Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Một đứa con đã khôn ngoan






Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi | 2. Cô Vân | 3. Chiến Hữu | 4. Phạm Hằng | 5-6. Mắm Tôm | 7. Nguyên Lộc


Mời đọc Bản đánh máy

Một đứa con đã khôn ngoan

Nguyễn Công Hoan


H
ôm nay, tuy là chủ nhật và trời rét hơn mọi ngày, nhưng Chỉ cũng dậy ngay từ năm giờ.

Anh lấy quyển giấy ráp, cầm ngọn bút chì. Anh đọc đi đọc lại hai dòng đầu bài, gạch những tiếng quan trọng, rồi nhắm mắt, gục mặt vào bàn tay để nghĩ.

Xung quanh anh không có một tiếng động.

Bọn người nhà, người quét dọn, ở tận dưới bếp và buồng khách. Cậu mợ và em Nhật vẫn còn ngủ.

Sự tĩnh mịch giúp anh tìm được rất nhiều ý hay.

Ấy là anh theo phương pháp làm luận của thày giáo vẫn chỉ bảo. Thày thường khuyên học trò khi gặp bài khó, phải làm lúc buổi sớm, là lúc trí não còn trong trẻo. Và dậy sớm, trong mình được khoan khoái và tinh thần sảng khoái, nghĩ gì cũng dễ ra. Thày bảo trước khi làm nên đọc kỹ đầu bài để nhận những ý chính, nếu cần lấy bút gạch để ghi nhớ, rồi hãy tìm tòi ý tứ. Rồi lần lượt biên ngay vào giấy. Khi ý đã nhiều thì nên chọn lọc cho đầy đủ và xếp đặt cho thứ tự. Lúc ấy hãy dàn bài và ráp câu.

Bỗng có hơi thở ấm áp đằng sau cổ. Chỉ ngoảnh lại, thì ra mợ.

Mợ thấy anh chăm chú về công việc, nên đi rón rén đến và yên lặng đứng âu yếm nhìn.

- Con làm gì thế?

- Con làm rédaction[1][1] rédaction: bài luận. đấy mợ ạ.

Mợ mỉm cười:

- Con cứ quen miệng, nói với mợ cũng chen tiếng tây, mợ hiểu sao được.

Chỉ bẽn lẽn:

- Con vẫn biết thế, nhưng sao tránh được. Nó thành thói quen rồi.

Lúc ấy cậu cũng đã dậy, cậu run rẩy vì lạnh, hai tay thọc vào hai túi, hỏi.

- Thói quen gì?

Mợ đáp:

- Thói quen là nói chuyện với tôi cứ chen tiếng tây vào.

Cậu gật:

- Thói quen đó rất thông thường của những người biết tiếng Pháp.

Thấy cậu bênh, Chỉ bèn gỡ:

- Nói như thế, nó nhanh hơn bằng câu toàn tiếng ta, cậu nhỉ.

Mợ vuốt tóc anh, dịu dàng giảng:

- Nhưng đó là một thói xấu. Không ai nên mắc phải cả. Hôm nọ mợ thấy con mắng em Nhật chỉ tại em không hiểu con định nói gì, vì con cũng chen tiếng tây. Chính mợ cũng không hiểu. Những tiếng tây con vừa nói với mợ đều có thể thay bằng tiếng ta. Vậy sao con không tập nói chuyện bằng toàn tiếng ta. Mợ chẳng hạn, và bao nhiêu người không biết tiếng tây, sao vẫn nói chuyện được với nhau, mà nhanh chóng như thường.

Cậu vò đầu Chỉ, chế nhạo:

- Thế cu cậu đuối lý rồi.

Rồi cậu bảo mợ:

- Thôi đi rửa mặt cho con làm việc, kẻo nó lại bắt đền.

Khi trong buồng yên lặng, Chỉ lại cặm cụi làm việc. Anh mở các sách in, đọc hết bài này đến bài khác, để tìm ý.

Rồi xếp đặt ý xong, anh mới ráp bài.

Bỗng mợ gọi:

- Chỉ ơi, hãy nghỉ tay «măng giê»[2][2] Manger: Ăn. đã.

Anh bật cười, vâng một tiếng toan đứng dậy. Nhưng chợt nghĩ ra được một câu hay, anh vội vàng lại ngồi xuống để viết. Rồi hết câu nọ đến câu kia, anh đã ráp trọn được đoạn mở bài và đoạn kết cục. Cách làm ấy, anh cũng theo phương pháp của thày giáo chỉ bảo. Còn đoạn giữa là đoạn chính, anh định ăn sáng xong mới làm.

Anh đứng dậy, vừa đi vừa bần thần nghĩ ngợi.

Cậu mợ vẫn chờ anh, đương đùa vui vẻ với em Nhật.

Thấy anh đến, mợ nhìn anh và bảo:

- Nào «măng giê», tôi còn phải đi «chợ-trờ-rờ» nữa đây.

Cả nhà lại cười.

Ăn vội vàng vài miếng nữa, Chỉ đứng dậy, lại hấp tấp ngồi vào bàn giấy làm việc.

Anh thực là một người học trò chăm chỉ

Vì sự siêng năng, nên anh thi gì cũng đỗ ngay. Kỳ Sơ học Yếu lược, Sơ học Pháp việt, anh đỗ một cách dung dị đã đành, đến cả những kỳ thi khó khăn vào học lớp nhì năm thứ nhất bậc sơ học và năm thứ nhất bậc Cao đẳng tiểu học, nhiều thí sinh mà số người lấy vào rất ít, anh cũng đỗ cao.

Anh chỉ phải một tội vô tâm, lúc nói với mợ, hoặc bất cứ ai, dù người không hiểu tiếng Pháp, cũng cứ chen một vài tiếng tây vào. Cái đó mợ bảo luôn, nhưng anh cũng không giữ được. Anh quen miệng đi mất rồi. Anh nhận thấy chẳng những một mình anh, các bạn anh, và bất cứ một ai đã học tiếng Pháp, đều có tật ấy.

Anh thấy nói như thế dễ dàng hơn là nói toàn tiếng Nam. Vì anh đỡ phải tìm tiếng cho đúng để diễn đạt tư tưởng. Chữ Pháp anh sẵn có, thì câu nói có xen một vài tiếng Pháp, anh cũng hiểu như nói toàn tiếng Nam. Vả anh thấy tiếng ta thiếu rất nhiều để diễn tả cho đủ ý.

Ở trong lớp, anh vốn nổi tiếng giỏi Pháp văn. Kỳ luận Pháp văn nào anh cũng được thày khen, và bình bài lên cho cả lớp nghe. Anh ước rồi cậu mợ cho anh sang Pháp, học tập ở các trường cao đẳng mà anh thường được biết tên.

Cho nên anh luyện Pháp văn một cách rất chăm chú.

Không môn học nào anh mất nhiều công phu bằng môn học ấy.

Anh ngồi làm luận Pháp văn thì không thấy mỏi, thấy nóng ruột một tí nào. Dù hai giờ, dù ba giờ, dù cả buổi sáng, dù lan sang cả buổi chiều, anh cũng vẫn chăm chú. Khi một bài được hoàn toàn anh mới vui vẻ và yên tâm.

Nhưng lần này mới mười rưỡi, anh đã ráp xong bài. Anh chưa đọc lại và chép ra giấy. Anh muốn thí nghiệm một lối làm việc mới. Là để độ hai ba giờ sau hãy đọc lại. Và trong thì giờ ấy, anh làm những việc khác cho quên đi. Như vậy tức là anh làm hai bài trong lúc tinh thần minh mẫn.

Đặt bút xuống bàn, anh mỉm cười nhìn ra ngoài trời trắng đục. Thời tiết hẹn một tuần mưa dầm lâu dài.

Bỗng vú già đi qua, anh hỏi:

- Gần được cơm chưa, hở vú?

- Độ nửa giờ nữa, chú ạ.

Anh khoan khoái. Anh đương nghĩ không biết dùng thì giờ rỗi để làm gì, thì sực nghĩ đến bài luận Quốc văn chưa được một chữ.

Anh bèn lấy giấy, mở sách chép đầu bài, rồi chẳng cần ráp, viết lia lịa trong mười phút, được mười lăm dòng. Anh đánh dấu chấm hết.

«Miễn là có bài nộp khỏi phải phạt.»

Nghĩ vậy, anh nhìn đồng hồ. Chợt nhớ đến bức thư của Hà, người em họ, nhận đã lâu mà chưa trả lời, anh đọc lại thư, rồi lấy giấy.

Hanoi 13 Février 1942

Cher Hà

Hẳn Hà lấy làm ngạc nhiên vì lần này anh viết cho Hà bằng chữ quốc ngữ. Không phải anh négliger về français[3][3] négliger về français: chểnh mảng về Pháp văn. đâu, nhưng vì sáng nay, anh mới phải làm bài réduction lâu thì giờ quá.

Anh đã gặp Kính petit frère de Tùng[4][4] petit frère de Tùng: em trai của Tùng. rồi. Anh thấy nó giống Tùng như hai giọt nước.

Anh đã đem câu thứ nhất Hà dặn hỏi, thì nó câm như cá chép. Cho nên anh không hỏi nó câu deuxième question[5][5] deuxième question: câu hỏi thứ hai. nữa. Thôi, thế là anh em nó déclarer vaincus[6][6] déclarer vaincus: Tuyên bố thua cuộc. rồi, vậy Hà cũng nên pardonner[7][7] pardonner: tha thứ. cho họ.

Vậy thế là tranquille[8][8] tranquille: yên tâm. nhé. Không có lửa thì sao có khói nhỉ.

Thôi, anh chúc Hà bonne santé[9][9] bonne santé: sức khỏe. .

Ở đây bình yên. Duy hôm nọ ma mère[10][10] ma mère: mẹ. hơi bị malade[11][11] malade: đau. bởi refroidissement[12][12] refroidissement: bị lạnh. nhưng hôm nay đã rétablie[13][13] rétablie: Khỏe. rồi.

A bientôt[14][14] A bientôt: tạm biệt.

CHỈ

Chỉ vừa ký tên xong, thì mợ đã đứng cạnh:

- Con tôi chăm quá. Phải nghỉ để giải trí rồi ăn cơm chứ?

- Vâng. Nhưng đây là con viết lettre, à quên viết thư cho Hà.

Mợ gật:

- Ừ mợ cũng toan nhắc con, sợ con quên.

Rồi mợ liếc nhìn vào giấy mỉm cười:

- À, lần này con viết bằng quốc ngữ. Thử đọc mợ xem có thông không nào.

Chỉ luống cuống, nhìn mợ có ý ngượng nghịu. Anh vội vàng lấy giấy thấm đặt lên bức thư, rồi đứng dậy trước mặt mợ, để mợ khỏi nhìn thấy chữ và đọc:

- Hà nội ngày 13 Février 1942. Em Hà, hẳn lấy làm ngạc nhiên vì lần này anh viết cho Hà bằng chữ quốc ngữ. Không phải nhãng bỏ Pháp văn đâu, nhưng vì sáng nay, anh mới phải làm bài luận lâu thì giờ quá. Anh đã gặp Kính, em Tùng rồi. Anh thấy nó giống Tùng như hai giọt nước.

Bỗng mợ rũ ra cười:

- Thế nào, giống Tùng như gì?

Chỉ nhắc lại:

- Như hai giọt nước.

Mợ vẫn cười:

- Con nói giọng gì thế?

Rồi mợ nói:

- Ừ, hai giọt nước thì giống nhau thực, nhưng hình như người ta không nói thế mà?

- Vâng, người ta chẳng nói ressembler comme deux gouttes d’eau là gì?

- À, thế thì người ta của con khác, người ta của mợ khác. Người ta của mợ chỉ nói giống nhau như đúc mà thôi. Nhưng thôi cũng được, đọc nốt đi.

Chỉ đọc:

- Anh đã đem câu thứ nhất Hà dặn hỏi, thì nó câm như cá chép.

Bỗng mợ lại rũ ra cười:

- Câm như cá chép. Sao con khéo bịa ra văn chương thế.

- Thưa mợ con đâu dám bịa, người ta nói muet comme une carpe nghĩa là câm như cá chép.

- À, thế con dịch đúng tiếng tây. Nhưng con có biết ta nói câm như gì không?

Chỉ đưa mắt nhìn lên trần, chớp mắt để nghĩ ngợi. Một lát, anh lắc đầu:

- Con không biết.

- Người ta bảo câm như thóc, câm như hến. Con viết tiếng ta thì nên dùng toàn giọng ta. Nếu con viết câm như cá chép, giống nhau như hai giọt nước, thì ra con viết tiếng ta bằng chữ Pháp. Con dịch chữ Pháp ra tiếng ta. Như thế không được. Giống nhau như hai giọt nước với giống nhau như đúc, câm như cá chép với câm như hến hoặc như thóc. Hai lối nói cũng hay ngang nhau. Vậy ta có lối nói văn vẻ, sao con không dùng.

- Thưa mợ, tại con không biết.

- Con không thể không biết. Con phải biết câu câm như thóc hoặc như hến trước, rồi con hãy nên biết đến câu câm như cá chép mới phải. Tức là con phải hiểu câm như con cá chép nghĩa là câm như hến hoặc như thóc, để khi nói tiếng pháp thì dùng câu trên, mà khi nói tiếng ta thì dùng câu dưới. Trong thư còn gì nữa, đọc nốt rồi đi ăn cơm.

Chỉ đọc:

- Cho nên anh không hỏi câu thứ hai nữa. Thôi, thế là hai anh em nó...

Chỉ ngắt lại không đọc nữa. Muốn chừng anh đương tìm tiếng ta để dịch cho lọn hai tiếng déclarer vaincus. May quá, lúc ấy mợ không để ý nghe lắm, nên anh đọc ngay xuống câu dưới:

- Vậy Hà cũng nên tha thứ cho họ. Vậy thế là yên tâm nhé. Không có lửa thì sao có khói nhỉ.

Mợ lại gắt:

- Thế nào?

- Không có lửa thì sao có khói nhỉ.

Mợ nghĩ, rồi gật đầu:

- Câu ấy đúng ý đấy, nhưng sao nó ngô nghê thế.

Hẳn lại là một câu tiếng Pháp mà con dịch ra.

- Vâng, đó là một câu phương- ngôn Pháp.

- Vậy thế con có biết ta cũng có câu phương ngôn về ý ấy hay không?

- Thưa có. Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai.

- Sao con không dùng câu này có hơn không?

Chỉ bối rối:

- Con quên.

- Thôi được, đọc nữa đi.

Chỉ nối:

- Thôi, anh chúc Hà mạnh khỏe. Ở đây bình yên. Duy hôm nọ mẹ tôi bị ốm bởi lạnh, nhưng hôm nay đã khoẻ rồi.

- Thế nào, mẹ tôi bị ốm bởi lạnh à? Mợ không hiểu nói ý ấy thì phải đặt tiếng tây thế nào, nhưng mợ chắc con lại dịch theo tiếng tây đây. Sao con không gọi mẹ tôi là mợ anh, hoặc bác, có thân hơn không. Mà bị ốm bởi lạnh à? Sao con không nói là bác khó ở vì cảm hàn?

Lúc ấy cậu vừa đến. Cậu hỏi:

- Thế nào, ai cảm hàn?

- À , con nó viết cho cháu Hà, nhưng dùng tiếng ta không thông. Tôi không hiểu nó đặt câu tiếng ta không thông, thì viết tiếng tây thông thế nào được nhỉ.

Cậu hỏi:

- Đâu, đưa thư cậu đọc xem thế nào mà mợ kêu nào.

Chỉ không thể giấu được nữa. Anh phải đưa thư cho cậu. Cậu đọc xong, không bình phẩm gì, chỉ nói:

- Thôi, muộn rồi, đi ăn cơm.

Chỉ sung sướng. Cậu đã hiểu cho anh rồi. Anh vui vẻ theo cậu mợ ngồi vào bàn ăn.

Vú già xới cơm xong, cậu nhìn bát cơm trắng, khói nghi ngút, tỏa một mùi thơm, bèn hỏi vú già:

- Vú già, nồi cơm hôm nay thổi bởi ai, mà trông có vẻ tốt ăn lắm.

Vú già bưng miệng, quay đi để cười.

Mợ ngớ mặt ra nhìn cậu.

Chỉ thấy cậu nói ngô nghê cũng nhếch mép.

Nhưng cậu nghiêm trang, bảo Chỉ:

- Đấy con xem, con và vú già thì cười cậu, mà mợ thì có ý ngạc nhiên. Là vì cậu đã nói một câu bằng tiếng An nam, nhưng nó không An nam một tý nào. Con học tiếng Pháp, con chăm về Pháp văn là phải, nhưng không nên sao nhãng tiếng ta.

Chỉ không đáp, Cậu tiếp:

- Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta. Cậu nói nồi cơm thổi bởi ai, trông có vẻ tốt lắm, thì cũng có thể hiểu được, nhưng người Nam mình không nghe quen. Mình phải nói tiếng Nam theo giọng Việt Nam mới được.

Chỉ cảm động:

- Tại con học chữ Pháp, nên con hay nghĩ theo giọng Pháp.

- Con nghĩ theo giọng Pháp khi con dùng tiếng Pháp thì rất tốt. Nhưng khi nói tiếng Nam, mà con cũng nghĩ theo thế, tức là con dịch ở tiếng Pháp. Vậy con là ông Tây nói tiếng An nam mất rồi.

Cả mợ lẫn Chỉ cùng cười. Rồi Chỉ nói:

- Nhưng con thấy tiếng ta nhiều khi thiếu từ để dùng.

Cậu lắc đầu:

- Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở những ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ, vật cũ thì tiếng ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, chú, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, yêu, thân, hiếu, đễ, từ, và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại như nói cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bê, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng.

Nghe cậu nói một thôi một hồi, Chỉ phì cười. Cậu cũng cười:

- Thế mà tiếng Tây phải chắp vào một tiếng gốc. Vả lại tiếng ta nói rất văn vẻ. Ví dụ hai tiếng cánh buồm, thì cậu tưởng văn chương đến thế là bóng bẩy, nhưng ta thì để nói thường. Cậu dám đánh cuộc với các ông cử, ông nghè tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng «lôi thôi» của ta đấy.

Mợ cười:

- Ừ, tiếng lôi thôi mà cắt nghĩa thì nó dài biết nhường nào! Cho nên muốn giỏi tiếng nước ngoài hãy nên giỏi tiếng nước ta đã.

Cậu gật đầu:

- Bởi vì tiếng nước ta, ta phải trọng và phải yêu trước hết. Nhiều lần mợ bảo con không nên nói tiếng Pháp xen vào tiếng ta là chí phải. Không gì ngô nghê hơn là bức thư con vừa viết cho em Hà. Đầu tiên, cậu thấy chữ Hanoi, cậu đã không bằng lòng rồi, phải viết Hà nội làm hai chữ, đánh dấu quốc ngữ cho đúng. Bởi vì những cái ấy là của mình. Người ta viết lầm, đọc sai, mình còn nên uốn nắn lại cho đúng, huống chi mình lại bắt chước sự sai lầm của người ta.

Mợ tiếp:

- Thật thế bây giờ tôi đọc sách, đọc báo thấy chữ Mỹ Thọ, Thủ đầu một, Phủ Quốc, Phú lãng Thượng, Phủ Liễn, Chobo, Viétri, Núi Đèo mà tôi đâm bực mình. Tôi ước gì người ta viết cho đúng để trẻ con đọc đỡ sai.

- Cứ gì trẻ con, cả người lớn nữa.

Nghe từng ấy tiếng, Chỉ hiểu đọc chữ Phú lãng thượng là người đọc lầm chữ Phủ lạng thương, còn những chữ khác anh cho là mợ bẻ sai. Anh không dám cãi, nhưng cũng không dám hỏi. Thì Cậu nói ngay:

- Con học sách Địa dư và Sử ký của ta do người Pháp làm, phải nên coi chừng những chỗ viết sai, hoặc những chữ theo âm Pháp. Ví dụ trong Trung kỳ có cái đảo nhiều rừng quế, người ta gọi là Hòn Quế, hòn tức là đảo, thì trên địa đồ đề là Hone Koé, đảo Cái Bầu, trên địa đồ là đề Kébao; cũng như xem sách người Pháp làm về phong tục xứ mình, mình phải biết chỗ nào là đúng, chỗ nào là hỏng...

° ° °

Tuần lễ ấy, cũng như mọi tuần lễ trước, Chỉ được nhất luận Pháp văn và phải bét luận Quốc văn.

Nhưng khác mọi khi, Chỉ thấy xấu hổ về điểm kém của bài sau hơn là sung sướng về điểm hơn của bài trước.

Những tiếng bạn khen là văn sỹ tây không làm anh vui vẻ và hãnh diện nữa.

Anh đọc lại bài luận Quốc văn của anh, rồi mượn bài của Thấn được nhất. Anh bật cười, thấy bài mình ngắn ngủi. Hai bài hơn kém nhau mười điểm, chỉ vì một bài làm kỹ lưỡng, một bài làm dối dá. Chứ những câu bạn đặt cũng rất thường, không chỗ nào cầu kỳ, không chỗ nào dùng chữ nho, hoặc điển tích khó hiểu.

«Nếu vậy, muốn hơn điểm, có khó khăn gì.»

Anh quyết rằng nếu để ý làm cẩn thận trong mười lăm phút nữa, thế nào cũng được từ mười điểm trở lên, nghĩa là hơn hẳn sáu bảy điểm.

Rồi anh nghĩ đến công phu và thì giờ làm luận Pháp văn. Anh phải dùng công phu và thì giờ gấp mười, có khi hơn thế nhiều, mà kết quả chỉ hơn anh em độ ba bốn điểm. Vậy từ trước đến nay, sao anh cứ chuộng cái khó mà bỏ cái dễ.

Chẳng hoá ra dại lắm du.

Nhưng suy xét kỹ, anh thấy anh không dại. Bài thi nào Pháp văn cũng làm nền tảng. Kém Pháp văn, thì dù môn khác giỏi mười mươi cũng bằng thừa.

Ở trong lớp, thỉnh thoảng anh có thử nghe thày giáo giảng những đoạn thơ và văn xuôi. Nhưng anh thấy nó thế nào. Thơ thì khó hiểu, mà văn xuôi thì rất tầm thường. Cho nên anh chỉ dùng giờ Quốc văn để xem trộm tiểu thuyết Pháp, hoặc làm tính, hoặc nói chuyện với bạn ngồi cạnh.

° ° °

Hôm ấy bắt đầu nghỉ hè. Cậu bảo Chỉ:

- Ba tháng nghỉ, con không phải trả tiền học, vậy cậu cho con mỗi tháng bốn đồng, tùy con muốn mua sách vở hay đồ chơi thì mua.

Nói rồi, cậu mở ví tiền đưa cho anh .

Chỉ hớn hở, mặc áo ra phố. Lúc về, anh cắp một gói, mở ra, toàn tiểu thuyết Pháp.

Anh hăm hở, lấy dao rọc từng tờ, rồi đọc miệt mài.

Mới hơn tuần lễ, anh đã ngốn hết mấy cuốn ấy. Anh lại buồn. Em Nhật bé hơn anh nhiều, nó trẻ con không hợp với tuổi anh. Cho nên anh chỉ đùa với nó bền lắm là mười lăm phút.

Một hôm, nhận được giấy của nhà trường, cậu xem rất kỹ, rồi bảo:

- Chỉ ạ, kỳ thi cuối năm vừa qua, các bài về khoa học và toán pháp con bị kém, vậy nhân bây giờ nhiều thì giờ, con nên cố gắng về các môn ấy.

Anh thấy cậu không được vui, nên vâng ngay. Anh quyết định, từ hôm sau, mỗi ngày làm một vài bài tính, và để ra hai giờ học lại các bài khoa học, và xem rộng ra cho hiểu thấu hơn.

Nhưng khi mở sách, mới đọc qua đầu bài tính, anh đã chán nản. Anh cố gắng nghĩ, vì bài hơi khó. Anh thở dài. Thì té ra anh đi học từng ấy năm, chưa được chút lợi nào, bởi đã chểnh mảng khoa học.

Khoa học tức là cơm. Văn chương chỉ là áo. Kẻ khó cần xin cơm, chứ chưa có người hành khất nào đi ăn mày áo bao giờ. Khoa học mới đem đến cho ta sự sống.

Anh thở dài lại cặm cụi với những con số trên mảnh giấy.

Đến hơn nửa giờ anh nhăn trán để nghĩ nhưng không làm nổi bài tính.

Anh bèn đến chơi nhà bạn để hỏi. Lúc hiểu, anh sung sướng quá, rồi nhân thấy mấy cuốn tiểu thuyết Pháp, anh mượn về.

Anh lại nhãng bỏ khoa học để ngấu nghiến đọc truyện.

Anh thấy văn chương bao giờ nó cũng thấm thía vào tâm hồn. Còn khoa học, nó khô khan, khó chịu lắm.

° ° °

Cuối tháng ấy, cậu lại cho anh bốn đồng nữa, và anh lại dùng để mua sách.

Nhưng mợ dặn anh chọn cho mợ một cuốn sách Quốc văn mới xuất bản. Anh cười:

- Con có biết sách thế nào là hay đâu?

- Thế con mua sách tây thì làm thế nào?

- Con tìm tên người làm sách nổi tiếng, hoặc thấy tên sách hay, hoặc đọc qua trang đầu, cũng có thể đoán được.

- Vậy mua sách cho mợ, con cũng làm như thế.

- Nhưng văn sỹ Việt Nam làm gì có ai nổi tiếng?

- Ô, biết bao nhiêu người bây giờ viết rất hay.

- Thế a, mợ?

Nhưng anh vẫn hồ nghi. Anh cho là truyện của người Việt Nam viết gọi là hay, nhưng hay sao bằng truyện tây. Có chiều lòng mợ mà anh phải mua một quyển thì mua, chứ anh tiếc tiền lắm. Anh hỏi:

- Mợ ạ những truyện của ai viết thì nên mua?

Mợ bèn kể một ít tác giả quen tên để anh biên vào mảnh giấy, rồi mợ dặn:

- Nhưng bất cứ, có nhiều tên ký rất lạ ở những truyện rất hay, không biết chừng.

- Thôi con không biết chọn sách Quốc ngữ đâu. Con cứ theo tên biên đây mà mua vậy.

- Cũng được.

Anh bèn mặc quần áo, lên hiệu sách tây. Anh mua mất ba đồng sáu, vì anh chắc sách ta bán rẻ, độ ba bốn hào là cùng. Anh rất bằng lòng mấy cuốn mới này. Cuốn thì anh vẫn ao ước được đọc. Cuốn thì của tác giả nổi tiếng.

Anh đến phố ta vào một hiệu sách Quốc văn.

Trước hết anh ngạc nhiên, vì thấy bầy những tác phẩm dầy dặn, đẹp đẽ chẳng khác những cuốn anh đương cầm ở tay chút nào. Ngó đến giá đề ở gáy, anh bật buồn cười. Sách ta có gì mà bán đắt thế. Anh cau mặt, nhìn tên sách một lượt. Rồi anh về.

Thấy anh, mợ đặt tờ nhật trình xuống bàn, hỏi:

- Nào, con mua quyển gì cho mợ thế, chắc phải hay lắm.

- Thưa mợ, con chưa mua, vì con không đủ tiền.

Mợ không bằng lòng:

- Sao vậy? Bốn đồng kia mà?

- Vâng, nhưng con không ngờ sách ta bây giờ bán cũng đắt lắm.

Mợ lắc đầu:

- Không phải đắt, con nên nói là cao, vì công in và giấy hiện giờ tăng lên nhiều. Vả người làm sách đã tốn bao nhiêu công phu.

- Thế thì không mua là phải, vì phí tiền!

- Sao lại phí tiền?

- Vì chuyện hay sao được! Để con xem xong cuốn này, con kể lại cho mợ nghe, mợ mới thấy là con hà tiện đúng.

- Mợ không thích nghe, mợ chỉ thích đọc lấy. Vả sao con lại nói là hà tiện đúng.

- Mợ để tiền cho con mua sách tây, con vừa được học, mợ vừa được nghe chuyện.

- Nếu ai cũng như con, thì nghề viết văn của ta không thể sống. Nghề viết văn không sống, tức là Quốc văn không còn.

- Đành vậy nhưng đồng tiền bỏ ra mua sách sao cho xứng đáng mới được.

- Con muốn tiêu tiền xứng đáng. Vậy chưa đọc cuốn sách Quốc văn nào, con không nên khinh bạc thế. Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải là sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút của khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy.

Chỉ cảm động. Anh không đáp. Mợ đứng dậy mở tủ, đưa anh tờ giấy một đồng. Chắc mợ thấy anh ngậm ngùi, nên nói chữa cho anh vui vẻ:

- Nhưng dễ thường mợ đã bắt con làm việc vô lý. Là mợ toan ăn bớt tiền của con? Bốn đồng cậu cho là riêng của con, con có thể tự do tiêu dùng. Đây, tiền của mợ. Vậy con mua cho mợ một quyển.

Khỏi bẽn lẽn, Chỉ lại ra phố. Anh gặp Thân, bèn vồ lấy bạn, nói:

- Tôi nhờ anh chọn cho tôi một quyển tiểu thuyết ta rất hay.

- Chọn để mua à?

- Phải.

- Để dành tiền đấy, ít lâu nữa, sẽ có một bộ sách hay lắm. Bây giờ anh muốn đọc, thì về nhà, tôi cho mượn vài quyển.

- Nhưng tôi cần mua một quyển thôi.

Thân có ý nhạo:

- Anh cũng mua sách quốc ngữ à?

- Tôi mua cho mợ tôi. Nếu không mợ tôi mắng.

- Anh cứ nghe lời tôi mà chờ. Nếu mợ anh mắng, anh nói như tôi vừa bảo anh ban nãy.

- Nhưng có đích là sách hay không?

- Sao lại không? Tôi thấy trên báo quảng cáo thế, mà cậu tôi cũng quảng cáo thế.

Chỉ tin ngay, vì biết cha Thân làm báo và có xuất bản nhiều sách.

Anh đến nhà bạn.

Thân đưa Chỉ đứng trước một chiếc tủ to, bày rất thứ tự những cuốn sách đóng gáy da, in chữ vàng. Chỉ vui sướng khen:

- Cậu anh cẩn thận quá nhỉ. Nhà tôi cũng có tủ, nhưng sách của cậu tôi không thuê đóng đẹp đẽ như thế này.

Rồi Chỉ rất ngạc nhiên, vì thấy toàn sách Quốc văn. Có bộ đến ba cuốn, đo dày hơn gang tay. Anh càng lấy làm lạ. Có thể nào sách ta lại có những bộ vĩ đại thế được không? Anh hỏi bạn:

- Những sách này anh đã đọc chưa?

- Tôi mới đọc được ít quyển dễ. Còn nhiều quyển khó lắm, phải đủ trí thức mới hiểu nổi.

- Thật à.

Rồi anh trố mắt nhìn Thân, lại hỏi:

- Nhà anh có độ bao nhiêu sách Quốc văn?

- Có chừng một vạn quyển, nhưng vẫn chưa là đủ, vì cậu tôi không đủ tiền mua. Người ta tặng cuốn nào, cậu tôi có cuốn ấy mà thôi.

- Ồ, tôi tưởng sách ta độ vài chục cuốn là cùng.

Thân cười:

- Khi nào mình không biết rõ cái gì thì chớ nên đoán bậy. Anh vào đây tôi cho xem nữa.

Thân bèn dắt Chỉ sang buồng cạnh, có bàn giấy của cha. Chỉ thấy một chồng báo cao đến trần. Thân trỏ cái tủ ở cạnh:

- Đây để giữ các tạp chí đã đóng bìa.

Chỉ nhìn từng tập dày đóng nửa năm một. Anh thấy có đến bốn năm chục tên.

Một lát, anh nói:

- Tôi không ngờ, anh ạ. Mình cũng có nhiều báo, nhiều sách lắm đấy nhỉ.

- Nhưng thấm vào đâu với nước ngoài. Người ta có hàng triệu sách.

Chỉ mở tủ, lấy ra một quyển báo. Anh mở từng tờ để đọc qua các đầu bài. Rồi anh thở dài, cất trả vào tủ. Bỗng anh hỏi:

- Tại sao anh giỏi annamite thế?

Thân mỉm cười:

- Là bởi không bao giờ tôi dùng tiếng annamite để gọi hai tiếng Quốc văn.

- Tôi hỏi thực, anh đừng đùa nữa.

- Bởi vì tôi thích Quốc văn như anh đã thích Pháp văn.

- Anh làm thế nào để thích Quốc văn được.

- Lạ gì! Làm như cách anh đã làm để thích Pháp văn ấy!

- Nhưng Pháp văn khác, Quốc văn khác. Anh so sánh sao được. Pháp văn hay lắm chứ?

- Vậy tôi thấy Quốc văn là hay, nó hợp với tôi hơn.

- Anh cho tôi mượn vài quyển nhé !

- Được, hễ có thì giờ, anh cứ đọc. Rồi anh sẽ phục Quốc văn cũng như phục Pháp văn.

Chỉ tần ngần một lát, rồi nói:

- Thôi, tôi chẳng mượn nữa, vì mợ tôi gàn lắm, cứ bắt mua. Vậy anh bảo nên mua quyển gì nhỉ?

Thân ra tủ sách nhà ngoài nhìn một lượt, rồi lắc đầu:

- Sách hay không biết có còn hay hết rồi. Song, tôi cũng cứ biên cho anh ít tên. Nếu hết, anh đành mua những cuốn không được hay lắm vậy.

Rồi Thân lấy bút chì, ghi độ mười tên, chia làm hai hạng.

Quả nhiên khi Chi đi hỏi sách, hàng nào cũng đáp là hết. Thành thử anh không mua được cuốn nào của Thân mách, đành quay lại nhà bạn, mượn một cuốn hay nhất.

° ° °

Chỉ về hớn hở xuống bếp tìm mợ. Mợ nhìn nhan sách, gật đầu nói:

- Ừ quyển này mợ chưa đọc.

Anh lấy làm sung sướng vì đã hà tiện tiền cho mợ. Anh lại mách mợ rằng nhà Thân có rất nhiều sách, tha hồ mượn. Như vậy, mợ cứ việc đọc, không phải tốn đồng nào. Rồi anh phải lấy công, xin mợ chỗ tiền ấy để mua sách tây mới được.

Nhưng anh lạ quá. Mãi mợ không bắt đầu xem cuốn truyện anh mượn. Mợ không bận gì cả. Nhiều lúc rỗi, không có việc, mợ thơ thẩn ở ngoài sân. Trái với mọi ngày, bận lắm mợ ham đọc đến nỗi bỏ chậm cả công việc. Cho nên anh hỏi:

- Mợ chưa đọc cuốn truyện mới à?

Thì mợ chỉ đáp mỗi một tiếng:

- Chưa.

Rồi đến khi anh ngốn hết cả những truyện của anh, anh vẫn không thấy mợ bắt đầu đụng đến sách của mợ, dù mợ vẫn có nhiều thì giờ nhàn rỗi.

Một buổi sáng, cậu đi làm, anh mon men để tán tỉnh xin mợ thêm tiền mua sách. Anh nói:

- Mới có quyển roman, à quên tiểu thuyết hay lắm, mợ cho con vay hai đồng để mua.

- Con xin thì mợ cho, chứ vay thì bao giờ trả được.

- Có chứ, cuối tháng cậu cho tiền, con trả mợ.

- Cho tiền để con mua sách thì lúc nào cậu mợ cũng vui lòng.

Anh vui sướng quá, pha trò:

- Vả mợ cho con cũng chẳng thiệt nào, vì con đã tìm thấy một kho sách, muốn mượn cuốn nào cũng được.

Mợ vuốt đầu anh, mỉm cười:

- Mợ không thích đọc sách mượn, mợ chỉ thích đọc sách mua. Vì ngoài các thú được đọc, mợ muốn có ích cho cả tác giả.

Chỉ yên lặng, ngẫm nghĩ. Anh liếc nhìn cuốn tiểu thuyết của Thân vẫn nằm nguyên trên mặt tủ chè. Bây giờ anh mới hiểu ý mợ vì sao không đụng đến cuốn sách mà mợ chưa đọc lần nào. Anh nói:

- Thế thì lần này con mua đền mợ vậy. Nhưng con không biết chọn sách đâu.

Mợ mỉm cười:

- Đành rằng đọc sách thì phải chọn, bởi vì có sách có ích, có sách có hại, có sách hay, có sách dở. Nhưng đó là đối với hạng ít tuổi như con. Còn như đến tuổi cậu mợ bây giờ, thì đọc sách nào cũng không có hại, chỉ chẳng may gặp phải sách viết dở quá, thì cũng hơi bực mình mà thôi. Song, mình cũng nên lấy làm bằng lòng vì đã giúp ích cho một tác giả để khuyến khích viết cuốn sau....

Mợ móc túi lấy tiền đưa cho anh.

Lần này anh chiều ý mợ, mua hai cuốn sách quốc văn. Anh bảo của mợ một, của anh một. Kỳ thực anh đương mải xem hai cuốn truyện tây mượn của bạn. Anh đọc sách quốc ngữ chỉ sợ tiếc thì giờ, vì anh chắc chắn là nó không bổ ích gì cả.

Mấy hôm nay mợ sốt.

Cả ngày mợ nằm trong buồng, không ra đến ngoài.

Thày thuốc muốn mợ được yên tĩnh, bảo không cho em Nhật được chơi đùa gần chỗ mợ nằm, nên mợ càng buồn.

Chỉ vốn có hiếu, không mấy lúc anh rời mợ. Anh nói chuyện học và kể cho mợ nghe em Nhật ban nẫy vừa nói năng hóm hỉnh ra sao.

Anh sờ đầu mợ luôn. Thỉnh thoảng mợ nắm chặt tay anh, để lên môi, âu yếm nói:

- Dù mợ ốm đến đâu, nhưng thấy con ngoan ngoãn, săn sóc đến mợ, mợ cũng cố phải khỏi, cho con được vui sướng.

Rồi quả nhiên mợ cất cơn. Nhưng thày thuốc vẫn bắt mợ kiêng gió, không cho ra khỏi buồng. Thấy lúc nào Chỉ cũng băn khoăn, lo lắng, mợ nói:

- Hôm nay mợ khỏi rồi, từ mai, mợ không nằm nữa, mợ sẽ đi lại như thường. Thôi, con cứ ra ngoài chơi với em.

Chỉ nhìn mợ, đặt tay vào má mợ:

- Không, con chả chơi với em. Con ở đây cho mợ vui.

- Mọi khi con không rời quyển sách, mấy hôm nay hẳn chẳng được chữ nào.

- Nghỉ hè, đọc được gì thì đọc, chẳng có thì chơi, ai bắt, con chỉ cần ở cạnh mợ luôn.

Mợ mỉm cười đáp:

- Con tôi ngoan quá.

Rồi chợt nghĩ ra, mợ tiếp:

- À, cuốn sách hôm nọ, mợ xem chưa hết , vậy con đọc cho mợ nghe đỡ buồn nhé.

Tuy là sự miễn cưỡng, nhưng không bao giờ Chỉ nỡ từ chối mợ, nên đáp:

- Vâng.

Anh uể oải đứng dậy, đi lấy cuốn sách. Anh chán nản mở từng tờ. Anh nhìn sách như nhìn kẻ thù giết hại thì giờ của anh. Song, anh chắc mợ chỉ nghe độ hai ba trang thì mệt, anh sẽ được nghỉ. Anh hỏi mợ:

- Mợ đọc đến đâu rồi:

Mợ tìm trang, nhưng nói:

- Thôi, con cứ đọc từ đầu, mợ nghe lại cũng không sao. Mợ muốn con cũng hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Chỉ mở trang cuối, xem chữ số đề rồi thở dài:

- Ngót ba trăm trang!

Mợ hiểu ý, nói:

- Con đọc nhanh, cũng chóng xong. Nhưng đến đâu thấy mỏi, hoặc thấy chán thì nghỉ. Mai mợ khỏi thực, mợ không phải nhờ con nữa.

Chỉ bắt đầu đọc. Trang đầu, anh không chú ý, nên mắt nhìn miệng đọc, mà trí để đâu ấy. Anh chẳng nhớ gì truyện, chỉ cốt đọc cho nhanh.

Đến trang hai cũng vậy. Nhưng đến hết trang ba, mợ ngắt lại, nói:

- À, truyện này chắc hay. Người ta tả khéo nhỉ.

Lúc ấy Chỉ mới hơi để ý. Anh nhìn chậm rãi, nghiền ngẫm từng câu. Bấy giờ anh đọc mới thành mạch lạc, rõ ràng, và thấy có hứng thú.

Vừa lúc đó, vú già vào hỏi mợ muốn ăn gì. Nhân lúc mợ dặn dò vú, anh mở lại các trang trước để xem, cho hiểu câu truyện. Thì ra anh nhận thấy tác giả viết khéo lắm. Câu văn vừa sáng sủa, dễ hiểu, không có đoạn nào cầu kỳ, khiến anh chán nản được. Vả lại truyện kể lại có duyên, nó như có sức lôi cuốn anh, nên anh càng chăm chú. Thế là anh bắt đầu lấy làm khoan khoái.

Khi vú ra, anh đọc nối cho mợ nghe. Và từ lần này, anh để ý đến những trang anh đọc.

Đó là một người lính thợ An nam, hồi Đại Chiến trước tòng chinh sang Pháp, nay về làng thì vừa gặp lúc mẹ già ốm nặng.

Đoạn tả tâm sự người lính khi trở về làng, làm anh thấy hăm hở. Đoạn tả cái buồng tối tăm của bà già nằm rên rỉ, làm anh cảm động, lạnh cả gáy.

Đọc đến trang thứ chín, thứ mười, anh thấy khô cổ. Anh dừng lại, uống chén nước. Mợ ái ngại, cầm lấy sách:

- Thôi, hình như con mệt rồi thì phải.

Nhưng vì anh đã ham câu chuyện, nên đáp:

- Không ạ.

Và anh vẫn đọc nối.

Đến trang hai mươi, đoạn tả hai vợ chồng bàn tính việc làm ma mẹ, nó hoạt- động quá. Anh như được trông thấy cảnh ấy ở trước mắt. Cổ anh lại khô, nhưng anh cố đọc, anh đọc mãi đến trang hai mươi bảy mới nhấp giọng.

Nhưng mợ giật hẳn lấy sách:

- Con mệt rồi, chớ cố mà có hại. Để lúc khác mợ xem một mình cũng được. Vả bây giờ mợ muốn nằm nghỉ.

Anh thất vọng, nhìn cuốn tiểu thuyết gấp trên tay mợ.

Mợ nói:

- Cho con ra ngoài chơi. Bảo em đùa khẽ nhé.

- Vâng.

Rồi anh đắn đo mãi mới dám nói:

- Mợ cho con mượn sách.

Mợ nhìn anh. Hẳn mợ ngạc nhiên lắm. Được cuốn tiểu thuyết, anh vui sướng, rón rén ra ngoài, vào bàn giấy cặm cụi xem nối.

Anh đọc mê man. Vì câu chuyện hay lạ.

Đến bữa, anh phải bất đắc dĩ đi ăn, nhưng cố gượng xem thêm được nửa trang. Rồi vừa buông bát đũa, anh đã vớ ngay lấy sách để đọc nối, giấu cậu. Anh sợ cậu biết, sẽ bị mắng,vì cậu vẫn khuyên làm việc có giờ giấc, nhất là khi ăn xong, phải nên nghỉ ngơi.

Càng đọc anh càng ham. Đến tối anh bật đèn cạnh giường để đọc. Chín giờ là giờ ngủ, anh đã đến quá nửa quyển, nhưng phải tắt đèn đi. Anh trằn trọc, nghĩ mãi về những nhân vật, và đoán kết cấu câu chuyện. Anh mong chóng đến sáng, để xem nốt. Anh thương vợ người lính tốt bụng mà bị long đong. Anh phục ông bác người lính là kẻ cả, biết cần kiệm cho cháu, và nhất định bỏ những hủ tục nó làm cho người ta điêu đứng.

Rồi hôm sau, anh dậy thực sớm. Rửa mặt xong, anh đọc sách liền.

Khi thấy tiếng mợ, anh mới vào buồng hỏi thăm. Mợ bảo mợ sẽ dậy, để ra nhà ngoài. Anh khoe với mợ cuốn truyện thì mợ cho anh xem trước, và không bắt đọc nữa.

Cho nên anh lại miệt mài vào những trang giấy. Anh xem rất nhanh. Chỉ vài phút xong một trang.

Trước giờ ăn, anh đã xong cả quyển.

Anh gập sách lại, bâng khuâng.

Rồi đến bữa cơm, anh thấy mợ ngồi ở bàn, nên càng vui vẻ:

- Mợ ạ, sách hay lắm.

- Con đã đọc hết rồi à?

- Vâng.

- Chóng nhỉ.

- Vì chuyện hay, nên đọc ham, chóng hết.

Cậu hỏi:

- Câu chuyện thế nào?

Anh kể từ đầu đến đuôi cho cậu mợ nghe, không có sót chỗ nào. Khi đến đoạn kết, cậu bĩu môi, nói:

- Thế thì có gì là hay.

Anh tức, cãi:

- Hay lắm, thế là hay lắm. Truyện tây cũng đến thế là cùng.

Cậu tủm tỉm, vờ ngạc nhiên:

- Truyện ta viết hay sao bằng truyện tây. Đọc phí thì giờ, mua phí tiền, con ạ.

Chỉ biết cậu nhạo, cười lạt. Mợ vỗ vào má anh nói:

- Thế từ nay con còn khinh tiếng ta nữa hay thôi.

Anh bẽn lẽn:

- Tại con chưa đọc cuốn nào. Trước kia con dại dột, và nhắm mắt nói liều. Từ nay con nguyền rủa những người nói thế.

Cậu gật gù:

- Cho nên chưa biết thì đừng nói một cách hàm hồ. Từ nay hẳn con đã khôn ngoan, biết tin và yêu tiếng ta.

- Và con còn lấy làm kiêu ngạo rằng Quốc văn còn tiến bộ đến chỗ hoàn toàn.

Mợ đùa:

- Nếu thế thì nhà ta có phúc lắm nhỉ.

Anh ngậm ngùi:

- Rồi con sẽ đọc, đọc rất nhiều sách Quốc văn.

Cậu vỗ tay.

Rồi cậu mợ cùng cười rầm, Chỉ vui sướng, cười to hơn. Em Nhật nhấp nhổm trên ghế, cũng cười. Và vú già, vừa đánh cháy vừa mủm mỉm.

• 1942

----------------------------------------
[1]. Rédaction: bài luận.
[2]. Manger: Ăn.
[3]. négliger về français: chểnh mảng về Pháp văn.
[4]. petit frère de Tùng: em trai của Tùng.
[5]. deuxième question: câu hỏi thứ hai.
[6]. déclarer vaincus: Tuyên bố thua cuộc.
[7]. Pardonner: tha thứ.
[8]. tranquille: yên tâm.
[9]. bonne santé: sức khỏe.
[10]. ma mere: mẹ.
[11]. malade: đau.
[12]. refroidissement: bị lạnh.
[13]. Rétablie: Khỏe.
[14]. A bientôt: tạm biệt.





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng ảnh - Bản của tuần báo Truyền bá số 38 2/7/1942 - NXB Tân Dân HaNoi

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Báo Truyền bá số 38 2-7-1942


Bản của Nhà xuất bản trẻ - 1998





Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉