Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Quả mít



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời đọc Bản đánh máy

Quả mít

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)

Đã mấy tháng nay, một hôm dạo quanh phía frong hàng rào huyện, bỗng bà lớn mừng rú như người bắt được của. Bà lớn dừng lại, gọi lính rối rít. Ở đằng sau trại lệ, tức là chỗ bà lớn đứng, giáp ngay với rặng trông-trà có một cây mít của nhà hàng xóm. Cây mít ấy rất sai, và, thích quá, nhu nhú ở thân cây, có một quả mọc chồi qua mắt rào sang phía huyện.

Bà lớn ngắm nghía quả mít xỉnh xình xinh to vừa bằng nắm tay trẻ con. Rồi lúc tên lính chạy ra, bà lớn chẳng dấu diếm gì sự nghĩ ngợi nó đương làm bà vui sướng. Bà trỏ tay, nói:

- Quả này mọc thế này, thì bên kia nó không trông thấy đâu, nhỉ mày nhỉ?

Anh lính chắp tay, ngó nghiêng để ướm nhìn, rồi đáp:

- Dạ.

Bà lớn tươi tỉnh, gật đầu.

- Ừ, thân cây thì to, mà quả thì mọc lấp thế này kia mà.

- Dạ.

Rồi cũng ngó nghiêng đề ướm nhìn, bà lớn lại hỏi:

- Mày thử nghĩ xem, liệu nó có trông thấy được không nhỉ?

Anh lính soa hai bàn tay vào nhau, đáp:

- Bẩm không ạ.

- Ừ, tao cũng chắc thế, gốc nó mọc áp ngay vào hàng rào thế này kia mà.

Rồi ngẫm nghĩ một lát, bà lớn đắc trí cười:

- À, thế ra có chịu khó tìm tòi cũng có hơn, thế là được lợi quả mít.

Anh lính mỉm cười:

- Dạ.

Bỗng bà lớn hỏi:

- Cây ấy của nhà đứa nào thế, mày.

- Bầm bà lớn, nhà Tư Húi ạ.

- Mít mật hay mít dai, mày có biết không?

- Bầm mít mật, ngon nhất phố huyện đấy ạ.

Bà lớn sung sướng cười:

- Ồ, thế thì tốt lắm. Mày gọi cai việc ra đây cho tao.

Anh lính nhanh nhẩu chạy vào, và một lát theo bác cai ra chỗ bà lớn đứng. Bà lớn trỏ tay, dặn:

- Anh cai tôi súy quả mít này đây nhé. Anh phải bắt lính tráng trông nom cần thận, hễ mất, tôi cứ anh đấy.

Bác cai ngơ ngác, hỏi:

- Bẩm đây là cây của nhà Tư Húi.

Bà lớn cau mặt:

- Nói khẽ chứ khỉ! Đành vậy, nhưng bên nhà nó không trông thấy. Mà quả mọc sang địa phận mình thì mình có phép lấy chứ lị.

- Bầm con sợ đến lúc quả chín, nó sang chặt, thì con biết bảo nó thế nào.

Bà lớn nhíu đôi mi, mắng:

- Anh ngu lắm. Anh thử nghĩ xem nó thò dao vào đằng nào mà chặt được?

- Bẩm con tưởng nó sang bên trại chứ.

Bà lớn gắt:

- Vậy anh phải bảo lính cơ, cấm không cho nó vào huyện nữa. Mà bổn phận anh coi trại lệ, anh không ngăn được nó bén mảng vào đây hay sao?

Bác cai gãi tai, toan đáp, nhưng bà lớn đã chặn họng: 

- Ấy tôi đã súy quả này rồi đấy, để tôi về trình với quan ông. Mà tôi phân vua giao cho anh trông coi, có cả thằng này biết đấy nhé.

Nói đoạn, bà lớn lại dạo bước đi, đi để nếu có một thứ hoa quả nào - hay cả con gà con qué nào nữa, biết đâu - của nhà dân vô phúc tơ mơ sang địa phận nhà quan thì bà lớn súy trước.

*
*     *

Quả mít ấy to dần. Hôm được hân hạnh lọt vào mắt xanh của bà lớn, thì nó mới bằng nắm tay trẻ con. Dần dần, nó to bằng nắm tay người lớn. Rồi dần dần nữa nó to bằng nắm tay ông hộ pháp trên chùa. Gai nó đã lớn và bớt xanh. Nó đã đến tuần cập kê. Độ dăm hôm, bà lớn - và có khi cả quan lớn nữa - lại đến thăm một lượt. Mà cái chỗ quý nhân hay đề gót tới, thì tất nhiên nó phải sạch sẽ hơn. Do sự thỉnh thoảng được nhìn thấy mặt hoa da phấn, nên cây cỏ nơi này tránh được nỗi hàng ngày nhận những vật rắn vật lỏng làm khổ mũi của bộ phận thô tục đen đủi của lũ lính lũ dân. Bởi vì quan ông đã ra lệnh cho cai việc cấm phóng uế phía đằng sau trại.

Mỗi lần bà lớn đi thăm quả mít của bà lớn về, thì quan lớn lại vui vẻ hỏi:

- Đã cắt về được chưa?

Rồi quan lớn lau đôi mắt kính, tỏ vẻ lo lắng, nói:

- Cứ cắt rồi đóng cọc mà phơi ở sân nhà, chứ không, lỡ có đứa nào tham tâm, nó ăn cắp mất thì hoài.

Bà lớn đỏng đảnh, đáp:

- Sao ông dở thế, đứa nào dám ăn cắp quả của mình đã nhận!

*
*     *

Thế mà có đứa dám ăn cắp. Đứa ấy dám ăn cắp chẳng phải nó trêu hay thù bà lớn, nhưng vì nó đói. 

Có một thẳng dân đen bị quan bắt giam trong trại từ sáng về tội... (tội quái gì không được). Thằng khốn nạn không được ai cho ăn. Nó đã đói, mà những thứ nó chứa trong dạ giầy từ sớm cứ bị bộ máy tiêu hóa tốt của nó đẩy xuống, nên nó phải xin bác cai cho phép đi làm sự cần dùng.

Nhưng bác cai trỏ tít ra tận bờ ao, và dặn:

- Có đi thì ra đẳng kia, chứ đấy có quả mít của bà lớn, bà lớn ra thăm luôn, mày làm bần lối đi thì chớ chết.

Thằng dân thấy nói có quả mít thì lập tức nó nghĩ ngay đến việc bất chính. Nó phải soáy đề ăn cho đỡ lòng.

Cho nên khi được ra ngoài, đến đầu trại, nó liếc về phía cây mít. Thấy một quả rất có vẻ khiêu khích, nó mừng thầm. Dạ giầy bảo tức là Trời bảo.

Vì vậy, chờ cho đêm khuya, nó kêu đau bụng đề lại xin được phép ra ngoài. Và lần này, nó lẩn ngay về sau trại, chẳng đắn đo gì hơn, dơ ngay bàn tay thô lỗ ra bẻ quả mít đương hơ hớ, rồi dận chân lên để bửa ra. Song, ác hại thay múi mít vẫn còn xanh, nó ăn chát lè, không sao nuốt được. Nó đành vất đấy, và về trại.


*
*     *

Việc mất mít, đáng lẽ nhà Tư Húi phải chửi rủa rầm rï lên mới phải, nhưng đằng này không. Sáng hôm sau, theo lệ thường, bà lớn đi thăm quả của bà lớn, thì khi thấy mít bị bửa ra, vứt lỏng chỏng trên mặt đất, thì bà lớn choáng người như đứa con có hiếu nhận được giây thép báo cha chết. Bà lớn lặng đi đến một phút, rồi thét:

- Cai việc đâu! Đứa nào lấy mất quả mít của tao rồi.

Cai việc chạy vội ra sợ sám mặt, không biết đáp sao. Bà lớn nhẩy lên chồm chồm như điên cuồng:

- Tao thì bẩm với quan ông cách cổ mày đi. Làm cai mà coi quả mít không nồi, thì giặc đến huyện, chúng bay làm thế nào. Chính chúng bay lấy của bà! Đồ ăn cắp, đồ khốn nạn!

Rồi không thể đứng lâu trước những mảnh mít mỉa mai nó cứ nhăn răng ra cười nhạo, bà lớn phải về vội nhà tư, và gọi cai việc đi theo. Bà còn phải hành tội vì chưa thỏa cơn giận. Bà ngồi trên ghế, nhìn bác cai bằng đôi mắt long sồng sộc, đập bàn, gắt:

- Đồ chó, đồ đểu, nó đã mùi vần gì mà chúng bay cũng tham tâm vặt xanh vặt chín nó. Nó có bận đến mả ông mả cha mày hay không. Mày làm thế mà không sợ phải tội lòi mắt ra à. Thà rằng tao không súy trước nó, ừ thì thôi, đứa nào ăn thì ăn, tao không dữ, nhưng nó là hạng mít mật, ngon nhất huyện, cả quan ông lẫn tao cũng thích ăn, thế mà chúng mày dám hỗn. Ra quân này đồ ba que thực.

Chờ bà lớn nói một hồi, cai việc mới dám thưa: 

- Bẩm lậy bà lớn, quả chúng con không dám bẻ. 

Bà lớn lại nổi tam bành, the thé quát:

- Không phải chúng bay thì là chó. Mày còn già mồm cãi à. Công tao để dành, trông nom từng ấy ngày. Này, tao bảo, có khôn hồn thì đền tao đồng bạc, không thì tao nói với quan ông tống cổ cả lũ.

- Lậy bà lớn thương cho, của bà lớn giao, chúng con không giám tắt mắt. Chúng con vẫn trông nom cẩn thận.

- Cẩn thận mà mất! Mày đừng láo! Ra "Bạc là dân, bất nhân là lính" thực. Bà mặc kệ mày, không đền không xong với bà.

- Lậy bà lớn, thực oan con quá.

- Thế đêm qua những đứa nào canh, đem mà trẻ sác chúng nó ra.

- Bẩm có tên Trí, tên Toại, tên Lương, nhưng mà...

- Thế thì mày với ba đứa kia, mỗi đứa góp hai hào rưỡi đền tao. Quả mít ấy lại không đáng đồng bạc à.

*
*     *

Lậy van hết lời mà bà lớn nhất định cương quyết, bác cai phải nhận đền cho yên việc.

Nhưng may làm sao, hôm ấy lại là ngày phiên chợ, có bán nhiều mít. Cho nên bác cai bảo vợ ra mặc cả mua lấy một quả, của nhà Tư Húi vừa to vừa chín, lại vừa rẻ có ba hào.

Anh em mừng thầm, vì phải góp mỗi người có gần tám xu, rồi cai việc khênh mít vào sân nhà tư trình bà lớn.

Ý chừng bà lớn rất vừa lòng.

- Lậy bà lớn, quả này chính ở cây nhà Tư Húi. 

Bà lớn gật gù, ngồi sổm xuống, lăn đi lăn lại, hít mãi mùi thơm, rồi sau hết, thấy chỉ có phần lợi, bà lớn tươi tỉnh gật đầu:

- Được.

Bác cai sung-sướng chắp tay nói:

- Dạ.

Bỗng bà lớn sực nghĩ ra một điều thiệt, bèn hỏi:

- Đích mày mua của nhà Tư Húi?

- Dạ, con không dám kêu man.

- Được, rồi tao cho hỏi, bao nhiêu tiền, mày nói cho đúng. Hễ không phải thì chớ chết.

Muốn tỏ sự ngay thực cai việc thưa:

- Bầm ba hào ạ.

Nhưng bất đồ bà lớn quắc mắt nhìn bác cai, khiến bác này luống cuống, không hiểu. Nhưng bà lớn làm ngay cho bác hiểu bằng câu hỏi rất chơn chu:

- Đâu, thế còn của tao bẩy hào nữa đâu?

- Dạ, lậy bà lớn, con tưởng...

- Tưởng thế nào tưởng thế, tao bắt đền đúng đồng bạc kia mà. Muốn sống muốn tốt thì đưa nốt bầy hào đây.


Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 276, 16 Tháng Chín 1939


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 276, 16 Tháng Chín 1939





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF

Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 276, 16 Tháng Chín 1939


Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉