Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Hai bức biếm họa về tết của NGUYỄN CÔNG HOAN


Hai bức biếm họa về tết
của NGUYỄN CÔNG HOAN

Vương Trí Nhàn

Từ ảo tưởng hão huyền
đến cố thây trắng trợn


Hình ảnh méo mó của một lớp người cầm bút tiền chiến

Cái tết của những nhà đại văn hào là tên môt truyện ngắn không có trong các tuyển tập Nguyễn Công Hoan gần đây. Đầu năm Canh Thìn (tức đầu 1940), nhà văn đã viết truyện ngắn này cho một số báo Tết đương thời. Cũng như những Một tin buồn, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Thế là mợ nó đi Tây – cái tên đặt cho thiên truyện có ý nghĩa mỉa mai. Thực chất, nó kể lại một cái tết nhếch nhác thảm hại của mấy người làm nghề cầm bút trước 1945.

Mở đầu thiên truyện là nỗi hí hửng của thi sĩ Vũ.
Đang lo không biết sống sao cho qua mấy ngày tết, anh chợt nghĩ ra một lối thoát: đến ăn chực ở nhà cây bút tiểu thuyết Lê. Nhưng Lê cũng đang trong cảnh túng quẫn. Cả hai bèn nghĩ ra mẹo là rủ nhau nhảy dù đến nhà kịch sĩ Trần. Anh này cũng đang đói nốt, nên nhập ngay với Lê, Vũ, thành một bọn giong tàu điện về ám nhà Nguyễn.
Song nhà Nguyễn cũng không khá gì hơn, vợ Nguyễn đi xoay món nợ khẩn chưa về. Đã tới bước đường cùng cả bọn không còn biết đi đâu thành ở đấy báo vạ. Cho đến sáng mùng một, “Cả nước Nam mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đang vui vẻ ăn Tết” thì bốn anh em vẫn “nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy”. Họ chỉ có cách “ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành và nói những chuyện văn chương” cho hết thì giờ.
Từ thiên truyện, cái ý nghĩa đập vào mắt mọi người đã quá rõ. Khi người trí thức kiếm chưa đủ sống, thì không ai có quyền đòi hỏi ở họ lòng tự trọng, chí tiến thủ, nỗi lo đời – cùng là đủ thứ phẩm hạnh cao quý khác. Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo – cái nghèo đã thành gia truyền trong các gia đình trí thức, từ thời Nguyễn Công Trứ (Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no”) đến thế hệ Tản Đà, Nguyễn Công Hoan…-- vẫn còn nguyên vai trò của nó. Nó là nguồn gốc của bao nhiêu chán chường oán giận thất vọng cay đắng từng đến trong lòng mỗi người. Hơn thế nữa, khôn ngoan đến cửa quan mới biết - giàu có đến ba mươi tết mới hay, cảnh tết “ngủ trừ bữa” của những Vũ, Lê, Trần… ở đây còn làm bộc lộ mấy căn bệnh độc ác đang hoành hành trong giới cầm bút bấy giờ.
Một là tâm lý A.Q, tự mình lừa mình. Trong cảnh khốn quẫn, họ tự an ủi “nghề của mình là nghề cao thượng nhất vì nó thật thà nhất… Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội này. ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm và giỏi nói dối với nói phét” Nghiêm khắc mà xét, phải nói đó là những ý tưởng hàm hồ: chính trong nghề văn không thiếu những kẻ dối trá, nịnh nọt, làm đủ việc độc ác để tiến thân, khiến người ngoài nghề không thể tưởng tượng nổi là có lúc họ đã viết nên bài thơ này cuốn tiểu thuyết nọ.
Nhưng thôi, cứ tạm cho qua. Lúc nghe thi sĩ Vũ bảo: “cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, người ta mới thấy họ đã đi tới cùng của lối tự mê hoặc, tự tạo ra những ảo tưởng hão huyền. Giá Vũ, Lê,Trần là những nhân vật có thực và đến nay còn sống, chắc họ sẽ thấy chả có thứ lịch sử văn học thế giới nào rỗi hơi nhắc tới những cuốn sách nhảm nhí cùng là ghi lại cảnh nghèo túng quẫn bách của họ cả.

Hai là, do đã bị cuộc sống hành cho khốn đốn quá lâu, ở những Vũ, Lê, Trần, Nguyễn này dần dần nảy sinh ra tâm lý cố thây trắng trợn mà họ không tự biết. Đây chính là lời Vũ bàn trên đường “hành quân” đến nhà Nguyễn:
- Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói được. Nó không có nhà đã có anh em nó tiếp chúng ta. Và nếu không gặp ai, chúng mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hất hủi ba nhà đại văn hào à?
Còn đây là lời Nguyễn nói với các bạn.
- Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao, thì tao tống cổ bây giờ.
Cái giọng rất phũ ấy, một nhà văn – nếu thật sự là một trí thức – không có quyền nói, dù là nói đùa: ở đây, nhân vật không hoàn toàn đùa, đây là nửa đùa nửa thật! Lại nữa, một câu tuyên ngôn của cả bọn: “Chúng ta là những đại văn hào chúng ta không cần gì hết”. Câu nói thoạt nghe vô thưởng vô phạt, nhưng ngẫm cho kỹ, thấy không được. Tư tưởng của các nhân vật lúc này đã đi gần tới sự hư vô, với họ chúa đã chết không còn gì là linh thiêng phải giữ gìn nữa.
Từ thằng ăn cắp, anh lính gác đến các viên công chức quèn rồi các điền chủ phất lên thành hàn nọ, nghị kia, các quan phủ, quan huyện… nhân vật của Nguyễn Công Hoan thường có một số nét chung: trắng trợn, bất cần, những cách nghĩ của bọn lưu manh. Lúc đầu, nhân danh cái nghèo, họ cho phép mình làm đủ thứ xấu xa, miễn sao sống sót. Về sau đã có danh có lợi rồi, thói quen suy nghĩ của bọn du thủ du thực trộm cắp lừa đảo vẫn còn nguyên trong họ.
Với Cái tết của những nhà đại văn hào, người đọc lại bắt gặp chất lưu manh ấy trong lớp người làm nghề thoạt nghe rất sang trọng là nghề cầm bút. Thật rõ – nhân vật nào của nhà văn ấy. Trong khi mang dấu ấn riêng của Nguyễn Công Hoan, thiên truyện đồng thời phác ra một cách chân thực hình ảnh một lớp trí thức quặt quẹo được hình thành trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ này với những căn bệnh vô phương cứu chữa của họ.






Cái nạn mừng tuổi

Câu chuyện mồng một đi chúc tết nhau

Ngòi bút tác giả Oẳn tà roằn vốn nhạy cảm với những gì là phi tự nhiên, éo le, kỳ cục. Trong những sáng tác viết về tết, thói quen ấy vẫn được ông khai thác triệt để. Sở dĩ một thiên truyện như Người ngựa và ngựa người để lại trong bạn đọc cái dư vị chua xót là do nó đã nêu lên một nghịch cảnh mà trong những khi bận rộn tết nhất, người ta ít để ý: ấy là giữa lúc thiên hạ náo nức vui tết với gia đình, có những kẻ vẫn phải lang thang kiếm sống. Và tình thế lại càng thê thảm hơn, khi xảy ra cảnh đò nát đụng nhau, tức là trong cơn tuyệt vọng, hai kẻ khốn khổ đó (ở đây là một phu xe ế hàng và một nhà thổ không bói ra khách) còn lừa lọc nhau, rút cục là người nọ làm khổ người kia, và đứng ngoài nhìn, chúng ta chỉ có cách cười ra nước mắt.
Trong một truyện ngắn mang tên Năm mới tôi mừng ông (in trong một tập sách tết, 1943) Nguyễn Công Hoan lại trình ra một cảnh trớ trêu khác. Lần này, ông lấy một chuyện chính ông đã trải để kể với bạn đọc.
Ấy là một lần, đúng mồng một tết, ông tới thăm nhà một đồng nghiệp dạy học tên là Định. Người này với ông không thật thân nên không mấy khi ông đến chơi. Mà ông lại không nhớ số nhà, chỉ ang áng quãng ấy quãng ấy.
Vào cửa, ông được con sen trong nhà tưởng là khách quen nên mời ngay lên gác để gặp chủ và trong khi đang lên cầu thang, ông được chủ mời làm một chân tổ tôm. Nghe tiếng, đã hơi ngờ ngợ, đến lúc chủ nhà ngẩng mặt lên, mới biết đã vào nhầm nhà, đành xin lỗi quay ra. Lúc ông xuống thang còn nghe chủ nhà mắng đầy tớ:
- Con ranh con, cửa cứ mở toang, ông Hoan đấy chứ, giá là kẻ gian thì có chết không?
Đến nước này, tự nhiên tác giả cảm thấy bẽ bàng vô hạn: “Như bị một phát đạn nữa, tôi vội vàng trút trả miếng trầu và điếu thuốc lá, cút thẳng một mạch”.
Kể ra đây cũng là một tình thế trớ trêu, mà người ta ai cũng có thể gặp, nhất là những khi sơ ý.
Có điều, đằng sau câu chuyện mua vui, cái dụng ý của Nguyễn Công Hoan trong thiên truyện này ở ở chỗ khác. Mặc dù là một người ghét lý luận, lại càng ghét sự dông dài trong khi thuật truyện, song trước khi kể lại cái “kỷ niệm để đời” nói trên, Nguyễn Công Hoan vẫn để ra một đoạn dài gọi là trữ tình ngoài đề mà chúng tôi muốn chép lại đầy đủ như sau:
“Tối ba mươi tết năm ấy, tôi cố xong tất cả các công việc để đến hôm sau, chịu cái tai nạn nó làm mất cả ngày: nạn tiếp bạn đến mừng tuổi và nạn mừng tuổi bạn.
Sự đi mừng tuổi nhau hôm mùng một đầu năm thật là một cái nạn. Còn gì khổ cho bằng phải tiếp những người hoặc đi đến nhà những người quanh năm chẳng gặp nhau lần nào, trừ tết nguyên đán. Chuyện đã chẳng có gì để nói, mà cứ phải cười gượng, nịnh nhau sằng, rồi mắt trước mắt sau chỉ muốn chuồn cho mau đến nhà khác để cũng làm cái công việc nhạt nhẽo ấy. Còn gì dơ dáng cho bằng mình vừa ở nhà một ông bạn chẳng thân gì, đã không có chuyện để nói, mà độ nửa giờ sau, ông bạn ấy đã lại nghễu nghện đến nhà mình cũng chẳng để nói một chuyện gì hơn là để mình khỏi trách là xử quỵt.
Cho nên, ngày mồng một tết, ở nhà nhưng nói dối là đi vắng, tức là đã làm một việc nghĩa rất to tát. Nhiều ông chỉ cần dò xem mình không có nhà lúc nào là đến tót ngay, để quảng lại trên bàn tấm danh thiếp rồi đi cho mau, để lại quẳng vào nhà khác tấm danh thiếp. Đến nhà người ta mừng tuổi mà được chủ đi vắng, nhiều người cho là một sự may.

Vậy mà lối giao thiệp giả dối này lại rất cần cho những chỗ bè bạn sơ sơ. Vì quanh năm chẳng đến nhà nhau, hôm mồng một tết cũng chẳng đoái hoài đến nhau nốt, ấy là tỉnh bằng hữu đi đứt”.
Không chỉ các nhà nghiên cứu mà trước tiên, bản thân Nguyễn Công Hoan đã chú ý tới một nét tiểu sử nó quy định tính cách con người ông. Ấy là ông xuất thân từ một gia đình phong kiến có nền nếp, thứ phong kiến thanh đạm, biết giữ đạo trung dung, và thường có một chút bảo thủ trong cách nhìn nhận sự đời.
Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, thì gần như đã thành một quy luật ở ông: “Nếu có quan hệ đối lập giữa nam và nữ thì ông đứng về phía nam. Giữa bố mẹ và con cái thì ông đứng về phía bố mẹ. Giữa vợ cả và vợ lẽ thì đứng về phía vợ cả”.
Thế thì giải thích làm sao cái trường hợp phá cách nói trên, nghĩa là thái độ ngán ngầm ra mặt của ông với một nghi lễ thiêng liêng và phổ biến trong ngày tết? ở đây, chúng ta phải đối chiếu giữa nghi thức và cái cách người ta thường tiến hành nó để cùng nhận chân ra một sự thực:
Nghi thức ra đời và tồn tại là để bảo đảm tính chất trang nghiêm của một buổi lễ.
Trong những quy định đôi khi rườm rà, cổ nhân cốt lưu ý con cháu rằng đây không phải là một chuyện thông thường mà là một dịp đặc biệt. Các nhà nghiên cứu về Nho giáo thường nói lễ là để bày tỏ cái thành ý, kính ý. Trong cuốn sách viết về Khổng Tử, từ con mắt nhìn của con người hiện đại, Nguyễn Hiến Lê cũng nhấn mạnh “các nghi thức mà ngày nay chúng ta cho là phiền phức chính là có mục đích phát dương những tình cảm đôn hậu của ta”.
Tuy nhiên, là một sản phẩm của lịch sử, nghi thức cũng không tránh khỏi một tình trạng mà ngày nay, ta gọi là sự tha hoá, tức là hình thức không đi kèm với nội dung, và ở một số người trong một số trường hợp, sự cảm động thiêng liêng càng ít thì nghi thức càng trở nên cầu kỳ rắc rối. Nghi thức trong những ngày tết cũng không tránh khỏi sự biến dạng đó. Sự thực này không lọt khỏi con mắt quan sát tinh quái của Nguyễn Công Hoan. Trong ông không chỉ có con người trọng lễ giáo mà còn có con người thực sự cầu thị, chán ghét mọi chuyện phi tự nhiên, giả dối, cho nên ông đã lên tiếng. Mà khi đã nói, thì ông nói khá phũ, đến mức như là hơi trắng trợn nữa.
Về phần mình, giờ đây đọc lại thiên truyện, chúng tôi cho rằng một mặt nghi thức rất cần, bao giờ cũng cần, mặt khác, những gì quá ư cầu kỳ mà lại vô bổ nên được xem xét lại. Và nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên tiến hành nghi thức một cách giả tạo.
Với lối nói có phần cực đoan của mình trong thiên truyện nói trên, Nguyễn Công Hoan còn kể là ông chia bạn bè ra làm bốn loại:
“Hạng nhất là các bạn quen xoàng hoặc hay giận
Hạng nhì là các bạn quen xoàng nhưng đại lượng.
Hạng ba là các bạn thân vừa
Hạng bét là các bạn thân”.
Và mỗi năm ngày mùng một tết ông cư xử như sau:
”Tôi chỉ cần đi chúc tết các bạn hạng nhất, còn từ hạng nhì trở đi, không tết năm nào tôi xử lại sòng phẳng”.
Chúng tôi chép đoạn văn này ra đây, không phải để… khuyện bạn đọc làm theo, mà là để bạn đọc tham khảo và tìm ra cách đi chúc tết tốt nhất và phù hợp nhất với bản thân.





Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

Đêm cuối năm thương xót những phận người


Đêm cuối năm thương xót những phận người

Nguyễn Văn Luyện
(Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 4 – Thanh Hóa)


GD&TĐ - Thời khắc Giao thừa giữa năm mới và năm cũ, người người hân hoan tống cựu nghinh tân, những mong nàng xuân vui gõ cửa, nhà nhà đoàn tụ ấm êm.

Song đâu đó, còn ẩn khuất những cảnh đời trôi nổi, xót đau, ước mong sum vầy chỉ như món quà xa xỉ. Đọc lại câu chuyện về phận người “Tối ba mươi” của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam gần trăm năm về trước, nhân gian vẫn khắc khoải niềm thương, chan chứa những niềm đau.

Kiếp người ngựa
Danh thơm của Nguyễn Công Hoan tỏa sáng trên văn đàn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Trong công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc, Nguyễn Công Hoan thuộc thế hệ mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên, vững chắc cho sự phát triển bền vững về sau, nhất là văn xuôi. Nhắc đến ông, người ta nhắc đến một bậc thầy về truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại.

Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan tựa như một bức tranh đa diện về những trò đời tréo ngoe, cười đấy mà cay xót khôn nguôi cho kiếp nhân sinh. “Báo hiếu trả nghĩa cha”, “Báo hiếu trả nghĩa mẹ”, “Đồng hào có ma”, “Mất cái ví”, “Tinh thần thể dục”, “Kép Tư Bền”… là những tác phẩm hay, in đậm phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, mỗi truyện gắn với tình huống trào phúng bất ngờ, người ta phá lên cười, song ngẫm lại đau xót thương tâm bởi nghịch cảnh éo le, nghĩa nhân đảo lộn.

Đọc truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của Nguyễn Công Hoan, tôi băn khoăn tự hỏi, chẳng biết trong cái đêm ba mươi trớ trêu ngày xưa ấy, anh phu xe hay cô gái “ăn sương” mới là người đen đủi, không may? Suy đi ngẫm lại, chỉ biết rằng kẻ khốn, gặp người khổ, bi đát gặp nhau, cay đắng xiết bao. Ngòi bút hiện thực giúp nhà văn vẽ nên những cảnh đời cùng quẫn, cơ hàn trong xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mỗi trang văn, một kiếp người, ai cũng khốn khổ như ai.

Phận người ngựa lắm nỗi gian truân, anh phu xe gia cảnh thật trớ trêu, gánh nặng mưu sinh đè xuống cái lưng còng của gã đàn ông còm cõi mới thoát chết sau một trận ốm. “Bao nhiêu tiền của dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả”, thành thử, túng phải tính, mệt vẫn phải cố, anh cố “vay cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo ăn Tết”. Bởi thế, “tám giờ tối ba mươi Tết”, anh phu xe vẫn lang thang hết phố nọ, phố kia. Phường phố vắng vẻ, nhà nhà đóng cửa, gã kéo xe “đói” khách, từ chiều đến đêm mới được “hai hào chỉ”.

Dù cho “khách áo gấm, áo nhung đi nhan nhản ở đường”. Song, mời mỏi miệng cũng chả có ai lên xe, anh phu xe “lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong”, tiếng thở dài ngán ngẩm sao mà chua xót. Phận đời bấp bênh tội nghiệp biết bao. Buồn ngủ, gặp chiếu manh, phận “ngựa người” gặp thân “người ngựa”, ngỡ may mà hóa rủi, phận hẩm duyên ôi, nhọc thân mà lại mất thêm tiền. Đúng là đã rách lại thêm nát, túng còn thêm thiếu, hi vọng chưa kịp nhen, vụt tan như bong bóng xà phòng.

Lầm lũi trong đêm, lê bước nhọc nhằn, anh xe “phấn chấn” trong lòng nghĩ đến cái “doanh thu” đêm cuối năm: “Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín. Chín hào. Mở hàng ngay vào lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Năm mới đã phát tài!”. Nhà văn rất khéo mở ra cho anh phu xe nghèo khổ viễn cảnh thì thoáng chốc, anh ta rơi vào thảm cảnh: Mất trắng.

Câu nói của ả “ăn sương”: “Cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?” phơi bày sự thật, và khép lại đêm ba mươi đen đủi của anh kéo xe bằng cú lừa ngoạn mục. Vào nhà săm cửa trước, cô ả chuồn cửa sau, anh xe bị quỵt tiền, năm mới chưa kịp phát tài, chỉ thêm phát khổ, tay trắng rồi lại trắng tay. Thảm thương cho kiếp cu li, chẳng biết sau khi “móc túi lấy bao diêm đốt vía”, phận nghèo còn đeo đuổi anh không? Viết về phận “ngựa người”, sau tiếng cười vẫn là nỗi đau đời, thương đời của người cầm bút.

Người ta khổ, song còn một chốn để về thì chưa phải cùng đường. Anh phu xe trắng tay, đen đủi bị quỵt tiền nhưng còn vợ, còn con để sum họp đoàn viên dù đói nghèo túng thiếu. Cô ả “ăn sương”, kiếp “người ngựa” mới bi đát, khốn cùng. Chẳng biết, sau hành động vào nhà săn cửa trước, trốn cửa sau, cô ả sẽ đi đâu, về đâu? Vất vưởng, trôi dạt, chìm sâu trong tủi nhục, đắng cay? Bởi thế, phận “ngựa người” khổ, song kiếp “người ngựa” mới tủi nhục, đáng thương hơn gấp bội phần.

Đêm ba mươi, tiếng pháo đì đùng, nhà nhà đón Tết, cô gái phải đi kiếm ăn mà ế chỏng ế chơ, hết phố nọ, sang phố kia mà xôi hỏng, bỏng không, chẳng ma nào tìm đến. Cũng phải, đêm trừ tịch, ai đời nào lại tìm đến “món hàng” này để vui xuân. Kì thực, cô gái “ăn sương” này không định quỵt tiền của anh phu xe. Cô mong gặp khách, kiếm tiền để trả tiền. Chẳng may, gặp cái tối “xúi quẩy” đành trơ mặt, vậy thôi. Bất đắc dĩ, “con ngựa người, kéo con người ngựa”, con “người ngựa” không ai đoái hoài, khốn khổ như nhau, nên thành kẻ lọc lừa.

Mỗi trang văn, một cảnh đời, ngòi bút chân thực của Nguyễn Công Hoan đưa người đọc khám phá mảng tối của xã hội thị dân trước cách mạng, ở đó những kiếp “người ngựa - ngựa người” cứ lầm lũi trong đêm, tội nghiệp xót xa. Tiếng cười trào phúng bật lên ngay từ nhan đề, kết hợp với cách kể khôi hài, người đọc tủm tỉm cười, song ngẫm ngợi vẫn thương cảm, nhói đau. “Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch...”, anh phu xe “nghiến răng, cau mặt, thủng thẳng dắt xe đi”, cô gái bán hoa lẩn khuất nơi nào? Cuộc đời khổ nhục của kiếp người ngựa, ngựa người luôn ám ảnh trong ta mỗi độ xuân sang.

Một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Phận tha hương
Văn chương khơi nguồn từ trái tim sẽ đi đến những trái tim, người đọc sẽ nhớ mãi không quên. Hơn ba mươi tuổi đời, vẻn vẹn sáu năm cầm bút, những truyện ngắn khơi nguồn từ trái tim của Thạch Lam mang vẻ đẹp riêng, lãng mạn mà vẫn rất đời, chan chứa niềm thương, niềm đau. Dõi theo những thiên truyện của cây bút biệt tài, người ta mến yêu “Hai đứa trẻ”; cảm phục “Gió lạnh đầu mùa”; say mê “Dưới bóng hoàng lan”; cảm kích với “Cô hàng xén”... Với tôi, mỗi truyện đều có dư vị riêng, song ấn tượng vẫn là “Tối ba mươi”, câu chuyện giản dị mà ám ảnh về phận người tha hương trong thời khắc Tết đến, xuân về.

Ngẫm về thiên chức của người cầm bút, ai đó đã sẻ chia một quan niệm chí tình, chí lí: “Nhà văn có thể viết về bóng tối, nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng”. Thiên truyện diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đêm ba mươi; không gian là một căn buồng nhà “săm”, ẩm ướt, nhếch nhác, bẩn thỉu, ô uế: “Cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn, cái thau gỉ, cái bô, và cái bàn gỗ rửa mặt gỗ đã mọt”.

Đó là khung cảnh của cuộc đời trụy lạc của hai cô gái bỏ quê, lên phố sống đời tha hương, Huệ và Liên. Đêm cuối năm, quãng phố hẹp vắng teo, cái se lạnh của ngoài trời thấm cả vào lòng người, “ngoài đường trời hẳn còn mưa, mưa buồn rầu và âm thầm trong bóng tối”, hai cuộc đời trơ trọi bám víu nhau trong nỗi hờn tủi, đắng cay.

Mỗi người một cảnh, họ vùi chôn đời mình trong cảnh ngộ tha hương. Huệ, mẹ chết, cha lấy vợ khác, không biết ở đâu, bảy tám năm không về làng, đêm cuối năm nàng vùi mình vào giấc ngủ trong căn buồng nhà “săm” lạnh lẽo. Đôi mắt “lờ đờ”, “nét mặt mệt mỏi”, “chút nước mắt rơm rớm ở hàng mi” của Huệ gợi bao nỗi ưu tư, “tâm hồn u ám, nặng trĩu”, cuộc đời “trụy lạc” rồi sẽ đi đâu, về đâu? Có nơi đi chẳng còn chốn trở về, kí ức đẹp nhất với Huệ còn lại chỉ là chút kí ức buổi sáng mồng một Tết năm nào, nàng không nhớ rõ.

Trong truyện, Huệ khổ, Liên thậm chí khổ hơn, “còn cha mẹ nhưng không dám về”. So với vẻ “bất cần” của Huệ, Liên chu tất, mạnh mẽ hơn, mấy thứ đồ ăn mua vội mua vàng ngoài phố chống đói cho mấy ngày Tết, sửa soạn cúng Giao thừa, an ủi động viên Huệ… nhưng cố tỏ ra can đảm thì lại càng mềm yếu, gắng gượng vượt lên cay đắng lại dưng đầy.

Với Liên, khoảnh khắc “tiến đến bàn thờ, đứng yên”, nghẹn ngào “biết khấn sao bây giờ” quả là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Thạch Lam thật tinh tế phát hiện chuyển biến tinh vi trong tâm hồn Liên: “Nàng bỗng nấc lên, rung động cả vai rồi gục xuống ghế, tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mi mắt, nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mang tràn ngập cả người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những mong ước tuổi trẻ, những thất vọng chán chường”.

Tiếng khóc tủi hờn, tiếng khóc thổn thức, tiếng khóc đắng cay của một kiếp tha hương, sống trong nhục nhã ê chề. Tiếng khóc tiếc cho mong ước tuổi trẻ đã vùi chôn, tiếng khóc cho năm mới, và cả những tháng ngày trước mắt nổi chìm, phiêu dạt. Đặc biệt, tiếng khóc ấy trở thành “Sợi tóc” mong manh níu giữ phần thiện, phần lương tri còn sót lại của cô gái giang hồ bán thân nuôi miếng. Xót đau cùng tiếng khóc của Liên, của Huệ trong đêm ba mươi đượm buồn, lạnh lẽo, bất chợt tôi nhớ đến cái “giật mình mình lại thương mình xót xa” của nàng Kiều “khi tỉnh rượu lúc tàn canh” trong kiệt tác của Nguyễn Du.

Thì ra, con người dẫu cùng cực, dẫu trôi nổi, muôn đắng ngàn cay thì phần Người vẫn sẽ còn vương sót, thiên tâm có thể bị vùi chôn nhưng không thể biến đi. Quan trọng là hoàn cảnh, cuộc sống có đủ khả năng lay tỉnh, giữ vững thiện lương của con người hay không?

Viết về phận đời tha hương của hai cô gái nhà quê bỏ lên phố sống đời “trụy lạc”, ngòi bút nhân đạo của Thạch Lam đâu chỉ cảm thương, mà quan trọng hơn nhà văn đã gửi gắm một niềm tin bất diệt vào bản tính lương thiện của con người. Niềm tin đó giúp ông phát hiện, tìm được ánh sáng trong “Những linh hồn chết”.

Kí ức về “căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật” của Huệ, giọt nước mắt tủi cực của Liên… sẽ mãi mãi là “thanh âm trong trẻo” giữa cuộc đời chìm nổi, tối tăm. Sinh thời, Thạch Lam chiêm nghiệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”.

Với truyện ngắn “Tối ba mươi”, dường như nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút. Viết về bóng tối, ông hướng con người khổ tìm đến ánh sáng, lay tỉnh tâm hồn, đánh thức lương tri. Câu chuyện về Huệ, về Liên khép lại, nhân gian hiểu thấu bài học sâu sắc, đừng buông thả, đánh mất mình để không bao giờ rơi vào nghịch cảnh trớ trêu, nước mắt sẽ không rơi trong khoảnh khắc nhói đau.

Trang văn rất đời và rất tình
Xuân đang gõ cửa muôn nơi, lòng người hân hoan cùng mai đào khoe sắc. Đọc truyện của hai cây bút “Vang bóng một thời”, ta thầm nghĩ về sức sống bất diệt của văn chương chân chính.
“Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”
(Nguyễn Văn Siêu).

Có thể khẳng định, những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam đích thực là áng văn chân chính “đáng thờ”, bởi những câu chuyện rất đời, rất tình đó đâu chỉ cần cho hôm qua, hôm nay, mà còn cả mai sau. Góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn học đầu thế kỉ XX, những truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, truyện ngắn trữ tình giàu chất thơ của Thạch Lam mãi để thương để nhớ trong trái tim người đọc, góp phần vang danh những cây bút tài năng của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Cuộc sống luôn là một bức tranh đa diện, bóng tối đồng hành cùng ánh sáng; no đủ, an vui đi bên cực nhọc, đắng cay. Những kiếp “người ngựa - ngựa người”, phận tha hương vẫn ẩn khuất đâu đây trên vạn dặm đường đời. Chỉ mong, sự đời đổi thay, nhân sinh nước mắt vơi đi, nụ cười nhiều lên cho đong đầy hạnh phúc. “Ngoài kia pháo hoa rộn khắp nơi. Cùng nhau đón Giao thừa đang tới. Bình minh vẫy tay chào ngày mới. Trong con tim tôi nghe những yêu thương tràn về...”.


Nguyễn Văn Luyện







Những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Nhà văn Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào”


Nhà văn Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn
“Cái tết của những nhà đại văn hào”

Nguyễn Trường Văn

(HNM) - Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan có một tác phẩm mà tiêu đề nghe hài hài và liên quan đến Tết: Đó là truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào”.


Truyện được viết vào đầu năm Canh Thìn (1940), theo đơn đặt hàng của một tờ báo Tết. Thời kỳ này, con đường văn chương của Nguyễn Công Hoan gặp nhiều trắc trở. Trước đó, năm 1938, nhà văn cho xuất bản tiểu thuyết “Bước đường cùng”. Sau khi sách phát hành được ít tháng thì có lệnh cấm lưu hành, thoạt đầu ở Bắc kỳ, rồi tới Trung kỳ và Nam kỳ. Ngày 29-9-1939, Nguyễn Công Hoan bị bắt ngay trên bục giảng, bị giải sang Sở Mật thám Nam Định để tống giam. May nhờ sự can thiệp của Đảng Xã hội Pháp nên nhà văn được tại ngoại. Cũng trong năm đó, Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyết “Cái thủ lợn” bị cấm in. Một loạt các truyện ngắn ông viết sau đó như “Êu êu Mê đo”, “Hồi còi báo động”, “Công dụng của cái miệng”... đã bị kiểm duyệt xóa bỏ gần hết. Tiếp đó, ông bị treo bút.

Nhắc vậy để thấy bối cảnh xuất hiện của “Cái tết của những nhà đại văn hào”. Năm Canh Thìn ấy, ngoài truyện ngắn nhắc tới trên, Nguyễn Công Hoan cũng chỉ sáng tác thêm vài ba truyện ngắn nữa (không như năm 1938, ông viết tới gần ba chục truyện ngắn).

Truyện kể về mấy anh văn sĩ nghèo kiết xác, người nọ tính đến nhà người kia ăn tết, thế rồi xoay qua xoay lại, cuối cùng họ quyết định tìm đến nhà văn sĩ Nguyễn “ăn chực”, vì tin rằng, văn sĩ Nguyễn là người “có lương của Nhà nước”, trong năm lại xuất bản được nhiều sách, chắc tiền nong dư dả, đủ “bao” anh em một cái tết. Ai dè khi họ đến thì văn sĩ Nguyễn đang trong thảm cảnh phải cho vợ chạy đôn chạy đáo vay tiền trả nợ nếu không muốn bị người ta kiện ra tòa.

Tuy rốt cuộc các “đại văn hào” (cách mà mấy anh em văn sĩ đùa vui gọi nhau) cũng được gia chủ đồng ý cho ở lại ăn tết với mình, song với điều kiện là chỉ bao khoản... ngủ.
Vậy là, các “đại văn hào” Việt Nam đã trải qua một trong những cái tết bi hài nhất trong cuộc đời họ: Trong khi ở làng, người dân quê đã diện quần áo mới, đội khăn mới, đi giày mới để đến nhà nhau chúc tết thì họ vẫn nằm tùm hum trong bóng tối mà bàn luận về thân phận người nghệ sĩ, những người “góp tâm trí vào cho cái Tết của thiên hạ thêm vui”, trong khi bản thân thì “phải nằm khàn, đắp chăn xù xù”, “ăn cái tết tinh thần”.

Truyện “Cái tết của những nhà đại văn hào” mang âm hưởng buồn nhiều hơn vui. Truyện đưa ra nhiều câu bình luận nghe vừa châm biếm hài hước nhưng cũng đủ khiến độc giả hiểu và thương cảm cho thân phận của nhân vật - những người mà độc giả cứ ngỡ là cao sang, quyền quý, trong khi thực chất đến tiền đi xe điện vài kilômét mà cũng không đủ, buộc phải rảo cẳng bách bộ. Khổ là vậy song họ luôn tìm cách “trấn an”, “động viên” mình bằng những câu đại loại như: “Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, “sau khi chết, nhà văn còn bất tử”. Ở đây, cũng cần nói thêm, không rõ các nhân vật trong truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào” phát biểu điều gì “phạm thượng” mà trong truyện ngắn nói trên, có một số đoạn bị mất chữ và được chú thích là “do Ty kiểm duyệt Pháp xóa”. Ngày nay, so với thời của Nguyễn Công Hoan, cuộc sống thay đổi nhiều. Song về cơ bản thì so với nhiều thành phần khác, các văn nhân thi sĩ vẫn thuộc lớp người gặp khó khăn, nhất là khi chế độ nhuận bút hầu như chỉ mang tính tượng trưng.



Nguyễn Trường Văn



Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Về Cái tết của những nhà đại văn hào


Về “Cái tết của những nhà đại văn hào”

hải đăng


(Hình ảnh một lớp người cầm bút tiền chiến qua truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào” của Nguyễn Công Hoan)


Đầu năm Canh Thìn (tức đầu 1940), Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào” này cho một số báo Tết. Cũng như những Một tin buồn, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Thế là mợ nó đi Tây - cái tên đặt cho thiên truyện có ý nghĩa mỉa mai. Thực chất, nó kể lại một cái tết nhếch nhác thảm hại của mấy người làm nghề cầm bút trước 1945.
Mở đầu thiên truyện là nỗi hí hửng của thi sĩ Vũ. Đang lo không biết sống sao cho qua mấy ngày tết, anh chợt nghĩ ra một lối thoát: đến ăn chực ở nhà cây bút tiểu thuyết Lê. Nhưng Lê cũng đang trong cảnh túng quẫn. Cả hai bèn nghĩ ra mẹo là rủ nhau nhảy dù đến nhà kịch sĩ Trần. Anh này cũng đang đói nốt, nên nhập ngay với Lê, Vũ, thành một bọn giong tàu điện về ám nhà Nguyễn. Song nhà Nguyễn cũng không khá gì hơn, vợ Nguyễn đi xoay món nợ khẩn chưa về. Đã tới bước đường cùng cả bọn không còn biết đi đâu thành ở đấy báo vạ. Cho đến sáng mùng một, “cả nước Nam, mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đang vui vẻ ăn Tết” thì bốn anh em vẫn “nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy”. Họ chỉ có cách “ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành và nói những chuyện văn chương” cho hết thì giờ.
Từ thiên truyện, cái ý nghĩa đập vào mắt mọi người đã quá rõ. Khi người trí thức kiếm chưa đủ sống, thì không ai có quyền đòi hỏi ở họ lòng tự trọng, chí tiến thủ, nỗi lo đời - cùng là đủ thứ phẩm hạnh cao quý khác. Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo - cái nghèo đã thành gia truyền trong các gia đình trí thức, từ thời Nguyễn Công Trứ (Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no” ) đến thế hệ Tản Đà, Nguyễn Công Hoan vẫn còn nguyên vai trò của nó. Nó là nguồn gốc của bao nhiêu chán chường oán giận thất vọng cay đắng từng đến trong lòng mỗi người. Hơn thế nữa, khôn ngoan đến cửa quan mới biết - giàu có đến ba mươi tết mới hay, cảnh tết “ngủ trừ bữa” của những Vũ, Lê, Trần... ở đây còn làm bộc lộ mấy căn bệnh độc ác đang hoành hành trong giới cầm bút bấy giờ.
Một là tâm lý A.Q, tự mình lừa mình. Trong cảnh khốn quẫn, họ tự an ủi “nghề của mình là nghề cao thượng nhất vì nó thật thà nhất... Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội này. Ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm và giỏi nói dối với nói phét”. Nghiêm khắc mà xét, phải nói đó là những ý tưởng hàm hồ: chính trong nghề văn không thiếu những kẻ dối trá, nịnh nọt, làm đủ việc độc ác để tiến thân, khiến người ngoài nghề không thể tưởng tượng nổi là có lúc họ đã viết nên bài thơ này cuốn tiểu thuyết nọ.

Nhưng thôi, cứ tạm cho qua. Lúc nghe thi sĩ Vũ bảo: “cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, người ta mới thấy họ đã đi tới cùng của lối tự mê hoặc, tự tạo ra những ảo tưởng hão huyền. Giá Vũ, Lê,Trần là những nhân vật có thực và đến nay còn sống, chắc họ sẽ thấy chả có thứ lịch sử văn học thế giới nào rỗi hơi nhắc tới những cuốn sách nhảm nhí cùng là ghi lại cảnh nghèo túng quẫn bách của họ cả.
Hai là, do đã bị cuộc sống hành cho khốn đốn quá lâu, ở những Vũ, Lê, Trần, Nguyễn này dần dần nảy sinh ra tâm lý cố thây trắng trợn mà họ không tự biết. Đây chính là lời Vũ bàn trên đường “hành quân” đến nhà Nguyễn: - Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói được. Nó không có nhà đã có anh em nó tiếp chúng ta. Và nếu không gặp ai, chúng mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hất hủi ba nhà đại văn hào à? Còn đây là lời Nguyễn nói với các bạn. - Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao, thì tao tống cổ bây giờ.
Cái giọng rất phũ ấy, một nhà văn - nếu thật sự là một trí thức - không có quyền nói, dù là nói đùa; ở đây, nhân vật không hoàn toàn đùa, đây là nửa đùa nửa thật!
Lại nữa, một câu tuyên ngôn của cả bọn: “Chúng ta là những đại văn hào chúng ta không cần gì hết”. Câu nói thoạt nghe vô thưởng vô phạt, nhưng ngẫm cho kỹ, thấy không được. Tư tưởng của các nhân vật lúc này đã đi gần tới sự hư vô, với họ chúa đã chết không còn gì là linh thiêng phải giữ gìn nữa. Từ thằng ăn cắp, anh lính gác đến các viên công chức quèn rồi các điền chủ phất lên thành hàn nọ, nghị kia, các quan phủ, quan huyện... nhân vật của Nguyễn Công Hoan thường có một số nét chung: trắng trợn, bất cần, đạp lên đạo lý mà sống ... tóm lại những cách nghĩ của bọn lưu manh. Lúc đầu, nhân danh cái nghèo, họ cho phép mình làm đủ thứ xấu xa, miễn sao sống sót. Về sau đã có danh có lợi rồi, thói quen suy nghĩ của bọn du thủ du thực trộm cắp lừa đảo vẫn còn nguyên trong họ.
Với “Cái tết của những nhà đại văn hào”, người đọc lại bắt gặp chất lưu manh ấy trong lớp người làm nghề thoạt nghe rất sang trọng là nghề cầm bút. Thật rõ - nhân vật nào nhà văn ấy. Trong khi mang dấu ấn riêng của Nguyễn Công Hoan, thiên truyện đồng thời phác ra một cách chân thực hình ảnh một lớp trí thức quặt quẹo được hình thành trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ này với những căn bệnh vô phương cứu chữa của họ.

Trích từ Chuyện cũ văn chương NXB Văn học, H.2001

hải đăng