉ tiếc không được hân hạnh biết cụ sớm, thành thử mấy lần trước, nhà con chừa phí công toi.

- Được, bà cứ yên lòng, theo thuốc tôi, thế nào ông nhà cũng bỏ được.

San cảm động:

- Dạ, thật là cụ cải tử hoàn sinh cho gia đình con.

- Không dám.

- Mà con thật dày phúc lắm mới gặp được cụ.

- Thế ông định chừa từ hôm nay đấy chứ.

- Dạ.

Bữa cơm thết cụ lang hôm đó thật linh đình. San bắc ghế cạnh sập để ngồi tiếp. Vì thành kính, anh không dám ngồi ngang.

Vợ anh, sau khi nghe theo lời thầy thuốc, cất kỹ bàn đèn vào trong đáy hòm, thì cũng lên đứng cạnh đó để hầu chuyện. Cụ lang nói:

- Chừa bằng thuốc dễ hơn chừa bộ. Tuy có nhiều người bỏ bộ cũng có thể được, song rồi nó sinh ra đến lắm chứng bệnh. Có người kiên gan, đã thôi được đến mười năm, mà rồi lại phải hút, vì tự nhiên da bụng dầy ra, nằm nghiêng bên phải, tưởng chừng cả cái bụng nặng nề nó vật cả về bên phải, mà nằm nghiêng bên trái, thì cái bụng nó vật theo cả về bên trái.

Vợ San lắc đầu, kinh hãi:

- Bẩm thế dùng thuốc của cụ có sẩy ra sự gì không ạ.

San lườm vợ, cho là vô ý, và cau mặt nói:

- Thuốc của cụ là thánh dược. Nếu không, sao ông Bách, ông Hưởng nghiện nặng và lâu như thế còn bỏ được.

Cụ lang gật gù:

- Mà hai ông ấy lại rất non gan. Cứ kể ra từ xưa đến nay, tôi chữa cho mười người thì đậu bẩy. Đến bây giờ ông nào cũng béo tốt, giầu có. Các ông ấy bây giờ đâm ra ghét thuốc phiện lạ lùng. Có một lần tôi thử mời một ông đã chừa được bẩy năm hút lại một điếu xem sao, vì tôi muốn biết thuốc tôi hiệu nghiệm thế nào. Tôi ép mãi, nhất định ông ta không hút. Đến khi tôi cam đoan rằng hễ nghiện lại thì tôi chữa đền, ông ấy mới bất đắc dĩ cầm lấy dọc tẩu. Tôi nhận thấy hình như ông ấy kinh tởm lắm. Ông ấy lấy vạt áo chùi mãi đầu tẩu, rồi mới ghé mớm môi vào, kéo xong một hơi, mẹ ơi, ông ấy ho mãi, rồi khạc, rồi nhổ, rồi nôn, rồi nằm soài ra như người chết. Tôi phải vội vàng cho thuốc rã, ông ấy mới tỉnh lại. Hỏi thì ông ấy nói vì nể quá mới hút, và khi ngậm dọc tẩu vào, ông ấy ghê ghê thế nào ấy. Hút xong, ông ấy say đứ đừ, cứ muốn nôn ọe cho ra hết hơi khói. Thế là tự nhiên mê man đi.

San mừng rỡ, nói:

- Dễ lại sợ thuốc phiện hơn người chưa hút bao giờ đấy!

Cụ lang gật:

- Chính thế.

- Thật là thuốc tiên. Con nhờ cụ, mà không chừa được, thì con chỉ đáng làm giống chó.

*
*    *

Bỗng San bắt đầu ngồi thừ. Đến bữa hút mọi tối rồi. Anh như chán nản, không buồn nói chuyện với cụ lang nữa.

Anh hắt sơi. Mồ hôi đã lấm tấm ở vai và ở cổ. Anh ngáp. Và mỏi lắm. Và lại hắt sơi. Và lại ngáp. Anh hắt sơi liền liền. Và ngáp tưởng chừng rách mép. Biết không thể ngồi tiếp khách được, anh đành thất lễ, nói:

- Xin phép cụ cho con đi nằm, kẻo con mệt lắm.

Cụ lang gật đầu:

- Mời ông cứ tùy tiện.

Trước khi vào buồng, anh dặn vợ dọn chỗ cho khách đi nghỉ:

- Tôi không thể ngồi lâu được, vậy mợ phải đối với cụ cho chu đáo, lễ phép kẻo cụ giận bỏ về thì khổ tôi, khổ cả gia đình đấy.

- Được, cậu cứ yên lòng.

Anh đóng cửa lại, nằm sóng soài trên giường.

Nửa giờ sau, anh thở dài rền rĩ, rồi gượng ngồi giậy. Hai mắt anh ngây dại đứng sững ở giữa buồng, nhìn chăm chắm bộ ghế ngựa sơn quang dầu kê ở góc tường: chỗ ấy mọi khi anh vẫn nằm hưởng thú đi mây về gió. Hình như anh thèm thuồng nhớ nhung lắm. Một lát, anh luống cuống ngó vào trong tủ trè. Nhưng vật thân yêu là cái diện tẩu mà anh định tìm, xưa nay vẫn bày trong đó, không còn ở đấy nữa. Anh cúi ngó xuống gầm ghế. Chai dầu ai cũng cất đi mất rồi. Anh dơ cao cánh tay sờ trên mặt tủ áo. Bàn đèn không giấu ở chỗ ấy. Thất vọng, anh thở dài và không đủ sức lại giường, anh nằm vật thẳng cẳng trên ghế ngựa. Áo anh ướt đẫm mồ hôi. Bây giờ anh không ngáp, không hắt hơi được nữa.

Bỗng anh sờ soạng sung quanh rồi úp sấp mặt dí mũi xuống ghế. Hít được hơi dầu, hơi sái cho đầy lồng xương ngực, anh được khoan khoái lắm.

Rồi tự nhiên anh ngồi nhổm dậy, gọi:

- Mợ ơi!

Vợ anh vội chạy vào. Anh hổn hển hỏi:

- Mợ cất cả bàn đèn đi rồi à?

- Phải. Cậu thấy thế nào?

San nhăn nhó:

- Khó chịu lắm.

Rồi cúi xuống, anh để tay vào cái chân mễ:

- Còn cái tiêm đây, sao không cất đi!

Chị San ái ngại:

- Cậu mê hay tỉnh thế?

Anh nhăn mặt để ợ, nói:

- Không biết có chừa được không, tôi thấy khổ quá rồi.

- Cụ lang bảo buổi đầu thế nào cũng khó chịu lắm. Nhưng cậu nên cứ kiên gan.

San cau mặt, không đáp. Anh chỉ tặc lưỡi. Hình như trong câu nói của vợ, anh thấy có một vài tiếng bất như ý vậy. Một lát, anh giật nẩy mình, rú lên:

- Ối giời ôi, lạy ông, ông tha cho tôi! 

Rồi anh đứng dậy, giơ tay như để đỡ đòn túi bụi và van lơn:

- Lạy ông, ông lang ông ấy sui tôi bỏ, chứ tôi có định bỏ đâu. Ông tha cho tôi.

Rồi anh khóc lóc, đập đầu xuống sàn gạch.

Chị San chạy lại đỡ, gọi:

- Cậu! Cậu! Cậu tỉnh chưa? Làm gì thế?

San mở mắt, nhìn vợ, lóp ngóp đứng dậy. Bất đồ anh hùng hổ chạy lại tủ trè, giơ thẳng cánh đập nắm tay vào mặt kính. Mảnh thủy tinh vỡ vụn ra. Anh ẩy lọ độc bình suýt rơi xuống đất. Cả cụ lang lẫn lũ đầy tớ chạy cả vào buồng. Họ tưởng San còn đập phá lung tung. Vợ anh cuống queo, níu lại:

- Cậu, cậu làm gì thế?

 Anh đáp:

- Bà cứ để yên, tôi đánh chết nó mới nghe.

Rồi nắm cổ tay vợ, anh hiền lành vê vê cố dương mắt nhìn, và nói một mình:

- Ồ, ai đánh sái mà quánh thế này.

Chị San sợ hãi, đập vào trán chồng, gọi:

- Cậu ơi!

- Ơi.

- Cậu mê hay tỉnh?

- Tỉnh.

- Tôi đây mà.

- Biết rồi, mợ ạ, tôi phải hút mới được.

Chị San nhăn nhó, thở dài:

- Đã kiên gan thì nên cứ kiên gan. Gặp cụ lang hay thì hãy thử xem sao.

San cau mặt, tặc lưỡi, chứ không đáp. Cụ lang tiến lại gần, lau đôi mắt kính, nhìn San sám ngoẹt, an ủi:

- Ông cứ cố đi nhé. Không việc gì đâu mà sợ. San hiểu, đáp:

- Thế bao giờ cụ cho con hút?

- Ông chừa kia mà.

- Vâng, nhưng con khổ lắm, cụ ạ.

Cụ lang nghiêm sắc mặt:

- Khổ thì chịu vậy.

San lườm thầy thuốc, rồi nó nhỏ với vợ:

- Cụ lang ác lắm. Còn mợ, mợ nỡ về hùa với cụ lang để làm tội tôi à?

Dứt lời, anh giậm mạnh chân xuống gạch cho đỡ uất ức.

Không ai trả lời cả. Anh lại nằn nì:

- Cho tôi xin bàn đèn, tôi lạy mợ, tôi van mợ. Mợ để tôi hút thì tôi xin làm con mợ.

- Nhảm nào!

- Tôi nói thật đấy. Không cho tôi hút thì tôi quật hết đồ đạc bây giờ.

Cụ lang lại nghiêm trang, trách:

- Đừng dọa. Bà chớ sợ, đã có tôi.

San cau mặt. Rồi bỗng anh vùng dậy, nhẩy lên ngồi ghế ngựa nói to:

- Để tôi hút, không tôi chết mất. Mợ! Lấy trả tôi bàn đèn đây.

Vợ anh sợ hãi:

- Tôi có cất đâu!

- Thế thì chó cất à?

Anh đập chân tay rầm rầm, trỏ vợ, quát:

- Muốn sống thì bưng bàn đèn ra đây.

Chị San run như rẽ, nhìn cụ lang để cầu cứu. Cụ lang giõng giạc gọi:

- Ông phán!

San không đáp, nhưng anh nghiến răng kèn kẹt. Sợ anh thất thố, vợ anh thỏ thẻ:

- Cậu, cụ lang gọi kìa!

San ngọt ngào:

- Cụ bảo nhà tôi trả tôi bàn đèn.

- Tôi không cho ông hút. Ông chừa kia mà.

San nhăn nhó:

- Vâng, nhưng tôi không chừa nữa.

Thấy cụ lang lắc đầu, anh phát cáu, nói:

- Cụ phải cho tôi hút. Mợ phải trả tôi bàn đèn. Tôi không chừa nữa.

Chị San thở dài. Cụ lang ôn tồn khuyên:

- Ông nên kiên tâm.

San hơi gắt:

- Tôi không kiên tâm được.

Nói đoạn, anh nằm, vắt tay lên trán, dằn vặt hai cẳng.

Bỗng anh ngồi nhổm dậy, quát:

- Mợ khăng khăng giữ bàn đèn của tôi phải không?

Chị bực mình, đáp :

- Cậu hỏi cậu ấy, hỏi cụ lang ấy.

San trợn mắt:

- Không việc gì đến cụ lang. Cụ ấy không có phép cấm tôi hút.

- Đừng nói nhảm!

Bỗng San cúi xuống gầm, vớ được chiếc guốc, hùng hổ sông lại vợ:

- Mày có cho ông hút thì mày bảo. Ông chửi bố đứa nào giấu bàn đèn của ông bây giờ.

Dứt lời, anh phang vào mặt vợ một cái, rồi túm lấy áo. Cụ lang sông vào can. Nhưng anh đánh vợ anh túi bụi, rồi tiện tay, và hăng tiết, anh nắm cả tóc nghĩa phụ, dằn xuống:

- Tôi nhờ ông à? Việc đếch gì đến ông. Liệu xác!

Rồi miệng chửi vợ, tay đánh ông lang, anh làm rầm rầm, gầm thét như con sư tử bị tên. Buồng ngủ biến thành bãi chiến trường. Đồ đạc vỡ loảng xoảng. Áo rách soàn soạt. Bọn đầy tớ hết hồn, ù té chạy nhốn nháo.

Kết cục, cuộc chừa thuốc phiện lần thứ tư là: ngay nửa giờ sau, vợ San trả chồng bàn đèn và anh được hút, phải hút gấp đôi mọi bữa cho đỡ mệt.



Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 284, 11 Tháng Mười Một 1939


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 284, 11 Tháng Mười Một 1939

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Quả mít



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Quả mít


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 276, 16 Tháng Chín 1939

Một đám cưới



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Khởi Nguyên | 2. L&H


Mời đọc Bản đánh máy


Một đám cưới

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Hôm nay là ngày đón dâu.
Suốt từ buổi sáng, cô Châu hí hửng.
Phải, cô không hí hửng sao được. Cha mẹ cô - cụ lớn ông và cụ lớn bà - chả vui vẻ là gì. Lúc nào hai cụ cũng cười khanh khách, cười giòn tan. Hai cụ hởi dạ lắm. Hai cụ đã kén được rể xứng đáng. Hai cụ thật hết lòng thương yêu con.

[...... Ty Kiểm duyệt Pháp xóa-----]

Cô tiếc không gọi thợ chụp tấm ảnh làm kỷ niệm. Quanh đầu, cái khăn vành dây to nếp, xếp đến hai mươi vòng. Trên mình, cô mặc áo gấm thêu chữ Thọ, dài, để hở hai ống quần nguyệt bạch viền đăng ten. Cô lận đôi giày văn hài, thêu chim phượng xòe cánh và nghểnh cổ.

Cô đã đánh phấn mất đến mấy giờ đồng hồ. Khéo lạ. Hai gò má ửng hồng làm tôn màu nhung của đôi mắt long lanh. Vòng ngọc dát kim cương làm nổi màu da cổ trắng ngần, có lỏa tỏa mấy sợi tóc óng nuột, và đen nhánh.

Chốc nữa, lúc họ nhà trai đến, cô còn đánh phấn lại và bôi thêm nước hoa nữa kia. Cô sẽ gài vào khuy áo một đóa hoa hồng bạch lớn, tết bằng nhung trắng.

Mặt cô không non đâu. Trang điểm xong, cô ra vẻ người lớn ngay. Nhất là cử chỉ cô lại đường hoàng, đố ai dám bảo cô mới có mười bảy tuổi.

Cô lên nhà trên. Cô xuống nhà dưới. Cô đi tung tăng khắp các nơi, tìm những chỗ đông người để cố buột ra một lời hớ hênh. Để cô được chế giễu. Chế giễu, lúc này, chỉ làm cô sung sướng thêm. Cô nhoẻn miệng cười tươi như hoa thắm, lộ bộ răng ngà, để cười và vờ thẹn thò. Cô lấy hai tay bịt mặt rồi rúc rích, cắm cổ chạy. Và chạy đến một chỗ khác, để nói một lời nữa, cũng hớ hênh.

Cô chẳng có ý gì nhớ nhà. Thời buổi văn minh, cô cần gì bắt chước các nàng dâu cổ, đến ngày cưới, cứ ủ rũ trong buồng, không dám thò mặt ra đến ngoài, mà thút thít khóc, thương cha nhớ mẹ, hoặc lo lắng sao cho tròn bổn phận làm dâu. Cô không nghĩ thế. Bổn phận, đến đâu hay đến đó. Và nếu cô nhớ hai cụ, thì sẵn xe của chồng, cô bảo tài xế nó đánh về. Chỉ một loáng là tới.

Cô hơi bất mãn một chút, là hôm nay cô xinh đẹp thế này, lộng lẫy thế này, vui vẻ thế này, mà không có có một "con" bạn nào trông thấy hoặc tưởng tượng được. Chúng nó, hiện giờ này, còn phải chúi chết trong địa ngục trên phố Đồng Khánh, tức là lớp học, chúi cả bao nhiêu tinh thần vào hai tai hai mắt mà nghe bà giáo Gégler nhồi sọ bài hóa học và nhìn bà làm thí nghiệm.

Chẳng biết lát nữa đoàn xe đưa dâu có qua trường học hay không. Giá có, cô hãnh diện biết là ngần nào!

Song, từ nay, cô so sánh địa vị cô với địa vị các bạn học làm gì. Chúng nó còn khổ, còn khổ hơn một năm nữa. Thi Cao đẳng tiểu học có đỗ chúng nó mới gọi là tạm thoát nạn.

Chỉ cô là thần tiên. Đang học năm thứ ba, cô xin thôi học về lấy chồng. Mà lấy một tấm chồng giàu có, sang có.

*
*     *

Vụt tin báo họ nhà trai sắp đến.

Cô Châu trống ngực nổi mạnh, chạy vào buồng riêng, trang điểm thêm.

Đoàn ô tô hòm kính lần lượt tới, qua cổng dinh, đỗ trước công đường và nhà khách. Công đường hôm nay đã thành một buồng lớn, trang hoàng rất lịch sự.

Người hàng phố kéo nhau đứng đầy cả ở cổng để nhìn vào.

Thật là một rừng gấm vóc và huy chương hiện ra trong đám sương mù khói pháo.

Này là một cụ, mặt mũi phương phi, khăn xếp nhiễu tam giang, áo gấm thêu rồng, hai gọng kính đồi mồi ép rẹp hai vầng tóc mai hoa râm loăn xoăn bên thái dương.

Này là một cụ nữa, râu tóc bạc phơ, nhưng đôi mắt còn sáng quắc cố uốn thẳng cái lưng gù, ra vẻ tráng kiện, cho thêm vẻ oai vệ chiếc mề đay trên ngực gấm cổ đồng.

Này là một bà béo tốt, núng nính, tuy đã già, nhưng má còn trắng những phấn, môi còn đỏ những son. Bà mặc chiếc áo gấm huyền hoa nhỏ và chiếc quần nhiễu điều, tay cầm hộp trầu bạc.

Này là một ông râu đen mà rậm, ngực đầy những huy chương chói lọi.

[...... Ty Kiểm duyệt Pháp xóa-----]

Này là một ông, bụng to, lưng tròn, trông lẫm liệt, cử chỉ đường bệ, lúc nào cũng long lanh đôi mắt kính trắng nhìn ngang nhìn ngửa.

Này là một bà, đã đứng tuổi, bé loắt choắt trong tấm áo thêu chỉ bạc, khoác chiếc măng tô nhung đen, lấy gương trong ví tay để sửa lại vành tóc cho ngay ngắn.

Còn nhiều nữa. Còn nhiều nữa. Kể sao cho hết cách ăn mặc của đủ từng ấy người.

Lúc ấy cô Châu đứng trong buồng, hé cửa chớp dòm.

Và tìm.

Cô hồi hộp. Cô chú ý vào một người. Cô ngắm người ấy từ chân cho tới đầu.

Cô mỉm cười, vui vẻ lắm. Người ấy, tức là chú rể. Người ấy sẽ là chồng cô. Người ấy từ nay sánh vai kề má với cô. Người ấy rồi đây làm cho đời cô được sung sướng vì địa vị của người ấy.

Người ấy, đang từ từ bước vào kia.

Dáng dấp người ấy thật oai vệ.

Ai còn chê được.

Người ấy đi đôi giày ban mới. Mỗi bước chân, ống quần là cứng lại khoe đường chỉ thâm thêu bên chiếc tất tơ mỡ gà. Người ấy mặc chiếc gấm lam may rất vừa vặn và đội khăn nhiễu tây đen nhánh và bóng nhoáng. Người ấy, nào kém ai, cũng có bốn chiếc mề đay trên ngực.

Mặt người ấy mới cạo. Song tuy mới cạo, mà ở quanh mép và từ thái dương đến cằm vẫn còn hơi rõ vết chân râu như bôi chì. Má người ấy nung núc những thịt, nước da sạm và bóng. Người ấy khỏe mạnh, vì to lớn. Không trách lắm con.

Người ấy đã có bốn con, con lớn hiện học năm thứ hai lớp Trung học.

Người ấy mới góa vợ năm ngoái.

1939






Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Cảm nhận về tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan


Cảm nhận về tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan

Học Tốt Ngữ Văn


Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan
Bài làm

Danh tiết





Mời nghe đọc
Mời nghe đọc MP3 tại Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi (Trọn bộ) | 2. Cô Vân | 3-6. Thái Hoàng Phi (P 1-4)
TỦ SÁCH TINH HOA của Thái Hoàng Phi - Diễn đọc: Thái Hoàng Phi




Danh tiết

Nguyễn Công Hoan


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
NXB Đời Mới, 1944 - 230 trang.
Mời xem và lấy về bản PDF




Danh tiết

Nguyễn Công Hoan

Có trong: Tiểu Thuyết Nguyễn Công Hoan -
(NXB Thanh Niên 2004 - Nguyễn Công Hoan - 623 Trang)



Nguyễn Công Hoan là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Công Hoan đã để lại một di sản nghệ thuật với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung tiểu thuyết "danh tiết" nổi tiếng qua phần 2 cuốn sách.



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF



Mời xem và lấy về PDF (Trang 457-)







Tham khảo: Các bài viết liên quan

Tranh tối tranh sáng






Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân (Trọn bộ) | 2-6. Cô Vân (Chương 1-43)

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 kênh 5 video

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF


Tranh tối tranh sáng

Nguyễn Công Hoan

Có trong: Tiểu Thuyết Nguyễn Công Hoan -
(NXB Thanh Niên 2004 - Nguyễn Công Hoan - 623 Trang)



Cuốn "Tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan" do NXB Thanh niên ấn hành giới thiệu tới người đọc 2 tiểu thuyết tiêu biểu nhất nhà văn Nguyễn Công Hoan là Tranh tối tranh sáng và Danh tiết.


Mời xem và tải về PDF





Mời nghe đọc tại YouTube
Mình Kể Bạn Nghe - Người đọc: Quỳnh Thu
Chương 1-2
Mình Kể Bạn Nghe - Xuất bản 17 thg 2, 2019



Tham khảo: Các bài viết liên quan


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Trách nhiệm đạo đức xã hội của người cầm bút


Trách nhiệm đạo đức xã hội của người cầm bút

Minh Hải

Trích

Văn học và xã hội

Văn học bắt nguồn từ đời sống xã hội, chịu sự chi phối của những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể. Văn học phản ánh thực tại đời sống, nó là một hình thái ý thức xã hội. Không có thứ văn học nào đứng ngoài xã hội, chính trị, kinh tế.
Để định giá tác phẩm văn học và định vị những đóng góp của chủ thể sáng tạo đối với lịch sử văn học dân tộc, không thể không xét tới chức phận của nó đối với cái xã hội sinh ra nó, mang lại ý nghĩa cho nó.
Chức năng của văn học trước hết là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, dân tộc. Lý giải nét đặc sắc và sức sống của văn chương Nguyễn Công Hoan, trong một bài viết cách nay 30 năm, Nguyễn Minh Châu cho rằng: Ở cái buổi giao thời biết bao sự mời gọi tưởng rất khó cưỡng nổi của văn hóa ngoại lai, đứng trước nguy cơ bật gốc trốc rễ hồi đầu thế kỉ XX, Nguyễn Công Hoan là một cây bút giàu bản lĩnh.
Bài học kinh nghiệm mà cây bút trào phúng bậc thầy này để lại là: “đừng bao giờ lười biếng nằm ỳ ra trên trang viết như một sự tự khuôn định, và cũng đừng bao giờ để cho văn chương trở nên xa lạ với đời sống dân tộc mình”.
Ở trong con người nhà văn Nguyễn Công Hoan có một thứ “bản năng tinh thần dân tộc mạnh mẽ”, ông thường xuyên mô tả các nhân vật của mình “bằng ngôn ngữ dân tộc, bằng lối nói nôm na đầy ý vị của người Việt Nam”; “đối với một đời văn, cái đáng kể là những điều nhà văn ấy đã làm được cho đời”, Nguyễn Công Hoan là “người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán”, ông “ra đời như một tác giả truyện cười dân gian, mà ngày xưa thời nào trong nông thôn ta cũng có”.

Để tạo ra cái mới, làm giàu thêm truyền thống văn học dân tộc, nhà văn có thể chỉ cần đi sâu vào văn hóa dân tộc mình, trở về với suối nguồn tư duy dân gian, ngôn ngữ dân gian, với lời ăn tiếng nói hàng ngày.




Để thực hiện chức phận đối với xã hội, văn học không chỉ tin tưởng vào con người, bênh vực con người, phê phán cái xấu, cảnh tỉnh người đọc, mà còn góp phần xác lập, duy trì và phát triển những chuẩn mực đạo đức trong xã hội hiện đại.
Thiên chức của nhà văn là tạo ra cái đẹp giàu giá trị thẩm mỹ và nhân văn. Qua hình tượng thẩm mĩ độc đáo, văn chương khơi gợi ở người đọc những cảm xúc nhân văn, dẫn dắt người đọc đến chân trời mĩ cảm cao đẹp.
Nhưng để làm tốt trách nhiệm đối với xã hội, trước hết nhà văn phải làm tốt trách nhiệm với chính mình, có trách nhiệm đối với những gì mình viết ra, với bạn đọc của mình, đối với chính nghề viết của mình.
Nhà văn phải thành thực với bản thân và trung thực với sự thật.Trách nhiệm đạo đức xã hội của người cầm bút

Nhiều giá trị cốt lõi, đức tính tốt đẹp của dân tộc chịu sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và bối cảnh hội nhập; đạo đức ngành y xuống dốc khiến nhiều người phẫn nộ; đạo đức học đường trở thành vấn đề đáng lo ngại của cả xã hội;
đạo đức gia đình, những giá trị truyền thống đẹp đẽ của gia đình bị băng hoại; nhiều người trẻ thiếu lý tưởng, sống ích kỉ, thực dụng, thích hưởng thụ, đua đòi, lệch lạc; không ít người ở độ tuổi trưởng thành cũng sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội;
hiện tượng máu lạnh giết người không ghê tay, mất hết nhân tính có chiều hướng gia tăng, lương tâm con người bị bào mòn, ngày càng nhiều hiện tượng vô cảm, thờ ơ trước số phận ngang trái, nỗi đau của con người; sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân...
[...]

Minh Hải





Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Một đứa con đã khôn ngoan - Tập truyện viết cho trẻ em


Tập truyện viết cho trẻ em

Một đứa con đã khôn ngoan

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)




MỘT ĐỨA CON ĐÃ
KHÔN NGOAN
Và những tác phẩm mới phát hiện của
cố nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cho trẻ em
NGUYỄN CÔNG HOAN




MỘT ĐỨA CON
ĐÃ KHÔN NGOAN
Tập truyện



NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
1998


MỤC LỤC


*   Lời giới thiệu   5
1   Một đứa con đã khôn ngoan   11
2 Đồng trinh Gia - Long (truyện vui)   44
3 Đảng Rổ Bẫy   50
4 Tấm lòng vàng (kịch)   154


Xem PDF



Đọc sách


Một đứa con đã khôn ngoan


Giới thiệu

Trong truyện Một đứa con đã khôn ngoan, nhà văn giáo dục trẻ em đức tính yêu lấy tiếng Việt. "Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta". Cậu bé Chỉ trong truyện này chỉ mê tiếng Pháp và cho rằng tiếng Việt không đủ để diễn tả hết mọi suy nghĩ và sự vật. Ngay cả lúc viết thư cho bạn, cậu cũng phải dùng thêm tiếng Pháp. Cậu (bố) của cậu bé Chỉ không đồng ý và phân tích cho cậu rằng: "Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ vật cũ thì tiếng nước ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, thân, hiếu, đễ, từ và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại nói như cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bẽ, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng""Cậu dám đánh cược với ông cử, ông nghè Tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng "lôi thôi" của ta đấy". Dù được phân tích thấu đáo như thế nhưng cậu bé Chỉ vẫn không tin. Và cậu chỉ thật sự tin khi mợ (mẹ) của cậu bị ốm và nhờ cậu đọc giùm tiểu thuyết tiếng Việt. Cậu bất ngờ là không ngờ nó lại hay đến thế! "Truyện Tây cũng đến thế là cùng". Thật bùi ngùi khi đọc lại những lời của người mẹ nói với con: "Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy".




Tác giả: Nguyễn Công Hoan.
Nhà xuất bản: Trẻ (01/1998)
Định dạng: Ebook
Kích thước: 2,52 MB (PDF)
Ngày phát hành: 01/1998
Số trang: 217
Ebook: 14.900 đ